Thông tin giá cả thị trường số 30/2017

12:00 AM 19/08/2017 |   Lượt xem: 4552 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hiệu quả từ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều

Năm 2017, tỉnh Bắc Giang đã có một vụ thu hoạch vải thiều thành công hơn mong đợi. Một trong những yếu tố làm nên thắng lợi này là sự góp sức của các hợp tác xã (HTX), chi hội, tổ, câu lạc bộ sản xuất, tiêu thụ vải thiều.

Xuất khẩu vải thiều thông qua HTX

Năm 2015, anh Nguyễn Văn Quyên (thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bắt tay vào trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng một vài anh em trong thôn, anh Quyên tham gia và trở thành thành viên của HTX tiêu thụ nông sản Hồng Giang do anh Nguyễn Văn Đông làm chủ nhiệm.

Từ khi là thành viên của HTX, mỗi vụ vải anh Đông và các thành viên đều được HTX phổ biến kinh nghiệm chăm sóc vải sao cho hiệu quả, chất lượng. Khi vải đến vụ thu hoạch, HTX lại kết nối với các công ty thu mua vải xuất khẩu để bán cho các thành viên. “Mặc dù số lượng vải xuất khẩu thông qua HTX chưa nhiều, mỗi hộ chỉ vài tạ đến 2 - 3 tấn, nhưng giá bán gấp 2 lần giá thị trường bên ngoài. Không chỉ giúp tăng lợi nhuận, mà gắn bó với HTX, mỗi thành viên cũng có ý thức hơn trong việc đảm bảo chất lượng vải theo đúng tiêu chuẩn VietGap để giữ uy tín với các đơn vị nhập khẩu” – anh Quyên chia sẻ.

Cũng theo anh Quyên, vụ vải 2017, nhiều hộ thu không đủ vốn vì vải mất mùa. Vậy nhưng, dưới sự hướng dẫn của HTX, gia đình anh Quyên đã tuân thủ đúng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, nhờ đó hơn 1 héc-ta vải của anh đã cho thu hoạch hơn 10 tấn. Với giá bán trung bình là 70.000 đồng/kg, kết thúc vụ vải, gia đình anh Quyên thu về gần 800 triệu đồng.

Không chỉ có anh Quyên, nhiều hộ trồng vải ở Bắc Giang đang tham gia và gửi gắm niềm tin vào các HTX, chi hội, tổ, câu lạc bộ sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Bởi lẽ, người trồng vải hiểu rằng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sẽ không cho hiệu quả bền vững. Cần phải có sự liên kết để từng bước chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Liên kết - mô hình cần nhân rộng

Theo ông Bùi Xuân Sinh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, đến nay toàn huyện đã thành lập 30 chi hội ở 30 xã, thị trấn, 351 tổ liên kết ở 374 thôn, bản về sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Qua sự liên kết này, các HTX, doanh nghiệp có đầu mối đặt hàng khi thu mua, không phải đi từng hộ ký hợp đồng. Nhờ cơ chế giám sát của HTX, chi hội, tổ liên kết, việc chăm sóc vải thiều dần được “chuẩn hóa”. Đặc biệt, tham gia liên kết, các gia đình hội viên đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả.

Câu chuyện ở xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn là một ví dụ. Bước vào vụ thu hoạch vải thiều năm nay, Chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều xã Đèo Gia được thành lập; cùng với  đó, tại 7 thôn cũng hình thành 7 tổ liên kết. Sau khi thành lập, chi hội đã yêu cầu các hộ cam kết thực hiện nghiêm quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cách ly đúng thời gian quy định. Các  thành viên trong tổ tự chia lịch đi tuần bảo vệ vườn đồi, đổi công giúp nhau thu hoạch vải thiều.

Với cách làm trên, chi phí sản xuất giảm đáng kể. Hơn thế, nhiều hộ dân dù không thuộc các nhóm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng tham gia Chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều, họ được chia sẻ kinh nghiệm nên đã biết áp dụng phương pháp chăm sóc đúng chuẩn. Nhờ đó, việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi hơn rất nhiều. Sự góp mặt của các tổ liên kết, nhóm sản xuất cũng phần nào giúp doanh nghiệp yên tâm hơn trong ký kết hợp đồng, hạn chế được thời gian lọc, lựa quả vải.

Từ hiệu quả nhìn thấy thông qua mô hình liên kết, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Tới đây, Lục Ngạn sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu và tự nguyện tham gia chuỗi liên kết. Không chỉ có trái vải thiều, mà các loại cây ăn quả khác như: cam, táo, bưởi... cũng sẽ được sản xuất và tiêu thụ dựa trên mối liên kết hiệu quả này.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Làm giàu từ trồng sả lấy tinh dầu

Ea Tir là xã vùng sâu của huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Tir đã mạnh dạn trồng sả lấy tinh dầu trên diện tích đất cằn cỗi. Cây sả đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần làm đổi thay đời sống của người dân vùng đất cằn sỏi đá.

Hiện toàn xã Ea Tir có hơn 100 héc-ta sả trồng trên đất sỏi đá. Từ một vài hộ trồng sả lấy tinh dầu, đến nay toàn xã Ea Tir đã có hàng chục hộ trồng và làm giàu từ cây sả. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng sả trên đất sỏi đá, tháng 2/2016, xã Ea Tir đã khuyến khích những hộ trồng sả thành lập Tổ hợp tác trồng sả nhằm liên kết những hộ nông dân, tìm đầu ra ổn định cho cây sả, tư vấn, giúp đỡ những hộ mới trồng về kỹ thuật canh tác cây sả. Đồng thời, xác định trồng sả lấy tinh dầu là hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo. Đặc biệt, thời gian thu hoạch sả liên tục trong năm nên người dân trong xã có được nguồn thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, để người nông dân gắn bó lâu dài với loại cây trồng này, sản phẩm tinh dầu sả cần có thị trường tiêu thụ lâu dài. Vì vậy, việc thành lập hợp tác xã nhằm liên kết người nông dân trồng sả, thống nhất từ khâu sản xuất đến khi ra sản phẩm, đảm bảo chất lượng của tinh dầu sả và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ là hướng sản xuất bền vững mà Tổ hợp tác trồng sả đang hướng đến. Chính quyền địa phương cũng  khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất sỏi đá sang trồng sả lấy tinh dầu; tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các hộ trồng sả thành lập hợp tác xã, xây dựng thương hiệu tinh dầu sả Ea Tir.

Hải Dương: Thương lái thu mua khoai lang tại ruộng

Vụ xuân hè 2017, diện tích cây khoai lang trên địa bàn huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã lên tới trên 100 héc-ta. Năm nay, khoai tiêu thụ ổn định khiến bà con nông dân phấn khởi.

Hiện nay, diện tích trồng khoai lang giống Hoàng Long trên địa bàn huyện Thanh Miện cơ bản đã thu hoạch xong. Với năng suất đạt từ 800 - 1.000kg củ/sào, giá bán cho thương lái tại ruộng là 7.000 đồng/kg, trừ chi phí sau 4 - 5 tháng trồng, chăm sóc, nông dân thu lãi từ 5 - 6 triệu đồng/sào. Dù lợi nhuận không cao bằng các cây rau màu ngắn ngày khác, nhưng bà con vẫn chọn giống khoai lang Hoàng Long bởi chi phí sản xuất thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, dễ thâm canh... Đặc biệt, vụ khoai năm nay, thương lái tới tận ruộng thu mua với giá tương đối ổn định nên bà con nông dân có lãi. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng giúp bà con có cơ hội tiếp cận thị trường qua việc giới thiệu giống khoai lang Hoàng Long tại các hội chợ thương mại. Đây là một kênh quảng bá sản phẩm nhằm giúp địa phương có điều kiện phát triển sản phẩm. Các cán bộ của Viện Cây lương thực - cây thực phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện… thường xuyên chuyển giao kỹ thuật trồng khoai lang theo phương pháp cải tiến, chăm sóc, bảo vệ thực vật... Cán bộ khuyến nông theo dõi, bám sát ruộng đồng để giải quyết các tình huống xấu cho nông dân. Vì thế, vụ xuân hè 2017 dù thời tiết không thuận nhưng cây khoai lang Hoàng Long vẫn cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon hơn trước.

Xác định khoai là một trong những cây trồng chủ lực, vụ thu đông sắp tới, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương sẽ phối hợp với doanh nghiệp thực hiện thêm mô hình sản xuất khoai lang Nhật để Thanh Miện trở thành vùng nguyên liệu trù phú.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Bình Định: Cá ngừ trái vụ trúng mùa, được giá

Hiện nay, mặc dù khai thác cá ngừ đại dương không còn chính vụ nhưng những tàu đánh bắt cá ở Bình Định vẫn đạt sản lượng khá, ngư dân có thu nhập cao. Niên vụ đánh bắt cá ngừ đại dương bắt đầu từ tháng 10 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 3 âm lịch năm sau. Hiện đã cuối tháng 6 âm lịch, chính vụ đánh bắt đã qua nhưng nhờ thời tiết thuận lợi nên trong những chuyến biển gần đây, các tàu khai thác vẫn đạt hiệu quả. Mặc dù lượng cá đánh bắt không nhiều nhưng nhìn chung chuyến biển nào cũng đạt sản lượng khá, mỗi chuyến ngư dân được chia 5 - 6 triệu đồng. Trong khi đó, vào thời điểm này năm ngoái, phần lớn các tàu câu cá ngừ địa dương đi đánh bắt đều lỗ, không có thu nhập như năm nay.

Sơn La: Bí đỏ giảm giá mạnh

Giá bí đỏ xuống thấp khiến bà con nông dân nhiều bản ở xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang lâm vào cảnh khó khăn. Bí đỏ chất đống ở sân vườn, kho chứa, thậm chí bí quả để thối trên nương người dân không buồn thu hoạch.

Hiện nay, giá bí đỏ chỉ có 1.600 đồng/kg với bí đã lựa chọn loại 1, còn lại bán đổ đống giá 500 - 600 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm năm ngoái, giá bí dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/kg. Giá này quá thấp, không đủ bù khoản vay trước vụ mùa để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Với 2.000 héc-ta đất sản xuất, Chiềng Sung là xã trọng điểm về ngô hàng hóa của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. 5 năm lại đây, giá ngô bấp bênh nên đời sống của nhiều nông dân gặp khó khăn. Vì thế, dù không được xã, huyện định hướng, bà con vẫn tự phát chuyển đổi nhiều diện tích ngô sang trồng dong riềng, nghệ và bí đỏ. Đặc biệt, những vụ trước bí đỏ được giá nên bà con nông dân ồ ạt mở rộng diện tích chỉ bằng sự thỏa thuận miệng với tư thương về liên kết, bao tiêu sản phẩm. Năm nay, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, giá bí đỏ giảm thấp, tư thương ép giá, nhiều tấn bí của nông dân Chiềng Sung thành hàng cho không hoặc để thối rữa trên nương.

Nghệ An: Trồng vừng thất thu

Sau bão số 2 vừa qua đã khiến toàn bộ diện tích vừng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị đổ rạp; nhiều hộ mất trắng, phải đi mót từng cây để vớt vát hạt giống cho mùa sau.

Dọc theo vùng đất màu các xã: Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn Trung… nhiều người dân đang đi cắt từng cây vừng bị bão làm đổ sạp để lấy đất trồng vụ mới. Mặc dù ngay sau bão, mọi người đều ra đồng, nhanh chóng tháo nước, chống ngập úng cho vừng, nhưng do gió mạnh nên hơn 90% bị đổ rạp, số còn lại bị nghiêng cây. Đối với cây vừng khi đã gãy đổ thì coi như mất trắng. Không những mất mùa, những hạt vừng sau khi mót cũng không đạt chất lượng như hàng năm nên bị thương lái ép giá. Hiện giá vừng đang giảm mạnh. Từ hơn 35.000 đồng/kg vừng đen nay chỉ còn 26.000 đồng/kg, các loại vừng khác giá 25.000 đồng/kg trong khi các năm trước, giá vừng các loại đều trên 30.000 đồng/kg.

Năm nay, huyện Diễn Châu trồng 2.000 héc-ta vừng hè thu. Do cơn bão số 2 đổ bộ đúng vào giai đoạn thu hoạch khiến hầu hết diện tích vừng bị đổ rạp, thiệt hại hơn 80% diện tích.

Quảng Trị: Người trồng cao su gặp khó

Sau cơn bão số 4, nhiều hộ trồng cây cao su dọc các xã ven biển tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề. Cuộc sống của bà con vốn khó nay càng khó hơn.

Tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có hơn 300 héc-ta cây cao su ngã đổ. Nhiều gia đình diện tích cây cao su bị đổ chiếm 70 - 80%. Trong đó, nhiều diện tích cây bị ngã đổ hết, gãy từ 1 mét trở lên và gãy ngang thân nên không thể tái tạo, không thể cạo mủ được, phải vứt bỏ. Những ngày qua, người dân ven biển huyện Vĩnh Linh bắt tay vào thu dọn cây cao su gãy đổ, chuẩn bị trồng mới.

Những năm trước đây, cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân đua nhau trồng tràn lan, không theo quy hoạch. Chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh báo việc trồng cây cao su ven biển; đồng thời, khuyến cáo bà con nên trồng các vành đai chắn gió bảo vệ vườn cây.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Chủ động dự trữ hàng hóa mùa mưa lũ

Xác định dự trữ hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống lụt bão, một số tỉnh đã chủ động dự trữ hàng hóa và các nhu yếu phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của bà con trong mùa mưa lũ.

Điện Biên: 18 tỷ đồng dự trữ hàng hóa

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Điện Biên, tổng lượng dự trữ hàng hóa đạt khoảng 18 tỷ đồng, bao gồm: 45.000 thùng mỳ ăn liền các loại, 80 tấn gạo, 1.000 thùng nước đóng chai, trên 2.000 tấm tôn lợp cùng nhiều đinh vít, dây thép... Lượng hàng hóa này được phân phối đến các khu vực thường xảy ra sạt lở, tắc đường trong mùa mưa lũ thuộc địa bàn các huyện biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông...

Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phải chủ động dự trữ các nguồn hàng để đảm bảo phục vụ hàng hóa thường xuyên cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, lợi dụng tình trạng mưa lũ nâng giá, ép giá; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường khi có tình huống chia cắt do mưa lũ cần tăng cường kiểm tra ở những địa bàn bị chia cắt để yêu cầu thương nhân bán hàng với giá như bình thường. Các lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá bất hợp lý gây mất ổn định thị trường trong mùa mưa lũ. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng; củng cố, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, tổ chức đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh việc chỉ đạo, Sở cũng định hướng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng các phương án dự trữ, điều tiết hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân.

Nam Định: Chú trọng đến thị trường các huyện ven biển và vùng trũng

Nằm trong khu vực có tầm ảnh hưởng của bão lụt và nước dâng lớn và sớm hơn các vùng khác trong cả nước, Nam Định đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến thị trường các huyện ven biển và vùng trũng.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh dự trữ 100 nghìn thùng mỳ tôm, 10 tấn bánh mỳ, bánh ngọt; 4.505 tấn gạo, 1.400 thùng nước uống đóng chai, 5.500 tấn lương thực, thực phẩm, 1.550 nghìn lít xăng, dầu các loại, 8.000 tấm tôn lợp, 1,5 tấn đinh vít, 3,5 tấn dây thép cùng nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác… Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đầu mối đã chuẩn bị đầy đủ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa dự trữ, bảo đảm thời gian dự trữ theo yêu cầu của tỉnh. Đồng thời, củng cố, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, cung ứng khi có lụt bão xảy ra; cam kết đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa và phương tiện giao hàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố lũ lụt, bão lớn trên địa bàn.

Sở Công thương Nam Định đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ hàng hóa. Phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố yêu cầu Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu tiêu dùng, sử dụng hàng hóa, nhu yếu phẩm của địa phương để hướng dẫn phương án dự trữ hàng hóa. Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch tập kết, dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng, phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân trên địa bàn khi xảy ra bão lũ với giá cả bình ổn; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hoá do thiên tai để tăng giá quá mức nhằm trục lợi. Khẩn trương rà soát hệ thống kho chứa hàng hoá, bến bãi, phương tiện vận tải, thiết bị... để kịp thời gia cố, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa trong điều kiện thời tiết bất thuận nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản, ô nhiễm môi trường khi có thiên tai, bão lũ xảy ra.

HÀNG VIỆT

Măng Tứ Quý bám rễ vùng đất cát khô cằn

5 năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trồng thử giống tre Tứ Quý để lấy măng. Thực tế cho thấy, giống tre này phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất cát khô cằn và cho hiệu quả kinh tế cao.

Điểm đặc biệt của loại tre Tứ Quý là cho măng quanh năm. Do chất lượng cao hơn nên vào mùa mưa, măng Tứ Quý có giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 – 5.000 đồng/kg so với một số loại măng mà người dân địa phương đang trồng như măng Tầm Vông, măng Mơn. Vào mùa khô, các loại măng thông thường ít nên măng Tứ Quý có giá khá cao, từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Trung bình một hộ gia đình trồng 3 sào tre Tứ Quý cho sản lượng 3 tấn măng/năm cộng với tiền bán giống, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Đặc biệt, do không phun thuốc bảo vệ thực vật nên măng Tứ Quý ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến kỳ thu hoạch, thương lái tới tận nơi thu mua, người trồng không bao giờ phải lo đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, nhiều hộ gia đình nhờ trồng măng Tứ Quý đã thoát nghèo, kinh tế dần khấm khá hơn.

Hội Nông dân xã Phước Thuận cho biết, trước đây, trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất cát khô cằn, mùa khô thiếu nước tưới nên nông dân bỏ hoang. Từ khi triển khai mô hình trồng tre Tứ Quý lấy măng, các diện tích đất này đều được bà con tận dụng để trồng và đem lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã Phước Thuận có 10 hộ trồng tre Tứ Quý lấy măng với diện tích hơn 5 héc-ta. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ vận động các hộ trồng tre Tứ Quý hình thành tổ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, từ đó nâng cao chất lượng măng, ổn định đầu ra của sản phẩm. Đồng thời, nhân rộng mô hình trồng tre Tứ Quý lấy măng tại các vùng đất bạc màu. Ngoài ra, các biện pháp thâm canh cây tre lấy măng cũng khá đơn giản nên hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn huyện đang có ý định nhân rộng mô hình này.

Qua 5 năm, các mô hình trồng tre lấy măng tại xã Phước Thuận đã cho thấy, đây là loại cây có thể phát triển tốt trên những diện tích đất xấu, đất hoang hóa, bạc màu, đất dốc. Bà con có thể tận dụng mọi diện tích đất trống, không bị ngập nước, nhiễm phèn để trồng. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn giúp tạo nguồn thực phẩm thường xuyên, tạo điều kiện để bà con tăng thu nhập.

Đắk Lắk:  Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho “Cá lăng đuôi đỏ”

UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đồng ý chủ trương cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột được sử dụng địa danh “Hòa Phú - Buôn Ma Thuột” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Cá lăng đuôi đỏ” và xác nhận bản đồ hành chính xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột.

Hiện nay, nông dân xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột đã tự nghiên cứu, thực nghiệm và xây dựng thành công mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ trong ao, hồ cho hiệu quả kinh tế cao và loại cá này đã trở thành đặc sản của địa phương.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Chống buôn lậu, gian lận thương mại ở Đắk Nông: Tập trung vào các mặt hàng trọng điểm

Thời gian qua, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và buôn bán vận chuyển hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp, trong đó có hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu gỗ trái phép trong khu vực biên giới. Các hình thức gian lận thương mại ngày càng phức tạp và tinh vi hơn do thị trường được mở rộng, các sản phẩm đưa ra buôn bán trên thị trường ngày càng nhiều. Nhất là đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu và một số mặt hàng tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa để tiêu thụ.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, chống kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên khâu vận chuyển hàng hóa; kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ vận chuyển các loại pháo nổ, hê-rô-in; kiểm tra các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu đối với đời sống người dân.

Trong các tháng cuối năm, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thường trực BCĐ 389 tỉnh phải tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thành viên triển khai các phương án, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực địa bàn quản lý. Đồng thời, xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức phối hợp bắt giữ bảo đảm hiệu quả. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã cần tập trung  quyết liệt vào việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, sản xuất phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Đồng thời, tăng cường truyền thông, thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng để phòng ngừa thiệt hại cho người dân. Trước mắt, tập trung thực hiện kế hoạch số 104/KH-BCĐ ngày 09/3/2017 của BCĐ  tỉnh về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với một số địa phương, mặt hàng trọng điểm như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các hàng hóa vật tư nông nghiệp y tế và an toàn thực phẩm.

Gas Petrolimex được dán tem chống giả

Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời khẳng định về sự an toàn cũng như chất lượng Gas Petrolimex, tất cả các sản phẩm gas bình Petrolimex đều đang được sử dụng tem chống giả tích hợp đồng thời 3 công nghệ với nhiều ưu điểm, chống làm giả, làm nhái gas trên thị trường toàn quốc. Việc kiểm tra, nhận biết gas bình Petrolimex là hàng thật, hàng giả sẽ được thực hiện thông qua tem chống hàng giả theo công nghệ: Công nghệ SMS; Công nghệ tem nước. Khi người tiêu dùng bôi nước lên phần màu vàng bên phải của con tem sẽ thấy hiển thị chữ “PETROLIMEX” màu đỏ. Bên cạnh đó, tem chống giả gas bình Petrolimex còn sử dụng công nghệ tia cực tím. Khi người tiêu dùng chiếu đèn tia cực tím (bằng đèn soi tiền) lên phần trái con tem, chữ “PETROLIMEX” màu xanh sẽ hiện lên. Nếu người tiêu dùng sử dụng đèn có 2 bước sóng, khi chiếu bước sóng 2, chữ “PETROLIMEX” trên tem chống giả sẽ hiển thị là màu đỏ.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)