Thông tin giá cả thị trường tuần từ 09/06/2014 đến 13/06/2014
04:12 PM 09/06/2014 | Lượt xem: 2902 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân miền núi và bà con dân tộc thiểu số, từ số 01 (ra ngày 03/01/2014), Chuyên đề DTTS&MN (Báo Công Thương) tiếp tục chuyên mục “Thị trường – Giá cả” với sự hợp tác của Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc (Dantoc online), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) và các hiệp hội, ngành hàng...
Gỡ khó cho tiêu thụ hàng nông, thủy sản
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 5 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 8,9 tỷ đô-la Mỹ, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình hình xuất khẩu trong tháng 5 đã giảm 8,2% so với tháng 4, trong đó một số mặt hàng nông sản, như: Chè, gạo, sắn và cao su đang giảm mạnh.
Sản xuất tăng, nhưng thị trường co hẹp
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), năm nay vụ lúa đông xuân được mùa tại 3 miền với sản lượng tăng 600.000 tấn; chăn nuôi gia súc, gia cầm phục hồi; nuôi trồng thủy sản sau một thời gian được giá cũng đã sôi động; việc đánh bắt hải sản mặc dù có biến cố trên biển Đông, nhưng vẫn tăng trưởng 5%. Sản phẩm tăng, nhưng thị trường co hẹp. Tình hình này khiến Bộ trưởng Bộ NN & PTNT - Cao Đức Phát lo lắng. Bộ trưởng cho biết: Khai thông và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu là yếu tố tiên quyết duy trì phát triển nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, nếu không tháo gỡ kịp thời giá sẽ xuống…
Vì thế, để kịp thời bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nhóm hàng nông sản và thủy sản, Bộ Công Thương vừa phối hợp cùng Bộ NN & PTNT tổ chức họp với nhiều hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng đã lưu ý: Hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản đang phải đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, vì chi phí đầu vào cho sản xuất, như điện, nước, nguyên liệu, vận tải... đều gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, áp lực cạnh tranh cao. Riêng giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, mặc dù tới thời điểm này, vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi biến cố trên biển Đông, nhưng nhiều nhận định cho rằng, nếu căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp diễn, thì xuất khẩu nông sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, tác động xấu tới hàng triệu hộ nông dân.
Xin “thương” doanh nghiệp nhiều hơn
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho hay: Xuất khẩu mặt hàng thủy sản trong 5 tháng đầu năm tăng gần 30% về kim ngạch so với cùng kỳ, nhưng “sức khỏe” của doanh nghiệp thủy sản lại cực kỳ khó khăn. Theo ông Dũng, doanh nghiệp thủy sản đang đối diện rất nhiều khó khăn từ bên ngoài, nhưng khó khăn bên trong thậm chí lớn hơn. Hiện nay thức ăn nuôi cá tra chiếm tới 80% giá thành sản xuất, nhưng Nghị định về cá tra được xây dựng cách đây 2 năm, lại không hề có một chữ nào liên quan đến quản lý thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, thức ăn cho cá tra đang bị thao túng bởi các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, ông Dũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành văn bản cần thương doanh nghiệp hơn, đừng gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.
Đối với ngành cao su, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết: Cao su là nhóm hàng có mức suy giảm xuất khẩu mạnh nhất 5 tháng đầu năm 2014 (giảm 20,5% về lượng và gần 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu cao su trong 4 tháng qua đã giảm 37,7% về lượng và hơn 50% về kim ngạch.
Trước những khó khăn, thách thức trên, Bộ Công Thương và Bộ NN & PTNT đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác, nhằm tăng cường phối hợp giữa các đơn vị của 2 Bộ, thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp đặt ra, sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản trong năm 2014 cũng như trong các năm tiếp theo.
Tại hội nghị, liên bộ Bộ Công Thương – NN & PTNT đã cùng các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trao đổi các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Trong đó, tập trung vào các vấn đề tiếp cận vốn vay để đầu tư vào sản xuất, chế biến, xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, cũng như có cơ chế phối hợp thông tin, trao đổi tích cực giữa các cơ quan hữu quan. Đồng thời, tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển thương mại, đàm phán mở rộng thị trường, dỡ bỏ các rào cản thương mại và kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Đi liền với đó là các nhóm giải pháp dài hạn liên quan đến công tác quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý chất lượng sản phẩm...
MUA GÌ |
Giá cá tra lại đảo chiều
Theo Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, hơn 2 tuần qua thị trường cá tra trong tỉnh đang gặp khó vì giá xuống thấp. Hiện cá tra loại tốt từ 800 gram đến 1 kg chỉ còn 22.000 - 23.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 2.500 đồng/kg so với tháng trước. Hiện nay giá cá tra giảm là do không vào được các thị trường như Nga, châu Âu và một số nước khu vực châu Á… Vì vậy các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ hoạt động cầm chừng, đảm bảo tiêu thụ cá trong vùng nuôi của công ty. Theo kế hoạch, diện tích thả nuôi cá tra năm 2014 của Đồng Tháp là gần 2.000 héc-ta, ước sản lượng 180.000 tấn. Nhưng đến thời điểm này diện tích thả nuôi trong tỉnh chỉ có 1.333 héc-ta.
Đồng bằng sông Cửu Long: Chanh mất giá do Trung Quốc ngừng mua
Tại Bến Tre, giá chanh hiện ở mức 17.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với tuần trước, trong khi mức giá chanh tại huyện Đức Huệ, Bến Lức (Long An) chỉ còn 10.000 đồng/kg và chanh không hạt còn 23.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm, Bến Tre - cho biết thị trường tiêu thụ chanh từ trước đến nay đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây Trung Quốc ngưng tiêu thụ chanh nên giá giảm.
Đắk Lắk: Mùa ớt... ngọt
Hiện toàn xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) có hơn 20 hộ trồng ớt, với diện tích trên 10 héc-ta, chủ yếu tập trung ở thôn 3 và thôn 7. Ớt Ea Wer quả căng đều, trơn mượt, có vị cay nồng nên được thị trường ưa chuộng. Mô hình này không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu. Từ tháng 6 âm lịch bà con đã gieo hạt, sau hơn 2 tháng rưỡi chăm sóc thì cây bắt đầu cho thu hoạch và thời gian thu quả kéo dài hơn 7 tháng. Ngoài việc dễ trồng, vốn ít thì đầu ra cho ớt lại khá ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua hết, trả tiền ngay. Hiện nay, đang bước vào mùa mưa nên ớt bán ra chỉ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, nhưng không vì thế mà làm buồn lòng người trồng ớt, bởi những tháng trước và sau Tết, giá ớt thường rất cao, ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, nên đã bù lại phần lớn cho giá ớt đang thấp hiện nay.
Hậu Giang: Giá gừng tăng cao nhất từ trước đến nay
Gừng là loại rau củ thực phẩm tiêu dùng hàng ngày nhưng có giá trị kinh tế thấp nên thời gian qua nhà vườn trong tỉnh hạn chế mở rộng quy mô sản xuất. Phần lớn diện tích gừng chỉ sản xuất ở phạm vi hộ gia đình. Giá gừng ở Hậu Giang liên tục tăng cao dẫn tới tình trạng cung thiếu cầu. Cụ thể, giá gừng được thương lái thu mua tại rẫy từ 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy theo loại, giá bán lẻ tại chợ dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tăng hơn gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá gừng tăng mạnh gần đây do nguồn hàng khan hiếm, nhu cầu xuất khẩu lớn trong khi đó lại trái mùa thu hoạch. Cùng đó, thị trường tiêu thụ nội địa tăng mạnh. Tuy nhiên, trước việc giá gừng tăng mạnh gần đây, nhiều nhà vườn có xu hướng chuyển sang trồng loại cây này dù biết nhiều rủi ro do chưa có kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế.
Nhằm hướng dẫn bà con sản xuất có hiệu quả, tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nhà vườn cần lựa chọn giống tốt, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật; tuyệt đối không sản xuất chạy theo phong trào, tránh xuống giống ở những nơi có thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hơn nữa, việc giá gừng tăng bất thường hiện nay không biết còn kéo dài bao lâu bởi giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc mở rộng diện tích sản xuất sẽ khó tránh khỏi rủi ro nên nhà vườn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư sản xuất.
Tiền Giang: Giá thanh long giảm mạnh
Tỉnh Tiền Giang có hơn 4.000 héc-ta thanh long. Hiện thương lái thu mua thanh long ruột trắng tại vườn giá dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 7.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với tháng trước. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay. Nhà vườn trồng thanh long ở Tiền Giang còn “đứng ngồi không yên”, do dịch bệnh đang bùng phát trên các vườn thanh long sau những cơn mưa đầu mùa. Đáng lo ngại nhất là bệnh đốm trắng đang tái phát trở lại do độ ẩm trong vườn cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 héc-ta thanh long nhiễm bệnh đốm trắng, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo. Bệnh tuyến trùng hại rễ thanh long cũng tấn công các vườn thanh long lâu năm, trồng ở vùng đất trũng, là nguyên nhân khiến các loại bệnh khác tấn công cây như: thối bẹ, thán thư. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cân nhắc, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng thanh long mới, cần tuân thủ quy hoạch của tỉnh để không gặp khó khăn về tiêu thụ trong tương lai.
Giá hồ tiêu một số tỉnh trong tuần
Thị trường |
Giá (đồng/kg) |
---|---|
Bình Phước |
150.000 |
Gia Lai |
148.000 |
Đắk Lắk |
148,000 |
Đắk Nông |
148,000 |
Châu Đức (BR-VT) |
152,000 |
Đồng Nai |
148,000 |
Giá cà phê nhân xô một số tỉnh trong tuần
Thị trường |
Giá (đồng/kg) |
---|---|
Đắk Lắk |
37,300 |
Lâm Đồng |
37,300 |
Gia Lai |
37,200 |
Đắk Nông |
37,200 |
BÁN GÌ |
Giá lúa gạo qua biên giới Việt – Trung tiếp tục tăng
Những ngày qua bất chấp những căng thẳng trên Biển Đông, giao thương tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc vẫn tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt là mặt hàng gạo.
Mặc dù giá cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi cửa khẩu Lào Cai vẫn đang duy trì ở mức rất cao (1,1 triệu đồng/tấn) do kiểm tra xe quá tải, làm đội giá thành gạo tại cửa khẩu thêm khoảng 500.000 đồng/tấn nhưng các khách hàng Trung Quốc vẫn chấp nhận. Các loại gạo đang bán chạy, nhất là các loại gạo chất lượng cao, vụ đông xuân. Những ngày cuối tháng 5, giá gạo IR 50404 loại 5% tấm (vụ đông xuân) khoảng 10.650 đồng/kg. Theo khảo sát giá gạo xuất tiểu ngạch, tại Đồng bằng sông Cửu Long, gạo vụ đông xuân cũng đạt 8.600 đồng/kg (luôn bao bì cập mạn tàu). Giá gạo xuất khẩu chính ngạch cũng tăng và đạt 400 – 410 đô-la Mỹ/tấn (tăng khoảng 10 đô-la Mỹ/tấn).
Tây Ninh: Giá sắn tươi tăng
Trong khi giá các mặt hàng nông sản khác như cao su, lúa, mía, lạc... đều giảm mạnh so với cùng kỳ thì mặt hàng củ sắn tươi tại Tây Ninh đã tăng hơn 300 đồng/kg, từ 2.100 đồng/kg (30 chữ bột) hồi đầu tháng tăng lên 2.340 đồng/kg. Với giá này người trồng sắn ở Tây Ninh thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/héc-ta, gấp 2 lần so với trồng mía và 5 lần so với cây lúa.
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất cả nước, được bố trí chủ yếu tại các huyện biên giới Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và Dương Minh Châu với diện tích bình quân hàng năm khoảng trên dưới 30.000 héc-ta, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn củ. Ngoài ra, các doanh nghiệp và cư dân biên giới còn đầu tư sang Campuchia trồng khoảng trên 1.000 héc-ta sắn, sản lượng khoảng 40.000 tấn để vận chuyển về Việt Nam chế biến sau thu hoạch.
Hành tây Trung Quốc lũng đoạn thị trường
Tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều nhà vườn, thương lái tích trữ hàng trăm tấn hành tây chờ cơ hội tăng giá để kiếm lời, nay trở nên trắng tay. Nguyên nhân là do hành cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường, bán với giá rẻ, khiến hành tây Đà Lạt không còn chỗ đứng.
Từ nhiều năm qua, chưa khi nào bà con trồng hành tây Đà Lạt lại lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay. Chính giữa vụ hành, giá tại vườn cũng chỉ vào khoảng 6.000 đồng/kg, giảm từ 4.000 – 6.000 đồng so với vụ trước. Với mức giá như vậy, bà con nông dân hầu như không có lãi sau hơn 3 tháng canh tác. Bởi trên thực tế, chi phí đầu tư cho mỗi sào hành tây (1.000m2) mất khoảng 30 triệu đồng, nếu bán với giá trung bình khoảng 9.000 đồng/kg, nhà vườn thu về không dưới 50 triệu đồng tiền lãi. Tình trạng này khiến nhiều gia đình và thương lái đã đặt cọc thu mua hành từ trước đành chọn giải pháp thuê người thu hoạch cho tất cả vào kho tích trữ.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng hành, từ giữa tháng 5 trở đi, khi hành tây Trung Quốc không còn ồ ạt đổ sang thị trường Việt Nam nữa thì hành tây Đà Lạt sẽ tăng mạnh, chắc chắn không thể dưới 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 18.000 đồng/kg bán tại vườn. Vì vậy, vào thời điểm thu hoạch hành tây vừa qua, thấy giá hành rẻ nên rất nhiều thương lái đã bỏ ra hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mua hành tích trữ chờ giá lên. Thế nhưng, đến nay đã quá nửa số hành trong kho của các gia đình bị hư thối, mọc rễ, trong khi giá bán chỉ 4.500 đồng/kg nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm.
Theo bà con nông dân, lý do hành tây Đà Lạt không bán được là do hàng cùng loại của Trung Quốc đang hoành hành trên thị trường Việt Nam. Tuy chất lượng hàng rất kém, có thể còn chứa nhiều nguy cơ tổn hại đến sức khỏe nhưng được bán với giá rẻ nên đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường. Giám đốc một công ty chuyên thu mua hàng nông sản cũng cho biết, hàng Trung Quốc đã phá hoại nông sản Việt Nam quá nhiều. Người làm vườn chỉ làm ăn được khi chưa xuất hiện nông sản cùng loại của Trung Quốc trên thị trường.
LUU Ý CẢNH BÁO |
Xuất khẩu cao su: Bài toán cần tính kỹ
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su của nước ta giảm tới 39,3%, kim ngạch chỉ đạt 472 triệu đô-la Mỹ. Trong đó tính đến hết tháng 4/2014, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 35,8% tổng lượng xuất khẩu cao su cả nước, giảm tới 37,7% về lượng và 53,4% về kim ngạch so với cùng kỳ. Nếu tình hình giá mủ cao su thấp như hiện nay kéo dài, các doanh nghiệp và bà con trồng cao su cũng rơi vào tình trạng khó khăn, bởi 50% sản lượng mủ cao su trong nước được tiêu thụ chính vẫn là thị trường Trung Quốc. Việc tiêu thụ lệ thuộc quá lớn vào một thị trường bao giờ cũng rủi ro cao và phần thiệt đương nhiên thuộc về phía bán. Bài toán ổn định thị trường cao su xuất khẩu cần tính kỹ trong dài hạn.
Vì sao xuất khẩu cao su giảm
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong tháng 4 đạt 38.378 tấn, trị giá 74,474 triệu đô-la Mỹ, đưa tổng lượng cao su xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2014 được 188.505 tấn, đạt 376,508 triệu đô-la Mỹ, với đơn giá bình quân khoảng 1.997 đô-la Mỹ/tấn. Nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì cao su xuất khẩu đã giảm 18,8% về lượng, 39,1% về giá trị và 25% về giá so với cùng kỳ năm 2013. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) giá cao su nguyên liệu trong nước giảm mạnh là do tác động từ thị trường thế giới. Cụ thể, các nước trồng cao su như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam có sản lượng tăng hơn dự báo. Ngoài ra, do diện tích cao su phát triển những năm gần đây của Lào, Campuchia, Myanmar đã đến thời điểm khai thác khiến nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu lại giảm vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Riêng 2 nhà nhập khẩu cao su từ 2 thị trường Trung Quốc và Malaysia với mức tiêu thụ hơn 70% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tồn kho khoảng 360.000 tấn, cho nên nhiều doanh nghiệp ở hai quốc gia này tuy đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam nhưng vẫn đang trì hoãn việc nhận hàng.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương mặc dù đứng thứ ba về xuất khẩu cao su, nhưng giá cao su xuất khẩu của nước ta luôn thấp hơn so giá bán cùng chủng loại của các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Indonesia… Nguyên nhân là do đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho riêng sản phẩm của ngành cao su. Chính vì vậy nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc thống nhất kiểm soát chất lượng nguồn nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su. Điều này dẫn đến chất lượng của cao su xuất khẩu từ Việt Nam không ổn định và làm cho uy tín, cũng như thương hiệu cao su Việt Nam thấp hơn so các nước trong khu vực. Và cái vòng luẩn quẩn trồng rồi lại chặt, chặt rồi lại trồng đối với cây cao su đang có nguy cơ tái diễn ở nhiều vùng miền trong cả nước.
Giải pháp ổn định thị trường
Từ lâu thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc nhập khẩu tới 70 - 75% toàn bộ giá trị xuất khẩu cao su. Nếu có sự tác động tiêu cực nào tới các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới "đầu ra" của những mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó riêng mặt hàng cao su thì khó có thể kích cầu tiêu dùng nội địa, bởi chủ yếu còn ở dạng thô, không có điều kiện tiêu thụ trong nước. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhằm đối phó với tình trạng cao su tụt giá, các doanh nghiệp cần giảm sản lượng kế hoạch, chậm mở miệng cạo vườn cây trồng mới, cắt giảm chi phí đầu tư thâm canh để duy trì doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014. Tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm kích thích, phân bón, tăng thời gian bảo dưỡng cho cây… để giảm giá thành sản xuất và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tăng tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm xuất tiểu ngạch thị trường Trung Quốc. Triển khai tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường mới có tính ổn định như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, ông Võ Hoàng An - Trưởng ban Xuất khẩu Tập đoàn Công nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: “Trong lúc giá cao su xuống thấp, giá thành sản xuất gần bằng giá bán mà Bộ Tài chính áp mức thuế 3% khiến cho doanh nghiệp và nông dân càng điêu đứng hơn. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính miễn thuế xuất khẩu để ngành cao su vượt qua khủng hoảng trong giai đoạn này”.
Về phía tiểu điền, cần tuân thủ các quy trình chăm sóc, khai thác và bảo quản mủ cao su, tránh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Các nhà máy sơ chế cao su, không sử dụng hóa chất cấm, có quy mô đủ lớn để tăng khả năng cạnh tranh, có phòng kiểm định chất lượng và quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào để đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Thừa Thiên - Huế: Vụ đông xuân được mùa nhưng mất giá
Những vụ trước giá lúa khoảng 7.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 8.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 4.800 - 5.000 đồng/kg. Theo tính toán, bình quân mỗi sào đạt trên 3,5 tạ chỉ bán hơn 1,7 triệu đồng, giảm gần 1 triệu đồng so với nhiều vụ trước. Trong khi đó, giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón vẫn không giảm, thậm chí còn tăng khiến người dân sản xuất không có lãi. Giá lúa giảm nhưng lại khó bán. Tới thời điểm này, các thương lái vẫn chưa liên hệ để thu mua sản phẩm. Ngoài lúa tồn đọng từ những vụ trước, dự báo vụ lúa này ở Quảng Điền có nguy cơ tồn đọng thêm vài trăm tấn nữa khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong việc tái sản xuất, đặc biệt là vụ hè thu 2014.
Vì lúa khó bán nên nhiều HTX trên địa bàn huyện có kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con xã viên sản xuất vụ hè thu. Chẳng hạn, HTX Đông Phú phải vay thêm tiền ngân hàng mua vật tư nông nghiệp, phân bón để bán nợ cho bà con xã viên. Vừa qua, HTX đã tổ chức bán nợ hàng chục tấn lúa giống, hàng ngàn tấn phân bón NPK cho xã viên, nông dân sản xuất vụ hè thu. HTX còn thực hiện việc giãn nợ các vụ trước nhằm giúp bà con có điều kiện sản xuất vụ tiếp theo. Cùng với việc bán nợ vật tư nông nghiệp, phân bón, Ban Chủ nhiệm HTX Đông Phú đang liên hệ với các lái buôn, các công ty tổ chức thu mua sản phẩm cho nông dân, ổn định đời sống.
Không riêng ở Quảng Điền, nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều có chung khó khăn là giá lúa giảm mạnh. Nguyện vọng chung là mong Nhà nước quan tâm, có biện pháp điều tiết, chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá ổn định; có biện pháp trợ giá cho dân đối với những vụ lúa bị rớt giá; hỗ trợ giống, các loại vật tư nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất.
Vạn Bình (Vạn Ninh - Khánh Hòa): Bấp bênh bí đỏ hồ lô
Khoảng 6 năm trở lại đây, bí đỏ hồ lô đã trở thành nông sản mang lại thu nhập khá cho người dân xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Tuy nhiên hiện nay, thị trường tiêu thụ không ổn định, tư thương ép giá đã khiến người trồng bí gặp khó khăn...
Hiện toàn xã Vạn Bình có khoảng 30 - 32 héc-ta với hơn 60 hộ tham gia trồng bí đỏ hồ lô, tập trung chủ yếu ở thôn Bình Lộc 2. Sản lượng và năng suất đều đảm bảo, trung bình 18 - 20 tấn/héc-ta. Nhưng giá bí xuống thấp, có thời điểm chỉ khoảng 2.800 đồng/kg (trong khi năm 2013, giá 1 kg bí đỏ hồ lô dao động từ 5.000 - 5.500 đồng/kg). Với mức giá này, lợi nhuận của người trồng giảm tới hơn một nửa.
Theo Chi hội nông dân thôn Bình Lộc 2, sở dĩ giá bí đỏ xuống thấp là do cước vận chuyển tăng cao, bị tư thương ép giá. Gia đình nào thu hoạch sớm ở giai đoạn thứ nhất (tháng 3) thì bán được giá hơn và có lãi chút ít. Hộ nào bí xấu, thu hoạch vào tháng 5 không những sản lượng thấp, giá chạm đáy, nhiều gia đình chỉ lấy công làm lời, thậm chí thâm vào vốn.
Bí đỏ hồ lô là loại cây hoa màu dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư cho giống, phân bón và thuốc trừ sâu thấp (1 sào khoảng 1,5 triệu đồng), thời gian thu hoạch gần 3 tháng. Lợi nhuận từ cây bí đỏ hồ lô mang lại gấp đôi so với trồng lúa trên 1 chân ruộng. Tuy nhiên, giá bí đỏ liên tục giảm trong thời gian gần đây đã khiến diện tích trồng bí của huyện Vạn Ninh giảm dần. Hiện nông dân chỉ còn sản xuất khoảng 40 héc-ta, tập trung chủ yếu tại 2 xã Vạn Bình và Xuân Sơn.
Hiện nay, nhiều loại nông sản trên thị trường đều rất khó khăn về đầu ra, không riêng gì cây bí đỏ hồ lô. Để người dân duy trì sản xuất đòi hỏi phải tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, ổn định. Nếu chưa giải quyết được vấn đề này, các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương cần có những cảnh báo, hướng dẫn kịp thời để người dân chủ động diện tích canh tác, giảm bớt thiệt hại khi thị trường có biến động.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng Ngãi): Trúng đậm mùa mực ở Trường Sa
Gần 3 năm qua nghề câu mực khơi xa ở xã Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) liên tiếp bị mất mùa, mất giá khiến nhiều ngư dân phải chuyển đổi sang nghề lưới vây. Thế nhưng mùa biển năm nay ngư dân trúng đậm mùa mực, giá thu mua lại tăng lên 30% nên bà con ngư dân rất phấn khởi. Bình quân, sau gần 3 tháng bám biển ở quần đảo Trường Sa mỗi tàu câu được 30 tấn mực khô, có tàu đạt 34 đến 37 tấn, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/tàu. Hơn 2 năm qua, giá mực khô liên tục sụt giảm, nhiều chuyến biển tàu thuyền ra khơi không đủ tổn phí. Vì vậy khi giá mực tăng 30% (bằng thời điểm cuối năm 2011) sẽ giúp nhiều ngư dân có thêm động lực để bám biển và cải thiện thu nhập cho gia đình.
Theo các ngư dân có kinh nghiệm, muốn câu được nhiều mực các tàu thuyền ở đây phải đi đến vùng biển quần đảo Trường Sa, cách bờ hàng trăm hải lý; đồng thời người thuyền trưởng phải thức trắng cả đêm lẫn ngày để điều khiển con tàu đi đúng hướng, dò tìm những nơi có nhiều mực để câu. Nếu tính thời gian tàu chạy phải mất 3 ngày, 3 đêm mới đến nơi. Mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 2 tháng đến 3 tháng mới vào bờ một lần, tổng chi phí lương thực, dầu mỡ trên 300 triệu đồng. Vì vậy mỗi chuyến ra khơi, tàu phải khai thác được 20 tấn mực khô trở lên mới có lãi dư giả.
Theo đại diện UBND xã Bình Chánh, địa phương có 103 chiếc tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 57 chiếc (chủ yếu ở thôn Mỹ Tân) hành nghề câu mực khơi xuất khẩu. 5 tháng đầu năm nay, ngư dân xã Bình Chánh đã khai thác được 1.450 tấn mực khô, giá trị ước đạt gần 110 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm giá trị khai thác hải sản ở xã chiếm từ 65 - 70% so với tổng giá trị kinh tế trên các lĩnh vực. Chuyến biển vừa qua, tàu nào ra khơi cũng đều trúng đậm, mực đầy ắp khoang thuyền. Vì vậy về đến bờ các chủ tàu tranh thủ bán mực, mua lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Mực được mùa, được giá đã giúp ngư dân có thêm động lực để tiếp tục vươn ra khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hướng dẫn kỹ thuật chế biến sâu hạt điều
Theo đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong năm nay phía Nhật, Mỹ sẽ cử các chuyên gia sang hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam về kỹ thuật chế biến sâu các sản phẩm hạt điều xuất khẩu. Sau khi đảm bảo hàng Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp Mỹ, Nhật sẽ nhập khẩu, phân phối trực tiếp đến các hệ thống siêu thị ở các nước này. Nếu đúng như kế hoạch hợp tác thì trong năm 2014, phía Nhật sẽ nhập khẩu 3 - 4 container/tháng các sản phẩm điều chế biến sâu như điều rang muối, snack điều, điều phủ mật ong, điều tẩm nước cốt dừa, tẩm chocolate…
Ngư dân Nhơn Lý (Bình Định) trúng đậm cá nục gai, cá giò
Từ cuối tháng 5/2014 đến nay, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn - Bình Định) hành nghề mành trủ trúng đậm cá nục gai, cá giò; có thuyền trúng lớn đến 26 tấn cá. Giá cá nục gai ngày đầu 90.000 đồng/két (1 két 12 kg), cá giò 50.000 đồng/két, do sản lượng đánh bắt nhiều hiện giá cá nục gai giảm còn 70.000 – 75.000 đồng/két và 40.000 – 45.000 đồng/két cá giò. Do sản lượng đánh bắt cao nên thương lái các nơi đổ về Nhơn Lý mua cá nục gai và cá giò về làm mắm. Các dịch vụ phụ trợ cũng hoạt động hết công suất: Vận chuyển cá từ thuyền vào bờ và từ bờ lên xe tải, gánh về các cơ sở chế biến nước mắm ở địa phương; hấp cá... Thậm chí, nhiều bà con đi gánh thuê thùng cá từ bãi lên đến xe tải cũng thu được hàng triệu đồng. Ngoài gánh cá thuê, nhiều hộ sắm thùng nhựa cho các chủ thuyền thuê đựng cá với giá 5.000 đồng/thùng.
Tây Ninh cấp phép nhập khẩu gần 300.000 tấn mía, sắn
Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, 5 tháng đầu năm 2014 Sở đã cấp 5 quyết định cho phép các doanh nghiệp trong tỉnh nhập khẩu 40.000 tấn sắn củ qua cửa khẩu phụ Vạc Sa; đồng thời xác nhận 62 trường hợp cho phép doanh nghiệp, cá nhân vận chuyển nông sản sau thu hoạch từ Campuchia về 20.000 tấn sắn củ và 230.000 tấn mía cây, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong tỉnh.
Niên vụ sản xuất 2013 - 2014, các doanh nghiệp toàn tỉnh đã hợp tác sản xuất sang các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia trồng 5.581 héc-ta mía, 1.090 héc-ta sắn theo bản ký kết hợp tác giữa tỉnh Tây Ninh và chính quyền 2 tỉnh Svayrieng và Kampongcham của Campuchia. Để khuyến khích các doanh nghiệp và cư dân biên giới bỏ vốn đầu tư sang Campuchia và vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Việt Nam, tỉnh Tây Ninh thực hiện chính sách miễn thuế nhập khẩu trị giá hàng hóa 2 triệu đồng lượt/ngày, đồng thời thành lập các tổ kiểm soát cơ động liên ngành hoạt động tại các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới để thực hiện công tác làm thủ tục nhập khẩu, kiểm dịch hàng hóa... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cư dân biên giới vận chuyển hàng hóa sau thu hoạch về Tây Ninh.
Đưa hàng Việt về nông thôn vùng cao, biên giới lạng sơn: Xác định làm bền bỉ, lâu dài
Với một địa phương đồng bằng, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn đã là một việc khó khăn. Với một địa phương miền núi, có biên giới dài như Lạng Sơn, việc đưa hàng Việt về nông thôn lại càng khó gấp nhiều lần. Hơn 4 năm qua, những nỗ lực đưa hàng Việt đã hiện diện rõ hơn tại miền đất này.
Dấu ấn 4 năm thực hiện
Lạng Sơn - nơi địa đầu tổ quốc – nơi hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc ồ ạt tràn vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và các đường mòn lối mở. Đây cũng là một trong những cửa cửa ải khó vượt qua nhất trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được. Hơn 4 năm qua (bắt đầu từ năm 2010), những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã lần đầu tiên tràn về địa phương nơi địa đầu tổ quốc này và thu được những hiệu quả đáng kể.
Ông Nguyễn Quốc Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, để triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn hiểu rõ vai trò của hàng Việt trong tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã được Sở Công Thương phối hợp với các DN trong và ngoài tỉnh thực hiện đều đặn từng năm. Bên cạnh việc mang hàng hóa có chất lượng đến cho người dân, nhiều hoạt động khuyến mãi đã được doanh nghiệp tổ chức nhằm hỗ trợ người dân mua được hàng hóa chất lượng cao với giá cả ưu đãi… Do đó, chương trình đã thu được những hiệu quả tích cực, không những giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối về khu vực nông thôn mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm mang thương hiệu Việt giá cả phải chăng.
Tính đến nay, đã có 14 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở nên quen thuộc và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trên địa bàn, như giày dép Hanh Tươi, rượu Thiên Sơn, giấy vở Hồng Hà… Ông Từ Thế Hiển (xã Yên Phúc – huyện Bình Gia) cho hay: “Tôi mong muốn có nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn vì hàng trong nước rất phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân do chất lượng tốt, giá cả phải chăng… Đặc biệt, hàng Việt càng đưa vào khu vực xa xôi, hẻo lánh càng tốt vì người dân những khu vực này thực sự có nhu cầu rất cao về hàng Việt”.
Khó không có nghĩa là chùn bước, dừng lại
Chia sẻ về hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, ông Nguyễn Quốc Hải cho biết, đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khi được triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. “Mong muốn lớn nhất của Lạng Sơn là đưa được các sản phẩm hàng Việt chất lượng cao đến với người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng cao hẻo lánh – ông Nguyễn Quốc Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn Lạng Sơn hoàn toàn không phải là hoạt động dễ dàng. Bởi lẽ mạng lưới phân phối hàng Việt tại khu vực này rất mỏng và yếu. Người tiêu dùng cũng quen với việc sử dụng hàng Trung Quốc và doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng bám trụ nơi này vì không có đủ sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là chùn bước, dừng lại. Càng khó càng phải nỗ lực. Theo hướng đó, hiệu quả của các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua, đã không chỉ được đo bằng lượng người đến thăm quan, số hàng hóa các DN tiêu thụ mà còn được đo bằng sự lan tỏa cũng như thay đổi nhận thức sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một hoạt động kiên trì bền bỉ và lâu dài. Bên cạnh việc khuyến khích, thúc đẩy người Việt Nam chọn lựa sử dụng hàng Việt Nam còn cần phải chứng minh sự chọn lựa đó là đúng đắn. “Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn để vừa giúp người dân mua được những sản phẩm chính hãng, vừa giúp DN từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước đẩy lùi các sản phẩm nhập lậu kém chất lượng, thiếu an toàn, không rõ ràng nguồn gốc” - ông Nguyễn Quốc Hải khẳng định.
HÀNG GIẢ - HÀNG THẬT |
Tăng cường chống thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu
Trong thời gian qua, số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu qua biên giới ngày càng tăng, vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã đề nghị Bộ Công an tham gia hỗ trợ công tác chống buôn lậu.
Theo số liệu của Bộ NN & PTNT, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong thời gian qua đang gia tăng. Mới đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 16 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu qua Lào Cai, Lạng Sơn. Điều đáng lo ngại là phần lớn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu là những loại không nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, thậm chí các đoàn kiểm tra còn phát hiện thuốc giả (giả nhãn mác, bao bì của thuốc được đăng ký sử dụng ở Việt Nam) là những loại thuốc có độ độc cao, nhiều loại đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam do gây mất an toàn cho người, cây trồng và môi trường.
Cách thức nhập lậu là các đầu nậu thuê người lao động vận chuyển qua đường mòn, lối mở, tập kết với số lượng lớn rồi đưa vào nội địa. Đa phần thuốc được đựng trong can nhựa, không có nhãn mác, hoặc ghi bằng chữ nước ngoài. Kết quả khảo sát trên thị trường cũng cho thấy, bà con nông dân vẫn mua và sử dụng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có gốc phốt pho hữu cơ và clo hữu cơ mà Việt Nam không sản xuất.
Theo Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Việt Nam chỉ có lợi cho các đầu nậu, còn người nông dân sẽ bị thiệt hại.
Bộ NN & PTNT cũng cho biết, thời gian tới sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, sửa đổi kịp thời để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ hơn và đề nghị Bộ Công an hỗ trợ.
Giúp nông dân nhận biết phân bón kém chất lượng
Hội nghị của Cục Quản lý thị trường về triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón tại 7 tỉnh duyên hải miền Trung diễn ra vào tháng 4 vừa qua đã đưa ra một con số: 50% mẫu phân bón được kiểm tra cho kết quả chất lượng kém.
Đây không phải là con số bất ngờ, vì nó đã liên tục xuất hiện trong các báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước từ gần chục năm nay. Thậm chí, tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.
Trên thực tế, sự chồng chéo trong cơ chế quản lý thị trường phân bón: Phân vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn phân hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với những ràng buộc hạn chế quyền hạn của quản lý thị trường, mức phạt hành chính quá thấp... được xem là những lỗ hổng pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh phân bón kém chất lượng phát triển.
Để có thể giải quyết dứt điểm vấn nạn này, bên cạnh các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, Nhà nước cần tập trung vào việc giúp nông dân tăng cường kiến thức để tự bảo vệ mình. Tất nhiên, không thể giúp họ nhận diện phân bón giả hay kém chất lượng vì ngay cả các chuyên gia cũng khó mà phân biệt thật, giả bằng mắt thường. Đồng thời, cho công bố rộng rãi những doanh nghiệp, nhãn hiệu làm ăn gian dối để nông dân tránh xa. Nhà nước cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín để tăng cường tuyên truyền đến nông dân và cung cấp cho thị thường đầy đủ các sản phẩm có chất lượng. Vì chính các doanh nghiệp phân bón làm ăn đàng hoàng cũng bị nạn phân bón kém chất lượng đe dọa. Trong đó, cách mà Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đang làm cũng là một điển hình để các doanh nghiệp khác noi theo. Bên cạnh sản phẩm đạm Phú Mỹ, đối với những loại phân bón Việt Nam buộc phải nhập khẩu do chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ như kali, SA, DAP..., PVFCCo đặt gia công, nhập khẩu từ những nguồn uy tín, đảm bảo chất lượng rồi cung cấp ra thị trường dưới thương hiệu Kali Phú Mỹ, SA Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ... và chịu trách nhiệm với nông dân về chất lượng của những sản phẩm đó.
((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))