Thông tin giá cả thị trường tuần từ 10/05/2014 đến 16/05/2014

04:14 PM 10/05/2014 |   Lượt xem: 2775 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Sắn và sản phẩm từ sắn: Thị trường tiêu thụ thiếu tính bền vững

Cây sắn được du nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 18 và được trồng trên khắp lãnh thổ nước ta do khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu và đất đai. Trước đây, sắn được xem là một loại cây lương thực cho một bộ phận không nhỏ nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cây sắn đang được chuyển đổi vai trò từ cây lương thực, thực phẩm thành cây công nghiệp hàng hóa...

Xuất khẩu sắn đứng thứ hai thế giới, nhưng bấp bênh về thị trường

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan và đã có mặt ở các quốc gia trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản… Với “chiến công” này, sắn và các sản phẩm sắn đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, được gia nhập nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ đô-la Mỹ/năm. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này đang có xu hướng giảm dần. Ví như, năm 2012, khối lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt mức kỷ lục với hơn 4,2 triệu tấn sản phẩm sắn các loại trị giá 1,35 tỷ đô-la Mỹ, tăng hơn 57% về lượng và gần 41% về giá trị so với năm 2011. Nhưng năm 2013 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 3,1 triệu tấn, với kim ngạch 1,1 tỷ đô-la Mỹ, giảm 25,7% về lượng và giảm 18,6% về kim ngạch so với năm 2012. Năm 2014, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm mới đạt 652 nghìn tấn với giá trị 206 triệu đô-la Mỹ, giảm 32,7% về khối lượng và giảm 30,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, diện tích trồng sắn của cả nước hiện là 560 nghìn héc-ta, với tổng sản lượng đạt gần 9,4 triệu tấn. Trong đó, 30% sản lượng thu được phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước làm lương thực, chế biến thức ăn chăn nuôi, công nghiệp dược phẩm, làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học, cồn công nghiệp, còn 70% được xuất khẩu dưới dạng tinh bột hoặc sắn lát khô.

Tuy Việt Nam xuất khẩu sắn đứng thứ hai thế giới, nhưng hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam (chiếm 85,6%). Tuy nhiên, trong năm 2013 nước ta xuất khẩu sắn sang thị trường Trung Quốc giảm 19,8% so với năm 2012, do các nhà máy sản xuất cồn Ethanol tại đây đã đóng cửa gần 70%, một số còn lại giảm công suất nên nhu cầu nhập khẩu sắn sụt giảm mạnh. Một điều đáng chú ý nữa là, giá xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nói riêng và thị trường thế giới nói chung hiện đang giảm, do nguồn cung từ các thị trường xuất khẩu khác (như Thái Lan và Indonesia) đang rất lớn.

Không nên trồng sắn ngoài quy hoạch

Yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải chủ động được thị trường và đặc biệt ưu tiên chính từ thị trường nội địa cho nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi và nhu cầu khác, nhất là sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH).

Tuy sắn được coi là một trong những nguyên liệu quan trọng để chế biến thức ăn chăn nuôi, nhưng nhiều năm qua, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta luôn trong tình trạng "đói" loại nguyên liệu này, bởi một lý do đơn giản: Sắn đã được thương lái thu mua để xuất khẩu. Nguồn cung thiếu, giá trong nước tăng cao, nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu khác thay thế, trong đó phần lớn phải nhập khẩu như: Ngô, cám gạo, đậu tương, lúa mì... với giá đắt đỏ. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao, khiến ngành chăn nuôi luôn bị thua lỗ.

Về nhu cầu sản xuất NLSH cũng chưa khả quan. Tính đến hết năm 2013, Việt Nam có 7 nhà máy sản xuất NLSH sử dụng nguyên liệu là sắn lát khô. Tuy nhiên, do việc sử dụng chưa được mở ra, nên hiện chỉ nhà máy Ethanol Dung Quất hoạt động với công suất 50 - 60%. Còn lại các nhà máy Ethanol chỉ sản xuất cầm chừng, thậm chí phải “đắp chiếu”.

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định: 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu bắt buộc sử dụng xăng sinh học E5 từ 1/12/2014 và đến ngày 1/12/2015 được sử dụng trên toàn quốc, sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ sắn tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lưu ý, các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương nên quan tâm chỉ đạo bà con nông dân chỉ duy trì diện tích trong quy hoạch, không để bà con phá rừng ồ ạt trồng sắn, gây thiệt hại cho người dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. 

MUA GÌ?

Lạng Sơn: Bí xanh được mùa, giá cao

Thời điểm hiện nay, người dân trồng bí xanh sớm ở tỉnh Lạng Sơn đang bước vào đầu vụ thu hoạch với niềm vui được mùa, giá cao.

Bí xanh là loại rau dạng ăn quả, có thời gian sinh trưởng từ khoảng 80 - 90 ngày; cùi dày, ruột đặc, ít hạt; chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, có năng suất và chất lượng ổn định, giá trị kinh tế cao nên được nhiều hộ nông dân ở các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình (Lạng Sơn) đưa vào trồng khoảng 10 năm nay, với diện tích khoảng 20 héc-ta. Trung bình 1 sào bí xanh có thể trồng từ 700 – 800 gốc, năng suất đạt 1,1 - 1,3 tấn. Thời điểm hiện nay, người dân trồng bí xanh sớm ở các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình đang bước vào đầu vụ thu hoạch bí với niềm vui được mùa, giá cao. Hiện bí xanh được bán với giá từ 10.000 – 13.000 đồng /kg, sau khi trừ chi phí mỗi sào lãi khoảng 9 triệu đồng. Theo các hộ trồng bí xanh cho biết, nguyên nhân giá bí xanh cao là do hiện là đầu vụ nên sản lượng còn ít, trong khi mưa kéo dài khiến rau xanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang khan hiếm. Ngoài ra, do bí xanh được các nhà máy thu mua về làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến bánh kẹo và nước giải khát nên nhu cầu rất lớn.

Tiền Giang: Sầu riêng có giá cao ổn định

Sầu riêng là 1 trong 7 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Trồng sầu riêng chỉ sau 4 năm tuổi đã cho thu hoạch và 5 - 6 năm năng suất ổn định ở mức 30 - 40 tấn/héc-ta. Các giống sầu riêng chất lượng cao như Ri6, Mong Thong... đang được thương lái thu mua tại vườn các xã ven sông Tiền, huyện Cai Lậy với giá từ 30.000 đồng/kg trở lên. Với mức giá trên, mỗi héc-ta sầu riêng cho nguồn thu 300 đến 400 triệu đồng. Để giúp nhà vườn phát huy lợi thế cây sầu riêng tăng thu nhập, ổn định cuộc sống đồng thời tiến đến làm giàu, tỉnh Tiền Giang quy hoạch các vùng trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến, khuyến cáo tuyển chọn giống tốt có chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với thu hoạch nghịch vụ, hiện một số nông dân nhạy bén ở Tiền Giang còn xử lý kỹ thuật để sầu riêng ra trái rải vụ, nhằm cung cấp cho thị trường quanh năm. Do đó, những năm gần đây, giá bán sầu riêng luôn ở mức cao, không còn điệp khúc trúng mùa rớt giá như trước đây.

Năm nay ĐBSCL có khoảng 41.000 héc-ta trồng xoài, sản lượng ước đạt 420.000 tấn. Tại Đồng Tháp, bà con đang khốn đốn vì xoài rớt giá và không tiêu thụ được. Theo ông Nguyễn Văn Dớt (ở TP. Cao Lãnh), khoảng nửa tháng trước, xoài cát Hòa Lộc loại 1 có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng một tuần trở lại đây giá xuống dưới 10.000 đồng/kg. Thậm chí một số thương lái còn chấp nhận bỏ tiền đã đặt cọc cho chủ vườn, còn nếu mua thì họ ép giá chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng/kg và chỉ lựa lấy xoài loại 1, loại 2. Riêng tại Tiền Giang, địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL với hơn 4.000 héc-ta, đang vào vụ thu hoạch. Tuy giá có nhỉnh hơn các tỉnh khác nhưng cũng đang trên đà rớt giá. Thương lái mua tại vườn từ 18.000 - 20.000 đồng/kg xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan 13.000 đồng/kg, xoài ghép 5.000 - 6.000 đồng/kg… nhưng chỉ mua xoài loại 1, có bao da, đảm bảo chất lượng trái đẹp và ngon. Nguyên nhân làm cho xoài năm nay rớt giá là vì chi phí vận chuyển tăng, đặc biệt thị trường chủ yếu là Trung Quốc, lượng tiêu thụ trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ. Do đó, khi hàng xuất sang Trung Quốc bị ứ đọng thì nông sản nói chung, xoài nói riêng bị dôi hàng, hạ giá, không thể tiêu thụ là điều hiển nhiên. Đã đến lúc phải nhanh chóng quy hoạch lại tổng thể diện tích từng loại cây và thị trường tiêu thụ, đồng thời hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giá một số vật liệu xây dựng trong tuần

Thị trường Chủng loại ĐVT Đơn giá (VND)
Cà Mau Xi măng Hà Tiên PCB40 Bao 71.000
  Sắt tròn phi 6-8 (Vicasa) Kg 14.750
Long An Xi măng Hà Tiên PCB 40 kg/bao Bao 89.000
  Thép XD phi 6-8 Kg 17.000
Đồng Nai Xi măng Hà Tiên PC 30 (bao 50 kg) Bao 82.000
  Thép XD phi 6-8 LD Nhật Kg 17.000
Trà Vinh Xi măng PC 40 Holcim Bao 87.000
  Xi măng PC 40 Hà Tiên 86.000
  Xi măng PC 40 Tây Đô 82.000
  Xi măng trắng HP 160.000
  Thép phi 6-8 LD Kg 15.000

Giá một số loại thức ăn chăn nuôi trong tuần 

Thị trường Chủng loại ĐVT Đơn giá (VND)
Bạc Liêu Thức ăn nuôi tôm Bao 746.000
Cà Mau Thức ăn gia súc gia cầm Carill Chai 11.800
Long An Thức ăn cho gà con Cargill loại 5011 Kg 12.000
Đồng Nai Thức ăn cho gà thịt 16.000

BÁN GÌ?


Miền Trung: Giá dưa hấu tăng vọt

Hiện nay, giá dưa hấu ở các tỉnh miền Trung đang tăng và lên tới gần 10.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, bà con nông dân cũng đang phấn khởi vì bán được dưa hấu cuối mùa với giá cao. Nhiều thương lái thu mua dưa hấu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định cho hay, phía Trung Quốc đang tăng cường nhập để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vào ngày hè. Trong khi đó, vụ dưa hấu ở nhiều tỉnh miền Trung đang rơi vào thời điểm cuối, số lượng giảm đáng kể so với tháng trước nên thương lái nâng giá mua cao.

Trước tình hình giá dưa hấu tăng vọt, hàng nghìn nông dân miền Trung tiếc nuối, xót xa vì thu hoạch không đúng thời điểm đã chịu lỗ nặng trong tháng trước. Căn cứ theo giá thị trường 10.000 đồng mỗi kg hiện nay, bà con nông dân ở nhiều vùng dưa hấu đã thu hoạch từ tháng trước như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mất số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng do bán giá rẻ bèo.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho rằng, để vùng dưa hấu ở các tỉnh miền Trung vừa được mùa, được giá giúp bà con nông dân thu nhập ổn định, không còn cách nào khác là quy hoạch bài bản, tránh thu hoạch cùng lúc gây ra tình trạng ùn ứ, dễ bị thương lái ép giá.

Đắk Lắk: Điều mất mùa, giá giảm

Thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, cây điều ở Đắk Lắk bước vào chính vụ thu hoạch nhưng ở nhiều địa bàn, điều bị mất mùa, giá tụt dốc khiến người nông dân thất thu. Tại huyện Ea Súp, nơi có diện tích điều tập trung nhiều nhất Đắk Lắk, với hơn 3.000 héc-ta, do thời tiết bất lợi, năng suất điều giảm hơn một nửa, còn bình quân dưới 1 tấn/héc-ta.Trong khi đó, giá điều hiện xuống còn 16.000 - 17.000 đồng/kg so với đầu vụ 23.000 - 24.000 đồng/kg. Giá điều thấp khiến xu hướng nông dân chặt bỏ điều để trồng cây khác càng tăng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, diện tích điều toàn tỉnh hiện còn khoảng 25.100 héc-ta, giảm so với cách đây 3 năm hơn 32.000 héc-ta.

Trà Vinh: Xuất khẩu 1 tấn thanh long ruột đỏ
Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ (Trà Vinh) cho biết, thông qua Công ty Nông sản Việt S (Đồng Tháp), hợp tác xã vừa xuất khẩu chào hàng thành công một tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Hoa Kỳ với giá bán 24.000 đồng/kg. Hiện phía bạn đã có đơn đặt hàng tiếp theo với công ty, trong tháng 5 tiếp tục xuất khẩu 2 tấn thanh long ruột đỏ của Đức Mỹ - Trà Vinh. Sản phẩm trái thanh long ruột đỏ của tỉnh Trà Vinh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa; mẫu mã, chất lượng, quy trình sản xuất đạt chuẩn để xuất khẩu. Để đầu ra của sản phẩm thanh long ruột đỏ được ổn định, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh hiện đang khẩn trương hỗ trợ các xã viên của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ hoàn tất các thủ tục để được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.

Trà Vinh hiện có hơn 65 héc-ta thanh long ruột đỏ được trồng tập trung tại các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Cầu Ngang, cho sản lượng hơn 1.000 tấn trái/năm, trong đó, xã Đức Mỹ (huyện Càng Long) chiếm hơn 30 héc-ta. Thanh long ruột đỏ được nhà vườn Trà Vinh chọn trồng là giống Long Định 1, loại giống này cho trái có trọng lượng trung bình từ 0,5 - 0,8kg/trái, mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Long An: Giá khoai mỡ giảm

Theo các nông dân ở ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An, vụ khoai năm chuẩn bị đến ngày thu hoạch nhưng giá khoai hiện tại chỉ còn 4.000 - 4.200 đồng/kg (loại 1), loại 2 và 3 (khoai dạt) chỉ có 1.000 - 2.000 đồng/kg. Toàn xã Thủy Đông có khoảng 2.000 héc-ta khoai mỡ, giá khoai năm nay ở đầu vụ quá thấp, năng suất cũng không cao nên nông dân không có lãi. Năm nay giá thấp nên nhiều hộ nông dân bỏ khoai mỡ, chuyển sang trồng các loại cây sắn, lạc...

Hà Tĩnh: Dưa bở được mùa, được giá

Việt Xuyên (Thạch Hà – Hà Tĩnh) là địa phương có truyền thống trồng dưa nứt (còn gọi là dưa bở) có tiếng. Cùng với cây lúa, cây dưa đã trở thành cây trồng quan trọng đem lại nguồn thu lớn cho bà con nơi đây. Đặc biệt, khi thời tiết nắng lên, nhiệt độ tăng cao dẫn đến nhu cầu về dưa để giải nhiệt cũng tăng lên khiến dưa ở đây dễ tiêu thụ. Hiện bà con bán dưa với giá khoảng 10.000 đồng/kg, mặc dù so với năm trước giá không tăng nhưng vẫn có lãi do năm nay dưa trúng vụ, to trái.

Đi dọc Tỉnh lộ 2 (TL2) đoạn qua xã Việt Xuyên, hàng trăm hộ dân bày bán những rổ dưa vàng óng, thu hút nhiều khách đi đường ghé lại mua. Đặc biệt, trong mấy ngày nghỉ vừa qua, bà con bán dưa dọc TL2 khá đắt khách do du khách trên đường về Ngã ba Đồng Lộc và lên Đức Thọ viếng mộ Tổng Bí thư Trần Phú đã dừng lại mua dưa ăn cũng như để làm đồ viếng.
 

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Tây Nguyên: Bà con “hoa mắt” trước thị trường ngô giống

Ở Tây Nguyên đang là thời điểm bắt đầu mùa mưa do vậy bà con nông dân nơi đây đang chuẩn bị các loại hạt giống như đậu, bắp, lạc, vừng... để gieo trồng cho niên vụ mới. Riêng về giống ngô, nhìn chung nguồn cung năm nay khá dồi dào, giá cả ít biến động... Tuy nhiên, hiện chủng loại hạt giống ngô năm nay khá đa dạng, phong phú khiến bà con nông dân “hoa mắt” khó lựa chọn.

Đa dạng về chủng loại

Là khu vực có diện tích đất nông nghiệp lớn, do vậy hàng năm vào đầu mùa mưa bà con nông dân thường mua hạt giống ngô về tỉa trồng cho kịp thời vụ. Lợi dụng sức mua này, hiện có rất nhiều công ty, tổ chức, cá nhân đưa hạt giống ngô vào thị trường Tây Nguyên tiêu thụ với rất nhiều chủng loại khác nhau. Các sản phẩm này được cung ứng đến tận các vùng nông thôn (thông qua các đại lý), phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con nông dân.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện trên địa bàn Tây Nguyên có hàng trăm chủng loại hạt giống ngô khác nhau, nào giống ngô nội, giống ngô ngoại, giống ngô liên doanh cũng có… trong đó phải kể đến một số giống ngô đang trồng phổ biến như: Giống ngô lai đơn LVN10; ngô lai đơn LVN 4; ngô lai đơn LVN 99; ngô lai VN8960; ngô lai LVN145; ngô lai đơn LVN14… Rồi đến các giống ngô nhập nội như: Giống ngô P11; giống ngô P60; giống ngô Pacific 848 (P848); giống ngô Pacific 963 (P963); giống ngô NK46; (nhập từ Thái Lan); các giống do công ty liên doanh nước ngoài và trong nước tạo ra như: giống ngô B.9681; giống ngô B9698; giống ngô B9797... Trung bình giá từ 35.000 – 120.000 đồng/kg, tùy theo từng loại giống ngô nội hay ngoại.

Với nhu cầu sử dụng ngô giống ở Tây Nguyên đang ngày càng tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung ngô giống cũng khá dồi dào, đa dạng, việc này góp phần ổn định thị trường ngô giống, tạo điều kiện cho bà con nông dân trong việc lựa chọn sản phẩm về trồng. Tuy nhiên, điều đáng nói đó là hiện bà con nông dân nơi đây đang băn khoăn không biết lựa chọn loại nào trồng cho phù hợp mà hiệu quả thiết thực, trong khi đó nỗi ám ảnh về các loại giống giả, giống kém chất lượng vẫn thường trực trong suy nghĩ của bà con.

Phong phú về... hội thảo, quảng cáo

Một nông dân thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nhà mình có 7 sào đất, hiện đã cày xới để chuẩn bị cho việc tỉa ngô, tuy nhiên hiện nay tại các đại lý trên địa bàn có tới hàng trăm loại giống ngô lai khác nhau, do vậy mình không biết lựa chọn giống ngô nào cho thích hợp và mang lại hiệu quả về năng suất nữa… Trong khi đó, giống ngô nào cũng quảng cáo là năng suất cao, sản lượng ngoài mong đợi, có khả năng chống sâu bệnh tốt, bộ rế bám chắc, thân cây chắc khỏe nên ít gãy đỗ, đến lúc thu hoạch mà lá vẫn xanh…”.

Không chỉ vậy, hiện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hàng ngày có hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo lớn nhỏ do các công ty, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống ngô tổ chức nhằm quảng cáo về sản phẩm của đơn vị mình. Điều này lại một lần nữa khiến bà con nông dân thêm “hoa mắt” về chủng loại ngô giống. Anh L. M - xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trong vòng một tháng qua, tôi nhận được trên dưới hàng chục cái giấy mời tham gia hội thảo giới thiệu về các loại giống ngô khác nhau. Giống ngô nào cũng giới thiệu với thời gian sinh trưởng ngắn ngày, bắp nào cũng múp hạt, lõi nhỏ… năng suất cao, thích nghi rộng, trồng được cả 3 vụ… Chính vì điều này khiến người nông dân chúng tôi luôn cân nhắc, suy nghĩ không biết chọn loại giống nào để gieo trồng”.

Sở dĩ bà con nông dân ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có sự băn khoăn, lo lắng bởi trước đó trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng ngô giống giả, kém chất lượng. Cụ thể như vừa qua báo chí đưa tin việc bà con nông dân tại xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã gieo trồng nhiều diện tích ngô NK67 hiệu Syngenta có xuất xứ từ Thái Lan, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phân phối, mặc dù cây rất xanh tốt nhưng lại không có hạt khiến người nông dân nơi đây phải đối mặt với việc mất mùa nặng nề.

Thiết nghĩ, để không nhầm phải giống kém chất lượng, ngoài việc bà con nông dân cần lựa chọn những giống do các công ty, đơn vị có uy tín ra thì ngành nông nghiệp cũng cần tư vấn, giới thiệu ưu thế, tính năng vượt trội kể cả những hạn chế của từng loại giống để bà con yên tâm chọn lựa. Ngoài ra cũng cần thường xuyên kiểm tra thị trường giống để kịp thời phát hiện những loại giống không rõ nhãn mác, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, công bố rộng rãi trên thông tin đại chúng để người dân nắm rõ.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Ngành chế biến cá ngừ đại dương đứng trước thách thức mới

Hiện cả nước có hơn 50 doanh nghiệp chế biến cá ngừ đại dương, tập trung ở các tỉnh miền Trung, trong đó chỉ khoảng 10 doanh nghiệp chế biến cá ngừ vằn.
Hầu hết các doanh nghiệp không chuyên về chế biến cá ngừ đại dương mà chế biến nhiều loại thủy sản, trong đó có cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, giá trị cá ngừ đại dương của Việt Nam còn thấp, do chất lượng cá nguyên liệu không đảm bảo. Đỉnh điểm là trong năm 2013, ngành chế biến cá ngừ đại dương có một cú “sốc” lớn khi năng suất cá ngừ đại dương tăng nhưng giá trị lại giảm mạnh. Ngoài ra, lượng cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam khai thác mới chỉ đáp ứng khoảng 40% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trong nước; còn 60% cá nguyên liệu phải nhập khẩu từ các nước lân cận. Nguyên nhân là do kỹ thuật câu cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam còn lạc hậu, dẫn đến chất lượng cá không đảm bảo.

Hiện các sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, đang được nhiều thị trường ưa chuộng như Nhật Bản, EU, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc… Trong thời gian tới, dự kiến các sản phẩm cá ngừ đại dương vẫn tiếp tục được các thị trường trên ưa chuộng, nhất là dòng sản phẩm tươi sống. Do vậy, thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam còn rất rộng mở. Tuy nhiên, theo xu hướng chung thì trong thời gian tới các sản phẩm chế biến thủy sản của các nước đều phải được chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council - Hội đồng quản lý biển) khi xuất khẩu, lưu hành sản phẩm. MSC có giá trị như một giấy thông hành, đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Tiêu chuẩn này giúp xác định nguồn gốc, lý lịch con cá như vị trí đánh bắt, thời gian đánh bắt… Hiện các nước nhập khẩu cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ vằn luôn yêu cầu người đánh bắt phải cung cấp lý lịch, nguồn gốc con cá. Việc đạt được chứng nhận MSC giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ các thị trường như EU, Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện ngư dân Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng tiêu chí MSC để xác định nguồn gốc con cá. Do vậy, đây có thể là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam trong một tương lai gần.

Tại hội nghị “Giải pháp và chính sách phát triển thủy sản” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì vừa diễn ra, Bộ NN & PTNT đã kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa bờ, hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển, hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong thủy sản; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương vay không lãi suất để đầu tư hạ tầng sản xuất… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nghiên cứu, sửa đổi và nâng cao hiệu quả một số chính sách về tín dụng để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá; hỗ trợ trang thiết bị thông tin liên lạc và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển… Tại hội nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cam kết thành lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng; đồng thời sẽ triển khai thí điểm chính sách tín dụng hỗ trợ các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Ngành thủy sản cũng như các ngư dân đang rất kỳ vọng những chính sách này sẽ tạo ra động lực phát triển mới trong những năm sắp tới.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Người dân không được hưởng lợi dù giá chuối tăng

Thời gian gần đây, chuối mốc tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được thu mua với giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy giá cao, nhưng nhiều thương lái trung gian tại địa phương chỉ mua với giá khoảng 3.000 đồng/kg, nên bà con ít có lợi.

Theo thống kê của Phòng NN & PTNT huyện Khánh Sơn, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 550 héc-ta chuối, thu hoạch bình quân hơn 450 tấn chuối/tháng. Hai tháng nay, chuối hút hàng nên giá cũng duy trì ở mức cao từ 6.000 - 7.000 đồng/kg (cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm này năm trước). Sở dĩ giá chuối mốc tăng cao thời gian qua là do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn. Từ cuối tháng Giêng đến khoảng cuối tháng Tư (âm lịch) là thời điểm phía Trung Quốc “ăn hàng” nhiều. Vì vậy, các vựa chuối xuất khẩu đi Trung Quốc đặt hàng khối lượng lớn. Nếu như trước đây, các thương lái chủ yếu thu mua chuối già thì hiện nay, do giá chuối tăng mạnh, hụt nguồn cung nên chuối chưa già vẫn được thương lái thu gom. Theo nhận định của các thương lái, giá chuối cao sẽ không duy trì được lâu, bởi đến đầu tháng 5 âm lịch, khi chuối ở Lào thu hoạch rộ thì thị trường Trung Quốc sẽ nhập nhiều chuối từ Lào. Khi đó, chuối từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc không nhiều, giá chắc chắn sẽ giảm.

Chuối hút hàng, giá tăng, nhưng không phải nông dân nào cũng vui mừng. Hiện nay, giá chuối được các thương lái thu mua bằng ô tô với giá hơn 6.000 đồng/kg. Tuy biết bán chuối cho các thương lái thu gom bằng ô tô thì giá cao hơn, nhưng nhiều hộ không dám bán, bởi đã trót “bán non” cho các thương lái trung gian tại địa phương. Từ đầu mùa, các thương lái trung gian ứng tiền mua chuối của nông dân khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg. Đến khi thu hoạch chuối, bà con sẽ phải bán cho họ để trừ nợ.

Do giá chuối tăng cao, tiêu thụ dễ dàng nên nhiều nông hộ ở Khánh Sơn tính chuyện mở rộng diện tích trồng chuối, hoặc chuyển đổi cây trồng khác sang trồng chuối. Tuy nhiên, theo UBND huyện, trước thực trạng giá chuối bấp bênh, người dân không nên mở rộng diện tích trồng chuối, mà chỉ duy trì diện tích trên địa bàn huyện khoảng 500 héc-ta.

Chí Đạo - Lạc Sơn (Hòa Bình): Hướng tới xây dựng thương hiệu cây dổi Mường Vang
Xã Chí Đạo hiện có trên 600 hộ dân, 2.800 nhân khẩu. Cả xã có trên 1 vạn cây dổi và số lượng cây tăng hàng năm vì bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Hai xóm có tỷ lệ 100% hộ gia đình trồng dổi là Be Trong, Be Ngoài. Giá trị kinh tế thu được từ cây trồng này đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế chung của xã.

Trung bình mỗi hộ dân trồng 10 cây dổi đang phát triển tốt. Nhiều hộ còn phát triển nhân rộng trồng thành rừng, có hộ lại phát triển mô hình ươm bán giống cây... Ưu điểm của phát triển cây trồng này là không mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ; sản phẩm là hạt lại dễ thu hoạch, bảo quản, chỉ cần phơi khô, không sợ hỏng, mốc và bán được quanh năm. Ý thức được giá trị của cây dổi nên khoảng chục năm lại đây, người dân trong xã đã không chặt bán cây nữa. Giá bán hạt dổi khô liên tục tăng trong các năm (năm 2013, giá hạt dổi tăng từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg hạt, đầu năm 2014, giá tăng lên 2,5 triệu đồng/kg). Dổi được giá, cộng với số lượng cây đến tuổi cho hạt tăng nên nhiều hộ gia đình đã có thêm khoản thu nhập để mua sắm, trang bị cho cuộc sống gia đình và có vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Hạt dổi Chí Đạo ngày càng nổi tiếng bởi mùi vị thơm, chuẩn, không đắng và không có sự pha trộn các loại hạt có hình dạng tương tự. Tuy nhiên, sản phẩm hạt dổi của bà con chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu do lái buôn tìm đến thu mua, nên xảy ra tình trạng ép giá... Hiện nay, UBND xã tích cực phối hợp với Hội Nông dân huyện, Sở KH & CN của tỉnh Hòa Bình thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể hạt dổi Lạc Sơn”. Đây là cơ hội giúp sản phẩm hạt dổi từng bước xây dựng một thương hiệu mạnh trên thị trường, vươn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và tiến tới khai thác tiềm năng xuất khẩu. Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp, phát triển diện tích dổi với quy mô lớn. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân huyện trợ giúp, hỗ trợ, hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dổi để cho ra những hạt dổi thơm ngon, đảm bảo đúng hương vị đặc trưng. Xã cũng khuyến khích bà con mở rộng sản xuất cây giống bán ra thị trường.

Cây dổi có dáng cao thẳng, tán lá xum xuê, tạo không khí trong lành, mát mẻ; gỗ dổi rất tốt để dựng nhà; hạt dổi là bài thuốc dân gian chữa một số bệnh như ngâm với rượu xoa bóp trị đau nhức xương, giã nát đắp vào rốn trẻ em để hạ sốt hay chữa đau bụng và trị ho; hạt dổi làm gia vị cho các món ăn với mùi vị thơm ngon đặc trưng được nhiều người ưa chuộng...

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Đắk Nông: Phân bón giả tiếp tục làm khổ nhà nông

Với nhu cầu sử dụng phân bón cho cây công nghiệp khá lớn, nên tỉnh Đắk Nông hiện có tới hơn 400 cơ sở kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, “thật giả khó lường” là hiện tượng đang diễn ra khá phổ biến với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phân bón tại địa phương này.

Nhiều chiêu hấp dẫn để bán... phân bón giả

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên, Đắk Nông là tỉnh có tiềm năng phát triển các loại cây công nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu, cao su và một số loại cây trồng khác… Theo đó, nhu cầu sử dụng phân bón của Đắk Nông là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu này, đến nay đã có hơn 100 nhà sản xuất và nhập khẩu cung ứng vào thị trường Đắk Nông, với 412 cơ sở kinh doanh trực tiếp.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, mấy năm gần đây, Đắk Nông đã xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu của thị trường, cơ chế chính sách của nhà nước cũng như sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc để tiêu thụ một lượng lớn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng này chủ yếu được gia công bằng công nghệ “cuốc xẻng”. Tức là dùng cuốc, xẻng để trộn phân bón chứ không hề có máy móc dây chuyền để sản xuất, không có phòng thí nghiệm, hợp đồng với đơn vị có chức năng để thực hiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm sản xuất ra…

Kết quả thanh kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm của 104 mẫu phân bón NPK, vi sinh các loại trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông năm 2013 mà thanh tra sở NN & PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết thực sự gây bất ngờ. Đó là chỉ có 50% các loại sản phẩm phân đạt chất lượng, còn lại đều là phân bón giả, kém chất lượng. Trong đó, hầu hết các loại phân này đều được tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa cho nhiều đồng bào dân tộc với các phương thức như: Đầu tư trả chậm, thanh toán trước 50%, hoặc bán với giá thấp hơn các loại phân bón có thương hiệu trên thị trường…

Sau khi sử dụng các loại phân bón này, hàng trăm hộ nông dân khốn đốn vì cây trồng bỗng dưng bị vàng lá, chết dần và chậm phát triển, đất đai bị nhiễm độc, bạc màu… Những vụ mùa được vun trồng bằng mồ hôi, hy vọng bỗng dưng mất trắng, đẩy nhiều người dân vốn đã nghèo nay lại lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất.

Khó khăn, vướng mắc trong xử lý

Trước thực trạng phân bón giả hoành hành, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Nông đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng là kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường, nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và các nhà kinh doanh hợp pháp. Theo đó, Chi cục đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh tổ chức trinh sát, khảo sát, lấy mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Kết quả thử nghiệm năm 2013 cho thấy, có 11/22 mẫu không đạt chất lượng. Cụ thể, với 7 mẫu đã kiểm tra, có 1 mẫu là hàng giả, 4 mẫu kém chất lượng, số còn lại là không niêm yết giá, vi phạm về nhãn... Tổng số tiền xử lý là trên 465 triệu đồng.

Tuy nhiên, đại diện Chi cục QLTT Đắk Nông cũng cho biết, kết quả kiểm tra trên chưa phản ánh hết thực tế, do việc lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng còn hạn chế. Bởi lẽ, theo quy định, hàng hóa có dấu hiệu vi phạm chất lượng mới được niêm phong lấy mẫu. Nhưng trong quá trình kiểm tra phân bón bằng mắt thường, sờ bằng tay không thể khẳng định được lô phân nào kém chất lượng để niêm phong và kiểm tra theo quy định.

Bên cạnh đó, do các trung tâm đủ tính pháp lý để thử nghiệm chất lượng phân bón rất ít và quá xa địa bàn Đắk Nông nên thời gian thử nghiệm mẫu khá dài. Nhiều trường hợp, đến khi có kết quả trả về, các đơn vị kinh doanh phân bón đã bằng cách này hay cách khác tẩu tán hết số phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã có.

Thêm vào đó, do thiếu kinh phí, lại gặp nhiều bất cập trong tiêu hủy… nên phân bón giả vẫn là vấn đề khó xử lý, không riêng gì với QLTT Đắk Nông.

LỜI KHUYÊN CHO BÀ CON

Phân bón rất khó phân biệt được thật - giả bằng cảm quan thông thường mà phải dựa trên kết quả phân tích của các trung tâm phân tích. Chính vì vậy, để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân, bà con nên chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó. Khi mua tốt nhất nên lấy hoá đơn hoặc giấy biên nhận để có bằng chứng về sau này. Trường hợp phát hiện ra phân bón giả, báo ngay với đội QLTT tại địa phương để kịp thời giải quyết.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)