Thông tin giá cả thị trường tuần từ 10/11/2014 đến 14/11/2014

04:06 PM 10/11/2014 |   Lượt xem: 2070 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lúng túng đầu ra

Nhiều loại trái cây đặc sản vùng ĐBSCL có lượng xuất khẩu lớn, thu về nhiều ngoại tệ như: Thanh long, dừa, mít, bưởi da xanh, xoài... Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, thị trường Trung Quốc hiện chiếm gần 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam, bởi đây là thị trường lớn nên có nhu cầu rất cao, nhất là trái cây nhiệt đới; giao thương với Trung Quốc có nhiều thuận lợi bởi đa số mua đứt bán đoạn, thanh toán nhanh chóng bằng tiền mặt tại chỗ; điều kiện và tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa xuất khẩu qua Trung Quốc không quá khắt khe; hàng hóa lại được xuất khẩu chủ yếu qua đường bộ, nên tương đối thuận tiện. Còn các thị trường khác, nhất là các nước tiên tiến, có yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, trong khi đó khoảng cách địa lý xa xôi, đòi hỏi công tác bảo quản hàng hóa từ 4 - 6 tuần nếu vận chuyển bằng tàu biển, hoặc bằng máy bay cũng đều phát sinh thêm nhiều chi phí, khó cạnh tranh. Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng đều xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là, giá cả hàng hóa không ổn định; khi gặp vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng hóa nông sản sẽ bị kẹt lại, không bán được, thậm chí phải bỏ, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) và người sản xuất. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều DN, địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản nói chung và trái cây “miệt vườn” nói riêng. 
Tìm thị trường mới

Trước tình hình xuất khẩu nông sản cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng gặp nhiều khó khăn, do nhiều nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản nhập khẩu. Để “tự cứu mình” các DN và nhà sản xuất vùng ĐBSCL đã có nhiều biện pháp khai thông, kích cầu thị trường nội địa. 

Hơn 5 năm qua, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức lễ phát động, tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề, ký kết thỏa thuận liên kết vùng để kết nối giữa các địa phương - nhà sản xuất và nhà phân phối nhằm ổn định cung cầu hàng hóa. Không chỉ vậy, nhiều địa phương như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An... đã phối kết hợp với nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh để đưa hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản địa phương vào hệ thống siêu thị, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra còn tích cực tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới ở châu Âu, New Zealand, Hàn Quốc… Gần đây, sau thanh long và chôm chôm, Mỹ vừa chính thức cho phép trái vải và nhãn Việt Nam xuất khẩu sang nước này. Đây là tín hiệu thị trường tích cực cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL và cả nước, giảm thiểu rủi ro khi lệ thuộc vào một thị trường nhất định..

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để cải thiện chất lượng sản phẩm với mẫu mã đẹp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm được điều này, trước tiên người nông dân cần được nâng cao trình độ sản xuất, tiến tới tạo sự ổn định về chất lượng, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác thông tin dự báo, theo dõi nắm bắt diễn biến giá cả, thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó cung cấp thông tin kịp thời cho các DN, nông dân để định hướng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

MUA GÌ

  Đồng Nai:  Ca cao được mùa, được giá

Theo nhiều hộ trồng ca cao ở các huyện Đinh Quán, Tân Phú, Thống Nhất (Đồng Nai), vụ thu hoạch ca cao năm nay không chỉ đạt về sản lượng mà còn được giá bán. Hiện giá ca cao tươi bán tại vườn đạt hơn 5.000 đồng/kg, hạt khô có giá 56.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, doanh nghiệp và Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đang triển khai đề tài mô hình chuỗi liên kết sản xuất và chế biến ca cao chất lượng. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp sẽ xây dựng mô hình thí điểm trồng ca cao năng suất với vườn cây giống đầu dòng để tạo ra những giống tốt, năng suất cao từ đó nhân rộng ra cho nông dân.
 
Tiền Giang: Sầu riêng bán giá cao

Tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), vùng chuyên canh sầu riêng lớn của Tiền Giang, giá sầu riêng thương lái thu mua trên dưới 70.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Mong Thong, trên 60.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Ri 6, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây là giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Gần đây, áp dụng kỹ thuật xiết nước và thâm canh khoa học, nông dân vùng trồng sầu riêng đã chủ động thu hoạch rải vụ quanh năm tránh tình trạng trúng mùa, mất giá. Với năng suất bình quân 20 tấn/héc-ta và giá hiện nay, nông dân có sầu riêng thu hoạch đúng thời điểm này đạt giá trị sản lượng 1,2 - 1,4 tỷ đồng/héc-ta, sau khi trừ chi phí lãi không dưới 1 tỷ đồng.
 
Đồng bằng sông Cửu Long: Lúa thu đông giá ổn định

Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 470.000 héc-ta trong số 732.000 héc-ta lúa thu đông. Các trà lúa còn lại đang phát triển tốt nên sản lượng vụ thu đông có thể đạt 3,7 triệu tấn. Bà con phấn khởi vì đạt mức lãi 35% trở lên, cao nhất từ trước đến nay. Mức giá lúa khô tại kho (loại thường) từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.850 - 5.950 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại một làm ra gạo 5% tấm từ 7.550 - 7.650 đồng/kg. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm có giá từ 7.400 - 7.500 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm từ 8.900 - 9.000 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 8.550 - 8.650 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng từ 8.000 - 8.100 đồng/kg.
 
Hậu Giang: Giá quýt đường xuống thấp

Hiện tại, mùa quýt đường chính vụ đang cho thu hoạch rộ nhưng giá từ đầu vụ đến nay giảm liên tục, xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Theo các nhà vườn, hiện thương lái mua quýt loại một (tại vườn) chỉ có giá từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, loại hai từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, so với thời điểm đầu vụ cách đây khoảng 1 tháng thì giảm đến 15.000 - 20.000 đồng/kg. Với giá quýt hiện tại, nhà vườn thua lỗ nặng, bởi chi phí đầu tư vụ này tăng cao, cộng thêm giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ngày một tăng. Nguyên nhân giá quýt giảm là do đang vào mùa thu hoạch quýt chính vụ ở nhiều nơi, cung nhiều hơn cầu. Nhiều nhà vườn chọn cách neo quả chín trên cây. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, vì loại quả này chín nhanh, khi quả chín, chậm thu hoạch chỉ 5 - 10 ngày thì đã rụng. Hơn nữa, Hậu Giang đang vào cao điểm mùa mưa, lũ tràn về, nên khó bảo quản diện tích quýt trong thời gian dài. Nhưng theo nhận định của thương lái, giá quýt đường khó tăng, bởi nhiều nơi đang vào cao điểm thu hoạch chính vụ, trúng mùa, sản lượng lớn, trong khi đó sức mua, tiêu thụ tại các chợ giảm.
 
Giá lúa, gạo tại một số tỉnh trong tuần

Thị trường

Sản phẩm

Giá (đồng/kg)

Châu Đốc

(An Giang)

Lúa IR 50404

4.900 - 5.000

Lúa OM 2514

5.100 - 5.200

Lúa OM 1490

5.100 - 5.200

Gạo CLC

    11.000 - 13.000 

Gạo thường

      9.000 -  9.500

Trà Vinh

 

Lúa tươi thường

4.800 - 4.900

Lúa tươi hạt dài

4.850 - 4.950

Lúa OM 4218

5.100 - 5.200

Gạo nguyên liệu 5% tấm

7.900 - 8.000

Gạo nguyên liệu 15% tấm

7.650 - 7.700

Gạo nguyên liệu 20% tấm

7.350 - 7.400

Tiền Giang

Gạo CLC IR 504

9.500

Gạo Nàng thơm chợ Đào

17.000

Gạo một bụi

10.500

Gạo Nàng thơm

16.500

Gạo Tài nguyên chợ Đào

14.000

  

BÁN GÌ

An Giang: Trồng bắp lai làm thức ăn gia súc

Huyện An Phú được xem là vùng chuyên canh cây bắp lớn nhất An Giang, chủ yếu trồng bắp lai phục vụ thị trường trong nước làm thức ăn gia súc. Toàn huyện mỗi năm sản xuất khoảng 4.000 héc-ta bắp, chủ yếu trồng bắp lai ba vụ. Hiện có nhiều nông dân đã bỏ lúa chuyển sang trồng bắp, vì bắp mang lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần, đầu ra luôn ổn định. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số hộ dân đã sử dụng sản phẩm thuốc Lacasoto 4SP giúp cây tạo hạt no đầy và đều trái. Các cán bộ khuyên bà con nên phun Lacasoto 4SP khi râu bắp đã khô, hạt đã tượng hình hoàn toàn và có màu vàng nhạt, còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch. Về liều lượng, do phun xịt trên bắp cần chậm, kỹ, tăng lượng nước khi phun mới đảm bảo đủ nước và thuốc cho cây.
 
Đồng Nai: Giá thu mua hạt tiêu đen tăng

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, giá hạt tiêu đen tại các đại lý nông sản trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Hiện tại, các đại lý đang thu mua trong dân với mức giá dao động từ 200.000 - 215.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với cuối tháng 9. Nguyên nhân giá tiêu tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ tiêu trên thị trường tăng mạnh. Một số nhà vườn trồng tiêu tại các huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ cho biết, lượng tiêu tồn hiện không còn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá liên tục tăng. 

Đồng Nai là một trong ba tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.000 héc-ta tiêu, tăng gần 2.000 héc-ta so với đầu năm 2013. Các huyện có diện tích trồng tiêu tăng nhanh là Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ, Thống Nhất... Ngoài tiêu thụ trong nước, hạt tiêu của Đồng Nai đã được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Thái Lan, Anh, Thụy Điển và Ấn Độ. Hiện nay, giá tiêu xuất khẩu của Đồng Nai xấp xỉ gần 8.000 đô-la Mỹ/tấn.
 
Tây Nguyên: Nông dân phấn khởi vì giá cà phê tăng mạnh

Hiện nay, các hộ trồng cà phê đều rất phấn khởi vì giá cà phê đang đứng ở ngưỡng khá cao so với các niên vụ trước và có xu hướng tăng lên từng ngày. Theo đó, giá cà phê nhân xô đang đứng ở mức 41.000 - 42.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg; giá quả tươi từ 8.500 - 9.000 đồng/kg, cao hơn 3.500 - 4.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước. Thông thường, vào đầu vụ, giá cả hay xuống thấp sau đó sẽ tiếp tục nhích lên ở giữa và cuối vụ. Năm nay, mới chớm vụ thu hoạch mà giá đã lên cao. Nếu diễn tiến giá cả theo đúng quy luật thì năm nay nhà nông sẽ có một vụ cà phê thắng lợi. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí người trồng lãi 35 - 40 triệu đồng/héc-ta.
 
Cà Mau: Cá cơm trúng mùa, được giá

Hàng năm cứ vào khoảng tháng 9 (âm lịch), ngư dân vùng ven biển Tây Cà Mau lại chuẩn bị ngư cụ ra khơi đánh bắt cá cơm. Niềm vui của ngư dân năm nay được nhân đôi khi cá cơm trúng mùa, được giá. Đây cũng là hình thức đánh bắt gần bờ, phù hợp với những ghe tàu nhỏ, đi về trong ngày. Vùng chuyên đánh bắt cá cơm tập trung tại các cửa biển thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển... Trong đó, cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) là hai điểm được người dân tập trung trao đổi mua bán mặt hàng này. Theo một số ngư dân đánh bắt tại Sông Đốc, năm nay đầu ra cho cá cơm rộng mở hơn, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được các doanh nghiệp chế biến thu mua để xuất khẩu. Hiện giá cá cơm tươi từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng tốt xấu. Cao hơn năm trước khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Theo tính toán, khoảng 4 ki-lô-gam cá cơm tươi sau khi phơi sẽ được 1 ki-lô-gam cá khô. Giá cá cơm khô được thương lái thu mua trung bình từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Cá cơm có ba loại phổ biến, cá cơm bún (là loại cá cơm nhỏ và trắng như cọng bún), loại này hiếm và đắt nhất, giá lên tới 90.000 đồng/kg. Còn cá cơm đầu nhọn là loại cá phổ biến nhất được bán với giá 50.000 đồng/kg. Cá cơm đầu bằng giá chỉ khoảng 35.000 đồng/kg do loại cá này dẹt và ít thịt hơn. Tính trung bình, với giá cá cơm khô như hiện nay cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 10.000 đồng/kg.  

LƯU Ý CẢNH BÁO

 Đồng bằng sông Cửu Long: Nuôi tôm như... đánh bạc 
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...

Giá tăng, giảm thất thường

Dọc các tỉnh ven biển ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là những nơi phát triển mạnh nghề nuôi tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, bà con ngư dân nơi đây luôn lo lắng bởi giá cả tăng, giảm thất thường. Thậm chí nhiều hộ còn cho rằng, nuôi tôm bây giờ giống như “đánh bạc” với thị trường, mà ở đó nông dân luôn thua cuộc, bởi thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ. Tại Sóc Trăng, thời gian qua, bà con đã tập trung nuôi tôm sú. Tuy nhiên, 3 năm liền (từ 2010 - 2012) dịch bệnh ập tới trên diện rộng làm tôm chết tràn lan, có hộ thả đi thả lại 2 - 3 đợt nhưng tôm vẫn chết, gây thiệt hại nặng nề. Trước tình hình này, năm 2013, bà con chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và được giá cao. Do vậy, vụ nuôi 2014 này, diện tích tôm thẻ tăng chóng mặt ở khắp các địa phương ven biển ĐBSCL. Tại những vùng nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp… bà con vẫn tự ý đào ao, khoan giếng để nuôi tôm thẻ chân trắng. Sự bùng nổ tôm thẻ chân trắng đã kéo theo hệ lụy khi giá tôm thời gian qua giảm mạnh, cộng với dịch bệnh bùng phát làm tôm chết hàng loạt. Nhiều hộ bị thiệt hại nặng nề, không có tiền trả nợ vay ngân hàng. Nguyên nhân là do trước đây, tôm thẻ chân trắng hút hàng, giá cao vì thương lái Trung Quốc tăng thu mua, cộng với nhiều nước châu Á bị dịch bệnh khiến sản lượng giảm mạnh. Nay các nước đã khôi phục lại dần vùng nuôi tôm, thương lái Trung Quốc cũng hạn chế mua nguyên liệu, nên giá tôm thẻ chân trắng giảm trở lại. 

Điều đáng lo ngại hiện nay là không chỉ diện tích nuôi tôm sú được chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, mà nhiều nơi bà con còn phá bỏ đất trồng mía, trồng dừa, hoa màu, các loại thủy sản khác… để đào ao nuôi tôm thẻ. Điển hình là ở  huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), bà con đua nhau phá bỏ ruộng mía bởi giá quá thấp để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Dù là địa phương mới nuôi tôm, nhưng diện tích đến nay đã tăng lên 1.400 héc-ta. 

Phát triển vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp 

Trên thực tế, việc mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu là do tự phát, chạy theo thị trường. Mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo nhưng vì lợi nhuận trước mắt, bà con vẫn đua nhau nuôi. Thực tế ở nhiều nơi như Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh... do diện tích tôm thẻ chân trắng phát triển quá nhanh, nên ngành chức năng không đầu tư kịp về thủy lợi. Khi hệ thống thủy lợi không đảm bảo sẽ là mối nguy hại sau này, bởi tôm thẻ chân trắng rất dễ phát sinh dịch bệnh và lây lan rất nhanh. Ngoài ra, nguồn điện cũng không đủ đáp ứng cho mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mở rộng quá nhiều.

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cơ cấu vốn đầu tư cho phát triển thủy sản sẽ được điều chỉnh. Đến năm 2020, sẽ ổn định sản lượng tôm nuôi khoảng 700.000 tấn. Phát triển vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp, tập trung sử dụng công nghệ cao, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Song hành với việc cơ cấu lại nguồn vốn, cần sớm tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ giữa người nuôi với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học... Về lâu dài cần đầu tư mạnh hơn cho nghề nuôi tôm về thủy lợi, con giống, quy hoạch lại vùng nuôi hợp lý. Đặc biệt, cần nhanh chóng triển khai mô hình nuôi tôm có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp về nuôi trồng lẫn xuất khẩu. Trong đó, chú trọng hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, tư vấn thời vụ nuôi hợp lý nhằm tránh tình trạng giá tăng, giảm thất thường như thời gian qua.  

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

 Quảng Trị: Hàng Việt được ưa chuộng ở chợ truyền thống
 
Là một trong những trung tâm mua sắm lớn của tỉnh Quảng Trị, chợ Đông Hà hiện có trên 1.700 hộ kinh doanh với khoảng 1.400 gian hàng các loại. Từ 2 năm trở lại đây, hàng hoá Việt Nam đã chiếm ưu thế so với các hàng hoá không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, đối với nhóm hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng, hàng tươi sống, hàng Việt Nam chiếm gần 100%.

Trước sự thay đổi về nhận thức của người tiêu dùng, các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ Đông Hà đã đồng hành cùng hàng Việt. Phần lớn hàng hoá của các tiểu thương bày bán đều do các doanh nghiệp trong nước cung cấp, có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng. Người tiêu dùng bây giờ khi mua bất cứ một mặt hàng nào cũng xem kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng. Khi nào chắc chắn là hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất mới lựa chọn. Do vậy, người kinh doanh cũng lựa chọn những thực phẩm trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có uy tín trong nước cũng đã phối hợp tích cực với tiểu thương để đưa hàng hoá chất lượng cao với giá hợp lý vào chợ truyền thống. 

Không riêng chợ Đông Hà, các chợ trên địa bàn tỉnh như chợ thị xã Quảng Trị, chợ Hồ Xá (Vĩnh Linh)..., hàng Việt Nam đều chiếm ưu thế với nhiều thương hiệu bánh kẹo Hà Nội, Bibica, Kinh Đô; sữa Vinamilk; cà phê Trung Nguyên; nhựa Duy Thành... Đặc biệt, trong nhóm hàng thực phẩm, hàng trong nước chiếm ưu thế, số lượng mặt hàng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất cũng chiếm số lượng lớn và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. 

Đối với các chợ vùng cao, thị phần hàng Việt Nam cũng đang dần chiếm ưu thế so với các hàng hoá không rõ nguồn gốc. Như tại chợ Đắkrông trước đây, hàng hoá nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ chiếm trên 50% thì hiện nay còn khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, do thu nhập của người tiêu dùng ở địa bàn nông thôn, miền núi còn hạn chế, việc bày bán các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, bà con tiểu thương mong có sự hỗ trợ, phối hợp của doanh nghiệp trong việc phân phối hàng hoá, đưa hàng đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý để các tiểu thương có điều kiện cung cấp đến người tiêu dùng.  
 
Bình Định: Đưa sản phẩm địa phương vào siêu thị
              
Vài năm gần đây, sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất tại địa phương và các siêu thị - kênh phân phối bán lẻ hiện đại - đang mở ra cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Hiện nay, tại các siêu thị: Co.op Mart Quy Nhơn, Vinatex, Metro, Big C… một số sản phẩm của Bình Định đã đến được với người tiêu dùng, như: nem chả Năm Thu, trứng gà Minh Hiếu, trà gừng, trà rong biển, trà Atiso Tiến Phát, bún song thằn Ngọc Trâm, các loại rau an toàn của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Phước Hiệp (huyện Tuy Phước)... 

Từ năm 2013 đến nay, HTXNN Phước Hiệp đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm của gần 20 hộ dân để đưa các loại rau, quả vào Co.op Mart Quy Nhơn và Big C. Sản phẩm tiêu thụ ở hai siêu thị này chiếm khoảng 70% lượng rau, quả của các hộ dân. Tính hết các khoản chi phí từ trồng, sơ chế, vận chuyển, giá sản phẩm tiêu thụ ở các siêu thị cao hơn bên ngoài 4.000 - 4.500 đồng/kg. Nhưng đưa rau sạch vào siêu thị có nhiều cái lợi, bán được nhiều hơn, ở chợ bán chỉ được 20 - 30 kg/ngày. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng sản phẩm địa phương khác ở Bình Định còn rất lớn. Nhưng vì các hộ sản xuất nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, thu gom, vận chuyển… nên không thể đưa vào siêu thị.

Bên cạnh đó, một số quy định nghiêm ngặt khác cũng làm người sản xuất nhỏ gác lại ý định đưa hàng vào siêu thị nếu không được hỗ trợ. Chi phí làm mỗi mẫu xét nghiệm gần 2 triệu đồng, khiến các cơ sở sản xuất mặt hàng thực phẩm tươi sống phải đắn đo. Hay như việc đưa rượu Bàu Đá vào Co.op Mart thì buộc phải có dán tem. Kết quả là sản phẩm của mặt hàng nằm trong diện quản lý đặc biệt này bị “đội” lên đến 150%. Cuối cùng hai bên phải thỏa thuận ở mức giá giữa của sản phẩm đưa vào siêu thị và giá bán bên ngoài. 

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

  Phong Điền, Thừa Thiên – Huế: Niềm vui được mùa tôm nuôi trên cát
 
Sau một thời gian thua lỗ triền miên, năm nay người dân các xã Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc… (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mới có được một vụ mùa bội thu. Cứ mỗi ao nuôi chỉ chừng 2.000 - 3.000 mét vuông thu được 8 - 12 tấn tôm. 

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tại khu công nghiệp Phong Điền bao tiêu sản phẩm nên bà con không quá lo đầu ra. Vụ nuôi vừa rồi, giá tôm công ty thu mua dao động trên dưới 130.000 đồng/kg nên phần lớn các hộ đều có lãi.

Tại xã Phong Hải nuôi khoảng 60 héc-ta, trong đó Công ty Đông Phương 5 héc-ta, còn lại của người dân. Vụ nuôi vừa qua trên 80% hộ có lãi từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng. Điền Lộc cũng là địa phương nổi tiếng nuôi tôm trên cát với diện tích 70 héc-ta tập trung hai thôn Mỹ Hòa và Tân Hội. Vụ nuôi vừa rồi có trên 50% nhóm hộ lãi từ 400 triệu đến 600 triệu đồng/1 hồ...

Mấy năm trước, nhiều hộ ở Phong Điền lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng do ô nhiễm môi trường vùng nuôi dẫn đến dịch bệnh, mất mùa nên thua lỗ. Cách đây 2 năm, UBND huyện Phong Điền có chủ trương cấm nuôi đối với những vùng không tuân thủ quy hoạch, không đảm bảo các yếu tố môi trường. Các địa phương đồng tình ủng hộ, khẩn trương rà soát và triển khai quy hoạch, tổ chức lại ao nuôi, ao xử lý nước thải hợp lý, các địa phương, tổ quản lý còn kiểm tra chặt chẽ tôm giống trước khi thả. Thiết nghĩ, đây là cách làm hay cần được các vùng nuôi thủy sản khác tham khảo, học tập để phát triển bền vững. 
  
Xuân Lộc - Đồng Nai: Tìm thị trường mới cho nghề mộc mỹ nghệ
 
Toàn huyện Xuân Lộc hiện có gần 30 cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ, tập trung nhiều ở các xã: Xuân Tâm, Xuân Hòa. Sản phẩm của mộc mỹ nghệ mang tính sáng tạo nghệ thuật cao nên tương đối kén khách mua.
 
Vào giai đoạn năm 2000 - 2007, sản phẩm mộc mỹ nghệ từ gốc, rễ cây ở Xuân Lộc có thể coi là thời hoàng kim vì được khách hàng Trung Quốc, Xinh-ga-po, Hoa Kỳ, Pháp… khá chuộng. Tuy nhiên 3 - 4 năm lại đây, những sản phẩm mộc mỹ nghệ làm từ gốc, rễ cây gần như không xuất khẩu được. Hầu hết các cơ sở mộc mỹ nghệ lớn của huyện Xuân Lộc phải thu hẹp sản xuất hoặc tự tìm hướng đi mới.

Trước đây, các cơ sở mộc mỹ nghệ Xuân Lộc chỉ chọn nguyên liệu là gốc, rễ cây quý, như: gõ, lim, trắc, xoan, đào... nên sản phẩm thường có giá cao, chỉ xuất đi nước ngoài hoặc bán cho khách nội địa khá giả. Gần đây, để hạ giá thành sản phẩm và đa dạng mẫu mã, nhiều cơ sở đã làm những sản phẩm từ gốc rễ xà cừ, mít, tràm và dùng cả những gốc rễ cây nhỏ để tạo ra những sản phẩm lưu niệm để trưng bày hoặc bán cho khu du lịch. Đặc biệt, sau khi thành lập Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ huyện Xuân Lộc, các cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ hỗ trợ cho nhau khá nhiều. Khi cơ sở nào nhận được đơn hàng lớn của khu du lịch, nhà hàng, ngoài cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng, còn tư vấn cho họ cách bài trí thêm sản phẩm điêu khắc nghệ thuật từ gốc, rễ cây để tăng sự hấp dẫn. Kết quả rất nhiều chủ khu du lịch, nhà hàng chọn mua thêm sản phẩm từ gốc, rễ cây để trang trí. Đây là cách các cơ sở liên kết, giúp nhau cùng tồn tại và phát triển.

Hầu hết các cơ sở mỹ nghệ gỗ tại Xuân Lộc đang cố gắng tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Thay vì chỉ làm những sản phẩm lớn, cồng kềnh thì nay đa dạng bằng cách đưa ra những mẫu mã nhỏ gọn, mang tính nghệ thuật.

HÀNG VIỆT

 An Giang: Để thương hiệu đường thốt nốt bay xa
 
Cùng với việc được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, tỉnh An Giang sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ để những hộ theo nghề nấu đường thốt nốt ở xã Châu Lăng (Tri Tôn) phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Qua đó, giúp đồng bào Khmer tăng thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề truyền thống.
 
Tiềm năng sản xuất hàng hoá

Cây thốt nốt gắn liền với mỗi gia đình đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh An Giang. Ông Chau Chanh Đa, đại diện làng nghề sản xuất và nấu đường thốt nốt xã Châu Lăng, cho biết, đường thốt nốt là loại đường thiên nhiên rất tốt, có độ dinh dưỡng cao hơn đường mía. Đường thốt nốt có vị ngọt thanh, không gắt, có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng, được dùng để nấu chè, nêm nếm các món ăn hoặc chao mắm, tạo nên hương vị đặc trưng của vùng Bảy Núi – An Giang. Người Khmer nơi đây còn có thói quen ăn cơm nguội với đường thốt nốt thay cho thịt, cá khi không có sẵn thức ăn trong nhà. Trong khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. 

Hiện nay, sản phẩm đường thốt nốt mang tính đặc trưng, số lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên không lo bị cạnh tranh. Làng nghề xã Châu Lăng có 84 hộ tham gia sản xuất đường thốt nốt, tập trung nhiều ở ấp Phnôm Pi (55 hộ) và ấp An Thuận (29 hộ), mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Khmer. Để làm ra tán đường thốt nốt, khâu vất vả nhất là trèo cây hái quả lấy nước, tận dụng củi đốt tại chỗ, lấy công làm lãi nên tuy là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng đường thô của đồng bào Khmer sản xuất để nâng chất thành đường cao cấp, cải tiến nhiều mẫu mã đường tán gói trong lá thốt nốt, đóng hộp... Một số thương hiệu: Minh Hoàng, Lan Nhi, Ngọc Trang đã mở rộng thị trường tiêu thụ đến các khu du lịch, siêu thị của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tiếp thị sản phẩm gắn với du lịch

Do tính độc đáo của sản phẩm và ít bị cạnh tranh nên nghề nấu đường thốt nốt được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vùng nguyên liệu bị thu hẹp do tình trạng khai thác cây thốt nốt lấy gỗ hoặc làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Bà Lê Thị Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Châu Lăng, cho rằng, nên có những quy định chặt chẽ về khai thác cây thốt nốt, đồng thời quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ nghề nấu đường thốt nốt phát triển. “Trong trường hợp thiếu nguyên liệu, chúng ta có thể hợp tác khai thác nước thốt nốt từ nước bạn Campuchia do lượng cây thốt nốt bên đó còn nhiều. Hơn nữa, trong điều kiện giáp biên giới, việc vận chuyển nước thốt nốt qua lại cũng thuận lợi” – bà Hà gợi ý. Xã Châu Lăng cũng đề nghị tỉnh nên hỗ trợ bà con Khmer đổi mới công nghệ sản xuất đường thốt nốt, tiến tới thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi với cách làm thủ công và tiêu thụ nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay, thu nhập của bà con Khmer làm nghề nấu đường thốt nốt vẫn còn thấp so với công lao động.

Ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, đi liền với việc công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp là các chính sách hỗ trợ để làng nghề phát triển, tăng thu nhập cho người dân. “Thay vì tự sản xuất, tiêu thụ nhỏ lẻ như trước đây thì khi được công nhận làng nghề, bà con sẽ có người đại diện tiếp cận với các chính sách của tỉnh. Theo đó, các hộ trong làng nghề đều được hỗ trợ 50% giá trị máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất. Khi có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, bà con nhờ địa phương viết đề án để được hỗ trợ” – ông Triết nhấn mạnh. Trước mắt, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng cổng chào của làng nghề, tiến tới hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường cả nước. Huyện Tri Tôn nên nghiên cứu xây dựng nhà trưng bày gắn với không gian của làng nghề, kết hợp xây dựng tour, tuyến du lịch để khách đến tham quan, tìm hiểu về làng nghề.
 

NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

 Quy trình bảo quản thóc lúa 
 
Thu hoạch

Lúa mới thu hoạch thường có độ ẩm cao từ 20 - 27%. Để lúa không bị hư hỏng hoặc giảm phẩm chất thì trong vòng 48 giờ sau khi thu hoạch phải làm khô lúa để độ ẩm chỉ còn 20%. Tuỳ theo nhu cầu làm khô lúa để xay xát ngay hoặc để tồn trữ lâu dài hoặc để làm giống mà yêu cầu làm khô và công nghệ sấy khác nhau. Độ ẩm an toàn của thóc cho bảo quản phụ thuộc vào tình trạng thóc, khí hậu cũng như điều kiện bảo quản. Khi thóc có độ ẩm 13 - 14% có thể bảo quản được từ 2 - 3 tháng, nếu muốn bảo quản dài hơn 3 tháng thì độ ẩm của thóc tốt nhất từ 12 - 12,5%. Độ ẩm thóc, công nghệ sấy cũng ảnh hưởng tới hiệu suất thu hồi gạo và tỷ lệ gạo gãy trong quá trình xay xát, độ ẩm thích hợp cho quá trình xay xát từ 13 - 14%.

Làm sạch, phân loại

Sau khi đập, tuốt, cần loại bỏ tạp chất vô cơ (cát, sỏi, đá, kim loại…) cũng như các tạp chất hữu cơ (lá tươi, lá khô, rơm rạ, có khi là phân gia súc… lẫn vào khi tuốt). Bà con loại bỏ hạt xanh, hạt lép, hạt bị tróc vỏ, hạt vỡ trong quá trình vận chuyển, đập, tuốt… cũng như hạt sâu bệnh. Có thể sàng hoặc rây nhờ sức gió (quạt điện, gió trời…). Chỉ nên đưa và bảo quản những hạt thóc hoàn toàn tốt và chất lượng đảm bảo.

Làm khô

Phương pháp phơi nhanh: Lúa được phơi dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ không khí lên tới 40 độ C, nhiệt độ trên sân xi măng, sân gạch có thể đạt tới 60 - 70 độ C, khi đó nhiệt độ hạt lúa có thể trên 50 độ C và nước bên trong hạt gạo không đủ thời gian khuyếch tán ra bên ngoài, làm cho hạt gạo bị nứt nẻ, khi xay xát tỷ lệ gạo bị gãy cao. Phơi theo cách này chỉ cần phơi lúa liên tục từ 8 - 9 giờ sáng cho đến 4 - 5 giờ chiều trong 2 - 3 ngày nắng tốt là lúa có thể xay xát được. Lúa được phơi thành luống mỗi luống cao khoảng 10 -15 cen-ti-mét, rộng 40 - 50 cen-ti-mét và cứ nửa giờ cào đảo một lần theo các hướng khác nhau.

Phương pháp phơi lâu: Cách này tốn thời gian và lao động hơn nhưng gạo ít bị tấm hơn. Lúa được trải thành luống như cách trên nhưng ngày đầu tiên chỉ phơi lúa dưới nắng 2 giờ, ngày thứ hai 3 giờ, ngày thứ ba 4 giờ. Cứ 15 phút các luống lúa được cào đảo một lần theo các hướng khác nhau. Trong 3 ngày đầu, sau khi phơi ngoài nắng, nên để lúa ở nơi bóng mát càng thoáng gió càng tốt. Các ngày sau đó, lúa tiếp tục được phơi 5 - 6 giờ một ngày cho đến khi lúa có độ ẩm thích hợp cho việc xay xát hoặc tồn trữ. Nếu nắng tốt thì đến ngày thứ tư độ ẩm của lúa đạt tiêu chuẩn để xay xát và bảo quản.

Phương pháp nhân tạo (phương pháp sấy lúa với không khí nóng, sấy đối lưu, sấy bức xạ…): Phương pháp này có ưu điểm là lúa có thể được làm khô bất cứ lúc nào và không phụ thuộc và thời tiết nắng hay mưa, độ ẩm của hạt có thể khống chế hợp lý trong thời gian giới hạn và khi xay xát, hiệu suất thu hồi gạo cao hơn so với sấy tự nhiên.
Bảo quản

Vỏ trấu có tác dụng hạn chế tác động ngoại cảnh như: nhiệt độ, độ ẩm và phần nào ngăn cản sự xâm nhiễm của côn trùng, men, mốc… đây là một ưu thế của thóc trong bảo quản. Tuy vậy, quá trình bảo quản thóc cũng chịu tác động lớn của điều kiện ngoại cảnh. Sau khi được phơi khô, quạt sạch thì thóc được đem chế biến, sử dụng ngay hay đưa vào bảo quản. Trong quá trình bảo quản cần đảm bảo thóc không bị ẩm ướt, không bị men mốc xâm hại và không xảy ra hiện tượng tụ bốc nóng, không bị côn trùng, chuột tấn công.

Thóc sau khi được phơi khô đến độ ẩm an toàn, loại bỏ tạp chất và cần được bảo quản thích hợp trong các dụng cụ như: chum, vại, bồ, bịch, thùng phi, vựa, hòm, thùng gỗ, hòm tôn... để bảo quản tại gia đình với số lượng không lớn lắm. Với số lượng lớn thì yêu cầu phải được bảo quản trong các kho với không gian lớn nhỏ khác nhau tuỳ theo lượng thóc cần bảo quản và được xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật kho tàng dành cho bảo quản thóc. 

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ

 Hạt giống, cây giống kém chất lượng: Nỗi lo muôn thuở của người nông dân
 
Hạt giống, cây giống là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định giá trị năng suất, sản lượng của cả một mùa vụ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh loại hạt giống kém chất lượng. Khi bà con nông dân gieo trồng những loại giống kém chất lượng này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Hệ lụy khôn lường

Mỗi mùa vụ tới, bà con nông dân lại canh cánh nỗi lo về hạt giống, cây giống. Có thể nói mỗi hạt giống, cây giống mang theo cả niềm hy vọng về cả một mùa vụ của người trồng. Nếu gặp phải cây giống, hạt giống giả, kém chất lượng thì coi như công sức suốt cả mùa sẽ mất hết, chưa kể những thiệt hại về mặt kinh tế. Chính vì thế, việc đầu tư mua hạt giống nào, cây giống nào luôn là vấn đề muôn thuở của người nông dân. 

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết người dân khi đi mua cây giống đều chỉ được người bán giới thiệu sơ lược về xuất xứ, chủng loại chứ không nói rõ mặt hàng đó đã được cơ quan chức năng kiểm định, công bố chất lượng hay chưa. Ngay cả với những nông dân lão làng, gần 20 năm kinh nghiệm như ông Phạm Ngọc Đình (phường Ea Tam, Buôn Ma Thuột) thì việc lựa chọn, nhận biết cây giống, hạt giống chất lượng cũng không phải là việc dễ dàng. 

Theo ông Trần Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn  đầu tư, phát triển Nông lâm nghiệp Ea Kmat (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên): Quy trình sản xuất đúng kỹ thuật quyết  định lớn đến chất lượng cây giống. Để có một cây giống đạt yêu cầu (bảo đảm các chỉ số về chiều cao, đường kính thân, số cặp cành tính theo ngày tuổi, lá xanh tốt, không có hiện tượng sâu bệnh…) phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe. Chẳng hạn như với cây ghép, việc chọn gốc, chồi đạt chất lượng, khi ghép và chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật. Còn muốn cây mầm sinh trưởng đòi hỏi cần được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cấy, ghép và quan trọng nhất là việc xây dựng được các vườn cây đầu dòng…  Trong khi đó, với những cơ sở sản xuất kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ thì không phải cơ sở nào cũng có điều kiện để đầu tư. Chính vì thế dẫn đến việc cây giống kém chất lượng, không đạt năng suất như ý. 

Khó kiểm soát chất lượng

Đến với xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi được coi là “vựa” cây giống lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk với hàng trăm cơ sở, điểm kinh doanh giống cây trồng đủ chủng loại, từ tiêu, cà phê, điều đến bơ, sầu riêng, thanh long, mận… Đây cũng là nơi đóng quân của Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Ea Kmat. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi có rất nhiều cơ sở tư nhân cũng kinh doanh mặt hàng hạt giống, cây giống thương hiệu Ea Kmat. Trong đó có không ít mặt hàng kém chất lượng không phải do công ty Ea Kmat cung cấp. Các cơ sở này khi bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên khi phát hiện giống cây kém chất lượng, bà con khó có thể đòi bồi thường. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra định kỳ để thẩm định chất lượng giống cây trồng của các doanh nghiệp, cơ sở ươm và cung cấp giống. Tuy nhiên, khi có đoàn kiểm tra, các cơ sở đã nhanh tay tháo biển, đóng cửa hàng khiến các lực lượng chức năng khó xử lý. 

Mỗi năm, công ty Ea Kmat đáp ứng hơn 50% nhu cầu giống cây cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ  riêng năm 2011, công ty đã ươm giống 2 tấn hạt cà phê cung cấp cho thị trường. Theo tính toán, chi phí trồng, chăm sóc 1 héc-ta cây cà phê từ khi trồng cho đến thời điểm thu hoạch lên đến hơn 100 triệu đồng. Vì vậy, trong trường hợp mua và trồng phải giống cây kém chất lượng thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã rất nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên cần cẩn trọng. Đặc biệt, khi mua giống phải lựa chọn cơ sở cung cấp giống cây được cơ quan thẩm quyền cấp phép, có cây đầu dòng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và phải có vườn ươm, vườn chồi, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tư vấn.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)