Thông tin giá cả thị trường tuần từ 15/03/2014 đến 21/03/2014

04:22 PM 15/03/2014 |   Lượt xem: 2743 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cách nào để giá lúa vùng ĐBSCL không bi ̣hạ thấp?

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết: Vụ lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay là vụ được mùa nhất từ trước tới nay. Năng suất trung bình 7 tấn/ héc-ta, cá biệt có nơi lên tới 10 tấn. Tuy nhiên, theo thông tin từ các bộ ngành chức năng, năm 2014 việc xuất khẩu lúa gạo sẽ cực kỳ khó khăn, vì hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống nông sản này của Việt Nam đều vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan và Ấn Độ...

Giá lúa giảm từng ngày

Vụ lúa đông xuân này, ĐBSCL gieo cấy trên 600.000 héc-ta. Việc thu hoạch lúa đông xuân tại ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ. Trước khi lúa cho thu hoạch, thương lái đến làm hợp đồng mua lúa tươi tại đồng ruộng và không ít người còn đưa tiền đặt cọc trước cho từng nhà. Tuy nhiên, khi có thông tin thị trường xuất khẩu lúa gạo khó khăn, đã tác động không tốt đến giá cả và việc tiêu thụ lúa gạo của nông dân vùng “chín rồng”. Giá lúa “rơi” liên tục, hạ xuống từng tuần, thậm chí từng ngày và không dễ gì bán được. Mức giảm tùy từng loại giống lúa, có loại nhiều, có loại ít, nhưng cơ bản loại nào cũng giảm, kể cả giống chất lượng cao, như 451 và giống hạt dài 0M-5451, từ 5.300 đồng/kg xuống còn 4.700 - 4.800 đồng/kg; còn lúa thơm 0M - 4900 chỉ bán được 4.900 - 5.000 đồng/kg, xuống thấp hơn vụ trước khoảng 1.000 đồng/kg.

Vì tiêu thụ trở ngại, nên hầu hết thương nhân, các đơn vị kinh doanh lúa gạo đã hạ giá mua lúa tươi của bà con thu hoạch tại ruộng. Cho dù đã ký hợp đồng, nhưng nếu nông dân không chấp nhận hạ giá bán, thương lái sẵn sàng hủy bỏ hợp đồng không mua lúa và thậm chí không cần lấy tiền đặt cọc. Tình trạng ép giá xảy ra trên diện rộng.

 

Trao đổi với phóng viên chuyên đề Dân tộc Thiểu số & Miền núi - Báo Công Thương, ông Huỳnh Kịck, Phó trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, đồng bào Khmer ở Trà Vinh chiếm 30% số dân, hầu hết làm ruộng, trong đó chủ yếu trồng lúa. Vụ lúa này lúa được mùa, nhưng giá hiện thấp hơn mọi năm bình quân 1.000 đồng/kg. Với giá này, gần như bà con không thu được lợi nhuận từ việc trồng lúa.

 

Tại Sóc Trăng, ông Lý Sóc Kha - Phó trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh này cũng cho hay, dân tộc thiểu số sống trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đồng bào Khmer với trên 400.000 người, chiếm gần 31% số dân. Đa số bà con Khmer làm ruộng và cũng chủ yếu trồng lúa. Đồng bào Khmer phần nhiều là nghèo, thu hoạch đến đâu, bán lúa ngay tại ruộng cho thương lái đến đấy, để lấy tiền trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu. Theo ông Kha, giá lúa “lao dốc” như vụ đông xuân này, bà con trồng lúa gần như không có lời.

Triển khai gấp việc mua lúa tạm trữ

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 5 là thời điểm căng thẳng nhất về tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL, khi khu vực này thu hoạch xong lúa đông xuân. Ông Phong còn nhận định, việc tiêu thụ lúa gạo năm nay khó khăn hơn rất nhiều so với những năm qua. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, giá lúa gạo còn khả năng xuống thấp nữa… Vậy, giải pháp nào “cứu” được sự xuống dốc của giá lúa vụ đông xuân khu vực ĐBSCL. Nhiều ý kiến nêu ra, có người cho rằng áp dụng tổng hợp các biện pháp, trong đó đề nghị giảm thuế VAT, để các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng các kênh phân phối. Song, đa phần đồng tình tạm trữ là phương án tốt nhất và duy nhất vào lúc này, để giảm áp lực giá gạo nội địa xuống thấp hơn nữa.

Vì thế, tại Hội nghị bàn về tiêu thụ lúa gạo tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với phương án và giá lúa mua tạm trữ như Quyết định số 434/QĐ-BTC của Bộ Tài Chính đã ban hành trước đó. Theo đó, giá mua tối đa (đã có thuế giá trị gia tăng) thóc rời vụ đông xuân năm 2013 - 2014 đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ Nhà nước, giao trên phương tiện bên bán tại cửa kho dự trữ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Cửu Long, Tây Nam Bộ và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh là 6.300 đồng/kg và giá tối thiểu không thấp hơn 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thời điểm tạm trữ vào lúc nào và tạm trữ như thế nào là vấn đề phải bàn. Ông Lý Sóc Kha cho hay, ở Sóc Trăng, cơ bản thu hoạch xong lúa vụ đông xuân. Phần nhiều gia đình phải bán lúa tại ruộng, nhưng cũng không ít gia đình thấy giá thấp quá và không thấy thương lái mua, nên phải đưa lúa về nhà mình, nhưng nhà chật không có kho rất khó bảo quản cất trữ. Việc nhà nước chủ trương mua tạm trữ, thì bà con nông dân vùng ĐBSCL nói chung, đồng bào nghèo dân tộc thiểu số nói riêng cũng đỡ thiệt hơn. Tuy nhiên, ông Kha đề nghị các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo và đốc thúc các doanh nghiệp tập trung triển khai gấp việc thu mua tạm trữ, tốt nhất trong thời điểm thu hoạch rộ từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 4, thời điểm vùng ĐBSCL thu hoạch rộ lúa đông xuân.

MUA GÌ?

Giá cam sành tăng kỷ lục

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá cam sành tại các vườn ở tỉnh Hậu Giang tăng cao do nguồn cung không đáp ứng đủ cầu. Hiện thương lái thu mua cam sành tại vườn có giá dao động từ 15.000 đến 22.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đ/kg so với cùng kỳ. Theo nhiều nhà vườn, nguyên nhân giá cam sành tăng ở mức cao là do nguồn cung thiếu vì nghịch mùa. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên cây cam đang phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh vàng lá không có thuốc đặc trị làm cho năng suất giảm đáng kể. Ngoài ra, hiện đang vào mùa khô, nhu cầu sử dụng cam làm nước giải khát tăng mạnh. Hậu Giang khoảng 8.000 héc-ta cam sành, chỉ đứng sau cây lúa, cây mía. Đây là loại cây trồng được chọn đưa vào quy hoạch phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do sản xuất chạy theo phong trào, không đúng kỹ thuật… đã có 1.000 héc-ta cam sành bị sâu bệnh tấn công nặng đang đứng trước nguy cơ chặt bỏ.

Giá heo Nam Bộ liên tục tăng

Tại Đồng Nai, giá heo hơi loại tốt trên địa bàn tỉnh này hiện đã ở mức 52.000 đồng/kg. Tỉnh Long An giá heo hơi từ 49.000 - 52.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thương lái đang thu mua heo tại các trang trại ở đây với giá 50.000 - 51.000 đồng/kg với heo loại tốt. Như vậy nếu so với hồi đầu tháng 3, giá heo loại tốt ở Nam bộ đã tăng khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Do giá heo thương phẩm liên tục tăng cao, giá heo giống cũng đang tăng mạnh, ở mức 100.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai nhận định rằng, do heo đang được tiêu thụ rất tốt nên giá heo trên địa bàn tỉnh có thể sẽ còn duy trì ở mức cao trong vài tuần tới.

An Giang 

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lúa khô Jasmine 6.200 - 6.400
Lúa khô IR 50404 5.200 - 5.300
Lúa khô OM 6976 5.700
Nếp vỏ (tươi) 4.900 - 5.000
Lúa tươi OM 6976 4.700
Lúa tươi IR 50404 4.200 - 4.250
Lúa tươi OM 2517 4.500 - 4.600
Lúa tươi OM 2514 4.600 - 4.700
Lúa tươi OM 1490 4.500 - 4.600
Gạo thường 10.000 -10.500
Gạo thơm Jasmine 13.500
Gạo thơm Nàng Hoa 16.000
Gạo Hương Lài 17.500
Gạo thơm Đài Loan 16.600
Gạo thơm sữa 15.300
Tấm thơm Jasmine 10.500

 Tiền Giang 

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Gạo CLC IR 64 10.500
Gạo CLC IR 504 9.500
Gạo Nàng thơm chợ Đào 18.000
Gạo một bụi 11.000
Gạo nàng thơm 17.000
Gạo Tài nguyên Chợ Đào 16.500
Gạo thơm Jasmine 12.500
Gạo Lài sữa 16.500
Gạo thơm Thái 16.000
Gạo nếp thường 14.000
Gạo nếp Thái 25.000

 Trà Vinh 

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Gạo nguyên liệu 5% tấm 8.100 – 8.200
Gạo nguyên liệu 15% tấm 7.800 – 7.900
Gạo nguyên liệu 25% tấm 7.700
Gạo nguyên liệu (lức) - IR50404 7.100 – 7.200
Gạo nguyên liệu (lức) hạt dài 7.500 – 7.600
Gạo thường 10.200
Gạo thơm Jasmine 13.000
Gạo Hương Lài 17.000
Gạo thơm Đài Loan 15.700
Gạo thơm sữa 14.000
Tấm thơm Jasmine 9.500

 Sóc Trăng 

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lúa khô ST 5 7.300
Lúa khô  OM 4900 6.700
Lúa khô  OM 6976 6.000
Lúa tươi   ST5 5.950
Lúa tươi  OM 4900 5.600
Lúa tươi  OM 6976 5.300
Gạo ST 5 13.000
Gạo ST 20 (bọc 5kg) 97.500
Gạo thơm nhẹ 12.000
Gạo thường 10.500

Giá hoa hồi trái vụ tăng cao

Toàn tỉnh Lạng Sơn có 32.500 héc-ta rừng hồi, sản lượng trung bình 5.000 đến 10.000 tấn hồi khô/năm. Cây hồi cho 2 vụ thu hoạch, vụ chính từ tháng 7 tới tháng 9 và vụ sau là từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau. Thời điểm hiện nay, người trồng hồi ở tỉnh Lạng Sơn đang bước vào vụ thu hoạch hồi trái vụ với niềm vui trọn vẹn, bởi vừa được mùa lại được giá. Hiện nay, giá hoa hồi tươi tại Lạng Sơn được các thương lái thu mua tận gốc từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, tăng cao hơn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.Theo những thương lái và người trồng hồi ở Lạng Sơn, nguyên nhân giá hoa hồi tươi tăng cao như hiện nay là do năm 2013 hoa hồi ở tỉnh Lạng Sơn mất mùa nên sản lượng hồi khô trên thị trường khan hiếm. Ngoài ra, do thời điểm hiện tại hoa hồi tươi đã đủ già nên khi phơi, sấy không bị hao hụt nhiều. Tuy nhiên, theo dự đoán của những người trồng hồi, giá hồi tươi sẽ có khả năng tăng cao hơn nữa trong tháng cuối tháng 3.

Sản xuất giò gà đồi Yên Thế

Sau khi triển khai dây chuyền giết mổ gà sạch với thương hiệu Gà đồi Yên Thế và tiêu thụ thành công tại các hệ thống siêu thị của Hà Nội, Công ty Trường Anh tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất giò gà. Ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết, sau khi triển khai dây chuyền giết mổ gà sạch với thương hiệu Gà đồi Yên Thế và tiêu thụ thành công tại các hệ thống siêu thị của Hà Nội, Công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất giò gà. Từ tháng 3, công ty sẽ chính thức đưa sản phẩm giò Gà đồi Yên Thế vào thị trường Hà Nội với mức sản xuất 200kg giò (tương đương 600kg gà mỗi ngày). Giá bán dự kiến tới tay người tiêu dùng từ 185.000 -190.000 đồng/kg.

Vĩnh Long: Người trồng khoai phấn khởi

Ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Lợi (xã Thành Lợi, Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết: Trong vòng 2 tuần trở lại đây giá khoai lang tím Nhật liên tục tăng mạnh từ mức 12.000 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg. Chuẩn thời gian trồng khoai lang là 6 tháng nhưng nay do được giá, nhiều ruộng khoai mới 4,5 tháng tuổi bà con cũng thu hoạch. Sở dĩ bà con chọn phương án thu hoạch khoai non là sợ 1 – 1,5 tháng tới vào thu hoạch rộ, khoai lang rớt giá thì thu lãi không cao.

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích khoai lang lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 10.000 héc-ta. Thời gian gần đây nông dân đã chủ động rải vụ trong sản xuất nên thời gian nào cũng có sản phẩm cung ứng thị trường. Hơn thế, khoai lang Bình Tân đã được nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, mở rộng đường xuất khẩu qua Singapore, Malaysia… với nhu cầu đặt lượng hàng lớn. Không chỉ khoai lang ở dạng củ mà tinh bột khoai lang, khoai lang cắt lát sấy cũng đang hút hàng.

BÁN GÌ?

Trồng khổ qua (mướp đắng) lãi lớn

Tại các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang... một số hộ nông dân đã chuyển sang trồng khổ qua do thấy loại cây này cho lãi cao. Trên thực tế, khổ qua có thể trồng nhiều vụ trong năm, đặc biệt vụ hè thu vừa cho năng suất cao vừa tiêu thụ mạnh. Cây khổ qua cũng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, đất phải tơi, xốp, thoáng khí, sạch cỏ, tốt nhất là đất thịt pha cát và phải xử lý đất bằng vôi bột để tránh mầm bệnh. Một nông dân trồng khổ qua lâu năm ở Hậu Giang cho biết, với diện tích đất 2,5 công trồng khổ qua mùa này, cứ 2 ngày thu hoạch được từ 200 - 400 kg, giá bán khoảng 4.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, vụ này ông thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Cùng trên diện tích ông luân canh các loại hoa màu khác như đậu đũa, dưa leo (xoay vòng 3 vụ/năm).

Nhiều vùng trọng điểm sản xuất cá tra giảm 50 - 60% sản lượng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tại các địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp... nguyên liệu sản xuất cá tra sụt giảm tới 40 - 60%. Do vậy, nhiều khả năng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu từ nay đến tháng 5 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, nhiều nhà máy có đầu tư vào vùng nuôi thì công suất hoạt động cũng giảm 60 - 70%, số doanh nghiệp không tự chủ nguyên liệu thì không có tiền mua cá bởi giá cá tra xuất khẩu đã tăng lên 24.000 đồng/kg và phải thanh toán bằng tiền mặt. Dự báo, năm 2014 ngành cá tra sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ít nhất 40% nguyên liệu, tức là chỉ còn khoảng 800.000 - 900.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Mấy ngày gần đây do giá cá tra tăng đột ngột nên kéo theo giá phụ phẩm tăng thêm 1.000 đồng, từ 6.500 đồng lên 7.500 đồng/kg. Ngoài thông tin về nguyên liệu, VASEP cũng khảo sát thực trạng nguyên liệu thức ăn bán ra thị trường trong mỗi tháng giảm 60%, chỉ còn 60.000 tấn so với 150.000 tấn của năm ngoái. Đây là tình trạng hết sức báo động, bởi việc thức ăn giảm sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nguyên liệu cá tra phục vụ cho năm 2015.

Đồng Nai: Giá hạt tiêu tăng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay mặc dù chưa bước vào mùa thu hoạch chính của vụ hồ tiêu nhưng một số hộ có vườn tiêu thu hoạch sớm tỏ ra rất phấn khởi vì giá hồ tiêu ở thời điểm này tăng khá cao. Hiện giá tiêu bán ra vào khoảng 160.000 đồng/kg, tăng hơn cùng thời điểm này năm ngoái là 30.000 đồng/kg.

Đồng Nai hiện có diện tích trồng tiêu đứng thứ ba trong cả nước với gần 8.000 héc-ta. Trong đó có khoảng 7.300 héc-ta đang trong thời kỳ thu hoạch, với tổng sản lượng trên 15.000 tấn/năm.

Diện tích tiêu được trồng tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và Trảng Bom. Theo chủ trương của tỉnh, những diện tích trồng mới, thâm canh sẽ được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Đồng Nai cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng Global GAP trên cây tiêu. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài “Sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP.” Đây cũng là “giấy thông hành” để các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP dễ dàng thâm nhập những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ… với giá cao.

Quảng Nam: Bà con hái hạt mây bán cho thương lái

Hiện nay người dân ở các vùng miền núi tỉnh Quảng Nam đã vào tận rừng sâu hái hạt mây (còn gọi là hạt song mây) về bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc. Hạt mây hiện được các thương lái thu mua với giá 23.000 đồng/kg (loại chưa bóc vỏ), sau đó thuê nhân công đập vỏ lấy hạt bán sang Trung Quốc với giá 67.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Phiếm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Sơn, cho biết hạt mây rừng chủ yếu được mua để ươm giống, tuy nhiên, hiện số lượng hạt còn rất ít do đó cần phải có hướng bảo vệ để tránh bị mất nguồn giống về lâu dài. “Chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng để kiểm tra số lượng hạt được tiêu thụ đi đâu. Nếu các thương lái thu mua và bán ở trong nước để nhân giống là việc cần thiết và nên khuyến khích nhưng xuất bán sang Trung Quốc thì cần phải xem xét và có biện pháp bảo vệ nguồn giống kịp thời” - Ông Phiếm nói.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Nông dân thiệt hại do hạn hán sớm

Mới chỉ đầu tháng 3 nhưng hạn hán đã gây thiệt hại nặng tại nhiều tỉnh miền Trung, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tình trạng thiếu nước tưới cho cây lúa, cà phê, mía... khiến nhiều nơi, bà con phải bỏ hàng trăm héc-ta lúa vụ đông xuân đang trổ bông do không đủ nước tưới.

Thống kê từ cơ quan khí tượng cho biết, từ đầu năm đến nay các tỉnh này không có mưa, lượng mưa ít và không đồng đều nên tổng lượng mưa/tháng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và 5 tỉnh Tây Nguyên, lượng nước thiếu hụt so với trung bình hàng năm khoảng 10 -30%. Đáng lo ngại, trên một số sông khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện mức nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ. Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai... và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4, đầu tháng 5.

Nguy cơ mất trắng nhiều diện tích cây trồng

Kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014 của tỉnh Đắk Lắk là 41.050 héc-ta cây trồng các loại, nhưng đến thời điểm này nông dân đã gieo trồng hơn 47.057 héc-ta, vượt hơn 6.000 héc-ta. Những diện tích vượt kế hoạch lại thường nằm xa vùng cấp nước, nên nguy cơ hạn hán rất cao. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, chỉ mới đầu mùa khô, nhưng diện tích khô hạn đã lên đến 445 héc-ta cây trồng các loại, trong đó có 170 héc-ta lúa và 275 héc-ta ngô. Tại Quảng Ngãi, nông dân các huyện Bình Sơn và Đức Phổ cũng đã phải bỏ hơn 200 héc-ta lúa vụ đông xuân do thiếu nước tưới. Nguy cơ thiếu nước tưới cho hàng chục ngàn héc-ta lúa vụ hè thu tại Quảng Ngãi từ giữa tháng 5 tới là rất lớn. Tại Bình Định, cho đến thời điểm này đã có khoảng 300 héc-ta lúa bị thiếu nước tưới. Trong khi đó, mía là cây trồng chủ lực của bà con nông dân miền núi tỉnh Phú Yên cũng đang bị khô và cháy, khiến thu nhập của người trồng mía giảm sút, thậm chí mất trắng. Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có ít nhất 4.000 héc-ta mía trên địa bàn Phú Yên bị khô do nắng hạn, làm giảm năng suất đến 30%. Mía càng khô, nguy cơ cháy càng cao. Trong 2 tháng qua ở các vùng trồng mía, đặc biệt là ở huyện miền núi Sơn Hòa có gần 100 héc-ta mía bị cháy. Trước đó, mía trên 9 chữ đường nông dân bán được 880.000 đồng/tấn, hiện tại mía cháy chỉ còn 780.000 đồng/tấn.

Ở các tỉnh Tây Nguyên, nông dân trồng cà phê cũng đang rất cần nước tưới lần thứ 2 cho vụ cà phê đang canh tác. Hiện nông dân huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước tưới cà phê, ước lượng nước thiếu hụt khoảng 30% so với nhu cầu. Theo thông lệ, lần tưới thứ nhất của vụ cà phê năm nay cách đây một tháng và giờ là thời điểm cần nước tưới cho lần 2 nhưng theo tình hình thời tiết này có khả năng lần tưới thứ 3 (giữa tháng 4 tới) nước sẽ còn khan hiếm hơn.

Bà con cần áp dụng các giải pháp chống hạn

Dự đoán trước tình hình khô hạn năm nay, ngay từ đầu vụ đông xuân 2013 -2014, Sở NN&PTNT các tỉnh đã có hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng. Để hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra đối với cây trồng, Sở NN & PTNT khuyến cáo người dân cần sản xuất theo hướng an toàn và hiệu quả trên cơ sở sử dụng các giống tốt và bố trí phù hợp với khả năng nguồn nước, đất đai nhằm né tránh các điều kiện thời tiết bất lợi, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với đầu tư thâm canh. Kiên quyết không bố trí kế hoạch gieo cấy lúa nước trên các diện tích hay bị khô hạn trong các vụ trước; xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước hợp lý và tiết kiệm, ưu tiên cho cây cà phê và lúa...

Về thuỷ lợi, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, thay đổi phương thức tưới tiêu (rút ngắn đợt tưới, giảm số lần tưới, giữ ẩm gốc cây). Các loại máy bơm dã chiến và cả những công cụ thủ công như gàu bơm tát của từng gia đình phải được huy động tối đa cho công tác chống hạn. Bà con nông dân cần khoan thêm và sửa chữa các giếng bị hư hỏng để lấy nước. Các tỉnh cần phân loại diện tích gieo trồng, các loại cây để có thứ tự ưu tiên cấp nước. Ở Tây Nguyên cần ưu tiên tưới tiêu cho các loại cây giống, lúa đã và đang trổ bông, cần lập kế hoạch phục hồi sản xuất, đẩy mạnh trồng cây lương thực ngắn ngày như ngô, khoai, sắn, các loại rau màu để có thêm lương thực chống đói trong những ngày giáp hạt.
 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Ninh Phước (Nình Thuận): Đưa cây táo trở thành cây trồng chủ lực

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, huyện Ninh Phước đã xác định đưa cây táo trở thành một trong năm loại cây trồng chính để đầu tư mở rộng vùng chuyên canh. Đặc biệt, trước sự kiện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với táo Ninh Thuận, mới đây UBND huyện Ninh Phước đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình trồng táo theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học (cụ thể là mô hình sử dụng bẫy bã sinh học phòng trừ ruồi đục quả) vào sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015, đưa diện tích trồng táo theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP lên 260 héc-ta.

Huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) hiện có tổng diện tích tự nhiên 34.234 héc-ta, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp chiếm trên 28.100 héc-ta. Để đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển, vài năm trở lại đây, ngoài việc quy hoạch các vùng chuyên canh trồng nho, lúa giống, bắp lai giống, sản xuất rau an toàn, huyện Ninh Phước còn vận động bà con chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng táo. Đây là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, nên được xem là "cây làm giàu" của người dân địa phương. Riêng trong năm 2013 sản lượng táo thu hoạch đạt 26.681 tấn, trong đó nhiều hộ gia đình đã có mức thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/héc-ta/năm.

Ưu điểm của cây táo là kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chỉ sau một năm kể từ khi trồng là cây táo có thể cho thu hoạch. Tuổi thọ khai thác của cây táo lên đến trên 10 năm và cho thu hoạch đến 2 vụ/năm. Dựa vào lợi thế này, hiện trên địa bàn huyện Ninh Phước nhiều nông dân còn kết hợp phát triển trồng táo với chăn nuôi dê, cừu. Cái hay của mô hình này là ngoài việc tận dụng lá và trái táo sâu bệnh làm thức ăn cho gia súc, phân của chúng còn được sử dụng bón lại cho cây táo, nên năng suất đạt rất cao, trung bình từ 60 – 70 tấn/héc-ta/năm, cá biệt ở những nơi đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, thời thiết thuận lợi, năng suất có thể lên đến trên 100 tấn/héc-ta.

Do lợi nhuận mang lại khá cao, nên hiện không chỉ có nông dân trong tỉnh mà một số địa phương lân cận như Bình Thuận, Khánh Hòa cũng đang đầu tư phát triển khá mạnh mô hình trồng táo. Tuy nhiên, theo các thương lái thì táo xanh Ninh Thuận người tiêu dùng ưa chuộng hơn và có giá bán cao hơn so với táo ở các vùng khác nhờ có vị ngọt thanh, giòn và thơm. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hiện nay người trồng táo ở toàn tỉnh Ninh Thuận cũng như ở huyện Ninh Phước càng có ý thức hơn trong quy trình chăm sóc cho ra sản phẩm táo sạch và cao hơn nữa là những trái táo đạt tiêu chuẩn VietGAP có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bảo Thắng (Lào Cai): Gà thịt đã được phép xuất bán nhưng vẫn khó tiêu thụ

Sau thời gian tạm ngưng, ngày 9/3, huyện Bảo Thắng có thêm 500 con gà thịt được xuất bán ra khỏi địa bàn theo tinh thần Công văn số 706 ngày 6/3 của của UBND tỉnh về việc cho phép tiêu thụ sản phẩm gia cầm có kiểm soát của cơ quan thú y. Theo đại diện Trạm Thú y huyện Bảo Thắng, hầu hết số gà nói trên đã “quá lứa” sau thời gian tạm ngưng tiêu thụ gà trên địa bàn vì dịch cúm gia cầm, trọng lượng mỗi con lên tới 4 - 5 kg nên giá bán khá thấp. Trước đó, ngày 8/3, Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền đã xuất bán hợp pháp lô gà đầu tiên (sau khi huyện Bảo Thắng có dịch) tới thị trường thành phố Lào Cai với số lượng 150 con; tổng trọng lượng 2 lô gia cầm nói trên đạt khoảng 2,7 tấn.

Nội dung công văn số 706 của UBND tỉnh nêu rõ: Cho phép các trang trại, hộ chăn nuôi tập trung (có đảm bảo vệ sinh thú y) tại Bảo Thắng được tiêu thụ sản phẩm gia cầm sau khi có kiểm soát của cơ quan thú y.

Các điều kiện đảm bảo kèm theo là gia cầm giết mổ tại chỗ, điểm giết mổ phải đảm bảo vệ sinh thú y. Nơi tiêu thụ là huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa. Sau khi giết mổ được đóng dấu kiểm soát giết mổ và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật nội tỉnh.

Huyện Bảo Thắng hiện có 26 trang trại nuôi gia cầm với quy mô tập trung, hiện có gần 100.000 con gia cầm (chủ yếu là gà) với trọng lượng khoảng 300 tấn đang tồn đọng tại các trang trại do lệnh cấm vận chuyển, tiêu thụ bởi dịch bệnh trong suốt gần 1 tháng qua.

Ngoài ra, huyện Bảo Thắng còn có hàng chục nghìn hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ với số lượng từ vài con đến hàng trăm con gia cầm. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn hiện đạt khoảng 1 triệu con, chiếm 1/3 tổng lượng gia cầm của toàn tỉnh. Cho đến nay, giống như nhiều vùng khác, tình hình tiêu thụ gia cầm của Bảo Thắng vẫn còn rất khó khăn bởi hiện tâm lý người tiêu dùng tại các đô thị (nơi tiêu thụ phần lớn nguồn thực phẩm) vẫn đang “quay lưng” với sản phẩm gia cầm.

Ninh Thuận: Bấp bênh giá tỏi Phan Rang

Trong năm 2013, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng, công bố nhãn hiệu tập thể tỏi Phan Rang và được đề cử tham gia chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Đây là tin vui đối với nông dân trên địa bàn tỉnh, họ hy vọng cây tỏi “lên ngôi” đem lại thu nhập ổn định bảo đảm đời sống người trồng tỏi. Với diện tích tỏi toàn tỉnh trồng trong năm nay trên 210 héc-ta, sản lượng ước đạt 1.600 tấn, tập trung ở các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Tỏi Phan Rang có đặc điểm củ nhỏ, vỏ lụa trắng, tinh dầu rất thơm, loài cây gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của gia đình Việt. Nhiều nông hộ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm tỏi bảo đảm chất lượng an toàn. Tỏi có thời gian “nằm đất” 4 tháng, xuống giống từ tháng 10 - 11 năm trước được thu hoạch vào tháng 2 - 3 năm sau. Nông dân huy động vốn liếng đầu tư trồng một sào tỏi lên đến 20 - 25 triệu đồng, bao gồm phân chuồng, giống, thuốc phòng trừ sâu bệnh, công chăm sóc, công thu hoạch…

Ít ai ngờ hiện nay thương lái thu mua tỏi của nông dân với giá 25.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng so với mùa tỏi năm trước. Nếu với giá bán hiện nay, người trồng tỏi chỉ đủ vốn đầu tư, mất trắng công chăm sóc. Có nhiều gia đình thu hoạch tỏi phơi khô trùm bạt chờ… thương lái.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên là tỏi của Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Do đó, nông dân trồng tỏi ở Ninh Thuận đang bị “thua” ngay trên sân nhà. Mặt khác, thương lái thu mua tỏi của nông dân với giá 25.000 đồng/kg nhưng phân phối đến tay người tiêu dùng ở các chợ đầu mối Phan Rang, Tháp Chàm lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg. Điều đó cho thấy sự bất hợp lý trong khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Một vấn đề nữa, tuy cây tỏi Phan Rang đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa tập thể nhưng trên thực tế thương lái vẫn quyết định giá cả thu mua của nông dân. Rất mong các ngành chức năng chung tay thực hiện hiệu quả chương trình liên kết “bốn nhà” đưa sản phẩm tỏi Phan Rang đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị bảo đảm giá cả ổn định, giúp nông dân trồng tỏi ở Ninh Thuận gắn bó bền vững với nghề trồng tỏi.

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Phát hiện thêm phân kali bị làm giả

Tiếp theo diễn biến vụ phân bón Đầu Trâu bị làm giả được phát hiện xã Xuân Quang huyện Đồng Xuân (Phú Yên), người dân trồng dưa hấu ở đây lại phát hiện thêm phân Kali Nitrate kém chất lượng, nghi làm giả.

Anh Nguyễn Sơn Hùng, trồng dưa ở thôn Đồng Hội (xã Xuân Quang) cho biết, anh mua 25 bì phân Kali Nitrate loại 2kg với giá 35.000 đồng/bì của đại lý phân bón Anh Trang. Tuy nhiên, khi hòa trong nước, phân tan rất nhanh, không có cảm giác lạnh như phân tốt cùng loại. Vài phút sau, phân đông trắng thành từng miếng như đường phèn, nhúng tay vào nước không có cảm giác lạnh như phân Kali thông thường. “Kinh nghiệm hơn 15 năm trồng dưa, tôi chưa từng thấy loại phân Kali nào như vậy. Đây là loại phân kém chất lượng và có dấu hiệu làm giả. Khi pha thử 2 bì tưới cho cây dưa nhỏ nhưng không thấy phát triển mới sinh nghi và dừng bón. Tôi đem phân này đến trả lại cho đại lý Anh Trang” anh Hùng cho biết thêm.

Trên mặt trước bao bì loại phân này ghi rõ: Phân bón cao cấp Kali Nitrate sử dụng tốt nhất khi phun trên lá. Nguyên liệu nhập khẩu từ Israel. Đóng gói: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Việt, địa chỉ Phân kho 4, Khu 49, Kho A34, Quân chủng Phòng không Không quân, Biên Hòa, Đồng Nai. Mặt sau ghi thành phần, công dụng khá chi tiết. Nhưng trên bao bì không có tên, địa chỉ nhà sản xuất.

Thôn Đồng Hội có khoảng 30 trại dưa hấu, trung bình mỗi trại có diện tích từ 1 – 2 héc-ta. Điều này cho thấy, phân bón biểu tượng Đầu Trâu giả và loại phân Kali nêu trên đang trôi nổi một lượng lớn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Không riêng người trồng dưa hấu mua phải loại phân này mà rất nhiều hộ nông dân đã mua sử dụng để bón sắn, mía, lúa... Rất có thể, lượng phân giả vừa được phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, ngoài tầm kiểm soát của các ngành chức năng. Trước thực trạng này, đại diện Công an huyện Đồng Xuân cho hay, đơn vị đang tích cực điều tra về các loại phân nghi làm giả. Cơ quan chức năng đang rất cần người dân, báo chí cung cấp kịp thời tình trạng phân bón giả, để sớm đưa vụ việc ra ánh sáng pháp luật.

Giày Thượng Đình

Nhãn hiệu “Giày Thượng Đình” thời gian qua đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và sử dụng thường xuyên. Trong đó, thương hiệu giày Avia được nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu này. Các sản phẩm giả mạo chủ yếu là hàng do các cơ sở gia công sản xuất, chất lượng kém, không bền, chỉ đi được một thời gian ngắn giày đã hỏng. Theo kinh nghiệm của các cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Giày Thượng Đình, có thể phân hàng giả, hàng nhái dựa vào một số đặc điểm sau:

Phần trên: Mũi giày nhái theo kiểu Adidas Gazelle (hình mũi neo tàu), khác hoàn toàn với hàng nhái mũi giày thô và bè.

Bên trong giày: Hàng giả, nhái thì phần vải ôm gót chân ở bên trong giày cũng mỏng hơn và khác so với giày Avia chính hãng. Ngoài ra, dưới lưỡi gà của Avia nhái không có tem của Thượng Đình.

Đế giày: Phần đế giày nhái không có hình "con cá" và đồng thời cũng mềm hơn so với hàng chính hãng. Đặc biệt, sau khi dùng 1 thời gian, đế càng đi càng mềm. Trong khi đó, đế giày chính hãng có độ cứng và chắc chắn, càng đi càng êm và dẻo hơn. Điểm dễ nhận biết nhất là khung chữ Avia ở giày nhái là khung hình chữ nhật còn ở giày nhái khung chữ Avia là hình Elip.

Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện