Thông tin giá cả thị trường tuần từ 16/11/2013 đến 22/11/2013

11:20 PM 15/11/2013 |   Lượt xem: 3006 |   In bài viết | 
TIÊU ĐIỂM

Phát triển công nghiệp chế biến vùng ĐBSCL: Cần sự liên kết doanh nghiệp và nông dân

Thủy sản, lúa gạo và trái cây là nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp chế biến của vùng ĐBSCL. Nhưng thời gian qua, điệp khúc “được mùa, mất giá” lại trở nên khá quen thuộc nơi đây. Nguyên nhân do người dân sản xuất tự phát nên sản lượng dư thừa, chất lượng lại chưa cao. Doanh nghiệp chưa có sự liên kết để bảo vệ sản phẩm. Đơn cử như cá tra, một mặt hàng độc quyền của Việt Nam, nhưng mỗi ki-lô-gam cá tra phi lê chỉ bán được trên dưới 3 đô-la Mỹ, trong khi tại các siêu thị nước ngoài giá bán lại khoảng 10 đô-la Mỹ. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết: “Suốt thời gian dài, người nuôi cá lỗ, doanh nghiệp sản xuất lỗ, chỉ có những người mua ở nước ngoài có lời. Chúng ta chưa có thương hiệu nên chúng ta bán giá thấp để cạnh tranh và chúng ta tự đưa con cá chúng ta vào ngõ cụt”. Từ thực tế đó, vài năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân, mang lại nhiều khởi sắc cho công nghiệp chế biến hàng nông sản. Đối với cá tra có các chuỗi liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân, liên kết ngang giữa nông dân với nhau; còn đối với lúa gạo có mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình đầu tư vật liệu, bao tiêu đầu ra... Nông dân chỉ nên liên kết với những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước… Từ các chuỗi liên kết này đã tạo được tiếng nói chung giữa lực lượng sản xuất và nhà phân phối, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Để tăng hiệu quả của chuỗi liên kết, các ngành chức năng cần rà soát lại công tác quy hoạch. Qua đó sẽ phát hiện được thế mạnh của từng địa phương và của các doanh nghiệp có khả năng tổ chức sản xuất và tiêu thụ tốt hàng nông sản. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, góp phần phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của vùng. Từ đó, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và cả doanh nghiệp.

MUA GÌ?

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa không ổn định, nhà nông lo lắng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, tình hình thu hoạch lúa vụ 3 ở An Giang không đồng đều và tiến độ thu hoạch ở nhiều địa phương khá chênh nhau nên giá lúa cũng chênh nhiều. Lúa IR 50404 giá từ 4.700 - 4.800 đồng/kg; lúa hạt dài 6976 giá từ 4.900 - 5.000 đồng/kg (tăng trung bình từ 150 - 200 đồng/kg so với tháng trước). Ngược lại ở Tân Châu và vùng ven sông Tiền (vùng chưa thu hoạch vụ 3), giá lúa lại sụt trung bình 200 đồng/kg; lúa IR 50404 giảm từ 5.000 đồng xuống còn 4.800 đồng/kg; lúa Jasmin (khô) giảm từ 7.500 xuống còn 7.300 đồng/kg. Huyện Châu Thành (Trà Vinh), giá lúa mỗi ngày một giảm mạnh. Hầu hết hộ dân trồng lúa tất bật thuê máy gặt đập, nhân công cắt lúa, tìm thương lái… để nhanh chóng thu hoạch nhằm hạn chế thua lỗ. Giống lúa IR 50404 hiện chỉ còn 4.500 đồng/kg; lúa hạt dài dẻo thơm còn 5.100 đồng/kg.

Hậu Giang: Xoài nghịch vụ giá cao

Nhiều nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đang rất phấn khởi khi vừa thu hoạch xong đợt xoài nghịch vụ bán với giá cao từ 40.000 - 43.000 đồng/kg, đối với xoài loại I (từ 350 gam/quả trở lên). Giá xoài năm nay tăng cao là do khi xử lý cho ra trái vụ nghịch gặp thời tiết bất lợi, trời mưa bão nhiều nên cây đậu ít trái. Hiện nay, do bắt đầu vào vụ thuận nên giá xoài cát Hòa Lộc đã giảm, chỉ còn khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg.

Sóc Trăng: Vú sữa tím mang lợi nhuận cao

Vú sữa tím Xuân Hòa được nhiều nhà vườn quan tâm đặc biệt vì đây là loại cây cho lợi nhuận rất cao nhờ thu hoạch trái sớm hơn khoảng 1 - 2 tháng so với vú sữa Lò Rèn. Thị trường tiêu thụ vú sữa tím hiện nay ngày càng tăng, trong khi nguồn cung chưa nhiều nên bán được giá cao từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Vú sữa tím phần lớn tiêu thụ nội địa, được ưa chuộng ở thị trường miền Bắc và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngành Nông nghiệp huyện Kế Sách khuyến cáo nhà vườn có thể trồng vú sữa tím thay cho vườn vú sữa Lò Rèn đã già cỗi. Tuy nhiên, không mở rộng diện tích vú sữa tím ào ạt dẫn tới cung vượt cầu, rớt giá. Diện tích trồng vú sữa tím đến năm 2015 chiếm không quá 50% diện tích trồng vú sữa của huyện và nên trồng tập trung theo từng khu vực để thuận tiện trong sản xuất và tiêu thụ.

Giá mua phân bón trong tuần

    Tại TP. Hồ Chí Minh

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Kali (Liên Xô)

8.900

SA trắng (Nhật Bản)

4.400

SA hạt trắng (Trung Quốc)

3.900

Urê (Cà Mau)

7.600

Urê (Phú Mỹ)

8.500

DAP nâu (Trung Quốc)

9.400

                Tại Gia Lai

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

NPK Đầu Trâu (20-20-15)

14.140

Phân lân Lâm Thao

2.900

SA (Nhật Bản)

3.460

Urê (Trung Quốc)

7.560

Urê (Phú Mỹ)

8.300

DAP (Hàn Quốc)

16.100

    Tại Trà Vinh

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

NPK Đầu Trâu (20-20-15)

13.400

Phân lân KaLi (Canada)

11.000

Super lân (Long Thành)

2.800

Urê (Liên Xô)

8.500

Urê (Phú Mỹ)

8.700

DAP nâu (Trung Quốc)

8.400

   Tại An Giang

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

NPK Đầu Trâu TE (20-20-15)

14.600

Phân KCL (Canada)

10.800

Super lân (Long Thành)

3.000

Urê (Liên Xô)

8.400

Urê (Phú Mỹ)

8.900

DAP nâu (Trung Quốc)

12.200

BÁN GÌ?

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm nguyên liệu tăng cao

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tôm nguyên liệu các loại liên tục tăng giá trong suốt hơn hai tháng qua. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm gần đây.

Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng

Giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao, trong đó có sự rượt đuổi giá giữa tôm thẻ và tôm sú cùng kích cỡ đã khiến thị trường tôm nguyên liệu luôn sôi động. Nhờ tôm trúng giá, nên nhiều người nuôi có thể trả được nợ nần sau nhiều đợt thả giống nuôi gần đây liên tục bị lỗ vì nạn tôm chết thành dịch kéo dài từ vụ này sang vụ khác.

Tại Sóc Trăng, nhiều chủ trang trại nuôi tôm tại thị xã Vĩnh Châu và Trần Đề đã thu bạc tỷ chỉ trong thời gian 2 - 3 tháng thả nuôi với loại tôm thẻ chân trắng. Các thương lái về tận ao thu mua tôm với giá cao hơn so với hồi giữa tháng 10 từ 15.000 - 20.000 đồng/kg với tôm sú và từ 20.000 - 30.000 đồng/kg với tôm thẻ chân trắng tùy theo kích cỡ. Nông dân vùng tôm Tân Phú Đông, Tiền Giang cũng rất phấn khởi khi thương lái thu mua tôm sú với giá tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự báo, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới tăng cao, vì vậy giá tôm sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trung Quốc nhập khẩu trở lại tôm sống từ Việt Nam

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ NN&PTNT, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu tôm sống trở lại thị trường này sau khi tạm đình chỉ từ tháng 10 năm ngoái do phát hiện virút hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô có trong tôm sú Việt Nam.

Mới đây, Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc đã chấp thuận mẫu chứng thư mới cho các lô hàng thủy sản sống và danh sách các cơ sở nuôi, bao gói tôm sú sống của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở nuôi hoặc địa chỉ khu vực khai thác khi đăng ký kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản sống xuất khẩu vào Trung Quốc trước khi cấp chứng thư. Trường hợp xuất khẩu thủy sản sống có nguồn gốc nuôi trồng vào Trung Quốc thì cơ sở cần phải liên hệ với địa phương để được cấp mã số vùng nuôi theo yêu cầu của Trung Quốc.

Giá tôm nguyên liệu tuần đầu tháng 11/2013

                                                                                  (Đ.v tính: Đồng/kg)

Mặt hàng

Tiền Giang

Sóc Trăng

Tôm sú loại 20 con/kg

 280.000

 270.000

Tôm sú loại 30 con/kg

 240.000

 230.000

Tôm sú loại 40 con/kg

 190.000

 190.000

Tôm sú loại 50 con/kg

 185.000

190.000

Tôm sú loại 60 con/kg

 165.000

 175.000

Tôm sú loại 100 con/kg

 115.000

 135.000

LƯU Ý, CẢNH BÁO

“Chật vật” xuất khẩu đường

Để giảm lượng đường tồn kho khi vào vụ mía 2013/2014 nên các nhà máy đã tìm cách xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng lúc được lúc không vì bị cấm biên liên tục. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mía đường của toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) trong thời gian qua, lượng đường xuất sang Trung Quốc đã chững lại do bị cấm biên. Cụ thể, trong 2 tháng qua đã có 2 lần phía Trung Quốc cấm biên, một lần từ giữa tháng 9 đến tuần đầu tháng 10/2013 và đợt 2 từ 25/10 đến 4/11. Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA cho biết, mặc dù phía Trung Quốc đã cho mở cửa khẩu trở lại nhưng không có gì đảm bảo là trong thời gian tới đường từ Việt Nam (chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch) không bị ách tắc tại các cửa khẩu biên giới.

Tính đến hết tháng 10 lượng đường tồn kho tại các nhà máy, công ty thương mại là hơn 121.500 tấn. Giá bán đường tại các tỉnh thành trong cả nước dao động ở mức 14.800 - 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, đường nhập lậu từ các tỉnh Tây Nam đang được bán trên thị trường chỉ ở mức 13.100 đồng/kg, tại Lao Bảo (Quảng Trị) là 13.600 - 14.000 đồng/kg. Sự chênh lệch giữa giá đường trong nước và đường nhập lậu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Thêm vào đó, theo cam kết gia nhập WTO, trong năm 2013 Việt Nam sẽ nhập về 73.000 tấn đường và số lượng đường này được cấp cho một số doanh nghiệp tiêu thụ đường và đã được nhập về một phần trong số đó. Do vậy, thời gian tới áp lực tồn kho tại các nhà máy sẽ lớn, qua đó ảnh hưởng đến giá bán đường trên thị trường.

Dự báo, trong niên vụ đường 2013 - 2014, cả nước có khả năng dư thừa 500.000 -600.000 tấn đường. Nhằm giải quyết bớt lượng đường trong kho, Bộ Công Thương đã cho phép xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường RS (đường cát), nhưng đến nay, các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu được khoảng 120.000 tấn. Điều này đang tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, cũng như nỗi lo rớt giá của người nông dân được mùa. Theo phản ánh của người dân vùng mía ở Hậu Giang - vựa mía lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - mặc dù năm nay mía được mùa nhưng giá không tăng so với đầu vụ. Với mức giá thương lái thu mua mía tại rẫy từ 700 - 840 đồng/kg, người nông dân rất khó có được lợi nhuận.

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện))