Thông tin giá cả thị trường tuần từ 21/07/2014 đến 25/07/2014

04:10 PM 21/07/2014 |   Lượt xem: 2531 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Không cho phép ai lừa dối, bóc lột nông dân 
 
Trước thực trạng Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc kém chất lượng ngày càng tự tung tự tác, tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cao Đức Phát chỉ đạo: Cần phải xử lý dứt điểm tình trạng này và không cho phép ai vì lợi ích của mình mà có hành vi lừa dối, bóc lột người dân. 
 
Công khai cơ sở kém chất lượng 

Thống kê từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2014 thực trạng vi phạm về vật tư nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng thuốc BVTV kém chất lượng đang ở mức báo động, gây thiệt hại lớn cho đời sống, kinh tế người nông dân. Hiện nay, tỷ lệ các cơ sở kinh doanh xếp loại C (cở sở buôn bán các loại thuốc BVTV có nguồn gốc kém chất lượng) ngày càng tăng cao. 

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng  này do người dân, đặc biệt dân miền núi vẫn lệ thuộc vào các đại lý. Đa phần nông dân mua phân bón, thuốc BTTV, thức ăn, thuốc thú y thủy sản theo kiểu “ăn trước trả sau”. Trong khi đó, chính bản thân người nông dân không thể nào phân biệt được đâu là sản phẩm “xịn” đâu là sản phẩm “trôi nổi”. Lực lượng chức năng thì chỉ kiểm soát theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, nên các cửa hàng loại C vẫn tự tung tự tác.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế - Cục trưởng An ninh nông nghiệp nông thôn (A86 - Bộ Công an) cho rằng: Trong thực tế, người dân chưa có niềm tin vào cơ quan chức năng. Vì vậy, khi mua hàng các cơ sở bán hàng không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến năng xuất cây trồng thì họ cũng chỉ biết im lặng mà không tố giác.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã xác định rõ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C, nhưng vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, khiến người dân rất bức xúc. “Cần công khai thông tin về đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đặc biệt là những cơ sở không đạt tiêu chuẩn, bị xếp nhóm C. Các địa phương phải tập trung tái thẩm định, nếu các cơ sở tiếp tục không đạt chuẩn thì phải kiên quyết rút giấy phép hoạt động” – Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo.

Không cho phép ai lừa dối nông dân 

Để giải quyết dứt điểm tình trạng thuốc BVTV kém chất lượng tự tung, tự tác vào từng làng, bản mà không bị một cơ quan chức năng nào quản lý, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế kiến nghị, nên huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền và cấp ủy ở địa phương, đồng thời khuyến khích người dân tham gia tố giác để tạo sự chuyển biến. “Dân có đủ niềm tin để báo chính quyền địa phương về những cơ sở, hành vi vi phạm thì tình hình mới chuyển biến được. Thuốc giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn liên quan đến nòi giống, tương lai của dân tộc chúng ta” – Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các địa phương tập trung triệt phá hàng lậu, hàng kém chất lượng trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là tập trung vào thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài luồng đang trôi nổi trên thị trường. “Hành lang pháp lý đã có rồi, chúng ta phải làm quyết liệt. Chúng ta không thương một người để làm hại muôn người. Không cho phép ai vì lợi ích của mình để làm hại cho người khác. Những hành vi lừa dối, bóc lột người dân khi bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng là không thể chấp nhận được. Chúng ta không cho phép bất cứ ai lừa dối, bóc lột nông dân" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu toàn ngành chỉ đạo đồng bộ, liên tục những công việc cụ thể theo lĩnh vực được phân công, phân cấp, tập trung ưu tiên nguồn lực, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong năm 2014. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về chất lượng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh các hình thức xử phạt hành chính cần kiên quyết việc công khai cơ sở sản xuất, kinh doanh xếp loại C  cũng như thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Đồng thời, Đề nghị Bộ Nội vụ cân đối bổ sung nhân lực cho các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp để thực thi nhiệm vụ quản lý theo Thông tư liên tịch 13/2014 của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

MUA GÌ

Lâm Đồng:   Hoa hướng dương và atisô được giá 

Hướng dương là loại hoa mới được nhập về từ Nhật, trồng chủ yếu tại huyện Lạc Dương. Hoa hướng dương từ lúc xuống giống cho tới khi được thu hoạch mất gần 2 tháng. Với giá bán ổn định tại vườn từ 6.000 – 7.000 đồng/cành như hiện nay, một sào hoa hướng dương sẽ cho doanh thu khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí, bà con nông dân thu lãi không dưới 30 triệu đồng.

Hiện cả Đà Lạt chỉ có khoảng 40 héc-ta atisô. Giá bông atisô Đà Lạt được tiểu thương tiêu thụ ở mức trên dưới 400.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. So với nửa tháng trước, mức giá này cao gấp 3 lần và theo dự báo, giá atisô Đà Lạt sẽ còn tiếp tục tăng mạnh bởi hiện đã vào cuối mùa thu hoạch. 
 
Đồng Nai: Giá nấm xuống thấp kỷ lục

Giá các loại nấm tại Đồng Nai hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Hiện tại, giá nấm mèo trắng (khô) chỉ ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg; nấm mèo đen (khô) chỉ đạt khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, giảm gần 20.000 đồng/kg so với đầu năm. Giá các loại nấm tươi như nấm bào ngư hiện chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg, nấm sò chỉ còn khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, giảm khoảng một nửa so với đầu năm. Với mức giá trên, người trồng nấm đang bị rơi vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng. Ngoài sự tác động bởi giá nấm giảm sút, người trồng nấm đang phải gánh chịu thực trạng nấm thành phẩm tồn đọng và bị hư hỏng do không có đầu ra.
 
Sóc Trăng: Hành tím tồn kho 30.000 tấn 

Hiện nay ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) sản phẩm hành tím còn tồn kho khoảng 30.000 tấn do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn. Nếu hồi đầu vụ thu hoạch bán được giá 17.000 - 18.000 đồng/kg hành tím thì hiện thời mất giá thảm hại, chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, năm nay hành tím gặp cạnh tranh gay gắt, nông dân Philippines trúng mùa, trong khi lượng hàng nhập khẩu vào Indonesia bất ngờ sụt giảm. Do vậy hành tím Sóc Trăng chủ yếu tiêu thụ nội địa. 
 
Đồng Tháp: Nuôi cá điêu hồng đang lãi cao 

Hơn một tháng qua, người nuôi cá điêu hồng ở Hợp tác xã - xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) phấn khởi vì cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, tăng từ  5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước và nông dân lãi hơn 6.000 đồng/kg cá. Năng suất cá đạt khoảng từ 5 - 6 tấn/bè, với giá hiện tại, người nuôi có thể lãi từ 30 - 35 triệu đồng/bè, tùy theo chất lượng cá giống và kỹ thuật nuôi. Thông thường, mỗi nông dân có từ 3 - 5 bè thì lợi nhuận đem lại sau 6 - 7 tháng nuôi là trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, giá cá thường bấp bênh, dịch bệnh tăng, chất lượng con giống và môi trường là những vấn đề khiến người nuôi cá điêu hồng không an tâm. Bà con mong các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, cách xử lý môi trường nước, đầu ra cá thương phẩm, nhằm giúp làng bè phát triển bền vững hơn.
 
Miền Tây: Nấm mối cung không đủ cầu

Nấm mối thường rộ vào đầu mùa mưa và chỉ kéo dài thời gian sinh sôi khoảng 1 đến 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch. Các tỉnh miền Tây đặc biệt là Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và một số tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước là “cái nôi” của nấm mối. Mùa rộ năm nay, do sản lượng thu hoạch chỉ bằng 50% năm trước nên giá nấm được đẩy lên cao. Ngay tại vườn giá từ 200.000 - 300.000 đồng /kg, giá tại các chợ đầu tỉnh vào khoảng 450.000 - 500.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi năm trước. Khi xuất lên các siêu thị, chợ trên TP. Hồ Chí Minh giá dao động từ 600.000 – 1.000.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp, đặc biệt là cho  khách hàng Việt kiều mua số lượng lớn để mang ra nước ngoài. Một ổ nấm mối thu hoạch trung bình khoảng 1 - 4 kg. Nấm mối hiện vẫn thu hoạch hoàn toàn từ tự nhiên, chưa thể trồng nhân  tạo cộng với việc bị ảnh hưởng từ phun xịt thuốc trừ sâu, diện tích đất canh tác thu hẹp nên khá hiếm và giá mỗi năm mỗi tăng.     
 
Giá cà phê tại một số địa phương
 
Thị trường
Giá (đồng/kg)
Ia Grai (Gia Lai)
39.800
Cư Mgar (Đắk Lắk)
40.000
Gia Nghĩa (Đắk Nông)
40.000
Bảo Lộc (Lâm Đồng)
39.300
Đắk Hà (Kon Tum)
39.700
 
Giá tiêu tại một số địa phương
 
Thị trường
Giá (đồng/kg)
Chư Sê (Gia Lai)
175.000
Đắk Lắk – Đắk Nông
175.000
Bình Phước
177.000
Châu Đức (Bà Rịa)
180.000  
 

BÁN GÌ

 Mủ cao su tiếp tục giảm giá

Tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên giá cao su thành phẩm đã tăng 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước. Hiện giá cao su thiên nhiên trên thị trường các tỉnh Đông Nam Bộ ở mức 35 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với tháng trước. Để ứng phó với tình hình này, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã khuyến cáo người sản xuất, doanh nghiệp có kế hoạch giảm khai thác để tránh giá xuống thấp hơn trong thời gian tới. VRA khuyến cáo bà con, doanh nghiệp giảm bớt bón phân, giảm cường độ cạo và không cạo mủ vào chủ nhật, ngày lễ, không cạo mủ sớm ở các vườn cây non. Bên cạnh đó, đối với những vườn cao su cần trồng xen canh và chăn nuôi kết hợp để nâng cao giá trị vườn cây.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 337.000 tấn cao su, giảm gần 12% về lượng và giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm nay là 1.842 đô-la Mỹ/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5/2014 với 26,25 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 25,2%.
 
Cà phê lại rớt giá

Tuần qua, giá cà phê trong nước đã quay đầu giảm. Cụ thể, đến cuối tuần qua giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông giảm từ mức 40.500 – 41.200 đồng/kg (tùy địa phương và chất lượng) xuống còn 39.200 – 40.000 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu FOB, TP. Hồ Chí Minh chào bán giảm từ mức 2.028 đô-la Mỹ/tấn xuống còn 1.969 đô-la Mỹ/tấn. Mức trừ lùi chính thức của giá cà phê xuất khẩu chào bán của nước ta so với hợp đồng kỳ hạn chính giao tháng 09/2014 trên sàn London tuần qua là -40 đô-la Mỹ/tấn.

Hiện nay, cà phê nhân của tỉnh Đắk Lắk đã được xuất khẩu đến 60 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 31 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu đô-la Mỹ trở lên. Các thị trường truyền thống như Đức, Nhật Bản, Italy, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Pháp, Nga... vẫn chiếm tỷ trọng lớn về lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu được trên 138.000 tấn cà phê nhân, tăng 9,2% so cùng kỳ này năm ngoái. 
 
ĐBSCL: Giá cá tra giảm mạnh

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đang dao động ở mức từ 21.200 - 22.000 đồng/kg, giảm từ 4.000 - 4.500 đồng/kg so với thời điểm tháng 4/2014. Với mức giá hiện tại, nông dân chịu lỗ trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Hiệp hội Thủy sản huyện Châu Thành cho biết, diện tích ao nuôi cá tra ở huyện Châu Thành đang giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50% diện tích ao nuôi hoạt động cầm chừng. Đa số bà con đều không được hưởng lợi từ đợt tăng giá hồi tháng 4. Các doanh nghiệp không có vùng cá nguyên liệu hiện thu mua với số lượng rất ít để hoạt động cầm chừng, còn đối với các doanh nghiệp lớn, có vùng cá nguyên liệu ổn định thì hầu như “đóng băng”. Do đó, phần lớn bà con nuôi cá tra ở đây đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Nhiều hộ gia đình ở huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy buộc phải chọn giải pháp an toàn là treo ao, tránh nguy cơ phá sản. 
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, một số mặt hàng thủy sản đang rớt giá mạnh do thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ trong nước không tăng trưởng mạnh. Thêm vào đó, một số yếu tố khách quan như: Chi phí thức ăn, chi phí vận tải đều tăng cao khiến giá thủy sản cũng bị ảnh hưởng theo.
 
Giá hồ tiêu lập kỷ lục

Giá hồ tiêu trong tuần qua đã đạt trên 190 triệu đồng/tấn (loại 1), cao nhất từ trước tới nay. Nhiều hộ gia đình ở huyện Bù Gia Mập, Bình Phước từ khi chuyển sang trồng tiêu, đời sống kinh tế dần tăng cao. Nhằm giúp bà con nâng cao chất lượng cây trồng, các kỹ sư chuyên ngành cũng trực tiếp về đây hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, thu hái cho bà con. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, đặc biệt là áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp năng suất nhiều năm qua đạt từ 3 - 5 tấn/héc-ta/năm.

Năm nay do thời tiết thất thường, sản lượng hồ tiêu giảm, đồng thời lượng tiêu còn tồn trong các hộ dân không nhiều, trong khi nhu cầu thị trường vẫn cao khiến thương lái tăng thu mua. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, hạt tiêu Việt Nam đã xuất khẩu được nhiều vào hầu hết các nước trên thế giới như Mỹ, Singapore, Ấn Độ… hay những thị trường có mức tăng trưởng nhập khẩu cao gần đây như Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Kuwait, Indonesia. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu năm nay cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về sâu bệnh hại cây và các chi phí sản xuất gia tăng. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, thị trường xuất khẩu tiêu ngày càng yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm như sản phẩm sạch, canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng. Vì vậy, ngay từ bây giờ người trồng và chế biến hồ tiêu cần triển khai các giải pháp phù hợp, sản xuất theo quy trình GAP, nông dân nên chuyển sang hướng trồng tiêu hữu cơ, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Khai thác tận diệt rừng ươi: Lợi trước mắt, hại lâu dài 
 
Tại nhiều địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên, năm nay rừng ươi sai quả bán được giá cao, dẫn đến nạn khai thác trái phép rộ lên với những diễn biến phức tạp. Hàng trăm đối tượng mang cưa máy vào rừng chặt hạ cây ươi, nhiều cánh rừng ươi dần bị “xóa sổ” và đã có không ít trường hợp tử vong, thương tích nặng trong quá trình leo trèo, chặt, hái để thu hoạch ươi rừng.
 
“Chảy máu” rừng ươi 

Ươi là loại cây có giá trị kinh tế cao, được dùng để giải khát và chữa bệnh. Tại Phú Yên, nhiều người dân đổ xô vào các khu rừng thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), các xã Ea Trol, xã Sông Hinh, Ea Bar (huyện Sông Hinh) hái lượm quả ươi về bán cho các thương lái thu gom với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg tươi và 150.000 – 300.000 đồng/kg khô. Tuy nhiên do nhiều người đổ xô đi tìm nên không ai “cầm lòng” lượm ươi bay (sau khi già quả ươi bay rụng xuống dưới đất) theo cách truyền thống mà đổ xô đi hái ươi non. Do cây ươi to và cao 20 - 30m nên nhiều đối tượng dùng cưa lốc cắt hạ cả thân cây có tán rộng hàng chục mét, chặt phá các cây xung quanh để hái cả hạt ươi xanh và chín, gây phá rừng trên diện rộng. Tại 2 huyện Khánh Sơn và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), người khai thác ươi vào rừng dựng lán trại, sau đó đánh dấu, phân chia từng cây ươi để chờ ngày hái quả. Hàng ngày, mỗi nhóm này chặt hạ từ 2 đến 4 cây ươi, mỗi cây chỉ thu được vài chục kg quả già. Một ngày đi khai thác quả ươi có thể có thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng tùy theo chất lượng trái. Chính vì thu nhập cao hơn nhiều so với công việc làm nương rẫy của bà con địa phương, nên họ không ngần ngại đốn hạ những cây ươi hàng chục năm tuổi để thu hoạch. Tại Bình Định, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã tổ chức 45 đợt truy quét, phát hiện nhiều nhóm lâm tặc cưa hạ hơn 290 cây ươi cổ thụ ở khu vực rừng đầu nguồn, thu giữ hơn 24 tấn hạt ươi. Có trường hợp đã ngụy trang thành xe cấp cứu để che mắt cơ quan chức năng vận chuyển ươi từ vùng cao về miền xuôi tiêu thụ. Hơn 50 héc-ta diện tích cây ươi của huyện Nam Đồng (Thừa Thiên - Huế) có độ tuổi từ 20 – 30 năm đã bị chặt để lấy quả. Qua công tác kiểm tra, xử lý lực lượng kiểm lâm chỉ thu được 3 tạ hạt ươi khô nhưng thực tế con số này vẫn chưa tương xứng với nạn khai thác đang diễn ra ồ ạt. Cơn sốt săn quả ươi từ các tỉnh miền Trung đã lan đến Tây Nguyên, bà con các xã Ea Trang, Cư San… (huyện M’Drak) rủ nhau vào rừng chặt phá cây ươi để lấy quả. Đi dọc quốc lộ 26, đoạn từ đầu xã Ea Trang đến sát đèo Phượng Hoàng, có thể thấy quả ươi được phơi như cà phê trước sân, hay chất từng bao ở trong nhà. Tại khu vực gần chốt kiểm dịch động vật đèo Phượng Hoàng, ban đêm có nhiều người chở từng bao tải ươi từ các hướng về nhập cho thương lái đã cho ô tô tải chờ sẵn. 

Cần những biện pháp xử lý quyết liệt

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác cây ươi trái phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các ban quản lý rừng tỉnh Quảng Nam cần duy trì hoạt động truy quét tại các khu vực trọng điểm đang xảy ra tình trạng chặt cây ươi; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hạt ươi trên các tuyến giao thông và các trạm barrie. Ngành quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý tình trạng mua bán, tàng trữ, kinh doanh hạt ươi trái phép để góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội tại các địa phương. UBND huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã yêu cầu UBND các xã, đặc biệt là xã Ea Trol, Sông Hinh, Ea Bar và các ngành chức năng của huyện tổng kiểm tra, truy quét việc khai thác, thu mua, cất giữ, vận chuyển hạt ươi trái phép; lập danh sách các đầu nậu thu mua hạt ươi trái phép để xử lý nghiêm minh; triển khai lực lượng phối hợp cùng chủ rừng kiểm tra ngăn chặn tại các điểm phá rừng. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các điểm thu mua quả ươi. Chỉ khi ngăn chặn được đầu ra thì mới kiểm soát được nạn chặt phá tận diệt trong điều kiện lực lượng kiểm lâm thì mỏng mà rừng lại rộng lớn. Hơn nữa, nhìn lại những năm gần đây nước ta luôn diễn ra những đợt thu mua lạ kỳ nông sản, lâm sản mà chủ yếu bắt nguồn từ thương lái Trung Quốc, khiến bao bà con lâm vào cảnh điêu đứng sau khi thương lái bỏ đi không thu mua nữa. Mong bà con cần cảnh giác hơn với những âm mưu lừa đảo để tránh lặp lại những thiệt hại mà trước đó nhiều người đã mắc phải.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

 Phú Yên: Khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển 
 
Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tại Phú Yên, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương ven biển trong tỉnh và các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai mô hình này để khi Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu lực thì triển khai thực hiện.
 
Để chuẩn bị thực hiện đề án thí điểm, tỉnh Phú Yên đang vận động xây dựng mô hình liên kết từ khâu khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ do Công ty cổ phần Bá Hải (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) liên kết với các chủ tàu khai thác cá ngừ ở trong tỉnh triển khai. Hiện năng lực chế biến và xuất khẩu của công ty cổ phần Bá Hải đạt khoảng 10.000 tấn cá ngừ/năm, có thể chế biến, cấp đông 40 tấn sản phẩm cá ngừ/ngày (tương đương 80 tấn nguyên liệu cá ngừ/ngày), có thể tiêu thụ hết sản lượng cá khai thác ở những thời điểm cao. Công ty có kế hoạch tổ chức liên kết với ngư dân thành lập từ 4 đến 6 tổ, đội khai thác cá ngừ (từ 40 đến 50 tàu). Từ nay đến năm 2015, công ty sẽ mua 3 tàu vỏ thép loại lớn (dài 36 mét) để thu mua sản phẩm và làm dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển, phục vụ các tàu cá, với chu kỳ khoảng 5 đến 8 ngày/chuyến. 

Nhiều ngư dân ở Phú Yên cho rằng, Nghị định 67 của Chính phủ ra đời phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng lâu nay và hy vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển, đồng thời cùng lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, bà con cũng băn khoăn đến công tác xét duyệt cho vay vốn làm sao cho đúng đối tượng, công bằng và tránh tiêu cực.
Theo UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2020, Phú Yên cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho ngư dân, hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác cá ngừ hiệu quả và bền vững. Đến năm 2015, có 100% tàu khai thác cá ngừ được tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất; 90% tàu khai thác cá ngừ được quan sát hành trình khi hoạt động trên biển; 100% tàu khai thác cá ngừ được định kỳ cung cấp bản tin dự báo ngư trường (30 ngày/bản tin); giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ đối với nghề khai thác cá ngừ. 
 
Khánh Hòa 11 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang Argentina

Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam cùng Cơ quan Chất lượng và Vệ sinh nông sản quốc gia Argentina đã ký bản ghi nhớ giữa 2 cơ quan về việc xuất khẩu nông, thủy sản sang nước đối tác. Theo đó, Việt Nam có 204 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu sang Argentina. Trong số đó, Khánh Hòa có 11 cơ sở.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu sang Argentina rà soát thông tin của cơ sở, chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để cập nhật và tuân thủ các quy định của Argentina khi xuất khẩu các lô hàng thủy sản vào thị trường này; thực hiện đăng ký, kiểm tra, chứng nhận cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Argentina tại các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng. 
 
Thừa Thiên - Huế : Xuất hiện mực giá rẻ không rõ nguồn gốc

Gần đây, mực giá rẻ được các tư thương bày bán hầu khắp ở các chợ trên địa bàn thành phố Huế, khiến người dân hoang mang chờ đợi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chất lượng. Theo một số tiểu thương tại thành phố Huế, không rõ loại mực này có nguồn gốc từ đâu nhưng nó có tên là Chan chu, loại này ăn không ngon, nhưng có giá rẻ nên được một bộ phận người dân ưa chuộng. Loại mực này có kích thước khá lớn, khoảng 0,4 đến 0,7 kg mỗi con, thân tròn dài, da đỏ nâu, khác hẳn những loại mực tươi được bày bán trên thị trường từ trước đến nay. Về nguồn gốc, loại mực này nhập về chợ dưới dạng hàng đông lạnh đóng trong thùng xốp. Giá bán sỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thông tin về nguồn gốc xuất xứ thì rất khác nhau: Được nhập từ Đài Loan; hoặc nhập từ tỉnh Quảng Ngãi; hoặc do ngư dân đánh bắt trên biển loại 1 và 2 xuất khẩu còn loại 3 và 4 bán với giá rẻ. 

Thiết nghĩ, để đảm bảo sức khỏe cho mình thì người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn những thực phẩm phù hợp với túi tiền nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng. Còn đối với thị trường mực giá rẻ hiện nay có đảm bảo chất lượng hay không, câu trả lời đang chờ các ngành chức năng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

 Kim Sơn (Ninh Bình): Người nuôi ngao gặp khó
 
Cách đây 6 - 7 năm, con ngao được du nhập đưa về nuôi ở vùng bãi bồi Kim Sơn với diện tích ban đầu chỉ vài chục héc-ta. Tuy nhiên, do thấy làm ăn có lãi (lợi nhuận thu về gấp 3 - 4 lần so với vốn bỏ ra), các hộ dân ở đây ồ ạt đầu tư vào nuôi ngao, diện tích nuôi ngao cũng như sản lượng ngao tăng lên nhanh chóng, từ 800 tấn năm 2008 lên mức 12.200 tấn năm 2012 và năm 2013 là 12.230 tấn. Đến nay, toàn huyện có gần 100 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 1.100 héc-ta. Do vùng bãi triều ở Kim Sơn sâu, dốc, lầy bùn nên người nuôi phải đầu tư cao hơn vùng khác để cải tạo bãi. Một héc-ta bãi triều muốn thả được ngao phải bỏ ra 50 - 60 triệu đồng đổ cát, san bãi, căng lưới. Chi phí giống cũng khá cao do phải nhập từ tỉnh ngoài về, thông thường 1 héc-ta ngao giống chi phí khoảng 120 triệu đồng (tùy mật độ, kích cỡ con giống). Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ngao không phải chăm sóc, cho ăn nên bà con vẫn lãi lớn, khoảng 100 triệu đồng/héc-ta, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc chiếm tới 60 - 70% thị phần. Từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường tiêu thụ ngao Trung Quốc đột ngột đóng cửa, giá ngao giảm chỉ còn 11.000 – 12.000 đồng/kg (giảm gần một nửa so với năm 2012). Do biến động bất ngờ của thị trường nên nhiều hộ nuôi ngao lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ.

Theo đánh giá của UBND huyện Kim Sơn, khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi ngao Kim Sơn là chưa tìm được thị trường tiêu thụ. Trước mắt, huyện đang phối hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn quy trình nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu “ngao Kim Sơn”. Bên cạnh đó, tập huấn cho hộ dân nắm vững kỹ thuật, hiểu biết về điều kiện tự nhiên, mức độ tác động của các yếu tố môi trường đến quá trình nuôi ngao. Từ đó xây dựng lịch thời vụ, mật độ nuôi, cỡ giống thả sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà nghề nuôi ngao đem lại cho nhiều người dân ven biển Kim Sơn. Tuy nhiên, chính vì phát triển vỡ quy hoạch, đầu ra của sản phẩm lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc đã gây ra cho người nuôi ngao thiệt hại không nhỏ.
 
Triệu Vân (Quảng Trị): Công bố nhãn hiệu đậu đen xanh lòng 
 
Dự án Biến đổi khí hậu (thuộc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung, trường Đại học Nông Lâm Huế) vừa phối hợp với Chi Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố nhãn hiệu đậu đen xanh lòng cho cơ sở sản xuất xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. 

Triệu Vân là xã vùng cát còn gặp nhiều khó khăn của huyện Triệu Phong. Những năm qua, cùng với nghề biển và trồng lúa trên cát, người dân địa phương cũng đã phát triển thêm nhiều mô hình canh tác hoa màu như dưa quả, ớt, ném và đặc biệt là cây đậu đen xanh lòng. Qua thực tế canh tác, hiệu quả mang lại từ cây đậu đen xanh lòng là khá cao. 

Từ năm 2010, Dự án Biến đổi khí hậu đã hỗ trợ cho 65 hộ dân xã Triệu Vân về nguồn kinh phí, giống, khoa học kỹ thuật để sản xuất, nhờ vậy năng suất, chất lượng của loại nông sản này rất khả quan. Hiện năng suất của cây đậu đen xanh lòng trồng ở vùng cát xã Triệu Vân đạt trên 90 kg/sào, giá bán hiện tại khoảng từ 30.000 - 35.000 đồng/kg đậu hạt, đầu ra ổn định. Từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay toàn xã đã hình thành được nhiều nhóm hộ sản xuất đậu đen liên kết tập trung với tổng quy mô diện tích trên 60 héc-ta; bình quân mỗi năm canh tác hai vụ đạt trên 90 héc-ta. 

Để giúp sản phẩm đậu đen xanh lòng từng bước vươn ra thị trường với giá trị cao hơn nữa, từ năm 2012, Dự án Biến đổi khí hậu đã làm các thủ tục để công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm này. Sau một thời gian tích cực, hồ sơ nhãn hiệu đậu đen xanh lòng xã Triệu Vân đã được công nhận. Sau lễ công bố này, Dự án Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm các thủ tục, giúp sản phẩm của bà con được bày bán ở các siêu thị, cơ sở mua bán lớn trong tỉnh để tiếp cận thị trường.

HÀNG THẬT HÀNG GIẢ

 Cảnh giác với thuốc bảo vệ thực vật ngoại bị làm giả 
 
Hiện trên địa bàn một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai... đang xảy ra vấn nạn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả. Nhiều cửa hàng đại lý công khai bày bán, tư vấn cho người nông dân mua các loại thuốc này trước sự làm ngơ của cơ quan quản lý.

Thuốc BVTV ngoại bị làm giả

Qua khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai… cùng  một loại thuốc diệt trừ nấm Phytophthora và kháng kích cây trồng gây bệnh thối rễ, hay bệnh vàng lá trên cây tiêu nhưng sản phẩm Agri fos 400 do Úc sản xuất, đã ngang nhiên bị làm giả, làm nhái. Sản phẩm này đã được các công ty khác nhái với cái tên, hình ảnh na ná như Agri Photphonate do công ty cổ phần nông hóa Hà Lan (61/23 tổ 8, kp 3, Trảng Dài, Biên Hòa); Agri – Fose 400 (nhà sản xuất là tập đoàn SMQ/CHE, nhà phân phối công ty Vinachemical địa chỉ 268/8 Tô Ký, P.TCH, quận12, TP. HCM)…

Tại An Giang, qua kiểm tra đột xuất các cơ sơ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn các huyện, thị trong tỉnh, Chi Cục quản lý thị trường đã phát hiện 10 cơ sơ vi phạm về sở hữu trí tuệ, bán phân bón lá giả nhãn hiệu “Boom-n flower” của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Chỉ một nhãn hiệu “Boom” nhưng có đến hàng chục nhãn hiệu tương tự, dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Chi Cục QLTT tỉnh này đã tạm giữ gần 3 ngàn chai thuốc để làm rõ, xử lý. 

Thực tế, việc bán thuốc BVTV dởm đem lại lợi nhuận “khủng” nên các đại lý sẵn sàng trà trộn hàng để bán. Tại cửa hàng thuốc Tuấn (huyện Long Khánh – Đồng Nai), theo phản ánh của người dân sinh sống trong vùng tiệm thuốc Tuấn đông khách nhất tại vùng này vì chủ cửa hàng không bán hàng nhái. Bà Nguyễn Minh Hồng – chủ tiệm thuốc Tuấn thật thà cho biết, hiện nay có rất nhiều nhà phân phối chào bán các loại thuốc nhái nhưng cửa hàng này không nhập. Bán hàng nhái, hàng giả, đại lý được hưởng triết khấu 70 - 80 nghìn đồng/chai, trong khi đó bán thuốc thật cửa hàng chỉ được lãi 2.000 đồng/chai. Chính vì vậy mà nhiều người kinh doanh thuốc BVTV vì tham lời nên họ thích bán loại nhái. 

Lập lờ nhãn mác

Chiêu bài chung để che mắt người nông dân, các doanh nghiệp sản xuất thuốc dởm đã "lập lờ đánh lận con đen" giữa thuốc BVTV và phân bón lá để lừa người nông dân. Bởi, quy trình để xin được giấy chứng nhận là thuốc BVTV rất ngặt nghèo và khó khăn. Thuốc phải được các tổ chức quốc tế công nhận; thuốc phải có tên trong danh mục được phép sử dụng của Bộ NN&PTNT; khi đưa thuốc vào thị trường phải thử nghiệm 1 năm có kết quả tốt mới được Bộ NN&PTNT và Cục bảo vệ thực vật cấp phép lưu hành. Quá trình xin cấp phép kéo dài nhiều năm.

Với phân bón lá quy trình cấp phép rất đơn giản. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký loại phân bón được phép sản xuất tại Việt Nam và làm thủ tục công bố tiêu chuẩn cơ sở.

Đơn cử, thuốc bảo vệ thực vật Agri – fos 400 (Úc) sản xuất, một loại thuốc đặc trị bệnh chết nhanh, chết chậm và vàng lá, thối rễ trên cây tiêu. Trên thị trường có cả chục loại sản phẩm nhái tương tự từ hình ảnh, nội dung nhãn mác và được gắn với tên na ná như Argi Fose 400, Argi – Phosphonate, Stariphos 400… 

Điều đáng nói, trên các loại thuốc nhái này, các công ty sản xuất không ghi rõ nội dung cụ thể, rõ ràng. Có chai vừa ghi là thuốc, vừa ghi là phân bón; có chai không ghi gì. Như sản phẩm Argi – Phosphonate của công ty TNHH SX-TM-DV Hóa Nông (252 đường Thới An 32, quận 12, TP. HCM): Trên bao bì ghi phân bón lá cao cấp nhưng phía dưới ghi chế phẩm kháng nấm Phytopthora...

Ông Nguyễn Phú Cường – chuyên gia về thuốc BVTV cho biết: “Luật đã quy định rõ trên nhãn mác bao bì sản phẩm, nếu sản phẩm là thuốc thì đơn vị sản xuất phải ghi rõ là thuốc. Nếu là phân bón phải ghi là phân bón. Thế nhưng, trên thị trường có hàng chục sản phẩm nhái ghi không rõ nguồn gốc, chủng loại, không biết sản phẩm là phân bón hay là thuốc. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ để tránh thiệt hại cho người nông dân”.

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hậu Giang - Nguyễn Văn Đối cho biết, hàng năm trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại thuốc BVTV mới. Các công ty, doanh nghiệp thường “tung” ra chiêu khuyến mãi bằng cách tặng phẩm. Người dân lại có tâm lý thích mua những sản phẩm có khuyến mãi. Hậu quả là “tiền mất, tật mang” khi mua phải những sản phẩm giả, kém chất lượng. 

Ông Đối đưa ra lời khuyên, tốt nhất là bà con nông dân nên tìm mua tại các cửa hiệu, đại lý, đừng bao giờ tin vào những chiêu quảng cáo, khuyến mại hay của những đối tượng buôn bán dạo mà mua phải hàng dởm, kém chất lượng. Đồng thời, khi mua thuốc BVTV, bà con cũng lưu ý đọc kỹ nhãn trên chai để phân biệt đâu là thuốc BVTV chính hiệu, đâu là phân bón là “lập lờ” nhãn hiệu những thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.

(Thông tin do Báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện)