Thông tin giá cả thị trường tuần từ 28/07/2014 đến 01/08/2014
04:09 PM 28/07/2014 | Lượt xem: 3044 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân miền núi và bà con dân tộc thiểu số, từ số 01 (ra ngày 03/01/2014), Chuyên đề DTTS&MN (Báo Công Thương) tiếp tục chuyên mục “Thị trường – Giá cả” với sự hợp tác của Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc (Dantoc online), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) và các hiệp hội, ngành hàng...
Chủ động sản xuất trong mùa mưa bão
Do tác động của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết ngày càng trở nên bất thường, không theo quy luật. Những tác hại do thiên tai, thời tiết gây ra đối với đời sống, sản xuất của bà con cũng ngày càng nặng nề hơn, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Hạn hán, mưa lũ ngày càng bất thường
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp, nắng nóng bất thường và xảy ra trên diện rộng. Tiếp đến khả năng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn, thậm chí có thể xảy ra những cơn bão mạnh, siêu bão di chuyển phức tạp, không theo quy luật. Số lượng cơn bão, ATNĐ được dự báo hoạt động trên Biển Đông khoảng từ 10 đến 12 cơn, trong ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng 4 - 5 cơn. Thực tế những dự báo trên đã thành hiện thực khi từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên cả nước được ghi nhận thấp hơn trung bình nhiều năm, trong khi đó nắng nóng ngày càng gay gắt. Nhất là trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nhiều nơi nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Xen kẽ trong những đợt nắng nóng là mưa lũ và bão. Đã có hai cơn bão đổ bộ vào nước ta gây ra không ít thiệt hại về người và tài sản. Chỉ riêng cơn bão số 2, mặc dù không trực tiếp đổ bộ vào nước ta, nhưng hoàn lưu của bão thống kê chưa đầy đủ đã làm 29 người chết và mất tích; 6.000 ngôi nhà bị ngập nước, sập đổ; hơn 4.000 héc-ta lúa và hoa màu của các tỉnh miền núi phía Bắc bị hư hỏng, thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên nhiều khả năng sẽ xảy ra hạn hán trên diện rộng, tiếp đến là những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn trong thời gian ngắn, gây lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân.
Hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất và đời sống người dân, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt là các công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi. Phần lớn các hồ chứa, nhất là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ 30 đến 40 năm trước, nên không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan hiện nay.
Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành và địa phương phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình hồ đập; rà soát, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến kháng chấn động đất trong điều kiện biến đổi khí hậu; tăng cường nâng cao chất lượng dự báo mưa, lũ cho các lưu vực sông. Kiên quyết dừng thực hiện các dự án hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, nhất là không bảo đảm an toàn dân cư vùng hạ du trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ động theo dõi sớm công bố kết quả nghiên cứu tình hình nắng nóng trong khu vực và trên thế giới; phân vùng bão, dự báo cấp gió bão mạnh nhất, mức nước biển dâng cao nhất có khả năng ảnh hưởng đến từng khu vực ven biển; hoàn thiện hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương khẩn trương gia cố các công trình thủy lợi xong trước mùa mưa bão; xây dựng bản đồ ngập lụt ở vùng ven biển, cửa sông theo các kịch bản nước dâng do bão, lũ làm cơ sở cho việc quản lý quy hoạch đất sản xuất, bố trí dân cư và xây dựng sơ tán dân cư trong các tình huống bão, lũ khi có thiên tai xảy ra; chủ động nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng tại các vùng hạn nặng, hay ngập úng kéo dài. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương để điều tiết việc xả nước các hồ thủy điện sao cho đủ nước trong mùa hạn, tránh ngập úng khi mưa bão.
Bộ Xây dựng nhanh chóng nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, hướng dẫn về xây dựng công trình, nhà ở theo phân vùng tránh bão, sạt lở đất. Nhất là khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tiếp tục triển khai nhà tránh lũ tại các tỉnh miền Trung đã được Chính phủ phê duyệt.
MUA GÌ |
Giá phân bón sẽ tăng nhẹ
Hiện đang là cuối vụ đông xuân và bà con đang chuẩn bị cho vụ hè thu. Dự kiến giá các loại mặt hàng phân bón sẽ tăng nhẹ trở lại sau khoảng một tháng nữa do nhu cầu chăm bón vụ hè thu. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, đây chính là thời điểm các nhà máy cần sản xuất hàng để cung cấp cho thị trường chuẩn bị cho vụ hè thu tới. Nhưng trong tháng 7 này, cả hai nhà máy sản xuất phân bón lớn là Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm) và Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm) đều dừng để bảo dưỡng dài hạn. Điều này rất có thể sẽ khiến sản lượng phân bón sản xuất trong nước hụt đi một lượng đáng kể. Như vậy, trong ngắn hạn, nguồn cung được dự báo có thể hơi thiếu. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo một khía cạnh khác, đây cũng chính là một kênh để các nhà máy sản xuất urê trong nước giải quyết lượng hàng dự trữ trước đó, giảm áp lực tồn kho trong bối cảnh hiện tại.
Nấm rơm được giá, dễ bán
Hiện nay, người dân trồng nấm rơm ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang đang rất phấn khởi vì nấm hút hàng, được giá. Nấm tươi thu hoạch vào buổi sáng cân cho tiểu thương bán ở các chợ trong tỉnh có giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg. Còn nếu thu hoạch vào ban đêm, bán cho thương lái đưa đi nơi khác tiêu thụ có giá cao hơn gần gấp đôi, từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Sở dĩ nấm thu hoạch đêm có giá là do hái lúc nấm còn nhỏ, chất lượng ngon hơn nấm lớn. Do nấm đang được giá nên nguồn rơm nguyên liệu cũng hút hàng. Hiện nay mỗi công rơm nếu mua tại ruộng của nông dân có giá từ 110.000 - 120.000 đồng/công. Còn nếu mua lại từ ghe của thương lái là 160.000 - 170.000 đồng/công, tăng 20.000 - 30.000 đồng/công so với năm trước.
Đồng Tháp: Khoai cao rớt giá
Nông dân huyện Thanh Bình đang vào mùa thu hoạch nhiều loại nông sản, trong đó có khoai cao. Năm nay, khoai cao lại rớt giá mạnh khiến nông dân lo lắng. 2 năm trước, giá khoai luôn ở mức cao, trung bình từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, nhưng hiện tại, giá khoai cao chỉ còn 6.000 đồng/kg, trừ chi phí, còn lãi khoảng 5 triệu đồng/công, thấp hơn năm ngoái khoảng 10 triệu đồng/công.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, diện tích trồng khoai cao vụ hè thu năm 2014 lên đến trên 500 héc-ta, tăng 100 héc-ta so với năm 2013, tập trung các xã: Tân Long, Tân Huề, Tân Thạnh, Tân Quới và Tân Hòa. Nguyên nhân tăng là do 2 năm trước đây khoai cao “sốt” giá, nông dân tiếp tục trồng khoai trở lại dù vẫn canh cánh nỗi lo.
Sóc trăng: Ổi tăng giá trở lại
Hiện giá ổi tại vườn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg (tùy kích cỡ và độ bóng đẹp của trái ổi), tăng hơn 2 lần so với thời điểm có tin đồn thất thiệt "ăn ổi bọc bao xốp gây ưng thư". Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Kế Sách, huyện có khoảng 1.000 héc-ta đất vườn trồng ổi. Ổi được xem là cây xóa nghèo của địa phương bởi thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc, nhẹ chi phí chăm sóc, cây cho trái nhanh và ổn định trong thời gian dài.
Bến Tre: Nhãn xuồng mất giá
Hiện nay, hàng trăm héc-ta nhãn xuồng cơm vàng ở các xã Giao Long, Giao Hòa, Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang thu hoạch rộ nhưng có rất ít thương lái thu mua nên giá giảm từng ngày. Hiện nay, giá nông sản này đang đứng ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg vào đầu tháng 7. Nguyên nhân là do nhãn xuồng cơm vàng không xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ nội địa.
Giá hóa chất, phân bón trong tuần
Thị trường |
Chủng loại |
ĐVT |
Đơn giá (VNĐ) |
An Giang |
Pasha 50EC 480 ml (thuốc trừ sâu Fenobucarb) |
Chai |
22.167 |
|
Kasumil 2L 450ml (thuốc trừ bệnh Kasugamycin) |
“ |
64.090 |
|
Forwaset 250SC 240ml (thuốc trừ cỏ (quynclorat) |
Chai |
52.234 |
|
Phân Ure Phú Mỹ |
Kg |
8.400 |
Hậu Giang |
Thuốc bảo vệ thực vật Fuan |
Chai |
47.500 |
|
Titl super |
“ |
294.000 |
|
Phân Ure |
Kg |
8.800 |
|
Phân DAP |
“ |
12.200 |
Cà Mau |
Phân Ure Phú Mỹ |
Bao |
400.000 |
|
Phân DAP Hồng Hà |
“ |
560.000 |
|
Thuốc bảo vệ thực vật dibuta 60EC |
Chai |
75.000 |
Đồng Tháp |
Phân Ure Phú Mỹ |
“ |
8.100 |
|
Phân NPK Việt Nhật |
“ |
10.200 |
Tiền Giang |
Phân Ure |
“ |
8.200 |
BÁN GÌ |
Cam sành miền Tây giá cao gấp đôi năm ngoái
Tại Hậu Giang và Sóc Trăng, cam sành đã vào vụ thu hoạch rộ nhưng vẫn được giá cao. Giá bán cam sành tại vườn cho thương lái cân xô từ 19.000 – 20.000 đồng/kg, còn lựa ra loại lớn nhất 23.000 đồng/kg. So với năm ngoái, giá cam sành năm nay cao gấp đôi năm trước (năm ngoái chỉ 12.000 đồng/kg).
Theo nhận định của các thương lái thu mua cam, năm nay cam được giá là do tình trạng bùng phát bệnh vàng lá, thối rễ ở rất nhiều nơi làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng cam. Thêm vào đó, nhu cầu dùng cam nhiều nên cam liên tục được giá.
Tiền Giang: Giá dứa tăng trở lại
Sau thời gian rớt giá thê thảm, giá dứa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tăng mạnh trở lại. Đây là tín hiệu vui cho nông dân trồng dứa ở vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Hiện các thương lái đang thu mua dứa với giá từ 4.000 đến 4.200 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, người trồng dứa thu lãi từ 35 - 40 triệu đồng/héc-ta/năm. Trên thực tế, giá dứa tăng trở lại do lượng dứa thu hoạch không còn nhiều, nguồn cung cho thị trường hạn chế. Dù giá dứa tăng cao, nhưng bà con nông dân không được hưởng lợi, bởi phần lớn vườn dứa lâu năm nay đã cho thu hoạch tập trung vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Những vườn cho thu hoạch sau thời điểm trên tập trung chủ yếu ở những vườn dứa non và số lượng này không nhiều. Nhiều hộ nông dân cũng dự đoán, thời gian tới, giá dứa sẽ còn tăng lên đến 4.500 - 5.000 đồng/kg, do đang ở thời điểm nghịch mùa.
Tiền Giang hiện là địa phương có diện tích trồng dứa tập trung lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 15.400 héc-ta, tập trung chủ yếu ở Tân Phước, sản lượng đạt gần 200.000 tấn/năm.
Châu Âu siết chặt chất lượng hồ tiêu nhập khẩu
Nhiều nhà nhập khẩu gia vị lớn tại Đức, Hà Lan vừa gửi cảnh báo đến các doanh nghiệp Việt Nam về quy định siết chặt chất lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, thị trường châu Âu phát hiện trong hồ tiêu Việt Nam có dư lượng carbendazim khá phổ biến. Do đó, bắt đầu từ năm 2015, châu Âu sẽ đưa hoạt chất carbendazim vào danh mục cấm nhập. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl, được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, rỉ sắt… Các loại thuốc có chứa carbendazim: Acovil 50 SC, Vicarben 50WP, 50SC, Benzimidine 50 SC, Baberim 500 FL, Arin 25SC, 50SC, 50WP, Appencarb super 50FL, 75WG, Agrodazim 50 SL, 500SC…
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa, hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất carbendazim vì nếu tình trạng hồ tiêu nhiễm hoạt chất carbendazim còn kéo dài, thì hồ tiêu nước ta sẽ bị ép giá mạnh so với tiêu Ấn Độ, Indonesia và Brazil từ năm 2015.
An Giang: Măng tươi về chợ nhiều, giá giảm
Nếu đầu mùa mưa khoảng tháng 4 - 5 âm lịch, măng tươi có giá khoảng 20.000 đồng/kg thì đến nay, thời điểm thu hoạch rộ chỉ còn khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên nhiều hộ gia đình đã trồng xen giống tre mạnh tông lấy măng và coi đó là nguồn thu nhập chính. Đặc biệt vào vụ là khoảng tháng 7 - 8 âm lịch mỗi hộ thu hoạch trên dưới 2 tấn măng tươi mỗi đợt. Ước tính bình quân mỗi vụ thu hoạch măng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, mỗi hộ có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Ngay tại khu vực dưới chân núi xã An Hảo, hiện có 6 vựa nhỏ thu mua măng tươi. Hầu hết các vựa thu mua măng tươi, sau đó cắt gọt phần gốc tận dụng làm dưa chua, còn phần non giao cho thương lái chuyển đi bán sỉ ở các nơi trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay giá măng đang giảm từng ngày, cứ 1 - 2 ngày giá giảm khoảng 500 đồng/kg.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp huyện Tịnh Biên, trồng tre lấy măng luôn là ưu thế của vùng này, bởi mưa nhiều, mùa măng thường kéo dài, giúp người dân có thu nhập cao mà không phải tốn kém nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, để tránh điệp khúc “trúng mùa mất giá” thì ngành chức năng cần liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng Bảy Núi.
Nhiều nhà vườn lâu năm cho biết, một héc-ta đất rừng có thể trồng xen được 1.000 bụi tre lấy măng. Khi tre phát triển mạnh sau vài năm có thể cho năng suất từ 80 -100 tấn/héc-ta. Tiềm năng trồng tre dưới tán rừng lấy măng ở khu vực Núi Cấm còn rất lớn, khả năng có thể cung ứng cho thị trường hàng triệu tấn măng tươi mỗi năm. Nếu như có sự đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ thì sản phẩm măng tre mạnh tông sẽ có điều kiện vươn xa hơn.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Sử dụng tấm lợp fibro xi măng: Hậu quả khôn lường
Trên thị trường hiện nay, tấm lợp fibro xi măng bằng amiăng là vật liệu xây dựng khá phổ biến, có giá hợp lý nên được sử dụng rộng rãi. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, bà con thường dùng vật liệu này để lợp nhà do dễ vận chuyển, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình miền núi, vùng cao. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, sử dụng sản phẩm từ amiăng không đảm bảo an toàn, thậm chí nguy hại đến sức khỏe.
Rẻ nhưng chưa hẳn đã an toàn
Với những đặc tính ưu việt như độ bền, chịu nhiệt và ma sát, cách điện, cách âm và giá thành rẻ, amiăng trắng từng được coi là nguyên liệu đầu vào hữu ích trong sản xuất, đặc biệt là với ngành xây dựng và công nghiệp nặng. Tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng và trong gần 60 năm qua, amiăng đã là một vật liệu hữu ích. Theo thống kê sơ bộ, hiện nước ta có 39 cơ sở sản xuất với hơn 5.000 lao động, có khả năng cung cấp trên dưới 100 triệu m2 fibro xi măng mỗi năm, đáp ứng 60% nhu cầu về tấm lợp. Sản phẩm này cũng được bà con các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ưa chuộng vì vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, giá thành lại thấp. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, mặt hàng này rất đắt hàng do nhu cầu sửa chữa nhà cửa của bà con tăng cao.
Mặc dù trước đây đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của amiăng nhưng do chiếm ưu thế về giá thành nên khó có thể tìm được sản phẩm thay thế. Tại Hội thảo “Amiăng với sức khỏe” tổ chức gần đây tại Hà Nội, ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã bức xúc: “Amiăng trắng trong các tấm fibro xi măng vô cùng độc hại, song hầu hết người tiêu dùng Việt Nam vẫn không hề biết về sự độc hại này. Điều nguy hiểm hơn là người dân miền núi thường có thói quen hứng nước mưa từ mái lợp để dùng. Ai dám bảo đảm người dùng không nhiễm độc. Ngay cả hệ thống dẫn nước sinh hoạt cũng sử dụng sản phẩm có amiăng liệu sức khỏe của người dùng sẽ ra sao?”. Tại Hội thảo này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nên cấm sử dụng amiăng bởi những tác hại đến sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ gây ung thư.
Tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư
Theo các nhà chuyên môn, amiăng gây hại cho sức khỏe khi ở dạng bụi, xảy ra trong quá trình sản xuất như mài, cắt sản phẩm vật liệu hoặc phá dỡ công trình có chứa amiăng. Điều này hết sức nguy hại khi tại Việt Nam từ khâu quản lý nguyên liệu, phương tiện bảo vệ cá nhân, vệ sinh môi trường cho tới ý thức của công nhân tại các nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng đều rất kém. Do vậy, mặc dù đến nay chưa có nghiên cứu nào về những tác hại do amiăng gây ra tại Việt Nam, song rất nhiều con số đã chứng minh, amiăng đã và sẽ đem lại những hậu quả to lớn đối với sức khỏe cộng đồng. TS. Lương Mai Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Theo nghiên cứu của Bộ Y tế thực hiện trong 2 năm 2010 - 2011, tại 6 bệnh viện đã ghi nhận 447 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ liên quan đến amiăng , trong đó 46 ca được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi. Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với animăng thường kéo dài khoảng 20 - 30 năm, người lao động đến khi nghỉ hưu mới phát bệnh. Đáng nói hơn, khả năng gây ung thư của amiăng không chỉ xảy ra với những công nhân trong các xưởng sản xuất mà ngay cả với những người sống trong môi trường gần nơi khai thác, ở nhà có mái lợp amiăng. Đây là điều rất đáng lưu ý khi rất nhiều người dân không hề biết về tác hại của amiăng vẫn thường xuyên hứng nước từ mái lợp fibro xi măng để dùng cho ăn uống. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013 cũng đã đưa ra cảnh báo amiăng là chất gây ra 1/2 ca tử vong do ung thư nghề nghiệp, các bệnh như bụi phổi animăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, thực quản, buồng trứng...
Trên thực tế, Chính phủ đã có kế hoạch về loại bỏ và cấm sử dụng amiăng trắng trong vật liệu xây dựng vào thời điểm năm 2004. Kế hoạch này đã bị hoãn 2 lần vào năm 2010 và 2020. Đến nay, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Chính phủ đưa nội dung “Không tiếp tục sử dụng vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng” vào quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa amiăng trắng vào danh mục hóa chất kiểm soát chặt chẽ theo Luật Hóa chất năm 2007. Vì sức khỏe và quyền lợi của người dân, Bộ KH&CN cũng đề nghị cần phải sử dụng các vật liệu khác thay thế amiăng. Tuy nhiên, trước mắt cần có điều tra, phát hiện sớm các bệnh liên quan đến amiăng, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư thanh quản, u trung biểu mô... Từ đó đưa tất cả các loại bệnh có liên quan đến amiăng vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Làng nghề gỗ: Liên kết để thoát khỏi tình trạng manh mún
Cả nước hiện có khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ, cùng hàng chục nghìn hộ gia đình làm nghề chế biến gỗ tập trung phần lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam...
Cầu tăng mạnh
Nhu cầu về tiêu dùng đồ gỗ thị trường nội địa đã tăng mạnh và có nhiều tiềm năng, trong đó nhu cầu mua sắm đồ gỗ của các hộ gia đình là tương đối lớn, bình quân mỗi hộ gia đình cần mua sắm khoảng 6 triệu đồng cho đồ gỗ. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị chế biến gỗ có quy mô vừa và lớn thực hiện đầu tư khai thác thị trường nội địa chiếm tỷ lệ thấp, hầu như chỉ có các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cũng như các hộ chế biến thuộc các làng nghề.
Là địa phương có khoảng 20 làng nghề với 300 doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung tại các huyện như Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường... nhưng hầu hết các cơ sở chế biến gỗ của Nam Định đều có các trang thiết bị máy móc đơn giản, phục vụ sơ chế và sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công, sơ chế nguyên liệu cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Do thiếu vốn sản xuất, khả năng huy động vốn hạn chế nên các làng nghề vẫn sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, hiệu quả sản xuất không cao, khó có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn. Các sản phẩm tiêu thụ nội địa của làng nghề gỗ Nam Định vẫn chỉ chú trọng vào một số sản phẩm kiểu dáng cũ. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị hiếu tiêu dùng đồ gỗ trong nước thường kết hợp với các vật liệu khác hoặc đồ gỗ làm từ ván nhân tạo có thiết kế nhẹ nhàng, hiện đại, giá rẻ. Các sản phẩm này đang được các nước đi trước Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ván nhân tạo chào hàng rất tốt. Các doanh nghiệp trong nước cũng nhận thấy tiềm năng từ thị trường này nhưng hiện tại Việt Nam sản xuất với giá cao hơn nên khó có khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi hướng vào thị trường nội địa là chưa tạo được thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới, chưa tạo được những sản phẩm có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, chưa có hệ thống phân phối và giá bán hợp lý.
Bên cạnh đó, sản xuất và tiêu thụ đồ gỗ phần lớn là độc lập, khép kín theo kiểu bán buôn nhỏ hoặc “tự sản, tự tiêu” chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý và định hướng tiêu dùng nội địa.
Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất
Trước xu hướng phát triển của thị trường nội địa, một số làng nghề đã có sự liên kết, chuyên môn hóa trong sản xuất, cơ sở sản xuất chỉ chuyên sản xuất một hoặc một số chi tiết của sản phẩm. Sự chuyên môn hóa này đã và đang có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng được các đơn hàng lớn.
Điển hình như làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã có sự liên kết với các làng lân cận như Hương Mạc, Phù Khê, Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), Văn Môn, Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) lập thành hệ thống sản xuất theo dây chuyền. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, trong tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ nội địa thì các doanh nghiệp làng nghề lại cạnh tranh một cách tự phát hoặc cạnh tranh không lành mạnh, ít thấy có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các hộ sản xuất các làng nghề gỗ trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã định hướng và xây dựng các giải pháp để phát triển thị trường nội địa đối với đồ gỗ chế biến nhằm mục tiêu đạt 4 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020.
Theo đó, các làng nghề, các doanh nghiệp chế biến gỗ phải đẩy mạnh việc đổi mới nguyên liệu phục vụ sản xuất, đổi mới mẫu mã, thiết kế để sản phẩm làm ra ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng; cải tiến hình thức xúc tiến thương mại và đặc biệt là cùng chung tay, góp sức xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm đủ mạnh trên phạm vi cả nước.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Lý Sơn (Quảng Ngãi): Người dân gặp khó vì nông, hải sản rớt giá
Giá hành, tỏi, dưa hấu chưa bao giờ sụt giảm như năm nay. Giá bán liên tục hạ suốt từ đầu vụ, chính vụ cho đến cuối vụ chứ không theo quy luật thông thường khi mùa rộ giá bán mới giảm. Nhiều nông dân trồng hành, tỏi đầu vụ thu hoạch thấy giá bán thấp, không bán trữ lại chờ hết vụ đưa ra tiêu thụ nhưng kết cục lại càng lỗ thêm. Giá hành tím Lý Sơn, từ đầu năm đến nay, chưa bao giờ bán ra đạt tới 20.000 đồng/kg. Đầu vụ, chính vụ và cuối vụ, hành khô loại I chỉ dao động ở mức 12.000 – 15.000 đồng/kg. Hành tươi mới thu hoạch về bán với số lượng lớn chỉ khoảng 9.000 đồng/kg. Giá tỏi, đầu vụ bán được 55.000 – 60.000 đồng/kg, sau đó liên tục giảm và đến nay mặc dù đã hết vụ tỏi thông thường giá bán sẽ cao hơn nhưng ngược lại, giá tỏi hiện tại sụt giảm hơn đầu vụ và chỉ còn 45.000 – 50.000 đồng/kg đối với tỏi loại I.
Với hầu hết các loại hải sản tại Lý Sơn, giá bán qua các phiên biển đều giảm mạnh, chỉ trừ một số mặt hàng là đặc sản thì có phiên sụt, có phiên giữ nguyên. Giá giảm nhiều nhất là “cá vàng vi” – một loại cá ngừ đại dương đánh bắt ở Hoàng Sa có giá trị xuất khẩu. Phiên biển đầu năm, giá thu mua loại cá này là 65.000 đồng/kg. Nhưng qua 7 phiên biển, mỗi phiên sụt giảm một ít, nay chỉ còn 32.000 đồng/kg, tức là giảm một nửa so với hồi đầu năm. Trước thực trạng này, nguyện vọng của bà con ngư dân là cần sự can thiệp của chính quyền nếu bà con bị ép giá. Còn nếu thị trường tiêu thụ khó khăn thì mong chính quyền xúc tiến mở rộng thị trường để ngư dân yên lòng bám biển làm ăn. Đối với hành, tỏi và các nông sản khác, việc sụt giảm giá kéo dài chưa rõ nguyên nhân cũng cần thiết phải có sự vào cuộc của chính quyền để “tìm hiểu, phân tích”, có giải pháp giúp đỡ nông dân. Đất canh tác ít ỏi, sản xuất ngày càng khó khăn, sản lượng bấp bênh vì thiên tai khắc nghiệt... Những yếu tố bất lợi đó cộng với giá bán sụt giảm, chắc chắn đời sống nông dân sẽ khó khăn. Giúp người sản xuất, đặc biệt là ngư dân tìm nguyên nhân, để có cách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hải sản tốt hơn là việc cần thiết phải làm ngay.
Lộc Bảo (Lâm Đồng): Xã nghèo làm giàu từ mít nghệ
Tại xã nghèo Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng), bên cạnh hai cây trồng chủ lực là chè và cà phê, cây mít nghệ cũng đang là loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Giữa năm 2011, Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm đã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên tại Lộc Bảo nhằm lựa chọn một số giống cây trồng có khả năng phát triển tốt và cho năng suất cao tại đây. Trong số những giống cây trồng mới được đưa ra, nhiều hộ dân đã chọn giống mít nghệ làm cây trồng thí điểm. Từ 10 đến 20 cây trồng thử ban đầu, đến nay nhiều gia đình đã tự mua thêm cây giống để sản xuất trên diện tích nhiều héc-ta. Nhờ cây mít nghệ, có hộ đã làm giàu thành công sau 3 năm đầu tư trên 900 gốc mít. Hiện tại, giá mít bán cho thương lái tại vườn dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ tiền công và phân bón, gia đình thu về hơn 150 triệu đồng.
Hiện tại sản lượng mít ở Lộc Bảo không đủ bán cho các vựa ở Bảo Lộc và nhất là những doanh nghiệp ở Đồng Nai lên mua. Đối với mít loại 1 thương lái thu mua để xuất khẩu, các loại còn lại chủ yếu cung cấp cho nhà máy mít sấy khô. Sản phẩm mít thích hợp thị trường ăn tươi và chế biến khô nên ít rủi ro khi tiêu thụ. Tuy nhiên, việc trồng và bán mít vẫn còn phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường.
Theo đánh giá của các hộ trồng diện tích lớn ở Lộc Bảo, khác với một số huyện lân cận như Đạ Huoai, Đạ Tẻh mít thường bị ruồi vàng đục làm thối trái, thì mít nghệ Lộc Bảo hoàn toàn không bị xâm hại bởi loài vật này. Trước mắt, trồng mít cho thu nhập cao hơn trồng cà phê, chè và nhiều loại cây trồng khác nhờ chi phí thấp, sử dụng phân, thuốc ít và tốn ít công chăm sóc, thu hoạch. Hiện nay, trên toàn xã có hơn 500 héc-ta trồng mít, trong đó hơn 50 héc-ta là mít của người dân tự trồng, còn lại là diện tích mít của Công ty TNHH Lê Dương thuê đất trồng tại xã. Nhiều hộ dân ở xã Lộc Bảo đang hy vọng đầu ra của sản phẩm sẽ ổn định hơn, để mít nghệ sớm trở thành loại cây chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
(Thông tin do Báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện)