Thông tin giá cả thị trường ra ngày 13/02/2015

03:02 PM 13/02/2015 |   Lượt xem: 2456 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Hàng giả, hàng nhái kém chất lượng có mặt khắp nơi. Trong đó, loại hàng độc hại này “ngự trị” nhiều hơn cả ở thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi ở đây, người dân nghèo khó, trình độ dân trí thấp, không phân biệt đâu là thật, đâu là giả và lực lượng chức năng ít kiểm soát được thị trường.

Đau lòng những điều mắt thấy, tai nghe

Càng gần Tết Ất Mùi, những thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ở La Phù - Hoài Đức (Hà Nội), Thổ Tang - Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc càng nhiều hơn. Đây được coi là “thủ phủ” của hàng giả, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh. Thậm chí có thể nói là hàng độc hại, bởi công thức sản xuất nước ngọt, rượu, bánh kẹo tại những nơi này chủ yếu dùng hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất mất an toàn vệ sinh.

Ví như nước ngọt và rượu vang đủ loại có thương hiệu sản xuất tại Thổ Tang là nước giếng khoan hòa tan với đường rẻ tiền, nhập tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Màu sắc thì cộng với một trăm phần trăm (100%) hóa chất không rõ nguồn gốc. Còn tạo mùi các loại: cam, chanh, cola… cũng chủ yếu sử dụng hương liệu nhập qua biên giới phía Bắc, nguồn gốc không rõ ràng… Với công nghệ này, giá thành nước ngọt giả chỉ hơn 1.000 đồng/chai, nhưng khi ra thị trường bán giá tương đương hàng thật.

Tất cả các loại nước ngọt và bánh kẹo độc hại này đều được đưa lên bán cho người tiêu dùng ở miền núi, vùng cao. Trong đó, phần đông là cho bà con dân tộc nghèo khó, trình độ dân trí hạn chế. Người miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã nghèo khổ, chịu nhiều thua thiệt so với miền xuôi, lại phải dùng đồ ăn, thức uống độc hại, ảnh hướng tới sức khỏe và sự phát triển đến nòi giống sau này. Đây thật sự là vấn đề quá nhức nhối, đau lòng và rất đáng lo ngại.

Trị bệnh, phải trị tận gốc

Điều đáng suy nghĩ, việc làm ăn gian dối này diễn ra công khai hàng ngày từ rất nhiều năm, ai cũng nhìn thấy, nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp vẫn cứ để tồn tại. Đây quả thật là điều rất đáng phải suy nghĩ.

Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hơn 60% người tiêu dùng nước ta đã mua phải hàng giả. Ở miền núi, vùng cao, vùng sâu thì tỷ lệ người dùng phải hàng giả cao hơn rất nhiều.

Tết Ất Mùi này, có bao nhiêu người phải dùng hàng giả, hàng độc hại được sản xuất từ các làng nghề La Phù, Thổ Tang? Khó có thể thống kê chính xác, nhưng có lẽ con số không hề nhỏ.

Chỉ thị số 36/CT-TTg về bình ổn giá trong dịp Tết Ất Mùi 2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các giải pháp bảo đảm đáp ứng đủ hàng hóa, bình ổn thị trường, không để biến động về giá cả. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, các thủ đoạn gian lận do đo lường, đóng gói để tăng giá, nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Vậy nhưng, vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng mở chiến dịch nào truy quét các “hang ổ” làm hàng giả từ các làng nghề.

Cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến khó khăn, đòi hỏi phải làm lâu dài, kiên trì và đồng bộ các giải pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ gần đây khá quyết liệt các giải pháp. Tuy nhiên cũng mới dừng ở giải quyết phần ngọn.

Việc duy trì làng nghề là cần thiết, để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nếu chỉ vin vào giải quyết vấn đề xã hội, duy trì việc làm, mà làm ngơ trước việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng độc như ở La Phù, Thổ Tang thì cần lên án mạnh mẽ. Trị bệnh phải trị tận gốc. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện quyết liệt hơn với các giải pháp đồng bộ, giải quyết tận gốc vấn đề hàng giả, hàng độc hại tại các làng nghề.

MUA GÌ


Bình Phước: Trúng lớn với xoài ba màu dịp tết


Sau khi tìm kiếm mô hình hiệu quả, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã đi tiên phong trong phong trào chuyển đổi 100% diện tích trồng lúa toàn xã sang mô hình mới trồng xoài ba màu, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, trong dịp Tết Ất Mùi 2015, nông dân trồng xoài đã trúng mùa trúng với giá bán từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn 4.000 - 6.000 đồng/kg so với những tháng bình thường. Cây xoài ba màu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày, chỉ sau 18 tháng trồng là cho trái, thu hoạch 2 - 3 đợt/năm, cây càng lâu năm năng suất càng cao. Nông dân chỉ đầu tư năm đầu tiên và thu hoạch trọn vẹn trong những năm sau. Hiện xoài đang có thị trường tiêu thụ rất tốt sang Trung Quốc và các tỉnh, thành phố trong nước, thương lái đến tận nơi thu mua, nên không chỉ giúp xóa nghèo mà còn giúp bà con làm giàu.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa liên tục giảm

Vụ lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL hiện đã có nhiều địa phương bước vào thu hoạch. Năng suất và chất lượng đạt cao, nhưng nông dân “méo mặt”, bởi hai tuần trở lại đây giá lúa liên tục giảm và đang ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trên cánh đồng các xã Thiện Mỹ, Thuận Thới, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) trong tuần qua cũng đã có nhiều thương lái bỏ tiền cọc. Giá lúa chất lượng cao từ mức 5.400 đồng/kg giảm xuống còn 4.600 đồng/kg. Lúa thơm Jasmine trồng theo hợp đồng được thu mua giá 5.300 - 5.400 đồng/kg nhưng phải chở đến tận sân UBND xã. Như vậy, chi phí đội lên, giá bán lúa theo hợp đồng thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg. Còn những nhà nông sản xuất lúa thơm không ký kết hợp đồng khi bán cho thương lái chỉ được 4.600 đồng/kg. Riêng giống lúa IR 50504 giảm còn khoảng 4.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Đối với dòng lúa chất lượng cao như OM 5451 và OM 4900 được các thương lái trả giá 4.600 - 4.700 đồng/kg. Giá giảm nhưng vẫn không có nhiều thương lái mua nên tiến độ thu hoạch chậm. Dự kiến từ nay đến 25 tết, huyện này mới thu hoạch dứt điểm trà lúa đông xuân sớm. Với mức giá hiện tại thì nông dân không thể thu lãi 30% sau khi trừ chi phí sản xuất.

Cà Mau: Đặc sản tôm khô giá ổn định

Cùng với vị thế đứng đầu nuôi tôm, tôm khô Cà Mau từ lâu cũng đã khẳng định được giá trị, uy tín và được nhiều vùng miền yêu thích. Chính vì vậy, mỗi dịp tết đến, tôm khô luôn bán rất chạy. Mặc dù thị trường tiêu thụ tết tăng cao, nhưng giá tôm khô ở Cà Mau vẫn ổn định. Theo bà con huyện Cái Nước, tôm khô của họ làm ra đã có tiếng và rất được người tiêu dùng tin tưởng. Hàng làm ra lúc nào cũng không đủ cung ứng, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không bao giờ ế. Theo bà con làm tôm khô nơi đây, giá tôm bạc khô (bạc khô) 550.000 đồng/kg, tôm làm sú khô loại 100 con/kg (khô sú) 600.000 đồng/kg và đắt nhất là tôm đất khô (khô đất) giá 700.000 đồng/kg. Tất cả các loại này đều được cân xô cho các cơ sở trên TP. Cà Mau. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, tình hình tôm nuôi của bà con trên địa bàn năm nay khá thuận lợi, từ nuôi truyền thống đến nuôi quảng canh và thậm chí nuôi công nghiệp cũng được mùa. Dẫn đến nguồn hàng để làm tôm khô khá dồi dào, thị trường không lúc nào thiếu nên tương đối ổn.

Đồng Nai: Chuối rớt giá mạnh

Theo các đại lý kinh doanh chuối ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, giá chuối mua tại vườn hiện chỉ còn 400 - 500 đồng/kg, Có 2 nguyên nhân làm giá chuối giảm mạnh, gồm: chuối tươi xuất khẩu sang Trung Quốc không được và chuối sấy dịp này bán chậm nên các cơ sở hạn chế mua nguyên liệu, khiến đầu ra của trái chuối rất khó khăn. Được biết, trên 60% lượng chuối tươi của Đồng Nai hiện được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn tiêu thụ nội địa gần 40%, trong đó một nửa được các cơ sở mua làm chuối sấy, chuối chiên bán ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Loại chuối được trồng nhiều tại Đồng Nai là chuối bơm nên rất khó tìm thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc.

BÁN GÌ


Đồng bằng sông Cửu Long: Xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong tháng 1/2015, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã xuất 516.000 tấn gạo, trong đó có 120.000 tấn gạo cao cấp, đạt 8,3% kế hoạch năm, tăng 3,2% so cùng kỳ năm ngoái, trị giá 229 triệu đô-la Mỹ. Theo kế hoạch, năm 2015 các tỉnh trong vùng xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, tăng 200.000 tấn so năm ngoái. Để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, các tỉnh cần thực hiện các biện pháp chính là nâng cao chất lượng điều hành xuất khẩu gạo theo hướng giữ vững, mở rộng tiêu thụ gạo tại các thị trường truyền thống. Đặc biệt, tích cực tìm kiếm thị trường mới, gia tăng xuất khẩu gạo cao cấp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp thị nhằm tìm kiếm thêm khách hàng tại các nước EU, Bắc Mỹ, vùng Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đồng thời, chế biến các mặt hàng gạo xuất khẩu theo hướng đa dạng với các chủng loại 5%, 10%, 15%, 25%, 100% tấm, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng truyền thống tại 135 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương. Gia tăng chế biến gạo cao cấp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng “khó tính” tại các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Australia ...

Tây Ninh: Xây dựng “Dự án vùng lúa chất lượng cao”

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương này vừa ký kết biên bản xây dựng Dự án vùng lúa chất lượng cao với Tập đoàn Taekwang của Hàn Quốc. Theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp của Hàn Quốc sẽ tài trợ 20 tỷ đồng để tỉnh Tây Ninh sản xuất lúa chất lượng cao tại vùng sản xuất lúa xã An Thạnh, huyện biên giới Bến Cầu. Nguồn kinh phí tài trợ dự kiến sẽ sử dụng vào các hạng mục: Xây đê bao ngăn lũ, hệ thống cống điều tiết nước nội đồng, mua máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa, nhằm đem lại hiệu quả cao cho người trồng lúa. Tỉnh Tây Ninh cũng sẽ đầu tư đối ứng hơn 6,4 tỷ đồng để xây nhà kho chứa máy móc, công cụ, xây dựng dự án…

Giá gà Mông đen tăng cao

Gà Mông đen là một trong những đặc sản biếu tết do giá cả phải chăng, thịt thơm, ít mỡ, ăn không bị ngấy. Năm nay, ngay từ đầu tháng 1 dương lịch, thị trường đã “cháy” hàng khiến người bán cũng tiếc không kém người mua, vì không sẵn nguồn cung trong khi nhu cầu đang cao. Ngày thường, gà Mông đen có giá 250.000 - 300.000 đồng/kg nhưng gần tết lên đến 400.000 đồng/kg. Ngoài làm thực phẩm, gà Mông đen còn được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược và tăng cường sinh lực.

Loại gà này phân bố chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Yên Bái, Lài Cai, Hà Giang và Nghệ An. Hiện nay, một số hộ ở dưới xuôi cũng gây giống và nuôi thành công nhưng chưa phổ biến, đặc biệt gà thương phẩm không đủ cung cấp ra thị trường ngày tết.

Trà Vinh: Khan hiếm quýt đường dịp Tết Nguyên đán

Nhiều nhà vườn trồng quýt đường ở huyện Càng Long, xã Bình Phú, tỉnh Trà Vinh cho biết, Tết Nguyên đán năm nay sẽ không có quýt bán. Nguyên nhân là do năm nhuận, quýt đường ở Bình Phú đã được thu hoạch rộ từ rằm tháng 10, tháng 11. Hiện nay, hơn 80% diện tích quýt đường xã Bình Phú đã được thu hoạch. Trong những năm qua, nhiều biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng nhằm cho quýt đường thu hoạch rải vụ, tránh việc ứ hàng, dội chợ. Tuy nhiên, do đặc tính của cây nên việc này khó thực hiện bởi vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây của vụ sau. Theo dự báo của các nhà vườn, quýt đường phục vụ thị trường tết 2015 có thể tăng cao gần 2 lần so với năm 2014, đạt mức 70.000 - 75.000 đồng/kg.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Diêm dân "vật lộn" với thời tiết


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lượng muối sản xuất giảm mạnh trong tháng 1 do không khí lạnh liên tục tràn về từ hướng biển. Tình hình thời tiết này khiến bà con diêm dân lo lắng bởi thông thường tiêu thụ muối có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm.

Sản xuất muối giảm do thời tiết xấu

Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta đã sản xuất được gần 12,7 nghìn tấn muối trong tháng 1/2015, giảm mạnh 41% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, lượng muối sản xuất thủ công đạt 2.988 tấn, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2014; muối sản xuất công nghiệp đạt 9.700 tấn, tăng 22%. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 131.454 tấn, trong đó miền Bắc tồn 23.300 tấn; miền Trung tồn 93.044 tấn; đồng bằng sông Cửu Long tồn 15.110 tấn.

Thời gian qua, do không khí lạnh liên tục tràn về từ hướng biển, nhiệt độ tại các vùng muối cả nước xuống thấp, sương mù nhiều nên hoạt động sản xuất của bà con diêm dân gặp khó khăn. Bà con diêm dân ở bến Tre đã thiệt hại hàng trăm héc-ta muối sắp thu hoạch vì mưa trái mùa. Toàn huyện Bình Đại có gần 400 héc-ta muối bị thiệt hại. Tính trung bình mỗi hộ dân có 1 - 1,2 héc-ta ruộng muối đang thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 200 giạ (45 kg/giạ) sẽ mất gần 10 triệu đồng. Tại huyện Ba Tri, diêm dân các xã Bảo Thuận, Bảo Thạnh cũng gặp nhiều khó khăn do mưa bất ngờ vào lúc rạng sáng nên bà con không kịp che chắn hay thu hoạch muối...

Tại Bạc Liêu, nhiều đợt mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất vụ muối 2014 – 2015. Do vậy, dự báo vụ muối năm nay thu hoạch muộn hơn so với những năm trước. Những cơn mưa trái mùa xuất hiện ngay từ đầu vụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất trên diện tích hơn 26.000 héc-ta muối của bà con. Mưa lớn gây trở ngại trong khâu cải tạo đất, cải tạo sân phơi. Đặc biệt, bà con không thể lấy nước mặn vào ruộng vì mưa làm cho độ mặn của nước giảm xuống, muối không thể kết tinh. Có nơi, diêm dân đã hoàn thành công đoạn cải tạo đất, cho nước mặn lên ruộng, nhưng gặp phải mưa trái mùa đành phải xả nước bỏ và mọi công sức, chi phí đầu tư coi như “muối bỏ bể”.

Chi phí tăng cao

Sản xuất diêm nghiệp gặp khó khăn do thời tiết bất lợi đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư của diêm dân trong vụ muối này sẽ tăng cao. Vụ muối năm nay, chi phí cải tạo đất và thuê mướn nhân công tăng thêm gần 2 triệu đồng/héc-ta. Trong khi đó, giá muối đang ở mức cao, nhưng lại không có muối bán. Hiện giá muối trên thị trường đang tăng so với tháng trước từ 100 - 200 đồng/kg. Nguyên nhân là do lượng muối tồn trữ gồm 13.000 tấn trong dân đã được tiêu thụ mà diêm dân chưa kịp sản xuất muối mới. Theo nhiều diêm dân, thời gian tới, giá muối có thể tăng thêm vì chưa năm nào việc sản xuất muối gặp khó khăn như năm nay. Muối trắng có thể lên đến mức kỷ lục 1.800 đồng/kg.

Mấy năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con diêm dân. Nhiều cánh đồng muối đến giờ vẫn đợi nắng, không sản xuất được. Thời gian tới, nếu nắng liên tục thì khoảng 30 - 40 ngày nữa, diêm dân mới có muối thu hoạch. Trước tình hình này, các ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con nên tập trung cải tạo đất và thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động sản xuất.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG


Quảng Ngãi: Nỗi lo từ việc bán keo non


Cây keo mang lại hiệu quả rất lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, cũng nhờ cây keo mà hàng nghìn gia đình ở Quảng Ngãi thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Dịp giáp tết, nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi như Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà bước vào thu hoạch rộ keo non nguyên liệu trên các vùng đồi núi. Hầu hết bà con thu hoạch keo 4 năm tuổi để bán cho thương lái lấy tiền tiêu tết (khoảng 1 triệu đồng/héc-ta - tương đương 50 tấn gỗ). Lao động thủ công cũng được chủ rừng trả 100.000 – 120.000 đồng/ngày. Chủ rừng phấn khởi vì được khoản tiền lớn, người lao động cũng vui vì có công ăn việc làm. Mặc dù biết rất rõ nếu để thêm 2 năm nữa thì rừng keo có thể đem lại thu nhập gấp 3 lần, nhưng nhiều bà con vẫn không ngần ngại bán rừng non vì thiếu tiền trang trải cho sinh hoạt gia đình.

Trên thực tế, cây keo mang lại hiệu quả rất lớn cho công cuộc xói đói, giảm nghèo, cũng nhờ cây keo mà hàng nghìn gia đình ở Quảng Ngãi thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng khai thác nguồn lợi từ rừng theo cách chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt như trên sẽ đem lại những tác hại khó lường. Tình trạng khai thác rừng non bán cho các nhà máy dăm khiến cho hiệu quả trồng rừng đạt thấp. Đồng thời, việc phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ trồng keo rồi khai thác đồng loạt theo kiểu “tận diệt” đã gây ra nhiều hậu quả như hạn hán, lũ lụt. Chỉ sau một trận mưa lớn, những con đường khai thác keo trở thành lối dẫn lũ về làng, hàng trăm nghìn tấn đất đá bồi lấp ruộng đồng. Không có rừng giữ nước, các dòng sông lớn đã cạn dòng, nhiều nơi đã thiếu nước uống dù mới bước qua mùa xuân.

Đáng lo ngại hơn, chuyện lũ lụt tàn phá vào mùa mưa, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô đã thành phổ biến ở các huyện miền núi Quảng Ngãi. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền ở Quảng Ngãi cần vào cuộc ngay để thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng có chế tài quản lý, bảo vệ môi trường rừng gắn với đảm bảo quyền lợi của người trồng và an sinh xã hội.

Quảng Trị: Bình tĩnh tìm giải pháp khi giá cao su giảm

Hiện, toàn tỉnh Quảng Trị có trên 18.542 héc-ta cao su, giảm 645 héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cao su giảm mạnh do người dân chặt số diện tích cao su bị thiệt hại trên 70% bởi cơn bão số 11 năm 2013, cùng với số cây quá tuổi khai thác để trồng lại cao su, hồ tiêu, trồng màu.

Tuy nhiên, trong số diện tích cao su còn lại, năm 2014 năng suất bình quân và sản lượng khai thác đều giảm so với năm 2013. Nguyên nhân do giá mủ cao su năm 2014 quá thấp, chỉ bằng 50 - 60% giá năm trước, thu không đủ bù chi. Trước tình trạng cao su xuống giá, thời gian gần đây nhiều bà con đã kết hợp trồng cao su và chăn nuôi, xen canh một số cây ngắn ngày để chờ đợi sự hồi phục của giá cao su. Ví dụ có trên 4/10 diện tích trồng cao su của toàn xã Hải Thái được trồng xen canh cây màu (khoảng 190 héc-ta khoai môn, lạc xen canh) cho thu nhập trên 50 triệu đồng/héc-ta. Nhờ trồng cao su xen canh hoa màu nên người dân vẫn có thu nhập ổn định trong điều kiện giá mủ cao su giảm mạnh. Mô hình này vừa giúp người dân có thêm thu nhập, vừa bảo vệ, chăm sóc và duy trì bền vững cây cao su. Hoặc có hộ ở Vĩnh Tân (Vĩnh Linh) đã lập trang trại trên vườn cao su để nuôi bò, gà, ngỗng, bồ câu kết hợp, đem lại nguồn thu lớn. Mô hình này đang được nhiều bà con ở địa phương học tập.

Cùng với sự linh hoạt, nhạy bén của bà con, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Trị đã chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nhằm giúp bà con yên tâm duy trì và chăm sóc những vườn cao su, tránh tình trạng chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác một cách tự phát. Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã khẩn trương khảo sát, thử nghiệm chất đất từng vùng để bố trí lại cây trồng cho phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, không để lặp lại tình trạng trồng - chặt, chặt -trồng ảnh hưởng đời sống người nông dân và nền kinh tế của địa phương nói chung.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Bình Dương: Bưởi vụ tết – được giá, đảm bảo chất lượng


Trong số các loại trái cây được nhiều người lựa chọn vào dịp tết, bưởi là loại trái cây không thể thiếu. Nắm bắt nhu cầu thị trường, các nhà vườn đang tích cực chuẩn bị cho mùa bưởi tết và xem đây như vụ chính trong năm.

Để chuẩn bị cho mùa bưởi Tết Nguyên đán Ất Mùi, ngay từ tháng 4 âm lịch, các nhà vườn đã đầu tư phân bón, chăm sóc để xử lý cho ra hoa trái vụ. Tuy nhiên, việc trồng để cho ra trái ngon, sai trái, chất lượng cao, đặc biệt là điều kiện cho ra trái bán đúng vào dịp tết thì không phải dễ dàng. Tại trang trại bưởi da ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, công nhân đang tập trung chăm sóc để có hàng đẹp, chất lượng tốt cung ứng thị trường tết sắp tới. Vào thời điểm này giá bưởi da xanh thu mua tại vườn có giá 60.000 đồng/kg, cao hơn so với giá bán bưởi mùa vụ trước. Theo các nhà vườn trồng bưởi, mùa bưởi năm nay do thời tiết thất thường nên sản lượng cũng giảm hơn so với các năm. Giá bưởi cung cấp cho thị trường tăng từ 10 - 20%. Ngoài ra, do thời gian này là trái mùa, sản lượng bưởi da xanh thấp, chỉ những nhà vườn biết áp dụng kỹ thuật, tạo được mùa nghịch thì mới có bưởi thu hoạch bán.

Ở xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên diện tích trồng bưởi hiện có gần 400 héc-ta và với giá cả thu mua như hiện nay, nhiều nông dân có xu hướng mở rộng thêm diện tích. Bưởi Bạch Đằng cũng đã được chứng nhận thương hiệu tập thể. Đây là điều kiện thuận lợi để bưởi Bạch Đằng vươn ra thị trường vững chắc hơn. Năm nay, giá bưởi khá cao, hiện đang ở mức 40.000 đồng/kg. Để đạt yêu cầu chưng mâm ngũ quả và làm quà biếu, bưởi phải đạt trọng lượng từ 1,2kg trở lên và có mẫu mã đẹp, quả tròn, da bóng, còn nguyên cuống. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh, nhiều trang trại và chủ vườn đang chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Việc ứng dụng quy trình chăm sóc cây bưởi theo tiêu chuẩn kết hợp với khoa học kỹ thuật mới đem lại năng suất cao giúp tăng hiệu quả kinh tế, sản phẩm đưa ra thị trường an toàn cho người tiêu dùng.

Mứt gừng Lương Viện

Những ngày cận kề năm mới, người dân làng Lương Viện (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại tất bật với việc làm mứt gừng.

Như mọi năm, từ đầu tháng 11 âm lịch cho đến hết ngày 26, 27 Tết, cả làng Lương Viện bắt đầu công việc làm mứt gừng. Người già, trẻ con gọt vỏ gừng, đàn ông thực hiện công việc cắt gừng ra từng lát… Những “dây chuyền” sản xuất mứt gừng hộ gia đình khiến không khí trong làng thêm nhộn nhịp, tất bật. Bà con làm mứt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng chanh để tẩy gừng nên lát mứt ăn cay nồng, ấm, giòn thơm mà không bị mất đi vị cay tự nhiên. Nguyên liệu làm mứt là gừng tươi được lấy từ nhiều vùng trong và ngoài tỉnh, giá từ 30.000 - 33.000 đồng/kg. Nhiều năm, do lượng gừng tươi không đủ đáp ứng khiến bà con thất thu.

Mứt gừng ở làng Lương Viện được sản xuất theo cách thủ công và chế biến theo từng hộ gia đình. Với giá bán sỉ 53.000 đồng/kg và bán lẻ 55.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày mỗi hộ kiếm được từ 250.000 - 350.000 đồng. Để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường, trong thời gian hai tháng cao điểm, mỗi hộ thuê từ 5 - 7 nhân công. Ngay từ trước tết vài tháng, mối hàng ở các tỉnh như Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng... đều đã đặt hàng trước. Trong tổng số 184 hộ dân của thôn Lương Viện, có khoảng 30 hộ sản xuất mứt gừng với số lượng tương đối lớn. Còn lại nhiều hộ khác tự làm ra để phục vụ những ngày tết.

Tuy hiệu quả kinh tế từ nghề làm mứt đem lại khá cao nhưng mứt gừng làng Lương Viện vẫn chưa có một thương hiệu riêng. Vẫn biết là làm mứt theo thời vụ, chỉ làm trong những dịp giáp tết, tuy nhiên khi có thương hiệu thì vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đảm bảo. Thời gian tới, xã đã có kế hoạch lập đề án xây dựng thương hiệu cho mứt gừng làng Lương Viện. Đồng thời, xây dựng mô hình trồng gừng ngay tại địa phương để đáp ứng nguồn cung cấp nguyên liệu làm mứt cho người dân.

BÀ CON CẦN BIẾT


Phân biệt hương có hóa chất


Hiện nay, trên thị trường, nhu cầu về hương đang tăng mạnh vì đã bước vào thời điểm "năm hết, tết đến”. Thông thường, bà con thích chọn những loại hương thật thơm, cuốn tàn đẹp. Tuy nhiên, nếu thắp hương trong phòng kín, hít khói lâu sẽ bị mỏi mệt, căng thẳng, ảnh hưởng tới hệ hô hấp, thị giác.

Hương gây độc do lạm dụng hóa chất

Thị trường hương tết có đủ loại, từ sản phẩm nội địa tới nhập từ Trung Quốc, Thái Lan… với các loại hương tháp, hương nụ, hương vòng, hương sào… ngắn, dài để thắp theo nhu cầu thời gian. Theo kinh nghiệm của những hộ làm hương lâu năm, hương truyền thống xưa ít độc hơn nhờ dùng nguyên liệu thảo mộc như: Cây hương bài, bã mía, thảo quả, quế chi, hoa hồi... đặc biệt là gỗ trầm để làm hương. Những nguyên liệu này, theo đông y là có thể sát trùng, tạo hưng phấn, không độc hại. Ngày nay, để hạ giá thành người sản xuất đã dùng mùn cưa, hóa chất tạo thơm để làm hương. Do vậy, chất lượng kém đi và nếu thắp trong phòng kín, hít khói lâu sẽ bị mỏi mệt, căng thẳng, ảnh hưởng tới hệ hô hấp, phổi, thị giác. Điều nguy hiểm hơn cả là để tăm hương cong xoắn, không bị gãy, người làm hương đã ngâm tăm vào axit phốt pho rích (H3PO4), giúp hương cháy nhanh, cuốn tàn. Tuy nhiên, loại hương này sẽ tạo ra khí độc, nếu hít phải trong một thời gian dài có thể ngộ độc đường hô hấp, võng mạc mắt mờ dần, thị lực giảm, khó thở, lâu dần dẫn tới ung thư… Để chống mốc, tắt hương, người sản xuất đã cho Butyl Cellosolve (C6H14O2) - chất chống mốc, rêu sơn tường ngoài trời và Kali Nitrat (KNO3) – dùng sản xuất phân đạm, chất nổ để duy trì sự cháy. Loại hương này khi đốt có mùi khét. Với loại hương có tàn màu tuyết trắng tuy hình thức đẹp nhưng lại khá độc bởi người sản xuất đã trộn bột đá vôi với mùn cưa. Loại này khi đốt cũng có mùi nồng, rất khó chịu. Ngoài ra, hương còn được nhuộm phẩm vàng, đỏ để cây hương có màu tươi đẹp. Vì vậy, hương càng thơm nức, tàn cong vút trắng, đẹp và “có lộc” thì lại càng bị trộn nhiều hương liệu, hóa chất độc hại.

Cách chọn hương an toàn

Hương thảo mộc truyền thống làm từ các loại gỗ, rễ cây, lá cây ít khói, đứng xa khoảng 2 mét gần như không thấy khói. Loại hương này cũng có mùi thơm tự nhiên, thanh nhẹ, không gây dị ứng cho mũi, khói hương mỏng, không gây ngạt, cay mắt. Đặc biệt, cây hương cháy đều và rất chậm (khoảng 2 giờ mới hết 1 nén). Tuy nhiên, do được sản xuất thủ công, không sử dụng hóa chất, nên màu hương không vàng tươi và đẹp như hương tẩm hóa chất. Đặc biệt, giá hương thảo mộc khá cao, chưa phù hợp với thu nhập của đa số bà con miền núi. Đây cũng là lý do chính khiến bà con ít chọn sử dụng hương thảo mộc.

Theo tư vấn của một hộ làm hương lâu năm ở làng hương thuốc bắc thôn Cao, xã Bảo Khê, Hưng Yên, bà con có thể chọn hương an toàn dựa vào một số đặc điểm sau: Về màu sắc, nên chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên là màu bột thảo mộc. Tách một mẩu bột ở đầu hương, nếu tăm hương truyền thống có màu nâu đen, sần sùi thô mộc, hoặc màu vàng sáng trắng tự nhiên của cây tre là hương ít hóa chất. Nếu tăm hương lộ ra có màu vàng sậm đục, hay màu vàng, đỏ, có độ láng mịn là hương bị tẩm H3PO4. Khi thắp hương, nếu thấy khói màu trắng đục hoặc khói bay nhiều, mù mịt và cay mắt là hương đã bị tẩm hóa chất hoặc dầu hỏa. Hương này cháy nhanh, thơm sực nức nhưng hít phải là bị căng thẳng, mệt mỏi. Còn hương thảo mộc hoặc ít sử dụng hóa chất thường cháy lâu hơn, khói ít hơn, bay nhè nhẹ. Bà con cũng nên lưu ý khi thắp hương, không nên thắp nhiều trong nhà cùng lúc, dịp đặc biệt cũng chỉ nên thắp 1 – 3 cây hương/lần. Khi thắp hương nên mở hết các cửa để khói hương lan tỏa loãng ra.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN


Sản xuất bánh kẹo nhái: Cơ quan quản lý vẫn thờ ơ


Sau khi Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi (Báo Công Thương) có bài phản ánh “Bánh kẹo nhái đổ lên vùng cao” số 6 ra ngày 6/2/2015, nhiều độc giả đặt câu hỏi: Tại sao nhà nhà, người người ở làng nghề La Phù (Hoài Đức, Hà Nội); Thổ tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) sản xuất bánh kẹo, nước uống nhái đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước mà không bị xử lý, chính quyền vẫn làm ngơ, vậy ai bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng?

Chất lượng không đảm bảo

La Phù nổi tiếng là “Kinh đô bánh kẹo miền Bắc” ở đây cái gì cũng có, từ bánh kẹo đến bia, nước ngọt với bao bì khá bắt mắt. Nhãn mác các loại bánh, kẹo không thua kém gì hàng uy tín chất lượng. Cụ thể, hộp bánh Damisa của công ty Tân Hoàng Gia được bài trí y nguyên so với hộp bánh nhập khẩu từ Đan Mạch, trên bề mặt vỏ hộp là vương miện hoàng gia, hình ảnh bánh được in ấn vàng ươm. Ngoài ra, cách bài trí bên trong hộp bánh cũng hoàn toàn bê nguyên bản từ hộp bánh nhập khẩu. Tuy nhiên giá xuất xưởng của các loại này thì chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với hộp bánh chính hãng.

Vậy nhưng, khi bánh kẹo “nhái” đưa về các tỉnh, chợ huyện, các chủ cửa hàng bán lẻ có thể đẩy giá lên bao nhiêu tùy thích. Có nhiều nơi giá những hộp bánh nhái cũng bằng những hộp bánh chính hãng, hoặc chỉ thấp hơn vài ngàn đồng… Chính vì vậy mà người tiêu dùng không hề hay biết mình đang mua phải hàng nhái, kém chất lượng. Điều đáng nói ở chỗ, không chỉ nhái nhãn mác, chất lượng các loại bánh này không đảm bảo chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Tại làng La Phù, hàng chục cơ sở lớn nhỏ hằng ngày vẫn sản xuất hàng tấn bánh kẹo trong các xưởng xập xệ, thùng, hộp chứa nguyên liệu cáu bẩn không được vệ sinh, ruồi nhặng phủ đen kín ở các xưởng sản xuất.

Theo GS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng mua hàng giá rẻ thường ở nông thôn hoặc trẻ em, họ không có nhiều thông tin nên nếu mua phải sản phẩm kém chất lượng dẫn đến nhiều nguy cơ độc hại cho sức khỏe.

Chính quyền thờ ơ

Theo các hộ sản xuất ở đây, những ngày giáp tết, các cơ sở sản xuất chạy ngày chạy đêm không nghỉ. Hàng ra lò không kịp đóng đi các tỉnh. Sở dĩ bánh kẹo ở đây hút khách thị trường miền núi, bởi các mặt hàng chủ yếu là hàng nhái có hình thức mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn sản phẩm chính hãng nên rất dễ bán, nhất là bà con nông thôn, miền núi không có kinh nghiệm trong việc phân biệt hàng giả, hàng nhái. “Chỉ cần bán với giá bằng ½ giá các sản phẩm có tên na ná thương hiệu nổi tiếng thì lợi nhuận thu về cũng gấp hàng 5 – 7 lần kinh doanh hàng chính hãng” – chủ một cơ sở sản xuất ở La Phù tiết lộ.

Tràn lan hàng nhái kém chất lượng, mất vệ sinh thực phẩm ở làng nghề nhưng lực lượng kiểm tra trên địa bàn vẫn khẳng định việc kiểm tra, giám định hàng chục sản phẩm tại đây đều đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng có một số vi phạm, chủ yếu là chưa đăng ký tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa khám bệnh định kỳ cho công nhân, vi phạm về nhãn hàng...

Phó Chủ tịch UBND xã La Phù - Dư Quốc Bảo, cho biết: Bánh kẹo ở xã chủ yếu sản xuất cho người lao động, thu nhập trung bình, nên giá thành rẻ nhất nhì khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng của những loại bánh kẹo cũng như tình trạng nhái các thương hiệu nổi tiếng thì ông cho rằng, đó không phải trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm quản lý chất lượng những sản phẩm này thuộc về công ty nơi sản xuất mặt hàng. Ông Lê Văn Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Thổ Tang cũng khẳng định, trên địa bàn không có hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tất cả sản phẩm ở làng nghề sản xuất đều đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và ghi rõ địa chỉ, cơ sở sản xuất…

Trong khi đó, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định: La Phù và Thổ Tang vẫn là 2 điểm nóng về sản xuất hàng giả, hàng nhái cần được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Phải tăng cường kiểm tra, lấy mẫu đối với các mặt hàng thực phẩm để hạn chế tối đa tình trạng hàng kém chất lượng được đưa ra thị trường những ngày cận tết.

Box: Cơ sở tự do sản xuất hàng nhái, tiểu thương công khai bán, chính quyền địa phương phủ nhận, trong khi lực lượng chức năng kêu kiểm tra khó khăn phức tạp và mất thời gian… Vì thế mà ở các làng nghề này từ nhiều năm nay vẫn nổi tiếng về sản xuất bánh kẹo nhái mà không bị xử lý, sức khỏe người dân bị bỏ ngỏ mà không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

HÀNG VIỆT

Đậm đà nước mắm truyền thống Phú Yên

Đối với người dân làng nghề nước mắm Phú Yên, tết là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm. Phú Yên có một số khu vực chuyên làm nước mắm như Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), An Chấn (huyện Tuy An), Long Thủy (TP. Tuy Hòa), Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa). Tại đây, bà con hối hả cho ra những mẻ mắm thơm ngon nhất để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Nhộn nhịp hàng Tết

Ngay từ đầu tháng Chạp, nhiều người đã đặt nước mắm từ các làng nghề nước mắm truyền thống Phú Yên. Nước mắm truyền thống luôn “hút” khách, giá dao động từ 12.000 - 80.000 đồng/lít. Thời gian cận tết, một số cơ sở cho ra thêm dòng nước mắm nhĩ đặc biệt giá từ 100.000 -130.000 đồng/lít. Tại làng nghề nước mắm Gành Đỏ, thời gian gần đây, mỗi hộ làm nghề đã nhập hàng vạn chai nhựa để “vào” mắm bán tết. Những cửa hàng bán nước mắm dọc quốc lộ 1 thì sắp xếp lại quầy kệ để trưng bày các loại mắm. Ông Phạm Văn Cảnh, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập (thị xã Sông Cầu), cho biết: “Khoảng 2 năm nay, người dân chuộng nước mắm truyền thống nên sức tiêu thụ tăng khoảng 30% so với những năm trước. Năm nay được mùa cá cơm nên tôi đã muối được khoảng 100 tấn cá tươi; thêm vào đó, số mắm gối đầu từ năm trước nay đã “chín” nên lượng mắm của cơ sở rất dồi dào. Hiện mỗi ngày cơ sở đóng chai và tiêu thụ gần 200 lít mắm các loại. Dịp gần tết, sức tiêu thụ có thể tăng gấp 3 lần”. Nước mắm Tân Lập không chỉ được ưa chuộng tại địa phương mà còn có đại lý ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh… Còn bà con làng nghề nước mắm Long Thủy, Mỹ Quang Bắc và Mỹ Quang Nam vào mùa này hầu như không lúc nào ngơi tay. Bình quân mỗi ngày các cơ sở làm nước mắm đóng chai hơn 200 lít để giao cho khách. Vụ mắm năm nay, nhờ nguyên liệu dồi dào, giá rẻ nên nhiều hộ dân đã quay lại với nghề. Bà Lê Thị Lành ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa cho biết: “Gia đình tôi làm nghề mắm truyền thống từ nhiều năm nay. Mấy năm trước nguồn cá cơm đắt đỏ, khan hiếm trong khi nước mắm truyền thống khó tiêu thụ nên tôi tạm nghỉ. Vụ này nhiều cá, tôi muối được 2 tấn cá, chủ yếu để ăn và bán cho người quen”.

Tăng cường quảng bá để mở rộng thị trường

Mặc dù có thời điểm nước mắm truyền thống “lao đao” trước sự cạnh tranh khốc liệt của nước mắm công nghiệp nhưng các cơ sở nước mắm truyền thống vẫn nỗ lực giữ chất lượng sản phẩm. Một số cơ sở còn mạnh tay đầu tư quảng bá, giới thiệu hình ảnh, chất lượng nước mắm truyền thống nên người tiêu dùng đang dần quay lại với loại nước mắm này. Hiện nước mắm Tân Lập được bày bán tại siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, bình quân mỗi tháng tiêu thụ được từ 120 đến 150 lít. Tuy doanh số chưa cao nhưng sản phẩm truyền thống của làng nghề được bán tại một kênh tiêu thụ hiện đại đã giúp chúng tôi khẳng định thương hiệu, uy tín của mình. Còn theo bà Lê Thị Kim Ngân – chủ cơ sở nước mắm Ngân Mỹ Á, cơ sở chú trọng mở rộng đại lý để quảng bá sản phẩm. Hiện nước mắm Ngân Mỹ Á có trên 20 đại lý trong tỉnh và một số bạn hàng ở các tỉnh bạn. Để thu hút đối tượng mua hàng là khách du lịch nên cơ sở đầu tư hơn 2.000 hộp giấy đựng nước mắm có in hình ảnh, tên và địa chỉ cơ sở. “Hy vọng với hình thức đầu tư mới này, nước mắm truyền thống của Phú Yên nói chung và nước mắm Ngân Mỹ Á nói riêng ngày càng được nhiều người biết đến”, bà Ngân tâm sự.

Thời gian qua, các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống của Phú Yên đã nỗ lực đầu tư, quảng bá thương hiệu. Sở Công thương cũng hỗ trợ kinh phí cho cơ sở nước mắm Ngân Mỹ Á ký gửi sản phẩm ở một số khách sạn của tỉnh. Sở cũng hỗ trợ cho cơ sở nước mắm Xuân Phú (thị xã Sông Cầu) tham gia bán hàng lưu động ở các huyện. Tuy hiệu quả kinh tế chưa cao nhưng các cơ sở đã giới thiệu được thương hiệu nước mắm của mình. Trong thời gian tới, các cơ sở này cần chủ động hơn trong việc quảng bá sản phẩm để tạo được sức cạnh tranh so với các loại nước mắm khác.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)