Thông tin giá cả thị trường ra ngày 6/3/2015

03:06 PM 08/03/2015 |   Lượt xem: 2291 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Ngành cao su Việt Nam: Tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững

Là một trong những quốc gia đứng vị trí thứ ba về sản lượng và thứ tư về giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thế giới, nhưng ngành cao su Việt Nam đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Sản lượng tăng, giá trị xuất khẩu giảm - Vì sao?

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam. Sản lượng cao su Việt Nam xuất khẩu năm 2014 chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới và tiếp tục giữ vị trí thứ ba về sản lượng và thứ tư về giá trị xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thế giới, sau Thái Lan (34,1%) và Indonesia (26,9%). Tuy nhiên, ngành cao su Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, trước dự báo mức giá cao su thấp tiếp tục kéo dài. Trong đó năm 2014, là năm rất khó khăn đối với ngành cao su, nhất là đối với lĩnh vực cao su thiên nhiên khi giá giảm đến mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm (2010 – 2014). Giá cao su giảm sâu đến mức sát với giá thành đã làm người sản xuất cao su thiên nhiên của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Cả năm Việt Nam xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 1 triệu tấn, trị giá 1,78 tỷ đô-la Mỹ, giảm mạnh 28,4% về giá trị xuất khẩu so với năm trước, chủ yếu do giá giảm sâu.

Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, nguyên nhân giá cao su liên tục giảm là do kinh tế thế giới phục hồi yếu, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm hơn nguồn cung, dẫn đến tồn kho lên cao, làm giá suy giảm liên tục từ năm 2012, gây ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động trong ngành cao su. Ngoài ra, giá dầu sụt giảm từ giữa năm 2014 làm cho cao su tổng hợp tăng khả năng cạnh tranh với cao su thiên nhiên và tạo áp lực kìm hãm giá cao su thiên nhiên. Bên cạnh khó khăn về giá xuống quá thấp, ngành cao su Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác do cơ cấu chủng loại chưa phù hợp, chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng đều, ổn định, xuất khẩu thô còn chiếm tỷ lệ cao trên 80%.
Để “vàng trắng” lên ngôi

Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, mức giá cao su thấp sẽ kéo dài trong vài năm tới, bởi lượng cao su tồn kho vẫn còn cao. Để ứng phó với tình hình này, ngành cao su Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Trước mắt, các doanh nghiệp nỗ lực giảm giá thành và tìm hướng đa dạng hóa nguồn thu, để đảm bảo thu nhập cho người lao động. Theo đó, chế độ thu hoạch mủ giãn ngày cạo để giảm công lao động, giảm chi phí nhưng giúp tăng năng suất cho người lao động và từ đó nâng mức thu nhập. Người trồng cao su cần tích cực tái canh những vườn cây già năng suất thấp hoặc phát triển kém bằng các giống mới cao sản, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất bằng cách trồng xen cây trồng khác hoặc chăn nuôi kết hợp.

Trong những năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên theo hướng ưu tiên phục vụ nhu cầu của ngành lốp xe, theo đó, cũng sẽ phù hợp với các nhà sản xuất lốp xe trong nước và góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên. Đây cũng là giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa sản xuất được cao su tổng hợp từ dầu thô do công nghiệp hóa dầu chưa phát triển mạnh nên phải nhập 100% nhu cầu về cao su tổng hợp. Hiện ngành này đang trên đà phát triển sẽ có khả năng sản xuất cao su tổng hợp từ nguồn dầu thô phong phú trong nước và từ đó sẽ góp phần giảm nhập khẩu cao su tổng hợp. Đây cũng là giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Để hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành cao su Việt Nam cần tích cực triển khai tái cơ cấu. Đây là giai đoạn toàn ngành cao su xây dựng chiến lược đồng bộ cho sự phát triển bền vững và hiệu quả cho cả chuỗi sản xuất; trong đó, sự liên kết chặt chẽ từ người trồng đến doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời về chính sách của các bộ, ngành, địa phương rất cần thiết để ngành cao su vượt qua khó khăn trước mắt và ứng phó tốt trước những biến động của thị trường.

MUA GÌ

Thị trường sau tết đã sôi động

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường sau tết đã sôi động hơn vì có thêm nhiều siêu thị lớn, cửa hàng, hộ kinh doanh tại chợ truyền thống mở cửa trở lại. Tại các chợ đầu mối ở nhiều địa phương, số lượng hàng hóa về chợ tăng khoảng 30 - 40% so với ngày trước đó. Giá nhiều mặt hàng, dịch vụ đã trở lại ổn định sau mấy ngày tết. Trong nhóm mặt hàng lương thực, giá gạo tẻ phổ biến quanh mức 13.000 - 13.500 đồng/kg (phía Bắc); từ 10.500 - 12.500 đồng/kg (phía Nam); gạo chất lượng cao (tám Thái, tám Hải Hậu) 16.000 - 20.000 đồng/kg; gạo nếp 22.000 - 30.000 đồng/kg; giá gạo các loại nhìn chung tăng khoảng 5 - 10% so với đầu năm. Nhóm mặt hàng thực phẩm cũng đã ổn định hơn, giá thịt lợn giảm nhẹ (5.000 đồng/kg) so với tết. Thịt mông sấn từ 90.000 - 110.000 đồng/kg, nạc vai 95.000 - 120.000 đồng/kg, sườn 110.000 - 120.000 đồng/kg. Giá gà ta lông 120.000 - 140.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg so với trước tết. Giá gà công nghiệp (làm sẵn) ít biến động, dao động khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg. Thịt bò vẫn ở mức giá cao từ 270.000 - 290.000 đồng/kg (có nơi lên đến 300.000 đồng/kg).

Phú Yên: Ngư dân trúng mùa tôm hùm giống

Trong những ngày Tết Ất Mùi, tôm hùm giống xuất hiện dày trên vùng biển Phú Yên nên hầu hết ngư dân làm nghề mành tôm trong tỉnh đều ra khơi. Mỗi đêm, một người khai thác từ 20 đến hơn 50 con tôm hùm giống. Hiện tôm hùm giống được tư thương thu mua tại biển là 200.000 đồng/con đối với tôm hùm bông và tôm hùm xanh là 70.000 đồng/con. Bình quân mỗi ngư dân thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng mỗi đêm, bà con rất phấn khởi khi hái lộc biển đầu năm.

Đồng Tháp: Giá các loại hoa màu giảm mạnh sau Tết Nguyên đán

Theo một số người dân ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, hiện hành lá được bán với giá 6.000 đồng/kg (giảm khoảng 4.000 - 5.000 đồng); củ cải trắng, bắp cải, dưa leo, khổ qua, đậu que… chỉ bán với giá từ 1.000 - 4.000 đồng/kg (giảm giá từ 40 - 80%) so với những ngày trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Thậm chí có trường hợp người dân trồng cải tùa sạy phải nhổ bỏ vì quá ngày lá bị thúi dù trước tết thương lái đã đặt tiền cọc nhưng không mua. Thời điểm này việc thu hoạch hoa màu trên địa bàn xã trầm lắng, bởi giá cả nhiều loại hoa màu giảm mạnh (từ 40 - 50%) so với thời điểm cận tết. Giá hoa màu giảm là do nguồn cung vượt cầu, trong khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Người dân trồng hoa màu hy vọng giá cả sẽ tăng lên trong những ngày tới vì trúng vào dịp rằm tháng Giêng năm 2015.

Đà Lạt: Nông sản thất thu

Hàng chục héc-ta hoa lay ơn bung nở không tiêu thụ được; dâu tây dập thối do mưa; hành tây, khoai tây đang chính vụ nhưng mất giá... khiến nhà vườn Đà Lạt thất thu nặng. Thời tiết lạnh, nóng bất thường khiến hoa không nở đúng thời điểm dẫn tới thiệt hại lớn. Ví như hoa lay ơn giá không quá 1.000 đồng mỗi cành, nhiều nhà vườn không có người mua. Giá bán dâu tây ngoài trời (dạng cho khách tự hái) mấy ngày tết đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg. Nhưng chiều 30 và mùng một tết, Đà Lạt đổ mưa lớn khiến vườn dâu bị hư thối gần một nửa, không đủ để phục vụ khách tham quan. Từ mùng 4 tết, nhiều gia đình đã ra vườn thu hoạch hành tây vì trời mưa liên tiếp trước đó 2 ngày. Hiện, giá hành tây tại vườn chỉ từ 3.200 đến 3.500 đồng/kg. Người trồng cho biết, với mức giá này, nếu vườn đạt sản lượng trung bình coi như hòa vốn, còn vườn có sản lượng cao thì chỉ lãi chút ít sau 4 tháng canh tác. Tương tự, mặt hàng khoai tây năm nay giá cũng rất thấp. Khoai tây hồng tại vườn những ngày sau tết ở mức 9.000 đồng/kg, khoai tây vàng 6.800 - 7.000 đồng/kg.

BÁN GÌ

Việt Nam phản đối kết quả áp thuế chống bán phá giá cá tra

Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có công văn phản đối mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định, các sản phẩm cá tra có giá xuất khẩu thấp là do các doanh nghiệp Việt cùng nhau thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm, dẫn đến việc giảm thiểu chi phí. Việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định chọn Indonesia làm nước thay thế để tính biên độ phá giá và áp mức thuế chống bán phá giá là không công bằng đối với Việt Nam, bởi cách nuôi cá của hai nước là không tương ứng.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa tăng trở lại

Sau Tết Ất Mùi 2015, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tại Đồng Tháp, sau 3 ngày tết, nhiều thương lái đã bắt đầu đi mua lúa và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã “ăn hàng” trở lại. Lúa tươi loại thường được thương lái ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, An Giang... thu mua với giá 4.200 - 4.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao (còn tươi) giá 4.400 - 4.500 đồng/kg; lúa thơm giá dao động khoảng 5.000 đồng/kg… Bình quân mỗi loại tăng 200 - 400 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2/2015. Dự báo, giá lúa sẽ tăng theo chiều hướng có lợi cho nông dân…

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương của liên Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014 - 2015, thời gian thu mua từ ngày 1/3 đến 15/4 để ổn định giá lúa, gạo.

Phú Thọ: Chuẩn bị cho mùa cá mới

Trong năm qua, hình thức nuôi cá lồng trên sông tại tỉnh Phú Thọ được nhân rộng. Nhiều giống cá mới năng suất cao, chất lượng tốt đã được đưa vào như lăng, nheo, chép lai… tăng tỷ lệ giống cá mới lên 35% trong tổng lượng cá được nuôi.

Toàn tỉnh hiện có 19 khu nuôi thả kết hợp nuôi ương giống với tổng diện tích gần 360 héc-ta, trong đó có 8 khu nuôi ương chính và 11 khu nuôi kết hợp hàng năm cung cấp được khoảng trên 60% nhu cầu về giống của cả tỉnh, chủ yếu là các giống cá truyền thống như trắm, mè, trôi, chép và một số giống mới như lăng, diêu hồng… Nhìn chung, các trang trại này đều có năng suất đạt từ 4,5 - 6 tấn/héc-ta/năm; doanh thu khoảng 170 - 180 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt khoảng trên 70 triệu đồng/năm. Thời gian qua, Chi cục thủy sản đã tích cực cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con tăng diện tích nuôi thâm canh, tăng mật độ nuôi, nuôi quảng canh theo phương pháp mới, nhân rộng số cá lồng… Ngoài ra, Chi cục cũng đang hỗ trợ, khuyến khích người nuôi ở ven các sông Đà, Lô, Hồng, Bứa… phát triển nuôi cá lồng theo hình thức mới. Nếu nuôi thâm canh tốt, mỗi lồng có thể cho thu hoạch 7 – 8 tấn, góp phần đáng kể vào việc tăng sản lượng thủy sản của tỉnh.

Gạo thơm được ưa chuộng tại nhiều thị trường

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo thơm tiếp tục là mặt hàng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2015. Giá loại gạo này luôn cao hơn các loại gạo trắng khác, dao động ở mức 480 - 620 đô-la Mỹ/tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Mỹ... Tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo thơm đang tăng trưởng mạnh, một số công ty trong nước đã liên kết với người dân theo hình thức bao tiêu. Tức là công ty sẽ đầu tư hạt giống chất lượng, đảm bảo nguồn gốc và hỗ trợ một phần đầu vào và bao tiêu đầu ra. Đây là hình thức liên kết được bà con nông dân hy vọng sẽ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Giá vật tư, phân bón giảm: Bà con không nên chủ quan

Theo dự báo của ngành khí tượng thuỷ văn, vụ đông xuân này, nền nhiệt ở các tỉnh phía Bắc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đã lưu ý các địa phương về tình hình sâu, bệnh có thể bùng phát trong vụ đông xuân.

Giá vật tư nông nghiệp giảm

Theo dự báo, thời tiết vụ đông xuân năm 2014 – 2015 có đặc trưng là nồm ẩm, ít mưa, nhiệt độ ấm hơn hàng năm. Đặc biệt, các đợt rét đậm, rét hại không tập trung và không kéo dài. Vụ lúa đông xuân tại Bắc Trung bộ thường cấy vào tháng 1 – 2, lúa xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng cấy vào tháng 2, xuân muộn vào tháng 3, sang tháng 4 – 5 trời ấm dần, mưa nhiều hơn. Trong điều kiện thời tiết như vậy, lúa thường hay trỗ sớm, gặp rét muộn tỷ lệ lép rất cao. Do vậy, bà con cần chú ý bón phân, chăm sóc để lúa phát triển cân đối, chống chịu tốt với sâu bệnh, đạt năng suất cao. Nếu bón phân thúc không cân đối nghiêng về đạm thì lúa đẻ nhánh kéo dài, nhánh hữu hiệu thấp, thân yếu, lá mềm, tích luỹ chất khô kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời kỳ làm đòng, trỗ bông và năng suất.

Năm nay, giá vật tư nông nghiệp cũng như tiền thuê công cày bừa đều giảm khoảng 5 - 7% nên bà con nông dân rất phấn khởi, yên tâm làm sớm hơn cho kịp thời vụ. Phần lớn các mặt hàng phân bón được cung ứng cho bà con thông qua 2 kênh, gồm kênh trả chậm do Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã phối hợp đứng ra cung ứng. Để đảm bảo đầu ra cho bà con, một số tỉnh đã phối hợp với các tổng công ty, công ty thu mua lúa trên cánh đồng mẫu cho bà con với giá đảm bảo cao hơn so với giá thị trường lúc thu hoạch. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cảnh báo mặc dù thời tiết tốt, giá vật tư, phân bón giảm nhưng bà con không nên chủ quan.

Sâu, bệnh có thể bùng phát

Cục Trồng trọt cho biết, tình hình lấy nước đổ ải của các địa phương cơ bản thuận tiện, thậm chí còn vượt chỉ tiêu kế hoạch nên Tổng cục Thuỷ lợi đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rút ngắn lịch xả nước 3 ngày. Đối với giống, vật tư phục vụ sản xuất cũng đã được các địa phương chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, bà con cần đặc biệt lưu ý, do nền nhiệt năm nay dự báo cao hơn trung bình nhiều năm nên tình hình sâu, bệnh có thể bùng phát. Vì vậy, bà con cần có biện pháp phòng chống sâu bệnh kịp thời để hạn chế thiệt hại.

Đề phòng tình hình sâu, bệnh diễn biến bất thường trong vụ đông xuân năm nay, một số tỉnh cũng đã có kế hoạch hỗ trợ các địa phương diệt chuột cũng như thuốc trừ sâu. Tỉnh Thái Bình hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho các huyện triển khai công tác diệt chuột và hỗ trợ thuốc diệt cỏ với mức 12.000 đồng/sào cho các diện tích lúa gieo thẳng. Với đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng hoa màu, bà con sẽ được hỗ trợ mức 1,7 triệu đồng/héc-ta. Ngoài ra, Thái Bình cũng ban hành công văn chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nếu trời rét dưới 15 độ C phải thông báo cho bà con ngừng cấy, khi nhiệt độ ấm lên mới được tiếp tục gieo cấy để đề phòng lúa bị chết rét. Tại Bắc Ninh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các công ty chủ động tu sửa máy móc, thiết bị, lắp đặt các trạm bơm tạm, phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả chiến dịch làm thủy lợi, cải tạo đất, nạo vét kênh mương, bảo đảm đủ nước đổ ải, gieo cấy, chăm sóc lúa.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo bà con nên loại bỏ bớt mạ già, gieo lại mạ mới để thay thế. Bởi trên thực tế, do thời tiết ấm hơn nhiều năm, nhiều diện tích mạ đã bị già nên nếu bà con cố cấy sẽ bị chột, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Quảng Ninh: Xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển bền vững

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Quảng Ninh, đến nay đã có 21/21 dự án được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Như vậy, các sản vật, sản phẩm truyền thống từ rừng đến biển của Quảng Ninh đã có thương hiệu riêng và được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận, đánh giá cao. Với việc triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, tỉnh Quảng Ninh đang đặt mục tiêu đưa chương trình này trở thành một trong những nội dung trọng tâm, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, đến năm 2016, toàn tỉnh Quảng Ninh dự kiến phát triển từ 40 đến 60 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại cộng đồng dân cư. Cụ thể là theo hướng thương mại hoá có quy mô trung bình và lớn, từ đó hình thành các tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu để phát triển, thương mại hoá các sản phẩm truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30 đơn vị đăng ký tham gia chương trình với 65 sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký đều tích cực triển khai sản xuất, chủ động phối hợp các ngành chức năng, đơn vị tư vấn, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, website theo hướng hiện đại. Đặc biệt, 21/21 dự án xây dựng thương hiệu mà tỉnh đang thực hiện gồm: 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu chứng nhận và 3 chỉ dẫn địa lý đến nay đều được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời xây dựng lô gô, bộ nhận diện sản phẩm và được phê duyệt. Trong đó, nhiều thương hiệu, sản phẩm đã được thị trường đón nhận tích cực và trở thành hàng hoá chủ lực giúp người nông dân nâng cao thu nhập như: Mực ống Cô Tô, rượu mơ Yên Tử, rau an toàn Quảng Yên, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, rượu ba kích Quảng Ninh, nếp cái hoa vàng Đông Triều, chè Hải Hà, trứng gà Tân An, na dai Đông Triều, mía tím Quảng Ninh, ghẹ Trà Cổ...

Ninh Thuận: Ngư dân trúng cá, mực đầu năm Âm lịch

Sau Lễ khai cửa biển đầu năm, ngư dân xã Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) phát hiện có luồng cá chủ yếu là cá cơm, cá trích và mực nhỏ. Chiều mùng 3 tết Âm lịch, hầu hết các thuyền của ngư dân của 2 xã đồng loạt ra quân khai thác nên đạt sản lượng khá cao. Đây là tín hiệu đáng mừng, đánh dấu một mùa vụ thuận lợi trong năm mới.

Những ngày sau tết Âm lịch, giá mỗi giỏ cá cơm tươi dao động từ 220.000 - 230.000 đồng. Đối với khai thác mực nhỏ, gọi là “mực bọt”, ngư dân dùng ghe nhỏ có chiều dài khoảng 9 - 10 mét, dùng lưới mành mực đánh bắt gần bờ, chi phí mỗi chuyến đi đánh bắt mực khoảng 1 triệu đồng. Sau chuyến biển, mỗi ghe đánh bắt được ít nhất 2 - 5 tạ mực, riêng những ghe lớn ở Bình Định đến Ninh Thuận đánh bắt, họ dùng mành chụp để khai thác, mỗi chiếc khai thác ít nhất gần 1 tấn mực, giá mỗi kg mực nhỏ tươi dao động 50.000 – 60.000 đồng.

Bà con ngư dân cũng bất ngờ vì đầu năm lại có nhiều mực như thế. Những ngày cận tết, giá mực bọt dao động từ 100.000 – 110.000 đồng vì “khan hàng”, nhu cầu tiêu thụ mạnh, nay giảm nhiều chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng, do giá mực bọt rẻ nên bà con phơi khô một nắng để bán lẻ. Cứ 10 kg mực tươi phơi khô còn 3 kg, lãi được 100.000 đồng.

Sau chuyến ra khơi đầu năm nhờ biển thuận gió hòa, đầy phấn khởi, bà con ngư dân địa phương tiếp tục khẩn trương vận chuyển các thiết bị như máy bộ đàm, tầm ngư, máy dò ngang… và ngư lưới cụ phục vụ khai thác như dầu, giỏ chứa cá, chá đèn pha, nước đá cây, lưới, thức ăn, nước uống… chuẩn bị ra khơi, quyết tâm đánh bắt hải sản đạt sản lượng cao.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bội thu chuyến đi biển đầu năm

Ngay sau Tết Nguyên đán, hàng nghìn tàu cá của ngư dân các tỉnh ven biển đã đồng loạt mở biển, thẳng tiến ra ngư trường. Thời tiết tốt, giá xăng dầu giảm sâu, giá cá ổn định, báo hiệu một năm có nhiều thuận lợi.

Ngư trường Trường Sa


Sáng ngày 24/2 tức ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, hàng trăm tàu cá của ngư dân tỉnh Khánh Hòa đồng loạt mở biển, thẳng tiến ra ngư trường Trường Sa. Cảng cá Hòn Rớ, tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang là cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ. Đại đa số bà con ngư dân rất phấn khởi vì các chuyến biển cuối năm, giá dầu giảm, giá cá ổn định nên hầu hết đều thắng lớn.

Chủ một tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương tại vùng biển Trường Sa cho biết, trung bình một tàu cá đã chuẩn bị cho chuyến biển khoảng 20 ngày. Đây là chuyến ra biển đầu tiên nên tinh thần bà con rất phấn khởi, vươn khơi xa, bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, năm nay thời tiết tốt, giá cá cũng tạm ổn, giá xăng dầu cũng giảm sâu. Do gần với ngư trường Trường Sa nên từ ngày mùng 6 đến rằm tháng Giêng, lượng tàu cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ ra vào các cảng cá tại tỉnh Khánh Hòa tăng đột biến. Đây là những tàu cá vừa đón tết trên biển trở về mang theo niềm vui được lộc biển. Để hỗ trợ các ngư dân, 5 cảng cá trong tỉnh đều duy trì trực 24/24 giờ để hỗ trợ các tàu cá bán cá nhanh, tiếp tục vươn khơi bám biển.

Ngư trường Lý Sơn

Năm nay, ngư dân đảo Lý Sơn đã tổ chức nghi lễ mở cửa biển đầu năm sớm do thời tiết biển thuận lợi. Hiện phần lớn tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn đã tiếp xong nhiên liệu, đá lạnh để khẩn trương rẽ sóng vươn khơi bám biển bám ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa trong mùa biển mới này. Theo Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, hiện đã có trên 100 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn chuẩn bị vươn khơi trong nay mai tại 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa, số tàu cá còn lại sẽ rẽ sóng ra khơi sau Lễ ra quân đánh bắt đầu năm.

Ngư dân miền trung trúng đậm

Tại miền trung, nhiều ngư dân đã trúng đậm những mẻ lưới với hàng tấn cá, mực các loại đã thu về hàng trăm triệu đồng ngay đầu năm mới.

Tại cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm tàu cá của ngư dân đã cập cảng cá mang về hàng trăm tấn cá các loại. Mẻ lưới ra khơi đầu xuân trúng đậm báo hiệu tin vui cho mùa khai thác hải sản năm nay. Trúng đậm mùa cá, mực nên bà con ai cũng phấn khởi, vui mừng.

Tại xã Phước Diêm và Cảng mở rộng Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, các thuyền có công suất lớn chở cá đầy khoang, mỗi thuyền khai thác ít nhất cũng được 300 đến 700 giỏ cá. Ngư dân khẩn trương vận chuyển cá lên bờ. Không chỉ cá cơm, sau một chuyến biển, mỗi ghe đánh bắt được ít nhất 2 - 5 tạ mực, riêng những ghe lớn thu đến cả tấn mực, giá mỗi ki-lô-gam mực nhỏ tươi dao động 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Nhiều ngư dân ở khu vực các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cũng có được niềm vui bội thu ở những chuyến đi biển đầu năm. Tại cảng cá Đông Tác - Tuy Hòa, Phú Yên, một trong những cảng cá lớn nhất ở miền Trung, nhiều tàu ghe cập bến với những khoang cá ngừ đại dương chật kín. Ngay thời điểm đầu năm 2015, giá cá ngừ bán tại cảng đạt khá cao, dao động từ 140.000 - 170.000đồng/kg, tùy theo chất lượng cá. Mức giá này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khiến ngư dân vô cùng phấn khởi. Ước tính với giá cả, sản lượng như hiện nay, các chủ tàu thu lãi chừng 200 - 300 triệu đồng cho một chuyến biển.

BÀ CON CẦN BIẾT

Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu

Thu hái, chế biến và bảo quản là những khâu quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê nhân khi xuất khẩu. Nhiều bà con nông dân trồng cà phê đã lâu mà vẫn chưa thực hiện các khâu này đúng cách. Do vậy, chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao.

Dưới đây là tư vấn của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT nhằm giúp bà con thu hái, chế biến và bảo quản đúng cách.

Thu hái

Bà con lưu ý, yêu cầu đầu tiên đối với việc thu hái cà phê là hái đúng tầm chín. Để có cà phê chất lượng cao, nhất thiết phải có quả chín đỏ hay vừa chín, không hái quả xanh. Không để quả chín nẫu hay khô trên cây. Nếu có lẫn những loại này bà con cần bỏ ra phơi riêng. Trong sản phẩm thu hoạch số quả chín hoặc vừa chín nhất là 95%, trừ đợt thu hoạch lần cuối tỷ lệ có thể thấp hơn. Khi hái cà phê phải dùng ngón tay bứt quả, không tuốt cành, không bứt cả chùm đối với cà phê chè. Phải bảo vệ cành, lá, nụ tránh ảnh hưởng tới vụ sau. Không để quả cà phê lẫn vào trong đất dễ bị nhiễm nấm bệnh.

Tốt nhất, khi cà phê hái xong bà con phải chế biến ngay. Nếu không kịp phải trải quả cà phê trên nền gạch cho thoáng mát, không quá dày 30 – 40 cm. Không ủ đống cà phê làm cho quả cà phê nóng và lên men. Không giữ cà phê hái về quá 24 giờ.

Bao bì đựng sản phẩm cà phê quả tươi và phương tiện vận chuyển phải sạch, không có mùi phân bón, mùi hoá chất…

Chế biến và bảo quản

Hiện nay có hai phương pháp chế biến: Chế biến khô và chế biến ướt. Với cà phê chè hầu hết là dùng phương pháp chế biến ướt và cả một phần cà phê vối cũng chế biến theo phương pháp ướt (hoặc nửa ướt) nếu có yêu cầu của khách hàng. Đối với cà phê vối Tây Nguyên, do mùa thu hoạch thường là mùa khô nên bà con có thể áp dụng chế biến khô để tận dụng năng lượng mặt trời, tiết kiệm chi phí.
Chế biến ướt: Cà phê sau khi hái về phải chọn lọc loại riêng quả xanh, quả khô, loại bỏ cành lá rụng và đất đá… Quả cà phê chín được đưa vào máy xát tươi để tách vỏ quả ra. Nhân cà phê đã tách vỏ quả, còn vỏ trấu gọi là cà phê thóc. Khi chế biến cà phê thóc, bà con đặc biệt lưu ý là phải loại bỏ lớp nhớt bên ngoài vỏ trấu. Đó là giai đoạn ngâm và rửa. Vì thế người ta gọi phương pháp này là chế biến ướt.
Cà phê thóc khô qua quá trình xát khô, loại bỏ vỏ trấu, đánh bóng (loại bỏ vỏ lụa dính bên ngoài nhân cà phê) sẽ thu được cà phê nhân. Cà phê nhân còn qua phân loại mới trở thành cà phê thương phẩm cho việc buôn bán.

Chế biến khô: Quả cà phê đưa về không xát tươi mà đưa ra phơi khô cho đến khi độ ẩm xuống còn 12 – 13%. Thường một mẻ cà phê phơi khô mất 25 - 30 ngày. Đưa cà phê phơi khô vào xát bằng máy xát khô cà phê, loại bỏ vỏ quả, vỏ trấu khô ta được cà phê nhân thành phẩm.

Ngoài hai phương pháp trên, ở nước ta thường áp dụng phương pháp chế biến nửa ướt. Ở phương pháp này, bà con xát tươi quả cà phê bằng loại máy xát tươi kèm theo đánh sạch một phần nhớt rồi mang phơi, không ủ len men và rửa sạch hoàn toàn.

Tuy nhiên, dù chế biến theo phương pháp nào, bà con cũng phải lưu ý đến việc xử lý nước thải và vỏ quả cà phê trong quá trình chế biến. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng nước thải từ các xưởng chế biến đọng lại làm ô nhiễm môi trường. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đối với chất lượng cà phê xuất khẩu. Do vậy, bà con cần hạn chế tối đa tình trạng cà phê nhiễm khuẩn thông qua khâu thu hái chế biến. Không để quả cà phê, cà phê thóc tiếp xúc trực tiếp với đất cát hoặc ở những nơi gần các loại chất thải như phân gia súc, cống rãnh…

CHỐNG BUÔN LẬU - MUA BÁN GIAN LẬN

Tỏi một tép giả thương hiệu Lý Sơn

Tỏi Lý Sơn được trồng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một loại tỏi có nguồn dinh dưỡng khá cao. Loại tỏi này đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là thương hiệu quốc gia.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Do vậy, một vài năm gần đây, giá tỏi một tép Lý Sơn luôn cao hơn các loại khác trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, đã xuất hiện nhiều tư thương gắn mác thương hiệu tỏi Lý Sơn cho các loại tỏi trồng ở những nơi khác để trục lợi.

Trước tình trạng này, huyện Lý Sơn đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động chủ tàu, thuyền không trà trộn và bán tỏi giả trên chính đất đảo Lý Sơn. Các chủ phương tiện được yêu cầu ký cam kết chỉ vận chuyển tỏi giống về đảo. Huyện cũng đã phối hợp với chi cục quản lý thị trường, bộ đội biên phòng kiểm tra, giám sát một số hội viên hội sản xuất, kinh doanh hành tỏi Lý Sơn. Các hội viên này mà buôn bán, vận chuyển tỏi nhái, giả nhãn hiệu Lý Sơn từ đất liền về đảo nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh. Địa phương cũng quảng bá thương hiệu tỏi Lý Sơn thông qua việc tham gia hội chợ cấp khu vực, quốc gia, tuyên truyền quảng bá thương hiệu trên trang web của huyện.

Phòng Kinh tế hạ tầng và Phát triển nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, do tỏi Lý Sơn có giá trị dinh dưỡng cao nên rất hay bị làm nhái, làm giả. Đặc biệt là giống tỏi một tép vì đây là loại tỏi được hình thành tự nhiên trong quá trình sinh trưởng nhưng mỗi củ chỉ có duy nhất một tép. Đất càng cằn cỗi, loại tỏi đặc biệt này càng phát triển tốt. Người dân huyện đảo Lý Sơn ví tỏi một tép như dược liệu quý, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện sống giữa biển cả, cách xa với đất liền, nhất là trong mùa đông, biển động.

Nhân rộng mô hình trồng tỏi bền vững

Một hộ trồng tỏi lâu năm ở Lý Sơn tiết lộ, trung bình mỗi sào 500 mét vuông cho thu hoạch khoảng 600 ki-lô-gam tỏi, trong đó lượng tỏi một tép chỉ được từ 2 – 5 ki-lô-gam. Sau khi đưa về nhà, người dân cắt tỉa cành lá, phơi tỏi cô đơn ở mái tôn trên nóc nhà. Tỏi khô giòn, bà con gom vào thùng kín có lót lá sơn (loại lá cây chống ẩm, mối mọt) để bảo quản, dự trữ loại nông sản này. So với loại nhiều tép, tỏi một tép thơm ngon hơn do toàn bộ chất dinh dưỡng được dồn vào một tép đó. Tỏi Lý Sơn khác với loại khác vì được trồng trên đất núi lửa và cát trắng lấy từ xung quanh đảo nên được nhiều người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Nhưng để có được chất lượng cao như hiện nay, người dân trên đảo đã tốn công sức chăm sóc nhiều tháng mới được thu hoạch.

Năm nay, không chỉ đối mặt với tỏi giả, tỏi nhái, bà con huyện đảo Lý Sơn còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường khiến giá tỏi giảm. Những tuần giáp Tết Nguyên đán, do biển động kéo dài, tàu không vận chuyển được hàng vào đất liền nên tỏi bị ứ đọng. Thông lệ hàng năm, sau khi thu hoạch tỏi, bà con thường bán một ít, phần còn lại thì cất trữ, đến cuối năm tung ra bán dịp tết. Năm nay, lượng tỏi dự trữ trong dân đã bị nảy mầm. Do vậy, giá bán vào thời điểm giáp tết giảm mạnh so với năm ngoái.

Để tăng năng suất, đảm bảo sinh kế cho bà con huyện đảo, huyện Lý Sơn đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nhân rộng mô hình “Sản xuất tỏi ở huyện Lý Sơn theo hướng bền vững” kết hợp với hệ thống tưới phun mưa bán tự động trong sản xuất nông nghiệp.

Trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan tuyết ở Tuyên Quang: Giúp bà con xóa đói, giảm nghèo

Chè Shan tuyết đặc biệt thích nghi với núi rừng Na Hang (Tuyên Quang) nên cho chất lượng cao: Hương thơm, vị đậm, nước xanh. Đặc biệt, do không có sự can thiệp trong quá trình canh tác, thu hái nên chè có hương vị tự nhiên được kết tinh từ đất trời vùng núi cao, quanh năm mây phủ. Chè Shan tuyết Na Hang đã khiến những người sành trà nhất cũng phải tấm tắc, thèm nhớ, là niềm tự hào của người xứ Tuyên.

Xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Mông, Dao

Cây chè Shan tuyết hợp thổ nhưỡng nơi lưng chừng trời, lại được người dân bản địa đón nhận nên phát triển tự nhiên. Đó chính là cơ sở để dự án trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan tuyết được triển khai trên vùng đồi núi dốc với độ cao từ 800 - 1.000 mét so với mực nước biển. Dự án được triển khai từ năm 2.000 với quy mô 1.100 héc-ta tại 4 xã Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông và Sơn Phú. Những năm đầu thu hoạch, chè được bán tự phát, dù không mẫu mã, quảng bá nhưng đã làm ngỡ ngàng người sử dụng bởi chất lượng riêng có. Hương trà Shan tuyết đã thu hút, chinh phục được các doanh nghiệp. Sự kết hợp tự nhiên đó đã giúp thương hiệu trà Shan tuyết vươn xa, xa mãi. Cùng với diện tích trà Shan cổ thụ có sẵn, xã Sinh Long là địa bàn có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất của huyện Na Hang với 985 héc-ta. Theo bà con dân tộc, từ mục đích ban đầu là phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, cây chè Shan tuyết đã mang lại thu nhập cho người dân. Nếu trồng rừng bằng cây keo phải mất 7 - 8 năm mới được thu hoạch và chỉ thu một lần là hết phải trồng lại lứa cây mới, nhưng nếu trồng rừng bằng chè Shan tuyết thì chỉ sau 3 năm là cho thu hoạch hàng chục triệu đồng. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Mỗi lứa chè hiện nay, bà con thu nhập được vài triệu đồng tiền bán chè búp tươi. Ông Hoàng Văn Phin (Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long) cho biết, xã đã loay hoay tìm đủ các loại cây trồng nhưng không có cây nào trụ lại được. Bây giờ, cây chè Shan tuyết được coi là cây trồng chính của địa phương. Chè Shan tuyết được trồng trên diện tích đồi núi trước thường bỏ hoang, vì đó mà cây chè đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Trước năm 2000, Sinh Long là xã nghèo nhất của huyện Na Hang với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80% nhưng nhờ có dự án trồng chè này mà tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 40%. Mỗi lao động hái chè có thu nhập từ 100.000 – 200.000 đồng/ngày nhưng nếu đi cày nương thì chỉ có 5.000 đồng/ngày thôi.
Tiếp tục nâng tầm thương hiệu

Mới đây, Công ty CP Chè Sông Lô đã đầu tư dự án phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chè Shan tuyết tại xã Hồng Thái. Để người dân yên tâm gắn bó với cây chè, công ty đã hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc chè. Công ty dự kiến đến năm 2020 diện tích chè trồng mới là 30 héc-ta, diện tích liên doanh liên kết với nông dân là 70 héc-ta. Sản lượng chè búp tươi thu hoạch đạt từ 10 - 13 tấn/héc-ta/năm, doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng/héc-ta, gấp 6 - 7 lần doanh thu từ việc trồng ngô một vụ của người dân tại địa phương. Sản phẩm chè búp tươi được công ty thu mua với giá tối thiểu 15.000 - 20.000 đồng/kg. Dự án phát triển cây chè đưa về xã thực sự là tín hiệu mừng, mang theo hy vọng thoát nghèo của bà dân tộc Mông và Dao nơi đây.

Tiếp tục nâng tầm thương hiệu cho chè Shan tuyết, vừa qua UBND huyện Na Hang đã xây dựng đề án phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện Na Hang đến năm 2020. Mục tiêu của đề án là tiếp tục duy trì sản phẩm trà Shan đặc sản, sạch và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người làm chè, tạo sản phẩm chè an toàn, tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm chè, ứng dụng các biện pháp canh tác tiến bộ trong sản xuất để đảm bảo có nguồn nguyên liệu chè an toàn, xây dựng thương hiệu chè đặc sản Na Hang.

Theo đó, các cơ chế chính sách hỗ trợ đã được xây dựng, việc triển khai đề án góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa, mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc huyện Na Hang. Tiếp tục nâng tầm thương hiệu cho chè Shan tuyết, vừa qua UBND huyện Na Hang đã xây dựng đề án phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện Na Hang đến năm 2020.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)