Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 1/5/2015

03:15 PM 03/05/2015 |   Lượt xem: 2294 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Ninh Thuận: Thoát nghèo từ nho

Với hơn 1.000 héc-ta, Ninh Thuận được biết đến là một vùng nho nổi tiếng của cả nước và trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cây nho đã góp phần xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân vùng đất khô cằn, nắng gió này.

Ưu tiên vốn trồng nho

Hiện nay, diện tích vườn nho của tỉnh Ninh Thuận có khoảng 1.100 héc-ta, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Các giống nho xanh, nho đỏ, nho tím đều được trồng đại trà bởi phù hợp với hơi đất, khí trời Ninh Thuận. Trung bình mỗi năm, các nhà vườn ở Ninh Thuận đã thu lãi bình quân từ 100 - 150 triệu đồng/héc-ta, một số chủ trang trại thâm canh giỏi còn đạt trên dưới 300 triệu đồng/héc-ta/năm đối với giống nho xanh.

Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ vườn nho nổi tiếng ở Ninh Thuận cho biết: Từ ngày ông đầu tư phát triển rộng các vườn nho vừa thu hoạch vừa kết hợp để khách du lịch thăm quan, chụp hình... đời sống kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Dù nằm sâu trong một vùng quê cách Phan Rang chừng 7 km, nhưng trang trại nho Ba Mọi luôn nhộn nhịp đón khách du lịch gần xa đến tham quan và khám phá. “Thậm chí sinh viên của các trường đại học lân cận: Nha Trang, Cần Thơ… cũng liên lạc về đây để tham quan và học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế của người dân vùng đất khô cằn, nắng gió này” - ông Mọi chia sẻ.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2015 diện tích nho toàn tỉnh là 2.000 héc-ta và năm 2020 tăng lên 2.200 héc-ta, trong đó có 1.000 héc-ta giống mới chất lượng cao và 1.200 héc-ta giống nho Red Cardinal trên cơ sở giống đã phục tráng, nâng tổng sản lượng bình quân lên 55.000 tấn/năm. Chủ trương của tỉnh khẳng định, cây nho là cây trồng chủ lực của tỉnh. Vì vậy người dân nghèo nơi đây rất cần nguồn vốn ưu đãi để mở rộng diện tích trồng nho và phát triển cây nho ở Ninh Thuận nhằm đưa nghề sản xuất nho ở Ninh Thuận thành vùng sản xuất nho lớn nhất cả nước và góp phần vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Theo Ngân hàng chính sách tỉnh Ninh Thuận, bám sát kế hoạch phát triển nghề trồng nho của tỉnh lên 2.200 héc-ta, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm nguồn vốn để mở rộng diện tích trồng nho và chế biến nho, phấn đấu đưa cây nho trở thành cây kinh tế chủ lực, cây làm giàu trên địa bàn Ninh Thuận.

Cảnh giác với nho Trung Quốc đội lốt nho Ninh Thuận

Lợi dụng sự nổi tiếng của nho Ninh Thuận trên khắp cả nước, nhiều tư thương đã nhập nho Trung Quốc giá rẻ đội lốt nho Ninh Thuận để bán cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Mọi, cho biết, nho Ninh Thuận rất hiếm hàng ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt giá nho xanh mua tại vườn là 70.000 đồng/kg, do đó, nho bán 35.000 đồng/kg không phải nho Ninh Thuận. “Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Thuận chưa trồng được loại nho xanh không hạt nên nếu người bán quảng cáo nho không hạt thì chắc chắn không phải ở đây” - ông Mọi khẳng định.

Nho đỏ Ninh Thuận có hình cầu, trái to khoảng đầu ngón tay cái, vỏ nho rất mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, có vị ngọt hài hoà với vị chua nhẹ. Chùm nho thon dài và các trái gần như khít nhau trên 1 chùm, ít rời rạc. Trong khi đó, nho đỏ Trung Quốc trái to gấp đôi nho Ninh Thuận, quả chín có màu đỏ nhạt, có lốm đốm trắng trên vỏ, vị ngọt gắt. Các trái nho trên cùng 1 chùm rời rạc nhau, 1 chùm nho cân nặng khoảng 500 - 700 gam/chùm.

Ngoài ra, nho đỏ Trung Quốc khi mua nhìn rất tươi ngon, đặc ruột nhưng nếu để trong tủ lạnh, sau khi lấy ra thì ruột sẽ trở nên bở và nhão. Nho Ninh Thuận thì ruột vẫn chặt, không bị nhão. Nho đỏ Ninh Thuận rất dễ nhận biết vì trái chỉ bằng một nửa so với nho Trung Quốc.

Đồng Nai: Giá chuối ổn định

Các nhà vườn trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang thu hoạch rộ vụ chuối năm nay. Mặc dù, giá chuối hiện thấp hơn so với năm trước, nhưng người dân vẫn có lãi. Theo bà con ấp Trường An, xã Thanh Bình, chuối “già lùn” (loại chuối xuất khẩu) trồng từ 1.500 - 2.000 cây/héc-ta, với giá như hiện nay từ 4.500 - 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì nhà vườn cũng thu lãi gần 100 triệu đồng/héc-ta/vụ. Một thương lái mua chuối chia sẻ: “Mùa chuối năm nay sản lượng tôi thu mua so với năm ngoái có thấp hơn. Giá chuối vẫn đảm bảo cho người dân không lỗ, thậm chí có lời khá nếu chuối đẹp, chuối cấy mô trồng đúng quy trình vẫn được giá”. Đồng Nai hiện có hơn 7.000 héc-ta các loại chuối, trong đó huyện Trảng Bom có trên 1.600 héc-ta chuối.

Khánh Hòa: Tôm hùm non bán giá rẻ

Do tôm hùm chết vì dịch bệnh, giá tôm thương phẩm giảm mạnh, để có vốn thả giống cho vụ sau, nhiều hộ nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa đã phải bán tôm hùm non với giá rất rẻ. Thương lái trong vùng đã chủ động ép giá xuống, khiến người nuôi tôm càng thêm thiệt hại. Chỉ trong vòng vài tháng, giá tôm đã giảm từ 1,8 - 2 triệu đồng/kg loại 1, xuống chỉ còn 1,2 - 1,5 triệu/kg. Chủ một lồng tôm ở xã Vạn Thạnh chia sẻ: “Tôm to chủ vựa chê, không bán được, tôi đành phải bán bớt đàn tôm nhỡ (tôm non) 4 - 5 lạng/con với giá rẻ 400.000 - 600.000 đồng/kg (tùy loại) để lấy tiền mua thức ăn cho đàn tôm thương phẩm”.

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có hơn 19.000 lồng bè nuôi tôm hùm, nhưng chỉ có một công ty xuất khẩu chính ngạch tiêu thụ một lượng nhỏ tôm của dân. Sản lượng tôm hùm còn lại đều do 10 nậu vựa lớn và hàng chục các nậu vựa vệ tinh khác thao túng. Chi cục đã có đề xuất các biện pháp quản lý các chủ nậu vựa và thời gian tới sẽ tổ chức các tổ liên kết sản xuất để người nuôi tôm được hỗ trợ những khi cần vốn, không phải bán non như hiện nay.

Trà Vinh: Người nuôi lỗ nặng do giá cá lóc giảm

Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 1.000 hộ thả nuôi khoảng 120 triệu con cá lóc giống trên diện tích hơn 250 héc-ta. Giá cá lóc hiện nay có xu hướng giảm khiến các hộ nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng. Cụ thể, cá lóc loại 1 (khoảng 2 - 3 con/kg) giá 29.000 - 30.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với trước. Dự báo giá cá tiếp tục giảm do tình hình tiêu thụ vẫn nhiều khó khăn. Theo tính toán của người nuôi, chi phí để có 1 ki-lô-gam cá lóc thương phẩm không dưới 30.000 đồng. Với giá như hiện nay, các hộ nuôi đa phần bị lỗ 500 - 1.000 đồng/kg.

Đồng bằng sông Cửu Long: Bưởi trái vụ giá cao

Nhà vườn trồng bưởi da xanh và Năm Roi ở ĐBSCL đang rất phấn khởi bởi giá bán rất cao. Bưởi da xanh loại 1,4 kg/trái trở lên được thương lái thu mua với giá 57.000 đồng/kg, loại 1,2 kg/trái giá 48.000đ/kg. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Với giá này nhà vườn trồng bưởi da xanh với diện tích lớn, điều khiển cho trái rải vụ đều thu lãi lớn. Tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), bưởi Năm Roi vụ nghịch có giá hơn 27.000 đồng/kg loại 1,2 kg/trái; loại 1 kg/trái trở lên giá 24.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để có được trái chín vào mùa này thì tháng 9, 10 năm trước nhà vườn phải điều khiển cho cây ra hoa, giờ mới có trái bán. Chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương miền Tây ở Ngã Ba Bềnh, xã Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết, bưởi da xanh và Năm Roi đang thiếu hụt nguồn cung. Mỗi ngày cơ sở chỉ thu mua được 10 tấn bưởi da xanh và Năm Roi, trong khi đó nhu cầu thị trường cần khoảng 30 tấn/ngày. Không chỉ trong nước mà ngay cả thị trường xuất khẩu cũng đang có nhu cầu rất lớn. Để bảo vệ thương hiệu cho trái bưởi da xanh, bảo vệ người tiêu dùng, các nhà vườn không nên bán “bưởi non” cho các thương lái trong lúc thị trường khan nguồn cung.

BÁN GÌ

Giá phân bón ổn định

Tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu phân bón cho vụ Hè Thu ổn định, giá các chủng loại phân bón ít biến động. Cụ thể, tỉnh Cần Thơ đã bón xong đợt 1 và chuẩn bị bón đợt 2 cho lúa Hè Thu nên nhu cầu vẫn ổn định trong khi giá các chủng loại phân bón ít biến động, giá ổn định. Giá kali Isarel miếng đại lý cấp 1 bán ra ở mức 8.200 – 8.300 đồng/kg, giao tại kho cấp 2; DAP Hồng Hà giá 11.650 - 11.700 đồng/kg. Kiên Giang đang bón đợt 2 cho lúa Hè Thu nên nhu cầu tạm chững và có xu hướng giảm so với đợt bón 1, giá ổn định.

Trong khi đó, các tỉnh miền Bắc đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa Đông Xuân với diện tích tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước (hơn 9 ngàn héc-ta). Diện tích tăng chủ yếu tại vùng Duyên hải miền Trung, gần 14 ngàn héc-ta. Vùng đồng bằng sông Hồng diện tích giảm chủ yếu do cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng. Tại các tỉnh miền Bắc, giá urê Ninh Bình đạt 7.500 đồng/kg.

Xà lách tiêu thụ mạnh

Do thời tiết nắng nóng nên rau xà lách được thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung tiêu thụ mạnh. Hiện thương lái mua xà lách được giá 6 triệu đồng/sào, có thời điểm nông dân bán được 7,5 triệu đồng/sào. Nhiều hộ nông dân ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đã có lãi từ 6 đến 10 triệu đồng/vụ xà lách. Hiện nay toàn huyện còn trên 75 héc-ta xà lách đang vào mùa thu hoạch. So sánh với thời điểm trước tết Nguyên đán, bà con nông dân huyện Đơn Dương trồng xà lách chỉ bán được 1 - 1,5 triệu đồng/sào (1.000m2). Có những hộ không bán được phải thu hoạch xà lách về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Giá sầu riêng giảm

Giá sầu riêng vào vụ bán ra tại các chợ hay sạp trái cây đã giảm gần 40%. Nếu vào đầu vụ, sầu riêng bán ra ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg thì hiện tại giá bán đã giảm còn 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, địa phương có vùng trồng sầu riêng thuộc loại lớn nhất cả nước, thương lái mua ở vựa với giá là 32.000 - 35.000 đồng/kg loại 1 và từ 20.000 - 30.000 đồng/kg với loại 2, 3. Với giá bán này, bình quân 1 héc-ta, năng suất khoảng 20 tấn, nhà vườn ở có lãi trên 100 triệu đồng. Hiện toàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có hơn 6.000 héc-ta diện tích trồng sầu riêng đang tập trung cho trái.

Cá đồng xuất khẩu mạnh sang Campuchia

Hiện tại hai cửa khẩu ở An Giang là Tịnh Biên và Khánh Bình, lượng cá đồng nuôi trong ao, bè từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được các thương lái thu gom như cá lóc, rô, trê, mè vinh, rô phi, điêu hồng…, tập trung về đây để xuất sang Campuchia với số lượng lớn. Một thương lái ở huyện Châu Thành cho biết, bình quân mỗi ngày anh xuất qua biên giới khoảng 5 - 9 tấn cá (số lượng tùy vào đơn đặt hàng mỗi ngày của thương lái Campuchia), giá cá rẻ nhất là cá rô 35.000 đồng/kg và loại cá cao nhất là cá điêu hồng giá 55.000 đồng/kg... Với giá đó, cao hơn so với bán trong nước từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, trừ hết chi phí mỗi ngày anh lãi trên 4 triệu đồng.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, mỗi ngày có cả trăm tấn thủy sản xuất bán tiểu ngạch sang Campuchia. Đây là cơ hội tốt nhằm giúp nông dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sản xuất, đồng thời có điều kiện mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Hậu Giang: Nông dân đốn sạch cam sành

Cam sành là cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang với diện tích gần 10.000 héc-ta. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều địa phương, nông dân đã đốn sạch cam sành do dịch bệnh.

Tiền mất tật mang

Tại xã Đông Phước, huyện Châu Thành, khoảng 50% diện tích cam sành đã bị bệnh vàng lá gân xanh và dịch bệnh chưa khống chế được. Nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh bần cùng vì đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng để mở rộng diện tích trồng trọt. Nay cam mất mùa, mất giá lại bị dịch bệnh hoành hành nên bà con phải bỏ công bỏ sức để đốn chặt. Một nông dân cho biết, 3 năm trước, ông vay ngân hàng trên 250 triệu đồng đầu tư vườn cam. Hiện vườn cam chưa thu hoạch được đồng nào đã phải chặt bỏ hết. Trong khi đó, mỗi tháng gia đình ông phải vay tiền để trả lãi ngân hàng hơn 20 triệu đồng. Còn sổ đỏ đất đã thế chấp ngân hàng vay tiền trồng cam nên muốn đầu tư trồng cây khác cũng không có vốn. Nhiều hộ gia đình khác cũng đã quyết định đốn chặt cam sau nhiều lần đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, công sức để cứu chữa. Bởi trên thực tế, khi cây đã bị vàng lá thì trái không lớn, thương lái chê không mua hoặc mua giá thấp. Gia đình bà Chiên là một ví dụ điển hình. Để đầu tư cho gần 1 héc-ta vườn cam, thời gian qua, bà Chiên đã vay ngân hàng 50 triệu đồng để cải tạo vườn, mua cây giống, phân bón. Thế nhưng, hiện vườn cam của bà đã có 500/2.300 gốc đang trong giai đoạn cho trái cũng bị bệnh vàng lá, khả năng có được nguồn vốn để trả nợ ngân hàng vẫn còn bỏ ngỏ.

Khó khống chế dịch bệnh


Theo thống kê sơ bộ của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, tính đến nay toàn huyện đã đốn 2.715 héc-ta cam sành bị bệnh trong tổng số 4.929 héc-ta (chiếm 55%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh vàng lá gân xanh là do nông dân chuyển đổi ồ ạt sang trồng cam, mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc và trồng không đúng kỹ thuật. Do phong trào trồng cam sành phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nguồn giống cao nên thương lái đã đưa nhiều giống kém chất lượng bán cho nông dân. Minh chứng là, cam sành trồng từ 5 năm trở lên thì rất ít bệnh, còn 3 năm trở lại đây thì hầu hết đều nhiễm bệnh vàng lá.

Ngoài yếu tố được cho là cây giống, một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bệnh trên cây cam sành. Mặc dù đây là vùng đất thấp, nhưng bà con ít quan tâm đến khâu thiết kế vườn, chiều rộng, độ cao của liếp, mật độ trồng quá dày. Đặc biệt, đa số nhà vườn có thói quen bón phân hóa học, không sử dụng phân hữu cơ, chế độ chăm sóc kém... Trong khi đó, đây là loại bệnh chưa có thuốc trị, cây cam mắc bệnh chỉ có cách đốn bỏ để trồng loại cây khác. Nhưng nhiều nông dân ở tỉnh Hậu Giang tiếc công sức đầu tư, cố neo giữ cây bị bệnh cũng đang neo giữ mầm bệnh.
Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn nên cắt, tỉa những cành bị bệnh kết hợp với bón phân cho cây một cách hợp lý, nhất là hạn chế dùng phân hóa học mà sử dụng phân hữu cơ. Ngoài công tác nghiên cứu tìm nguyên nhân, ngành nông nghiệp thị xã còn tổ chức nhiều buổi tập huấn cho bà con về cách quản lý, phòng trừ dưới rễ, thân cây làm sao hạn chế sự lây lan của một số loại bệnh, nhất là bệnh vàng lá một cách thấp nhất. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế thị xã cũng chỉ đạo các xã, phường thống kê diện tích cam bị bệnh phải đốn bỏ trồng lại. Từ đó đề xuất các chính sách hỗ trợ, giúp nông dân tái sản xuất.

Hiện tỉnh Hậu Giang đã công bố dịch bệnh trên cây cam sành để quản lý nội bất xuất ngoại bất nhập. Đồng thời có chính sách hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi héc-ta cam sành bị đốn để chuyển sang trồng cây khác.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Thuận: Nhiều thách thức đang đặt ra với trái thanh long

Trong những năm qua, cây thanh long đã giúp nhiều hộ nông dân ở Bình Thuận từ nghèo trở nên khá, từ khá trở nên giàu có. Cũng vì thế đã dẫn đến việc diện tích thanh long phát triển ồ ạt, thậm chí cả trên đất trồng lúa.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 24.000 héc-ta thanh long với sản lượng 550.000 tấn/năm. Thanh long chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giao hàng theo hình thức hàng đến chợ rồi mới thỏa thuận giá. Tình trạng ép giá thường xuyên xảy ra, khiến các doanh nghiệp và nông dân trồng thanh long thua thiệt. Những ngày gần đây, hàng nghìn xe chở nông sản đang ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trong đó có thanh long của tỉnh Bình Thuận. Vì vậy, giá thanh long Bình Thuận cũng bị giảm 5.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Để giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc, cần phải mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản, châu Âu... Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này là rất khó vì đòi hỏi tất cả các khâu phải đạt chuẩn theo quy định từ trồng, hệ thống thu mua, đóng gói và bảo quản.

Hiện một số nước trong khu vực đều trồng thanh long, đặc biệt Trung Quốc với diện tích khoảng 27.000 héc-ta tại 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Như vậy, có thể thấy, trái thanh long của Bình Thuận nói riêng và của Việt Nam nói chung đang đối mặt với lực cạnh tranh ngày càng gay gắt; việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu rất cấp bách. Đồng thời, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh phối hợp, đôn đốc bà con nông dân sản xuất thanh long đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của từng thị trường, đầu tư xử lý sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản để có thể vận chuyển tới các thị trường xa.

Sóc Trăng: Hành tím vẫn tồn đọng lớn

Những niên vụ trước, diện tích trồng hành tím của thị xã Vĩnh Châu lên tới 6.100 héc-ta; 70% sản lượng thu hoạch được xuất khẩu sang thị trường In-đô-nê-sia.

Tuy nhiên, vài năm nay, lượng xuất khẩu cứ giảm dần, nguyên nhân không phải do hành kém chất lượng mà vì nhu cầu tiêu thụ của đối tác giảm.

Dự đoán trước tình hình khó khăn của vụ hành năm 2015, ngành nông nghiệp thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã cảnh báo bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì vậy, hành tím chính vụ năm 2015 giảm xuống còn gần 5.500 héc-ta, diện tích chênh lệch còn lại so với những năm trước đã được nông dân trồng các loại rau màu khác.

Theo tính toán của cơ quan chức năng địa phương, vụ hành tím này nông dân thu hoạch gần 100.000 tấn. Có 20% sản lượng được giữ lại làm giống cho vụ sau, hành thương phẩm mới bán chừng 30%, hiện còn tồn đọng khối lượng lớn. Do sản lượng thừa ế nên giá cũng giảm mạnh. Vì vậy, nhiều người phải chấp nhận chở hành ra chợ bán lẻ, giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Một nghịch lý là, ở nhiều địa phương trên cả nước, hành tím của Trung Quốc đang được bán rất nhiều với giá không hề rẻ, khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg trong khi không chỉ hành và nhiều loại gia vị khác của Việt Nam lại rất hiếm. Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã có Công văn số 3954/BCT-TTTN về việc thúc đẩy tiêu thụ hành tím trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đây là một biện pháp hỗ trợ rất kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con (xem trang 12 - 13 số này).

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đại Lộc “trúng” mùa dứa

Những ngày đầu tháng tư, trên khắp những con đường của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) ở đâu cũng thấy nông dân hối hả thu hoạch dứa (thơm) chín vàng ươm, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Chợ “di động” ven đường

Cảnh mua bán luôn tấp nập với hàng trăm chiếc "xe trâu” chở dứa từ rẫy về tập kết tại nhiều điểm ven QL14B cùng với “đội quân” xe máy, ô tô mua dứa chở đi tạo nên những cái “chợ di động” ven đường.
Trưa, nắng lấp lánh trên QL14B, đoạn qua xã Đại Hồng, Đại Sơn (huyện Đại Lộc) có hàng mấy chục điểm lớn, nhỏ tập kết dứa từ các “xe trâu” kéo từ rẫy ra. Nơi đây rất nhộn nhịp với cảnh mua, bán bởi hàng trăm đống dứa chất trên khu đất ven đường. Từ những lối mòn trong rừng ra, những con trâu lực lưỡng kéo “xe dứa” đến vị trí tập kết.

Anh Nguyễn Thanh Hà - thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có 5 năm trồng dứa cho biết, ở Khe Hoa (xã Đại Sơn) có khoảng 300 hộ trồng dứa từ 2 - 3 héc-ta. Năm nay trúng mùa dứa, dự kiến thu về từ 300 - 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta lãi được khoảng 70 - 80 triệu đồng. Đến mùa thu hoạch dứa, mỗi ngày vận chuyển một chuyến bằng xe trâu kéo về bán cho bạn hàng. Mỗi chuyến xe trâu vận chuyển 300 - 360 trái dứa về đây bán cho bạn hàng với giá khoảng 1,5 triệu đồng. Trung bình mỗi hộ gia đình thu hoạch đến cả tấn dứa/ngày, bán tại chỗ giá khoảng 5.000 – 7.000 đồng/quả. Đa số được tiểu thương thu mua rồi chở đi tiêu thụ ở các chợ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi.

Mùa dứa ngọt

Tuy thu nhập cao nhưng người trồng dứa khá vất vả bởi phải làm việc dưới cái nắng của miền Trung khắc nghiệt. Và do đặc thù cây dứa có nhiều gai châm rất rát và đau. Tuy nhiên, sợ nhất là đàn voọc từ rừng sâu kéo ra phá dứa thường xuyên. Chúng không chỉ bẻ dứa ăn mà còn bứt cả đọt dứa, bẻ cả vườn cây bạch đàn, keo lá tràm, đu đủ… mà dân trồng xen trong rẫy dứa. Vì vậy, cứ đến mùa dứa chín, bà con đều tranh thủ thu hoạch thật nhanh.

Qua xã Đại Chánh sẽ thấy các sơn nữ dùng ghe chở dứa trên mặt hồ Khe Tân. Dứa ở Khe Tân rất ngọt và thơm, ở đầu nguồn có trồng khoảng 300 héc-ta dứa với 50 hộ canh tác. Vụ này, nông dân các địa phương miền núi như Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang… trồng khoảng 8.000 héc-ta dứa trên những triền đồi và nà thổ. Dứa được mùa, được giá khiến hàng nghìn hộ dân, nhất là các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số rát phấn khởi bởi “mùa dứa ngọt”.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đại Lộc cho biết, vụ này nông dân trên địa bàn huyện trồng 1.500 héc-ta dứa, chủ yếu tập trung ở những vùng đồi núi thuộc các xã Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Tân. Ông Mẫn cho biết: “Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhờ năng suất đạt khá, giá thu mua hấp dẫn nên gần như toàn bộ số diện tích dứa đều cho người dân mức lãi ròng tương đối cao, khoảng 70 - 80 triệu đồng/héc-ta”. Nhờ trồng dứa, người dân miền núi nơi đây đã phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chất lượng cuộc sống của bà con ngày càng tốt hơn, bộ mặt nông thôn miền núi thay da đổi thịt từng ngày.

BÀ CON CẦN BIẾT

Kỹ thuật bao gói và bảo quản thanh long

Hiện nay, thị trường trong nước và xuất khẩu thanh long Việt Nam ngày càng mở rộng, tuy nhiên tỷ lệ hao hụt trong nông sản còn nhiều. Nguyên nhân một phần do người dân còn thiếu thông tin và kiến thức về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch làm giảm chất lượng sản phẩm.

Lựa chọn

Thanh long sau khi thu hái cần lựa chọn loại bỏ những quả bị hỏng, bị bầm dập, thối. Trong quá trình lựa chọn bà con cần tiến hành phân loại. Dưới đây là phương pháp phân loại dựa vào một số thị trường để tham khảo. Có 2 mức độ phân loại chính:

* Loại đạt mức độ xuất khẩu: Chọn quả thanh long màu đẹp, trái đều, tươi, căng tròn, da bóng, tai xanh, màu đỏ đều, không bị xù xì, không bị sâu, đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu khách hàng. Tùy theo nước xuất khẩu mà yêu cầu về trọng lượng khác nhau:

- Các nước châu Á: Phần lớn chuộng trái lớn 500 - 700 gam. Riêng Singapore, Hồng Kông, Thái Lan yêu cầu về trọng lượng dưới 500 gam. Thị trường Đông Nam Á quan trọng là tai quả phải còn xanh, nguyên và đẹp.

- Các nước châu Âu, Mỹ: Thường nhập trái nhỏ từ 300 - 500 gam.

* Loại không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu: Với những quả nặng dưới 300 gam, hoặc xù xì, không còn đủ tai, nấm, lem, mặt võng. Lượng thanh long này sẽ được bán lại cho vựa phân phối trong nước.
Rửa

Sau khi lựa chọn bà con cần rửa bằng nước sạch, thao tác nhẹ nhàng, tránh va đập. Không dùng nước xả trực tiếp vào trái. Vớt ra để ráo nước, trước khi bao gói cần tiến hành hong khô trái thanh long.

Lưu ý: Có thể sử dụng một số thuốc bảo quản thêm vào nước rửa như Umikai 3 - 5 phút, hoặc ô-zôn đúng liều lượng theo quy định của cơ quan chức năng.

Làm khô

Bà con nên dùng quạt công suất lớn thổi khô quả thanh long khoảng 10 - 15 phút. Sau đó dùng kéo bấm cùi bằng đuôi trái để tránh tình trạng thâm, thối cùi.

Bao gói và xếp thùng

Bà con dùng túi polime có lỗ thoáng bọc từng quả một. Việc bọc này cần tiến hành nhẹ nhàng tránh làm gãy tai quả và sứt vỏ quả.

+ Trước khi xếp thùng tiến hành dùng cân có độ chính xác cao cân phân loại cỡ quả cho từng thùng hàng, yêu cầu phải đều trái. Ví dụ: 14 trái/thùng 10 kg; 16 trái/thùng; 18 trái/thùng… Cân là khâu quan trọng nhất, yêu cầu phải cân chính xác để đảm bảo uy tín với khách hàng.

+ Thanh long được xếp vào thùng giấy hoặc thùng xốp. Việc xếp thùng tiến hành nhẹ nhàng và không xếp quá chặt.

Bảo quản

+ Bảo quản ở nhiệt độ và độ ẩm không khí tự nhiên. Thanh long bảo quản trong điều kiện này với độ thoáng mát tốt, có thể giữ tươi được 5 - 8 ngày.

+ Bảo quản lạnh: Bảo quản ở nhiệt độ 20 - 24oC, thanh long sẽ tươi được 8 - 10 ngày, bảo quản ở nhiệt độ 12 - 14oC sẽ giữ tươi được 15 - 20 ngày. Tuy nhiên, không nên bảo quản thanh long ở nhiệt độ dưới 5oC vì bị tổn thương lạnh, trên vỏ thanh long sẽ xuất hiện các đốm nâu, làm mất vẻ đẹp mỹ quan.

+ Xử lý thuốc kích thích trước khi thu hoạch: Dùng chế phẩm acid gibberelic (GA3) với liều 2 gói bột (mỗi gói chứa 1 gam), pha trong bình xịt 12 lít, xịt đều quanh trái, có tác dụng làm tai thanh long xanh hơn và cứng hơn. Xử lý trước khi thu hoạch từ 1 - 3 ngày. Với cách này thanh long có thể bảo quản tươi được 10 - 20 ngày.

+ Phương pháp điều chỉnh thành phần không khí: Nguyên tắc này là làm tăng nồng độ khí các-bô-nic và giảm nồng độ ô-xy trong không khí xung quanh trái để giảm cường độ hô hấp của trái. Dùng bịch polyetylen có đục 20 - 30 lỗ, bao bọc trái thanh long và hàn kín bao lại. Kỹ thuật này kết hợp với nhiệt độ lạnh ở 5oC, thanh long có thể giữ tươi được 40 - 45 ngày.

+ Bằng hóa chất ô-zôn: Dùng dung dịch nước ô-zôn rửa sạch quả, hong khô, đóng gói, bảo quản trong nhà mát, thanh long giữ tươi hơn được 25 ngày. Nếu trữ lạnh có thể giữ tươi được 60 - 75 ngày.
Lưu ý: Tất cả các hoá chất được sử dụng trước và sau khi thu hoạch cho thanh long, đều chỉ được sử dụng trong phạm vi cho phép của Cục Bảo vệ thực vật về loại thuốc và nồng độ, nhằm đảm bảo sau khi bán ra thị trường không có tác nhân sinh học, hay vật lý nào ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

CHỐNG BUÔN LẬU - MUA BÁN GIAN LẬN

Thị trường máy bơm nước nông thôn

Thật, giả lẫn lộn

Tại thị trường các tỉnh miền núi, vùng cao, máy bơm nước là một trong những thiết bị bị làm giả nhiều nhất. Ngoài các loại máy bơm nước Trung Quốc kém chất lượng, tại đây còn bày bán nhiều máy bơm nước cũ đã được “tút” lại và mạo danh hàng “xịn”, hàng liên doanh.

Hàng Trung Quốc thua hàng Việt Nam

Máy bơm Trung Quốc giá rất rẻ. Bà con chỉ cần bỏ ra 200.000 – 250.000 đồng đã có thể mua được loại máy 1/2 HP. Tuy nhiên, chất lượng của máy Trung Quốc thua xa hàng do các công ty Việt Nam sản xuất. Cụ thể, các linh kiện của máy bơm Trung Quốc như bạc đạn rất dễ bể, phốt nước đa số làm bằng nhựa tổng hợp nên khi hoạt động mau mòn, chóng hư, rò rỉ nước, tụt áp lực, không hút được nước... Trong khi đó, loại máy tốt phải được làm bằng đá sa-phia hoặc các loại vật liệu chịu nhiệt và ma sát cao. Qua kinh nghiệm của một chủ cửa hàng có uy tín tại Chợ Sắt, Hải Phòng, cùng một công suất, nhưng hiệu quả bơm của máy Trung Quốc chỉ bằng 1/2 máy của Việt Nam. Do vậy, nếu ít tiền, bà con nên mua hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hoặc hàng liên doanh.

Một hình thức giả khác cũng khá phổ biến là “tút” lại hàng cũ. Đa số các loại máy bơm cũ đã bị hư hỏng một vài chi tiết, có cái chỉ lấy được vỏ, còn ruột phải làm mới lại hoàn toàn. Bà con tại thị trường nông thôn rất chuộng loại máy bơm cũ của Liên Xô hoặc Mỹ, do chất lượng tốt. Đánh vào tâm lý này, nhiều cửa hàng đã sưu tầm vỏ cũ về quấn lại với linh kiện hầu như “chắp vá” của Trung Quốc rồi bán cho bà con với quảng cáo là hàng “xịn”, hàng liên doanh. Tuy nhiên, các loại máy được quấn ruột mới này thường kém chất lượng bởi quấn không đúng kỹ thuật. Đặc biệt, dây đồng quấn không đạt chuẩn, lớp cách điện giữa các dây đồng với nhau không đảm bảo chất lượng nên khi vận hành, nhiệt độ tăng cao, rất dễ chảy, dẫn đến chạm vòng, máy phát nóng, động cơ chạy không nổi, thậm chí chạm mạch nổ tung...
Cách phân biệt

Để phân biệt được hàng thật và hàng giả, khi mua hàng, bà con cần lưu ý đến một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, phân biệt qua vỏ hộp. Các dòng máy bơm chính hãng đều có vỏ hộp có những đặc điểm riêng, ghi rõ xuất xứ nơi sản xuất. Đặc biệt, hình thức in ấn đẹp, nhìn rất chắc chắn, có những biểu tượng, biểu trưng riêng mà hàng nhái khó có thể làm được.

Thứ hai, phân biệt qua tem, nhãn mác. Đây là hình thức nhái phổ biến nhất hiện nay. Những cửa hàng làm ăn gian dối chỉ cần một động tác rất đơn giản là in một tem mới rồi đóng vào máy bơm. Trong trường hợp này, bà con cần lưu ý, hàng thật tem mác được in rất rõ nét, được đóng vào bơm bằng máy ép rất chắc chắn. Còn hàng nhái in mờ, thậm chí nhòe mực và lem nhem.

Thứ ba, phân biệt qua những chi tiết in nổi trên máy. Hàng thật thường có những chi tiết in nổi trên thân máy như số sê-ri, xuất xứ... còn hàng nhái thì không có. Họ không thể làm được điều này vì có các cơ quan giám sát thị trường sẽ kiểm tra việc nhập khẩu hàng hóa, kiểm tra nguồn gốc, quốc gia sản xuất.

Cuối cùng, bà con có thể phân biệt dựa vào các chi tiết trên máy bơm mà chúng ta có thể nhìn bằng mắt thường được như: Nút mồi của bơm chính hãng thường chế tạo bằng đồng hoặc các chất liệu cao cấp, có độ ăn khít cao. Màu sắc sơn chính hãng thường rất sáng, bóng hoặc màu đặc trưng của từng hãng.

HÀNG VIỆT

Lênh đênh những ghe hàng Việt

Ở vùng sông nước phía Nam, do hệ thống thủy lợi được khơi thông và dân cư đông đúc, ngày ngày, có những chiếc ghe chở hàng hóa len lỏi qua những dòng kênh, con rạch vào sâu nội đồng phục vụ người tiêu dùng. Bà con gọi đó là những tiệm bách hóa di động. Những tiệm bách hóa di động này đã và đang làm khá tốt nhiệm vụ đưa hàng hóa Việt đến tận tay người dân.

Như một thói quen từ bao đời nay, bà con vùng sông nước phía Nam quen với tiếng ghe máy chở hàng hóa len lỏi qua từng con kênh, con rạch, đến tận gia đình, phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Từ lương thực thực phẩm như gạo, mỡ, mắm muối, đồ gia dụng, đồ điện máy… đến cây kim, sợi chỉ… đều ngấm trọn mùi nắng, mùi gió để đi đến tận tay người dân. Số lượng, chủng loại hàng hóa phong phú hay không tùy vào khả năng vốn liếng của chủ ghe, dao động từ vài chục đến vài trăm triệu. Mỗi chủ ghe có một hình thức rao hàng riêng để người tiêu dùng nhận biết. Người thì dùng kèn, người thì dùng tàu máy, người kinh doanh hoa quả thì treo hàng ngay tại mũi ghe để người tiêu dùng có thể nhận ra… Nhưng dù bằng hình thức nào đi nữa, những ghe hàng hóa này luôn nhận được sự háo hức mong chờ đặc biệt của người dân. Hình ảnh từng đoàn người ngóng chờ ghe hàng cập bến đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của những vùng quê sông nước miền Nam.

Ngoài hình thức kinh doanh bằng cách đưa hàng hóa về tận tay người dân, một hình thức kinh doanh quen thuộc khác của các tỉnh sông nước miền Tây là những khu chợ nổi. Thường được mở cả ngày, chợ nổi là nơi tập trung hàng hóa phong phú. Ngoài việc buôn bán trực tiếp cho người dân, hàng hóa sẽ theo từng ghe hàng chợ nổi tỏa đi khắp cả nước.

Kinh doanh hàng hóa qua ghe được cho là hình thức kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp Việt nếu biết cách tận dụng bởi thứ nhất, đây là hình thức kinh doanh quen thuộc với người dân vùng sông nước. Thứ hai, chủ doanh nghiệp không phải mất một nguồn vốn quá lớn để đầu tư như xây dựng đại lý hay cửa hàng phân phối của riêng mình, từ đó giảm chi phí. Thực tế, rất nhiều hàng hóa phục vụ trên ghe là hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, giá cả phải chăng như nông sản, thủy sản… Tuy nhiên, những mặt hàng khác như vải vóc, đồ gia dụng… lại thường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Với đặc thù người dân có thu nhập không ổn định, sống ở những khu vực xa trung tâm, vùng nông thôn miền Tây Nam bộ chính là một trong những khu vực trọng tâm để thực hiện những giải pháp “phủ sóng” hàng hóa Việt. Thời gian qua, hàng loạt những hoạt động đưa hàng Việt về khu vực này đã được thực hiện bởi Sở Công Thương các tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)… Theo BSA, khu vực nông thôn, trong đó, nông thôn miền Tây Nam bộ là khu vực có tiềm năng lớn về hàng Việt. Tuy nhiên, do đời sống người dân còn khó khăn, thu nhập thấp, sức mua không ổn định nên doanh nghiệp chưa mặn mà đưa hàng về khu vực này.

Tuy nhiên, thay vì bỏ qua một nguồn vốn lớn để xây dựng đại lý hay điểm phân phối cố định trên đất liền, dường như doanh nghiệp vẫn bỏ quên một kênh phân phối cực kỳ hữu ích và chi phí thấp – những chuyến hàng trên ghe. Nếu tận dụng được kênh phân phối này, chắc chắn hàng Việt sẽ “phủ sóng” mạnh hơn đến người dân.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)