Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 6/02/2015

03:00 PM 07/02/2015 |   Lượt xem: 2178 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ thóc, gạo

Năm 2014, xuất khẩu gạo đạt 6,52 triệu tấn, trị giá 3,04 tỷ đô-la Mỹ, tuy giảm 0,9% về khối lượng, nhưng giá trị của hạt gạo lại tăng 4,2% so với năm 2013. Nếu đẩy nhanh việc liên kết trong sản xuất lúa gạo sẽ nâng cao hơn nữa giá trị hạt gạo làm ra, giúp người nông dân ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2015, sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có thị trường và thu nhập cao hơn; mở rộng diện tích gieo trồng ngô để chủ động nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Cụ thể sẽ giảm khoảng 104 nghìn héc-ta diện tích gieo trồng lúa ở các vùng thiếu nguồn nước, nhất là ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên để chuyển sang trồng một số cây hàng năm khác, chủ yếu là ngô; Bảo đảm tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 7,68 triệu héc-ta, năng suất bình quân 57,1 tạ/héc-ta, sản lượng đạt 43,85 triệu tấn; Quy hoạch tạo thuận lợi cho nông dân chuyển từ trồng lúa, màu nhất là đất lúa 1 vụ sang trồng cam, chuối và một số loại cây ăn quả khác đang có thị trường thuận lợi, thu nhập cao. Năm 2015, tập trung chỉ đạo quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người trồng lúa. Trước mắt tăng cường chuyển giao và ứng dụng các giống có giá trị thương mại cao, xây dựng và phát triển chương trình thâm canh đồng bộ, ứng dụng quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) trên lúa.

Cùng đồng hành với Bộ NN&PTNT, các nhà quản lý ngành nông nghiệp, nhà khoa học cũng quan tâm nhiều đến mối liên kết trong sản xuất lúa gạo. Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, để mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thật sự chặt chẽ rất cần có chính sách rõ ràng, quản lý, kiểm tra, chế tài hợp lý và nâng cao nhận thức của nhân dân, nâng cao năng lực của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác đại diện cho nông dân... Có như vậy mô hình cánh đồng lớn mới thực sự thu hút nông dân tự nguyện, doanh nghiệp mạnh dạn tham gia để góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Chính vì thế, năm 2015 các ngành, các cấp vẫn phải xắn tay cùng các doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tăng cường liên kết

Nhằm tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo; góp phần thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu gạo của thương nhân với hoạt động sản xuất lúa của nông dân, quan trọng nhất là góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thóc, gạo hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương vừa ban hành “Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020”. Lộ trình này có hiệu lực từ ngày 1/3/2015.

Theo đó, thương nhân không xây dựng dự án hoặc phương án Cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với hộ nông dân hoặc đại diện của nông dân trồng lúa theo quy định tại Lộ trình này; Xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sở hữu đất hoặc cho thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai. Thương nhân có trách nhiệm xây dựng vùng nguyên liệu trong các vụ sản xuất chính trong năm, diện tích vùng nguyên liệu mỗi vụ không ít hơn 1/4 tổng diện tích vùng nguyên liệu tối thiểu và tổng diện tích vùng nguyên liệu các vụ sản xuất trong năm phải đảm bảo không thấp hơn mức tối thiểu. Nhà nước có nhiệm vụ định hướng, khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu đồng thời có chính sách ưu đãi để tạo động lực thúc đẩy mở rộng quy mô vùng nguyên liệu; Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân và nông dân; gắn kết lợi ích với trách nhiệm của các bên trong quan hệ liên kết.

MUA GÌ

Bình Phước: Gà thả vườn hút hàng

Tại xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, khoảng 2 tuần trở lại đây giá gà đột nhiên tăng từng ngày. Thế nhưng nguồn hàng lại khan hiếm, thương lái tìm và đặt mua hết. Giá trung bình 70.000 đồng/kg đối với gà Bình Định, gà Cao Khanh; gà ta, gà mía mua tại trại trung bình 80.000 - 85.000 đồng/kg. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, gà thả vườn ở xã Thanh Lương còn tiếp tục tăng cao và sẽ cháy hàng. Hầu hết các chủ trại chăn nuôi của tổ hợp tác đã ký hợp đồng bán cho Công ty Adeco theo chuỗi giá trị nên lượng gà bán cho thương lái không còn nhiều. Trung bình các hộ có lãi từ 30 - 35 triệu đồng/1.000 con gà vào thời điểm hiện nay.

Đồng Tháp: Dưa lê được mùa kép

Bà con các huyện Lấp Vò và Lai Vung (Đồng Tháp) đang khẩn trương thu hoạch dưa lê. Nhìn chung năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho những hộ trồng dưa lê, năng suất ổn định từ 2,5 - 4 tấn/công . Hiện giá ổn định từ 6.000 - 10.000 đồng/kg.

Theo nhiều nông dân, bí quyết để trồng dưa lê đạt năng suất cao, màu sắc đẹp, đồng đều, ngoài áp dụng các biện pháp kỹ thuật thì treo trái là yếu tố hết sức quan trọng, tác động đến màu sắc và kích cỡ của trái. Dưa lê khoảng 35 ngày tuổi nông dân có thể tiến hành treo trái. Biện pháp này giúp hạn chế tối đa tình trạng dưa lê bị nứt trái do mưa nhiều, trái dưa có thể quang hợp tốt nên màu sắc đẹp và đồng đều hơn so với trồng thông thường.

Quảng Nam: Giá gà xuống thấp

Xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam được xem là nơi cung cấp gà bán công nghiệp cho tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Toàn xã có gần 100 hộ chăn nuôi gà, số lượng lên đến 10 vạn con. Đến thời điểm này, những đàn gà đã đến tuổi xuất chuồng, nhưng các hộ chưa muốn bán, vì giá không cao. Chủ trại gà ở thôn 2, xã Tam Lộc cho biết: Như thời điểm này của năm trước, gà bán ra 80.000 đồng/kg, thương lái tranh nhau mua, còn năm nay gọi điện cho thương lái, họ chẳng muốn bắt. Chưa năm nào giá gà xuống thấp như năm nay. Hiện thương lái tìm những đàn gà đẹp để mua, còn những đàn gà xấu thì chờ đến lúc chủ trại chịu bán giá thấp hơn thì họ mới mua. Một năm, người chăn nuôi được 3 lứa gà, nhưng lứa đầu năm thì bị ảnh hưởng cúm gia cầm, bán rẻ như cho. Còn đến lứa thứ 2 giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg và lứa thứ 3 cho thị trường Tết thì lại đứng giá. Giá chỉ 65.000 - 70.000 đồng/kg, tính ra lời lãi chẳng bao nhiêu. Bà con chăn nuôi cho rằng sau 15/12 âm lịch thì chắc chắn sẽ giảm xuống, vì nhiều nơi sẽ tung gà ra với số lượng lớn.

Phú Yên: Trúng vụ cua, tôm đất

Những ngày qua, nông dân ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) tập trung thu hoạch cua nuôi trong hồ đất. Tuy giá bán có giảm hơn năm ngoái nhưng bù lại sản lượng tăng nên nông dân rất phấn khởi. Giá bán từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg. Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm thẻ chân trắng (khoảng trung tuần tháng 10), người nuôi bắt đầu vào vụ thả nuôi cua. Ở đây là hồ đất nên rất thuận lợi, trước khi nuôi cua chỉ tháo cạn nước đáy, nạo vét bùn, đắp lại những nơi xung yếu, lấp hết lỗ rò rỉ. Gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh miệng cống và phía trong ao. Nuôi cua chỉ tốn tiền mua con giống còn thức ăn thì đi dọc theo bờ mương cào ốc quắn thả vào hồ cho cua ăn. Không chỉ trúng vụ cua, vùng này còn được mùa tôm đất. Theo nhiều người dân ở đây, sau một thời gian nuôi cua, khi trời mưa to, nước mặn trong hồ chuyển sang nước lợ, tôm đất sinh sản nhiều. Tôm đất có giá 200.000 đồng/kg.

BÁN GÌ

Cuba tăng cường nhập khẩu gạo Việt Nam

Cuba sẽ nhập khẩu 300.000 tấn gạo của Việt Nam, trong đó có 200.000 tấn theo diện tín dụng Chính phủ và 100.000 tấn thuộc diện thương mại.

Thương vụ Việt Nam tại Cuba cho biết, trong năm 2014, Việt Nam đã giao xong 200.000 tấn gạo theo Hợp đồng Chính phủ vào tháng 7/2014. Đối với hợp đồng doanh nghiệp, Vinafood 1 đã ký hợp đồng xuất bán 68.000 tấn, trong đó đã giao 14.500 tấn trong tháng 7/2014 và đã giao đủ 29.000 tấn của hợp đồng thương mại năm 2013 chuyển sang.

Theo Bộ Nông nghiệp Cuba, mỗi năm nước này cần khoảng 650.000 tấn gạo để phục vụ nhu cầu của 11,2 triệu dân và dự trữ trong đó lượng gạo sản xuất trong nước đáp ứng 50%. Mục tiêu của Cuba trong năm 2016 đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước. Như vậy, mỗi năm Cuba dự kiến vẫn cần nhập khẩu khoảng 350.000 tấn gạo.

Quảng Ngãi: Giá tỏi một nhánh tăng cao

Chưa năm nào giá tỏi một nhánh ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tăng kỷ lục vào thời điểm cuối mùa như hiện nay. Với giá 2 triệu đồng/kg, tăng gấp 19 lần so với loại tỏi thông thường nhưng rất khan hàng. Giá tỏi một nhánh tăng đột biến khiến nhiều gia đình ở huyện đảo này tiếc nuối vì đã bán hết từ nhiều tháng qua do sợ tỏi để quá lâu lên mầm, dễ hư hỏng.

Theo người dân huyện đảo Lý Sơn, giá tỏi một nhánh sẽ giảm nhiệt sau Tết Ất Mùi khi vào vụ thu hoạch mới. Trên thực tế, năm nào đến gần Tết giá tỏi cũng tăng cao nhưng chưa bao giờ giá tỏi một nhánh có mức giá kỷ lục như hiện nay. Dù cuối mùa, giá tỏi cô đơn tăng cao từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi ki-lô-gam, nhưng người dân địa phương còn dự trữ rất ít. Người dân huyện đảo Lý Sơn ví tỏi một nhánh như dược liệu quý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện giữa biển cả cách xa với đất liền, nhất là tiết trời mùa đông biển động.

Bến Tre: Thương lái tăng thu mua bưởi da xanh

Nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh tại các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Bến Tre cho biết, hiện thương lái đã vào tận vườn đặt mua hết bưởi. Tại xã Nhơn Thạnh, các nhà vườn đã nhận đặt cọc cho mỗi ký bưởi là 45.000 đồng. Với hơn 10 tấn bưởi trong vườn, mỗi hộ sẽ thu về khoảng 300 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Chủ một cơ sở thu mua bưởi cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở thu mua gần 5 tấn bưởi da xanh của người dân. Giá bưởi loại 1 là 43.000 đồng/kg, bưởi loại 2 giá 33.000 đồng/kg còn bưởi dạt 26.000 đồng/kg. So với mọi năm, giá bưởi năm nay cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Dự kiến giá bưởi Tết còn tăng cao hơn nữa.

Toàn tỉnh Bến Tre có hơn 5.000 héc-ta trồng bưởi da xanh, tập trung chủ yếu ở các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc...

Giá thực phẩm tăng nhẹ

Những tuần cận Tết, giá thực phẩm tại các địa phương diễn biến trái chiều. Tại một số tỉnh phía Nam, giá thịt lợn giảm nhẹ, nhưng giá sản phẩm gia cầm (thịt gà, trứng gà) có xu hướng tăng. Nguyên nhân do nhu cầu tăng và nguồn cung có phần thu hẹp để dành chuẩn bị Tết (thịt gà). Giá lợn hơi giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, hiện phổ biến trong khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg (khu vực phía Nam) và 47.000 - 50.000 đồng/kg (khu vực phía Bắc). Giá thịt bò, thịt gà tăng 4 - 5% so với tháng trước. Đối với mặt hàng gạo, loại gạo tẻ thường có xu hướng giảm do xuất khẩu chậm lại. Giá gạo tẻ thường ở các tỉnh phía Bắc dao động trong khoảng 13.200 - 13.500 đồng/kg trong khi ở các tỉnh phía Nam dao động từ 7.300 - 7.550 đồng/kg.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Giá gà diễn biến trái chiều: Người chăn nuôi lo lắng

Hiện nay, bà con chăn nuôi rất lo lắng trước những diễn biến trái chiều của giá gà nuôi thả vườn. Tính đến thời điểm này, giá gà tại một số tỉnh phía Nam đang giảm trong khi đó, tại các tỉnh miền Bắc, giá có xu hướng tăng. Tuy nhiên, dù giá tăng hay giảm, bà con nông dân vẫn luôn là người chịu thiệt thòi.

Phía Nam: Hòa vốn là may

Tại một số tỉnh Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh...) giá gà ta thả vườn đang giảm, trái ngược với diễn biến mọi năm. Hiện giá gà ta chỉ còn 55.000 – 65.000 đồng/kg, giảm từ 20.000 – 25.000 đồng/kg so với năm ngoái. Trên thực tế, tình trạng này đã diễn ra cách đây 3 - 4 tháng. Do vậy, hầu hết các trang trại đều không dám tăng đàn để bán Tết. Chủ một trang trại tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, mọi năm vào thời điểm này, trang trại của anh đã tăng đàn để bán Tết nhưng năm nay do giá giảm mạnh nên anh chỉ cố gắng duy trì đàn ổn định. Trên thực tế, mọi năm vào thời điểm cách Tết 1 - 2 tháng giá gà đã bắt đầu tăng lên, dao động từ 75.000 – 85.000 đồng/kg. Năm nay, giá lại giảm mạnh khiến những người chăn nuôi hết sức lo lắng. Bởi với giá như hiện tại người chăn nuôi gà ta thả vườn lỗ hoặc chỉ hòa vốn.

Tại Tây Ninh, các trang trại cũng đang khẩn trương chăm sóc đàn gà. Đặc biệt chú ý tới vấn đề kỹ thuật, tận dụng các nguồn thức ăn để đàn gà đạt trọng lượng 1,5 - 2 kg/con vào dịp Tết. Nguyên nhân khiến giá gà giảm là do lượng gà năm nay nhiều hơn năm ngoái. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, ngoài những hộ đã nuôi gà trước đây, nhiều hộ khác cũng đổ xô nuôi, do đó giá gà giảm. Nếu như mọi năm, nhiều hộ chăn nuôi gà ở vùng này có thu nhập cao nhờ nuôi gà ta, nhất là dịp Tết, thì năm nay họ lại sống trong lo lắng vì lỗ vốn hoặc cầm hòa.

Phía Bắc: Gà thịt tăng giá

Trong khi đó, tại thị trường phía Bắc, giá gà bắt đầu phục hồi sau một thời gian dài thua lỗ. Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế cho biết, hiện tổng đàn gia cầm của Yên Thế và khu vực lân cận dao động trên dưới 1,5 triệu con. Tuy số lượng có giảm so với mọi năm song giá bán đang có xu hướng tăng khiến bà con rất phấn khởi. Cụ thể, hiện gà mía lai đang có giá bán dao động từ 62.000 - 68.000 đồng/kg, các giống gà ta lai chất lượng cao, mẫu mã đẹp giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Riêng những giống gà ta truyền thống, chăn nuôi theo hình thức thả vườn hiện giá từ 85.000 - 100.000 đồng/kg. Với giá bán này, bình quân 1.000 gà, người chăn nuôi có lãi từ 20 - 50 triệu đồng sau 3 - 4 tháng nuôi. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các trang trại, tình trạng này có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn bởi nếu giá tăng quá cao sẽ khiến các hộ chăn nuôi đang bỏ chuồng khác lại nhao nhao tái đàn. Như vậy, chỉ 2 - 3 tháng sau cung sẽ lại vượt cầu, giá gà sẽ lập tức giảm xuống thấp. Đặc biệt, trong trường hợp giá gà lên quá cao tới 100.000 - 120.000 đồng/kg như Tết năm 2013 vô hình chung khuyến khích gà nhập lậu tràn vào.

Một hộ có thâm niên nuôi gà ta lai hơn chục năm ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc tâm sự: “Bà con mình bao nhiêu năm nay vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, lúc nuôi nhiều gà thì giá thấp, khi giá lên cao phần lớn lại không có gà để bán. Vì vậy, điều người chăn nuôi gia cầm cần nhất hiện nay chính là thông tin dự báo, định hướng và sự ổn định trên thị trường”.

Do vậy, dù giá gà tăng nhưng người chăn nuôi vẫn lo lắng bởi những diễn biến phức tạp trên thị trường. Cách đây 3 - 4 tháng, nhiều hộ thậm chí còn chán nản nên bỏ chuồng do giá giảm quá thấp. Một số hộ không còn vốn để tái đàn, vay vốn ngân hàng thì khó. Bởi trên thực tế, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi với người chăn nuôi nhưng để vay được vốn ngân hàng hiện nay cực kỳ gian nan bởi phần lớn người có nhu cầu vay khó vượt qua được “cửa ải” liên quan đến các thủ tục, giấy tờ thế chấp, tín chấp, nợ xấu… từ phía các ngân hàng.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Thuận: Thủy sản chọn hướng phát triển bền vững

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và sự khai thác hải sản quá mức trước đây nên nguồn lợi hải sản những năm gần đây ở Bình Thuận ngày càng suy kiệt, tỷ lệ tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt tuyến lộng, tuyến bờ làm ăn hiệu quả ngày càng ít dần.

Để bảo vệ nguồn lợi, tỉnh Bình Thuận đã hạn chế phát triển tàu công suất nhỏ và khuyến khích sắm tàu lớn để đánh bắt xa khơi, cộng với một số chính sách mới của Chính phủ về hỗ trợ đánh bắt xa bờ đã tạo bước ngoặt cho ngành thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 2.372 tàu cá có công suất từ 90 CV (sức ngựa) trở lên với tổng công suất 681.037 CV, chiếm 80% tổng công suất của 7.402 tàu thuyền toàn tỉnh (riêng năm 2014 đã đóng mới 215 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên).

Nhận định tình hình nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống ở Bình Thuận sẽ khó khăn do thời tiết ngày càng biến đổi thất thường, dịch bệnh xuất hiện liên tục, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã sớm có biện pháp tăng cường công tác quản lý giống nhằm đảm bảo con giống đạt chất lượng khi xuất ra thị trường. Chi cục đã thực hiện theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi tôm thương phẩm, định kỳ lấy mẫu giám sát môi trường và lấy mẫu đột xuất khi nuôi tôm có dấu hiệu bệnh để khuyến cáo cho người nuôi kịp thời xử lý, ngăn chặn không để phát sinh dịch. Nhờ vậy, năm 2014, các vùng nuôi tôm trong tỉnh không để xảy ra dịch bệnh, sản xuất tôm thương phẩm trên 11.500 tấn đạt 115% kế hoạch, người nuôi tôm có thu nhập khá. Riêng sản xuất tôm giống tiếp tục thuận lợi, tôm giống xuất đi cả nước, chất lượng giữ vững thương hiệu Vĩnh Tân. Để tiếp tục phát huy lợi thế nuôi tôm giống ở Tuy Phong, hiện nay Bình Thuận đang tích cực triển khai đầu tư Dự án khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công giai đoạn 1 với quy mô 90 héc-ta.

Tuy Phước (Bình Định): Hối hả vào vụ rau Tết

Năm 2014, làng rau Luật Chánh và Tú Thủy thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) đã sản xuất và tiêu thụ gần 73.000 ki-lô-gam rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu trên 1,1 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn lãi ròng hơn 57 triệu đồng. So với năm 2013, lượng rau sản xuất và tiêu thụ tăng gấp 2,5 lần, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, góp phần giải quyết việc làm cho gần 300 lao động ở địa phương. Hiện nay, mỗi ngày làng rau cung cấp ra thị trường 500 - 600 ki-lô-gam rau xanh các loại.

Để chuẩn bị rau cho thị trường Tết, bà con nông dân đã sản xuất các loại rau ăn quả (khổ qua, dưa leo, đậu cô ve, mướp, bầu, bí nụ, cà) trên diện tích 3,5 héc-ta và 3 héc-ta rau ăn lá (cải, xà lách, hành, rau muống và các loại rau gia vị). Do nhu cầu sử dụng rau an toàn tăng cao, nhất là vào dịp Tết, nên Hợp tác xã tập trung sản xuất để đủ cung ứng cho 2 siêu thị lớn tại TP. Quy Nhơn là Co.opmart và Big C, cùng một số chợ đầu mối.

Không chỉ ở Phước Hiệp, làng rau các thôn Phú Mỹ (xã Phước Lộc), Quy Hội, Đại Hội (xã Phước An), Kỳ Sơn, Phụng Sơn, Mỹ Trung (xã Phước Sơn), Liêm Thuận, Phổ Trạch (xã Phước Thuận), Thanh Quang (xã Phước Thắng), Biểu Chánh (xã Phước Hưng), Bình An (xã Phước Thành)… cũng tất bật, hối hả vào vụ Tết với không khí phấn khởi vì thời tiết thuận lợi và thu nhập khá. Có xã như Phước Sơn hiện có hơn 50 héc-ta đất vườn chuyên trồng rau, thu nhập bình quân từ 120 - 170 triệu đồng/héc-ta/năm, hiện nay bà con đã xuống giống 30 héc-ta rau để bán Tết.

Theo Hội Làm vườn huyện Tuy Phước, trong những năm qua, nhờ tích cực cải tạo vườn tạp nên diện tích trồng rau trên địa bàn huyện tăng khá, hiện có khoảng 1.757 héc-ta. Riêng vụ rau Tết này, bà con sản xuất khoảng 500 héc-ta; diện tích còn lại được trồng rau dưa có thời gian dài ngày hơn để bán trong thời điểm sau Tết.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bạc Liêu: Hải sản đắt hàng

Sau gần một tháng ra khơi, cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) tấp nập tàu thuyền chở đầy cá, tôm. Chuyến biển đầu năm thắng lớn, bán lại được giá cao vì nhu cầu thị trường Tết tăng cao nên ngư dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu): “Tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.200 tàu cá, trong đó huyện Đông Hải có 642 tàu cá (293 tàu đánh bắt xa bờ). Trong năm qua thời tiết thuận lợi nên hầu hết các phương tiện ra khơi khai thác, đánh bắt hiệu quả, nhất là những tàu công suất lớn hoạt động dài ngày trên biển theo Tổ hợp tác sản xuất. Năm 2014 sản lượng khai thác của Đông Hải 53.900 tấn đạt 100% kế hoạch”. Dầu vừa hạ giá thêm, còn tàu đánh trúng gần đầy khoang, cá to đầy ắp. Đối với nhiều loại cá to vừa đánh bắt bán tươi cho các nhà vựa luôn được xếp vào mặt hàng cao cấp, xuất khẩu hoặc bán chợ xa với giá cao. Cá thu, cá hồng, cá bớp… loại nào cũng có giá tăng thêm khoảng 20% so những tháng bình thường trong năm. Đặc biệt cá thu luôn nằm trên mức 200.000 – 210.000 đồng/kg. Mực lá tươi cho chủ vựa ổn định giá 180.000 đồng/kg. Riêng mực khô bán xô 430.000 đồng/kg, cao hơn 2 tháng trước 70.000 đồng/kg. Lúc này các chợ lớn, nhà hàng đang “săn đón” mua bằng hết để phục vụ nhu cầu dịp Tết. Tại chợ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải bày bán rất nhiều loại cá tươi, cá khô, tôm, mực ướp phơi một nắng, được nhiều người chọn mua để làm quà Tết. Hút hàng nhất là cá đỏ dạ đặc sản của Bạc Liêu 300.000 đồng/kg. Tôm khô chế biến từ tép đất luôn có giá cao, tôm loại 1 trên 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg; khô sặc rằn từ 200.000 – 300.000 đồng/kg; khô cá kèo tự nhiên 400.000 đồng/kg; cá chốt 700.000 đồng/kg; cá lù đù loại to một nắng 180.0000 đồng/kg. Hiện nay, huyện Đông Hải phát triển mô hình đầu tiên là tổ hợp tác dịch vụ hậu cần trên biển cho thấy hoạt động có hiệu quả. Theo chủ vựa cá Đức Lợi, các tàu Đức Lợi định vị GPS và bắt liên lạc thường xuyên với các tàu đánh cá trên biển. Suốt tháng luân chuyển ra biển Đông để cung cấp nhiên liệu, nước đá, thực phẩm và thu mua về hải sản tươi với giá giảm hơn 3%. Mỗi tháng 1 tàu hậu cần thu mua 300 - 400 tấn cá.

Thái Nguyên: Gà đồi Phú Bình ổn định thị trường tiêu thụ

Tết Nguyên đán Ất Mùi, những hộ nuôi gà đồi ở xã Tân Khánh (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có niềm vui lớn bởi giống gà đồi đã được công nhận và bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giá bán gà cũng cao hơn nhiều so với năm trước.

Về Tân Khánh những ngày này, chúng tôi được hòa cùng không khí nhộn nhịp của những người chăn nuôi, từ việc cung ứng cám, thuốc thú y, chăm sóc cho đàn gà, rồi cảnh tấp nập xe tải đến thu mua gà để bán Tết. Khu chăn nuôi của bà con đều rất sạch sẽ, hệ thống máng ăn của gà và nước uống được bố trí khoa học. Đây đúng loại gà đồi “chuẩn” bởi đàn gà được thả rông trên một khu đồi thoải, thậm chí còn đậu kín trên những gốc vải thấp. Trung bình, thời gian nuôi một lứa gà từ 110 - 120 ngày là được xuất bán. Gà năm nay được giá, bán cũng rất thuận lợi. Với giá bình quân khoảng 75.000 đồng/kg, bà con thu lãi ít nhất là 150 triệu đồng. Thương hiệu gà đồi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận vừa là niềm tự hào, cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người chăn nuôi. Xã Tân Khánh có 78 trang trại chăn nuôi tổng hợp được công nhận (chủ yếu là nuôi gà), số gia trại và chăn nuôi quy mô gia đình (từ 500 đến 1.000 con gà) còn lớn hơn nhiều. Tổng đàn gà thả vườn của xã hiện khoảng 200.000 con, giá gà có chiều hướng tăng và ổn định, chăn nuôi có lãi nên bà con đều rất phấn khởi. Nắm được nhu cầu tiêu thụ gà tăng cao dịp Tết, nhiều hộ đã tập trung cải tạo chuồng trại và nhập gà giống từ cách đây khoảng 4 tháng để kịp xuất bán trước Tết. Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi nên chất lượng gà tốt, được thương lái đánh giá cao. Xã đã hoàn thành việc xây dựng Đề án giữ gìn và phục tráng giống gà ri thuần chủng của địa phương có chất lượng thơm ngon. Trong năm 2015 này, xã sẽ thành lập 2 hợp tác xã chăn nuôi ở xóm Đồng Hòa và Đồng Bẫu, chủ yếu phát triển các mô hình chăn nuôi gà đồi.

BÀ CON CẦN BIẾT

Bí quyết chọn mua bánh kẹo, mứt Tết

Bắt đầu từ số 1 năm 2015 (ra ngày 2/1/2015) Chuyên đề DTTS & MN – Báo Công Thương mở chuyên mục “Bà con cần biết” nhằm cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước để bà con có hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu, hạn chế rủi ro.

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, hầu hết các cửa hàng, chợ đã chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, trong đó có nhiều loại thực phẩm để phục vụ người dân mua sắm. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó để chọn được những món hàng chất lượng và ưng ý cần phải có sự quan sát và tinh ý.
Chọn bánh kẹo của các nhà sản xuất uy tín

Các loại bánh, kẹo sản xuất trên dây chuyền hiện đại sẽ có chất lượng đảm bảo. Bao bì, nhãn mác được in đẹp, sắc nét, các thông tin rõ ràng, trên bao bì có in tên và ký hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm có mùi vị đặc trưng. Khác với hàng sản xuất thủ công do bao bì thường được in gia công nên nhãn mác hay bị nhoè mờ, màu sắc không đẹp. Khi mua, bà con nên chọn những gói có bao bì còn nguyên vẹn, không bị tẩy xoá. Kẹo phải còn nguyên chiếc, không bị chảy nước hay méo mó; Bánh quy giòn tan, màu sắc đặc trưng, hình dáng đẹp. Nếu gặp loại bánh, kẹo không ghi rõ tên, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất, không ghi hạn dùng thì không nên mua vì hàng kém phẩm chất có thể gây bệnh cho người sử dụng. Bà con nên mua bánh kẹo của Công ty Bánh kẹo Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Châu, Tràng An... Các sản phẩm này, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, không có hàng nhái, hàng giả.

Không mua mứt Tết có phẩm màu lòe loẹt

Mứt Tết là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình. Khi chọn mua mứt Tết bà con nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu cũng như có địa chỉ thật rõ ràng. Các loại mứt cần có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Đối với các loại mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng do sử dụng màu công nghiệp và chứa nhiều kim loại nặng có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người sử dụng, có thể gây ung thư, rối loạn tiêu hóa hay thần kinh. Bao bì sản phẩm phải còn nguyên vẹn, mới sản xuất và còn hạn sử dụng.

Khi mua cần phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì và nên mua mứt của những nhà sản xuất có uy tín trên thị trường; mua ở nơi tin cậy như siêu thị, đại lý… vì có sự kiểm soát chất lượng vệ sinh sản phẩm. Bà con có thể dùng các giác quan như: nhìn, ngửi, sờ, nếm… để phát hiện mứt có bị mốc, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không.

Cẩn thận với hạt dưa bị tẩm, nhuộm hóa chất

Hạt dưa cũng là thực phẩm không thể thiếu của các gia đình trong ngày Tết. Đây là loại hạt dễ bị tẩm, nhuộm các loại hóa chất độc hại như Rhodamine B gây hại cho cơ thể. Nếu ăn hạt dưa nhuộm Rhodamine B lâu dài sẽ có nguy cơ gây suy gan, thận và ung thư. Nếu hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp thường có màu sáng bóng, không bị phai, kể cả khi tiếp xúc với nước. Hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm có màu sắc tự nhiên, không quá đậm, không sáng bóng, dễ bị phai, nhòe khi gặp nước nên màu rất dễ dính vào tay và da khi sử dụng. Khi để ẩm sẽ dính màu vào vải bông, vải lụa. Khi mua hạt dưa nên chọn loại hạt có màu đỏ nâu tự nhiên, không có màu đỏ hay hồng tươi cũng như không bị cháy đen. Không chọn loại có phết dầu lên vỏ bóng nhẵn. Nên chọn những loại khi cầm hạt lên cắn thì tay, môi, lưỡi không dính màu đỏ; hạt bên trong màu trắng ngà, có vị béo ngậy đặc trưng.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Bánh kẹo nhái đổ lên vùng cao

Thời điểm này, trung bình mỗi ngày có hàng trăm xe trọng tải mang biển số các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Yên Bái, thậm chí ở cả Nghệ An, Hà Tĩnh... đổ về làng bánh kẹo La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) vận chuyển các loại bánh kẹo, các loại đồ uống để đưa về các địa phương tiêu thụ phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Điều đáng nói ở chỗ, các mặt hàng được sản xuất ở đây đều là hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.

Nhộn nhịp hàng nhái

Làng bánh kẹo La Phù những ngày cận Tết trở nên nhộn nhịp hơn cả, bởi những dòng xe các loại từ các tỉnh tấp nập đổ về lấy hàng. Nơi đây, vốn được biết đến là nơi sản xuất bánh kẹo lớn, dọc hai bên đường làng là các cửa hiệu, đại lý san sát, hàng hóa chờ các xe vào ăn hàng được chất đống ngổn ngang tràn ra mặt đường.

Hầu hết các loại bánh kẹo có bao bì, tên gọi na ná các sản phẩm bánh kẹo của các thương hiệu có tên tuổi, quen thuộc với người tiêu dùng như: bánh Choco Pai nhái Choco Pie của Công ty thực phẩm Ozion Vina; bánh hộp Daimisa nhái Damisa nhập khẩu; Gosy làm hàng “nhái” giống nguyên sản phẩm bánh Cosy của Công ty Kinh Đô,… Các loại bánh nhái này có giá chỉ bằng ¼ thậm chí bằng 1/10 so với các sản phẩm thật. Chẳng hạn như, hộp bánh Choco Pie có giá 45.000 đồng thì ở La Phù hộp bánh Choco Pai có giá chỉ 8.000 – 10.000 đồng; Trong khi bánh Danisa nhập khẩu bán trên thị trường trên dưới 120.000 đồng/hộp thì bánh Daimisa sản xuất ở “lãnh địa hàng nhái” này chỉ có giá 15.000 đồng/hộp.

Không chỉ nổi tiếng sản xuất bánh kẹo nhái, ở đây còn có cả xưởng sản xuất bao bì phục vụ theo đơn đặt hàng. Một tiểu thương cho biết, với các sản phẩm bánh kẹo làm nhái, bao bì đặc biệt quan trọng. Các mẫu thiết kế phải làm sao giống hàng chính hãng mới hút khách. Không chỉ làm theo đơn đặt hàng mà chủ cơ sở sản xuất bao bì còn tư vấn khách hàng cách nhái, thiết kế bao bì sao cho giống với sản phẩm chính hãng.

Cũng giống như ở La Phù, Thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cũng nổi tiếng về sản xuất hàng giả, hàng nhái. Ở đây cũng không thiếu một mặt hàng nào và rất được dân buôn ưa chuộng bởi mức giá rẻ không thể tưởng tượng. Theo một chủ cơ sở sản xuất ở Thổ Tang, chỉ riêng nước uống tăng lực bò húc có tới 3 loại: loại bò húc rẻ, loại bò húc Restar và bò húc Thái. Rượu nếp cũng đủ loại, nhưng rượu được cho là tốt chỉ có giá từ 9.000 – 10.000 đồng/chai, còn các loại rẻ hơn toàn pha bằng hóa chất với nước lã bán với giá vài ngàn đồng một chai…
Hàng nhái đổ về vùng cao?

Theo một chủ sản xuất ở Thổ Tang, mỗi ngày hàng chục xe trọng tải lớn về đây vận chuyển với số lượng lên tới hàng chục tấn các loại hàng hóa như bánh kẹo, nước uống, bột ngọt, mỳ tôm… đi các tỉnh phía Bắc, thậm chí nhiều tỉnh miền Trung cũng ra đánh hàng về địa phương tiêu thụ.

Sở dĩ, hàng sản xuất tại đây chỉ phục vụ các tỉnh lẻ, nhất là các tỉnh miền núi bởi người dân ở các địa phương, đặc biệt là người dân tộc khó có thể phát hiện được đâu là bánh kẹo thật, đâu là nhái. Nhãn mác của hàng “made in La Phù” chỉ chung chung, không có địa chỉ cụ thể, nhiều mặt hàng còn không có nhãn mác khiến mọi người tù mù. Thực tế đến 70% người dân khu vực này chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mà chỉ quan tâm đến mẫu mã hình thức và giá rẻ. Chính vì vậy, khi bánh kẹo “nhái” đưa về các tỉnh, chợ huyện, các chủ cửa hàng bán lẻ có thể đẩy lên bao nhiêu tùy thích, có nhiều nơi giá đội lên gấp 6 - 7 lần nhưng giá vẫn rẻ hơn hàng thật.

Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận, Thổ Tang hay La Phù là điểm nóng về sản xuất hàng nhái. Mặc dù hàng năm lực lượng QLTT ở khu vực này bắt hàng trăm vụ sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng chỉ như muối bỏ bể. Để hàng giả không còn đất sống, theo Cục quản lý thị trường cần triệt tận gốc các cơ sở sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở các địa phương vùng sâu, vùng cao ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

HÀNG VIỆT

Thêm cơ chế cho hàng Việt

Là khu vực tập trung 8 tỉnh miền núi: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tây Bắc là khu vực có nhu cầu rất cao về hàng Việt có chất lượng. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều cơ chế để hàng Việt đứng vững tại thị trường này.

Đưa hàng về nông thôn là hoạt động trọng tâm

Với địa hình đồi núi, để đưa hàng đến với các tỉnh Tây Bắc, cái khó đầu tiên là đi lại khó khăn, quãng đường vận chuyển khá xa nên chi phí hàng hóa tăng cao. Chính vì vậy, mặc dù có nhu cầu khá cao về hàng hóa Việt có chất lượng nhưng để đưa hàng Việt về khu vực này hoàn toàn không dễ dàng. Theo đó, tận dụng những ưu đãi từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, suốt thời gian qua, hàng trăm chuyến hàng Việt đã được đưa thành công về các khu vực khó khăn của những địa phương này, mang lại những hiệu quả không nhỏ.

Trong năm 2015, một trong những trọng tâm của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khi triển khai tại các địa phương khu vực Tây Bắc là đẩy mạnh tổ chức những phiên chợ hàng Việt và những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Những phiên chợ này sẽ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu sử dụng của người dân như hàng gia dụng, may mặc, hàng điện tử, đồ gia dụng… Hàng hóa hoặc được cung cấp bởi các doanh nghiệp (DN) sản xuất hoặc từ các DN làng nghề, tuy nhiên phải đảm bảo có giá thấp và độ bền cao. Bên cạnh đó, các phiên chợ sẽ được tổ chức trùng với các buổi họp chợ phiên, để bà con dễ dàng tiếp cận với hàng hóa.

Ông Nguyễn Đình Bảy – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, ngay trong tháng 1 vừa qua, Hội chợ Tết 2015 đã được tổ chức tại TP. Hà Giang. Đây là dịp để người dân mua sắm những sản phẩm hàng Việt có chất lượng cao. Các hội chợ hàng Việt khác sẽ được tổ chức ở các huyện trên địa bàn tỉnh cả trước, trong và sau Tết.

Bên cạnh đó, để phục vụ hàng hóa cho bà con, trong năm 2015, Hà Giang cũng sẽ tổ chức 13 phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa. Hàng hóa tại các phiên chợ này được đảm bảo sẽ thấp hơn thị trường từ 10 – 15%, được kiểm soát kỹ lưỡng về chất lượng để người dân được mua và sử dụng những sản phẩm tốt nhất.

Theo Sở Công Thương Phú Thọ, trong năm 2015, một trong những trọng tâm của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là xây dựng mạng lưới phân phối và tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn còn bao gồm những hoạt động như văn nghệ, mua hàng khuyến mãi… Đây là hoạt động rất quan trọng để khuyến khích người dân đến các phiên chợ thăm quan, mua sắm.
Giá vẫn là yếu tố cốt lõi

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong thời gian qua khi giúp nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa xóa được những “điểm trắng” về hàng Việt, tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, để hàng Việt bám rễ sâu hơn ở khu vực này thực sự cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Theo đó, hai điểm mấu chốt nhất là giá và chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, với một phiên đưa hàng Việt về nông thôn với vài chục DN tham gia và gần trăm gian hàng, công tác quản lý chất lượng hàng hóa là điều rất khó khăn. Việc trà trộn nhiều mặt hàng chất lượng kém vào phiên chợ là việc không thể tránh khỏi.

“Trước khi tổ chức các phiên chợ, chúng tôi luôn phải kiểm tra rất gắt gao. Những sản phẩm không phải hàng Việt phải được thu gom tiêu hủy. Hàng kém chất lượng nhất định không được đưa ra thị trường. Tất cả những DN lợi dụng đưa hàng Trung Quốc, hàng nhái vào bán đều bị phạt. Tất nhiên sẽ có những mặt hàng bán ra có giá rẻ nhưng rẻ và bền chứ không phải rẻ là hàng xấu. DN đã được hỗ trợ kinh phí đưa hàng về nông thôn nên sản phẩm phải bán rẻ hơn, chất lượng phải đảm bảo. Đó chính là điểm mấu chốt trong hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn khi triển khai trên địa bàn Hà Giang” – ông Nguyễn Đình Bảy khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Sáng – Phó giám đốc Sở Công Thương Lai Châu cho biết thêm, do người dân khu vực này còn nhiều khó khăn nên yếu tố quan trọng nhất vẫn là giá cả hàng hóa. DN dù muốn đưa hàng về khu vực này nhưng nếu không có lãi thì họ sẽ không làm. Chính vì vậy, thời gian tới, cần thêm những hỗ trợ từ tỉnh và Bộ Công Thương để đảm bảo hàng hóa đưa về khu vực này được bán với giá ưu đãi. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định tốc độ tiêu thụ hàng hóa của người dân.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)