Thông tin giá cả thị trường số Tết ra ngày 20 - 27/2/2015
03:04 PM 27/02/2015 | Lượt xem: 2863 In bài viết |“Tăng lực” cho hàng Việt
Trong cuộc trao đổi với phóng viên về giải pháp đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Phải thay đổi cách đưa hàng Việt về khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương khu vực này xây dựng hệ thống phân phối, giúp doanh nghiệp (DN) đưa được nhiều hàng Việt hơn, phục vụ người dân tốt hơn”.
Ý tưởng hay
Miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là khu vực còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Suốt 5 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), làm sao để đưa hàng Việt có chất lượng, giá cả phải chăng về phục vụ bà con khu vực này là điều luôn được các nhà quản lý, các DN băn khoăn và không ngừng đưa ý tưởng và tìm giải pháp thực hiện.
Theo đó, ngay từ những năm đầu tiên triển khai CVĐ, nhiều địa phương miền núi đã bắt đầu tổ chức hội chợ - hoạt động đơn giản nhất, nhằm đưa hàng Việt đến gần với bà con. Để thăm dò nhu cầu của bà con, những hội chợ đầu tiên còn tổ chức ở thành phố, đồng bằng. Những hội chợ sau này được dời vào sâu hơn, xa hơn, phục vụ cho bà con tốt hơn.
Hội chợ thành công là động lực để những ý tưởng táo bạo hơn được tiếp tục thực hiện. Chỉ sau khoảng 2 năm CVĐ được triển khai, những chuyến hàng Việt đã “lên đường”, đầu tiên đến địa bàn nông thôn, sau đó tiếp cận các khu vực khó khăn hơn như miền núi, biên giới, hải đảo. Hình thức của những chuyến đi này cũng không ngừng thay đổi, từ việc đơn giản vài chuyến hàng được gom lại, bán trực tiếp cho người dân đến những phiên chợ quy mô với nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút người dân đến tham quan, mua sắm. Lượng hàng hóa cũng ngày một nhiều với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Cách làm sáng tạo
Bằng việc thực hiện các giải pháp ấy, hàng Việt đã ngày càng chiếm lĩnh tốt hơn thị phần ở khu vực này. “Cần loại bỏ suy nghĩ rằng thị trường miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa hải đảo không quan trọng. Thực tế cho thấy, sau những chuyến đưa hàng về khu vực này, điều quan trọng là chọn được những mặt hàng phù hợp” - ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng phòng kinh doanh - Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Quảng Ninh cho hay. Liên tục những năm gần đây, công ty đã tham gia tích cực vào những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Từ những chuyến hàng này, nhiều đại lý của công ty đã được mở thành công.
“Đánh bật” các loại giày dép Trung Quốc để chiếm lĩnh thị trường giày dép da của hàng loạt khu chợ biên giới Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Hanh – Chủ cơ sở giày dép da Hanh Tươi (Lạng Sơn) cho biết, bí quyết duy nhất của Hanh Tươi là “chất lượng và giá cả”. Bên cạnh đó, riêng với khu vực nông thôn, miền núi, Hanh Tươi xác định bán cho người dân với giá ưu đãi. Nhờ “bí quyết” đó, không những chiếm lĩnh tốt các chợ biên giới Lạng Sơn - khu vực vốn nổi tiếng với hàng Trung Quốc nhập lậu, Hanh Tươi còn mở thêm được nhiều đại lý tại Hà Nội, Thái Nguyên…
Xây dựng đại lý để hàng Việt “bám rễ” là cần thiết. Tuy nhiên, không hề dễ dàng bởi chi phí khá lớn. Chính vì vậy, một số địa phương đã tiên phong trong việc xây dựng những khu chợ để hỗ trợ DN. Đơn cử như UBND huyện Cô Tô đang xây dựng một trung tâm thương mại để làm nơi tập kết hàng hóa, vừa tạo điều kiện cho người dân có điểm mua sắm, vừa hỗ trợ DN chi phí mở gian hàng. Với tổng đầu tư 30 tỷ đồng, trung tâm sẽ đi vào hoạt động năm 2016.
Những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo như thế ngày càng nhiều. Bởi thế, chúng tôi tin rằng, hàng Việt sẽ lan tỏa thị trường tốt hơn trong những năm tới.
Hàng Việt Nam tới vùng sâu, vùng xa: Một mũi tên trúng hai đích!
Thế là đã 5 năm kể từ khi bắt đầu Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ). 5 năm là một khoảng thời gian đủ để nhận xét, đánh giá một chặng đường đã qua và không thể không vui mừng nhận thấy CVĐ đã đạt được những hiệu quả to lớn, đặc biệt là đối với bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Nhớ lại cách đây 5 năm, hàng tiêu dùng nước ngoài tràn ngập thị trường trong nước. Từ những mặt hàng mỹ phẩm, thời trang quần áo, giày dép cao cấp của các thương hiệu lớn cho đến những mặt hàng bình dân như phích nước, bát chén, quạt điện, chăn dạ... chiếm lĩnh hầu hết các thị trường từ thành phố đến nông thôn, len lỏi cả vào những vùng dân tộc thiểu số.
Thế nhưng giờ đây, cán cân đã thay đổi, hàng Việt Nam không chỉ chiếm chỗ mà đã dần thống lĩnh thị trường này.
Thực tế không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của CVĐ.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức vào tháng 7/2014, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến CVĐ; 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 54% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả thu hút tới trên 58% người tiêu dùng...
Song công bằng mà nói, để có được những con số khả quan trên là nhờ nhiều yếu tố, trong đó cơ bản và có tính quyết định vẫn là do hàng Việt Nam chất lượng ngày càng cao, cộng với giá cả hợp lý. Đây là nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp Việt không chỉ vì lợi nhuận mà còn cả vì niềm tự hào dân tộc.
Cùng với đó, CVĐ đã khơi dậy trong lòng người Việt Nam tình yêu Tổ quốc và sự hỗ trợ của cộng đồng đối với doanh nghiệp.
“Biết người, biết mình trăm trận trăm thắng”. Bí quyết này không chỉ đúng trong chiến tranh mà còn tuyệt đối đúng trong thương trường. Với tiềm lực hiện nay, trước mắt chúng ta nên tập trung vào thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn và miền núi.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi. Vì vậy, nhiều tập đoàn kinh tế đã và đang tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hiện có tới 4.125 điểm bán hàng ở hầu khắp các huyện vùng sâu, vùng xa; Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng đang tích cực đưa thêm các điểm bán hàng tới khu vực miền núi, hải đảo…
Một mặt, những vùng đồng bào sâu, xa có thị trường tiềm năng to lớn, còn ít “khai khẩn”; mặt khác, việc đầu tư chiếm lĩnh thị trường vùng sâu, vùng xa còn là thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào các dân tộc.
Sản lượng cà phê năm 2015 có thể giảm 20 - 25%
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), xuất khẩu cà phê của nước ta năm 2015 dự báo sẽ giảm khoảng 11% do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết và công tác tái canh cà phê còn thực hiện chậm.
Do vậy, Vicofa đã đưa ra mục tiêu xuất khẩu cà phê năm 2015 giảm khoảng 11,1% về kim ngạch so với năm 2014. Năm 2015, dự báo xuất khẩu cà phê đạt khoảng 1,4 triệu tấn, trị giá khoảng 3,2 tỷ đô-la Mỹ. Dự báo này dựa trên những ảnh hưởng về biến đổi thời tiết. Hiện tượng El Nino gây hạn hán ở Việt Nam, nhiều vùng thiếu nước tưới làm tăng lo ngại sản lượng cà phê tiếp tục sụt giảm. Bên cạnh đó, diện tích cà phê già cỗi chưa được tái canh cũng khiến cho năng suất cà phê giảm xuống. Mặc dù đã có đề án tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, nhưng việc tái canh nói chung còn chậm do thiếu nguồn vốn. Thậm chí, một số tỉnh vẫn chưa có quy hoạch tổng thể chi tiết diện tích cà phê cần tái canh để phối hợp với các ngân hàng giải quyết nguồn vốn. Lãi suất vay vốn cho tái canh cà phê còn cao, chưa hấp dẫn các hộ sản xuất và doanh nghiệp đầu tư trồng tái canh cây cà phê.
Năm 2014, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 2.090 đô-la Mỹ/tấn, giảm 2,6% so với năm 2013. Tuy vậy, giá cà phê nội địa vẫn ổn định ở mức 40 triệu đồng/tấn, người nông dân và doanh nghiệp đều có lãi. Song một điểm nổi cộm nhất trong năm 2014 đó là nạn trộm cắp cà phê vào thời điểm thu hoạch đang trở nên trầm trọng. Nếu không kịp thời ngăn chặn nạn trộm cắp này về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê. Bởi để đối phó với nạn trộm cắp, người dân sẽ chọn giải pháp thu hoạch cà phê sớm khi còn nhiều quả xanh. Điều này sẽ làm giảm chất lượng cà phê khi chế biến và xuất khẩu.
Nhắn nhủ người trồng cà phê
Cà phê có vai trò quan trọng với nền kinh tế và đời sống đồng bào các dân tộc miền núi. Cà phê được trồng tập trung ở Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) chiếm trên 90% diện tích cà phê cả nước. Ở phía Bắc, cà phê được trồng nhiều ở Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị và Nghệ An...
Đứng trước thách thức
Cà phê đóng góp 2% GDP của cả nước, 30% GDP các tỉnh Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Năm 2013, theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO) sản lượng cà phê Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, chiếm 18,9% về thị phần, thương mại chiếm 19,8%. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn cà phê, đạt 3,6 tỷ đô-la Mỹ. Song cà phê vẫn đang đứng trước các thách thức lớn. Một là thời tiết biến đổi đe dọa mùa màng: Sương muối năm 2013 ở Sơn La, khô cạn và mưa sớm ở Đắk Lắk, bão vào Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum... Hai là tỷ lệ cây cà phê già tăng, năng suất thấp, vốn cần cho tái canh lớn. Bên cạnh đó, giá cả thị trường biến động liên tục ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân. Cuối cùng là lỗi của công tác quản lý phân bón và thuốc trừ sâu không đạt yêu cầu gây thiệt hại cho người trồng cà phê khi mua phải sản phẩm không đúng chất lượng. Năm nay, cà phê có vùng mất mùa, nhưng giá bán cà phê nhân vẫn đạt 39 – 41 triệu đồng/tấn cà phê nhân xô đối với cà phê vối.
Nâng cao hiệu quả và giá trị
Đầu năm ông Lương Văn Tự bàn chuyện làm thế nào nâng cao hiệu quả canh tác và giá trị của hạt cà phê.
Thứ nhất là nên trồng và chăm bón theo quy trình VietGAP mà các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Nông nghiệp và cơ quan Khuyến nông hướng dẫn; tham gia các chương trình chứng chỉ phát triển bền vững như 4C, chứng chỉ Utz, Rain Forest, cân bằng... Bà con trồng cà phê theo các chương trình này vừa tiết kiệm phân bón, nước tưới, vừa đảm bảo môi trường và giá bán cao hơn.
Thứ hai là đến mùa thu hoạch, hái nhiều lần đảm bảo hái quả chín đạt trên 90% thì chất lượng và hương thơm cà phê tốt. Về lâu dài sẽ được khách hàng ưa chuộng, bán được giá cao hơn. Ở châu Phi có quốc gia còn lạc hậu hơn Việt Nam, nhưng người trồng cà phê biết bảo nhau phải hái 100% cà phê chín nên giá cà phê nhân của họ cao hơn cà phê cùng loại Arabica của Việt Nam.
Thứ ba là đầu tư vào sân phơi, thiết bị máy móc chế biến ướt và các lưới nylon thay sân phơi. Đặc biệt phải giữ an toàn cho hạt cà phê khô cho đến khi bán.
Thứ tư là sản xuất cà phê thu hoạch 1 vụ bán quanh năm. Chính phủ đã có chính sách cho vay tín chấp nên sau khi thu hoạch bà con không nên bán ồ ạt khiến giá giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của mình mà căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng bán từ từ. Ba năm nay bà con đã làm tốt việc này nên thị trường trong nước khá ổn định. Các năm tiếp theo, bà con cần phát huy và phối hợp với nhau để bán hàng đúng lúc với giá có lợi cho cả ngành, cả vùng của mình.
Cuối cùng là chúng ta có trên 600.000 hộ nông dân trồng cà phê, xuất khẩu cà phê bán cho trên 20 công ty nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam. Các công ty này lại bán cho 8 nhà rang xay của thế giới, tiêu thụ khoảng 80% lượng cà phê toàn cầu. Như vậy là vạn người bán có mười người mua. Nếu bà con các vùng không liên kết được với nhau thì không đưa công nghệ canh tác chế biến vào được, không thay đổi cách canh tác trồng cây che bóng thì vườn sẽ bị cạn kiệt, năng suất thấp, không tạo sức mạnh cộng đồng bảo vệ quyền lợi của mình tạo thế để mặc cả với người mua.
Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam
Ngành thủy sản 2015: Cạnh tranh bằng chất lượng
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành thủy sản nước ta. Do đó năm 2015, thủy sản Việt Nam phải tập trung quản lý tốt con giống, nguyên liệu đầu vào, thực hiện chất lượng tốt với cam kết và những quy định của quốc tế. Muốn vậy các địa phương cần khẩn trương quy hoạch sản xuất theo chuỗi và
tiêu chuẩn VietGAP.
Dồn lực cho tôm xuất khẩu
Năm 2014, tôm là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,1 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là các nước nhập khẩu đã sử dụng hàng rào kỹ thuật về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Để có sản phẩm sạch, ngay từ bây giờ nhiều cơ sở nuôi tôm đã nhanh nhạy mở rộng sản xuất, thực hiện tích cực các biện pháp đồng bộ từ khâu quản lý đến sản xuất nguyên liệu và thu gom, chế biến sản phẩm. Quy hoạch vùng nuôi phải chú ý tới hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải sau khi đã sử dụng nuôi. Tất cả tôm giống thả nuôi nên kiểm dịch, để ngăn ngừa lây lan bệnh ra diện rộng. Các doanh nghiệp cần chủ động tạo nguồn nguyên liệu sạch, thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn, có thể ứng trước một phần vốn sản xuất cho vùng nuôi tôm nguyên liệu, để người nuôi yên tâm sản xuất và có trách nhiệm với sản phẩm, giảm dần tình trạng phải thu mua nguyên liệu thông qua các chủ vựa mua gom không rõ xuất xứ, nguồn gốc. Duy trì thả giống ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi và tạo nguồn tôm bố mẹ tự nhiên phục vụ cho sản xuất giống tại chỗ.
Ổn định sản xuất và xuất khẩu cá tra
Cá tra là mặt hàng đóng góp vào giá trị xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Tương lai ngành cá tra có thể vẫn lạc quan hơn nhờ: Giá dầu giảm giúp cho giá thức ăn cá giảm (chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng rất lớn khoảng 70% trong cơ cấu giá thành cá tra), chi phí vận chuyển giảm. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động diện tích nuôi cá nguyên liệu bằng việc tự nuôi toàn bộ hoặc giao cho các hộ nuôi gia công, vì vậy có một số doanh nghiệp có thể tự chủ tới 70% nguyên liệu sản xuất qua đó chủ động điều tiết để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. Theo kế hoạch của Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra trong năm 2015 sẽ được giữ ổn định ở mức 5.500 héc-ta, sản lượng khoảng 1,1 - 1,2 triệu tấn cá nguyên liệu và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng gần 2 tỷ đô-la Mỹ. Các chuyên gia nhận định thị trường cá tra năm 2015 rất khó đoán, các doanh nghiệp phải tập trung quản lý tốt con giống, nguyên liệu đầu vào, đảm bảo chất lượng theo cam kết và những quy định quốc tế. Bà con tại các địa phương, cần khẩn trương quy hoạch sản xuất theo chuỗi và quy hoạch tiêu chuẩn VietGAP.
Ứng dụng công nghệ mới trong khai thác cá ngừ
Hiện nay, lượng xuất khẩu đối với sản phẩm cá ngừ giá trị cao (sashimi) chưa đạt đến 10% tổng sản lượng khai thác. Hầu hết, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm đóng hộp, phi-lê đông lạnh. Tới đây, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ khai thác cá ngừ theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, việc cho cá ngừ ngủ đông sau khi khai thác sẽ giúp nâng giá trị lên cao. Cá ngừ sau khi dính câu, dùng thiết bị xung điện (theo công nghệ Nhật Bản) làm cá ngất ngay dưới biển rồi thu câu đưa lên tàu. Sau đó, đưa vào thùng chứa nước biển laser khoảng âm 5 độ C cho cá ngủ đông chứ không làm chết cá (như công nghệ Nhật). Khi tàu hậu cần thu mua đưa vào thì chất lượng thịt cá không bị mất đi.
Có thể nói, trong năm tới, các thị trường nước ngoài vẫn có nhu cầu nhập khẩu mạnh thủy sản Việt Nam. Điều quan trọng, các thị trường đều hướng đến buộc các nhà sản xuất, chế biến thủy sản Việt Nam phải cải tiến là chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu làm tốt được điều này, chúng ta có quyền hy vọng vào duy trì mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong tương lai của ngành.
diệu linh
Trái cây Việt: Mở thêm nhiều thị trường
Trong hai tuần đầu của tháng 1/2015 đã có 8 lô nhãn xuất khẩu sang Mỹ. Và trong thời gian tới, nhiều loại quả như xoài, thanh long, măng cụt, mận, nho hay các loại hoa như hoa hồng, cẩm chướng sẽ được xuất sang các nước. Đây là những tín hiệu rất khả quan của thị trường nông sản năm 2015.
Từ những tín hiệu khả quan
Hiện một loạt các thị trường đã mở cửa cho các loại trái cây Việt Nam, trong đó có một số thị trường được đánh giá là khó tính. Cụ thể, phía Australia đã qua kiểm tra 2 nhà máy chiếu xạ của nước ta để xem xét cấp phép cho xoài, thanh long xuất sang quốc gia này. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng đang đàm phán với Nhật Bản để nối lại việc xuất khẩu thanh long, xoài bằng hướng xử lý nước nóng. Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam sẽ xuất khẩu xoài. Măng cụt, mận cũng đang hoàn tất những thủ tục đánh giá bước đầu để xuất sang Trung Quốc. Thanh long cũng sẽ được xuất khẩu vào New Zealand. Ngoài mặt hàng nhãn, dự kiến trong năm 2015, Mỹ sẽ cho phép nhập khẩu thêm 2 loại trái cây, đó là xoài và vú sữa.
Đối với mặt hàng hoa, hiện Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ kiểm dịch sang Ấn Độ cho 4 loại hoa là hồng, cẩm chướng, cúc và cát tường để hoàn thiện thủ tục. Nếu có không gì thay đổi, trong năm nay, 4 loại hoa này sẽ được xuất sang thị trường Ấn Độ.
Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam đã hoàn thành phân tích nguy cơ dịch hại đối với 8 loại quả tươi xuất xứ từ Úc, Argentina, Pháp, Tây Ban Nha. Đang thực hiện đánh giá PRA đối với 2 loại quả tươi là nho (Ấn Độ) và việt quất (Ba Lan). Ngoài ra, đang xây dựng điều kiện nhập khẩu cam, chanh từ Argentina, táo từ Nhật Bản.
... đến thành công ngoài mong đợi
Nhiều dự báo trước đây đặt mục tiêu phải tới năm 2015, xuất khẩu rau quả của Việt Nam mới cán đích 1 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, kết thúc năm 2014, xuất khẩu rau quả nước ta đã đạt xấp xỉ 1,5 tỷ đô-la Mỹ, tăng gần 35% so với năm 2013, vượt xa so kỳ vọng. Đạt được kết quả này là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 là tháo gỡ việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Đối với mặt hàng rau quả, Bộ đã thành lập riêng Ban chỉ đạo phát triển thị trường nhằm tháo gỡ vướng mắc và rào cản của thị trường để khơi thông xuất khẩu. Cục BVTV cũng đã gửi nhiều hồ sơ, đồng thời trực tiếp tổ chức nhiều đoàn đàm phán, thương lượng với các cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước để mở cửa cho rau quả xuất khẩu. Kết quả, hàng loạt thị trường khó tính đã chấp nhận mở cửa cho rau quả nước ta.
Năm 2014, cùng với nhiều nỗ lực đàm phán, Ấn Độ đã cho phép nhập khẩu thanh long của Việt Nam. Đây vốn là thị trường vô cùng tiềm năng cho thanh long bởi nhu cầu lớn, phí vận chuyển đường biển thấp. Hiện Cục BVTV đang tăng cường kết nối, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trong nước các thủ tục pháp lý. Đến thời điểm này, riêng nhãn đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ cả bằng đường hàng không và đường biển. Hiện Cục BVTV tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thành bản đồ chiếu xạ để phía Hoa Kỳ thẩm định trước tháng 5/2015, phấn đấu vụ vải thiều 2015 có thể xuất khẩu sang Mỹ.
Đánh giá về sự đột phá của xuất khẩu rau quả trong năm 2014, Bộ NN&PTNT cho rằng: Điểm nhấn thành công nhất trong năm qua, đó là trái cây nước ta đã tiếp cận, xâm nhập và đã có chỗ đứng ở các thị trường phát triển nhất, khó tính nhất trên thế giới. Điều này sẽ tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường hơn nữa, bởi các thị trường dễ tính, ít khắt khe hơn về yêu cầu kỹ thuật sẽ nhìn vào đây để đánh giá, cho phép nhập khẩu rau quả Việt Nam.
Box: Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, tính đến cuối năm 2014, rau quả của Việt Nam đã có mặt rộng khắp tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường cũ như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... hàng loạt thị trường lớn, khó tính và giàu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ... đã được mở ra.
Phát triển 12 loại trái cây chủ lực ở Nam Bộ
Theo phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam bộ đến 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 12 loại cây ăn quả đã được chọn, trong đó, 5 loại cây được bố trí rải vụ để thu hoạch.
12 cây ăn quả chủ lực gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000 héc-ta, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn quả ở Nam bộ. Trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 185.100 héc-ta, vùng Đông Nam bộ 71.900 héc-ta. Xoài là loại cây có diện tích trồng tập trung lớn nhất với 45.900 héc-ta, tiếp đó là nhãn 29.800 héc-ta, chuối 28.900 héc-ta, bưởi 27.900 héc-ta, cam 26.250 héc-ta, thanh long 24.800 héc-ta, dứa 21.000 héc-ta, chôm chôm 18.300 héc-ta, sầu riêng 15.000 héc-ta, mãng cầu 8.300 héc-ta, quýt 5.850 héc-ta và vú sữa 5.000 héc-ta.
Trong 12 loại cây ăn quả chủ lực nói trên, 5 loại đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt trồng tập trung để rải vụ thu hoạch là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn.
Với cây thanh long, diện tích rải vụ tập trung chủ yếu ở Bình Thuận (10.500 héc-ta), phần còn lại ở Tiền Giang (2.400 héc-ta) và Long An (1.980 héc-ta). Như vậy, diện tích rải vụ thanh long ở các tỉnh này đều chiếm tới 60% diện tích quy hoạch trồng thanh long của mỗi tỉnh.
Cây xoài là chủ lực ở Đông Nam bộ và ĐBSCL, nhưng bố trí rải vụ chỉ thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL, gồm Đồng Tháp (4.500 héc-ta), Tiền Giang (2.500 héc-ta), Vĩnh Long (2.000 héc-ta), Hậu Giang (1.500 héc-ta), Cần Thơ (1.250 héc-ta) và Trà Vinh (750 héc-ta).
Với cây chôm chôm, việc rải vụ được thực hiện ở Bến Tre (2.000 héc-ta), Vĩnh Long (500 héc-ta) và Tiền Giang (250 héc-ta).
Cây sầu riêng được rải vụ ở Tiền Giang (3.250 héc-ta), Vĩnh Long (1.000 héc-ta) và Bến Tre (1.000 héc-ta).
Cây nhãn được rải vụ ở nhiều tỉnh nhất, gồm: Vĩnh Long (4.500 héc-ta), Tiền Giang (2.250 héc-ta), Bến Tre (2.400 héc-ta), Đồng Tháp (2.000 héc-ta), Sóc Trăng (1.500 héc-ta) và Cần Thơ (500 héc-ta).
Cần chính sách phù hợp cho loại cây chiến lược
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ xác định với mấu chốt là phải ổn định sản xuất, làm gia tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong đó, gạo, ngô, sắn và đậu tương được xác định là những cây trồng chiến lược.
Gạo: Xuất khẩu dự báo sẽ khó khăn
Đây là dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dựa trên những số liệu xuất khẩu của năm 2014. Năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các nước dẫn đầu về xuất khẩu. Với giá xuất khẩu gạo trung bình của năm 2014 đạt 500 đô-la Mỹ/tấn gạo thơm, 430 - 435 đô-la Mỹ/tấn gạo thường thì nông dân có lãi khoảng 30 - 40% so với năm 2013. Trên thực tế, từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp không mấy sáng sủa. Đơn hàng lớn không có do các nhà nhập khẩu nước ngoài cố chờ giá gạo Việt Nam giảm thêm. Theo VFA, hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2014 chuyển sang 2015 khoảng 500.000 - 550.000 tấn trong khi từ đầu năm đến nay chỉ xuất được khoảng 100.000 tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp phải ráo riết kiếm đơn hàng.
Ngô: Phát triển theo hướng bền vững
Ngô được Bộ NN&PTNT xác định là một cây lương thực trọng điểm, được khuyến khích phát triển mạnh mẽ. Thực tế hiện nay, năng suất ngô bình quân tại Việt Nam vẫn khá thấp, khoảng 4,3 tấn/héc-ta. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải chuyển giao kỹ thuật canh tác ngô, giúp nông dân tiếp cận với giải pháp canh tác tiên tiến. Bà con phải áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao sản lượng trên cùng một diện tích gieo trồng. Đặc biệt, gia tăng sản lượng ngô tại các vùng trồng ngô trọng điểm như: Vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng.
Nguyên nhân khiến năng suất thấp, thứ nhất do 85% diện tích trồng ngô của Việt Nam không có nước tưới. Nếu chúng ta tưới nước đầy đủ thì năng suất sẽ tăng 20 - 30%. Thứ hai, phần lớn diện tích ngô được trồng bằng tay, không cơ giới hóa. Nếu quy hoạch vùng trồng, cơ giới hóa toàn bộ, tưới nước tập trung thì năng suất sẽ tăng lên, giá thành giảm xuống.
Sắn: Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng tinh bột xuất khẩu
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam (VCA), sắn là sản phẩm có sản lượng xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc định hướng sản xuất và chế biến sắn chưa được quan tâm đúng mức khiến cây trồng này chưa có lộ trình phát triển bền vững. Để cây sắn phát triển bền vững, trong năm 2015 này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCA là xây dựng tiêu chuẩn chất lượng tinh bột sắn xuất khẩu và mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Á, Ấn Độ, Nam Phi… Việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới giúp bà con nông dân giảm rủi ro do chỉ chú trọng vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
Với mục tiêu phát triển cây sắn bền vững, trước hết, cần quy hoạch vùng nguyên liệu và không nên mở rộng diện tích. Thứ hai, tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh tốt. Đặc biệt, tưới, bón phân một cách hợp lý, cân đối để bảo đảm năng suất trên đơn vị diện tích tăng lên gấp đôi như hiện nay thì mới phù hợp (nghĩa là khoảng trên 30 tấn/héc-ta). Thứ ba, đầu tư công nghệ cho chế biến, thu hoạch và sản phẩm chế biến sâu sau tinh bột.
Xu hướng canh tác tiêu sạch
Với giá liên tục tăng cao trong những năm qua, cây tiêu đã trở thành cây trồng hiệu quả và làm giàu cho bà con. Mô hình trồng tiêu sạch cũng đã hình thành nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Từ mô hình sản xuất hữu cơ ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà con trồng tiêu đã ý thức rằng, yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng ngày càng khắt khe với vấn đề an toàn thực phẩm. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm gần đây, ngành hồ tiêu của tỉnh đã chủ động sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện trên địa bàn tỉnh đã triển khai cùng lúc 4 chương trình về sản xuất cây tiêu bền vững, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu... Cụ thể, Hội Nông dân huyện Châu Đức (địa phương có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh) đang phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Tại các điểm trình diễn, cán bộ kỹ thuật của mô hình đã hướng dẫn người trồng tiêu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ dược liệu… hiệu quả, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với xây dựng mô hình trình diễn, Hội Nông dân huyện và Hội Hồ tiêu tuyên truyền, vận động thành lập các tổ kiểm soát để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bảo quản.
Để hướng đến việc canh tác cây tiêu theo hướng bền vững, đáp ứng được yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp và cơ quan liên quan khuyến cáo bà con nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Nhiều chương trình hỗ trợ người trồng tiêu với chuyên đề “Canh tác cây tiêu bền vững theo hướng hữu cơ sinh học” nhằm thay đổi việc canh tác thường bón phân hóa học sang sử dụng phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học. Với những động thái này, ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng đến mục tiêu: Sản phẩm hạt tiêu phải an toàn cho người sử dụng, được canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng để xuất khẩu.
... đến canh tác tiêu bền vững ở Quảng Trị
Vĩnh Kim là địa phương nằm ở vùng đất đỏ bazan phía Đông của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa phương này rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây hồ tiêu. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi giá hồ tiêu tăng cao, chính quyền Vĩnh Kim khuyến khích nông dân đầu tư tái canh theo mô hình trồng tiêu sạch, hướng đến việc phát triển cây tiêu một cách ổn định và bền vững. Các loại phân hóa học hầu như ít được sử dụng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, nhờ vậy, đã tạo cho đất tơi xốp, nhiều vi sinh có lợi phát triển giúp cải tạo môi trường sống trong đất, làm hệ sinh thái trong đất phát triển phong phú hơn giúp cây tiêu phát triển tốt.
Tại đây, nhiều gia đình đã chọn cây hồ tiêu làm cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế vườn. Bà con được tập huấn cách trồng và chăm sóc tiêu theo phương pháp sinh học nên áp dụng tốt vào thực tế. Trước hết, phải chọn giống tốt, choái lớn, bón phân chuồng hoai mục là chủ yếu, thường xuyên tưới nước về mùa hè để giữ độ ẩm và vun gốc cao để tránh nước đọng về mùa mưa. Tuyệt đối không cho nước ứ đọng trong vườn tiêu để tránh phát sinh các loại ký sinh trùng làm tiêu nhiễm bệnh. Huyện Vĩnh Linh cũng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân lập mới hoặc tái canh vườn tiêu. Việc chú trọng sản xuất tiêu theo hướng bền vững của Vĩnh Kim là hướng đi đúng đắn, từ đó có thể nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh.
Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)