Thông tin giá cả thị trường tuần từ 8/12/2014 đến 12/12/2014

02:45 PM 09/12/2014 |   Lượt xem: 2035 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Xây dựng chuỗi liên kết bền chặt trong chăn nuôi

Liên kết trong chăn nuôi là nền tảng cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Tuy nhiên trong thực tế, mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát và người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu. Để những mô hình này bền vững và đi vào chiều sâu, cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền.

Liên kết mang lại hiệu quả cao

Tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4 - 5% so với năm 2013. Bên cạnh đó thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện, chất lượng con giống được quan tâm hơn, nhất là con giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường. Doanh nghiệp nào tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thì đều là những doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững như: Sữa Mộc Châu, Vinamilk, CP Việt Nam, Trại Việt...

Hiện nay, có 35/63 tỉnh, thành phố có hai hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi. Đó là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang). Liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc là chuỗi điển hình nhất hiện nay. Liên kết được xây dựng bao gồm các hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt), cơ sở giết mổ và chợ. Hiện nay việc xây dựng thương hiệu “thịt sạch” thông qua chuỗi sản xuất, tiêu thụ bước đầu đã mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi và từng bước kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

Thực tế cho thấy, liên kết và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như tại Hà Tĩnh, hiệu quả của các liên kết chuỗi đã được thể hiện rõ thông qua lợi nhuận bình quân. Cụ thể, đối với mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô lớn (500 - 2.500 con/lứa), lợi nhuận bình quân khoảng 22 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi quy mô vừa (từ 100 đến dưới 500 con/lứa), lợi nhuận khoảng 20 - 50 triệu đồng/lứa. Đối với liên kết chuỗi gà thịt, gà trứng tại các tỉnh, thu nhập bình quân/lao động dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/lao động/tháng.
Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị mới chỉ bước đầu hình thành, đang ở cấp độ thấp và nhìn chung là tự phát. Người chăn nuôi luôn là đối tượng yếu thế và thua thiệt trong các chuỗi liên kết; các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế về tiềm lực và kinh nghiệm xây dựng các chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các sản phẩm chăn nuôi an toàn đang được bán cùng một giá như những sản phẩm chăn nuôi không an toàn, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm nản lòng người chăn nuôi. Việc xây dựng thương hiệu thông qua chuỗi của các hộ cũng còn rất khó khăn do tập quán chăn nuôi và chưa có ý thức trong việc ghi chép sổ sách nhật ký theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Rất hiếm các hộ chăn nuôi có kế hoạch ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ ngay từ thời điểm bắt đầu nhập giống. Đặc biệt, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ theo phương thức bán buôn qua thương lái nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Nhiều sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên sớm ban hành các chính sách cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm; có chính sách vay vốn ưu đãi cho các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp tham gia chuỗi. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi theo mô hình các chuỗi liên kết; tập trung hỗ trợ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đơn lẻ.


MUA GÌ


Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa gạo giảm nhanh

Trong hơn một tuần qua giá lúa gạo hạ rất nhanh. Lượng lúa hàng hóa còn tồn đọng phần nhiều là của thương lái và các chủ nhà máy xay xát đang chờ giá chưa kịp bán ra. Hiện nay gạo nguyên liệu xô IR50404 giá 6.900 - 7.000 đồng/kg, gạo trắng thành phẩm còn 8.000 - 8.100 đồng/kg, đều giảm 500 đồng/kg so tuần trước. Giá lúa thơm Jasmine 85 còn 7.000 đồng/kg vẫn không có doanh nghiệp thu mua. Trong khi đó, một số thương lái chạy ghe lên vùng biên giới giáp Campuchia mua thơm lài chở về khu vực Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết giá lúa tươi 6.300 đồng/kg, lúa khô 7.050 đồng/kg sau khi chế biến thành phẩm gạo thơm lài 11.500 đồng/kg và mua bán lẻ tại chợ khoảng 13.000 đồng/kg. Đây là một trong những mặt hàng gạo thơm rất hút hàng. Hằng năm bạn hàng trong vùng mua lúa từ Campuchia về chế biến, đóng gói đón mùa bán gạo Tết. Thế nhưng năm nay đến gạo thơm lài cũng rớt giá, vì giới kinh doanh gạo chợ nội địa còn tồn kho nhiều.

Lâm Đồng: Hoa lay ơn sẵn sàng thị trường Tết

Theo phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), hiện bà con nông dân địa phương đã xuống giống được trên 500 héc-ta hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trong đó chủ yếu là xã Hiệp An với 450 héc-ta. Hiện nay, chi phí đầu tư cho 1.000 mét vuông hoa lay ơn dao động từ 18 - 20 triệu đồng, sau hai tháng gieo trồng nếu bán được với giá từ 2.000 đồng/cây trở lên, nhà vườn thu về không dưới 20 triệu đồng/sào. Trong vụ hoa Tết năm trước, hoa lay ơn có giá bán lên tới 4.500 đồng/cây, điều đó khiến nhà vườn thêm tự tin bước vào vụ hoa lay ơn trong mùa hoa Tết này.

Sóc Trăng: Giá lợn thịt sẽ ổn định ở mức cao

Giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ 52.000 - 54.000 đồng/kg, với mức giá như hiện nay thì hộ chăn nuôi thu lợi nhuận khoảng 1,8 - 2,2 triệu đồng/con, loại 100 kg/con. Nguyên nhân giá lợn hơi tăng liên tục là do bà con chăn nuôi giảm việc tái đàn trong thời gian qua làm cho lượng lợn thịt trên thị trường giảm. Mặt khác, do các thương lái từ các tỉnh khác như: Bạc Liêu, Cà Mau và Bến Tre đang có mặt trên địa bàn tăng cường thu gom lợn thịt. Từ nay đến Tết Nguyên đán, giá lợn thịt sẽ ổn định ở mức tương đối cao do số lượng đàn lợn đang trong giai đoạn phục hồi và cộng với sức tiêu thụ mạnh của thị trường Tết. Do đó, việc phát triển đàn heo ngay vào thời điểm này là rất phù hợp, góp phần tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi.

Quảng Trị: Cao su giảm giá

Những năm qua, nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở tỉnh Quảng Trị được nâng lên đáng kể, nhiều hộ có việc làm ổn định và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, mủ cao su rớt giá liên tục làm cho người trồng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là thủ phủ của cây cao su với gần 1.000 héc-ta cao su, trong đó có hơn 50% diện tích đã cho khai thác mủ. Hiện giá mủ nước quy khô mua vào bình quân 26.000 đồng/kg, mủ tạp quy khô 24.500 đồng/kg. Trong khi đó, năm 2012 giá mủ cao su nguyên liệu đạt 53.000 đồng/kg mủ nước quy khô và 49.000 đồng mủ tạp quy khô. Huyện Gio Linh có diện tích cao su khá lớn với gần 4.000 héc-ta, tương đương 50% diện tích cao su toàn tỉnh. Giá cao su giảm mạnh là nguyên nhân khiến một số hộ dân đã phá bỏ bớt diện tích cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác.


Giá nông sản tại một số tỉnh trong tuần

Thị trường

Sản phẩm

Giá (đồng/kg)

Thái Nguyên

Chè xanh búp khô

170.000

Chè cành chất lượng cao

450.000

Chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1)

260.000

Lâm Đồng

Chè búp tươi hạt

8.000

Chè búp tươi cành

9.000

Cà phê vối nhân xô

40.500

Khoai tây ta loại 1

20.000

Khoai tây ta loại 2

16.000

An Giang

Đậu nành loại 1

20.000

Đậu nành loại 2

17.000

Đậu xanh loại 1

35.000

Đậu xanh loại 2

32.000

Đậu phộng loại 1

40.000

Đậu phộng loại 2

35.000

Củ sắn tươi

7.000

Mè đen

50.000

BÁN GÌ

Mỹ giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam

Theo số liệu của Cục Nghề cá Mỹ, những tháng gần đây, Mỹ đã giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam và cá da trơn từ các nước. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 6 tới nay. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng hàng cá tra dự trữ tại thị trường này vẫn còn khá nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì là nước xuất khẩu cá tra hàng đầu vào thị trường Mỹ, chiếm hơn 91% tổng khối lượng cá tra và cá da trơn xuất khẩu vào thị trường này.

Thương lái Trung Quốc tăng mua bột cá

Thời gian gần đây, các thương lái Việt Nam đã vận chuyển bột cá lên cửa khẩu phía Bắc để bán cho phía Trung Quốc. Thông tin này ngay lập tức đã có tác động đến thị trường bột cá nội địa khiến giá bột cá tăng nhẹ. Hiện giá bột cá 60% đạm và 65% đạm tại kho Kiên Giang đang được chào lần lượt ở mức 26.300 - 26.850 đồng/ki lô gam và 30.000 - 30.300 đồng/ki-lô-gam, tương ứng tăng 800 - 1.350 đồng/ki-lô-gam và 300 đồng/ki-lô-gam so với tuần trước.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, nhu cầu của Trung Quốc có thể sẽ khá lớn bởi giai đoạn cuối năm nhu cầu bột cá cho sản xuất thức ăn thủy sản của nước này tăng cao, trong khi vụ đánh bắt cá của Pê-ru chưa bắt đầu. Do đó, việc giá bột cá của Pê-ru tăng cao trong một tháng trở lại đây có thể khiến cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu từ các nước khác thay thế, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cuối năm nay và đầu năm tới nguồn cung bột cá biển không có nhiều bởi rộ vụ khai thác là giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8. Trong bối cảnh nhu cầu mua của các nhà máy thức ăn thủy sản trong nước tăng, cộng với nhu cầu gom hàng để xuất đi Trung Quốc thì nhiều khả năng giá bột cá sẽ tăng khá mạnh trong thời gian tới. Việc giá bột cá nội địa tăng sẽ khiến cho các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản nội địa phải chịu chi phí lớn hơn cho việc mua nguyên liệu, đẩy chi phí sản xuất của ngành thủy sản tăng lên.

Tồn kho 150.000 tấn đường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, lượng đường tồn tại kho các nhà máy của Việt Nam đến giữa tháng 11/2014 ở mức 150.200 tấn, tăng 46.620 tấn so với cùng kỳ năm trước. Về tình hình sản xuất, hiện đã có 14/41 nhà máy đường đi vào sản xuất trong niên vụ mới 2014/2015. Các nhà máy đã ép được 838.000 tấn mía, sản xuất được 73.120 tấn đường, giảm 269.700 tấn về lượng mía ép so với cùng kỳ năm trước và giảm 18.680 tấn về lượng đường sản xuất. Giá bán đường tháng tương đối ổn định so với tháng trước. Cụ thể, giá bán đường kính trắng loại 1 đã có thuế VAT tại miền Bắc là 11.458 - 12.450 đồng/kg, tại miền Trung và Tây Nguyên là 12.100 - 12.385 đồng/kg, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long từ 11.761 - 12.150 đồng/kg. Giá thu mua mía 10 CCS tại ruộng ở Tuyên Quang và Tây Ninh là 900.000 đồng/tấn, ở đồng bằng sông Cửu Long là 750.000 đồng/tấn.

Ca cao đạt chứng chỉ UTZ có giá cao hơn từ 5 - 10%

Từ đầu năm đến nay, giá ca cao luôn ở mức cao và ổn định nhất so với các cây trồng khác. Việc giá cả ổn định ở mức cao đang khích lệ nông dân tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất. Hiện giá mua trái ca cao tươi của thị trường trong nước từ 5.000 - 6.000 đồng/kg; giá hạt khô từ 53.000 - 60.000 đồng/kg. Đối với ca cao đạt chứng chỉ UTZ có giá cao hơn từ 5 - 10%. Đây là mức giá cao kỷ lục và là một tín hiệu khả quan đối với nông dân trồng cây ca cao. Theo Ban Điều hành Dự án Phát triển ca cao ở Bến Tre, hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 héc-ta diện tích ca cao được cấp chứng nhận UTZ, cao nhất so với cả nước. Đây là chứng nhận chất lượng của sản phẩm nông nghiệp dành cho cây cà phê, ca cao, trà và dầu cọ được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Việc giá cả giữ ổn định ở mức cao sẽ khích lệ nông dân tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất. Hơn nữa, một số công ty mở đại lý thu mua, cũng như nhà xưởng sơ chế ca cao tại Bến Tre sẽ đảm bảo đầu ra ổn định hơn nên bà con có thể an tâm tập trung chăm sóc vườn ca cao tốt và đầu tư thâm canh.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết cây ca cao được trồng xen trong vườn dừa hoặc cây ăn trái. Nếu chăm sóc tốt và giá ổn định như hiện nay, nông dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/héc-ta/năm, trừ chi phí lãi còn khoảng 60 - 80 triệu đồng/héc-ta/năm.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Cảnh báo tình trạng cá tra có kháng sinh


Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã thông báo tới các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cá tra về tình trạng có kháng sinh cấm sử dụng trong cá tra xuất khẩu vào một số thị trường quan trọng như châu Âu (EU), Hàn Quốc...

EU, Hàn Quốc tăng cường kiểm tra cá tra xuất khẩu

Theo NAFIQAD, thông qua hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng - Ủy ban châu Âu, NAFIQAD đã nhận được thông tin về 11 lô hàng cá tra Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền EU phát hiện có dư lượng kháng sinh cấm sử dụng Nitrofurazone (dẫn xuất của Nitrofuran). Tiếp đó, đầu tháng 11, NAFIQAD đã nhận được thông báo của Cơ quan Quản lý chất lượng thủy sản Hàn Quốc chuyển tiếp thông báo của Bộ Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc cho biết, bắt đầu từ ngày 5/11 - 31/12/2014 (tính theo ngày lô hàng nhập khẩu), Hàn Quốc sẽ áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường các chỉ tiêu trong nhóm Nitrofuran và các dẫn xuất của Nitrofuran (AOZ, AMOZ, AHD, SEM, Nitrovin) đối với các lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, tất cả các sản phẩm đông lạnh từ cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đều bị kiểm tra. Tần suất kiểm tra là 3% đối với tổng số lô hàng của từng nhà nhập khẩu.

NAFIQAD cho rằng, tình trạng dư lượng kháng sinh cấm trong cá tra xuất khẩu chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với xuất khẩu cá tra của nước ta trong thời gian tới. Mặt khác, việc các thị trường EU, Hàn Quốc đồng loạt cảnh báo tình trạng mất an toàn thực phẩm trong cá tra nhập khẩu từ Việt Nam cho thấy, tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá tra nói riêng đang ở mức đáng lo ngại. Bên cạnh đó, hệ thống tự kiểm soát của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả.

Không sử dụng kháng sinh cấm trong quá trình nuôi và trị bệnh

Trước tình trạng nói trên, NAFIQAD đã yêu cầu các cơ sở chế biến, xuất khẩu cá tra phải giám sát, kiểm tra các hộ nuôi, đại lý cá tra nguyên liệu tuân thủ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi cá tra theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các quy định của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, không được sử dụng kháng sinh cấm sử dụng trong quá trình nuôi và trị bệnh. Trên thực tế, nhiều hộ nuôi thủy sản đã vô tình sử dụng kháng sinh trong quá trình trị bệnh cho cá mà không lường trước được tác hại lâu dài. Theo kinh nghiệm của một số hộ nuôi đã được tập huấn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP thì khâu phòng bệnh là rất quan trọng. Để tăng sức đề kháng cho cá tra, bà con cần định kỳ bổ sung VitaminC, Premix, chỉ cho cá ăn đáp ứng 80 - 90% nhu cầu của cá, nên mua giống cỡ nhỏ rồi dưỡng để giảm chi phí giống. Đối với việc xử lý nước, bà con nên dùng BKC, vôi, muối... không sử dụng hoá chất kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng. Thường xuyên hút bùn đáy ao theo định kỳ 3 - 4 tháng 1 lần để lấy hết chất cặn đáy ao. Điều này sẽ hạn chế việc cá tra nhiễm các bệnh dễ mắc như bệnh xuất huyết, gan thận... Để việc tiêu thụ cá được thuận lợi, bà con nên nuôi rải vụ, tránh thu hoạch vào tháng 5 đến 7 vì thời điểm này giá thường thấp. Bà con cũng nên kéo dài thời gian nuôi lên 10 tháng so với 6 tháng như trước đây để tránh rủi ro về giá cả, thức ăn, chi phí đầu tư… Đặc biệt, khi đã nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP cần liên kết với các công ty chế biến để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch HACCP việc nhận diện và kiểm soát chặt chẽ mối nguy hóa chất, kháng sinh trong sản xuất sản phẩm cá tra xuất khẩu, đặc biệt là kháng sinh Nitrofuran và Chloramphenicol. Chủ động lấy mẫu nguyên liệu hoặc thành phẩm gửi các phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định để phân tích chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bằng phương pháp đủ độ tin cậy, nhằm thẩm tra cam kết của người nuôi về việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đầm Dơi (Cà Mau): Lan tỏa sức hấp dẫn của hàng Việt

Vừa qua, Phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã diễn ra tại huyện Đầm Dơi do Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Cà Mau phối hợp với UBND huyện Đầm Dơi tổ chức. Tham gia phiên chợ có 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chuyên sản xuất, kinh doanh hàng hoá trong nước với gần 1.000 chủng loại, từ hàng may mặc, giầy da, thực phẩm, đồ uống đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các loại sản phẩm khác.

Phiên chợ là cơ hội giúp người dân trên địa bàn mua sắm, sử dụng những sản phẩm hàng Việt chính hiệu, chất lượng tốt, giá cả ưu đãi, phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn. Thông qua đó, kết nối nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất; hỗ trợ người bán lẻ ở địa phương nâng cao khả năng kinh doanh; nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân địa phương. Phiên chợ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, thay đổi thói quen tiêu dùng, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và lòng yêu nước của mỗi người dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Đặc biệt, Coop.Mart Cà Mau cũng mang đến phiên chợ trên 200 chủng loại sản phẩm, từ hàng may mặc, thực phẩm công nghệ, điện gia dụng, hoá mỹ phẩm, góp phần cho phiên chợ thêm sôi động và đáp ứng được nhu cầu mua sắm của bà con tại huyện.

Phiên chợ cũng giúp nhà sản xuất hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn và vị thế của họ trên thương trường, giúp người bán lẻ tại địa phương nâng cao khả năng kinh doanh, nâng cao kiến thức của người tiêu dùng về phân biệt hàng thật, hàng giả...

Không nên coi ca cao là cây trồng phụ

Không phải ngẫu nhiên mà ca cao Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng được nhiều tập đoàn lớn tập trung đầu tư như một vùng nguyên liệu tiềm năng.

Vì theo dự báo của Tập đoàn thực phẩm Mars Icoporated (Mỹ), toàn thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao vào năm 2020, trong khi đó sức tiêu thụ sô-cô-la ở vùng châu Á đang tăng cao. Chính vì vậy, châu Á sẽ dần trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ sô-cô-la trong tương lai và Việt Nam có vị trí chiến lược để đáp ứng nhu cầu ca cao chất lượng của châu Á.

Tuy tiềm năng kinh tế rất lớn, nhưng trong khi diện tích cà phê, hồ tiêu luôn vượt quy hoạch thì diện tích ca cao lại không đạt theo quy hoạch đề ra do không thể cạnh tranh với các loại cây lâu năm khác. Đắk Lắk hiện có khoảng 2.100 héc-ta ca cao, giảm khoảng 20% so với năm trước, năng suất đạt 12 tạ/héc-ta, sản lượng đạt trên 1.400 tấn khô. Tuy nhiên, ở Đắk Lắk hiện không có cây trồng nào có thể chiếm ưu thế bằng cây cà phê và hiện tại là cây tiêu (do giá tăng cao, bà con đã đổ xô trồng). Mặt khác, ngay từ đầu, với tâm lý coi cây ca cao là cây trồng phụ nên các dự án phát triển ca cao đều xác định đây là cây trồng xen, cải tạo vườn tạp và chủ yếu dành cho người nghèo ở những vùng đất nghèo về dinh dưỡng nên cây ca cao không phát triển được. Để khắc phục những hạn chế này, trước hết bà con khi trồng ca cao cần đầu tư nhiều hơn về cây giống, diện tích đất màu mỡ. Các doanh nghiệp cần đưa ra giá thu mua tốt và liên kết bền vững với nông dân nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định. Và khi muốn đưa cây ca cao trở thành cây trồng chính thì chính quyền các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nhất là vốn vì canh tác ca cao cũng đòi hỏi suất đầu tư lớn.

Đà Lạt: Giá củ dền tăng mạnh

Đầu tháng 12/2014, nhiều nhà vườn tại Đà Lạt cho biết, củ dền vừa xuống giống khoảng 10 ngày đã được thương lái thu mua với giá từ 1.000 - 1.300 đồng/củ rồi tự đầu tư, chăm sóc, cho đến khi thu hoạch. Nguyên nhân khiến thương lái thu mua dền nguyên đám ngay cả khi vừa xuống giống là do hiện tại loại nông sản này đang rất khan hiếm. Trong khi đó, giá bán ở chợ Đà Lạt lên đến 25.000 đồng/kg và khả năng sẽ còn tăng giá nếu nguồn hàng vẫn tiếp tục khan hiếm như hiện nay. Với giá bán này, mỗi sào củ dền nhà vườn có lãi không dưới 20 triệu đồng mà không phải mất công chăm sóc.
Chuyển động thị trường

Mới đáp ứng được từ 40 - 60% giống thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), đối tượng chủ lực trong ngành thủy sản gồm: Tôm, cá da trơn, ngao, cá rô phi. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập khẩu giống thủy sản vẫn còn ở mức cao.
Hiện nay, các nguồn tôm cung ứng cho thị trường chủ yếu nhập khẩu từ: Mỹ, Thái Lan, Singapore, Indonesia… và khai thác từ nguồn tự nhiên và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhập khẩu và khai thác từ nguồn tự nhiên cũng có nhiều khó khăn do không chủ động được nguồn cung, giá thành nhập khẩu tương đối cao. Hiện nay, chúng ta phải nhập khẩu tôm giống bố - mẹ chân trắng 100%, tôm sú giống bố - mẹ mới sản xuất cung ứng khoảng hơn 10% nhu cầu của tôm giống bố - mẹ mà thị trường cần. Đối với ngao, nguồn cung giống ngoài dựa vào tự nhiên, một lượng giống được phát triển sản xuất nhân tạo. Việt Nam đã thương mại hóa thành công giống ngao, nhưng phải ổn định quy trình. Về cá da trơn đã cơ bản cung ứng cho thị trường 100.000 con cá bố - mẹ. Mặt hàng cá rô phi đang có nhu cầu rất lớn với khả năng cung ứng giống cá rô phi được 80%, số lượng nhập khẩu ước tính khoảng gần 20% để phục vụ cho các tỉnh phía bắc. Hiện nay, Bộ NN & PTNT đã đầu tư trung tâm giống rô phi tại Tam Kỳ (Quảng Nam) để hướng tới lựa chọn và lai tạo giống lâu dài.

Theo Tổng cục Thủy sản, nếu chủ động được nguồn giống bố - mẹ thì sẽ giảm chi phí được 30%. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là nếu chủ động được nguồn giống có thể đảm bảo chất lượng giống thủy sản sạch bệnh là cơ sở để có thủy sản thương phẩm chất lượng cao trong thời gian tới. Do vậy, từ năm 2013, Bộ NN & PTNT đã triển khai chương trình phát triển giống tôm chân trắng bố - mẹ để chủ động nguồn cung trong nước. Nếu thuận lợi, năm 2016, giống tôm chân trắng dòng bố - mẹ có chất lượng cao, thương hiệu Việt sẽ được nhân rộng và đưa ra thị trường.

Phú Thọ: Hỗ trợ bà con trồng ngô

Mô hình liên kết sản xuất ngô lai vụ đông 2014 được triển khai tại tỉnh Phú Thọ đã bước đầu mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. Nhiều giống ưu thế lai mới đã được đưa vào sản xuất, cho năng suất và chất lượng ngô tăng cao, tạo thành vùng hàng hoá lớn tập trung, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Để vụ đông trở thành vụ chính, 10 huyện, thành phố, thị, xã có diện tích trồng ngô lớn của tỉnh Phú Thọ đã liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam chuyển giao ứng dụng nhiều giống ngô lai mới vào sản xuất. Đồng thời, các địa phương này cũng phối hợp Công ty TNHH Tiến Hưng thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài tạo động lực để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Để thực hiện chương trình này, UBND tỉnh Phú Thọ đã dành 1,5 tỷ đồng hỗ trợ bà con phát triển cây ngô vụ đông. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/héc-ta mua giống ngô lai cho những hộ dân tham gia mô hình liên kết từ 5 héc-ta trở lên; hỗ trợ 40.000 đồng/héc-ta cho những người tham gia làm công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn mô hình. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai cơ chế mua phân bón chậm trả với Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao để tạo điều kiện cho nông dân đủ nguồn phân bón cho cây vụ đông đạt kết quả cao.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng mô hình theo chuỗi liên kết trên cơ sở mô hình cánh đồng mẫu lớn ở những vùng sản xuất ngô tập trung. Cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp thu mua, sơ chế hoặc các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi tham gia vào với vai trò trung tâm, tỉnh thông qua các hợp tác xã nông nghiệp để tạo sự gắn kết giữa nhà máy chế biến với nông dân nhằm ổn định giá, tránh tình trạng bị tư thương ép. Ngoài ra, hai công ty này cũng hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, gieo trồng, mật độ và đưa ra nhiều bộ giống phù hợp hơn để giảm giá thành, tăng năng suất, tạo sức cạnh tranh với ngô nhập khẩu.
Hàng Việt

Phát triển bền vững thương hiệu cam Hà Tĩnh

Những năm gần đây cây cam đang góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con. Mùa thu hoạch cam thường bắt đầu từ cuối tháng 9 và kéo dài đến tháng 12 âm lịch. Trên khắp các nẻo đường, những chuyến xe chở đầy cam đi muôn nơi. Tuy nhiên, để giữ gìn uy tín thương hiệu cam Hà Tĩnh, còn nhiều việc phải làm.

Cây “xóa đói, làm giàu” của bà con

Tại tỉnh Hà Tĩnh, loại cây ăn quả này chỉ thực sự nổi bật khi bén duyên với vùng đất Hương Đô (Hương Khê), Thượng Lộc (Can Lộc), Hương Sơn và Vũ Quang. Thời điểm giữa tháng 10 âm lịch, đa số các vườn cam chanh đã cơ bản cho thu hoạch. Riêng cam bù phải đến cận Tết mới hái được. Khe Mây (Hương Đô) là vùng thu hoạch cam sớm nhất trong tỉnh. Tính đến thời điểm này, hầu hết các hộ trồng cam ở Khe Mây đã thu hoạch khoảng 1/3 diện tích. Cam cũng là cây “xóa nghèo, làm giàu” cho nhiều gia đình ở Đức Lĩnh (Vũ Quang) khi toàn xã có hơn 80% hộ trồng trên diện tích 130 héc-ta. Ông Nguyễn Hữu Thọ (thôn Cương Lĩnh) biết đến bởi thương hiệu “cam Mai Thọ” với hơn 1.000 gốc, hàng năm đưa lại nguồn thu từ 150 - 200 triệu đồng, cho biết: Năm nay, vườn cam của gia đình ông đã thu hoạch xấp xỉ 7 tạ với mức giá 42.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: “Trước đây, các gia đình hết sức chật vật tìm hướng cải thiện đời sống. Nay cuộc sống giữa chốn đại ngàn như được thổi luồng gió mới bởi loại cây ăn quả này mang lại lợi ích kinh tế vô cùng lớn. Đặc biệt, khi cam Vũ Quang khẳng định được thương hiệu, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”. Một thương hiệu cam của Hà Tĩnh cũng đã vươn đến những thị trường rộng lớn ngoại tỉnh là cam bù (Hương Sơn). Theo ông Trần Thanh Nga, Chủ tịch UBND xã Sơn Mai, giá trị của cam bù không những ở hương vị mà còn là vị thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, bệnh đường ruột, tim mạch, suy nhược cơ thể. Cây cam đã mở ra lối thoát nghèo cho bà con nơi đây.

Xây dựng thương hiệu cam hà tĩnh


Ngoài vấn đề tiêu thụ, việc bị trộn lẫn với các loại cam kém chất lượng phần nào khiến cam Hà Tĩnh khó chiếm lĩnh thị trường. Trên thực tế, tình trạng “cam giả” dễ dàng “đội lốt” “cam thật” một phần xuất phát từ nguyên nhân cam Hà Tĩnh chưa xây dựng được thương hiệu. “Với chất lượng và uy tín đã được khẳng định, chúng tôi đang khẩn trương tiến hành xây dựng thương hiệu cho cam để tạo cơ sở phát triển bền vững” - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc (Can Lộc) - Nguyễn Viết Chuân cho biết. Hiện nay, chưa có biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng cam Hà Tĩnh bị các tiểu thương trộn lẫn với các loại cam khác. Chính vì vậy, người mua nên tìm hiểu kỹ các đặc điểm để lựa chọn đúng. Cam Hà Tĩnh thường được các tiểu thương cắt cuống dài từ 8 - 10 cen-ti-mét, trong khi cam Trung Quốc và cam không rõ nguồn gốc không có đặc điểm này. Cam Trung Quốc thường có độ bóng rất cao và dính, màu vàng sẫm, loang lổ do sử dụng hóa chất kích thích tạo màu và thường được bán với giá khá mềm. Cam Hà Tĩnh có vị ngọt thanh, vỏ mỏng, mọng nước; nếu để lâu chỉ bị rụng cuống hoặc teo vỏ mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Riêng “cam giả” vẫn giữ được màu sắc đặc trưng do tiêm hóa chất bảo quản. Vừa qua, cửa hàng Mitraco food (Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) khai trương đã giúp người trồng cam giảm bớt nỗi lo về đầu ra. Các sản phẩm cam tại cửa hàng được đóng gói, dán nhãn mác đầy đủ.

Để cam Hà Tĩnh thực sự có vị trí và vươn lên một tầm cao mới, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là hết sức cần thiết. Thương hiệu sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của các sản phẩm cam và mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh, giúp cam Hà Tĩnh đến được với đông đảo người tiêu dùng. Phương án của tỉnh hiện nay đang bình tuyển cây cam chanh đầu dòng để làm nguồn cung cấp giống chất lượng cho toàn tỉnh và dần phát triển thành thương hiệu.

NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

Sử dụng phân bón trong trồng rau an toàn

Phân bón là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất rau. Phân bón cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng phát triển, tuy nhiên khi sử dụng phân bón cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm cho rau trồng. Trong sản xuất rau an toàn theo VietGAP, người sản xuất rau cần phải lưu ý các nội dung sau:

Mua phân bón

- Chỉ mua, tiếp nhận phân bón theo danh mục phân bón được phép sử dụng theo luật định.

- Khi mua và lựa chọn phân vi sinh từ công ty cung ứng, người sản xuất cần yêu cầu phân vi sinh đã qua xử lý để đảm bảo các nguồn gây bệnh đã giảm tới mức không gây hại cho sức khỏe con người, môi trường và không phải là nguồn gốc lây nhiễm của hóa chất (ví dụ như kim loại nặng).

- Đối với phân hữu cơ phải đã qua xử lý. Nếu mua phân hữu cơ chưa xử lý cần phải áp dụng phương pháp ủ phân thích hợp để giảm mầm bệnh tới mức không đe dọa tới sức khỏe con người, môi trường.
- Ngay sau khi tiếp nhận phân bón, người sản xuất cần nắm rõ về các nguyên liệu đầu vào đã mua.

Bảo quản, vận chuyển

- Phân bón được bảo quản ở nơi phù hợp để tránh ô nhiễm đất, nguồn nước, dụng cụ, thiết bị, vật liệu đóng gói và sản phẩm.

- Chống ẩm: Phân bón được bảo quản trong môi trường khô ráo và để cách khu vực chứa sản phẩm ít nhất 5 mét. Các loại cần chú ý chống ẩm là sunfat amon, clorua amon. nitrat amon, urê, supe lân. Nên để trong chum vại sành đậy mùn rơm. Nếu để trong nylon thì phải buộc kín, không thủng. Các bao phân không đặt trực tiếp trên sàn xi măng hay nền đất, mà nên đặt trên giá gỗ.

- Chống a-xít: Các loại phân đạm và supe lân có tính a-xít (chua) nên dụng cụ đựng dễ bị mục. Thúng, xẻng xúc phân phải rửa sạch trước khi để khô.

- Chống lẫn lộn: Khi đã lấy ra khỏi bao, cân ghi nhận hay đánh dấu, tránh nhầm loại này ra loại khác.

- Chống nóng: Một số loại phân (như nitrat amon) gặp nóng gây nổ, tuyệt đối không để gần lửa. Các loại phân đạm nói chung dễ bốc hơi khi gặp nóng nên không phơi ở nơi nắng to khi bị ướt mà nên hong trong mát.

- Không bảo quản phân bón ở nơi gần với giếng nước, nguồn nước mặt.

- Để giảm nguy cơ nhiễm chéo, phân bón hữu cơ phải được để riêng, tách biệt với phân bón vô cơ. Phân hữu cơ cần được xử lý và vận chuyển cẩn thận để tránh các rủi ro lây nhiễm sang sản phẩm như, không vận chuyển phân hữu cơ chưa được xử lý bằng các phương tiện không che phủ trong thời tiết gió và trên các tuyến đường sát với những cách đồng rau sắp được thu hoạch trong khoảng vài tuần nữa.
Sử dụng

- Sử dụng lượng phân bón theo đúng yêu cầu dinh dưỡng của cây trồng.

- Không tưới, bón phân hữu cơ trên phần ngọn của cây rau.

- Đối với các loại cây rau có thời gian sinh trưởng trong vòng 60 ngày, chỉ sử dụng phân hữu cơ trước khi gieo hạt và trộn phân với đất nhằm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc của các sản phẩm hữu cơ với phần ăn được của cây rau.

- Nếu sử dụng phân hữu cơ, cần rải phân hữu cơ dọc theo luống ít nhất 60 ngày trước khi thu hoạch.

- Đối với phân vô cơ, cần bón đủ liều lượng theo quy trình kỹ thuật cho từng loại rau, riêng phân đạm tránh bón quá mức và ngừng sử dụng ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch.

- Ngay sau khi sử dụng phân bón, cần vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ để phòng tránh lây nhiễm đối với các sản phẩm đã thu hoạch.

- Không sử dụng phân bón khi điều kiện chưa thích hợp. Ví dụ, khi đất còn quá ướt hoặc trong những ngày mưa... để tránh phân bón gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Không bón phân hữu cơ vào những ngày có gió, đặc biệt là đối với những đồng ruộng gần với những ruộng rau đang trồng hoặc sắp được thu hoạch.

- Nông dân xử lý phân hữu cơ không nên đi vào những ruộng đang trong giai đoạn sản xuất nếu như chưa vệ sinh giày ủng, quần áo và tay.

Bà con lưu ý nên ghi chép lại quá trình sử dụng phân bón các sản phẩm đầu vào nông nghiệp.

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ

Quảng Ninh: Vận động cả cộng đồng “chiến đấu” với hàng giả

Quảng Ninh là một trong những địa bàn nóng về hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Việc tuyên chiến với hàng lậu, hàng giả... được tỉnh xác định phải làm lâu dài, đồng bộ các giải pháp, trong đó quan trọng là làm sao “kéo” được cả cộng đồng cùng vào cuộc “chiến đấu” với loại hàng này.

Hướng tới mục tiêu cao nhất

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Ninh - Nguyễn Văn Thoại cho biết: Mục tiêu cao nhất trong việc tuyên chiến với hàng giả, hàng nhái là phải làm thế nào “kéo” được cả cộng đồng tẩy chay không dùng loại hàng này. Để thực hiện được mục tiêu cao cả này, thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng phải làm thật tốt. Do đó, năm nay Chi cục QLTT Quảng Ninh xây dựng đề án riêng trong việc phối kết hợp với các cơ quan, ban, ngành, các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hàng giả cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, năm nay Chi cục QLTT cũng xây dựng riêng một đề án tăng cường công tác chống hàng giả, trước mắt tại TP. Hạ Long.

Đề án chống hàng giả được giao cho 3 đội QLTT, phân công rõ nhiệm vụ của từng đội, nhằm tránh chồng chéo, đồng thời cũng có sự phối hợp, để giải quyết các vấn đề phức tạp. Ví như, Đội QLTT số 5, có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa mua bán tại các nhà nghỉ, các quầy bán hàng lưu niệm, chợ đêm, các trung tâm thương mại khu vực Bãi Cháy và trên địa bàn thành phố Hạ Long. Đội QLTT cơ động số 14, được giao quản tất cả các khách sạn từ 3 sao trở lên, giám sát kiểm tra việc thực hiện cam kết không bán hàng giả, hàng nhái trong các quầy hàng lưu niệm tại các khách sạn này…

Đáng chú ý, việc tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, mọi năm chỉ diễn ra tại 1 điểm tiêu hủy ở TP. Hạ Long vào cuối năm. Nhưng năm nay, Chi cục QLTT mở rộng tiêu hủy hàng giả, hàng cấm ra 4 điểm tại các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và huyện Đông Triều. Mục đích của điểm mới này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân nhận biết và quan trọng là “kéo” cả cộng đồng cùng vào cuộc “chiến đấu”, tẩy chay hàng giả và tiến tới xóa bỏ loại hàng này trên thị trường.

Mở rộng diện tiêu hủy và “soi” hàng giả

Việc tổ chức tiêu hủy hàng giả tại 4 điểm tạo sự chuyển biến rõ về nhận thức trong xã hội. Bước chuyển rõ nhất là tác động cho người dân hiểu hơn tác hại của hàng giả. Đối với DN, việc nhận thức vấn đề hàng giả cũng rõ ràng hơn, từ đó tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật trong việc chống hàng giả tích cực hơn so với mọi năm.

Giá trị hàng giả tiêu hủy trong năm 2014 trên 1,2 tỷ đồng, gồm nhiều chủng loại, trong đó nhiều nhất là mỳ chính, hóa mỹ phẩm, giả nhãn hiệu bị phát hiện trên các khâu từ sản xuất đến lưu thông. Đặc biệt, chỉ riêng việc xử lý phạt hành chính trong lĩnh vực hàng giả đã lên tới trên 1 tỷ đồng, trong khi năm 2013, xử phạt hành chính chỉ khoảng 400 triệu đồng.

Chi cục QLTT cũng tăng cường kiểm tra thanh tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Riêng năm 2014, đã xử lý 224 vụ vi phạm VSATTP, xử phạt 342 triệu đồng. Tịch thu số hàng hóa thực phẩm vi phạm VSATTP để tiêu hủy gần 40 tấn, bao gồm các loại hàng: xúc xích, gia cầm, củ cải muối, chân gà đông lạnh, thủy hải sản nhập lậu…

Ở khu vực miền núi, mặc dù địa bàn khó khăn, như Kỳ Thượng, Tân Dân ở huyện Hoành Bồ, hay nhiều vùng cao huyện Bình Liêu, phải đi 30 - 40 cây số đường rừng núi, nhưng lực lượng QLTT không quản gian khó. Nhiều lúc các đội QLTT phải cắt cử lực lượng đi hàng tuần lên các xã vùng sâu, vùng xa để điều tra phát hiện sai phạm của hàng hóa trong khâu lưu thông.

Box: Ông Nguyễn Văn Thoại - phó chi cục trưởng chi cục qltt quảng ninh: “Trong năm 2015, lực lượng QLTT Quảng Ninh sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường “soi” hàng giả, hàng nhái, hàng mất VSATTP ở các địa bàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề hàng giả, hàng nhái, tập trung vào hàng giả mạo nhãn hàng hóa, những mặt hàng về ATVSTP, như: mỳ chính, bột canh, nước mắm và sẽ tập trung ở tất cả các khu vực, trong đó chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc tiêu hủy, cảnh báo hàng giả sẽ được mở rộng hơn ở cả khu vực nông thôn miền núi và tổ chức thường xuyên hơn”.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)