Sức trẻ đi đầu xóa đói giảm nghèo
04:45 PM 11/12/2017 | Lượt xem: 15582 In bài viết |Là tỉnh có đông đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) người dân tộc thiểu số (DTTS), phần lớn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, thiếu việc làm và vốn đầu tư sản xuất, dẫu vậy, về các buôn làng ở Đác Lắc hôm nay, không khó bắt gặp những ĐVTN người DTTS làm kinh tế giỏi.
Tại buôn Dlung 1A, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, chúng tôi nghe người dân địa phương không ngớt lời khen ngợi về anh Y Luân Buôn Krông, dân tộc Ê Đê. Năm nay mới 28 tuổi nhưng anh đã sở hữu hơn 2 ha cà-phê, hồ tiêu và một cơ ngơi khang trang mà không phải ai cùng trang lứa cũng có được. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà-phê trái trĩu cành chuẩn bị thu hoạch, Y Luân kể: Những ngày đầu gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, anh được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) về canh tác cây cà-phê bền vững, kỹ thuật trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà-phê, phòng trừ sâu bệnh... do Thị đoàn Buôn Hồ tổ chức.
Đến nay trên diện tích 2 ha đất, Y Luân trồng được 1.500 cây cà-phê, 1.800 cây hồ tiêu đã cho thu nhập ổn định, trừ chi phí, lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Anh Y Luân chia sẻ: "Tôi sẽ tiếp tục tích góp vốn để mua thêm đất mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm cho thanh niên địa phương, vươn lên làm giàu".
Đến thăm gia đình anh Y Linh Niê ở buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’gar khi anh đang chăm sóc vườn hoa cúc của khách đặt chuẩn bị cho Tết. Y Linh chia sẻ, anh tốt nghiệp cử nhân chính trị Trường đại học Tây Nguyên năm 2011, nhưng với lòng đam mê nghề trồng trọt, chăn nuôi cho nên anh quyết tâm lập nghiệp ngay tại quê hương mình. Ban đầu do thiếu vốn, anh chỉ đầu tư nuôi gà, heo rừng... nhưng vì chưa có kiến thức làm chuồng trại, phòng bệnh cho nên không mang lại hiệu quả. Được Đoàn Thanh niên thị trấn Ea Pốc giới thiệu vay 20 triệu đồng từ “Quỹ khởi nghiệp” của Tỉnh đoàn Đác Lắc để đầu tư mua giống, phân bón trồng hoa cúc, lay ơn..., anh khăn gói lặn lội qua tận TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa. Sau đó, anh được Tỉnh đoàn Đác Lắc giải quyết cho vay 50 triệu đồng nguồn vốn 120 giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn để đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động...
Từ hai bàn tay trắng, với ý chí, khát vọng vươn lên của bản thân và sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của tổ chức Đoàn, đến nay anh Y Linh đã trồng được ba sào hoa cúc, lay ơn và hai ao nuôi cá với diện tích tám sào, nuôi ba con bò... mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Y Linh thổ lộ: “Tuổi trẻ lập nghiệp gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, kinh nghiệm và đất đai... Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp bộ Đoàn thì gia đình tôi không có cuộc sống như ngày hôm nay”. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Ea Pốc H’Banh Êban cho biết: Thời gian tới, Đoàn Thanh niên thị trấn sẽ tổ chức nhân rộng mô hình này và triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế mới nhằm tạo việc làm, giúp ĐVTN thoát nghèo ngay tại buôn làng mình.
Phong trào khởi nghiệp cũng đang được Huyện đoàn Krông Pác đẩy mạnh trong ĐVTN và thông qua phong trào này xuất hiện nhiều mô hình ĐVTN người DTTS làm kinh tế giỏi ngay tại buôn làng. Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Y Miên Niê ở buôn Ea Yông B, xã Ea Yông cũng như bao gia đình khác trong buôn, gặp nhiều khó khăn do thói quen, tập tục sản xuất lạc hậu. Năm 2012, anh được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt do Huyện đoàn, Tỉnh đoàn phối hợp Hội Nông dân tổ chức. Thông qua tổ chức Đoàn, anh mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi của chi nhánh Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện về đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo theo mô hình trang trại. Đối với 1,9 ha đất, anh trồng hơn 1.000 cây cà-phê, chín sào bơ xen lẫn hồ tiêu, sầu riêng... Đầu năm 2017, anh tiếp tục vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để đầu tư mua phân bón, vật tư chăm sóc cây trồng và mở rộng chăn nuôi hơn 30 con lợn, mỗi năm xuất chuồng ba lứa... cho tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng. Với mô hình phát triển kinh tế này, năm 2012, anh Y Miên vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn về mô hình trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế nông nghiệp tiêu biểu.
Thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả giúp thanh niên DTTS thay đổi tư duy làm kinh tế, hướng tới sản xuất hàng hóa. Bí thư Tỉnh đoàn Đác Lắc Y Nhuân Byă cho biết: Nhờ các hoạt động hỗ trợ thiết thực của các cấp bộ Đoàn, đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên DTTS làm kinh tế giỏi mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ ĐVTN lập thân, lập nghiệp.
(nhandan.com.vn)