Bảo đảm công bằng cho phụ nữ dân tộc thiểu số
12:00 AM 08/03/2021 | Lượt xem: 2455 In bài viết |Thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều địa phương địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tình trạng bất bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS.
Khảo sát mới đây của Ủy ban Dân tộc đã chỉ ra những rào cản lớn của phụ nữ DTTS là định kiến xã hội về trao quyền; bấp bênh về thu nhập; một bộ phận phụ nữ còn chưa chủ động vượt khó vươn lên. Thực tế ghi nhận nhiều chính sách hiện hành chưa được quan tâm lồng ghép giới, đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của lao động vùng DTTS, dẫn đến những bất lợi cho người dân, nhất là phụ nữ. Họ bị tụt hậu trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tham gia hoạt động chính trị, hòa nhập xã hội… Vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay đã có rất nhiều thay đổi, họ đang thể hiện vai trò ngày càng lớn trong đời sống xã hội. Tình hình trên dẫn tới nhiều phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Khảo sát tại một số địa phương vùng Tây Bắc cho thấy, để nâng cao vị thế của phụ nữ vùng DTTS, trước hết phải bắt đầu từ việc tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống của họ. Thí dụ, tại Lào Cai, tỉnh đã chỉ đạo thành lập hơn 500 mô hình sản xuất kinh doanh; trong đó, 202 mô hình tổ hợp tác thu hút hơn 4.231 thành viên và mô hình tổ liên kết thu hút hơn 2.000 thành viên. Các mô hình này do hội phụ nữ thành lập đã phát huy hiệu quả tốt và đang góp phần thúc đẩy cải thiện vị thế, đời sống kinh tế hội viên phụ nữ DTTS.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các cấp, các ngành, địa phương khó khăn, đông đồng bào DTTS cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ các ngành, đoàn thể, tổ chức trong lĩnh vực công tác này, bảo đảm thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về bình đẳng giới. Ðể bảo đảm công bằng, các chính sách cần hướng tới những cải cách về thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS, nhất là ở địa bàn khó khăn; cả về đời sống vật chất, tinh thần của chị em, giúp họ có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội tại địa phương. Coi trọng lồng ghép hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương vào các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình hành động bình đẳng giới;…
(nhandan.org.vn)