Điện Biên: Cần sớm ổn định sản xuất cho người dân theo Đề án 79

05:14 PM 20/04/2017 |   Lượt xem: 2308 |   In bài viết | 

Các hộ dân tại bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Đến tháng 3/2017, việc bố trí, sắp xếp dân cư đạt 65% nhưng vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là việc bố trí đất sản xuất cho các hộ dân đã chuyển đến nơi ở mới còn nhiều vướng mắc, gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất. 

Theo phê duyệt Đề án 79 của Thủ tướng Chính phủ, việc bố trí đất sản xuất không quá 2 ha/hộ. Tuy nhiên, người dân cho rằng diện tích này chưa đủ để canh tác, phát triển kinh tế. Bà con cũng phản ánh đất được cấp bạc màu, khó canh tác, sản xuất khó hiệu quả. 

Ông Và Chữ Sùng, bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho biết: “Gia đình tôi chuyển đến đây từ năm 2014 theo Đề án 79. Nhà nước bố trí cho 2 ha đất sản xuất nhưng đất bạc màu, bà con trồng rau, trồng dưa mà không hiệu quả. Gia đình tôi hiện nay vẫn còn canh tác ở nơi ở cũ là bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn chứ nếu chỉ dựa vào 2 ha đất ở đây thì không đủ ăn”. 

Thế nhưng, trường hợp của ông Và Chữ Sùng còn may mắn hơn nhiều hộ ở bản Nậm Là 2 nói riêng cũng như các bản bố trí sắp xếp dân cư theo Đề án 79 nói chung. Đến nay, nhiều hộ đã được sắp xếp nhà cửa ổn định nhưng vẫn chưa được cấp đất sản xuất, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. 

Liên quan đến vấn đề này, nhằm giải quyết khẩn cấp đất sản xuất cho người dân, trong Thông báo kết luận số 120 ngày 7/4/2017 của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Mường Nhé nêu rõ: “Căn cứ hiện trạng rừng đã bị phá và làm nương luân canh (đã chờ từ năm 2012 đến nay) để cơ cấu lại và giao cho một hộ không quá 3 ha, hộ có nhiều cặp vợ chồng thì thêm không quá 3ha/cặp vợ chồng để tập trung canh tác sản xuất”. 

Ngay sau đó, ngày 11/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 653 gửi UBND tỉnh Điện Biên về việc xem xét kết luận trong thông báo trên của huyện Mường Nhé. 

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho rằng, Thông báo kết luận số 120 của huyện Mường Nhé có một số nội dung không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó nội dung về cấp đất sản xuất không quá 3ha/hộ như thông báo của huyện Mường Nhé là cần phải xem xét lại. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, khi triển khai thực hiện theo Thông báo kết luận số 120 của huyện Mường Nhé, nhiều diện tích có rừng đã kiểm kê năm 2015 sẽ bị phá đi để canh tác sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, nhiều diện tích có rừng hiện nay trên địa bàn huyện Mường Nhé trước đây đều hình thành sau nương rẫy do quá trình đầu tư của Nhà nước mới tái sinh lại thành rừng. 

Do đó, việc quy định ngưỡng thời gian luân canh đã chờ từ năm 2012 trở lại đây là rất khó xác định. Nếu quy định như vậy, nhiều khu rừng tự nhiên (kể cả khu rừng đặc dụng Mường Nhé) có nguy cơ bị phá hết để chuyển sang sản xuất nông nghiệp. 

Việc thực hiện theo Thông báo kết luận số 120 sẽ dẫn đến nhiều người dân không đến các điểm quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 mà vẫn ở lại những nơi do phá rừng trái phép mà có đất; vô hình chung như vậy là đang hợp pháp hóa cho các diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất rừng của người dân trong thời gian qua, tạo tiền lệ xấu cho các hành vi phá rừng mới.

Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 79 thừa nhận: Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho các hộ dân được sắp xếp ổn định theo Đề án 79.

Do địa hình huyện Mường Nhé chủ yếu là đồi núi đất dốc, diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp rất ít nên việc giải quyết đất sản xuất cho bà con đến định cư lâu dài là một trở ngại lớn. Một số bà con do phong tục tập quán sản xuất trên nương rẫy nên việc chuyển đổi phương án sản xuất gặp nhiều khó khăn. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh đang tập trung hỗ trợ nhân dân làm nhà, hỗ trợ sản xuất nhưng vấn đề cốt lõi nhất là giao đất sản xuất cho bà con. Tỉnh đang giao đất sản xuất cho nhân dân ở mức bình quân 2ha/hộ. 

Bên cạnh đó, giao thêm đất lâm nghiệp chưa có rừng và thực hiện các chính sách hỗ trợ gạo, hỗ trợ trồng rừng để nhân dân kết hợp giữa phát triển sản xuất với chăn nuôi cũng như trồng và bảo vệ rừng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, việc thực hiện Đề án 79 cần theo lộ trình cụ thể. Bước đầu là ổn định dân cư cho các hộ dân, thứ 2 là hỗ trợ cho người dân sản xuất. Song về lâu dài phải có nhiều chương trình phối hợp giữa địa phương và các bộ, ngành, tạo điều kiện cho người dân bằng các phương thức sản xuất để nâng cao thu nhập. 

Ngoài ra, cần có những đề án, dự án để hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập. Mỗi hộ dân chỉ có khoảng 2ha đất sản xuất, bởi vậy cần gắn với trồng rừng, chăn nuôi và các nghề phụ khác để đảm bảo đời sống. 

Ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Vấn đề cần quan tâm nhất đối với sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 là giao đất sản xuất. Hiện nay, nhiều hộ đã được giao đất sản xuất với tiêu chuẩn 2ha/hộ nhưng vẫn còn nhiều bà con chưa được giao đất sản xuất. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án sản xuất cho người dân để tùy theo điều kiện có thể trồng rừng kinh tế hoặc chăn nuôi có hiệu quả trên diện tích đất được giao; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với người dân tham gia trồng rừng để đạt hiệu quả cao nhất. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, từ năm 2013 – 2016, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã xảy ra 339 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 1.800 ha. 

Nguyên nhân của tình trạng phá rừng chủ yếu là do dân di cư ngoài kế hoạch đến Mường Nhé, người dân thiếu đất sản xuất nên phá rừng để làm nương. Từ thực tế trên, các cấp, ngành, địa phương cần sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, giao đất sản xuất để bà con ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất nơi ở mới.

(Nguồn: TTXVN)