Hòa Bình: Nhiều đổi thay trong vùng đồng bào DTTS từ thực hiện mô hình xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng dựa vào cộng đồng

10:05 AM 04/11/2021 |   Lượt xem: 1894 |   In bài viết | 

Công trình nước tự chảy tại xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, Hòa Bình là một trong những công trình do cộng đồng tự khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành

Trên cơ sở triển khai Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ năm 2013 đến năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) đã chọn tỉnh Hoà Bình để triển khai Dự án: “Thí điểm mô hình vận hành bảo trì công trình cơ sở hạ tầng dựa vào cộng đồng trong chương trình 135”. Sau những nỗ lực và kết quả rất tốt tại Hòa Bình, đến giai đoạn 2017-2021, RIC tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các tỉnh: Trà Vinh, Quảng Trị và Hà Giang.

Với mục tiêu kết nối và thúc đẩy các sáng kiến trong việc nâng cao năng lực tự quản cho cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua huy động các nguồn viện trợ Quốc tế và nguồn lực trong nước để thực hiện các dự án phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Trong 12 năm qua, RIC đã và đang thực hiện nhiều dự án phát triển tại tỉnh Hòa Bình cũng như tại nhiều tỉnh thành phố khác ở Việt Nam.

Từ năm 2013 – 2016, tại tỉnh Hòa Bình - Trung tâm RIC đã triển khai thí điểm dự án “Mô hình vận hành bảo trì cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng” tại 3 huyện Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Kim Bôi và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được đánh giá cao bởi các cấp chính quyền địa phương cũng như nhà tài trợ.

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn từ năm 2017 – 2021, Trung tâm RIC tiếp tục nhận được nguồn kinh phí tài trợ từ Cơ quan viện trợ Ai Len để nhân rộng mô hình vận hành bảo trì và thí điểm mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng. Hòa Bình tiếp tục được RIC nhân rộng mô hình ra triển khai tại 4 xã của 02 huyện Kim Bôi và huyện Đà Bắc. Dự án đã nâng cao năng lực cho cộng đồng, chính quyền địa phương, tháo gỡ các vướng mắc trong tiến trình thực hiện, xây dựng các hướng dẫn tại cấp tỉnh. Để từ đó, các cộng đồng ở Hoà Bình đã được tiếp cận ngân sách nhà nước để xây dựng đường xá, mương, nhà văn hoá…

Các Nhóm cộng đồng tự xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, giải quyết các thủ tục tài chính… trong quá trình thi công các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại cơ sở

Người dân sử dụng nước từ các bể nước tự chảy

Sau gần 8 năm triển khai, đến nay Dự án RIC đã giúp nâng cao năng lực tự quản thực hiện vận hành bảo trì và xây dựng cơ sở hạ tầng dựa vào cộng đồng cho hơn 100 cộng đồng thôn bản tại tỉnh Hoà Bình với 650 thành viên nòng cốt (trong đó có 260 người là phụ nữ) và 160 cán bộ chính quyền địa phương (từ cấp xã đến cấp tỉnh) 102 công trình cơ sở hạ tầng (trong đó có 72 công trình duy tu bảo dưỡng và 30 công trình xây dựng mới) tại các xã dự án thuộc 04 huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Kỳ Sơn và Lạc Sơn được các nhóm cộng đồng thực hiện, hơn 50.000 người dân được hưởng lợi từ các công trình.

Qua thí điểm triển khai mô hình vận hành bảo trì và xây dựng cơ sở hạ tầng dựa vào cộng đồng đã phần nào cho thấy hiệu quả, tính ưu việt của cách làm này. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, nhiều công trình được lồng ghép giữa nguồn vốn của Chương trình 135 và nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án RIC đã giúp cho nhiều khu dân cư xây dựng các công trình quy mô. Nhiều công trình được xây dựng do chính người dân tham gia triển khai và cùng hưởng lợi. Cơ chế thực hiện dự án đã tạo ra một tác động kép khi cộng đồng vừa tiếp cận được nguồn lực nhà nước, vừa được nâng cao năng lực và hưởng lợi từ công trình. Đặc biệt đối với những công trình đã qua nhiều năm sử dụng, người dân tiếp tục vận dụng và phát huy những kiến thức đã được tập huấn vào vận hành bảo trì các công trình, giúp nâng cao tuổi thọ, khai thác hiệu quả công trình tại cơ sở.

Người dân xóm Đồi 1, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi thi công mương nước từ nguồn vốn hỗ trợ của RIC

Sự hỗ trợ của Trung tâm RIC đã tác động tích cực tới sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 năm 2019 của Quốc Hội, hiện nay Hòa Bình có 145/151 xã, phường, thị trấn được công nhận là vùng đồng bào dân tộc. Và theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2021, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 thì Hòa Bình có 59 xã thuộc khu vực 3, 12 xã thuộc khu vực 2 và 74 xã thuộc khu vực 1. Hoà Bình cũng có 86 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong khu vực 2 và khu vực 1.

Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc vẫn được coi là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Hòa Bình. Từ thực tế triển khai dự án RIC có thể thấy được ý nghĩa, hiệu quả và lợi ích rất thiết thực của cách thức thực hiện các dự án dựa vào cộng đồng. Đây là cách tiếp cận mới nhưng được cộng đồng các dân tộc thiểu số hưởng ứng, đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ trong thời thời gian tới, góp phần mang lại hiệu quả bền vững.

Cao Cường