Thay đổi nhận thức để làm chủ cuộc sống đang là xu hướng của phụ nữ DTTS

10:57 PM 12/04/2022 |   Lượt xem: 4152 |   In bài viết | 

Chị Nguyễn Thị Tuyển với mô hình nuôi gà trống thiến

Không ngừng nỗ lực

Trên diện tích đất chăn nuôi và trồng trọt rộng hơn 1ha, chị Nguyễn Thị Tuyển (sinh năm 1979, dân tộc Tày), đang tất bật với công việc cho đàn vật nuôi ăn. Hiện nay, trang trại của chị Tuyển tại tổ 9 thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có hơn 1.500 con gà trống thiến, vịt, ngan.

Chị Tuyển kể, trước đây hai vợ chồng chị cuộc sống khó khăn, quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối bám vào mấy sào ruộng để mưu sinh. Nhận thấy điều kiện tự nhiên từ diện tích đất đồi, gia đình chị đầu tư trang trại chăn nuôi gà trống thiến theo mô hình bán chăn thả. Với vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, việc chăn nuôi gà trống thiến của gia đình chị chập chững từng bước,  và trải qua không ít khó khăn.

Không nản lòng, với suy nghĩ vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, huyện tổ chức;, học hỏi những người có kinh nghiệm ở địa phương khác để áp dụng. Đến nay, sau hơn 5 năm, gia đình chị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi kết hợp và trồng lá giang. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nên mỗi năm mang về nguồn thu cho gia đình chị là hơn 300 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

Các sản phẩm do HTX Mường Hoa (Tả Van, Sa Pa) thiết kế

Cùng chung mong muốn thay đổi cuộc sống như chị Tuyển, chị Sùng Thị Lan (sinh năm 1988, dân tộc Mông), trú tại xã Tả Van, Sa Pa thành công với việc mở rộng mô hình Hợp tác xã (HTX).

Trước đây, gia đình chị Lan chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi lợn kết hợp nấu rượu nhưng đem lại hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy Sa Pa là mảnh đất du lịch, với tiềm năng phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương như khâu, thêu, may, nhuộm,…năm 2018 chị Lan quyết định thành lập HTX Mường Hoa.

HTX Mường Hoa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các đồ thủ công truyền thống, như thổ cẩm, hương thảo mộc, trà thảo dược. Các sản phẩm của HTX được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên để sáng tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, thu hút người tiêu dùng và khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.

“Đi vào hoạt động từ năm 2018, hiện HTX có 9 hộ gia đình là thành viên, trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm không thường xuyên cho 6 lao động địa phương. Các thành viên đều cảm thấy tự hào khi không chỉ gìn giữ được nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương, mà còn có cơ hội vươn lên thoát nghèo”, Giám đốc HTX Sùng Thị Lan cho biết.

Chị Sùng Thị Lan (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn khách du lịch

Cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ DTTS

Trao đổi với phóng viên, bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đánh giá, những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc, đặc biệt là phụ nữ DTTS có nhiều thay đổi. Đặc biệt, nhận thức của chính bản thân của người phụ nữ ngày càng được nâng lên nên họ đã phát huy được vai trò và khẳng định vị thế trong cộng đồng, xã hội hiện nay.

Theo bà Hà Thị Khánh Nguyệt, để giúp phụ nữ DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc… Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung vận động phụ nữ DTTS, đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn.

“Đến nay, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thành lập HTX, mở rộng các mô hình kinh doanh như Homestay, tăng gia sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hiệu quả”, Chủ tịch Hội LHPN cho biết.

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, với sự thay đổi và phát huy vai trò quyền làm chủ, trong những năm vừa qua, đã có những lãnh đạo, đại biểu Quốc hội là nữ người DTTS. Điều này cho thấy, những nỗ lực, cố gắng không ngừng vươn lên của phụ nữ DTTS trong đời sống xã hội hiện nay.

Theo TS. Hồng, hiện nay, ở các vùng DTTS như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, phụ nữ DTTS tham gia nhiều vào phát triển kinh tế, với các mô hình du lịch Homestay, những chuỗi nông nghiệp sạch,… đang ngày càng phát triển. 

“Ở những vùng DTTS, phụ nữ nếu được hỗ trợ khuyến khích, đầu tư, phát triển các mô hình có thể sẽ thay đổi, làm chủ cuộc sống, kinh tế bản địa ngày càng có giá trị. Do vậy, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ”, TS Hồng nhấn mạnh.

Theo UNDP (Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc), Việt Nam hiện có gần 7,1 triệu phụ nữ DTTS. Nếu như trước đây phụ nữ DTTS luôn nằm trong nhóm yếu thế thì mới đây Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam luôn là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững.

(baodantoc.vn)