Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa các DTTS

10:00 AM 22/01/2023 |   Lượt xem: 7801 |   In bài viết | 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thổi chiếc khèn do đồng bào Yên Châu tặng kỷ niệm trong chuyến thăm Nhân dân các dân tộc Tây Bắc, ngày 7 tháng 5 năm 1959.

Đồng thời, Người còn là Danh nhân văn hóa thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc và nhân loại. Trong kho tàng tư tưởng của Người, hệ thống quan điểm về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS luôn tỏa sáng và có giá trị to lớn đối với các thế hệ người dân Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giữ gìn phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, chữ viết của cộng đồng các dân tộc. Theo Người, để giữ gìn thuần phong mỹ tục thì phải trân trọng, kế thừa, phát huy những gì tốt, quý báu và loại bỏ những gì là hủ tục lạc hậu, truyền thống không phù hợp. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý còn cái gì mới mà hay, thì ta phải tiếp thu.

Bên cạnh đó, Người căn dặn đồng bào nâng cao tinh thần đoàn kết, không phân biệt đối xử giữa dân tộc này với dân tộc khác để từ đó tạo nên sức mạnh cùng vượt qua mọi khó khăn: “Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy, bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không”. Đồng thời, văn hóa do con người tạo ra và văn hóa phục vụ chính đời sống con người. Cho nên, chủ thể giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của DTTS bao gồm: Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ văn hóa và đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS được thể hiện những nội dung cơ bản là: Gìn giữ và phát triển truyền thống yêu nước, thuần phong mỹ tục, ngôn ngữ, chữ viết và nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc; bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa dân tộc; tiếp thu, giao thoa văn hóa các dân tộc, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc mình; chống văn hóa lai căng, khép kín, bảo thủ, hủ tục, lạc hậu, mê tín dị đoan; giáo dục và nâng cao dân trí đồng bào; định hướng tư tưởng, mỹ cảm và đạo đức cho thế hệ trẻ đồng bào các DTTS; xây dựng, phát triển đa dạng hóa các loại hình văn học, nghệ thuật. Đến nay, những nội dung chỉ dẫn của Người vẫn còn nguyên giá trị và phù hợp với đời sống thực tiễn ở Việt Nam.

Chính vì vậy, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS là công việc cần được thực hiện lâu dài và cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước tiên cần phải “đánh thông tư tưởng của cán bộ, đoàn viên, rồi đến Nhân dân”, nghĩa là phải nâng cao nhận thức về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cán bộ, đoàn viên, Nhân dân thông qua tuyên truyền, vận động, giáo dục. Đồng thời, theo Người, để giữ gìn thuần phong mỹ tục, cán bộ lãnh đạo phải: “Ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc” bởi cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cán bộ vùng khác, họ sẽ hiểu phong tục tập quán của đồng bào hơn và sẽ toàn tâm toàn ý để thực hiện công việc do cấp ủy giao phó. Vì vậy, mỗi cán bộ địa phương cần phải cố gắng học tập, tu dưỡng rèn luyện để tham gia công tác giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Từ đó, các dân tộc anh em tự quản lý lấy mọi công việc của mình để mau chóng phát triển kinh tế, văn hóa và thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích đồng bào các dân tộc phải ra sức học tập văn hóa, tiếp thu, vận dụng có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu văn hóa cho dân tộc mình. Vì vậy, đồng bào không nên bảo thủ, chỉ giữ văn hóa truyền thống của mình bởi như vậy, văn hóa dân tộc sẽ trở nên lạc hậu không tiến kịp với thời đại. Do đó, việc tiếp thu văn hóa mới là cần thiết.

Từ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS đã chứng minh tư tưởng của Người chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Vì thế, những tư tưởng của Người đã trở thành nền tảng lý luận cho chủ trương, đường lối chiến lược và chính sách phát triển văn hóa dân tộc nhằm xây dựng và phát triển đa dạng, phong phú về văn hóa các dân tộc trong một thể thống nhất của hệ giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(baodantoc.vn)