16 tỷ đồng hỗ trợ bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trong đại dịch Covid-19
02:51 PM 16/04/2020 | Lượt xem: 3226 In bài viết |Để hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương, các cấp đối tác và cộng đồng tại Việt Nam trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), Plan International Việt Nam chính thức khởi động dự án “Bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước dịch bệnh Covid-19”.
Dự án bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9 năm 2020 tại tất cả các cộng đồng do Plan bảo trợ. Với tổng ngân sách là 625 nghìn euro, tương đương khoảng 16 tỷ đồng, dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 32 nghìn trẻ bảo trợ và 250 nghìn người dân trong cộng đồng.
Dịch Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của trẻ em và đặc biệt là trẻ em gái. Đại dịch đã khiến 743 triệu trẻ em gái tại 188 quốc gia phải nghỉ học. Cùng với đó là các nguy cơ về sức khỏe tinh thần, tai nạn thương tích, bạo lực gia đình, xâm hại thân thể, tình dục và bị quấy rối trên mạng cũng tăng theo.
Trước tình hình này, Giám đốc điều hành Tổ chức Plan International toàn cầu Anne-Birgitte Albrectsen, cùng 20 lãnh đạo của các tổ chức từ thiện phát triển khác đã cam kết “Chúng ta phải hành động, ngay bây giờ! Hãy đoàn kết nỗ lực để trẻ em, và đặc biệt là trẻ em gái, được an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần trong đại dịch Covid-19”.
Tại Việt Nam, Plan International hiện đang hỗ trợ trực tiếp cho 32 nghìn trẻ bảo trợ tại 66 xã thuộc 13 huyện của năm tỉnh, thành phố trên cả nước. Đó là các địa bàn gồm Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum. Các em đều thuộc nhóm các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ, các phương tiện truyền thông số để có thể tiếp cận được các thông tin về dịch Covid-19. Cuộc sống hằng ngày của các em vốn đã nhiều trở ngại, nay càng trở nên thách thức hơn trước dịch bệnh.
Bằng việc hợp tác với các đối tác từ Trung ương đến địa phương và các tình nguyện viên, dự án hỗ trợ các trạm y tế, các trường học cả về trang - thiết bị, cơ sở vật chất lẫn tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên môn tại các mảng liên quan. Đặc biệt, chú trọng công tác truyền thông sâu rộng, bảo đảm trẻ em dân tộc thiểu số và gia đình được tiếp cận với các nguồn thông tin tin cậy và bổ ích.
(nhandan.com.vn, 15/4)