Chủ tịch nước dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
10:03 AM 08/02/2022 | Lượt xem: 4102 In bài viết |Nhân dịp đầu năm mới, sáng 07/02/2022, tức mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần, tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ Tịch điền Đọi Sơn tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự, phát biểu và thực hiện nghi lễ cày ruộng Tịch điền.
Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Mở đầu lễ hội là màn rước lễ trong tiếng trống hội rộn rã, cùng các màn múa rồng truyền thống hết sức đẹp mắt và sinh động để khai mạc lễ hội. Tiếp đó, đại diện xã Tiên Sơn thay mặt nhân dân xã đọc văn trình trước linh vị Vua Lê Đại Hành về việc kế tục tổ chức lễ Tịch điền, khai Xuân động thổ, đánh thức đất đai, khởi đầu mùa vụ, gieo trồng ngũ cốc, mong xã tắc phồn vinh, nhà nhà no đủ. Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày "đánh thức đất đại, khai Xuân động thổ", cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu, là niềm mong đợi không chỉ của người dân tỉnh Hà Nam mà còn của nhân dân cả nước.
Mở đầu lễ hội là màn rước lễ trong tiếng trống hội rộn rã, cùng các màn múa rồng truyền thống hết sức đẹp mắt và sinh động để khai mạc lễ hội - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Nam tổ chức lễ dâng hương Thần Nông và Vua Lê Đại Hành. Năm Nhâm Dần 2022 cũng là dịp kỷ niệm 1035 năm (987-2022) Vua Lê Đại Hành về cày ruộng Tịch điền, mở ra điển lễ sau này.
Theo sử sách, cách đây 1.035 năm, tức năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), Vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, lễ hội Tịch điền được coi như một ngày quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn, khuyến khích nhân dân lao động, sản xuất.
Nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong hàng ngàn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước, lễ hội Tịch điền của Hà Nam đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội này đã được Nhà nước công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" - một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: Lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.
"Trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 trong năm 2021, nông nghiệp, nông thôn của nước ta một lần nữa không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam", Chủ tịch nước nêu rõ.
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Từ khi tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức Lễ hội Tịch điền đến nay, năm nào cũng tạo ra không khí phấn khởi trong thi đua sản xuất, giúp tăng năng suất lúa; các chương trình, dự án được triển khai và đem lại giá trị kinh tế cao.
Buổi lễ tái hiện cảnh Vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Trên đồng ruộng xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, áp dụng mạnh cơ giới hóa; mô hình trồng và nhân giống cây trồng, cánh đồng mẫu lớn, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng. Sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam nói chung, của tỉnh Hà Nam nói riêng đã chuyển mình mạnh mẽ và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nông thôn mới ở nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nhấn mạnh đến nhiều lễ hội truyền thống tôn vinh nền nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và tỉnh Hà Nam tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, chuẩn mực văn hóa để văn hóa thực sự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách thủ thục hành chính để nông dân tiếp cận tốt nhất với những chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước cũng cần có chính sách đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vật tư giống cây trồng đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý cho người nông dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN - Ảnh: VGP/Đức Tuân
"Nhân đây, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, người dân chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, coi trọng giá trị sản xuất và sản lượng một số sản phẩm đảm bảo cân đối lớn", Chủ tịch nước nói. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống tưới tiêu hiện đại ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong các khâu của chuỗi giá trị, công nghệ sau thu hoạch, hình thành nền nông nghiệp thông minh. Các cấp, các ngành cần tập trung sản xuất, chỉ đạo sản xuất, khai thác thị trường quốc tế với 15 hiệp định thương mại tự do đã có, trong đó có EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương… Coi trọng sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhân dân trong nước với 100 triệu dân. Tập trung triển khai chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị" với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm cao, thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng ý nghĩa khuyến nông sâu sắc của lễ hội Tịch điền mang đến cho tất cả mọi người một khí thế mới, một không khí lao động hăng say, một tinh thần hiện đại hóa ngành nông nghiệp để góp phần đưa Nghị quyết 26 của TW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống, xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu ngày càng giàu đẹp.
"Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Lễ hội Tịch điên Đọi Sơn Xuân Nhâm Dần - năm 2022. Một lần nữa, xin kính chúc đồng bào, đồng chí, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, năm mới thắng lợi mới. Chúc các bác nông dân dồi dào sức khoẻ để ruộng đồng luôn tốt tươi, luôn rộn rã tiếng cười và hừng hực khí thế lao động, sản xuất", Chủ tịch nước phát biểu.
Sau nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh Vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.
Trong trang phục nhà nông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các đại biểu và người dân địa phương thực hiện nghi thức Tịch điền, cày những luống đất đầu tiên, khởi đầu cho mùa vụ mới bội thu.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 200 suất quà cho nhân dân địa phương./.
(baochinhphu.vn)