Khai mạc Hội nghị Dân tộc học năm 2020: Những vấn đề mới về quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay
02:23 PM 11/11/2020 | Lượt xem: 1532 In bài viết |Sáng 11/11/2020, tại Hà Nội, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị Dân tộc học năm 2020 với chủ đề “Những vấn đề mới về quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay”. PGS. TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị có TS. Hoàng Xuân Lương và TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; cùng các nhà khoa học, dân tộc học, giảng viên, cán bộ trong một số cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu tại Hà Nội và một số địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Bùi Nhật Quang nhấn mạnh: Ở nước ta, quan hệ dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất quán thực hiện các nguyên tắc cơ bản về công tác dân tộc và chính sách dân tộc là: Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của Cách mạng Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các nguyên tắc nay được thể hiện thành những chủ trương, quan điểm lớn trong các văn bản quan trọng của đất nước, đặc biệt là Hiến pháp và những Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng qua các thời kỳ, đồng thời cụ thể hóa thành những chính sách để thực hiện phát triển từng tộc người, từng địa phương và trên cả nước trong các thời kỳ lịch sử.
Các kết quả đạt được trong quá trình kiên trì thực hiện các nguyên tắc này của Đảng và Nhà nước ta đã có những ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố mối quan hệ dân tộc tốt đẹp và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, các tộc người thiểu số đã có nhiều đóng góp to lớn.
Trong quá trình phát triển hiện nay, do nhiều yếu tố tác động cả chủ quan và khách quan ở trong và ngoài nước, nên không tránh khỏi việc nảy sinh những vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc tại một số địa phương, cần quan tâm giải quyết thấu đáo. Quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay còn ẩn chứa một số yếu tố chưa thật sự ổn định, diễn biến khó lường, đặt ra yêu cầu cần được nghiên cứu đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Từ thực tiễn đó, theo PGS. TS. Bùi Nhật Quang, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, bổ sung phát triển lý luận về quan hệ dân tộc trong thực hiện chiến lược đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam, nhằm nhận diện các vấn đề mới về lý luận và thực tiễn về quan hệ dân tộc ở nước ta hiện nay; đánh giá những ảnh hưởng của các mối quan hệ dân tộc đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị và bảo vệ tài nguyên môi trường; phân tích các nguyên nhân tác động và dự báo những xu hướng của các mối quan hệ dân tộc ở nước ta trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện thành công các chính sách dân tộc nhằm phát triển các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp, nhất là quan hệ giữa các tộc người với quốc gia Việt Nam; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất, vững mạnh.
Hội nghị Dân tộc học năm 2020 đã tuyển chọn 70 báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, quản lý ở Trung ương và địa phương quan tâm đến các vấn đề tộc người, quan hệ dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta và trên thế giới. Các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) tham dự Hội nghị với 3 tham luận: Quan hệ dân tộc và định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Văn hóa tộc người vùng biên giới Việt - Lào trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững; Giá trị và giải pháp bảo tồn nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV.