Lựa chọn đại biểu Quốc hội nói lên được tiếng nói của đồng bào dân tộc

04:42 PM 16/03/2021 |   Lượt xem: 1407 |   In bài viết | 

Đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khắp

Qua thực tế hoạt động của nhiệm kỳ khóa XIV cũng cho thấy, việc đồng bào các dân tộc tích cực tham gia và bầu chọn được những đại biểu Quốc hội thực sự ưu tú, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đã góp phần không nhỏ vào thành công của Quốc hội, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Đây là những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao đời sống của người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiệm kỳ khóa XIV, số ĐBQH là người dân tộc thiểu số chỉ đạt 17,3%, tương ứng là 86 người, so với dự kiến ban đầu thiếu 4 người. Mặc dù vậy, những ĐBQH đại diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm, tham gia rất tích cực vào các vấn đề xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Để Quốc hội khóa XV tiếp tục kế thừa và phát huy các kết quả, thành tựu đã đạt được, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đòi hỏi yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng các ĐBQH, bầu chọn được các đại biểu thực sự tiêu biểu tham gia Quốc hội là điều được nhiều cử tri mong mỏi khi thời gian tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp sẽ diễn ra vào ngày 23/5 tới.

Cử tri Phạm Giáo, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng: “Tăng cường đại biểu cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì sẽ có điều kiện nắm được sát hơn, hiểu được nhiều hơn vùng dân tộc thiểu số thường là có nhiều cái khó khăn, dân trí thấp, kinh tế còn khó khăn. Bởi thế, càng hiểu được nhiều khó khăn, hiểu được những tâm tư nguyện vọng của người dân thì sẽ mang đến cho Quốc hội để có những chính sách đối với những vùng này, đảm bảo nâng cao đời sống của người giải quyết bớt những khó khăn của họ”.

Trong đó đã góp tiếng nói để Quốc hội thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số khi thông qua 02 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết số 88 thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đây là những quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội với lần đầu tiên Quốc hội ban hành 2 nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc. Đáng chú ý, Nghị quyết 88 định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn nhận định: “Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, là những điểm mang tính nguyên tắc cơ bản trong hệ thống chính sách của đồng bào dân tộc và những mục tiêu cần giải quyết. Có thể xem đây là lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết lớn. Đây thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với gì đồng bào dân tộc miền núi. Đây cũng là dịp chúng ta tiếp tục tri ân và thể hiện trách nhiệm của mình đối với vùng còn khó khăn để giúp cho vùng này phát triển cùng đất nước và đảm bảo sự phát triển bình đẳng giữa các dân tộc”.

Nhấn mạnh đến chất lượng ĐBQH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo đạt tỷ lệ 18% của nhiệm kỳ khóa XV, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội phân tích: “Hiện tại, trong dự kiến của khóa XV cũng phải phấn đấu ít nhất đạt 18%. Chúng tôi nghĩ rằng, đối với dân tộc thiểu số nếu được lựa chọn những đại biểu dân tộc trong cơ cấu phải thật sự tiêu biểu, phải thật sự là những người có năng lực, có trình độ và đại diện được ở các lĩnh vực”.

Do đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất đa dạng, nhiều phong tục, tập quán. Những vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, yếu tố đặc thù về địa hình miền núi, giao thông cách trở, kể cả về nhận thức của đồng bào… nếu công tác hiệp thương, vận động bầu cử và tổ chức bầu cử thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đồng bào cũng như ảnh hưởng kết quả chung của cuộc bầu cử. Để đạt được tỷ lệ ít nhất 18% đại biểu là người dân tộc thiểu số trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, lựa chọn được người thực sự xứng đáng, đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ và nắm rõ lý lịch của các ứng cử viên.

Lựa chọn và bầu ra đại biểu là những người thực sự ưu tú, có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, nắm chắc chính sách dân tộc, gắn bó mật thiết và hiểu phong tục, tập quán, nói lên được nguyện vọng của đồng bào, đặc biệt là các ứng cử viên tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người dân tộc rất ít người; thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền cần được chú trọng để người dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức của cuộc bầu cử, tích cực tham gia và vận động người thân cùng tham gia bầu cử để hoàn thành quyền lợi, trách nhiệm của cử tri, công dân. Bởi vì, bầu ra được những người đại biểu dân cử chính là người sẽ đại diện cho đồng bào tham gia xây dựng chính sách, đề xuất chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Quàng Văn Hương, đoàn Sơn La khẳng định: “Tuyên truyền phải có cách thức để đồng bào hiểu được về lý lịch, năng lực, khả năng cũng như đặc biệt là phải tâm huyết, trách nhiệm của những đại biểu mà mình sẽ bầu ra. Cần phải tuyên truyền những thành tích, phẩm chất của người thực sự ưu tú, qua đó đồng bào thấy được người sẽ đại diện cho mình. Trong đó, nếu lựa chọn được người dân tộc thiểu số hoặc người đại biểu sống ở vùng dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội thì đấy chính là những người nói lên tiếng nói của đồng bào, phản ánh tâm tư nguyện vọng của đồng bào đến cơ quan Quốc hội”./.