Thông tin giá cả thị trường số 11/2016

08:56 AM 06/07/2016 |   Lượt xem: 3456 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Để ngành chè phát triển bền vững

Là 1 trong 5 nước xuất khẩu chè nhiều nhất trên thế giới nhưng thương hiệu Chè Việt Nam chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nước ngoài. So với các nước trong khu vực, Chè Việt Nam hiện nay đang có giá xuất khẩu thấp nhất, số lượng xuất khẩu cũng ngày càng giảm mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu thấp

Hiện nay, cả nước hiện có 124.000 héc-ta diện tích trồng chè với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Tam Đường (Lai Châu), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược...

Thế nhưng giá trị của ngành chè nước ta còn thấp, mới chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 230 triệu đô-la Mỹ/năm - một con số rất khiêm tốn so với các ngành nông sản khác như cà phê, hồ tiêu... Khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến nên giá trị tăng thấp, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU. Chè của Việt Nam giá bán thấp, chỉ bằng 60 - 70% giá chè thế giới, thị trường lại chưa ổn định.

Nguyên nhân chính được các chuyên gia cho rằng do mất an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt, việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, không đảm bảo thời gian cách ly… Dư lượng thuốc trên sản phẩm chè vẫn còn. Đây là lý do khiến nhiều lô hàng chè xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác cảnh báo hoặc trả về.

Hơn nữa, nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều trung gian không những làm tăng giá nguyên liệu đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu.

Hướng mở cho ngành chè

Để phát triển chè bền vững, TS. Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, các cơ sở chế biến chè phải tạo được vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lại với nhau như tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Kiểm soát chặt chẽ đầu ra tránh việc trà trộn giữa chè được chứng nhận GAP với chè thông thường gây mất lòng tin của người tiêu dùng trong nước và làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng an toàn thực phẩm đối với chè xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, Hiệp hội Chè Việt Nam đang tổ chức các mô hình bảo vệ thực vật tập trung; kiểm soát thời gian cách ly, đảm bảo an toàn cho nguyên liệu đầu vào. Hiệp hội cũng định hướng tổ chức một sàn giao dịch để các đơn vị giới thiệu và bán sản phẩm tạo tiền đề cho sự ra đời trung tâm đấu giá chè sau này. Trước mắt, các đơn vị sản xuất cần hạn chế xuất khẩu chè qua trung gian. Ông Hoàng Vĩnh Long, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, mới đảm bảo được các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn khi vượt qua được các hàng rào mà các nước nhập khẩu họ đặt lên”.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Có như vậy, ngành chè mới có thể cạnh tranh được với các thương hiệu chè trên thế giới.

MUA GÌ

Đà Lạt: Rau tăng giá mạnh do nắng nóng

Nắng nóng kéo dài trong cả nước khiến nhu cầu tiên thụ rau tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã bước vào mùa mưa, nhiều diện tích rau trồng ngoài trời bị hư hỏng, sâu bệnh gây hại. Cả diện tích lẫn sản lượng rau trong thời kỳ này đều bị giảm đáng kể. Hiện nhiều chủ vựa nông sản tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, giá các loại rau ngắn ngày như xà lách, rau diếp, bắp cải… đều tăng mạnh, cao gần gấp đôi so với tháng trước. Cụ thể, giá bán buôn rau diếp tại Đà Lạt hiện nay là 11.000 đồng/kg, bắp cải 6.000 đồng/kg, bắp cải tím 13.000 đồng/kg, hành tây 17.000 đồng/kg, lơ trắng 14.000 đồng/kg, cà rốt 9.000 đồng/kg, khoai tây 21.000 đồng/kg… Đặc biệt, rau xà lách được thương lái mua có giá dao động từ 6 - 7,5 triệu đồng/sào, tăng trên 3 triệu đồng/sào so với các tháng trước. Mặc dù giá phần lớn các loại nông sản tại Đà Lạt và vùng lân cận đều tăng mạnh nhưng nhà vườn không có hàng để bán do đang bước vào thời kỳ khan hiếm nguồn cung.

Yên Bái: Nông dân được mùa dưa hấu

Tranh thủ mùa nước cạn, nông dân xã Xuân Lai, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã trồng dưa hấu tại các bãi nổi trên hồ Thác Bà. Năm 2016, toàn xã có hơn 40 hộ trồng dưa, tổng sản lượng sau thu hoạch ước đạt trên 150 tấn, trung bình 1 sào đạt từ 1,5 đến 2 tấn dưa. Một nông dân thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai cho biết, năm nay gia đình thu về hơn 10 tấn dưa hấu, quả to giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, quả nhỏ từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Dưa hấu trồng tại Xuân Lai vỏ mỏng, ruột đỏ tươi, ngọt và thơm, các tư thương tại huyện Yên Bình đã tìm đến xã Xuân Lai thu mua để đem bán tại huyện và thành phố Yên Bái với giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá dưa hấu mang từ nơi khác mang về vài ba giá. Vụ này, có hộ ở xã Xuân Lai thu trên 20 tấn dưa hấu.

Tây Nguyên: Giá cà phê cao nhất từ đầu năm

Những ngày qua, giá cà phê nhân khô robusta tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng mạnh. Đến thời điểm này, giá cà phê đã tăng lên mức 36.600 - 37.000 đồng/kg, trong khi trước đó có lúc xuống dưới mức 33.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết đây là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay. Do giá tăng trở lại nên nhiều nông dân có tâm lý trữ hàng, không bán ra để chờ giá cà phê có thể tăng nữa. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định giá cà phê tăng trở lại là do tình hình hạn hán ảnh hưởng đến nhiều nước trồng cà phê, trong đó có Việt Nam khiến nguồn cung sụt giảm. Cụ thể tình trạng thiếu nước, khô hạn đã đe dọa trên 165.000 héc-ta (chiếm gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó tới 40.000 héc-ta cây cà phê bị hư hỏng.

Đồng Nai: Giá trái cây giảm, tiêu thụ chậm

Hiện đang vào cao điểm thu hoạch nên giá nhiều loại trái cây giảm mạnh. Cụ thể, chôm chôm thường bán cho thương lái chỉ còn từ 4.000 – 5.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép từ 24.000 – 25.000 đồng/kg, bơ tùy loại có giá dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg... Giá giảm mạnh nhưng ở nhiều nhà vườn trái chín vẫn treo cành chờ thương lái vì sức tiêu thụ chậm. Trong đó 2 loại chủ lực là chôm chôm, sầu riêng đưa về bán tại các tỉnh phía Bắc cũng giảm mạnh. Không chỉ sức tiêu thụ tại thị trường nội địa gặp khó khăn mà Trung Quốc cũng không “ăn” hàng khiến giá sầu riêng giảm sâu. Vụ trái cây hè năm nay, nông dân gặp khó khăn lớn vì mất mùa, chi phí đầu tư cao nhưng giá trái cây vẫn giảm và tiêu thụ gặp khó khăn.

BÁN GÌ

Tây Ninh: Nông dân thanh lý vườn cao su kém hiệu quả

Do giá mủ cao su từ đầu năm đến nay liên tục giảm nên nhiều hộ nông dân ở Tây Ninh tiếp tục thanh lý vườn cao su để lấy đất chuyển sang trồng các loại cây khác. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay người dân đã chặt bỏ thêm hơn 1.000 héc-ta cao su bán cho thương lái làm củi hoặc cưa, xẻ gỗ làm bao bì. Diện tích cao su bị thanh lý thường là những vườn cây đã già cỗi, cho mủ ít, sản phẩm khai thác không đủ để trang trải chi phí. Nhiều vườn cây non hoặc mới đưa vào khai thác nhưng diện tích ít, chỉ vài héc-ta, nếu duy trì sẽ kém hiệu quả nên người dân cũng chặt bỏ để chuyển sang trồng sắn, mía hoặc cây hoa màu khác. Riêng cây sắn, do người dân trong tỉnh trồng tập trung quá nhiều (hiện có khoảng 60.000 héc-ta/năm) và được trồng liên tục trên một vùng đất nên phát sinh nhiều bệnh, như bệnh mối ăn củ, thối củ. Hiện tỉnh chưa có giải pháp phòng trừ hiệu quả, cộng với giá bán thấp nên người dân rất lúng túng khi lựa chọn cây trồng khi chuyển đổi. Để tháo gỡ vướng mắc này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả thị trường mà tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng một số loại cây trồng thế mạnh của địa phương như mía, sắn, cao su... để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, đủ sức cạnh tranh. Tỉnh Tây Ninh đang khuyến khích người dân mở rộng mô hình hợp tác, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch... để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập.

Xuất khẩu trái cây tăng trên 80%

Theo Cục Bảo vệ thực vật, xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính có chiều hướng tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, Các công ty đã xuất khẩu trên 4.608 tấn trái cây tươi các loại vào các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, tăng 81% so với mức 2.542 tấn cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính tăng khá mạnh trong nửa đầu năm nay do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chất lượng hàng hóa ổn định cũng như nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi thị trường được mở rộng. Cục Bảo vệ thực vật đánh giá xuất khẩu trái cây tươi sẽ còn tiếp tục tăng trưởng vì trái vải đang vào chính vụ, các công ty đang làm thủ tục xuất khẩu. Thời gian tới, sẽ có thêm các loại trái cây khác như xoài, vú sữa được mở cửa vào các thị trường khó tính.

Năm 2016 sẽ xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, với tình hình xuất khẩu gạo hiện nay và các hợp đồng doanh nghiệp đã ký, dự kiến cả năm 2016 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5,7 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo trong tháng 6 đạt khoảng 450.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,732 triệu tấn, tổng kim ngạch khoảng 1,2 tỷ đô-la Mỹ. Theo VFA, giá mua lúa, cũng như giá xuất khẩu đang có chiều hướng tăng, nếu có thêm hợp đồng xuất khẩu giá sẽ tăng dần. VFA dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Philippines và Indonesia tiếp tục ổn định. Trong khi đó, qua cân đối tình hình sản xuất vụ lúa hè thu và thu đông năm 2016 thì lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm nay chỉ khoảng 3,9 triệu tấn. Lượng gạo hàng hóa còn lại không quá lớn, trong khi triển vọng thị trường còn nhiều, việc tiêu thụ dự báo không có gì đáng lo ngại.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Điện Biên: Tiềm ẩn nguy cơ thiếu “đầu ra” cho nông sản

Được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm dần các loại cây trồng kém hiệu quả và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng tiểu vùng. Tuy nhiên, cho đến nay bà con nông dân vẫn phải tự trồng, tự thu hoạch và tự tiêu thụ sản phẩm.

Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Điển hình là tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, bà con đã mạnh dạn đầu tư, đưa nhiều giống cây mới vào sản xuất. Trong đó, nổi bật là chuyển đổi từ lúa nương sang trồng khoai sọ và dứa. Đây là hai loại cây trồng chủ lực giúp bà con Sa Luông nâng cao thu nhập.

Mặc dù không phải là cây trồng mới, nhưng trước đây, khoai sọ chỉ được trồng nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Với đặc tính chịu hạn, phù hợp với điều kiện trồng trên nương, khoai sọ là loại cây trồng khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Sa Lông. Vì vậy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích, phát triển trồng khoai sọ trở thành hàng hóa. Năng suất bình quân 5 – 6 tấn/héc-ta, có nơi đất tốt đạt gần 10 tấn/héc-ta, trừ chi phí cho thu lãi từ 35 – 40 triệu đồng, cây khoai sọ giúp nhiều hộ dân ở Sa Lông có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, do khoai sọ có thời gian sinh trưởng tương đối dài (khoảng 8 tháng) nên người dân có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày để tận dụng đất, chống xói mòn, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đến nay, khoai sọ đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của Sa Lông với diện tích trên 25 héc-ta, tập trung chủ yếu ở các bản: Sa Lông, Sa Lông, Cổng Trời…

Cùng với cây khoai sọ, khoảng 4 năm trở lại đây, người dân Sa Lông còn có thêm nguồn thu nhập từ trồng dứa. Theo nhiều người dân, trồng 1 héc-ta lúa nương trung bình cho thu hoạch trên 1 tấn thóc, bán được từ 6 – 7 triệu đồng. Đó là chưa tính tới công cày, bừa, gặt hái, giống, phân bón. Còn cây dứa dễ trồng, vốn đầu tư ít, thời gian canh tác ngắn. Tính trung bình 1 héc-ta dứa cho thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/vụ, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa nương. Chính vì vậy, đến nay diện tích trồng dứa của Sa Lông đã tăng gấp 3 – 4 lần.

Nông dân tự trồng và tự tiêu thụ sản phẩm

Việc sử dụng các loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập cho bà con, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay lại là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để cây khoai sọ phát triển bền vững và phát huy hiệu quả kinh tế, xã Sa Lông đã đề nghị huyện Mường Chà có cơ chế hỗ trợ giống và phân bón để người dân cải tạo những diện tích đất xấu để trồng khoai sọ. Từ đó, góp phần tăng diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù vậy, về đầu ra cho sản phẩm thì khoai sọ vẫn chỉ được bán tại địa bàn tỉnh và một vài tỉnh lân cận theo hướng nhỏ, lẻ. Huyện Mường Chà và bản thân các hộ trồng khoai vẫn chưa tìm được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Với cây dứa cũng vậy. Hiện nay, gần như 100% hộ trồng dứa phải chở dứa đi bán ở thị trường khác. Đã xảy ra tình trạng, một số hộ thu hoạch dứa nhiều không bán kịp đành đổ bỏ. Nhiều hộ tự xoay xở bằng cách bán lẻ dứa ở ven đường hoặc tại chợ thành phố. Trên thực tế, một vài năm trở lại đây, dứa Mường Chà tiêu thụ chậm trong khi diện tích trồng tăng nhanh qua các năm. Năm 2011, toàn huyện có khoảng 15 héc-ta dứa thì đến nay diện tích trồng dứa tăng gấp 3 lần. Trước tình hình này, huyện đã chỉ đạo các xã khuyến cáo người dân hạn chế trồng dứa. Tuy nhiên, cây dứa không thuộc cơ cấu cây trồng của huyện nên rất khó hạn chế người dân mở rộng diện tích. Cũng chính vì cây dứa không thuộc cơ cấu cây trồng nên huyện Mường Chà chưa có quy hoạch cũng như định hướng phát triển cây dứa và theo đó, kế hoạch tìm đầu ra cho sản phẩm dứa cũng không có. Do đó, hàng năm, người nông dân Mường Chà đều tự trồng, tự thu hoạch và tự tiêu thụ sản phẩm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bắc Giang: Ký kết thu mua vải thiều với Australia và Malaysia

Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp một số doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều của Việt Nam, Australia, Malaysia ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều năm 2016. Năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục nâng diện tích sản xuất vải thiều theo quy trình sạch như: VietGAP, GlobalGAP với 15 mã vùng được Mỹ cấp phép. Ngay từ đầu tháng 5, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động xúc tiến quả vải cả ở thị trường trong và ngoài nước. Vụ vải năm 2016, tỉnh đã phối hợp một số doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều của Việt Nam, Australia, Malaysia ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều. Trên cơ sở ký kết sẽ tăng cường hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với các doanh nghiệp trong tiêu thụ vải thiều. Đồng thời khẳng định, các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thu mua vải thiều. Các doanh nghiệp thu mua vải thiều trong và ngoài nước cũng đánh giá cao chất lượng quả vải thiều Bắc Giang. Đồng thời hy vọng chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm sản xuất quả vải theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn chất lượng. Trên cơ sở đó, tỉnh Bắc Giang lựa chọn vùng sản xuất vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, giới thiệu các doanh nghiệp đủ năng lực sơ chế, đóng gói, bảo quản cho các doanh nghiệp Malaysia, Australia, hỗ trợ quảng bá, đưa quả vải sang thị trường các nước này. Về phía doanh nghiệp Malaysia, Australia sẽ tiến hành tổ chức thu mua vải thiều theo hợp đồng ký kết, quảng bá quả vải tại thị trường 2 nước.

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, năm nay, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 30.000 héc-ta, sản lượng ước đạt 130.000 tấn. Trong đó, hơn 12.500 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

Lào Cai: Mận Bắc Hà được mùa, được giá

Do thời tiết khô nóng kéo dài nên mùa thu hoạch mận ở Bắc Hà năm nay sớm hơn so với mọi năm. Dù vậy, vụ mùa này vẫn cho quả mận to, mẫu mã đẹp nên giá cao hơn gấp 2 - 3 lần so với vụ trước. Bắc Hà không chỉ nổi tiếng với mận tam hoa mà còn nổi tiếng với nhiều loại mận khác như mận hậu, tả van, tả hoàng ly, trái thơm và mận tím được trồng ở khu vực thượng huyện. Mận địa phương ở Bắc Hà chỉ trồng được ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông như xã Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố, Bản Già, Lùng Cải, Lùng Phình…

Đặc điểm của cây mận địa phương, nhất là mận tả van, mận hậu chỉ trồng được ở những nơi có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình từ 15 - 18 độ C, có độ ẩm cao, gần khu vực có rừng nguyên sinh… Thông thường vào cuối tháng 6 và tháng 7 âm lịch mới là mùa thu hoạch mận địa phương. Nhưng năm nay do thời tiết khô nắng kéo dài nên mận địa phương đã chín sớm. Giá mận duy trì ổn định so với vụ trước. Tính trung bình, giá mận dao động đầu vụ chính vụ từ 15.000 – 30.000 đồng/kg mận chọn và xô, 50.000 – 70.000 đồng/kg mận ngố. Đến thời điểm giữa vụ, giá từ 7.000 – 15.000 đồng/kg mận xô, 20.000 – 30.000 đồng/kg mận chọn và mận ngố ổn định từ 50.000 -70.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Hà, ước tính vụ mận năm nay Bắc Hà sẽ thu hoạch được khoảng trên 3.000 tấn với diện tích mận cho thu hoạch là 564 héc-ta. Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng mận đã thay thế giống mận thuần chủng, chất lượng cao bằng giống đã được phục hồi, lai ghép tại Trại rau quả huyện. Ngoài ra, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, tự lai ghép giống, nên sản lượng cao hơn năm ngoái. Đây là tín hiệu vui giúp cây mận tam hoa khẳng định vị thế là cây chủ lực xóa nghèo, làm giàu của nông dân vùng cao Bắc Hà.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Cá ngừ đại dương bị ép giá vì chất lượng thấp

Tại các tỉnh Nam Trung bộ, giá cá ngừ đại dương hiện dao động ở mức 88.000 - 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 12.000 đồng/kg so với các tháng trước. Doanh nghiệp cho rằng, giá thấp như vậy là do chất lượng cá quá thấp. Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, chưa năm nào nghề câu cá ngừ đại dương lại khó khăn như năm nay, sản lượng đánh bắt rất thấp. Mỗi chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương kéo dài 20 - 25 ngày, với chi phí 70 - 100 triệu đồng/chuyến. Nhưng thực tế, chuyến biển vừa qua, mỗi tàu cá chỉ đạt sản lượng 1 - 1,5 tấn nên có đến 40% tàu cá hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở TP. Nha Trang thua lỗ nặng. Các tư thương mua cá ngừ đại dương cho biết, nguyên nhân khiến giá giảm là do sức tiêu thụ trên thị trường thế giới giảm.

Theo Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, việc tư thương ép giá bà con ngư dân là với lý do sức mua thị trường giảm. Tuy nhiên, Chi cục chỉ có thể yêu cầu thu mua đúng giá thị trường với những tư thương có tàu thu mua. Còn các tư thương trên bờ thì khó có thể can thiệp vì không thuộc phạm vi quản lý. Trước việc cá ngừ đại dương bị ép giá, nhiều ngư dân đã từng kiến nghị xây dựng chợ đấu giá cá ngừ đại dương để minh bạch thông tin, các doanh nghiệp, thương lái cùng nhau cạnh tranh, thu mua. Tuy nhiên, Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang), cho biết, hiện chợ đấu giá này vẫn chưa hình thành.

Cà Mau: Cung cấp 8 tỷ con giống tôm sạch

Năm 2016, tỉnh Cà Mau phấn đấu sản xuất và cung cấp 8 tỷ con tôm giống sạch cho người nuôi tôm.

Đây là nguồn tôm giống đạt các tiêu chuẩn, sản xuất tại chỗ, ghi rõ xuất xứ của tôm giống. Đặc biệt, tất cả tôm cung cấp cho người nuôi đều được thông qua kiểm dịch. Để đáp ứng đầy đủ nguồn tôm giống sạch cho người nuôi tôm, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch chương trình phát triển tôm giống giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, đến năm 2020 sẽ sản xuất 20 tỷ con giống. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình có điều kiện mở trại sản xuất tôm giống. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có từ 600 - 700 trại sản xuất tôm giống. Cùng thời điểm đó, nguồn tôm giống tại chỗ sẽ cung cấp đủ 100% nhu cầu của người nuôi tôm, không phải sử dụng nguồn tôm giống trôi nổi, kém chất lượng như từ trước đến nay. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới 290.000 héc-ta. Nhưng các trại sản xuất tôm giống tại chỗ chỉ có khả năng đáp ứng 70% nhu cầu cho người nuôi tôm, còn lại phải sử dụng nguồn giống trôi nổi, kém chất lượng. Từ đó dẫn tới tình trạng tôm nuôi bị dịch bệnh, năng suất thấp, thiếu tính bền vững.

Box: Tôm giống đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định thành công hay thất bại đối với người nuôi. Có nguồn giống sạch để thả nuôi xem như kết quả đạt được từ 70 - 80%. Đặc biệt, chất lượng con giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát bệnh đối với tôm nuôi. Do đó, tôm giống thả nuôi cần chọn mua từ các cơ sở sản xuất tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố, mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Sẽ thanh tra nước mắm đóng chai

Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho hay, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành một đợt thanh tra thị trường nước mắm, nước chấm đóng chai. Nguyên nhân do hiện nay có nhiều phản ảnh từ người tiêu dùng về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm. Có loại nước mắm không có chút cá nào mà chỉ có hương cá, vị cá, hoàn toàn không đúng với nước mắm truyền thống. Lẽ ra tên gọi của nó phải là nước chấm nhưng sản phẩm vẫn được đặt tên là nước mắm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chưa kể có nhiều loại phụ gia được sử dụng trong sản phẩm đang gây băn khoăn cho người tiêu dùng về độ an toàn… Đây sẽ là đợt thanh tra riêng về sản phẩm nước mắm, nước chấm đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây.

Nhận biết nước mắm Nam Ngư thật - giả

Trên thị trường một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thời gian qua đã xuất hiện nước mắm Nam Ngư nhái. Để nhận biết, bà con có thể dựa vào một số đặc điểm sau:

Nắp chai: Thông thường nắp chai Nam Ngư thật cũng giống nắp chai nước khoáng tức là khi mở sẽ vặn đứt các chân bám vào vòng tròn ở dưới. Nước mắm giả thì toàn bộ nắp dính chặt vào vòng khuyên tròn ở dưới, bà con không thể vặn được bằng tay. Biện pháp mở duy nhất là lấy dao cứa cắt đứt cái vòng ra.

Vỏ chai: Vỏ chai Nam Ngư giả chỗ gần cổ không sắc nét, có những chỗ bị chờm bị thừa nhựa.

Nhãn mác phía trước: Nhãn mác trên thân chai nước mắm giả nhòe và mờ hơn hàng thật. Hạn sử dụng thường được in rất nhỏ ở phía sau, bà con phải nhìn thật kỹ mới thấy. Còn hàng thật hạn sử dụng in to, rõ ràng ở ngay cổ chai.

“Loạn” mì chính giả

Do được sử dụng rộng rãi và phổ biến nên mì chính cũng là một trong những mặt hàng thường xuyên bị làm giả, làm nhái.

Hình thức giả, nhái phổ biến được nhiều hàng bán đồ khô, gia vị thường làm là lấy mì chính của các hãng nổi tiếng, pha thêm những chất có hình dáng tương tự như hàn the, phèn… rồi đóng gói lại bán cho người tiêu dùng. Hình thức giả thứ hai tinh vi và phức tạp hơn do sản phẩm được làm giả từ gốc. Phần lớn mì chính giả loại này đều được nhập từ Trung Quốc, đóng trong những bao tải 50 kg. Sau khi nhập về, các đại lý thuê người chia nhỏ để đóng gói vào các loại túi theo trọng lượng 200g, 400g, 900g, 1kg, 2kg. Khách yêu cầu bao bì, nhãn mác của thương hiệu lớn nào sẽ có thương hiệu đó ngay. Giá xuất buôn cho các đầu mối giá rẻ chỉ bằng một nửa mì chính do công ty sản xuất. Chênh lệch giữa 2 loại hàng này bán tại các đại lý cũng rất cao. Hàng giá rẻ chỉ 18.000 đồng/gói nhãn hiệu Ajnomoto 400g, còn hàng công ty cùng loại, cùng trọng lượng giá lên đến 27.000 đồng/gói. Do chênh lệch giá cao nên nhiều người bán hàng vì hám lợi mà đã mua mì chính giả để về bán lại cho bà con. Nếu chỉ nhìn hình thức bên ngoài, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả. Bởi trên thực tế, bao bì của hàng giả chính là bao bì của công ty bị tuồn ra ngoài và được dân làm hàng giả mua lại. Nói theo cách dễ hiểu thì mì chính ruột Trung Quốc còn vỏ công ty. Để phân biệt, bà con phải nhìn thật kỹ vào 4 mép của gói mì chính. Đối với hàng giả, mép trên của gói mì chính do được dập bằng máy thủ công nên phần mép dập đó thỉnh thoảng vẫn có những nốt nhỏ lấm tấm. Sờ mép dập này có cảm giác cứng cứng, không được mềm mại như ba mép dập còn lại. Trong khi đó, mì chính của công ty sản xuất, 4 mép dập đều như nhau, mềm, mịn, không có những nốt lấm tấm. Cách thứ hai là nhìn cánh mì chính. Mì chính giả cánh thường sắc, không vuông thành, mì chính thật cánh nhìn vuông góc.

HÀNG VIỆT

Về Phja Đén, thưởng thức trà sạch đặc biệt

Đến Phja Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), ghé thăm Công ty TNHH Kolia, du khách sẽ được thưởng thức chè sạch đặc biệt, với hương vị khó quên.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc – Quản lý Công ty TNHH Kolia có niềm đam mê chè hiếm thấy. Ông Ngọc chia sẻ, ngay từ ngày đầu biết đến Phja Đén, ông đã bị mảnh đất này mê hoặc. Năm 2011, ông Ngọc quyết định triển khai trồng 20 héc-ta chè tại Phja Đén gồm các loại: Chè Ô Long, Bạch hạc Ô Long, chè xanh Ô Long, Long Tỉnh, Bát tiên, Kim Tuyên…

Để có sản phẩm chè sạch, thơm ngon đặc biệt, cạnh tranh với nhiều sản phẩm chè đã nổi tiếng, ông Ngọc mời nhiều chuyên gia từ Trung tâm phát triển Chè Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tư vấn để trồng chè theo tiêu chuẩn sạch Oganic quốc tế (không dùng bất cứ một loại hóa chất nào trong chăm bón, phòng bệnh cho cây). Ông Ngọc còn chủ động đi sang xứ sở chè nổi tiếng là Đài Loan để học hỏi kỹ thuật trồng, xao sấy, tẩm ướp chè… “Ngoài lợi thế thổ nhưỡng khí hậu, khi chăm bón, muốn chè sạch phải chọn phân hữu cơ có chất dinh dưỡng phù hợp với từng loại chè, để thúc đẩy tạo hương chè riêng biệt ngay từ khi cây đang sinh trưởng” - ông Ngọc lý giải cho việc vì sao song song với việc trồng chè, ông lại chăn nuôi cả vài trăm con gà, lợn, thỏ ở Phja Đén để lấy phân hữu cơ bón cho cây chè. Đồng thời ông khẳng định: “Sản phẩm chè của Công ty TNHH Kolia không hề sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào”.

Hiện diện tích trồng chè của Công ty TNHH Kolia đã tăng lên hơn 40 héc-ta, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động là người Dao đỏ, Dao tiền, Nùng... Chè Kolia không chỉ có chất lượng thơm ngon, an toàn mà mẫu mã bao bì cũng rất đẹp. Sản phẩm đã xuất khẩu sang: Trung Quốc, Đài Loan, Canada... và nhận được sự khen ngợi từ cả những người sành chè nhất.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)