Thông tin giá cả thị trường số 12/2019

09:16 AM 05/04/2019 |   Lượt xem: 4706 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Trị: Mở rộng diện tích cây chanh leo

Ngày 6/3/2019, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, UBND các huyện: Cam Lộ, Đắk Rông, Hướng Hóa và Vĩnh Linh đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển diện tích trồng cây chanh leo. Theo đó, quy mô dự kiến phát triển năm 2019 -  2020 là 100 héc-ta, định hướng đạt 500 héc-ta vào năm 2025.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã đầu tư trồng cây chanh leo. Mặc dù chưa có được đầu ra ổn định nhung sản phẩm của các hộ dân được tiêu thụ tốt trên thị trường, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng truyền thống khác. Việc ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển diện tích trồng cây chanh leo là cơ sở để bà con tích cực tham gia dự án. Đến nay, các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Đắk Rông và Vĩnh Linh đang tích cực đẩy mạnh công tác rà soát lại quỹ đất trên địa bàn huyện và tuyên truyền về hiệu quả trồng cây chanh leo ở một số tỉnh khác cho nông dân biết để có thể đăng ký tham gia mô hình này. Đối với huyện Vĩnh Linh, lãnh đạo huyện đăng ký thực hiện mô hình hợp tác với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc với diện tích khoảng 40 héc-ta, tiến hành trồng ở các xã: Vĩnh Thủy, Vĩnh Trung, Vĩnh Nam và thị trấn Bến Quan.

Trên thực tế, từ năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã nghiên cứu, kết nối với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để phát triển cây chanh leo ở Hướng Hóa với mục đích khai thác tối đa lợi thế tự nhiên gắn với từng vùng sinh thái. Ngày 3/5/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng và thu mua chanh leo giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Công ty cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán chanh leo; cam kết thu mua 100% sản phẩm quả chanh leo do nông dân triển khai trồng và chăm sóc trên diện tích hai bên thống nhất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi, giám sát mô hình…

Hứa hẹn nguồn thu nhập cao

Trên cơ sở đó, tháng 10/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị triển khai xây dựng dự án phát triển cây chanh leo với quy mô 12 héc-ta tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập (Hướng Hóa) với 18 hộ gia đình tham gia. Đến nay, cây chanh leo đã trồng được gần 5 tháng, cây phát triển tốt, cho thu hoạch vào tháng 4 - 5/2019. Dự kiến thu trong năm thứ nhất đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/héc-ta/năm, trong đó, phần chi hơn 124 triệu đồng/năm (đã tính khấu hao vật liệu giống, hệ thống tưới trong 3 năm); nếu không có hỗ trợ sẽ lãi hơn 75 triệu đồng/héc-ta/năm; nếu tính phần công ty hỗ trợ, sẽ thu lãi hơn 101 triệu đồng/héc-ta/năm.

Những tín hiệu tích cực từ khi khởi động dự án 12 héc-ta trồng chanh leo tại huyện Hướng Hóa và quá trình mở rộng diện tích ra các huyện khác đã hứa hẹn về một dự án trồng chanh leo quy mô lớn, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tiếp tục công tác khảo sát tiềm năng ở các vùng các trên địa bàn Quảng Trị để có kế hoạch mở rộng diện tích cây chanh leo. Ngoài 12 héc-ta mà công ty đang thực hiện ở huyện Hướng Hóa, hiện cũng có nhiều nơi ở vùng Lìa, thị trấn Lao Bảo… tổ chức trồng cây chanh leo với diện tích hơn 10 héc-ta. Ở huyện Vĩnh Linh cũng có nhiều địa phương trồng cây chanh leo, trong đó đạt kết quả cao là ở xã Vĩnh Thủy qua 3 năm trồng thử nghiệm ở một số hộ gia đình và sử dụng đúng giống cây chanh leo mà công ty đang cung cấp trên thị trường.

Trên cơ sở kết quả dự án với quy mô ban đầu 12 héc-ta và qua quá trình khảo sát thực tế ở nhiều địa phương khác, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc khảo sát, mở rộng thêm diện tích trồng chanh leo ra địa bàn có điều kiện phù hợp với sự phát triển của cây chanh leo. Đồng thời, nghiên cứu để sản xuất chanh leo theo hướng hữu cơ, an toàn, đạt các chứng nhận về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hướng dẫn xuất khẩu vải tươi sang Trung Quốc

Sở NN-PTNT Bắc Giang đã có văn bản hướng dẫn về điều kiện xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Trung Quốc.

Theo đó, quả vải tươi xuất khẩu phải được thu mua tại các vùng trồng đã đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận. Khi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua, đóng gói phải thực hiện các quy định của phía Trung Quốc. Trên bao bì, thùng, kiện nhất thiết phải ghi tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh; ghi rõ tên hoa quả, nơi sản xuất, nơi đóng gói hoặc mã số theo mẫu, số đăng ký là mã số hồ sơ mà cơ quan kiểm dịch cấp khi làm thủ tục xuất khẩu, ghi rõ “Vận chuyển đến Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

Về điều kiện sản xuất: Người sản xuất phải áp dụng các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đúng theo quy trình khuyến cáo. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải phun các loại thuốc trong danh mục, thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì. Tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục hoặc chưa được phép sử dụng trên cây ăn quả.

Sở NN-PTNT Bắc Giang yêu cầu UBND các huyện, thành phố thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn biết để chuẩn bị các điều kiện cho xuất khẩu vải theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn các hộ sản xuất thực hiện đúng quy trình sản xuất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu.

Hiện toàn tỉnh Bắc Giang đã đăng ký 149 mã vườn trồng và 7 cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc chấp nhận.

Miền Tây vào vụ mau bán rơm

Tháng 3, trên khắp đồng quê miền Tây, bà con đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân. Đây là thời điểm khởi động cho mùa rơm lớn nhất trong năm. Năm nay, việc mua bán rơm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và rầm rộ hơn cả mua bán lúa.

Trên các tuyến đường tỉnh Long An, Quốc lộ N2, Quốc lộ 62,... những chiếc xe tải đầy ắp rơm chạy hối hả từ sáng sớm đến chiều tối. Dưới đồng ruộng, không khí ngày mùa cũng sôi động hẳn lên khi xuất hiện nhiều máy cuốn rơm xen lẫn máy cắt lúa hoạt động liên tục. Năm nay, nhu cầu tiêu thụ rơm lớn nên giá rơm từ 600.000 - 700.000 đồng/héc-ta đã tăng lên 900.000 đồng/héc-ta. Trong khi đó, mấy năm trước, rơm không ai mua, nông dân phải tốn tiền, tốn sức đốt rơm. Vài năm trở lại đây, nhiều thương lái tìm đến mua rơm, bà con tranh thủ bán hết rơm là có đủ tiền xới đất. Không chỉ các hộ chăn nuôi trâu, bò cần rơm bổ sung cho thức ăn gia súc mà nông dân trồng trọt cũng cần rơm để che gốc thanh long, cà phê hoặc dùng để trồng nấm. Cứ thế, rơm theo chân thương lái đi khắp nơi, trong tỉnh, ngoài tỉnh, hết Đồng bằng sông Cửu Long đến miền Đông Nam bộ. Thậm chí, nhiều thương lái không thu mua được rơm phải thuê người làm chân rết để cạnh tranh với nhiều thương lái khác.

Trung bình 1 héc-ta đất sản xuất thu được 140 - 150 cuộn rơm. Rơm rất hút hàng nên vừa cuộn xong, thương lái chưa kịp bán đã có người tìm đến mua để giao lại cho nhà vườn với giá từ 17.000 - 20.000 đồng/cuộn. Đó là vụ đông xuân, còn vụ hè thu hoặc vụ 3, rơm khan hiếm nên giá được đẩy lên 20.000 - 22.000 đồng/cuộn. Thu mua rơm dần trở thành một ngành nghề thực thụ, không chỉ giúp bà con tăng thu nhập mà còn tạo ra việc làm thường xuyên cho người lao động.

Nguồn rơm cuộn nhiều nhất là ở vùng trọng điểm sản xuất lúa: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ... Việc thu mua rơm diễn ra quanh năm, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng quê Nam bộ.     

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng Tháp: Giá trứng vịt giảm

Thời điểm hiện tại, người nuôi vịt tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang lo lắng vì giá trứng vịt giảm. Giá trứng vịt loại lớn bán ra 16.000 đồng/chục (loại 1); trứng vịt thu gom tại ruộng giá chỉ từ 12.000 – 13.000 đồng/chục, giảm khoảng 12.000 đồng/chục so với thời điểm tháng 1/2019. Nguyên nhân khiến giá trứng vịt giảm do lượng dự trữ tại các doanh nghiệp còn khá lớn nên cung vượt cầu. Bên cạnh đó, giá trứng giảm do sau Tết Nguyên đán xu hướng tiêu dùng mặt hàng này không nhiều. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi vịt lấy trứng lo ngại không có lời do chi phí đầu tư tăng cao.

Nghệ An: Dứa đầu vụ giảm giá

Dù mới vào đầu vụ nhưng giá dứa đã “rơi” xuống mức thấp kỷ lục, khiến người dân tại vựa dứa xứ Nghệ lao đao, điêu đứng.

Huyện Quỳnh Lưu được xem là vựa dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An. Cây dứa cũng được xem là loại cây trồng chủ lực tại đây, giúp người dân cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Các vụ trước, giá dứa duy trì ở mức từ 6.000 – 7000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Vụ này, dù mới chỉ là đầu vụ nhưng giá dứa bỗng giảm đột ngột, chỉ còn chưa bằng một nửa so với năm trước khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng. Giá dứa loại quả to chỉ khoảng 3.000 – 3.500 đồng/kg, loại nhỏ chỉ khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg. Với giá này, mỗi héc-ta trồng dứa người dân sẽ phải chịu lỗ từ 20 – 30 triệu đồng.

Mặc dù giá dứa rẻ nhưng các hộ trồng dứa cũng khó bán, vì hầu hết các thương lái trên địa bàn đều không thu mua mà chủ yếu là các thương lái từ nơi khác về mua đi phân phối khắp các vùng lân cận. Những hộ không có thương lái đến thu mua nên đành tự bẻ dứa đi bán ở một số chợ, song số lượng rất ít không đáng kể vì dứa chín đại trà nên dẫn tới hư hỏng nhiều.

Tiền Giang: Thương lái ồ ạt gom mua mít Thái

Các nhà vườn xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, mít Thái đang được các thương lái Trung Quốc thu gom mạnh. Nếu năm ngoái, nhà vườn bán giá 45.000 đồng/kg thì năm nay thương lái trả 65.000 đồng/kg. Mặc dù giá tăng nhưng các nhà vườn cũng không cung cấp đủ số lượng thương lái Trung Quốc yêu cầu.

Toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 3.700 héc-ta mít Thái siêu sớm và còn đang tăng mạnh bởi bà con tranh thủ thời cơ mít có giá đua nhau cải tạo đất đai, mở rộng diện tích theo mô hình chuyên canh hoặc xen canh trong vườn trồng các cây ăn quả khác. Mít Thái có ưu điểm là trái to, tròn, cho trái gần như quanh năm. Mặt khác, loại cây này dễ trồng, năng suất và sản lượng cùng đầu ra thuận lợi. Vì vậy, những năm gần đây, mít Thái siêu sớm đã trở thành cây làm giàu cho nông dân các huyện vùng ngập lũ đầu nguồn tỉnh Tiền Giang như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước.

Hậu Giang: Chanh không hạt tăng giá

Hiện nay, giá chanh không hạt bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố Vị Thanh là 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Trong khi đó, giá thu mua của thương lái tại một số vườn ở huyện Châu Thành hiện nay từ 18.000 - 21.000 đồng/kg, tùy loại. Theo một số tiểu thương bán mặt hàng này, việc tăng giá là do thị trường tiêu thụ chanh tăng mạnh trong mùa nắng nóng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Hậu Giang có diện tích chanh không hạt 700 héc-ta được trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành. Thời gian qua, do tiêu thụ tốt nên người dân chuyển đổi từ đất ruộng và cải tạo vườn tạp sang trồng chanh. Nhờ trồng chanh không hạt mà đời sống của bà con đã có nhiều khởi sắc, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Ớt đầu mùa giá tăng, tiêu thụ tốt

Ớt được thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc tăng giá mạnh so với năm ngoái giúp nông dân Quảng Ngãi, Bình Định lãi tiền triệu sau vài đợt hái.

Hiện giá ớt tăng liên tục từ 20.000 lên 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng thu mua không cao, các thương lái chỉ thu mua ớt đạt chất lượng, không bị sứt mẻ, đen cuống... Giá ớt tươi thành phẩm sau khi đóng vào khay lên 35.000 đồng/kg. Với ớt bị loại bỏ, nông dân phơi để bán trong nước.

Tại huyện Bình Sơn, vựa ớt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, các hộ trồng ớt đang tập trung thu hoạch vì ớt được giá cao. Do giá ớt không ổn định, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi không khuyến khích và bà con cũng chủ động giảm diện tích trồng. Theo số liệu sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn, diện tích ớt hiện chỉ còn 520 héc-ta, giảm 150 héc-ta so với năm ngoái.

Tương tự Quảng Ngãi, cây ớt ở Bình Định nhiều năm nay có đầu ra chủ yếu là thị trường Trung Quốc, song giá cả không ổn định nên bà con không mở rộng diện tích. Hiện diện tích ớt toàn huyện Phù Mỹ còn 890 héc-ta, giảm 200 héc-ta so với năm ngoái.

Tại huyện Phù Mỹ, “thủ phủ” ớt của Bình Định, giá ớt chỉ thiên tăng lên 30.000 - 32.000 đồng/kg, ớt chỉ địa lên đến 25.000 đồng/kg. Bà con thu lãi khá từ cây ớt. Những địa phương có nhiều diện tích ớt đang cho thu hoạch rộ trên địa bàn huyện Phù Mỹ là các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Quang, Mỹ Chánh Tây và thị trấn Phù Mỹ. Năm nay, năng suất ớt bình quân trên địa bàn huyện Phù Mỹ là 16 tấn/héc-ta, vị chi là 800 kg/sào (500m2).  Trong khi đó, bình quân mỗi sào ớt được đầu tư từ khâu làm đất, mua giống, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật… đến khi thu hoạch mất khoảng 5 triệu đồng.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Quảng Nam: Tiêu hủy nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc

Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đã tiến hành tiêu hủy số lượng hàng hóa, tang vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Số hàng hóa bị tiêu hủy do các Đội quản lý thị trường tịch thu từ giữa năm 2018 đến tháng 3/2019. Theo đó, tổng số hàng hóa bị tịch thu gồm nhiều loại sản phẩm với khoảng 16 chủng loại như: 1.000 đồng hồ casio các loại; hơn 1 tấn đồ chơi trẻ em; 600 lon café uống liền Nescafe ExtraRich; hơn 135 chai rượu ngoại các loại; hơn 2.500 bao thuốc lá các loại... Tất cả các sản phẩm bị tiêu hủy lần này đều xếp vào hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng không được phép lưu thông trên thị trường. Trong đó, các mặt hàng thuốc lá, rượu, đồng hồ, đồ chơi trẻ em và các loại mỹ phẩm chiếm số lượng lớn. Tổng trị giá đợt tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.

Lào Cai: Tiêu hủy bánh nhập lậu từ Trung Quốc

Trung tuần tháng 3/2019, Công an huyện Bảo Thắng đã thành lập hội đồng và tổ chức tiêu hủy gần 800 kg bánh các loại nhập lậu từ Trung Quốc vận chuyển và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Trước đó, ngày 21/01/2019, Công an huyện Bảo Thắng đã kiểm tra 2 xe ô tô của Công ty cổ phần giao hàng tiết kiệm (địa chỉ tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) đã phát hiện gần 800 kg bánh các loại do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tại cơ quan điều tra, đại diện công ty khai nhận vận chuyển thuê số hàng hóa này từ khu vực biên giới về Hà Nội tiêu thụ và không xác định được chủ lô hàng.

Công an huyện Bảo Thắng đã ra quyết định tịch thu toàn bộ lô hàng theo quy định, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần giao hàng tiết kiệm tại Hà Nội số tiền 16 triệu đồng về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

HÀNG VIỆT

Các sản phẩm từ cỏ bàng Phú Mỹ: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ đã có từ nhiều thế kỷ của người Khmer trên vùng biên giới thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cỏ bàng Phú Mỹ nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con.

Sống giữa vùng đất phèn mặn, đồng bào Khmer đã kiên nhẫn biến cỏ bàng thành hàng hóa với các sản phẩm sinh hoạt và mỹ nghệ mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nghề đan bàng của Kiên Giang khởi sắc hơn khi dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” được triển khai. Dự án đã góp phần giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer. Bà con tham gia trong các dự án được tập huấn kỹ năng quản lý đồng cỏ, phương pháp canh tác, thu hoạch, đan lát, tiếp thị và kinh doanh sản phẩm.

Từ đầu 2016, tỉnh Kiên Giang đã quyết định thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ với tổng diện tích khoảng 2.700 héc-ta. Mục tiêu của khu bảo tồn là bảo tồn đa dạng sinh học, ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, quản lý việc khai thác hợp lý, không làm kiệt quệ hệ sinh thái đồng cỏ. Từ đó đảm bảo phát triển được làng nghề truyền thống bền vững và sinh kế ổn định cho đồng bào…

Trước đây, bà con người Khmer chủ yếu đan đệm, cà ròn. Nhưng, theo xu thế của thị trường và được hỗ trợ dạy nghề nên bà con đã biết đan rất nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng. Trong đó có các sản phẩm chính như túi thời trang, đồ gia dụng, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng và bao bì thương hiệu. Nghề đan cỏ bàng hiện còn nhiều tiềm năng vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, rất được thị trường ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển. Công việc đan lát các sản phẩm từ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, thích hợp cho cả phụ nữ và trẻ em tham gia. Bà con làm ra các sản phẩm rất đa dạng như: Đệm, túi xách, đồ gia dụng… Những sản phẩm làm ra hoa văn rất tinh xảo mà vẫn mang đậm hồn quê. Đặc biệt, bà con không thích làm hàng theo mẫu mã sẵn có mà còn tự mày mò nghiên cứu, cải tiến và thiết kế ra các sản phẩm với mẫu mã mới lạ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động nhận việc làm các sản phẩm cỏ bàng; trong đó, có 90% là bà con người Khmer. Thu nhập bình quân ổn định cho mỗi người khoảng 3 triệu đồng/tháng là khá ổn đối với mức sống của bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới. Các sản phẩm cỏ bàng do bà con làm ra được Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đảm bảo đầu ra. Thị trường xuất đi nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và trong nước có TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc và một số điểm du lịch trong khu vực Nam bộ. Đời sống của bà con vùng đồng cỏ bàng ngày càng được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn đang từng ngày khởi sắc.

Theo đánh giá sơ bộ, dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ đã thành công qua việc phát triển làng nghề đan cỏ bàng một cách bền vững. Thời gian qua, khu bảo tồn đã phối hợp với Hội Sếu quốc tế thực hiện “Xây dựng mô hình trồng cỏ bàng trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ”; tổ chức đoàn công tác tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành, phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn chim Bạc Liêu, Khu bảo tồn Đồng tháp, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Vườn quốc gia Cần Giờ, Vườn quốc gia Yok Đôn; tham quan làng nghề cỏ bàng ở Tiền Giang nhằm nâng cao trình độ năng lực cho công nhân viên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển làng nghề.

 

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)