Thông tin giá cả thị trường số 17/2016

11:04 AM 12/08/2016 |   Lượt xem: 3706 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mùa mưa lũ

Hàng năm, các tỉnh miền núi phía Bắc luôn phải hứng chịu nhiều thiên tai gây thiệt hại lớn về người và của. Để chủ động cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân, đặc biệt người dân tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, Sở Công Thương các tỉnh vùng Tây Bắc đã chủ động các kế hoạch triển khai dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai trên cơ sở chủ động, không để thiếu hàng, sốt giá.

Nhu cầu hàng hóa thiết yếu lớn

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) các tỉnh phía Bắc từ đầu năm đến nay ở 4 tỉnh điển hình như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xảy ra nhiều đợt thiên tai, mưa lũ kèm gió lốc gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng đầu năm 2016 của Điện Biên là 283 tỷ đồng, Sơn La 286 tỷ đồng, Hòa Bình 23,7 tỷ đồng, Lai Châu trên 27,4 tỷ đồng.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Tây Bắc, mặc dù thời gian qua, công tác PCTT đã được triển khai tích cực, song phương án PCTT ở một số huyện, xã vùng sâu, vùng xa còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế, nhất là nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ mùa mưa lũ. Cụ thể, từ thực tế những đợt bão trước đây, nhu cầu thị trường đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng như: Tôn, đinh, ốc vít, dây thép… ở địa phương miền núi là rất lớn trong khi kế hoạch dự trữ hầu như rất ít. Nguồn cung các mặt hàng này luôn bị động vì phải phụ thuộc từ các tỉnh thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hòa Bình, những mặt hàng vật liệu xây dựng và các mặt hàng thiết yếu cần được các ngành chức năng có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị nguồn cung cho thị trường khi bão lụt xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, do tình hình kinh tế khó khăn cho nên một số doanh nghiệp của tỉnh chưa chú trọng đến hàng hóa dự trữ phục vụ phòng chống lụt bão.

Chủ động nguồn hàng, ổn định giá cả

Liên quan đến đảm bảo cung ứng hàng hóa tại các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, ông Hoàng Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT năm 2016. Dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư đầy đủ, cung cấp kịp thời bảo đảm không để xảy ra khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa, kể cả những khu vực bị bão lũ chia cắt.

Theo ông Nguyễn Văn Tưởng - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên, tại thời điểm này tỉnh đã dành hơn 8 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa lũ, trong đó dự trữ trên 100 tấn gạo, 16.000 thùng mì ăn liền, xăng dầu, cùng nhiều mặt hàng khác… Lượng hàng hóa này đã cung cấp đến các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các xã, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để khi có ách tắc giao thông xảy ra vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt của bà con, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đối với tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Sỹ Chín - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã ban hành văn bản gửi các huyện, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai thực hiện công tác PCTT và dự trữ hàng hóa năm 2016. Theo đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT năm 2016 bao gồm 413.600 thùng mỳ ăn liền; 950 tấn gạo; các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác khoảng 2.156 tấn. Trên 1 triệu lít xăng; 1,0 triệu lít dầu diesel; 32.000 lít dầu hỏa. Các loại hàng hóa khác với giá trị khoảng 204 tỷ đồng… “Trong trường hợp các vùng bị chia cắt lâu ngày Sở cũng huy động hết nguồn dự trữ tại địa phương, các đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại các vùng lân cận vận chuyển hàng hóa tới vùng bị chia cắt” - ông Chín chia sẻ.

Sở Công Thương các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá cả, chất lượng hàng hóa tại các địa bàn xảy ra lũ lụt, thực hiện nghiêm quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, không để thiếu hàng.

MUA GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Người nuôi cá tra lỗ nặng

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn 18.000 -19.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Với mức giá này, người nuôi thua lỗ từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Dù vậy, sức tiêu thụ vẫn rất kém. Thị trường châu Âu và Trung Quốc đang trầm lắng do đồng tiền mất giá và nhu cầu giảm. Trong khi xuất sang Mỹ thì bị kiểm tra toàn bộ 100% lô hàng, phải đảm bảo các quy định khắt khe về hàng rào kỹ thuật, nên mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Việc giá xuất khẩu quá thấp như hiện nay còn do chính các nhà xuất khẩu cạnh tranh gay gắt muốn giành đơn hàng đã giảm giá bán sát đáy, kéo theo là giảm chất lượng, giảm giá thu mua. Các nhà nhập khẩu biết được điều này nên càng trả giá thấp. Các doanh nghiệp dự báo, cuối tháng 9 này, tình hình tiêu thụ, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại khi các thị trường lớn tập trung cho đơn hàng dịp cuối năm.

Đồng Nai: Chôm chôm cuối vụ được mùa, được giá

Hiện người trồng chôm chôm Thái ở huyện Thống Nhất đang thu hoạch cuối vụ được mùa, được giá. Bà con đang thu hoạch với năng suất khoảng 20 tấn/héc-ta, tăng khoảng 2 tấn/héc-ta so với cùng kỳ. Giá chôm chôm Thái cuối vụ đang ở mức 21.000 – 22.000 đồng/kg. Với năng suất và giá đều tăng, mỗi héc-ta chôm chôm Thái sau khi thu hoạch trừ các chi phí đầu tư, người trồng thu lời trên 200 triệu đồng/héc-ta, tăng rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích.

Giá trứng vịt vào mùa Trung thu vẫn thấp

Hiện nay trứng vịt tươi từ các chủ trại nuôi vịt chạy đồng ở các tỉnh miền Tây đang được các cơ sở chế biến trứng vịt muối thu mua nhiều. Trứng vịt tươi chế biến trứng vịt muối là một trong những nguyên liệu chính của nhân bánh Trung thu. Hằng năm, trứng vịt muối cao điểm hút hàng chỉ kéo dài hơn một tháng, bắt đầu từ rằm tháng 6 âm lịch và các cơ sở xuất khẩu trứng ngưng mua trứng tươi trước Tết Trung thu khoảng mươi ngày. Tuy nhiên, khác với thông lệ hàng năm, đến thời điểm này, giá trứng vịt không tăng mà vẫn ở mức thấp. Giá thương lái bán sỉ cho một số chủ doanh nghiệp xuất khẩu trứng muối là 1.600 - 1.700 đồng/quả (loại trứng trọng lượng 62 gam/quả). Giá trứng vịt tươi loại quả to hơn chở về TP. Hồ Chí Minh bán sỉ khoảng 1.900 - 2.000 đồng/quả.

Quảng Nam: Đu đủ mất mùa, giá thấp

Mới đầu vụ nhưng các cánh đồng đu đủ thôn Bàu Tròn, Đông Tây (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã có dấu hiệu mất mùa, mất giá.
Là loại cây trồng cho thu nhập khá, kinh tế ổn định nhưng năm nay, dù mới đầu vụ, các cánh đồng đu đủ ở cánh đồng rau Bàu Tròn, Đông Tây đã có dấu hiệu mất mùa. Cây không còn sai trĩu quả như các năm trước, giá cả cũng thấp hơn.

Hiện đu đủ xanh (giống Quảng Ngãi) được thu mua với giá 2.500 - 3.500 đồng/kg, đu đủ chín (giống Sinta) thu mua với giá từ 7.000 - 7.500 đồng/kg. Mọi năm đầu vụ giá đu đủ xanh được thu mua 5.000 đồng/kg, đu đủ chín/ươm vàng thu mua giá 9.000 - 12.000 đồng/kg. Theo những người nông dân ở đây cho biết, các cây đu đủ dù giống Quảng Ngãi hay giống Sinta đều không sai trái. Có nhiều cánh đồng đu đủ chỉ đậu trái khoảng 50% so với năm trước, người dân hiện giờ chỉ mong bù lại vốn chứ chưa dám mong lời lãi gì.
Hiện tại, người dân chỉ còn biết hy vọng vào những trái đu đủ mọc trên cao sẽ cho trái đạt vào tháng 8 với điều kiện không có lụt bão. Nguyên nhân mất mùa đu đủ hiện giờ vẫn chưa xác định được, có thể do giống cây trồng hoặc do yếu tố thời tiết.

BÁN GÌ

Hoa Kỳ sắp cấp phép nhập khẩu cho quả vú sữa

Dự kiến vào quý 4 năm 2016, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ cho phép nhập khẩu thêm quả vú sữa của Việt Nam. Hiện Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn tất bản báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại để đánh giá những nguy cơ liên quan đến việc nhập khẩu quả vú sữa tươi từ Việt Nam vào Hoa Kỳ. Theo đó, APHIS kết luận quả vú sữa tươi từ Việt Nam là an toàn để nhập khẩu vào lục địa Hoa Kỳ và chỉ cần áp dụng một hoặc vài tiêu chuẩn về vệ sinh thực vật nhất định là có thể làm giảm bớt những nguy cơ của việc xâm nhập hay lan truyền sâu bọ thực vật hoặc dịch hại. Những tiêu chuẩn này gồm: Quả vú sữa tươi chỉ được nhập khẩu như hàng hóa thương mại; mỗi chuyến hàng xuất khẩu quả vú sữa tươi đều phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp; mỗi chuyến hàng xuất khẩu quả vú sữa tươi phải được xử lý đúng quy định theo mục 7 phần 305 của Luật về các quy định của Liên bang (CFR); mỗi chuyến hàng xuất khẩu đều là đối tượng kiểm tra ngay khi cập cảng vào Hoa Kỳ. Trong thời gian từ nay đến 19/9/2016, cơ quan này sẽ nhận đóng góp ý của các bên liên quan. Sau khi xem xét mọi ý kiến đóng góp, nếu toàn bộ phân tích kết luận của APHIS và người chịu trách nhiệm xác định nguy cơ dịch hại vẫn không thay đổi, APHIS sẽ cho công bố quyết định cho phép nhập khẩu loại quả này từ Việt Nam vào Hoa Kỳ trong một thông báo chính thức sau. Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt hàng và sẵn sàng cung cấp sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ ngay khi có thông báo chính thức. M.L

Nhiều cơ hội cho cá tra Việt vào thị trường Anh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), những năm qua, vương quốc Anh là 1 trong 4 thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất tại khu vực Liên minh châu Âu. Quý 2 năm 2016, giá trị XK tăng khá, từ 8 - 13,7% so với cùng kỳ năm 2015. Vasep đánh giá, thị phần cho cá tra tại thị trường Anh còn rất lớn. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm cá thịt trắng tại thị trường này. Cho đến nay, sản phẩm cá Cod đông lạnh và cá Haddock đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn, gần 65% tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Anh.

Kiên Giang: Xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu

Từ đầu năm đến nay, tình hình đánh bắt hải sản của ngư dân Kiên Giang gặp nhiều khó khăn, sản lượng giảm, từ đó kéo theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thiếu nguyên liệu sản xuất.

Theo ông Huỳnh Châu Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền, từ đầu năm đến nay nguyên liệu xuất khẩu thủy sản giảm trên 50%. Sự cố về môi trường biển ở các tỉnh miền Trung vừa qua cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các thị trường xuất khẩu đặc biệt là thị trường châu Âu đã đưa thêm nhiều rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng thủy sản, nhất là chỉ tiêu về kim loại nặng và thành phần Asen trong sản phẩm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thuỷ sản của các doanh nghiệp, trong đó Kiên Giang chịu ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù không bị ảnh hưởng môi trường giống như miền Trung nhưng đây là thông báo chung của toàn bộ liên minh châu Âu nên tất cả doanh nghiệp thuỷ sản của VN đều phải tuân thủ khi xuất hàng sang châu Âu.

6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 180 triệu đô-la Mỹ, đạt 41% kế hoạch đề ra, riêng mặt hàng thủy sản giảm 8,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt trên 58,5 triệu đô-la Mỹ. Hiện nay ngư trường ngày càng cạn kiệt bởi sự khai thác quá mức mà không có biện pháp bảo vệ đi kèm. Nếu không có giải pháp căn cơ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả, kịp thời thì trong những năm tới tình trạng thiếu nguyên liệu đối với mặt hàng thủy sản càng ngày trầm trọng hơn, trong khi đây vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trước thực trạng này, một số doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu mới bảo đảm hoạt động sản xuất; một số doanh nghiệp khác thì hoạt động cầm chừng...

LƯU Ý CẢNH BÁO

Bảo vệ thủy sản mùa mưa bão

Vào mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, môi trường sống bị biến động, mầm bệnh có cơ hội lây lan và xâm nhập gây khó khăn cho sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản. Đặc biệt, vào những ngày mưa bão diễn ra liên tục, lượng nước mưa lớn sẽ gây ra hiện tượng thuỷ sản tràn bờ ao, đầm, gây thất thoát và thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản.

Vì vậy, nếu không có những biện pháp khắc phục kịp thời thì thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Chuyên đề DTTS&MN xin giới thiệu một số biện pháp để quản lý môi trường ao nuôi trong mùa mưa bão cho bà con nông dân theo tư vấn của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1.

Đối với những đối tượng nuôi trong ao, đầm, hồ

Các hộ nuôi trồng thủy sản cần thường xuyên kiểm tra lại bờ cống, ao nuôi. Các ao nuôi phải đắp cao hơn mức nước cao nhất 0,5 mét trở lên. Đầm nện chắc chắn, chống rò rỉ, tràn bờ. Chủ động dụng cụ chắn giữ cả ao và những nơi xung yếu. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.

Đăng cống phải dọn sạch đảm bảo nước tiêu thoát nhanh, không để đọng tắc, nước thoát không kịp cá đi. Những vùng nuôi lớn có thể cắm đăng hình chữ V để tăng diện tích thoát nước, giúp nước chảy nhanh. Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.

Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn.

Dùng vôi rải trên bờ trước khi trời mưa giúp ổn định môi trường nước. Đặc biệt, bà con lưu ý không thay nước và lấy nước vào ao trong thời điểm mưa lũ xảy ra.

Bổ sung men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho cá, tôm tăng khả năng chịu đựng với sự thay đổi của yếu tố môi trường trong mùa mưa lũ. Đối với tôm 1 kg Vita - C/ 500 kg thức ăn, đối với cá 2g Vita - C/1kg thức ăn.

Sau mỗi đợt mưa bão cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao. Đồng thời, tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 - 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.

Những ao nuôi đạt cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị cắt. Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm cá chết hàng loạt.

Đối với những mô hình nuôi cá - lúa

Bà con cần gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 mét để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước. Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thoát.

Thường xuyên kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.
Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết (chuẩn bị thêm máy phát điện nếu có để đề phòng điện lưới bị mất).

Đối với những mô hình nuôi lồng bè trên sông và hồ nước lớn

Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng. Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.

Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.

Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết

Đối với người nuôi trồng thủy sản, vào mùa mưa bão tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn… Ngoài ra, bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết: Mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả. Nếu có những diễn biến bất thường về dịch bệnh thủy sản ở ao nuôi của gia đình mình cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn kiểm tra xem xét và có hướng dẫn biện pháp khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Gạo Điện Biên được ưa chuộng

Cánh đồng lúa Mường Thanh được thiên nhiên ưu đãi, bằng phẳng và phì nhiêu nhất vùng Tây Bắc với nhiều loại gạo chất lượng cao. Nhờ cánh đồng lúa này mà những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định hơn.

Hiện nay, cánh đồng Mường Thanh có trên 95% diện tích được gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, năng suất đạt từ 60 - 70 tạ/héc-ta. Mỗi năm vùng lòng chảo Mường Thanh sản xuất hàng chục nghìn tấn gạo hàng hoá. Trong đó chủ yếu là gạo chất lượng cao cung cấp cho thị trường và được nhiều người biết đến với tên gọi gạo Điện Biên.

Có năng suất, chất lượng cao, giá trị kinh tế vượt hơn so với những giống lúa khác nên các giống lúa thơm thường chiếm 50 – 60% cơ cấu giống ở cánh đồng Mường Thanh. Tám thơm Điện Biên có đặc điểm rất riêng, không giống với bất kỳ loại gạo nào khác với vị đậm, dẻo, thoang thoảng mùi thơm. Thương hiệu "gạo tám Điện Biên" là sự kết hợp của nhiều giống lúa thơm như Bắc Hương, Nghi Hương, IR64. Một thương hiệu gạo nữa của Điện Biên cũng nổi tiếng không kém tám thơm là giống nếp nương. Nếp nương Điện Biên nổi tiếng với hạt to, dài, xôi thơm dẻo và là món quà không thể thiếu của mỗi du khách đến với Điện Biên, nhất là dịp khi năm hết tết đến. Chính điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt là điều kiện lý tưởng cho quá trình tích lũy mùi thơm và độ dẻo của hạt gạo. Có lẽ vì vậy mà gạo Điện Biên thơm ngon, có lợi thế hơn so với gạo của các tỉnh, thành khác.

Để gạo Điện Biên thực sự là một trong những mặt hàng kinh tế chủ lực, tiêu biểu của tỉnh Điện Biên, thương hiệu "Gạo Điện Biên" đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu. Điều này đã góp phần tạo nên thương hiệu bền vững, khẳng định chất lượng, danh tiếng và vị thế của gạo Điện Biên trên thị trường.

Hà Giang: Phát triển dược thảo dưới tán rừng

Mô hình trồng cây tống quán sủ gắn với thảo dược được triển khai ở huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang đã và đang cho thấy hiệu quả song hành với việc vừa trồng rừng vừa gắn phát triển kinh tế dưới tán rừng...

Nhằm tạo thêm thu nhập cho người nông dân trồng rừng và lựa chọn được giống cây rừng phù hợp với điều kiện khí hậu, thời gian qua UBND huyện Xín Mần đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng tống quán sủ. Mô hình đã cho kết quả khả quan, cây rừng tống quán sủ nhanh khép tán và cây thảo quả sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay mô hình đã được nhân dân hưởng ứng và nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.

Thảo quả trồng đến năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân 200 kg quả không/héc-ta, với giá bán trung bình khoảng 250 nghìn đồng/kg, trồng mỗi héc-ta thảo quả mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng… Giá trị của cây thảo quả và các cây dược liệu đã và đang khẳng định trong việc giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo huyện Xín Mần. Để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới, huyện Xín Mần kiến nghị UBND Hà Giang tỉnh triển khai Dự án phát triển cây dược liệu tại 6 huyện 30a. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút đầu tư, chính sách đặc thù để hỗ trợ, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực phát triển dược liệu của huyện Xín Mần. Đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp “đầu tàu” trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho huyện, thậm chí các doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra đầu tư từ khâu trồng, chế biến, tiêu thụ. Sớm hình thành hiệp hội thảo quả của tỉnh đề quyền lợi người nông dân trồng thảo quả được đảm bảo và có đầu ra ổn định.

Theo quy hoạch và phát triển ổn định đến năm 2020 tổng diện tích cây thảo quả dưới tán rừng tại huyện Xín Mần đạt 3.500 héc-ta. Như vậy từ nay đến năm 2020 sẽ phải trồng mới thêm 847,5 héc-ta, xác định sẽ trồng dưới tán rừng trong đó ưu tiên tập trung trồng trên diện tích rừng trồng cây tống quán sủ.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bắc Kạn: Tăng cường liên kết với doanh nghiệp thu mua quế

Những chuyển biến trong quá trình thu mua là một trong những nhân tố kích thích diện tích trồng quế tăng mạnh tại tỉnh Bắc Kạn trong mấy năm gần đây. Từ cây quế, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Diện tích quế tăng mạnh

Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, trong vòng 2 năm trở lại đây đã có 2.748 héc-ta quế được trồng mới, nâng tổng diện tích cây trồng này của cả tỉnh lên khoảng 3.600 héc-ta. Trong đó, Chợ Đồn là địa phương có nhiều diện tích quế nhất với hơn 1.000 héc-ta. Riêng năm 2016, người dân trong huyện đăng ký trồng mới thêm 300 héc-ta. Trong đó hơn 60% diện tích đã có thể cho thu hoạch. Đây là nguồn thu nhập cao đối với người dân miền núi. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ quế ngày càng mở rộng, giá trị của cây quế được nâng cao. Giá thu mua vỏ quế tươi tại địa phương hiện nay đã lên tới 15.000 - 16.000 đồng/kg. Giá thu mua vỏ khô bình quân 25.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm như năm 2015, tư thương đến trung tâm xã thu mua với giá từ 48.000 - 50.000 đồng/kg vỏ quế khô.

Do được giá, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã tập trung đầu tư trồng quế, đưa quế trở thành hàng hóa để phát triển. Bên cạnh đó, khi thu hoạch cây quế bà con có thể tận dụng được hết cả gỗ thương phẩm để làm đồ gia dụng, cành, lá để chưng cất tinh dầu... Nhiều địa phương đã chủ động liên kết với doanh nghiệp thu mua quế nên sản phẩm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
Các chính sách hỗ trợ kịp thời

Việc người dân chủ động mở rộng diện tích trồng quế cũng một phần lớn do các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước. Tại Na Rì, cây quế chính thức được đưa về trồng trên địa bàn huyện từ năm 2014. Năm 2015, Na Rì trồng mới được gần 500 héc-ta, tập trung tại các xã Liêm Thủy, Kim Lư, Vũ Loan, Văn Minh. Để phát triển cây quế theo hướng hàng hóa, năm 2016, huyện giao nhiệm vụ cho Hạt Kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý Dự án 147 tham mưu cho huyện. Theo đó, huyện hỗ trợ người dân tham gia dự án trồng quế với mức 1 triệu đồng/héc-ta. Đối với các hộ tự phát triển thì hỗ trợ 2 triệu đồng/héc-ta để mua cây giống. Bên cạnh đó, huyện cũng có hướng xây dựng dự án hỗ trợ cơ sở chế biến tinh dầu quế trên địa bàn trong thời gian tới. Tại huyện Chợ Mới, ngành nông nghiệp cũng chủ trương duy trì diện tích trồng quế khoảng 700 héc-ta. Huyện đang hỗ trợ cây quế theo Dự án 147 để người dân trong huyện, đặc biệt là các xã phía đông phát triển cây trồng này.

Để ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây quế, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã có định hướng để người dân liên kết với các doanh nghiệp. Đồng thời, ngành cũng tăng cường công tác thẩm định chất lượng cây giống trước khi xuất vườn. Yêu cầu các chủ vườn ươm phải bảo đảm hạt giống lấy từ các rừng giống chuyển hóa hoặc rừng giống trồng. Đối với người trồng quế, ngành khuyến cáo họ cần quan tâm tới nguồn gốc cây giống cũng như các biện pháp thâm canh rừng trồng. Liên hệ chặt chẽ với các đầu mối tiêu thụ để chủ động đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, hiện cả tỉnh chưa có cơ sở sản xuất, chế biến tinh dầu quế nào. Do đó, người dân vẫn đang bán sản phẩm thô là chủ yếu. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã xin cấp phép đầu tư xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu quế trên địa bàn tỉnh. Đây là tin vui cho người trồng quế, bởi có nơi thu mua và chế biến tại chỗ, sản phẩm sẽ đem lại giá trị cao hơn, giúp phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Cẩn thận với băng vệ sinh rởm, giá siêu rẻ

Với giá rẻ bất ngờ, chỉ 2.000 – 2.500 đồng/gói 10 chiếc, băng vệ sinh chất lượng kém đang được bán phổ biến ở nhiều tỉnh nông thôn, miền núi; ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chị em phụ nữ.

Tràn lan băng vệ sinh chất lượng kém

Tại cổng Bệnh viện Thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La), 2 bên đường là dãy hàng quán kéo dài, nhưng tìm mỏi mắt cũng không mua nổi 1 gói băng vệ sinh Diana, Kotex hay Laurier… Hầu hết các cửa hàng ở đây đều bán loại băng vệ sinh tên tuổi khá lạ như: Lan tím, AnLy, Koteik, Hoa Nhài, Hoa Lan, Koletr… giá từ 3.500 đồng đến 10.000 đồng/gói. Tình trạng này cũng dễ dàng bắt gặp ở nhiều cửa hàng tạp hóa ở các vùng nông thôn, vùng xa xôi, hẻo lánh, hay các xã miền núi trên cả nước…

Làm công việc chở hàng lên các bản vùng cao bán từ nhiều năm nay, chị Mùi (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho hay: Băng vệ sinh cũng là sản phẩm không thể thiếu trong các chuyến hàng lên miền núi của chị. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của chị em phụ nữ ở các bản vùng cao, chị chỉ lấy băng vệ sinh giá rẻ, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/gói. Theo chị Mùi, hàng của chị bán không phải là hàng giả, hàng nhái, mà chỉ là hàng rẻ tiền, do các cơ sở tư nhân của Việt Nam sản xuất…

Bên cạnh các loại băng vệ sinh giá rẻ này, theo quan sát của chúng tôi, tại thị trường nông thôn, miền núi cũng xuất hiện khá nhiều các loại băng vệ sinh có tên tuổi gần giống các loại băng vệ sinh đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Cụ thể như, Denisa (nhái của Diana), Koteil, Kilter, Kolex (nhái của Kotex) - giá từ 5.000 – 6.000 đồng/gói; thậm chí nhiều sản phẩm còn trắng trợn đề tên thương hiệu Diana, Kotex và đề giá bán gần bằng với giá của các sản phẩm chính hãng – 12.000 - 14.000 đồng/gói.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều cơ sở làm băng vệ sinh giả ở Đan Phượng (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Thuận Thành (Bắc Ninh) thu giữ hàng chục ngàn gói băng vệ sinh giả mang thương hiệu: Kotex, Thạch Thảo, Diana… Quá trình điều tra cho thấy, băng vệ sinh chất lượng kém, băng vệ sinh rẻ tiền đa số được làm từ những nguyên liệu chất lượng kém (bông thừa, bông phế liệu) trên dây chuyền sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Do đó, sản phẩm có chứa nhiều nấm mốc, vi khuẩn gây hại.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, băng vệ sinh giả, nhái có độ thấm hút, độ pH kém nên việc khử trùng không đạt tiêu chuẩn, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây viêm nhiễm, nấm âm đạo. Thậm chí gây viêm nội mạc tử cung và các căn bệnh khác cho người dùng. Việc viêm nhiễm lâu ngày có thể gây tắc vòi trứng, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung hoặc vô sinh…
Để phân biệt băng vệ sinh thật – giả, chị em lưu ý về cả màu sắc và mùi của mỗi gói băng vệ sinh. Trong khi băng vệ sinh thật có màu sắc, bao bì tươi tắn thì băng vệ sinh giả lại kém tươi, nhợt nhạt, lòe loẹt; hạn sử dụng bị tẩy xóa, in chồng… Bên cạnh đó, băng vệ sinh giả thường có màu ngả vàng cùng mùi khét từ nhựa tổng hợp; khi đổ nước lên bề mặt băng vệ sinh giả thường xuất hiện những hạt li ti do khả năng thấm hút kém. Chưa kể, hàng giả thường mỏng hơn, lõi bông xô lệch…

Với những tác hại đã thấy rõ, để bảo vệ sức khỏe, chị em tuyệt nhiên không nên sử dụng băng vệ sinh đóng trong túi to, không có tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ và thông tin sản phẩm vì đây chắc chắn là loại băng vệ sinh được sản xuất “chui”, không có giấy phép của Bộ Y tế, sẽ có hại cho sức khỏe. Cùng với đó, không nên tiết kiệm mỗi tháng vài ba nghìn đồng mà sử dụng băng vệ sinh chất lượng kém, băng vệ sinh nhái, băng vệ sinh giả, bởi nếu không may bị các bệnh phụ khoa, thì việc chữa trị sẽ rất lâu dài và tốn kém.

HÀNG VIỆT

Bình Liêu: Đưa miến dong thành sản phẩm hàng hóa chủ lực

Kết tinh từ vùng đất Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), miến dong Bình Liêu đang được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa mạnh hàng đầu của địa phương, ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và ưa chuộng.

So với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, miến dong Bình Liêu được đánh giá là thơm ngon, giữ được hương vị đặc trưng của củ dong riềng. Sợi miến mềm, khi nấu không bị dính, có thể nấu lại nhiều lần mà không bị nát, nở. Vài năm trở lại đây, nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm sạch tăng lên đã thúc đẩy nghề trồng dong riềng, chế biến miến của Bình Liêu phát triển… Đặc biệt, để đưa miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nhằm tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường cho sản phẩm miến dong Bình Liêu. Cụ thể, xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương, sau nhiều năm nỗ lực, miến dong Bình Liêu đã hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu. Hiện nay sản phẩm được đóng gói, có nhãn mác, đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc hoàn thiện về quy trình sản xuất hàng hoá đã giúp sản phẩm miến dong Bình Liêu ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để phát triển sản phẩm miến dong Bình Liêu một cách bền vững, huyện Bình Liêu cũng tiến hành nghiên cứu, ứng dụng các giống dong riềng cho năng suất cao vào sản xuất, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo nguồn nguyên liệu vững chắc cho các cơ sở chế biến. Công ty CP Thương mại và dịch vụ Bình Liêu hiện là cơ sở sản xuất lớn nhất, thu mua toàn bộ diện tích dong riềng trên địa bàn huyện Bình Liêu chế biến thành sản phẩm miến dong. Nhờ đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, trung bình mỗi ngày, công ty sản xuất được 1,6 tấn miến thành phẩm với giá bán xuất xưởng là 80.000 đồng/kg.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)