Thông tin giá cả thị trường số 19/2017

12:00 AM 25/05/2017 |   Lượt xem: 3316 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giá cá tra tăng mạnh

Tiếp theo xu hướng tăng từ đầu năm, đầu tháng 5/2017, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh so với tháng trước.

Giá tăng trên 30%

Hiện nay, giá cá tra đang ở mức 27.000 - 29.000 đồng/kg (cá loại 1) và 24.000 - 26.000 đồng/kg (cá loại 2). Đây là mức giá cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lãi từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tấn.

Nhu cầu nuôi gia tăng đột biến cũng đã đẩy giá cá giống tăng cao. Ðầu tháng 5/2017, giá cá tra giống ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg (loại 2 con/kg) và 50.000 - 60.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), tăng hơn 20.000 đồng/kg so với đầu tháng 4/2017 và cao gấp 2 - 3 lần so cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá cá nguyên liệu tăng, nhưng người nuôi không khỏi lo lắng khi điệp khúc tăng - giảm diễn ra liên tục, vì giá cá tăng, nông dân lại ồ ạt thả nuôi và cảnh cá quá lứa nằm chờ thương lái lại diễn ra.

Giá cá tra nguyên liệu tăng đã góp phần đẩy giá cá tra xuất khẩu tăng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra xuất khẩu đang trong xu thế tăng và đạt mức đỉnh điểm trong những ngày vừa qua. Đây được xem là chu kỳ giá cá tra tăng kéo dài nhất và có thể tiếp tục kéo dài đến hết năm 2017. Nguyên nhân giá cá tra tăng trong thời gian qua là do nhiều năm thua lỗ liên tục, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác khiến nguồn cung giảm. Trong khi đó, lượng hợp đồng xuất khẩu đầu năm 2017 tăng khoảng 10% nhưng sản lượng cá gối vụ phục vụ chế biến lại giảm mạnh. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cá tra của thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Không nên thả nuôi ồ ạt

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), 4 tháng đầu năm 2017, sản lượng thu hoạch cá tra của các tỉnh ĐBSCL ước đạt 335.300 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng tăng nhưng sản lượng thu hoạch ở những tỉnh có sản lượng nuôi lớn lại giảm như: An Giang giảm 6%, Đồng Tháp giảm 5,4%... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung. Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo, mặc dù giá cá nguyên liệu tăng nhưng người nuôi không nên ồ ạt thả nuôi vì rất dễ xảy ra tình trạng dư thừa. Bên cạnh đó, do vụ trước giá cá thấp, người nuôi bỏ ao nhiều, nguồn cá nguyên liệu năm nay đã giảm 40 - 50% so với năm 2016. Các nhà máy không có nguyên liệu để thực hiện hợp đồng xuất khẩu đã đẩy giá lên cao, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng giành giật nhau mua cá nguyên liệu. Chính vì vậy, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, thiếu bền vững và giá cao chỉ mang tính nhất thời. Điều quan trọng nhất lúc này là có kế hoạch nuôi trồng, xuất khẩu cá tra một cách bài bản, cũng như có các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo nuôi theo kế hoạch, từng bước hạn chế việc nuôi trồng tự phát.

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với VASEP đưa ra một số nhóm giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra. Thứ nhất, thực thi chiến dịch marketing và phát triển thị trường. Thứ hai, tạo xu hướng và nhu cầu thị trường cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, làm lực đẩy cho Nghị định về cá tra phát huy tác dụng tối đa và thực hiện đề án sản phẩm quốc gia đối với cá tra. Thứ ba, tăng cường xây dựng chương trình hợp tác với cơ quan kiểm tra chất lượng tại nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng chặt chẽ, hợp tác kiểm soát nhãn mác sản phẩm, đặc biệt là ở châu Âu; hỗ trợ tối đa cho các chiến dịch marketing và thực thi Nghị định cá tra; đấu tranh với một số nước áp đặt kiểm soát cá tra nhập khẩu từ Việt Nam quá mức.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Cà Mau: Cua Năm Căn bán chạy

Huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh con tôm, một loại thủy sản khác cũng đã khẳng định được thương hiệu và hiệu quả kinh tế, đó là cua Năm Căn.

Thương hiệu cua Năm Căn là một trong những mặt hàng tươi sống được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu đầu tiên của tỉnh Cà Mau. Hiện nay, Ban Quản lý nhãn hiệu Cua Năm Căn Cà Mau đã ban hành quy chế hoạt động và có giải pháp kiểm tra, giám sát tình hình mua bán cua trên thị trường nội địa. Cua Năm Căn hiện được tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước. Các địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh là những nơi tiêu thụ lớn nhất. Bên cạnh đó, cua Năm Căn còn xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc.... Thông thường vào thời điểm cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, thương lái tranh nhau thu mua cua để xuất khẩu. Khoảng cuối tháng Tám (âm lịch) giá cua sẽ tăng dần và giữ mức cao vào cuối năm. Lúc này thị trường sôi động do nông dân tập trung thu hoạch vì cua được giá.

Chính vì chất lượng thịt hảo hạng nên trên thị trường, cua Năm Căn thường có giá cao hơn cua các vùng khác từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Sau khi mua cua từ trong dân, thương lái sẽ phân loại tùy theo chủ vựa đặt hàng để xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa.

Để đảm bảo lợi ích của bà con vùng nuôi, thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ quy hoạch các vùng nuôi cụ thể, từ đó thống nhất mẫu tem để đóng trực tiếp lên con cua Năm Căn tại nơi nuôi, không phải qua thương lái. Điều này hướng đến mục tiêu đảm bảo thương hiệu cua Năm Căn không bị mạo danh, đúng chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho bà con. Việc công nhận nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn sẽ mở ra một cơ hội mới cho loài thủy sản này, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Đắk Lắk: Giá bơ tăng cao, người trồng phấn khởi

Nông dân các vùng trồng bơ ở tỉnh Đắk Lắk đã bước vào vụ thu hoạch chính. Mặc dù năng suất bơ năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng giá lại tăng cao khiến người trồng bơ phấn khởi.

Nguyên nhân bơ giảm năng suất là do biến đổi của thời tiết mưa, nắng bất thường, nhất là vào thời điểm cây bơ ra hoa bị mưa nặng hạt kéo dài làm rụng bông, hạn chế việc đậu quả.

Hiện thương lái mua tại vườn bơ loại 1 giá từ 35.000 - 38.000 đồng/kg, tăng hơn năm ngoái từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều thương lái đã vào tận vườn thu mua bơ. Trong vài năm trở lại đây, quả bơ được thị trường các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… ưa chuộng, tiêu thụ mạnh, giá tăng cao, ổn định. Vì vậy, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk đã tập trung đầu tư mở rộng diện tích vừa trồng thuần, vừa trồng xen trong các vườn cà phê. Đây cũng là loại cây dễ trồng, chịu hạn, đầu tư chăm sóc ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số hộ gia đình đồng bào dân tộc ở thôn 4, xã vùng sâu Ea Kpam, huyện Cư M’gar đã mạnh dạn phá bỏ những héc-ta cà phê không chủ động được nguồn nước chuyển sang trồng bơ. Sau 3 năm, mỗi cây bơ cho thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Ngoài việc trồng thuần, hiện nay, các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê còn mở rộng diện tích trồng xen cây bơ trong các vườn cà phê để không những tăng thu nhập mà còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái cho từng tiểu vùng, giúp phát triển cà phê bền vững.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 2.100 héc-ta bơ, sản lượng ước đạt trên 18.000 tấn. Trong đó, diện tích bơ tập trung nhiều nhất ở các huyện: Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin, Ea H’Leo.

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Bến Tre: Giá chôm chôm tăng cao kỷ lục

Gần đây, giá chôm chôm tại thị trường Bến Tre tăng cao kỷ lục nhưng người dân không có để bán. Hiện thương lái thu mua chôm chôm đường từ 50.000 đồng/kg, chôm chôm Java khoảng 60.000 đồng/kg, riêng chôm chôm Thái hơn 100.000 đồng/kg… Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua.

Dù chôm chôm tăng giá kỷ lục nhưng hàng loạt nhà vườn ở Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều khan hiếm chôm chôm do thời điểm này chưa đến vụ thu hoạch. Ngoài ra, ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua khiến nhiều vườn chôm chôm bị thiệt hại, một số nhà vườn đốn bỏ chôm chôm để trồng cây khác. Thời tiết năm nay diễn biến bất thường cũng là nguyên nhân khiến nhiều vườn chôm chôm ít đậu trái. Năng suất, sản lượng thấp đã đẩy giá tăng cao.

Hà Tĩnh: Nông dân thu lợi nhuận cao từ bí xanh

Nông dân xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang rất phấn khởi khi mùa thu hoạch bí xanh đạt năng suất cao, được mùa, được giá. Vụ bí năm nay, cây bí phát triển tốt, cho nhiều quả, trọng lượng bình quân từ 2 - 2,5 kg/quả. Trong đợt thu hoạch bí xanh vừa qua (lứa 1 đến lứa 3), người dân Tượng Sơn đã bán với giá 4.000 - 4.500 đồng/kg, cá biệt có những hộ bán trên 5.000 đồng/kg. Giống bí xanh này dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Với mức giá này, lợi nhuận đạt khoảng 18 triệu đồng/sào, cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Từ chỗ làm mô hình trình diễn, đến nay, toàn xã Tượng Sơn có trên 600 hộ tham gia trồng bí xanh với tổng diện tích 33 héc-ta. Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây bí sinh trưởng, phát triển, năng suất đạt từ 3,5 - 4 tấn/sào. Sản lượng bí trên địa bàn xã ước đạt trên 2.500 tấn. Với giá bình quân hiện nay 4.500 đồng/kg thì giá trị thu từ bí xanh đạt hơn 11 tỷ đồng.

Nho Ninh Thuận giá cao gấp 1,5 lần

Vụ nho chính trong năm của tỉnh Ninh Thuận đang vào mùa thu hoạch. Khoảng 1 tuần gần đây, giá nho tăng cao khiến người trồng nho rất phấn khởi. Cụ thể, giá nho đỏ truyền thống dao động trong khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, nho xanh NH-0148 có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo những nhà vườn trồng nho, mức giá này hiện cao gấp 1,5 lần so với giá vụ mùa năm ngoái. Tuy nhiên, do thời tiết bất thường vào thời điểm nho ra hoa nên sản lượng giảm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài vào cuối năm ngoái nên năng suất cũng giảm. Đối với các vùng trồng nho thuộc TP. Phan Rang và huyện Ninh Hải, sản lượng nho rất thấp, không đủ cung cấp cho các đầu mối. Tại huyện Ninh Hải hiện có gần 1.500 héc-ta nho, năng suất bình quân là 2 tấn/sào. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài từ cuối năm 2016 khiến cây nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thiệt hại nặng. Một số vườn nho bị ngập úng, thối rễ, hư hại.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung xây dựng các vùng nho chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng và phát triển các sản phẩm về nho như: vang nho, nho sấy…

Phú Yên: Năng suất đậu xanh giảm mạnh

Đậu xanh là loại cây trồng cho thu nhập cao trên nhiều cánh đồng ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thời điểm này, bà con nông dân trồng đậu xanh vụ xuân hè ở các xã An Hòa, An Hiệp, An Mỹ, huyện Tuy An đang thu hoạch đậu.

Hiện huyện Tuy An đã đưa vào sản xuất được hơn 350 héc-ta đậu xanh và chủ yếu sử dụng giống ĐX208. Tuy nhiên, do gặp thời tiết bất lợi, khiến cây đậu xanh bị cháy lá non, lụi thân dẫn đến tình trạng diện tích đậu xanh bị mất trắng hơn 40 héc-ta. Điều đó đã kéo giảm năng suất thu hoạch bình quân chung toàn huyện ở lứa đầu chỉ đạt 1,8 tấn/héc-ta. Có nhiều khu vực năm ngoái cho thu hoạch với năng suất từ 3 - 3,2 tấn/héc-ta, nhưng vụ này chỉ đạt 2,2 - 2,4 tấn/héc-ta.

Hiện giá đậu xanh thương phẩm ở huyện Tuy An dao động từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do năng suất thu hoạch thấp nên nguồn thu nhập của các hộ sản xuất đậu xanh năm nay ở huyện Tuy An không cao, chỉ đạt từ 7 - 9 triệu đồng/héc-ta, giảm 1/3 so với vụ đậu xanh năm ngoái.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ lợn rớt giá

Cùng với việc “giải cứu” hộ chăn nuôi lợn trong thời điểm khó khăn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá thu mua lợn hơi trên thị trường dao động ở mức 25.000 - 27.000 đồng/kg (tùy địa phương), giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Người chăn nuôi đang dốc toàn bộ vốn liếng để cầm cự, thậm chí có người còn phải cầm cố cả sổ đỏ để có tiền mua thức ăn cho lợn, chờ ngày giá lợn tăng trở lại, trong khi lợn không thể ngừng cho ăn và lợn càng lớn thì càng lỗ nặng. Vì vậy, để có thể tiết giảm chi phí, giảm lỗ đến mức thấp nhất, nhiều hộ chăn nuôi đã phải tính toán nhằm giảm chi phí đầu vào như: chỉ cho lợn ăn một bữa/ngày, giảm chi phí cả về các loại thuốc sát trùng, vắc-xin phòng bệnh.

Với tình trạng này, nguy cơ bùng phát đại dịch trong thời gian tới là rất cao bởi người nuôi không còn vốn, họ sẽ không tiêm vắc-xin phòng bệnh cho lợn, chăn nuôi buông thả, thậm chí bỏ đói lợn, dịch bệnh sẽ bùng phát. Do vậy, các địa phương phải làm tốt công tác truyền thông để kiểm soát vấn đề này. Các cơ quan thú y địa phương cũng phải có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đàn lợn, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ngay từ bây giờ.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào 3 giải pháp chính để cân bằng lại cung - cầu; thứ nhất, giải quyết tốt quan hệ cung - cầu, rà soát để bảo đảm tổng đàn lợn, quy mô đàn có cơ cấu hợp lý; thứ hai, tổ chức liên kết chuỗi và thứ ba là giải quyết vấn đề mở thị trường Trung Quốc.

Các cơ quan chức năng cũng yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác thú y và tổ chức thông tin, tuyên truyền để người dân áp dụng đầy đủ quy trình phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.

Quảng Ngãi: Thiếu nhân công thu hoạch mía

Dù đã đến cuối kỳ thu hoạch nhưng hàng ngàn tấn mía của nông dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nằm trên ruộng. Nguyên nhân do bà con không thể thuê được nhân công thu hoạch mía.

Nhiều ngày nay, các hộ dân xã Bình Phú, huyện Bình Sơn chạy đủ nơi để thuê nhân công thu hoạch mía nhưng vẫn không được. Thậm chí, một số hộ chấp nhận trả tiền nhân công thu hoạch mía 500.000 đồng/tấn, trong khi giá mía bán cho nhà máy đường 1 triệu đồng/tấn nhưng vẫn không có người làm.

Thiếu nhân công thu hoạch mía dẫn tới lượng mía ứ đọng trên đồng ruộng của nông dân huyện Bình Sơn vẫn còn rất lớn. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn huyện còn tồn đọng khoảng trên 1.500 tấn mía chưa thu hoạch, tập trung ở 3 xã: Bình Phú, Bình Tân và Bình Mỹ. Vì vậy, bà con đang lo lắng vì trong trường hợp không có nhân công thu hoạch thì mía sẽ không thể bán được, nhất là vào thời điểm cuối vụ, nhà máy đường sắp dừng vụ ép.

Trước khó khăn của nông dân và để tạo điều kiện cho bà con thu hoạch lượng mía còn ứ đọng, chính quyền các địa phương có trồng mía đã kiến nghị Nhà máy Ðường Phổ Phong gia hạn thời gian dừng vụ ép bởi nếu không thì hơn 1.500 tấn mía của nông dân huyện Bình Sơn coi như bỏ không. Chính quyền các địa phương cũng đã huy động cán bộ, đoàn viên, thanh niên xuống đồng thu hoạch mía giúp nông dân khi bà con vẫn bí bách trong khâu thuê mướn nhân công.

HÀNG VIỆT

Bắc Kạn: Miến dong Triệu Thị Tá được ưa chuộng

Nhắc đến các loại đặc sản của Bắc Kạn không thể không nhắc đến sản phẩm miến dong. Tuy vậy, không giống nhiều địa phương miền núi khác, miến dong Triệu Thị Tá - một trong những sản phẩm miến dong đặc trưng của Bắc Kạn đã xây dựng thương hiệu thành công và thu được giá trị tương đối lớn.

Từ nghề truyền thống...

Từ lâu, cây dong riềng sinh trưởng và phát triển mạnh ở vùng núi cao Bắc Kạn. Nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ, củ dong riềng Bắc Kạn cho chất lượng tương đối tốt, nhiều bột, ít xơ, thích hợp để sản xuất miến. Dần dần, nghề làm miến phát triển và được người dân lưu giữ qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Tuy nhiên, do tập quán làm ăn nhỏ lẻ, sản xuất mang tính tự cung tự cấp là chính nên nghề làm miến chỉ chủ yếu phục vụ nhu cầu của hộ gia đình.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường với sản phẩm miến dong lớn, cộng với việc muốn đưa miến dong trở thành một loại hàng hóa trên thị trường chứ không đơn thuần chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ, năm 2011, chị Triệu Thị Tá - dân tộc Dao ở bản Phiêng Khăm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã xuống Thái Nguyên xin làm công nhân tại một cơ sở làm miến, vừa học vừa quan sát. Sau hơn một tháng học nghề, chị quay về quê mạnh dạn vay vốn đầu tư để chuyên sản xuất sản phẩm miến dong.

Thời gian đầu, nhiều mẻ miến cơ sở chị sản xuất đều không thành công. Rút kinh nghiệm qua những lần thất bại, dần dần, miến dong được sản xuất theo một quy trình chặt chẽ: bột dong riềng đỏ quê nhà được ngâm và lọc thay nước nhiều lần, sau đó phơi khô. Tất cả các khâu đều được làm bằng tay, chỉ đến khi ép sợi mới sử đụng đến máy ép thủy lực để cho ra những sợi miến đều nhau. Phên phơi miến cũng được rửa sạch, phơi khô rồi lau một lượt mỡ để chống dính, nên chất lượng sợi miến dong trong, nhỏ đều, thơm, mịn và dai, và đặc biệt là 3 không: không sạn - không hoá chất - không phụ gia.

Chỉ qua 1 năm sản xuất, nhờ sản phẩm chất lượng, cộng với việc thường xuyên tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại của địa phương tổ chức, đến nay, sản phẩm miến dong của cơ sở Triệu Thị Tá đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu riêng, cơ sở Sản xuất miến dong Triệu Thị Tá đã thiết kế bao bì, đăng ký bản quyền sản phẩm và được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”.

... đến phát triển Thương hiệu

Do quy trình sản xuất miến của cơ sở được làm thủ công, sử dụng hoàn toàn tinh bột dong địa phương nên sản phẩm miến dong Triệu Thị Tá có màu xám đặc trưng, vị thơm, dai, có thể nấu đi, nấu lại nhiều lần không bị nát. Đặc biệt, do là sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng nên miến dong Triệu Thị Tá được thị trường ưa chuộng, lượng miến làm ra không đủ bán. Hiện mỗi năm, cơ sở sản xuất của chị Tá tiêu thụ gần 200 tấn bột dong để sản xuất ra hơn 60 tấn miến dong thành phẩm. Cơ sở làm ăn có lãi đã tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương với mức thu nhập trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở đó, bà chủ của thương hiệu miến dong nổi tiếng nhất Bắc Kạn không giấu tham vọng mở rộng cơ sở sản xuất của mình. Nếu như hiện nay, cơ sở chỉ thu mua tinh bột để sản xuất miến thì sắp tới, cơ sở đang hướng đến mục tiêu mở rộng mặt bằng để đầu tư hệ thống sản xuất khép kín từ chế biến tinh bột, hệ thống sấy bột để tạo ra sản phẩm đồng nhất, hướng tới mục tiêu nâng công suất lên 70 - 80 tấn miến/năm. Đồng thời, để ổn định vùng nguyên liệu, cơ sở sẽ chủ động ký cam kết với các hộ dân trên địa bàn xã Yến Dương trồng dong riềng và bao tiêu sản phẩm.

Bằng chất lượng đã được khẳng định, liên tục 3 năm nay (2014 - 2016), miến dong Triệu Thị Tá đã được bình chọn là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc”, do Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương trao tặng, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tem truy xuất nguồn gốc chống hàng giả

Thời gian qua, một số mặt hàng rau, củ, quả đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Vậy tem truy xuất nguồn gốc là gì? Tem truy xuất nguồn gốc có chống hàng giả được không?

Tem truy xuất nguồn gốc trên thực tế là loại tem áp dụng công nghệ mã số mã vạch cho phép người dùng sử dụng ứng dụng quét mã số mã vạch trên điện thoại di động để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, các thông tin liên quan đến sản phẩm mà nhà sản xuất niêm yết.

Mới đây, việc Chính phủ triển khai dán tem truy xuất lên các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là thịt heo, rau quả… đã cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đến giải pháp giúp người tiêu dùng tiếp cận đúng sản phẩm chính hãng, sản phẩm an toàn. Tem truy xuất nguồn gốc hiện đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và khá hiệu quả trong việc giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

Về mặt kỹ thuật, mã số mã vạch là công nghệ mã hoá thông tin về sản phẩm được nhà sản xuất niêm yết và được truy xuất ngược, bằng một ứng dụng phần mềm đọc các mã số mã vạch này. Công dụng của mã số mã vạch được áp dụng nhiều nhất trong việc quản lý hàng hoá và kiểm soát tiêu thụ cũng như lưu thông hàng hoá trên thị trường.

Mã số mã vạch có thể dễ dàng được tạo bởi một công cụ tạo mã vạch và được đọc bằng cách giải ngược mã bằng các ứng dụng quét mã vạch trên điện thoại di động. Tuy nhiên, không phải cứ sản phẩm nào có dán mã số mã vạch lên và quét ra thông tin thì thông tin đó chính xác 100%. Không loại trừ các đối tượng làm hàng giả có thể mã hoá luồng thông tin giả mạo thành mã số mã vạch và in ra dán lên hàng giả, hàng nhái.

Nếu như các mã vạch được tạo bởi một hệ thống chuyên biệt, mã hoá riêng và chỉ có thể được giải mã khi khớp với nội dung mã được lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp mã vạch, thì những mã số mã vạch này thực sự có khả năng chống hàng giả một cách hiệu quả.

Long An: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Hiện nay, hàng nhập lậu qua biên giới của tỉnh Long An chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát và các mặt hàng điện lạnh (đã qua sử dụng). Trong 4 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.410 vụ vi phạm. Trong đó, các vụ phát hiện, xử lý chủ yếu là kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu; hàng kém chất lượng (phân bón); xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp…

Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng lậu. Qua đó, hạn chế hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, thương mại, góp phần ổn định thị trường, giá cả hàng hóa.

Thời gian tới, tỉnh Long An sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình buôn lậu, hàng gian, hàng giả. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân biên giới không tiếp tay vận chuyển, tàng trữ, mua, bán thuốc lá nhập lậu. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các xã tiếp giáp biên giới trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)