Thông tin giá cả thị trường số 22/2016

08:05 AM 19/09/2016 |   Lượt xem: 2767 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thị trường hạt điều khởi sắc

Liên tục 2 năm trở lại đây, giá hạt điều liên tục tăng cao, đời sống người trồng điều không ngừng được nâng lên. Trong tháng 7/2016, giá thu mua hạt điều khô tại Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên đạt 44.000 đồng/kg, mức cao nhất đạt được trong nhiều năm gần đây. Đến tháng 8, giá điều ở mức 41.500 đồng/kg, đây được coi là tín hiệu tốt đối với bà con nông dân.

Hạt điều vẫn được giá

Không giấu được niềm vui vì giá hạt điều vẫn khởi sắc, chị Nguyễn Thị Nguyệt, tổ 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa – Đắk Nông) chia sẻ: “Trồng điều hơn 10 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên tôi bán được giá cao. Các đại lý mua điều cũng không ép giá mà người dân bán là mua. Trước đây, giá điều rẻ nên tôi cũng chưa chú ý đầu tư phân bón. Giá điều tăng như hiện nay thì tôi sẽ chú trọng đầu tư để những mùa vụ sau năng suất cao hơn”.

Với gần 60% diện tích là đất bazan, tỉnh Bình Phước rất thuận lợi phát triển cây điều. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, cây điều trồng ở đây chiếm gần 50% diện tích và hơn 40% sản lượng của cả nước. Ngoài Bình Phước, các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)… cũng có diện tích trồng điều khá lớn. Bà con nông dân ở Bình Phước cho biết, cách đây 2 năm, giá điều chỉ quanh quẩn 18.000 - 22.000 đồng/kg. Sau đó, giá có nhích lên một chút nhưng người trồng điều vẫn không có lãi. Với giá điều khô như hiện nay là 41.500 đồng/kg, trung bình mỗi héc-ta điều cho thu nhập từ 100 - 130 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi 85 - 100 triệu đồng/vụ.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, năm 2016 nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn nhưng hạt điều vẫn được mùa, được giá, nên xuất cũng thuận lợi. Hạt điều xuất khẩu tháng 8 năm 2016 ước đạt 34.000 tấn với giá trị 277 triệu đô-la Mỹ, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2016 đạt 225.000 tấn và 1,76 tỷ đô-la Mỹ. Với kết quả trên, theo ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, ngành điều tiếp tục duy trì vị trí xuất khẩu điều hàng đầu thế giới năm thứ 10 liên tiếp và hiện chiếm trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu. Năm 2016, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 350.000 tấn nhân điều thu về khoảng 2,5 tỷ đô-la Mỹ.

Nâng cao chất lượng sản xuất điều

Dù cây điều có giá trị kinh tế lớn cho bà con, nhưng từ nhiều năm qua, giá điều vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tư thương. Do không có điều kiện bảo quản, người trồng thường bán hạt tại vườn cho thương lái nên rất dễ bị ép giá. Bên cạnh đó, do chưa liên kết được giữa sản xuất, thu mua và chế biến nên quyền lợi người trồng điều không được bảo đảm.

Khi cây điều mang lại hiệu quả cao, tại thời điểm này các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai đã tập trung những giải pháp trước mắt và lâu dài để người trồng yên tâm sản xuất, như hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con cải tạo giống, cắt ghép cành, ghép giống điều phù hợp với thổ nhưỡng để có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ông Đặng Hoàng Giang cũng cho rằng: “So với các cây trồng khác trên địa bàn, cây điều cho thu nhập ổn định. Do dễ trồng, cây điều giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. Nhờ giá điều năm nay cao nên nhiều hộ trồng mạnh dạn bón phân, xịt thuốc nên năng suất điều năm nay dự đoán cao hơn 20% so với vụ trước”. Hiện tại, ngành điều trong nước đang đẩy mạnh thực hiện chương trình cải tạo vườn điều do Hiệp hội Điều Việt Nam triển khai nhằm tăng năng suất từ dưới 1 tấn/héc-ta lên 1,4 tấn/héc-ta và nâng chất lượng sản phẩm. Chương trình sẽ giúp người trồng điều được thụ hưởng và cải thiện thêm khả năng cung ứng nguồn điều thô trong nước phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Những định hướng của ngành điều chính là tín hiệu vui và để các địa phương tập trung nâng cao chất lượng sản xuất điều. “Làm được điều đó, không chỉ sẽ đem lại lợi ích cho hàng chục ngàn nông dân trồng điều trong cả nước, hàng chục ngàn lao động đang làm việc trong nhà máy, cơ sở chế biến, xuất khẩu điều, mà còn tạo điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp ngành điều phát triển lâu dài, mở rộng quy mô” - ông Giang chia sẻ.
 

MUA GÌ

Đồng Tháp: Vào vụ thu hoạch cam xoàn

Nhiều diện tích cam xoàn ở huyện Lai Vung đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. So với những năm trước, mùa thu hoạch này giá cam thấp hơn khoảng 5% và năng suất cũng giảm khá nhiều. Theo một nhà vườn ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho biết, mặc dù giá cam xoàn vẫn còn giữ mức khá cao (khoảng 35.000 – 36.000 đồng/kg), nhưng so với cùng kỳ năm trước giảm 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá như hiện tại nhà vườn vẫn còn lãi khá cao. Theo tính toán sơ bộ, năng suất trung bình 1 công (1.300 mét vuông) cam xoàn ở Lai Vung dao động từ 3 – 4 tấn, chi phí sản xuất khoảng 11.500 đồng/kg. Với giá bán và năng suất như hiện nay thì trung bình mỗi công cam xoàn, nông dân ở huyện Lai Vung lãi gần 100 triệu đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến diện tích cam xoàn ở Lai Vung tăng vọt trong giai đoạn gần đây. Hiện nay, nhằm giúp nông dân trang bị kiến thức về sản xuất theo hướng an toàn, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai các mô hình sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, giúp nông dân làm quen với việc sản xuất theo tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc, hướng đến các thị trường xuất khẩu. Liên Mai

Xoài cuối vụ tăng giá

Đang là thời điểm cuối vụ nhưng khác với mọi năm, giá xoài cát Hòa Lộc và canh nông lại bất ngờ tăng cao lên mức 70.000 – 75.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Trên thực tế, đầu vụ giá xoài chỉ ở mức dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg đối với xoài cát Hòa Lộc và 7.000 – 8.000 đồng/kg đối với xoài canh nông. Hiện giá xoài đã tăng đáng kể, lên mức từ 70.000 – 75.000 đồng/kg xoài cát Hòa Lộc và 15.000 – 16.000 đồng/kg xoài canh nông. Nguyên nhân được xác định là do hạn hán nặng tại các tỉnh miền Tây dẫn đến xoài khan hiếm. Bên cạnh đó, một số nông dân đã chuyển sang trồng giống xoài Úc nên 2 giống xoài Hòa Lộc và canh nông đang tăng giá ở mức kỷ lục. Do giá tăng nên hiện nay các nhà vườn đang phải huy động thêm nhân công để hái xoài. Thậm chí, các thương lái còn đặt hàng tận vườn để cung cấp cho các tỉnh TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây.

Quảng Ngãi: Nấm lim xanh khan hàng, giá cao

Dựa vào đặc tính chỉ sinh trưởng trên cây lim xanh nên người dân gọi loại nấm quý này là nấm lim xanh, được biết đến là một loại dược thảo quý dùng để chữa nhiều bệnh. Kích cỡ của cây rất lớn. Có cây tán to gần 2 bàn tay xòe, thân hơn nửa cổ tay người lớn và dài 50 - 80cm, cân nặng trên dưới 1 kg tươi/cây. Còn loại có trọng lượng 400 - 700 gam/cây. Theo các thương lái ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà cho biết: Thời gian gần đây do nhu cầu sử dụng tăng nên không chỉ người dân địa phương mà dân một số vùng lân cận cũng đổ xô đi tìm về bán, dẫn đến số lượng giảm. Vì vậy mỗi ngày chỉ mua được chừng 1 - 3 kg tươi, với kích cỡ cây nhỏ chỉ bằng 1/8 - 1/4 so với trước đó nhưng giá tăng lên cao, với mức hiện trên 2 triệu đồng/kg nấm khô, cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.

Cũng theo các chủ thu mua thì nấm lim xanh sau khi mua về được loại bỏ tạp chất ở gốc rễ rồi cắt nhỏ và đem phơi. Cứ khoảng 3 kg nấm tươi thì được 1 kg khô. Toàn bộ số nấm lim xanh tự nhiên thu mua trong vùng 1 phần nhỏ tiêu thụ trong tỉnh, còn lại đa số được đem bán cho các nhà thuốc lớn ở tỉnh ngoài.

Tiền Giang: Giá cá tra tiếp tục giảm

Nông dân nuôi cá tra ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè cho biết, giá cá tra tiếp tục sụt giảm trong những ngày gần đây khiến cho người nuôi cá thêm lo lắng. Cách đây 2 tháng, giá cá tra kích cỡ 700 - 800 gam/con từ mức 19.000 - 20.000 đồng/kg giảm xuống còn 18.500 - 19.000 đồng/kg cho đến nay, trong khi đó giá thành nuôi cá tra từ 21.000 - 23.000 đồng/kg. Giá cá tra giảm trong thời gian qua chủ yếu là do thị trường xuất khẩu giảm vì đang vào thời điểm nghỉ hè tại các nước châu Âu. Hơn nữa, vùng nuôi cá tra nguyên liệu của một số doanh nghiệp cũng bước vào thời điểm thu hoạch nên ưu tiên tiêu thụ cá tra của mình.

Theo Hội Nghề cá tỉnh, thông thường người nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh thả nuôi với mật độ 55 - 80 con/m2, năng suất cá tra bình quân 300 tấn/héc-ta trong thời gian nuôi 6 - 8 tháng. Do đó, nếu các hộ nuôi cá tra thu hoạch trong thời điểm hiện nay thì sẽ bị lỗ từ 600 triệu đồng đến hơn 1,3 tỷ đồng/héc-ta.

BÁN GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn cung tôm suy yếu

Nguồn cung tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng suy yếu. Cụ thể, tại Cà Mau, giá tôm nguyên liệu tăng nhẹ so với vài tuần trước do nguồn cung ít đi. Giá tôm sú cỡ 20 con/kg tăng 1.000 đồng/kg lên mức 281.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg tăng 5.000 đồng/kg lên 215.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg tăng 3.000 đồng/kg lên 133.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng cỡ 70 tăng 1.000 đồng/kg lên 126.000 đồng/kg và cỡ 100 con/kg tăng 2.000 đồng/kg lên 96.000 đồng/kg. Tại Phú Yên, giá tôm sú tươi cỡ 30 và 40 con/kg ổn định ở mức 220.000 đồng/kg và 200.000 đồng/kg, giá tôm thẻ chân trắng 100 con/kg dao động từ 97.000 - 107.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do hàng ít nhưng giá lại cao nên cũng chỉ đủ nguồn cung để bán tại các chợ trong khu vực. Các nhà máy chế biến trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến.

Hà Tĩnh: Bưởi Phúc Trạch giảm giá

Vài năm trở lại đây, do nắm vững các quy trình kỹ thuật thụ phấn bổ sung nên tỷ lệ đậu quả của bưởi Phúc Trạch tăng cao, người trồng bưởi ở Hương Khê (Hà Tĩnh) năm nào cũng phấn khởi. Năm nay, tuy bưởi đạt sản lượng khá cao, nhưng giá giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 50% so với năm ngoái. Thời điểm này, thương lái đang đổ dồn về Hương Khê để thu mua bưởi. Nếu bán ngang tại vườn, giá bưởi năm nay khoảng 20.000 – 30.000 đồng/quả (năm 2015 đạt 40.000 – 50.000 đồng/quả), trong đó, bưởi loại 1 giá dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/quả. Một thương lái cho biết, do bưởi khá nhiều nên dễ mua, nhưng vì các đơn vị đầu mối mua với giá thấp nên phải mua của người dân với giá thấp. Hơn nữa, bưởi xuống giá còn bởi quả nhỏ hơn nhiều so với mọi năm, sau khi phân loại, số lượng bưởi nhỏ, giá dưới 10.000 đồng/quả khá nhiều. Dù bưởi Phúc Trạch đã có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý nhưng thị trường vẫn chưa được mở rộng. Hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ với người dân với sản lượng hơn 10.000 tấn mỗi năm. Vì vậy, huyện Hương Khê vẫn đang phân công các đơn vị chức năng kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bắc Kạn: Trồng chuối tây thu nhập cao

Gần đây, cây chuối tây đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn). Nhờ trồng chuối, bà con dân tộc Dao, Tày nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô hay keo. Theo tính toán của một hộ trồng chuối hàng năm, 1,5 héc-ta trồng keo phải sau 7 năm mới cho thu hoạch khoảng 60 triệu đồng. Nhưng nếu trồng chuối, mỗi năm thu được 35 - 45 triệu đồng, sau 7 năm thu được hơn 200 triệu đồng. Để hỗ trợ bà con trồng chuối bài bản, tăng năng suất cũng như cải thiện thu nhập, Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới đã phối hợp cùng Tổ chức Care, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ADC) mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng chuối và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành các tổ, nhóm liên kết sản xuất. Theo đó, các tổ, nhóm này đã được tập huấn về kỹ năng quản lý nhóm, nâng cao năng lực và kỹ thuật trồng chuối. Để đầu ra thuận lợi, thời gian tới trung tâm sẽ liên kết với các tổ, nhóm nông dân trồng chuối Tây ở Chợ Mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu “Chuối tây Bắc Kạn”.

An Giang: Thu hoạch lúa ở các huyện biên giới

Vụ lúa thu đông năm nay, toàn tỉnh An Giang xuống giống hơn 184.000 héc-ta, tăng 15.000 - 20.000 héc-ta so với năm ngoái. Hiện tại một số trà lúa ở tuyến khu vực các huyện biên giới như Tịnh Biên, Châu Đốc và An Phú đang thu hoạch, diện tích xuống giống sau cũng phát triển tốt. Bà con nông dân rất phấn khởi vì điều kiện thuận lợi, sâu rầy ít xuất hiện so với các vụ lúa trước. Tính trung bình vụ này nông dân có thể đạt từ 700 - 800 kg/công nếp tươi, giá hiện trên 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức các chương trình cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn, liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp địa phương. Thực hiện phương thức chuỗi giá trị lúa gạo: Đầu tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và tiêu thụ lúa, bao tiêu đầu ra hoặc các hợp đồng sản xuất lúa với giá cao hơn thị trường từ 500 - 700 đồng/kg.
 

LƯU Ý CẢNH BÁO

Trồng thanh long VietGAP: Cần hướng đến lợi ích lâu dài

Chương trình sản xuất thanh long theo hướng an toàn VietGAP được tỉnh Bình Thuận triển khai từ năm 2009 nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, khẳng định thương hiệu thanh long Bình Thuận trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai, hàng loạt hộ dân đã xin rút khỏi chương trình này chỉ vì lợi ích trước mắt.

Người trồng thanh long bỏ VietGAP

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận, từ năm 2014 đến nay, tại các vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc…, rất nhiều hộ đã rời khỏi chương trình VietGAP, số nông dân đến học các lớp về VietGAP cũng thưa dần. Năm 2014, diện tích nông dân xin rời khỏi VietGAP lên đến 650 héc-ta, năm 2015 có 485 héc-ta và 6 tháng đầu năm 2016 tăng lên hơn 1.150 héc-ta.

Nguyên nhân chủ yếu khiến người dân xin rút khỏi chương trình là do 80% sản lượng thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thị trường không đòi hỏi nhiều về mặt chất lượng mà chỉ quan tâm đến mẫu mã, quả càng to, càng đẹp, giá càng cao. Trong khi đó, nếu nông dân trồng thanh long theo quy trình VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích thì trái thường nhỏ và xấu. Loại trái này không đáp ứng yêu cầu của thương lái Trung Quốc nên bà con không bán được hàng. Thêm vào đó, trồng thanh long VietGAP tốn nhiều chi phí, công sức nhưng sau khi thu hoạch, sản phẩm sạch giá bán cũng chỉ ngang bằng với hàng thường. Theo quy trình VietGAP, nông dân phải trải qua các đợt tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức. Vườn canh tác phải phân lô, đánh số để quản lý chặt chẽ, sắp xếp vườn trồng khoa học, ngăn nắp. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải ghi chép nhật ký cẩn thận từng công đoạn, thường xuyên làm vệ sinh vườn, bón phân, phun thuốc đúng liều lượng, đúng quy trình...

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân

Theo cơ quan cấp chứng nhận (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thanh long Bình Thuận), đa số các hộ bỏ trồng VietGAP vì chỉ thấy lợi trước mắt. Các hộ rời bỏ VietGap chưa nhận thức đúng đắn về tiềm năng xuất khẩu của quả thanh long sạch, nên không thiết tha với công việc đang làm. Hiện trung tâm đang phối hợp với các địa phương để tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất thanh long sạch. Bởi trên thực tế, chương trình sản xuất thanh long VietGAP được tỉnh Bình Thuận đầu tư nhiều kinh phí, thực hiện từ hơn 7 năm qua. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế hội nhập, nhằm nâng cao uy tín cho thương hiệu thanh long Bình Thuận, thể hiện trách nhiệm của nông dân địa phương đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dân phải nhận thức rõ, một khi sản xuất an toàn sản phẩm thanh long mới mong được chấp nhận tại nhiều nước trên thế giới. Việc bỏ chuẩn VietGAP như hiện nay sẽ làm cho giá trị của quả thanh long Bình Thuận giảm sút và khó tiêu thụ, nhất là khi có thị trường mới.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, Trung Quốc đã trồng được cây thanh long và ngày càng mở rộng diện tích. Do đó, trong tương lai gần, khi chủ động được nguồn cung, họ sẽ không nhập khẩu thanh long. Vì vậy, người dân cần phải thay đổi nhận thức, đừng vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua các thị trường tiềm năng khác.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, thời gian tới Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận xác định sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới để tiêu thụ thanh long. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức Hội nghị kết nối thanh long Bình Thuận với hệ thống phân phối hiện đại và truyền thống trên địa bàn cả nước cũng như với các nhà nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc. Các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận cũng cần nhanh chóng đưa ra những chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất thanh long sạch, sớm hình thành mạng lưới thu mua, tiêu thụ thanh long đạt chuẩn VietGAP... để khẩn trương gỡ khó cho bà con.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đã thu mua 95.000 tấn muối tại Cần Giờ

Sau gần một tháng triển khai chính sách hỗ trợ tiêu thụ muối trên địa bàn huyện Cần Giờ, đến nay đã có 9 doanh nghiệp đăng ký mua toàn bộ số muối còn lại của diêm dân với số lượng khoảng 95.000 tấn.

Cần Giờ là huyện biển duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh tập trung trên 700 hộ diêm dân sản xuất muối. Trong niên vụ 2016, sản lượng muối sản xuất của các diêm dân đạt 140.000 tấn, trong đó có 39.400 tấn được tiêu thụ. Thời gian qua, giá muối liên tục giảm thấp, có lúc chỉ còn 350 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất muối trải bạt là 583 đồng/kg và muối nền đất 689 đồng/kg. Nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người làm muối trong vùng quy hoạch, đầu tháng 8/2016, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định hỗ trợ tiêu thụ toàn bộ lượng muối còn tồn kho trong dân. Các doanh nghiệp thu mua sẽ được thành phố hỗ trợ giá mua muối của diêm dân dựa trên giá thành cộng 30% lợi nhuận và chi phí vận chuyển từ nhà dân đến nhà kho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia mua muối của diêm dân Cần Giờ sẽ được hỗ trợ 60% lãi vay. Thời gian thu mua để được hưởng chính sách là từ 1/8 đến 1/10/2016. Như vậy, chỉ còn đúng một tháng nữa để mua toàn số muối trên là không thể, do năng lực vận chuyển và khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp có hạn.

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã xin gia hạn thêm thời gian để mua hết số lượng muối trong dân. Đặc biệt, việc hỗ trợ lãi vay đối với những doanh nghiệp tham gia tiêu thụ muối Cần Giờ sẽ được thành phố thực hiện thường xuyên đến năm 2020. T.X

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá thịt lợn trang trại tăng nhẹ

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua lợn hơi tại trại đã tăng khoảng 500 đồng/kg so với đầu tháng 8/2016, lên mức 46.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của các địa phương, trong những ngày cuối tháng 8/2016, thương lái tiếp tục thu mua lợn mỡ để xuất bán. Tuy nhiên, giá không biến động và tăng mạnh như đỉnh điểm tháng 3 - 4/2016 mà chỉ dao động xung quanh ngưỡng 43.000 - 47.000 đồng/kg. Chính vì vậy, các chủ trang trại chăn nuôi không nên chủ quan vì việc thu mua này chỉ mới khởi sắc trong khoảng 1 tuần trở lại đây. Bởi trên thực tế, thị trường Trung Quốc luôn thay đổi thất thường trong khi sức tiêu thụ của thị trường nội địa khá chậm.

Cùng chiều với giá thịt lợn hơi, giá một số loại gia cầm hiện đang có xu hướng tăng nhẹ so với đầu tháng nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng. Cụ thể, giá thu mua gà ta tại chợ Đồng Nai đã tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên mức 67.000 đồng/kg; gà trống ta hơi tăng 5.000 đồng/kg, ở mức 95.000 đồng/kg. Giá thu mua gà công nghiệp cũng đang tăng nhẹ so với hồi đầu tháng 8/2016. Theo đó, giá thu mua gà công nghiệp lông trắng tại Đồng Nai hiện là 24.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; tại Vĩnh Long giá 23.000 đồng/kg, tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi theo mô hình gia trại và trang trại hiện đang phát triển tốt, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Đàn lợn tiếp tục được duy trì ở mức ổn định do giá thịt lợn hơi tăng nhẹ, chi phí thức ăn chăn nuôi giảm. Ước tính, tổng số lợn cả nước tháng 8/2016 tăng 3,5 - 4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, đàn gia cầm cả nước phát triển tương đối thuận lợi, giá thịt gia cầm ổn định, dịch bệnh xảy ra không nhiều. Ước tính tổng số đàn gia cầm của cả nước tháng 8 tăng khoảng 4,5 - 5% so với cùng kỳ 2015.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đưa rong sụn thành cây xóa đói, giảm nghèo

Trong 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Phước Diêm, xã Cà Ná (huyện Thuận Nam), xã Tri Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) và phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đã mạnh dạn trồng cây rong sụn bởi đây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và mang lại lợi nhuận cao.

Trước đây, người dân ở các địa phương này chưa biết đến cây rong sụn. Tuy nhiên, qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn học tập kinh nghiệm do Hội Nông dân tổ chức, đến nay đã có hàng chục hộ ăn nên làm ra nhờ trồng rong sụn. Địa phương cũng xác định đây là loại cây xóa đói, giảm nghèo nên tạo mọi điều kiện cho bà con đầu tư phát triển. Đặc biệt, mặt hàng này hiện không lo đầu ra, giá cả ổn định, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi trồng đơn giản nên người dân thu hồi vốn nhanh. Theo tính toán sơ bộ của một hộ trồng rong biển có kinh nghiệm, 1 héc-ta rong sụn bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 80 - 100 tấn sản phẩm tươi. Giá bán ngay tại địa phương 3.000 đồng/kg rong tươi, 21.000 - 22.000 đồng/kg rong khô, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng. Thông thường, bà con bắt đầu thả giống trên biển từ tháng 7 - 8 âm lịch, sau hơn 6 tháng chăm sóc đúng quy trình sẽ đến vụ thu hoạch. Bà con trồng rong sụn theo phương pháp làm dây đơn trên biển, mỗi dây dài từ 10 – 20 mét, trên dây gắn giống rong để nuôi. Rong sụn sống hoàn toàn ngoài tự nhiên nên không tốn nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, bà con cần kiểm tra thường xuyên giai đoạn phát triển của rong sụn, đồng thời kết hợp làm vệ sinh, thả giống đúng thời điểm, nuôi đúng kỹ thuật thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.

Lào Cai: Doanh nghiệp bao tiêu ớt cho bà con

Với khí hậu ôn hoà, Mường Khương, Bắc Hà đều là những huyện có nhiều đặc sản nông nghiệp của Lào Cai. Đặc biệt, quả ớt thóc truyền thống thường được đồng bào dân tộc chế biến thành tương ớt là sản phẩm rất được ưa chuộng.

Tại huyện Bắc Hà, bà con đã trồng hơn 30 héc-ta ớt phục vụ chế biến tương ớt truyền thống. Hiện, toàn bộ diện tích ớt trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt và rất sai quả. Năng suất trung bình đạt 8-10 tấn ớt quả/héc-ta với giá bán 20.000 đồng/kg, sẽ mang lại nguồn thu khá cho người trồng ớt. Đặc biệt, huyện Bắc Hà đã chủ trương để doanh nghiệp đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt quả tươi cho bà con nông dân để phục vụ chế biến. Doanh nghiệp đã cam kết đầu tư dây chuyền chế biến sản xuất tương ớt, đóng chai, có nhãn mác theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho đặc sản tương tớt truyền thống Bắc Hà. Thời gian tới, những mẻ sản phẩm tương ớt đầu tiên trong sự liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp sẽ được đưa ra thị trường.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, huyện Mường Khương đã quy hoạch vùng trồng ớt rộng gần 70 héc-ta tại các xã vùng thấp. Hiện nay, huyện đang tập trung đẩy mạnh, mở rộng vùng ớt, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng liên kết các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ bà con nhân dân giống, phân bón và ký kết bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, nhiều xã trong huyện đã chủ động tổ chức các buổi tập huấn kiến thức về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch ớt cho các hộ gia đình. Đồng thời, trong chế biến phải đảm bảo sản phẩm sạch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số mô hình liên kết giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp chế biến cũng đã được hình thành.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Trên 20% mẫu phân bón hữu cơ không đạt chất lượng

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, có 16 mẫu phân bón vi phạm quy định, vi phạm công bố về chất lượng, chiếm 20,5% so với tổng số mẫu kiểm tra.

Trong tháng 7 và tháng 8, đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thanh tra trong lĩnh vực phân bón hữu cơ tại 10 tỉnh với 38 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Đoàn đã lấy 78 mẫu phân bón tại các cơ sở sản xuất để phân tích kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy, có 16 mẫu phân bón vi phạm quy định, vi phạm công bố về chất lượng, chiếm 20,5% so với tổng số mẫu kiểm tra. Có 11 mẫu, chiếm 14,1% so với tổng số mẫu kiểm tra có chỉ tiêu không đạt mức sai số định lượng cho phép với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng. Có 5 mẫu, chiếm 6,5% so với tổng số mẫu kiểm tra có chỉ tiêu không đạt định lượng bắt buộc so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc quy định trong Danh mục phân bón.

Bên cạnh đó, đoàn cũng phát hiện một số cơ sở sản xuất kinh doanh không đáp ứng được yêu cầu về nhân lực, về máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với công suất và chủng loại phân bón sản xuất.

Đối với hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm chất lượng phân bón, đoàn cũng phát hiện nhiều sai phạm như chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định; không thực hiện giám sát khi cấp dấu hợp quy cho doanh nghiệp; không đảm bảo điều kiện chứng nhận chất lượng phân bón; chưa có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực phân bón.

Bến Tre: Tiêu hủy hàng chục ngàn gói thuốc lá lậu

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre (Sở Công Thương Bến Tre) đã phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan tiêu hủy hàng chục tấn hàng hóa giả, hàng lậu, kém chất lượng. Trong đó, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy lên đến hơn 65.000 gói, gồm các loại JET, Hero, Scott, 555… Ngoài ra, còn có nhiều hàng hóa khác không rõ nguồn gốc với hàng trăm mắt kiếng, 453 gói bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, 161 súng và kiếm nhựa, hàng trăm thùng bia và mũ bảo hiểm bị tiêu hủy cùng đợt. Đây là số hàng hóa do Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường tịch thu qua các lần kiểm tra từ đầu năm đến nay.

Quảng Ngãi: Tiêu hủy hàng nhập lậu, hàng giả

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tiêu hủy hàng hóa nhập lậu, hàng cấm lưu thông, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng do các Đội quản lý thị trường bắt giữ, tịch thu từ tháng 5/2015 đến nay. Số lượng hàng bị tiêu hủy nhiều trong đợt này là 4.200 bao thuốc lá ngoại nhập lậu nhãn hiệu Esse, Jet, Capri, 555; trên 5.700 chai dầu gội các loại; gần 8.700 đồ mỹ phẩm các loại; trên 1.200 linh kiện mũ bảo hiểm các loại; 1.500 kg ruốc thịt (chả bông). Bên cạnh đó là các sản phẩm hàng hóa khác như: Bình đun nước bằng điện, nồi cơm điện đã qua sử dụng, vỏ LPG mini, các dụng cụ sang chiết, linh kiện điện thoại di động, thực phẩm chức năng, sữa các loại, đèn đeo đầu, quần áo trẻ em các loại, hạt hướng dương, rượu Ballantines, các loại bánh kẹo, mỳ tôm… Trong thời gian tới, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống cũng như kiểm tra hàng nhập lậu, hàng giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

HÀNG VIỆT

Hướng đi bền vững cho thương hiệu xoài Yên Châu

Là 1 trong 2 loại xoài được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý từ năm 2012, tuy nhiên để xoài tròn Yên Châu phát triển thành một thương hiệu mạnh thì vẫn rất cần nhiều hỗ trợ từ nhiều phía...

Giá trị kinh tế cao

Theo Hội Trồng và Tiêu thụ xoài Yên Châu, cây xoài đã được trồng ở huyện Yên Châu – tỉnh Sơn La từ rất lâu đời với 2 loại xoài chính là xoài tròn (tiếng địa phương gọi là muồng kẻo) và xoài hôi (tiếng địa phương gọi là muồng khăm). Trong đó giống xoài tròn được bà con ưa chuộng vì đặc tính thơm ngon của nó hơn hẳn các loại xoài khác. Xoài tròn Yên Châu có kích cỡ không to bằng các giống xoài thông thường, thịt xoài mềm, mùi thơm lâu, ăn có vị ngọt đậm. Trọng lượng của quả từ 126 – 200 gam.

Nhờ điều kiện địa lý đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển nên xoài tròn được trồng nhiều ở các xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sập Vạt... Các xã này tập trung ở ven các sông suối, nằm trên vùng gò đồi có địa hình thấp đến trung bình, độ cao từ 250 – 450 mét, cùng một số thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng khác.

Bên cạnh sự ưu đãi của các yếu tố tự nhiên nói trên, thì bí quyết trồng xoài từ lâu đời của người dân địa phương trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, cũng là yếu tố để tạo ra những giống xoài ngon, có chất lượng.

Đặc biệt, kể từ khi được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị của loại xoài tròn đã tăng lên đáng kể, từ chỗ chỉ được bán với giá 4.000 đồng/kg đã tăng lên khoảng 14.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có đời sống ổn định hơn nhờ trái xoài.

Tạo thương hiệu mạnh cho xoài Yên Châu

Ông Hoàng Văn Kẻo – Phó Chủ tịch Hội Trồng và Tiêu thụ xoài Yên Châu cho biết, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng xoài tròn Yên Châu còn nhiều khó khăn để phát triển thành thương hiệu mạnh. Nguyên nhân do người dân đa phần vẫn trồng theo phương thức quảng canh, hầu như không có đầu tư chăm sóc, hoặc nếu có cũng không đáng kể. Chính vì thế xoài đang có hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng và thoái hóa giống. Diện tích xoài tròn ở Yên Châu đang ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ mai một. Người dân đang có xu hướng chuyển sang trồng những cây ăn quả mới có giá trị kinh tế cao hơn như hồng giòn, đào Pháp, na dai…

Bên cạnh đó, giống xoài tròn này thường cho thu hoạch vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm. Đến mùa chín, thương lái thường lên mua và đem bán ở các tỉnh miền xuôi (khoảng 80%), số còn lại được bán tại thị trường trong tỉnh. Tuy nhiên, do cùng mùa xoài chín nên tình trạng xoài từ các nơi khác mang về làm giả thương hiệu xoài Yên Châu ngày càng nhiều, đã làm giảm uy tín sản phẩm đã xuất hiện trong một vài năm qua. Đặc biệt, vì chỉ chín rộ trong một thời gian ngắn nên sản phẩm dễ rơi vào tình trạng đầu vào cuối mùa giá cao nhưng giữa mùa giá thấp.

Để sản phẩm xoài tròn Yên Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Hoàng Văn Kẻo cho rằng, kỳ vọng của Hội là làm sao đưa sản phẩm vào kênh phân phối cố định như siêu thị tại các địa phương lớn để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Bởi hiện nay, dù Hội đã kết nối được với một số hệ thống siêu thị tại Hà Nội nhưng lượng chưa nhiều. “Nhằm khắc phục tình trạng xoài chín rộ trong một thời gian ngắn, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng đầu tư cho bà con một nhà máy sấy xoài khô nhằm bảo quản sản phẩm lâu hơn, mang lại giá trị cao và ổn định hơn cho sản phẩm” – ông Hoàng Văn Kẻo chia sẻ.

Box: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa giống xoài tròn và xoài hôi của huyện Yên Châu vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần bảo tồn và phát triển. Giống xoài này được coi là giống xoài bản địa duy nhất của miền Bắc Việt Nam được liệt kê trong danh mục của tổ chức lương thực tế giới (FAO) cần được giữ gìn và phát triển.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)