Thông tin giá cả thị trường số 23/2016

09:07 AM 22/09/2016 |   Lượt xem: 2925 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bắc Giang: Vui mùa nhãn chín muộn

Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn tại các huyện miền núi của Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.

Được mùa, Được giá

Báo cáo của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Bắc Giang, hiện nay toàn tỉnh có hơn 2.600 héc-ta nhãn, trong đó, gần 2.000 héc-ta cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt hơn 59 tạ/héc-ta với tổng sản lượng 11.500 tấn. Diện tích nhãn tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang. Theo đó, diện tích nhãn muộn ước khoảng 600 héc-ta. Giống nhãn tại Bắc Giang thu hoạch vào khoảng cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 cho quả to, thơm ngon, giá bán cao hơn nhãn chính vụ từ 20 - 25%. Gia đình ông Trần Văn Điền, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên đã đưa vào trồng giống nhãn muộn được mua về từ Hà Tây cũ. Theo ông Điền, giống nhãn này là quả sai, to, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt thanh và đặc biệt là chín muộn hơn các giống nhãn khác 30 - 45 ngày. Đến nay gia đình ông đã có hơn 500 cây nhãn muộn mỗi năm cho thu hoạch bình quân 15 tấn quả. Theo giá thị trường hiện nay mang lại cho gia đình ông Điền hơn 300 triệu đồng. Toàn xã Phúc Hòa đã trồng được 50 héc-ta nhãn muộn và cũng là địa phương có diện tích lớn nhất của huyện Tân Yên. Theo ông Vi Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa thời gian tới cùng với vải sớm, bưởi Diễn, địa phương tiếp tục phát triển thêm 50 héc-ta nhãn muộn để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với nông dân Tân Yên, nhiều người làm vườn ở huyện Lạng Giang cũng chung niềm vui được mùa. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Lạng Giang, hiện huyện có khoảng 200 héc-ta nhãn, tập trung ở các xã: Tân Thịnh, Hương Lạc, Tân Thanh và Tiên Lục, hiện nhiều vườn quả bắt đầu cho thu hoạch. Tại huyện Lục Nam, với 620 héc-ta nhãn, sản lượng nhãn vụ này ước đạt 5.000 tấn, nhiều hộ ở xã Thanh Hải, Giáp Sơn, Quý Sơn thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.

Tiến tới xây dựng vùng nhãn xuất khẩu

Thực tế, cây nhãn muộn tại các huyện miền núi tỉnh Bắc Giang đã đem đến những vụ mùa bội thu cho bà con và được coi là cây trồng chủ lực xóa nghèo. Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang chia sẻ: “Định hướng của ngành là mở rộng diện tích cây trồng này lên khoảng 3.000 héc-ta vào những năm tới, trong đó khuyến khích chuyển đổi những vùng trồng vải thiều kém hiệu quả song chất đất phù hợp với cây nhãn, vườn bãi gần sông suối không bị ngập úng sang trồng nhãn. Cùng đó, các huyện, thành phố cần khuyến khích người dân cải tạo diện tích nhãn già cỗi, nhãn thóc bằng những giống chất lượng, nhãn muộn để rải vụ, góp phần đa dạng sản phẩm cây ăn quả của tỉnh, tăng hiệu quả kinh tế”.

Ông Hà Văn Tuyển, Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Yên cũng hồ hởi cho biết: “Trong đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, nhãn muộn là một trong những cây trồng chủ lực được huyện tập trung phát triển và nhân rộng. Theo đó, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ các mô hình trồng tập trung với quy mô 0,5 héc-ta trở lên và hướng tới xây dựng thương hiệu cho nhãn hiệu nhãn muộn Tân Yên”.

Được biết, hiện nay cơ cấu các trà nhãn tương đối hợp lý. Đây cũng là cây trồng rải vụ, vận chuyển dễ, tăng thu nhập cho nông dân. Do đó từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp định hướng mở rộng diện tích nhãn toàn tỉnh lên hơn 3.000 héc-ta trên chân đất ven sông, suối hoặc đất cấy lúa kém hiệu quả. Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ đồng ý nhập khẩu nhãn của Việt Nam mở ra cơ hội vươn xa cho nhãn muộn Bắc Giang. Vì thế, cùng với định hướng tăng quy mô sản xuất, ngành cũng dự kiến xây dựng vùng trồng nhãn theo quy trình GlobalGAP, cấp 1 - 2 mã vùng để xuất khẩu nhãn vào Mỹ và một số thị trường khác vào các vụ tới. Để phát triển cây nhãn muộn các địa phương tại Bắc Giang cần khảo sát trên cơ sở quy hoạch vùng cây ăn quả và có đánh giá cụ thể, khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và bao tiêu sản phẩm, đặc biệt đối với vùng trồng tập trung để góp phần phát triển ổn định, bền vững.

MUA GÌ

Nghệ An: Đậu xanh được mùa, được giá

Trong khi nhiều loại cây hoa màu mất mùa thì ngược lại cây đậu xanh năm nay được mùa, được giá. Với giá bán dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, nhiều hộ gia đình đã thu lãi khá từ cây đậu xanh. Đặc biệt, nhờ nắm chắc kỹ thuật, từ khâu chọn giống cho đến chăm sóc đúng quy trình nên sản lượng sản lượng đạt cao, khoảng 50 kg/sào. Ước tính với hơn 4 sào đậu và giá bán 35.000 đồng/kg, một hộ gia đình thu được trên 7 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng lúa.

Hiện nay, địa phương đã hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng đậu xanh. Theo đó, diện tích đậu xanh đã tăng từ 1.500 héc-ta lên 2.000 héc-ta trong vụ hè thu năm nay. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo các huyện thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, tổ chức tuyên truyền và giao cho các ngành dịch vụ cung ứng nguồn giống. Nhờ chuẩn bị sớm nên trừ một số diện tích quá khô hạn không thể gieo trồng, số diện tích đất bãi bồi, đất có điều kiện phun tưới đã được trồng đậu xanh và đậu tương.

Đồng Nai: Trứng chim cút giảm giá mạnh

Hiện tổng đàn chim cút của Đồng Nai còn chưa đến 4 triệu con, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng nông dân bỏ nghề nuôi chim cút đã diễn ra cả năm qua và hiện vẫn không ít người phải bán đổ bán tháo chuồng trại chuyển sang nghề khác vì liên tục thua lỗ. Nguyên nhân chính là do trứng cút rớt giá trong suốt một thời gian dài, trong khi từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Thời gian qua, địa phương không khuyến khích việc nuôi gia cầm trong khu dân cư nên những trại nào còn nuôi cũng đều di dời về khu vực vùng sâu có dân cư thưa thớt. Điển hình tại huyện Trảng Bom, trước đây nhà nhà đều nuôi chim cút. Thương lái thu mua trứng nhộn nhịp quanh năm, nhưng hiện số hộ nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ nông dân mà các đại lý bán thức ăn chăn nuôi cũng điêu đứng theo do bán cám cho nông dân rồi không thu hồi vốn được vì người nuôi thua lỗ nặng.

Tiền Giang: Nguy cơ thất thu mùa vú sữa

Hiện nay, các nhà vườn trồng cây vú sữa ở Tiền Giang đang rất lo ngại trước tình trạng cây này ra hoa trễ hơn các năm trước từ 2 - 3 tháng. Trong khi đó, tỷ lệ đậu trái của vú sữa năm nay chỉ đạt khoảng 20 - 30%. Không chỉ vú sữa Lò Rèn, mà những vườn vú sữa Nâu mùa này cũng bị tình cảnh tương tự. Đặc biệt, nhiều vườn cây dù được xử lý đúng kỹ thuật, sau khi xử lý cây cho hoa rất đều nhưng sau đó rụng gần hết. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tình trạng này là do thời tiết thất thường như nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều nơi, mưa nhiều vào đầu mùa đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành trái, khả năng cho trái của cây. Thêm vào đó, tình trạng bệnh khô cành, thối rễ đang tiếp tục lây lan và làm thiệt hại cho cây vú sữa.
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 3.000 héc-ta cây vú sữa, tập trung nhiều ở các xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành, Cai Lậy. Với những dấu hiệu ngay từ đầu đã báo động vườn cây vú sữa ở Tiền Giang có nguy cơ thất mùa.

Bình Định: Giá muối thấp, tiêu thụ khó khăn

Trên đồng muối Đề Gi thuộc địa bàn các xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát); và các xã Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), dù trời nắng, thuận lợi cho làm muối nhưng diêm dân đã thu dọn các dụng cụ, phương tiện sản xuất để kết thúc sớm vụ muối năm nay vì giá muối giảm liên tục. Hiện tại, giá muối đất (sản xuất thủ công) ở mức 350 - 400 đồng/kg, giảm 200 - 300 đồng/kg so với đầu vụ; giá muối sạch (muối trải bạt) 700 - 800 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg. Giá muối đã thấp nhưng việc tiêu thụ cũng rất khó khăn, lượng muối tồn đọng còn khá lớn.

Theo ngành chức năng, nguyên nhân làm cho giá muối năm nay trên địa bàn Bình Định xuống thấp và khó tiêu thụ là do các tỉnh phía Nam được mùa muối. Bên cạnh đó, chất lượng muối sản xuất tại các đồng muối trong tỉnh khá thấp do chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công, muối lẫn tạp chất nhiều, không thể sử dụng trong chế biến công nghiệp. Việc tiêu thụ muối của diêm dân hiện vẫn do thương lái thu mua là chủ yếu. Do vậy, tình trạng ép cấp, ép giá trong thu mua muối thường xuyên xảy ra.

BÁN GÌ

Đồng Tháp : Độc đáo mô hình kinh doanh “Cây xoài nhà tôi”

Dù không có diện tích để canh tác hay trồng trọt nhưng người tiêu dùng vẫn có cơ hội sở hữu vài cây xoài, thậm chí cả vườn xoài đặc sản ở huyện Cao Lãnh thông qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Đây là ý tưởng độc đáo của Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh với mong muốn mang sản phẩm của mình đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.

Với mô hình này, mỗi cây xoài của HTX đều có thể bán cho khách hàng với những thông tin về chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại và giá cả. Tùy nhu cầu và sở thích của mình, người mua có thể lựa chọn một hoặc nhiều cây với giá bán khác nhau. Sau thao tác lựa chọn, người mua sẽ được làm hợp đồng và trở thành chủ sở hữu thực thụ của cây xoài đó trong thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này, nguồn lợi từ cây xoài sẽ hoàn toàn thuộc về người mua. Riêng người bán – xã viên HTX sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cây đến khi cho trái.

Đặc biệt, với mô hình “Cây xoài nhà tôi” toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định, vì vậy khách hàng có thể an tâm về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, đối với những khách hàng không có nhiều điều kiện đến thăm vườn thường xuyên, HTX có thể hỗ trợ khách hàng bố trí, lắp đặt camera để tiện việc theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của vườn xoài nhà mình.

Giá nhãn tăng mạnh

Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 4.000 héc-ta trồng nhãn các loại, tập trung ở các huyện Cao Lãnh, Lai Vung, Châu Thành... Nguyên nhân nhãn tăng giá mạnh do lượng nhãn xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ tăng. Hiện tại, nhãn giống Edor xuất khẩu được thị trường ưa chuộng có giá bán từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với thời điểm chính vụ; năng suất đạt khá, dao động từ 1,5 - 2 tấn/công. Vụ nhãn này, sau khi trừ chi phí thì nhãn da bò cho bà con lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/héc-ta và nhãn Edor lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/héc-ta.

Nghệ An: Trồng bí xanh cho lãi cao

Với trên 100 héc-ta rải đều khắp các địa bàn trong huyện vụ bí này người dân huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) đã thu về trên 30 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu nhập lớn và sẽ là tiền đề, cơ hội để người dân yên tâm đầu tư, là cơ sở để huyện tiếp tục đề ra các chủ trương chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích trong vụ hè thu. Phấn khởi nhất là mặc dù trồng trên đất lúa nhưng vụ bí đã né tránh được lũ lụt.

Bình thường ở vụ khác, bí chỉ từ 4.500 - 5.000 đồng /kg, hiện tại giá bí xanh là 8.000 đồng/kg. Theo một doanh nghiệp thu mua bí ở xã Tào Sơn huyện Đô Lương: Do mùa này các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, thực phẩm rau xanh khan hiếm nên bí rất dễ bán, năm nào doanh nghiệp cũng thu mua bí để bán cho thị trường này với giá đắt gấp đôi hoặc gấp rưỡi các vụ khác. Giá cao nên cả người trồng và người buôn bán đều phấn khởi.

Giá mía dự kiến cao nhất ở Đông Nam bộ

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2016 - 2017, cả nước có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 155.300 tấn mía/ngày.

Theo kế hoạch của các nhà máy, diện tích mía có hợp đồng bao tiêu là 239.565 héc-ta, năng suất bình quân dự kiến là 65,2 tấn/héc-ta, chữ đường bình quân dự kiến là 9,9 CCS, sản lượng mía ép dự kiến là 15.072.727 tấn, sản lượng đường dự kiến đạt 1.462.907 tấn (trong đó đường tinh luyện khoảng 50%).

Giá mía dự kiến sẽ cao nhất ở Đông Nam bộ với giá tại ruộng có hỗ trợ từ 1.050.000 đồng đến trên dưới 1.060.000 đồng/tấn 10CCS; Đồng bằng sông Cửu Long có giá mía dự kiến từ 930.000 đồng đến trên dưới 1.000.000 đồng/tấn 10CCS; miền Trung – Tây Nguyên giá mía dự kiến từ 900.000 đồng đến trên dưới 950.000 đồng/tấn 10CCS; Bắc Trung bộ và Bắc bộ giá mía dự kiến từ 850.000 đồng đến trên dưới 920.000 đồng/tấn.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Cầu nối trong tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc

Bình Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ có 26 dân tộc thiểu số (DTTS), định cư sinh sống ở 42/71 xã, phường, thị trấn, miền núi, vùng cao. Với mục tiêu nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, thúc đẩy sản xuất phát triển, tránh tình trạng tư thương ép cấp, ép giá... Ban Dân tộc đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Trung tâm Dịch vụ miền núi. Đến nay, trung tâm đã trở thành cầu nối giúp đồng bào tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Hệ thống cửa hàng, đại lý cung cấp và bao tiêu sản phẩm

Trung tâm Dịch vụ miền núi có nhiệm vụ phục vụ các mặt hàng chính sách, vật tư sản xuất, tổ chức đầu tư ứng trước và bao tiêu sản phẩm nông lâm sản cho đồng bào ở 11 xã vùng cao và 20 thôn xen ghép. Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua trung tâm đã xây dựng hệ thống cửa hàng, đại lý tại các thôn, xã. Đây chính là cầu nối giữa trung tâm với các hộ đồng bào trong quá trình thực hiện chính sách thu mua sản phẩm của bà con.

Ngoài hệ thống 11 cửa hàng được xây dựng từ nguồn ngân sách, trung tâm cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương ký kết hợp đồng đại lý với các hộ gia đình theo phương thức hợp tác: Hộ dân có mặt bằng làm đại lý, trung tâm cung ứng hàng hóa để các đại lý bán theo giá của trung tâm và thực hiện các nhiệm vụ, nhất là thực hiện chính sách đầu tư ứng trước trên các địa bàn đóng chân. Hiện nay, trung tâm có các đại lý đang hoạt động như Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc); Hàm Cần 1, Hàm Cần 3 (Hàm Thuận Nam); Măng Tố (Tánh Linh)…

Có thể nói, hệ thống các cửa hàng, đại lý là cầu nối, là nơi truyền tải và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà Trung tâm Dịch vụ miền núi thực hiện. Hàng năm, để thực hiện chính sách đầu tư ứng trước, Ban Dân tộc có văn bản hướng dẫn cho các xã đăng ký nhu cầu nhận đầu tư. Quá trình xét duyệt các hộ đủ điều kiện đều có sự tham gia của các cửa hàng, đại lý phối hợp với UBND các xã. Do nằm tại địa phương nên các cửa hàng, đại lý nắm chắc diện tích đất đai, lao động cũng như ý thức chấp hành của từng hộ để từ đó tham gia cùng các thôn, xã xét duyệt các hộ đủ điều kiện nhận đầu tư. Quá trình tổ chức thực hiện đầu tư, cửa hàng, đại lý là nơi trực tiếp cung ứng giống, vật tư phục vụ sản xuất cho các hộ đồng bào.

Góp phần bình ổn giá cả thị trường

Ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ đầu tư ứng trước, hoạt động của các cửa hàng, đại lý thông qua việc bán hàng đã góp phần bình ổn giá cả thị trường miền núi, vùng cao. Các cửa hàng, đại lý với nguồn vốn tự có của mình hoặc vốn vay của trung tâm đã đa dạng hóa các nguồn hàng để phục vụ đời sống của đồng bào. Vào dịp Tết đầu lúa và Tết nguyên đán cổ truyền, các cửa hàng, đại lý đã góp phần đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá vùng đồng bào dân tộc. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ Hè Thu là vụ sản xuất chính của các hộ đồng bào dân tộc, trung tâm đã triển khai việc đăng ký nhận đầu tư ứng trước năm 2016. Đến nay, trung tâm đã tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất năm 2016 và cung ứng 30 tấn bắp giống, 12 tấn lúa giống và trên 300 tấn phân, 11 tấn thuốc bảo vệ thực vật xuống các cửa hàng, đại lý để phục vụ sản xuất. Một số cửa hàng, đại lý như Đông Giang, Đông Tiến, La Ngâu, La Dạ… còn đẩy mạnh việc thu mua hàng hóa nông sản do đồng bào sản xuất ra như hạt điều, măng tươi, lúa, đậu xanh… Trong tổ chức thu mua sản phẩm bắp lai, cửa hàng, đại lý là nơi trực tiếp tổ chức cho các hộ dân từ khâu bẻ bắp, tuốt, vận chuyển, kiểm tra chất lượng và cùng với cán bộ trung tâm, cán bộ Ban chỉ đạo sản xuất xã định giá thu mua trên cơ sở bảng giá do trung tâm thông báo. Đồng thời, thanh toán tiền thu mua cho các hộ dân và thu nợ đầu tư. Thậm chí, nhiều cửa hàng, đại lý đã mạnh dạn vay vốn để mua sắm các phương tiện như máy cày, máy tuốt… để phục vụ sản xuất của các hộ đồng bào.

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, hoạt động của hệ thống cửa hàng, đại lý thuộc Trung tâm Dịch vụ miền núi thời gian qua đã trở thành cầu nối trực tiếp giúp bà con phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Giá cà phê trong nước tăng mạnh

Tại thị trường trong nước, sau một thời gian dài giá cà phê giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg, thậm chí có lúc đã xuống dưới 30.000 đồng/kg, đến ngày 8/9/2016 giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đã trở lại mốc 40.000 đồng/kg.

Từ đầu tháng 9 đến nay, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên liên tục tăng mạnh. Tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng… giá tiếp tục tăng thêm 500 đồng/kg, vượt ngưỡng 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ đầu niên vụ 2015 - 2016 đến nay.

Các chuyên gia cho rằng, giá cà phê nhân xô ở thị trường nội địa tăng cao trước hết là do yếu tố cung cầu. Từ đầu năm đến nay, tuy các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu khá nhiều cà phê nên nguồn cung đã tương đối cạn. Một yếu tố khác cũng cần được nhắc tới là do chuẩn bị bước vào niên vụ mới, nên nhiều nhà kinh doanh, rang xay cà phê nâng giá mua lên và giãn giá trừ lùi. Động thái này có thể giúp họ mua được nhiều cà phê hơn. Bên cạnh đó, giá cà phê thế giới đang trên đà tăng cao cũng là nguyên nhân tác động trực tiếp đến giá cà phê trong nước.

Mặc dù giá cà phê nhân xô đang có xu hướng tăng tiếp, nhưng nhiều hộ trồng cà phê không còn hàng để bán bởi đa số bà con đã chọn bán ở thời điểm giá cà phê bắt đầu tăng. Lúc đó, giá cà phê mới chỉ đạt mức 37.000 - 38.000 đồng/kg.

Giá cà phê tăng lên trên 40.000 đồng/kg là nhân tố kích thích người trồng cà phê ở Tây Nguyên khi chuẩn bị bước vào niên vụ mới. Nhiều dự báo cho rằng, giá cà phê vẫn có thể tăng nữa. Tuy nhiên, một số thương nhân nhiều kinh nghiệm trên thị trường cà phê đã đưa ra cảnh báo rằng, yếu tố đầu cơ đang trội hơn so với yếu tố cung - cầu trong việc đẩy giá cà phê tăng mạnh. Do đó, việc giá cà phê đang tăng như hiện nay không mang tính bền vững.

Đắk Lắk: Phát triên cây công nghiệp mới

Trong điều kiện hạn hán kéo dài, người dân Tây Nguyên đang phát triển một loại cây công nghiệp mới, dễ trồng, hiệu quả kinh tế bước đầu khá cao. Đó là cây sả.

Ea Tir là một trong những xã khó khăn của huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Do địa hình dốc nên sau mỗi mùa mưa, đất đai bị rửa trôi, càng thêm bạc màu. Trong khoảng 10 ngàn héc-ta đất tự nhiên của xã thì có tới gần 6 ngàn héc-ta đất cằn sỏi đá, không phù hợp với các loại cây như tiêu, điều, cà phê, thậm chí cả cao su. Tuy nhiên, đất sỏi đá lại thích hợp cho cây sả phát triển, mức đầu tư thấp, cho thu nhập nhanh. Những hộ có sẵn diện tích trồng cà phê, tiêu cũng có thể trồng xen sả khi cây chưa khép tán, lấy ngắn nuôi dài, đem lại lợi ích kinh tế cao. Ông Vương Văn Lực - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tir cho biết, 1 héc-ta sả thì nấu được 3 nồi và mỗi nồi bình quân được 13 lít. Mỗi lít bán được 270.000 đồng và 40 ngày cắt một lần. Như vậy, sau khi trừ đi hết chi phí thì thu nhập bình quân mỗi héc-ta bà con lãi từ 4,5 - 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu tinh dầu sả trên thị trường rất cao nên bà con không phải lo đầu ra. Tuy nhiên, với mức giá từ 250.000 – 270.000 đồng/lít tinh dầu vẫn còn thấp, do sản phẩm của bà con còn qua trung gian là thương lái. Nếu sản phẩm này được đăng ký thương hiệu, được liên kết thì giá sẽ được nâng lên đáng kể.

Hiện nay, tại xã Ea Tir, tổng diện tích trồng sả đã lên tới gần 100 héc-ta. Vừa qua, Binh đoàn 15 đóng quân tại đây đã ký hợp đồng mua 60 tấn giống sả từ tổ hợp tác. Bà con ở các huyện như Ea Súp, Chư M’gar cũng tới đặt vấn đề phát triển cây sả.

Trong điều kiện hạn hán kéo dài trong những năm gần đây ở Tây Nguyên, sả là một trong những loại cây công nghiệp phù hợp, dễ trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ở những địa phương đất cằn khó khăn như Ea Tir, nếu được quan tâm phát triển đúng mức, cây sả có tiềm năng trở thành một trong những loại cây chủ lực để người dân thoát nghèo và làm giàu. Liên Mai

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất gạo chất lượng cao

Thay vì tập trung vào các thị trường truyền thống, những năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi sang trồng các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay, nhu cầu của thị trường là các loại gạo thơm chất lượng cao như OM 5451, các giống ST cao cấp. Đây là những loại gạo mà các doanh nghiệp trong nước không đủ số lượng để cung cấp. Trong khi đó, những loại gạo phẩm cấp thấp, sản xuất lại dư thừa. Vì vậy, để nâng cao giá trị và cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp và người nông dân cần xem lại cơ cấu giống lúa sản xuất cho phù hợp.
Thời gian qua, đã có nhiều trung tâm sản xuất các giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của các thị trường nhập khẩu “khó tính”. Vấn đề còn lại là mở rộng sản xuất những giống này sao cho hiệu quả. Ví dụ, tại Trung tâm giống cây trồng Sóc Trăng đã khảo nghiệm giống lúa mới 2 vụ/năm để sản xuất những giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như: OM 5451, ST 20, ST 5. Những giống lúa này có đặc tính thơm, chất lượng cao, phù hợp với đồng đất bị nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (An Giang) đã dành 15 héc-ta để nghiên cứu giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, để có được nguồn nguyên liệu gạo chất lượng cao thì doanh nghiệp phải phối hợp và hướng dẫn nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần định hình dần hướng đi trên con đường xuất khẩu, chủ động mở rộng thị trường, tìm hợp đồng thương mại cho hạt gạo chất lượng cao…

Yên Bái: Hướng đi mới từ trồng dâu nuôi tằm

Tân Đồng là một xã vùng cao thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Với khoảng 55% số dân là người dân tộc thiểu số, địa hình núi cao và trình độ dân trí thấp là những khó khăn ngăn cản sự phát triển của xã. Tuy vậy, những năm gần đây, việc thay đổi từ trồng lúa nước sang trồng dâu nuôi tằm đã giúp người dân Tân Đồng mở ra hướng phát triển mới.

Tân Đồng có xuất phát điểm là một xã nghèo, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và trồng rừng. Trước thực tế khó khăn của địa phương, trong nhiệm kỳ 2010 - 1015, cán bộ của xã đã đưa nghề trồng dâu nuôi tằm vào thực nghiệm và dần phát triển ổn định, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân địa phương. Tới nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã thu hút được 236 hộ tham gia trên tổng 964 hộ trong toàn xã. Bên cạnh sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các hộ trồng dâu nuôi tằm trong xã đã hình thành tổ hợp tác nhằm giúp đỡ nhau cùng phát triển. Mỗi tổ hợp tác có trung bình từ 10 - 15 hộ.

Tổng diện tích đất trồng dâu kinh doanh của xã hiện nay là 103,6 héc-ta. Nhờ có kỹ thuật tốt mà trung bình người dân thu được gần 20 kg kén/vòng. Mỗi lứa tằm có chu kỳ là 10 ngày tính từ khi nhận giống tới khi bắt đầu cuốn kén. Mỗi năm người dân nuôi tằm trong khoảng 8 tháng. Với giá trung bình dao động trong khoảng 100.000 đồng/kg kén, người dân trong xã đã có thu nhập thường xuyên và ổn định hơn. Sau gần 6 năm bắt tay vào thực nghiệm và phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm, tới nay nhiều hộ đã có thu nhập gần 100 triệu đồng trong năm. Cuộc sống của người dân có những thay đổi vượt bậc, đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ mô hình này. Cụ thể với gia đình ông Lê Ngọc Sơn (thôn 1, xã Tân Đồng) đã chuyển đổi hơn 6 sào ruộng sang trồng dâu nuôi tằm. Nếu trồng lúa thì mỗi năm thu về 2 tấn thóc, quy đổi sẽ có giá trị trên 10 triệu đồng. Sau khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, mức thu nhập đạt 50 triệu đồng/ năm.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Thu giữ và tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu

Từ đầu năm đến nay, Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã thu giữ và tiêu hủy trên 7 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu ngoài danh mục. Phần lớn là các loại thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc diệt cỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Thu giữ và tiêu hủy trên 7 tấn thuốc bảo vệ thực vật

8 tháng qua, Cục Bảo vệ Thực vật đã phát hiện hơn 40 vụ việc vi phạm về vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Số thuốc nhập lậu này chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và có độc lực mạnh, nghiêm cấm sử dụng và buôn bán trên thị trường. Tổng số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu là khoảng trên 7 tấn với hơn 25 loại, bao gồm các nhóm thuốc trừ sâu/nhện; thuốc trừ bệnh; thuốc kích thích tăng trưởng; thuốc trừ cỏ. Số thuốc bảo vệ thực vật được nhập lậu đều nằm ngoài danh mục cho phép, với độc tính cao có nguồn gốc từ Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã xử phạt 54 cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, trái phép.

Hiện, Cục Bảo vệ Thực vật đã tổ chức xử lý, tiêu hủy 5 tấn thuốc bảo vệ thực vật thu giữ trong thời gian qua tại nhà máy Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công tại Hải Dương. Số còn lại khoảng hơn 2 tấn, Cục sẽ tiếp tục thực hiện tiêu hủy trong thời gian tới. Việc tiêu hủy thuốc BVTV được thực hiện theo công nghệ xử lý trong lò xi măng với nhiệt độ 1.5000C, đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, bảo đảm về an toàn môi trường.

Tập trung triệt phá các đầu nậu, đường dây buôn lậu

Mặc dù mục tiêu của các cơ quan chức năng trong thời gian qua là tập trung vào triệt phá các đầu nậu, đường dây buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật lớn, nhưng mới chỉ phát hiện các vụ buôn bán, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu nhỏ lẻ. Thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc nhằm ngăn chặn, đấu tranh với tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu vào Việt Nam.

Theo Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật và các thông tư hướng dẫn, việc bắt giữ thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu và kinh phí cho vận chuyển, lưu trữ, tiêu hủy thuộc về trách nhiệm của địa phương, có thể lấy từ ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương. Tuy nhiên, lâu nay do khó khăn về kinh phí, các địa phương bắt giữ, không biết lưu trữ, tiêu hủy thế nào. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã quyết định đứng ra tổ chức tiêu hủy nhằm tạo động lực tốt hơn cho địa phương triển khai bắt giữ hàng lậu.

Với trách nhiệm của mình, Bộ NN&PTNT cũng rất quyết liệt trong vấn đề chống buôn bán, nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật. Đối với nhiều địa phương hiện nay, việc quan trọng nhất là ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kiên quyết để từ nay đến cuối năm không còn tình trạng nhập lậu nữa. Vì vậy, ngay từ đầu năm nay, Bộ đã chỉ thị cho các đơn vị ở địa phương, phối hợp với các bộ, ngành “đánh” quyết liệt vào thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Trong chỉ thị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu "nhập lậu chỉ 1 gói cũng bắt". Cùng với đó, Bộ cũng đã phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường và các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, đặc biệt là ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn để xử lý.

Box: Cục Bảo vệ Thực vật đã tổ chức 12.000 đại lý (trong hệ thống 32.000 đại lý cả nước) thuốc bảo vệ thực vật trên cả nước ký cam kết không buôn bán thuốc lậu, không nguồn gốc. Đồng thời, đã thiết lập đường dây nóng về vấn đề trên. Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo, nếu các địa phương, cơ quan chức năng nào phát hiện thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, liên hệ ngay với Cục Bảo vệ Thực vật để vận chuyển về Hà Nội xử lý.

HÀNG VIỆT

Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam: Chuỗi kết nối nông sản an toàn

Điệp khúc được mùa, mất giá vẫn diễn ra trong nhiều năm qua với nhiều loại nông sản của Việt Nam như: thanh long, dưa hấu, hành tím... Bên cạnh đó là vấn nạn thực phẩm mất an toàn liên tục bị phát hiện. Điều này đòi hỏi phải xây dựng chuỗi kết nối nông sản an toàn bền vững. Trong đó, việc ra mắt Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam được cho là giải pháp góp phần giải quyết cả hai vướng mắc trên.

Cầu nối giữa sản xuất và thị trường

Phát biểu tại Lễ công bố thành lập Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn chia sẻ: Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam được thành lập theo Luật HTX Việt Nam nhằm xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn trên toàn quốc. Từ đó, tiến tới xây dựng thương hiệu “Nông sản an toàn Việt Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước” và góp phần nâng cao giá trị bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế hợp tác trong thời kỳ hội nhập.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự nhấn mạnh: Trước vấn nạn thực phẩm mất an toàn vệ sinh và ô nhiễm liên tục bị phát hiện tràn lan trên thị trường, Liên minh HTX Việt Nam rất chủ động nhập cuộc và cho rằng việc sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các HTX, của thành viên HTX và của người nông dân, nhằm cung ứng những nông sản thực phẩm có chất lượng và có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của toàn xã hội hiện nay. “Các HTX sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản an toàn cho người dân nông thôn. Và khi sản phẩm của nông dân được thị trường chấp nhận, thì HTX có cơ hội tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa lớn. Từ đó, HTX sớm khắc phục những tồn tại để từng bước nâng cao hiệu quả, góp phần phát triển “tam nông” và xây dựng nông thôn mới bền vững…”, ông Võ Kim Cự nói.

Cùng với lễ ra mắt, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam đã khai trương siêu thị giới thiệu nông sản an toàn Việt Nam đầu tiên trên phố Mạc Thái Tông (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Siêu thị nông sản an toàn quy tụ hơn 1.000 sản phẩm rau củ quả và thực phẩm đến từ các HTX sản xuất uy tín trên toàn quốc như: HTX Anh Đào ở Đà Lạt - Lâm Đồng, HTX Tự nhiên ở Mộc Châu - Sơn La…

Nhân rộng chuỗi siêu thị nông sản an toàn

Ông Võ Kim Cự cam kết, các sản phẩm bày bán tại đây đều đạt tiêu chuẩn an toàn. Khách hàng có thể kiểm tra thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã vạch dán trên bao bì. Do đây là hệ thống tiêu thụ nông sản của HTX nên trong quá trình tiêu thụ sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo chất lượng. Nếu phát hiện trường hợp gian lận thương mại, lợi dụng thương hiệu, các sản phẩm kém chất lượng, không đạt yêu cầu, Liên minh HTX sẽ áp dụng chế tài xử phạt theo quy định và loại tất cả các sản phẩm của HTX cung cấp này ra khỏi chuỗi cung ứng

Về lộ trình, từ nay cho tới hết năm 2016, sẽ phấn đấu mở khoảng 50 - 100 mô hình cung ứng nông sản an toàn, trước mắt là tại 2 đô thị lớn gồm: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao sự ra đời của Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam với việc hình thành kênh phân phối, bán lẻ các sản phẩm nông sản an toàn phục vụ nhu cầu ngày càng lớn về thực phẩm sạch của người tiêu dùng. “Đây sẽ là kênh phân phối quan trọng để giúp hơn 10 triệu hộ nông dân được hưởng lợi và từ đó, thúc đẩy hơn nữa cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nói.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)