Thông tin giá cả thị trường số 27/2017

10:13 AM 21/07/2017 |   Lượt xem: 10477 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hà Tĩnh: Nông dân mất mùa lạc

Lạc là một trong những cây trồng cạn chính vụ xuân của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, năm nay, lạc mất mùa, giá rẻ khiến người trồng lo lắng. Nhiều hộ gia đình thu hoạch lạc trong tâm trạng uể oải, chán nản.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh trồng hơn 14.000 héc-ta lạc vụ xuân, năng suất đạt 22 tạ/héc-ta, giảm khoảng 2 tạ/héc-ta so với năm 2016. Một số huyện ven biển như: Lộc Hà, Thạch Hà và Kỳ Anh, vụ lạc này mất mùa do đồng ruộng thấp trũng, khi mưa xuống không thoát nước kịp khiến lạc bị ngập úng. Không chỉ mất mùa, nông dân Hà Tĩnh còn gặp khó khăn trong tiêu thụ lạc dù giá của nông sản này đã giảm khá mạnh.

Tại Hà Tĩnh, thời điểm này những năm trước, thương lái tấp nập đổ về các xã, thôn có diện tích đất màu nhiều để thu mua lạc. Thậm chí, lạc mới nhổ về đã có thương lái đến đặt mua. Lạc tươi cũng mua, lạc khô cũng mua. Trong khi đó, vụ lạc năm nay, bà con nông dân đã thu hoạch được gần một tháng mà không thấy người tới hỏi mua. Hiện nay, hàng trăm tấn lạc chất đống giữa đồng chờ tiêu thụ.

Bên cạnh việc không tiêu thụ được, năng suất lạc vụ này cũng giảm mạnh. Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, năm nay, lạc mất mùa do thời tiết bất thường. Đầu tháng 2 là thời kỳ xuống giống thì gặp không khí lạnh gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Đến tháng 4 và tháng 5 lại gặp thời tiết mưa nắng thất thường khiến cây lạc ra hoa ít nên không thể đậu củ. Chính vì vậy, năng suất của nhiều ruộng giảm 1/2, thậm chí 1/3 so với vụ trước. Năng suất giảm, giá cũng giảm gần một nửa so với năm ngoái nên thu nhập từ lạc hiện chỉ đủ bù chi phí. Mọi năm, các hộ dân đều trông chờ tiền bán lạc để mua sách vở, đóng tiền học cho các con. Năm nay, tình trạng ế ẩm, mất mùa khiến đời sống của người nông dân đang hết sức khó khăn.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, giá lạc trên thị trường hiện dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái trung bình 20.000 - 22.000/kg, thời điểm cao nhất lên đến 35.000 đồng/kg. Giá lạc vỏ mua vào trung bình khoảng 12.000 – 14.000/kg. Đặc biệt, năm nay, các đại lý lớn chưa thu mua lạc nhân nên thương lái cũng chưa thu mua lạc vỏ. Hiện các thương lái chỉ bán lạc nhân cho các lò kẹo cu đơ, lò ép dầu… Trong khi đó, vào thời điểm này năm ngoái, thương lái trên địa bàn huyện đã thu mua hàng chục tấn lạc vỏ.

Lạc là cây trồng chủ lực của huyện Lộc Hà với diện tích gieo trồng là 1.247 héc-ta. Các xã Thạch Châu, Thạch Bằng, Thịnh Lộc... là những địa phương có diện tích trồng lạc nhiều của huyện Lộc Hà. Tuy nhiên, giá lạc giảm quá thấp khiến người dân dở khóc, dở cười. Bán thì lỗ, không bán, phơi khô để đợi giá lên lại càng lỗ hơn vì lạc càng khô càng nhẹ. Nhiều hộ dân cho biết, dù giá chạm đáy nhưng họ vẫn phải bán tống, bán tháo để lấy tiền trả chi phí đầu tư và trang trải cuộc sống.

Để giải quyết tình trạng này, địa phương đã hướng dẫn các huyện làm tờ trình báo cáo lên tỉnh và tìm hiểu nguyên nhân khiến giá lạc giảm thấp. Đồng thời, thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ người dân.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Vụ tôm năm nay: Nghệ An thắng lớn

Những ngày này, tại những vùng nuôi tôm ven biển tại Nghệ An như: Diễn Châu, Hoàng Mai… không khí bán buôn tấp nập. Đến thời điểm này, các chủ đầm cơ bản đã thu hoạch xong vụ tôm với niềm vui được mùa, được giá.

Vụ 1 năm nay, tỉnh Nghệ An thả nuôi 1.320 héc-ta tôm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Thời tiết thuận lợi, nguồn giống chất lượng, ít dịch bệnh, tôm chóng lớn, được giá nên các hộ nuôi thắng lớn. Tại khắp các ao nuôi, hàng chục nhân công đang xúc từng rổ tôm, đóng thùng xốp, vận chuyển lên xe tải. Đặc biệt, bà con thu hoạch đến đâu, tư thương đến đặt hàng thu mua ngay đến đó.

Toàn huyện Diễn Châu có 145 héc-ta tôm vụ 1, năng suất ước đạt trên 4 tấn/héc-ta; có trên 90% số hộ nuôi tôm được mùa. Hiện nay, nhiều hộ dân trong huyện đã thu hoạch hết tôm và đã hoàn thành thả tôm vụ 2. Còn tại huyện Quỳnh Lưu, vụ 1 năm nay, toàn huyện thả nuôi 465 héc-ta tôm thẻ chân trắng. Đến cuối tháng 6, bà con đã thu hoạch được gần 1.100 tấn tôm; năng suất bình quân ước đạt trên 4 tấn/héc-ta, cao hơn 0,5 tấn so với tôm vụ 1 năm 2016.

Năm nay, theo lịch thời vụ của ngành thủy sản tỉnh, bà con thả nuôi sớm, thời tiết thuận lợi nên con tôm phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao nhất từ trước tới nay. Cá biệt có những hộ nuôi tôm đạt năng suất 13 -14 tấn/héc-ta.

Đáng mừng là sau một thời gian ồ ạt thả nuôi bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, đến nay, ý thức xử lý ao đầm của người dân đã được nâng cao. Nhiều hộ thận trọng thả gối vụ, thăm dò, ngăn thành nhiều đầm nhỏ để dễ theo dõi, quản lý dịch bệnh.

Phú Yên: Giá mủ cao su tăng

Hiện nay, giá mủ cao su được các thương lái mua với giá 10.500 đồng/kg mủ đông, tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm ngoái. Mặc dù giá tăng nhưng nhiều người trồng cao su ở huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) vẫn lo vì giá mủ lên xuống thất thường.

Thực tế cho thấy, giá mủ hiện nay tăng 4.000 đồng so với cách đây 2 năm nhưng chỉ bằng 1/3 so với thời điểm “vàng son”. Theo tính toán sơ bộ của một số hộ trồng cao su lâu năm, mùa thu hoạch mủ này, trung bình mỗi ngày 1 héc-ta trút được 50 kg mủ, bán với giá 10.500 đồng/kg, được 550.000 đồng. Với những vườn cao su trồng trên 10 năm tuổi, cứ cách đêm cạo mủ một lần, một tháng cạo 15 lần mủ, thu nhập trên 8,2 triệu đồng, trừ chi phí mỗi héc-ta còn lãi 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều khiến nông dân lo lắng là giá mủ lên xuống thất thường nên thu nhập không ổn định. Đặc biệt, năm nay, thời điểm thu hoạch mủ cao su rộ thì trời lại mưa nên khâu cạo mủ gặp khó. Khi cạo mủ mà gặp mưa thì miệng cạo không ra mủ mà khô lại, muốn lấy mủ phải cạo tiếp, điều này dẫn đến số lần cạo nhiều dẫn đến cây nhanh xuống sức.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 3.999 héc-ta cao su, tập trung ở huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Trong số diện tích trên, diện tích cho khai thác mủ thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền là  1.800 héc-ta, số còn lại nhân dân tự trồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của thị trường cao su thế giới và trong nước, giá mủ cao su liên tục hạ thấp, có lúc nhích lên nhưng vẫn còn ở mức thấp so với trước đây. Vì vậy, đối với những vườn cao su sinh trưởng phát triển tốt và trung bình đang thời kỳ kinh doanh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phú Yên khuyến cáo người dân giảm đầu tư phân bón, điều chỉnh chế độ cạo mủ từ 1 ngày sang 3 - 4 ngày/lần để kéo dài tuổi thọ cây. Ðồng thời, bà con nông dân không nên mở rộng diện tích cây cao su so với quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Hậu Giang: Cá điêu hồng tăng 6.000 đồng/kg

Hiện nhiều thương lái tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh Hậu Giang đến tận các bè, lồng cá nuôi của người dân để thu mua cá điêu hồng thương phẩm với giá 31.000 - 32.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg so với nửa tháng trước đây. Đây là đợt tăng giá đầu tiên sau gần 1 năm giá một số loại cá nuôi như: cá điêu hồng, cá lóc, cá thát lát, cá trê… đồng loạt giảm mạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều hộ chỉ còn một vài bè cá điêu hồng. Đây cũng là thực trạng đáng báo động vì chỉ khi giá cá trên thị trường bắt đầu tăng cao thì sản lượng cá không còn nhiều.

Tiêu thụ muối chậm

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm nay, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt hơn 13.640 héc-ta; trong đó, diện tích muối thủ công đạt 9.330 héc-ta; diện tích muối công nghiệp đạt hơn 4.310 héc-ta. Ước tính, lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 385.465 tấn, bằng 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: miền Bắc tồn 8.112 tấn, miền Trung tồn 202.465 tấn và khu vực Nam bộ tồn 174.888 tấn.

Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến phức tạp, ngày nắng, đêm mưa nên sản lượng muối thấp. Bên cạnh đó, các địa phương hiện tập trung tiêu thụ lượng muối tồn từ năm 2016, song tình hình tiêu thụ muối chậm.

Giá muối trong tháng 6 vừa qua có tăng so với tháng trước, cụ thể: miền Bắc từ 1.200 - 2.500 đồng/kg; miền Trung: muối thủ công từ 800 - 1.200 đồng/kg, muối công nghiệp từ 850 - 1.200 đồng/kg; Nam bộ từ 700 - 1.300 đồng/kg.

Bình Dương: Giá tiêu giảm kỷ lục, nông dân trữ hàng

Những ngày qua, giá hạt tiêu liên tục giảm, từ 140.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm xuống còn 80.000 đồng/kg. Trước thực tế này, nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã giữ hàng chờ giá lên mới bán. Nguyên nhân khiến giá tiêu giảm sâu như hiện nay là do sản lượng tiêu trong nước tăng mạnh, nhất là ở Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Điều này đã dẫn đến tình trạng tồn kho lớn, kéo giá tiêu giảm xuống.

Trước tình hình giá tiêu giảm sâu như hiện nay, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con không vì những tác động nhất thời mà phá bỏ cây tiêu. Bài học chặt bỏ rồi lại trồng lại từ cây: điều, cao su, cà phê… đều là những kinh nghiệm mà bà con cần nhìn nhận nghiêm túc.

Trà Vinh: Nghêu cuối vụ giá cao

Không như mọi năm, giá nghêu thương phẩm ở Trà Vinh vào thời gian cuối vụ thu hoạch năm nay vẫn ở mức cao. Hiện nghêu được các thương lái ký hợp đồng thu mua từ 22.500 - 25.500 đồng/kg. Mức giá này cao hơn năm trước từ 10.000 - 11.000 đồng/kg. Đây cũng là năm đầu tiên trong vòng 10 năm qua, người nuôi nghêu ở Trà Vinh được mùa, được giá.

Trà Vinh hiện có khoảng 1200 héc-ta bãi bồi ven biển; trong đó, có gần 800 héc-ta bãi cát thích hợp cho nghề nuôi nghêu. Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã chủ trương giao đất bãi bồi ven biển cho các xã vùng ven biển để vận động người dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu, trong đó ưu tiên cho các hộ nghèo, không đất sản xuất. Nhờ vậy, tỉnh hiện đã thành lập được 7 hợp tác xã và tổ hợp tác nuôi nghêu, thu hút được hơn 21.000 xã viên, trong này tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 6.000 người.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Đồng bằng sông Cửu Long: Triển khai các giải pháp cho vụ lúa thu đông

Cục Trồng trọt cho biết, vụ thu đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay có ý nghĩa đặc biệt. Trước hết, đây là vụ lúa duy nhất còn lại trong năm để bảo bảo an ninh lương thực và bù đắp cho sản lượng lúa cả nước đã bị giảm trong vụ đông xuân. Đây cũng là dịp để nông dân ĐBSCL tranh thủ thời cơ phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập.

Diện tích lúa thu đông 2017 tại ĐBSCL dự báo sẽ giảm nhẹ so với năm 2016 do một số bất lợi. Nếu đạt diện tích theo kế hoạch và tổ chức chăm sóc tốt để năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/héc-ta, thì sản lượng lúa thu đông 2017 vẫn đạt 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 400 ngàn tấn so năm 2016. Như vậy cả năm 2017, vùng ĐBSCL vẫn có khả năng tăng 500 ngàn tấn so với năm 2016, bù đắp được sản lượng thiếu hụt của vụ đông xuân 2016 – 2017 trong toàn vùng. Tuy nhiên, để sản xuất lúa thu đông năm nay đảm bảo, các địa phương ĐBSCL cần tập trung quyết liệt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường theo dõi diễn biến của dịch hại trên đồng, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá để bảo vệ diện tích và năng suất lúa hè thu hiện còn chưa thu hoạch xong. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương thực hiện nguyên tắc trên 2% nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là phải tiêu hủy ngay. Đồng thời, theo dõi, phát hiện và dự tính, dự báo rầy nâu vào đèn ở từng vùng, từng cánh đồng và từng tiểu vùng để xây dựng lịch thời vụ xuống giống cho phù hợp, phòng trừ sớm rầy nâu theo chỉ đạo và hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, tránh sự bùng phát và lây lan trên diện rộng… Trong trường hợp bùng phát dịch hại, cần sớm phát hiện các ổ dịch, cử cán bộ kỹ thuật, huy động lực lượng từ các viện, trường tổ chức dập dịch, ngăn ngừa sự phát tán trên diện rộng. Duy trì mạng lưới kỹ thuật viên tại các xã, bồi dưỡng chuyên môn và tập huấn kỹ thuật hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá để tuyên truyền rộng rãi trong nông dân… Bên cạnh đó, cần tổ chức in ấn và cấp phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá cho tất cả nông dân sản xuất lúa trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam.

Thứ hai, bám sát và theo dõi bản tin dự báo lũ của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp bảo vệ lúa khi có nguy cơ lũ lớn. Các địa phương theo dõi sát diễn biến dòng chảy sông, thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, duy tu, bảo dưỡng các vị trí xung yếu và có kế hoạch phòng, chống ngập lũ phù hợp.

Thứ ba, đối với cơ cấu giống và thời vụ: Cần tiếp tục theo dõi và đánh giá các giống lúa đang sản xuất về tính mẫn cảm với rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá để khuyến cáo sử dụng và quản lý dịch hại trên địa bàn. Giống lúa khuyến cáo trong vụ thu đông là ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm phục vụ xuất khẩu có giá trị cao như: Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD20...; các giống lúa chủ lực xuất khẩu đạt tiêu chí hạt dài, trắng trong, không bạc bụng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao như: OM4900, OM6976, OM5451, OM 7347… Đồng thời, khuyến cáo nông dân giảm lượng giống lúa gieo sạ, quản lý cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới theo quy trình canh tác tiên tiến.

Trước tình hình dự báo lũ sớm và lũ cao hơn trung bình nhiều năm, thời vụ thu đông theo phân vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển bố trí như sau:

Vùng ngập sâu: gồm vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên thời vụ xuống giống sẽ bắt đầu vào cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2017.

Vùng ngập nông: thuộc vùng phù sa ngọt Sông Tiền, Sông Hậu thời vụ xuống giống bắt đầu vào đầu tháng 7 đến giữa tháng 8/2017. Chú ý tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ sản xuất và lưu ý theo dõi mực nước lũ, triều cường.

Đối với vùng ven biển: thời vụ xuống giống bắt đầu từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 8/2017.

HÀNG VIỆT

Thị trường Lào Cai chắc chân hàng Việt

Đưa hàng Việt về Lào Cai chưa bao giờ dễ dàng, bởi với vị trí gần biên giới Trung Quốc, lượng hàng Trung Quốc giá rẻ tuồn vào Lào Cai rất lớn. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; thúc đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa chính hãng; xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam… hàng Việt Nam đang tiến từng bước vững chắc để chinh phục người tiêu dùng.

Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam

Trong 7 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), nhiều giải pháp kích thích sản xuất, tiêu dùng hàng Việt đã được ngành Công Thương Lào Cai tích cực thực hiện. Cụ thể, trong 7 năm qua, đã có hàng trăm hội chợ, triển lãm, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu vực biên giới… được tổ chức. Với hàng hóa đa dạng, chất lượng, giá cả phải chăng, các chương trình đã thu hút hàng ngàn lượt DN, hàng trăm ngàn lượt khách đến thăm quan mua sắm, doanh thu rất khả quan.

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam “Tự hào hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức đã được tỉnh Lào Cai ủng hộ nhiệt liệt. Trong lần đầu tổ chức vào năm 2016, Sở Công Thương Lào Cai đã lựa chọn, vận động các siêu thị, chợ, cửa hàng kinh doanh có lưu lượng trao đổi hàng hóa cao, lượng khách đến mua sắm lớn tích cực treo băng rôn, khẩu hiệu nhận diện chương trình, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt.

Đặc biệt, để có được nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, được bà con ưa chuộng, DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm chi phí; hạ giá thành sản phẩm… để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối, đưa hàng hóa thương hiệu Việt đến với các tầng lớp nhân dân. Các DN bán lẻ, nhà phân phối cũng “vào cuộc” tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng... trong các dịp lễ, Tết. Từ đó thu hút được sự quan tâm của bà con, góp phần kích thích sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Bằng sự tích cực từ nhiều phía, từ khi triển khai thực hiện CVĐ đến nay, chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng lên, từ mẫu mã, kiểu dáng đến chất lượng. Tại hệ thống các siêu thị, hiện tỷ trọng mặt hàng thực phẩm là hàng Việt chiếm trên 90%, mặt hàng điện tử, điện lạnh chiếm 60 - 70%, hàng gia dụng chiếm 50%. Tại hệ thống các chợ truyền thống, tỷ trọng hàng thực phẩm là hàng Việt từ 60% nay tăng lên 80 - 90%, hàng gia dụng chiếm khoảng 40%... Đây là nỗ lực rất lớn của các DN Việt và ngành Công Thương để đưa hàng Việt “phủ sóng” địa phương này.

Xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, từ năm 2015 đến nay, Sở Công Thương đã xây dựng được 2 Điểm bán hàng Việt Nam tại Trạm dừng nghỉ số 5 - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cửa hàng bách hóa tổng hợp thuộc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Bảo Yên (huyện Bảo Yên).

Điểm đặc biệt của các điểm bán hàng này là có diện tích trưng bày rộng với nhiều hàng hóa thiết yếu, đặc sản địa phương nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bán hàng Việt nói chung và hàng hóa nông sản của Lào Cai nói riêng đến người tiêu dùng trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước. Các điểm bán hàng cũng góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về hàng hóa sản xuất trong nước, thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Phát huy hiệu quả của các Điểm bán hàng Việt Nam, Sở Công Thương Lào Cai định hướng sẽ xây dựng thêm một số điểm bán trong thời gian tới. Đồng thời, hướng tới mục tiêu xây dựng các mô hình này thành các điểm không chỉ quảng bá, bán hàng đặc sản địa phương có chất lượng mà còn phân phối các sản phẩm đặc sản của Lào Cai đi các tỉnh lân cận hoặc đặc sản của các tỉnh lân cận đến Lào Cai và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, việc tuyên truyền, quảng bá và vận động hưởng ứng CVĐ không những giúp thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Lào Cai mà còn thu hút đông đảo lượng khách quốc tế đến Lào Cai tin tưởng mua sắm, sử dụng hàng hóa mang thương Việt, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm và đặc sản địa phương.  

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)