Thông tin giá cả thị trường số 29/2016

03:54 PM 03/08/2017 |   Lượt xem: 5457 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đồng bằng sông Cửu Long: Vật tư nông nghiệp giảm giá

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ gieo sạ lúa thu đông 2017, nhu cầu vật tư nông nghiệp tăng mạnh. Nhưng điều đáng mừng là bước vào vụ mà giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang có xu hướng giảm.

Nông dân các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đang xuống giống vụ lúa thu đông năm 2017 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Hiện nay, khâu vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống hầu như đã hoàn tất. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến khá phức tạp, người dân và ngành chức năng dự báo vụ lúa này sẽ gặp không ít khó khăn. Để chuẩn bị cho mùa vụ, khâu chọn giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật rất quan trọng.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, giá nhiều loại phân bón đang có chiều hướng giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, phân đạm Cà Mau giá một tháng trước khoảng 310.000 đồng/bao nay giảm xuống còn 300.000 đồng/bao; đạm Phú Mỹ từ 320.000 đồng/bao giảm còn 305.000 đồng/bao. DAP xanh (Trung Quốc) giá 500.000 đồng/bao nay giảm xuống còn 495.000 đồng/bao. Các loại phân Kali (Israel) giá dao động từ 390.000 đồng giảm còn 380.00 đồng/bao. Giá phân NPK cũng giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/bao so với trước đây... Với mức giá này, hầu hết bà con nông dân đều cảm thấy nhẹ nhõm vì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là 2 mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất lúa.

Thông thường, trước khi bước vào đầu vụ lúa, thị trường vật tư nông nghiệp đều tăng giá. Tuy nhiên, năm nay, thị trường vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại giảm giá mạnh. Chính vì vậy, các đại lý vật tư nông nghiệp cấp 1 và 2 ở các tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ… đều tích cực đặt hàng, chủ yếu là nhóm sản phẩm tiết kiệm như đạm Ure N46TE, Zoorea F1 và NPK…

Bên cạnh việc phân bón giảm giá, các loại thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp cũng có xu hướng giảm nhẹ với mức giảm khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chai. Nguyên nhân do nguồn nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc trừ sâu rất phong phú, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt về giá giữa các thương hiệu trong và ngoài nước. Từ đó, kéo giá thành sản xuất các loại thuốc nông dược xuống thấp, nông dân được nhờ.

Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định, nguyên nhân khiến thị trường vật tư nông nghiệp giảm giá một phần do giá nông sản nông dân bán ra thấp, năng suất lại không cao. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, nông dân chuyển sang sử dụng các mặt hàng phân bón mới giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, nguồn nhập khẩu vật tư nông nghiệp tăng trong khi nguồn cung trong nước vẫn ổn định cũng tác động đến giá phân bón

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Dầu lạc, dầu vừng tiêu thụ mạnh

Năm nay, lạc giảm giá lại khó tiêu thụ nên nhiều nông dân ở Nghi Lộc (Nghệ An) đã ép làm dầu ăn. Các cơ sở ép dầu lạc, vừng cũng xuất hiện khá nhiều, đáp ứng nhu cầu của khách.

Ở các xã vùng màu trọng điểm sản xuất lạc trong huyện Nghi Lộc, hầu như xã nào cũng có người sắm máy mới để mở dịch vụ ép dầu lạc, vừng. Lạc sau khi bóc vỏ, nhặt hết hạt sâu, thối, mốc được đưa vào máy ép. Dầu lạc vừa ép được cho vào nồi lọc vận hành bằng khí nén, lọc lấy dầu nguyên chất. Cứ 11 kg lạc nhân ép được 5 lít dầu. Nếu lạc tốt, tỷ lệ dầu còn cao hơn. Với 10 kg lạc nhân, tiền công ép là 40.000 đồng, thời gian ép chỉ vài chục phút. Trước đây, dầu được ép theo phương pháp truyền thống như: lạc nhân được xay nhỏ, đem hông chín rồi mới ép dầu. Dầu ép cách này chất lượng không tốt và để không được lâu như dầu ép bằng máy mới hiện nay.

Một lít dầu lạc hiện có giá 80.000 đồng, cao gần gấp đôi giá dầu ăn công nghiệp bán trên thị trường. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn lựa chọn dầu lạc tự chế cho bữa ăn hàng ngày. Bởi theo bà con, khách được trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình ép, không lo bị pha trộn và hoàn toàn an tâm về chất lượng. Đặc biệt, năm nay, lạc rẻ lại khó bán nên người dân đem lạc nhà đi ép dầu rất đông, gấp đôi năm ngoái. Có khách ép hàng tạ lạc nhân để vừa dùng vừa bán. Do giá cao hơn dầu ăn công nghiệp nên dầu lạc ép thủ công không bày bán ngoài chợ mà chỉ bán theo cách trao tay người thân quen. Tuy nhiên, năm nay người dân có xu hướng tiêu thụ dầu lạc, dầu vừng cao hơn năm ngoái.

Tây Nguyên: Tiêu giống ế ẩm

Nếu như những năm trước, cây tiêu giống ở Tây Nguyên luôn “đắt như tôm tươi” thì năm nay loại cây giống này lại trở nên ế ẩm hơn bao giờ hết bởi không có người mua.

Nếu như những năm trước mỗi bầu tiêu giống có giá từ 5.000 – 7.000 đồng/bầu, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/bầu thì bây giờ mặc dù giá xuống thấp chỉ bằng 1/3 so với trước (từ 1.500 – 2.000 đồng/bầu) cũng không bán được. Nguyên nhân là do thời gian gần đây, giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh, nguồn cung quá dồi dào, dư thừa nhiều. Do vậy, bà con nông dân không còn mặn mà với cây tiêu mà chuyển hướng sang đầu tư các loại cây trồng khác.

Anh Lê Văn Đức – chủ cơ sở bán cây giống ở thôn 8, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, năm 2016, giá tiêu giống cao ở mức trên 5.000 đồng/bầu, cơ sở cây giống của anh bán tới hàng vạn bầu tiêu giống. Năm nay, mặc dù giá bầu tiêu chỉ còn 2.000 đồng/bầu nhưng cơ sở mới bán được vài chục bầu lẻ tẻ cho nông dân trồng dặm vào vườn tiêu chết.

Trong khi đó, các loại giống cà phê và giống các loại cây ăn quả năm nay lượng người mua tăng đáng kể. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 11.435 héc-ta cây ăn quả các loại, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn diện tích tăng là do người dân trồng xen trong vườn cà phê hoặc chuyển đổi từ cà phê, cao su già cỗi sang trồng cây ăn quả... Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo, nông dân không nên tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng ồ ạt theo phong trào, bởi việc đổ xô trồng loại cây này có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tương tự một số cây trồng khác trước đây, sau đó phải đốn bỏ.

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Khánh Hòa: Được mùa cá cơm, ngư dân phấn khởi

Năm nay, cá cơm được mùa, được giá nên ngư dân tỉnh Khánh Hòa rất phấn khởi. So với những năm trước đây, sản lượng cá cơm thu hoạch được trong một chuyến đi biển cao hơn từ 1 - 2 tạ. Giá cá cơm được các thương lái thu mua năm nay cũng xấp xỉ 20.000 đồng/kg nên mỗi chuyến đi biển, các tàu có thể thu lãi hàng chục triệu đồng. Với sản lượng như thời điểm hiện tại, sau khi trừ các chi phí, mỗi thuyền viên được trả công lên đến vài triệu đồng/chuyến.

Sản lượng nhiều, giá cao, cá cơm đánh bắt đều được các thương lái thu mua triệt để nên ngư dân không phải lo lắng đến đầu ra. Đây cũng là lý do khiến họ yên tâm vươn khơi khai thác, đồng thời tạo thu nhập ổn định cho lượng lớn lao động địa phương

Mãng cầu xiêm có thị trường tiêu thụ

Từ cây trồng ít được người dân quan tâm, chỉ trong thời gian ngắn, mãng cầu xiêm đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang và cho thu nhập tiền tỷ/héc-ta.

Hiện nay, những mảnh vườn canh tác kém hiệu quả đang được người dân địa phương mạnh dạn lên liếp trồng mãng cầu xiêm do thị trường tiêu thụ loại trái cây này tương đối lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao. Vào thời điểm hút hàng, giá mãng cầu xiêm lên đến 30.000 đồng/kg, thấp nhất cũng dao động ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, thương lái đến tận vườn đặt hàng khi trái còn nhỏ khiến nông dân rất phấn khởi. Theo ước tính của nhà vườn, 1 héc-ta mãng cầu xiêm xử lý cho trái nghịch vụ có thể thu lợi nhuận gấp đôi so với mùa thuận, cao hơn nhiều loại cây trồng khác.

Phong trào trồng mãng cầu xiêm ở xã Hiệp Lợi đang phát triển mạnh với khoảng 170 hộ trồng trên diện tích 140 héc-ta. Trên địa bàn xã hiện có 2 vựa chuyên thu mua, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền xã cũng đang chuyển giao kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm cho người dân. Đồng thời, định hướng xây dựng các tổ hợp tác sản xuất, tiến tới xây dựng nhãn hiệu mãng cầu xiêm Hiệp Lợi.

Vĩnh Long: Khoai lang đỏ mất mùa, rớt giá

Hiện nay, do thời tiết thất thường, mưa nhiều nên phần lớn các ruộng khoai ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long bị ngập úng. Năng suất khoai lang đỏ giảm từ 20 tạ/1 công (1.000m2), bình quân năng suất đạt chỉ 50 tạ/công. Bên cạnh đó, các thương lái thu mua khoai lang đỏ tại ruộng với giá 80.000 đồng/tạ, giảm mạnh so với mùa vụ trước khiến nhiều nông hộ trồng khoai lỗ nặng. Bởi theo tính toán của các hộ trồng khoai, chi phí đầu tư cho 1 công khoai lang đỏ ở thời điểm hiện tại là 10 triệu đồng/công. Với giá bán như hiện tại bà con bị lỗ từ 6 triệu đồng/công trở lên. Đặc biệt, năm nay, thời tiết mưa gió nhiều vào những tháng trước khiến cho ruộng khoai ngập úng, khoai chết nhiều dẫn đến năng suất giảm so với vụ đầu xuân.

Ninh Thuận: Giá muối tăng mạnh

Hiện nay, tại Ninh Thuận, giá muối sản xuất trên nền bạt hiện ở mức 1.300 đồng/kg, muối sản xuất trên nền đất 1.100 đồng/kg, tăng từ 400 - 600 đồng/kg so với giá đầu vụ 2017. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường khiến sản lượng muối đạt thấp, nguồn cung giảm đẩy giá muối tăng mạnh.

Mặc dù giá tăng song nhiều diêm dân không còn muối để bán. Bởi những cơn mưa ngắt quãng khiến mực nước trong ruộng muối dâng cao từ 15 - 20 cm so với mực nước ruộng muối thông thường khiến muối không thể kết tinh. Nhiều hộ chưa thể sản xuất phải chờ bơm nước, cải tạo lại ruộng, trông chờ thời tiết ổn định mới tiến hành sản xuất.

Để nâng cao chất lượng và năng suất muối, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối với công nghệ phủ bạt ô kết tinh; khuyến khích diêm dân chuyển đổi dần từ canh tác trên nền đất sang trải bạt. Đồng thời, tỉnh đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối và các sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại để tăng sức cạnh tranh.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Nhãn Hưng Yên sẽ tăng giá

Theo dự tính, trà nhãn chính vụ của Hưng Yên năm nay sẽ muộn hơn mọi năm khoảng một tuần, giá dự báo sẽ cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với mọi năm.

Theo đánh giá của địa phương thời điểm đầu năm 2017, vùng nhãn Hưng Yên có thể bị mất mùa khoảng 40 - 50%. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh các biện pháp kích thích ra hoa như phun hóa chất, quanh cành… đến thời điểm này, năng suất nhãn toàn tỉnh chỉ giảm khoảng 20 - 30% so với mọi năm. Dự kiến tổng sản lượng toàn tỉnh đạt khoảng 32 - 33 nghìn tấn hoặc cao hơn (so với năm 2016 khoảng trên 40 nghìn tấn). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, dự kiến năm nay, mùa nhãn chính vụ của Hưng Yên sẽ bị lùi muộn so với các năm từ 7 đến 10 ngày.

Do sản lượng giảm so với mọi năm nên dự kiến năm nay, giá nhãn chính vụ có thể đạt trung bình từ 35.000 – 36.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm 2016. Hiện một số siêu thị và nhà phân phối lớn đã ký hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã và nhà vườn lớn với mốc khởi điểm khoảng 35.000 đồng/kg. Mặc dù dự báo trà nhãn chính vụ sẽ tăng mạnh về giá nhưng trà nhãn sớm (chiếm khoảng 10% tổng diện tích toàn tỉnh) lại có mức giá thấp hơn so với mọi năm. Hiện các diện tích nhãn chín sớm mới chỉ bắt đầu cho thu hoạch với giá dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình từ 70.000 - 80.000 đồng/kg của các năm trước.

Theo lý giải, sở dĩ trà nhãn sớm năm nay của Hưng Yên giá thấp bởi mùa vải thiều của các tỉnh phía Bắc năm nay cũng bị muộn thời vụ thu hoạch từ 10 - 15 ngày so với các năm trước. Vì vậy, nếu như mọi năm, thường là hết mùa vải sẽ có một khoảng thời gian chuyển tiếp mới đến mùa nhãn. Tuy nhiên, năm nay, vải chín muộn, vụ vải và nhãn gần như gối đầu nhau khiến nhu cầu về nhãn chín sớm giảm tính độc quyền. Bên cạnh đó, vải thiều chín muộn năm nay cũng thu hoạch vào giai đoạn thời tiết khá mát mẻ nên nhu cầu tiêu thụ tốt, khiến nhãn sớm kém cạnh tranh hơn.

Vùng cao Bắc Hà: Thu nhập cao từ nuôi gà đen thả đồi

Thời gian qua, một số địa phương của tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi gà đen thả đồi ở vùng cao Bắc Hà là một trong những mô hình như vậy.

Hiện nay, huyện vùng cao Bắc Hà đang đầu tư phát triển du lịch, lượng du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng ngày một đông. Mô hình nuôi gà đen thả vườn đồi là một trong những định hướng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Hơn nữa, gà đen là giống gà địa phương quý hiếm, da và xương đều có màu đen đậm, thịt săn chắc, chất lượng thơm ngon, hàm lượng mỡ thấp hơn hẳn các giống gà khác của địa phương và cũng là vị thuốc quý trong dân gian. Gà đen nuôi thả đồi được cho ăn ngô, ăn thóc và tận dụng nguồn thức ăn khác nên vừa rẻ hơn cám công nghiệp vừa đảm bảo thịt gà có vị thơm ngon. Với giá bán trung bình từ 190.000 – 200.000 đồng/kg, gà đen thả đồi đã mang lại cho người dân huyện Bắc Hà nguồn thu nhập đáng kể.

Từ một vài hộ chăn nuôn nhỏ, lẻ, đến nay, nhiều hộ gia đình tại huyện Bắc Hà đã vay vốn  ngân hàng để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen theo phương thức thả vườn đồi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và chủ động phòng bệnh nên đàn gà phát triển nhanh, đầu ra tương đối thuận lợi bởi tâm lý hiện nay của người tiêu dùng không thích gà công nghiệp.

Hiện huyện Bắc Hà đang tiếp tục vận động bà con phát triển mô hình gà đen thả vườn, đặc biệt là tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như ngô, thóc, lúa… đảm bảo gà thịt có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là mô hình chăn nuôi hiệu quả, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

HÀNG VIỆT

Vững vàng “bám” thị trường Bến Tre

Nằm ở miền Tây sông nước, kênh rạch chằng chịt, hàng Trung Quốc chiếm đa phần thị trường, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn Bến Tre rất khó. Từ những chuyến hàng chở đầy niềm hy vọng, đến nay, tỉnh Bến Tre đã và đang nỗ lực xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt bền vững tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giúp hiện thực hóa mong muốn dùng hàng Việt chính hãng của bà con.

Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là hoạt động được đặc biệt chú trọng. Mỗi năm, có trên dưới 10 chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu chế xuất được địa phương này tổ chức để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng Việt của bà con.

Đơn cử, trong năm 2016, Sở Công Thương đã tổ chức 6 phiên chợ tại 6 huyện, ưu tiên tại khu vực nông thôn, vùng còn khó khăn. Bằng nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến khích mua sắm và sử dụng hàng hóa Việt, các phiên chợ đã tương đối thành công khi thu hút được trên 33 ngàn lượt người dân tham gia mua sắm, doanh thu đạt trên 3,2 tỷ đồng.

Cùng với các hoạt động của Sở Công Thương, nhiều đại lý, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh cũng nỗ lực là “cầu nối” cho hàng hóa Việt về với bà con. Ông Lê Thanh Sơn - Chủ cửa hàng tạp hóa Hai Sơn (phường 8 - TP. Bến Tre) cho hay, trước đây, khu vực xung quanh phường 8 chưa có nhiều nhà máy sản xuất, bà con quây quần, sống ven sông Bến Tre, đời sống tương đối khó khăn, hệ thống phân phối hàng hóa thưa thớt. Để có hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sử dụng, ông phải chạy xe máy đến chợ đầu mối hoặc vượt sông Bến Tre lấy từ đại lý về phục vụ cho bà con. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động mang hàng hóa đến từng cửa hàng để tiếp thị. Nhờ đó, bà con có hàng hóa và kênh phân phối, không phải vất vả đi tìm nguồn hàng như trước đây. Hiện tỷ lệ hàng Việt tại cửa hàng chiếm gần 100% - ông Sơn cho hay.

Tích cực xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam

Để giúp người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, đặc biệt là bà con khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng hàng Việt Nam chính hãng, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2016, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho phép xây dựng 3 Điểm bán hàng Việt Nam. Với tổng kinh phí 300 triệu đồng, Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại: Cửa hàng tạp hóa Hai Sơn (Phường 8, TP. Bến Tre); Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Phụng (thị trấn Mỏ Cày - Mỏ Cày Nam); cơ sở Ngọc Thúy (thị trấn Ba Tri).

Việc xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại cửa hàng giúp hiệu quả tiêu thụ hàng Việt tăng lên rõ rệt khi được Sở Công Thương hỗ trợ quầy kệ, doanh nghiệp về tận nơi hỗ trợ sắp đặt, trưng bày hàng hóa sao cho bắt mắt. Biển nhận diện “Điểm bán hàng Việt Nam” với bảo lãnh của Bộ Công Thương đã giúp uy tín hàng hóa của cửa hàng tăng lên, sức tiêu thụ cao hơn. Hàng Việt do đó “bám” thị trường chắc hơn.

Không những là điểm bán hàng thiết yếu cho bà con, các Điểm bán hàng Việt Nam còn là điểm phát luồng hàng hóa của đặc sản các địa phương khác như cà phê, đồ khô Đắk Lắk… Sở Công Thương Bến Tre cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương phấn đấu sẽ xây dựng thêm 9 điểm bán tại 9 huyện trong tỉnh, ưu tiên khu vực tập trung đông dân cư, vùng nông thôn. Đặc biệt, không chỉ xây dựng tại siêu thị hay cửa hàng, Sở sẽ tập hợp, vận động tiểu thương trong chợ xây dựng điểm bán vì chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thu hút đông đảo người tiêu dùng. Mô hình này dự kiến sẽ thành công bởi hiện tỷ lệ hàng Việt của tiểu thương trong hệ thống chợ truyền thống, gần các khu dân cư của Bến Tre đang vào khoảng 90%.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã giúp hoàn thành mục tiêu đến năm 2016, toàn tỉnh có trên 90% người tiêu dùng trung thành với hàng Việt; thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống, ở khu vực nông thôn trên 85%.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)