Thông tin giá cả thị trường số 31/2016

09:29 AM 18/11/2016 |   Lượt xem: 3547 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển hồ tiêu bền vững

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hồ tiêu là một trong những mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất. Hiện Việt Nam đang nắm khoảng 56% lượng cung hồ tiêu toàn cầu. Tuy nhiên, diện tích cây hồ tiêu đang tăng trưởng quá nóng, nhất là ở Tây Nguyên và Ðông Nam bộ. Ðiều này đã tạo ra nguy cơ lớn đối với sự phát triển bền vững của loại cây công nghiệp có giá trị cao này.

Ði trước quy hoạch

Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), trong 10 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu của nước ta tăng rất nhanh, từ hơn 49.100 héc-ta (năm 2005) đã tăng lên đến hơn 101.600 héc-ta (năm 2015). Dự báo, tổng diện tích hồ tiêu của cả nước sẽ lên tới hơn 110.200 héc-ta trong năm 2016, vượt hơn 60.200 héc-ta so với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT, trong đó vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm gần 95% tổng diện tích. Trong đó, các tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn là Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Ở Bình Phước, đến hết tháng 9/2016, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt hơn 14.400 héc-ta, vượt hơn 4.400 héc-ta so với quy hoạch đến năm 2020. Tại Đắk Lắk, diện tích hồ tiêu của tỉnh đã tăng từ 16.000 héc-ta từ giữa năm 2015 lên 25.000 héc-ta vào tháng 10/2016, vượt 10.000 héc-ta so với quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh. Đặc biệt, diện tích hồ tiêu của Đắk Nông đã vượt 10.579 héc-ta so với định hướng đến năm 2020 của tỉnh.

Tuy nhiên, dù mở rộng diện tích hồ tiêu với tốc độ chóng mặt nhưng đa số nông dân vẫn chưa chú trọng áp dụng các giải pháp sản xuất an toàn và bền vững. Hậu quả là chất lượng sản phẩm tiêu hạt không cao. Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cảnh báo: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chuẩn bị ban hành một số quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ (trong đó có hồ tiêu). Lúc đó, với diện tích “khủng” và lại thiếu kiểm soát chất lượng hạt tiêu như hiện nay, nguồn cung hồ tiêu sẽ dư thừa, gây rủi ro lớn cho hàng ngàn hộ nông dân trồng hồ tiêu trên cả nước.

Ðể phát triển bền vững

Trước tình trạng cây hồ tiêu phát triển “nóng”, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt và Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp triển khai việc rà soát lại quy hoạch ngành hồ tiêu ngay trong năm nay. Đồng thời, Cục Trồng trọt khuyến nghị ngành hồ tiêu nên tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, hình thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng được các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất theo hướng GAP; bảo đảm sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc… Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất và thương mại hồ tiêu cần làm tốt hơn việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi mua - bán; xây dựng vùng nguyên liệu bằng việc liên kết với nông dân; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, làm tốt việc xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc hồ tiêu… Nông dân có vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm hạt tiêu có chất lượng đạt yêu cầu tiêu thụ.

Hiện các địa phương cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển, sản xuất hồ tiêu sạch. Đồng Nai đang tiến hành xây dựng 9 dự án cánh đồng lớn liên kết hồ tiêu, gắn sản xuất với tiêu thụ. Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ triển khai chương trình tái canh, trồng thay thế diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh bằng giống mới có năng suất và chất lượng cao, sạch bệnh. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến hồ tiêu với dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng hạt tiêu…

Trong năm 2015 và 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã tổ chức được 105 lớp tập huấn về sản xuất hồ tiêu bền vững cho hơn 4.000 nông dân. Đồng thời, xây dựng và triển khai được nhiều mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững với hàng chục héc-ta và hàng chục hộ dân tham gia. Còn tại Bình Phước, ngành nông nghiệp của tỉnh đã xây dựng thành công thương hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” để quảng bá thương hiệu sản phẩm hồ tiêu của tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát triển hồ tiêu theo chuỗi giá trị cũng được tỉnh rất chú trọng, nổi bật là Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”, do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư của tỉnh phối hợp Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thực hiện. Mục tiêu của dự án này là sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA), tiêu chuẩn để hồ tiêu được xuất khẩu vào châu Âu và các thị trường khác.

Bà con phơi hồ tiêu ở xã Lộc An (Lộc Ninh, Bình Phước)

MUA GÌ

Bạc Liêu: Mua tạm trữ 5.000 tấn muối

Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã thu mua tạm trữ hơn 5.000 tấn muối tồn đọng trong dân, giá từ 700 - 850 đồng/kg (muối trắng), gấp 2 lần giá đầu vụ. Tuy nhiên, hiện lượng muối trong dân vẫn còn khá lớn với khoảng 93.000 tấn, trong khi giá đang sụt giảm mạnh. Thương lái thu mua muối đen chỉ 300 - 400 đồng/kg, muối trắng từ 500 - 600 đồng/kg. Chủ trương mua muối tạm trữ lúc này của tỉnh nhằm tạo điều kiện giúp diêm dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống sau khi vụ muối kết thúc.

Tiền Giang: Sầu riêng bán được giá

Giá sầu riêng ở vùng chuyên canh sầu riêng tại các địa bàn ngập lũ tỉnh Tiền Giang là huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đang tăng giá mạnh. Bà con nông dân rất phấn khởi vì sầu riêng đã mang lại thu nhập cao, giúp ổn định cuộc sống trong những tháng mưa lũ đầy khó khăn. Hiện nay, thương lái đến tận vườn đặt mua trước sầu riêng với giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, tăng thêm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tuần trước. Thậm chí, tại nhiều vườn, thương lái đến tận vườn trả giá và đòi đặt tiền cọc trước, nhưng chủ vườn chưa nhận lời vì muốn chờ giá sầu riêng tăng hơn nữa. Tại vùng chuyên canh, nhà vườn trồng chủ yếu các giống sầu riêng chất lượng cao như: Ri6, Mong Thong. Với năng suất khoảng 15 - 20 tấn/héc-ta, mỗi héc-ta sầu riêng nông dân thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng. Trong thời điểm thu hoạch được giá cao, lợi nhuận còn tăng mạnh nên nông dân rất phấn khởi.

Hiện tỉnh Tiền Giang có khoảng 9.000 héc-ta sầu riêng. Tỉnh xác định đây là loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương để từ đó, tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh đạt năng suất, sản lượng cao.

Bình Định: Giá cát xây dựng tăng mạnh

Sau đợt mưa kéo dài, nước sông dâng cao khiến giá cát xây ở Bình Định tăng mạnh vì hầu hết các mỏ cát trên địa bàn đều không khai thác được. Hiện tại, giá cát xây ở Bình Định tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/m3 so với trước. Cụ thể, tại các mỏ ở huyện Tây Sơn, huyện Vân Canh, thị xã An Nhơn…, nếu như những ngày trước giá cát tại đây chỉ dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/m3 thì nay tăng lên 60.000 – 70.000 đồng/m3. Theo các đại lý vật liệu xây dựng, nguyên nhân dẫn đến giá cát xây tăng là do những ngày qua, địa phương liên tục xảy ra mưa kéo dài, nước sông dâng lên nên các mỏ cát đều không thể khai thác. Để có cát cung ứng cho thị trường, hiện hầu hết các đại lý vật liệu xây dựng, chủ mỏ cát đều lấy từ kho dự trữ. Thực tế cho thấy, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa thì giá cát xây thường tăng vọt, do nước sông dâng cao không khai thác cát được. Vì thế, hầu hết những người kinh doanh mặt hàng này đều trữ khối lượng lớn cát xây để bán trong mùa mưa.

TP Hồ Chí Minh: Giảm giá một số mặt hàng thịt gia súc

Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định điều chỉnh giảm giá 4.000 đồng/kg đối với một số mặt hàng thịt gia súc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường TP. Hồ Chí Minh năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017. Theo đó, từ ngày 1/11/2016, thịt heo đùi, ba rọi bán tại hệ thống siêu thị BigC giảm giá 4.000 đồng/kg, còn 85.000 đồng/kg và 89.500 đồng/kg. Thịt vai, nách, nạc dăm, sườn già, chân giò của bán tại hệ thống phân phối của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food, đại siêu thị Co.op Xtra cũng giảm 4.000 đồng/kg. Đợt điều chỉnh giá thịt heo bình ổn thị trường lần này là do giá heo hơi trên thị trường đang có xu hướng giảm. Vì vậy, các sở, ngành và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường thống nhất điều chỉnh giảm giá để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

BÁN GÌ

Tiền Giang: Mãng cầu xiêm trái vụ, giá cao

Hiện nay, mãng cầu xiêm - loại trái cây đặc sản tại huyện cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông (Tiền Giang) đang có giá cao, mang lại thu nhập khá cho nông dân vùng chuyên canh.

Tại xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, trong những ngày qua, thương lái đến tận vườn thu mua mãng cầu xiêm giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg loại 1. Mãng cầu xiêm loại 2 cũng có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 10/2016 và gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Tuy giá đang tăng mạnh nhưng do thời điểm nghịch vụ nên sản lượng mãng cầu xiêm cung ứng thị trường không nhiều.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, mãng cầu xiêm thích hợp với đặc điểm thổ nhưỡng nơi đây, năng suất cao và hiệu quả kinh tế lớn. Hầu hết nông dân trồng mãng cầu xiêm trong những năm qua đều có thu nhập khá, cuộc sống ổn định. Để phát huy tiềm năng kinh tế cù lao, Tân Phú Đông đã xây dựng được vùng trồng chuyên canh mãng cầu xiêm gần 900 héc-ta, tập trung tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh.

Lâm Ðồng: Rau Ðà Lạt tăng giá, khan hàng

Do mưa kéo dài cộng với lũ cục bộ và sương muối, rau Đà Lạt thời gian qua bị hư hại nhiều dẫn đến tình trạng không đủ hàng cung cấp. Tại các huyện được xem là thủ phủ rau của Lâm Đồng như: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và TP. Đà Lạt... giá rau tăng từ 30 đến 50%. Tại chợ đầu mối TP. Đà Lạt, hầu hết rau đều tăng giá đột biến, như cà chua lên 24.000 đồng/kg, cải ngọt 20.000 đồng/kg, bó xôi 40.000 đồng/kg... Đặc biệt, mặt hàng xà lách và rau gia vị như thì là, húng quế có mức tăng mạnh nhất, cao hơn tháng trước gấp 3 lần và có nguy cơ khan hiếm hàng nếu mưa kéo dài.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong vòng một tuần qua đã có đến 5 loại rau thu mua tại vườn tăng giá. Điển hình như giá bắp cải mua tại vườn 10.000 đồng/kg, bán ra 16.000 đồng/kg; súp lơ mua tại vườn 14.000 đồng/kg, bán ra 20.000 đồng/kg; bông Astiso giá bán tại chợ 120.000 - 170.000 đồng/kg (loại 1), tăng gần gấp 3 so với ngày thường; cải thảo 25.000 đồng/kg; bắp sú 30.000 - 35.000 đồng/kg...

Giá heo tiếp tục giảm mạnh

Tại nhiều trang trại nuôi heo ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, giá heo hơi bất ngờ giảm mạnh chỉ còn 36.000 - 40.000 đồng/kg, giảm tới 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm tháng trước. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi chỉ hòa vốn hoặc lỗ. Một nông dân ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết: Giá bán heo hơi tại chuồng ở khu vực này hiện ở mức 38.000 đồng/kg loại heo tốt, heo xấu hoặc heo nuôi nhỏ lẻ trong dân chỉ còn 36.000 đồng/kg. Tôi phải chịu bán rẻ lứa heo hơn 10 con loại trên 100kg đang đến thời kỳ xuất chuồng để tái đàn chuẩn bị lo lứa heo tết.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo lao dốc là do Trung Quốc đang hạn chế nhập heo. Ngoài ra, mưa bão tại khu vực miền Trung nên đường vận chuyển gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc thu mua và giá heo. Tuy nhiên, dự báo từ giữa tháng 11 trở đi, Việt Nam và Trung Quốc bước vào mùa cao điểm chuẩn bị thực phẩm Tết Nguyên đán, nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến tăng, giá heo sẽ tốt hơn, đặc biệt khi Trung Quốc trở lại mua heo từ Việt Nam để phục vụ nhu cầu tết.

Giá mủ cao su tương đối ổn định

Bước vào vụ thu hoạch mủ cao su năm 2016, giá mủ nước nhiều nơi tương đối ổn định với mức cao hơn so với cuối năm 2015. Cụ thể, các đại lý thu mua mủ cao su tại khu vực Đông Nam bộ cho biết, giá mủ cao su tươi mua vào từ 6.500 - 12.000 đồng/kg (tăng 1 - 2,5 triệu đồng/tấn so với hồi đầu tháng 9/2016). Giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước tăng từ 6.720 đồng/kg lên 7.040 đồng/kg và 7.400 đồng/kg đối với mủ tạp 32 độ. Nguyên nhân giá mủ cao su tươi tăng là do một số nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn đã giảm sản lượng khai thác vì giá mủ thời gian qua quá rẻ, có lúc chỉ bằng 2/3 giá hiện tại. Cùng với đó, mặt hàng cao su thiên nhiên đã ổn định được thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc vì nhu cầu sản xuất săm lốp ô tô của thị trường này đang đà tăng nhẹ.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá mủ cao su tăng một phần do yếu tố hạn hán, đặc biệt sau khi Thái Lan cho biết sản lượng cao su của nước này giảm 50%. Một lý do nữa là do tiêu thụ săm lốp ô tô trên thế giới tăng và việc giá dầu tăng nhẹ cũng là động lực kéo giá cao su tăng theo.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Vùng trồng rau lớn nhất nước “lao đao” trong lũ

Chỉ trong thời gian ngắn, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh trở vào Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt càn quét. Vùng trồng rau của các tỉnh này đều nằm trong tình trạng bị ngập úng khiến người dân thất thu hàng tỷ đồng.

Giá rau tăng mạnh

Huyện Đơn Dương và TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là vùng chuyên canh rau lớn nhất cả nước. Mưa lớn kéo dài và liên tục trong vòng 2 tháng qua đã khiến cho hàng trăm héc-ta rau trồng ngoài trời bị hư hỏng, năng suất giảm tới 50%. Hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp không thể xuống giống vì mưa nhiều. Đặc biệt, những ngày đầu tháng 11/2016, một số hồ thủy điện lớn tại Lâm Đồng như Thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh đồng loạt xả lũ đã nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu của người dân.

Tại huyện Đơn Dương, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Thủy điện Đa Nhim xả lũ, ước tính khoảng 3.500 héc-ta rau màu của người dân trong huyện bị ảnh hưởng. Trong đó, 1.000 héc-ta hoa màu đang vào thời kỳ thu hoạch bị mất trắng. Hiện huyện Đơn Dương chưa có thống kê thiệt hại cụ thể nhưng ước tính đợt xả lũ vừa qua của Thủy điện Đa Nhim đã gây thiệt hại cho người dân trồng rau tại huyện Đơn Dương hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, đơn đặt hàng từ các đầu mối ở miền Trung và Sài Gòn tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường. Tuy nhiên, lượng rau thu mua tại địa phương chỉ bằng 2/3 so với trước đây nên không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn này.

Hiện nay, vùng trồng rau của huyện Đơn Dương và TP. Đà Lạt đang rất khan hiếm. Thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân khiến giá các loại nông sản tăng mạnh trong thời gian qua. Hầu hết giá các loại rau đã tăng ít nhất gấp đôi so với thời điểm cách đây 3 tuần. Cá biệt, nhiều loại rau giá thu mua tại vườn tăng gấp 3 lần nhưng không còn hàng để bán. Hiện rất nhiều đầu mối thu mua nông sản tại Lâm Đồng buộc phải mua trước rau, nghĩa là đàm phán với nhà vườn mua cả rau vừa xuống giống được khoảng 10 ngày, đặt tiền trước nhờ họ chăm sóc rồi thu hoạch sau. Thậm chí, nhiều trang trại rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng bị ngập úng, chìm sâu dưới nước. Hầu hết các trang trại sản xuất rau sạch được trồng trong nhà lưới và đang vào thời kỳ cho thu hoạch. Nhưng chỉ với một đợt xả lũ, nhiều diện tích rau đã chìm trong biển nước. Đó là chưa kể sau lũ lụt, muốn sản xuất bình thường trở lạ, các gia đình phải tốn thêm chi phí xử lý trừ khử mầm bệnh xuất hiện mới trong đất.

Khắc phục sau mưa lũ

Theo tư vấn của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong mùa mưa lũ, bà con nên bón thêm vôi khoảng 30 - 40 kg/sào nhằm: Khắc phục độ chua, góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất. Đồng thời, cung cấp thêm lượng can xi để cây trồng cứng cáp, phòng chống có hiệu quả đối với các bệnh thường gặp trên rau màu về mùa mưa như thối rễ, thối trái… Sau khi bón vôi, bà con phải tháo nước vào ngập hết luống từ 1 - 2 ngày để tiêu độc, rửa phèn rồi rút cạn nước cho đến lúc thật khô mới bón lót và làm đất, lên luống trở lại. Lượng phân bón lót cho mỗi sào trồng rau gồm: Phân NPK 16-16-8 bón lượng 15 kg, phân chuồng hoai từ 500 - 700 kg. Ngoài ra, bà con có thể bón thêm các loại phân hữu cơ khác như phân xanh, các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường khả năng chống chịu bệnh cho cây rau và tăng năng suất hơn, mức độ xanh tươi và thời gian rau xanh lâu ngày hơn. Chú ý, lượng đạm nên tùy theo nhiệt độ, độ ẩm trong mùa và theo từng giai đoạn phát triển của cây rau để bón cho phù hợp. Tăng cường chăm sóc, bấm ngọn để cây ra các nhánh phụ nhằm hạn chế chiều cao, tránh đổ ngã. Đối với các loại rau lấy lá thì số lượng lá được nhiều hơn. Rau lấy quả thì tỉa bỏ các lá bị sâu bệnh, các cành, nhánh vô hiệu gần gốc để tạo độ thông thoáng cho cây, giảm độ ẩm, góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu bệnh. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chú ý chọn những loại thuốc đặc hiệu, áp dụng nguyên tắc 4 đúng khi phòng trừ. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, phun phòng hoặc phun trừ tập trung, đúng lúc. Đặc biệt, bà con cần chú ý thời gian cách ly khi bón phân hoặc phun thuốc trừ sâu trước khi thu hoạch theo quy định để đảm bảo an toàn thực phẩm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Gia Lai: Mì mất mùa, rớt giá

Ðầu vụ thu hoạch, sản lượng mì tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai giảm mạnh do ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán. Cùng với đó, giá mì cũng có xu hướng giảm khiến nông dân thua lỗ.

Xã Chư Drăng là một trong những “vựa mì” của huyện Krông Pa với diện tích khoảng 1.000 héc-ta. Cây mì không những giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà còn đem lại cuộc sống ổn định, khấm khá cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, năm nay hạn hán nặng nề nên nhiều nhà đành phải giữ mì lại để trồng 2 năm chứ nhổ luôn thì củ nhỏ, trữ lượng bột thấp. Theo tính toán sơ bộ của các hộ gia đình, thông thường mỗi héc-ta mì cho sản lượng 30 tấn nhưng năm nay chỉ còn khoảng 17 - 18 tấn/héc-ta. Thậm chí, một số diện tích chỉ đạt hơn 10 tấn/héc-ta. Tình hình này khiến bà con lo lắng, không biết sẽ lấy vốn đâu để đầu tư cho vụ mùa tiếp theo?

Bên cạnh đó, giá mì năm nay cũng giảm mạnh do thương lái cho rằng, trữ lượng bột thấp. Nhiều thương lái từ chối thu mua vì sợ lỗ nên người dân phải chở mì đến bán cho nhà máy. Thông thường mọi năm, giá thấp cũng phải được 1.800 đồng/kg, trữ bột cũng từ 27 - 30 độ. Còn năm nay, trữ bột nhà nào cao thì được 23 - 25 độ, giá bán tận nhà máy chỉ được 750 đồng/kg mì tươi. Trừ tiền xe và tiền công nhổ mì thì chỉ còn khoảng 300 - 350 đồng/kg. Nếu tính chi phí đầu tư mỗi héc-ta mì phải mất trên 15 triệu đồng. Nếu không có đất mà đi thuê thì mất khoảng hơn 20 triệu đồng. Năng suất giảm, giá mì thấp khiến nông dân càng thêm khố khó. Chính vì vậy, một số hộ đã chọn giải pháp bỏ hoang vườn mì, không thu hoạch mà thuê máy vào cày lên cho người ta thuê đất trồng dưa hấu. Giải pháp này giúp bà con phần nào “vớt vát” được vài triệu đồng mỗi héc-ta.

Giúp đồng bào dân tộc Ca Dong thu nhập ổn định từ cây cau

Cây cau gắn bó với đồng bào dân tộc Ca Dong ở Sơn Tây từ bao đời nay. Do phù hợp với tập quán canh tác, lại ít tốn công chăm sóc nên nhà nào trong huyện cũng trồng cau và huyện vùng cao Sơn Tây được mệnh danh là “xứ sở ngàn cau”.

Hơn 1 tháng qua, thương lái từ khắp nơi đổ về huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) thu mua cau trái xuất qua Trung Quốc. Tình trạng này đã khiến giá cau tươi tại đây tăng từng ngày. Đầu vụ thu hoạch, giá cau tươi chỉ 12.000 đồng/kg thì hiện tăng lên 21.000 đồng/kg. Dù giá cau tăng cao nhất từ trước đến nay, song thời điểm này trên địa bàn Sơn Tây cũng không còn nhiều cau để mua. Vụ cau này, các lò thu mua, sơ chế cau trong huyện đều “cháy hàng”, trong khi đó các thương lái vẫn đang tiếp tục lùng khắp các bản làng vùng cao Sơn Tây thu mua từng buồng cau tươi, song lượng cau trái còn rất ít.

Mặc dù cau tăng giá nhưng chính quyền địa phương và người dân Sơn Tây vẫn canh cánh nỗi lo. Bởi lẽ, mặt hàng nông sản này hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá lên xuống thất thường. Năm nào phía Trung Quốc thu mua nhiều thì giá cau tăng mạnh, nhưng khi không thu mua thì giá lại giảm. Ví như vụ cau 2014, do giá cau xuống quá thấp, thương lái chỉ mua cau hạt nên người dân ở Sơn Tây không mặn mà thu hoạch, để mặc những buồng cau sai quả chín vàng, rơi rụng đầy gốc. Trong khi đó, đầu ra ở thị trường trong nước hầu như không có, chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, chính quyền địa phương không khuyến khích người dân phát triển diện tích cây cau, cho dù đây là cây trồng truyền thống.

Để giúp đồng bào dân tộc Ca Dong có thu nhập ổn định từ loại cây trồng truyền thống này, sắp tới huyện Sơn Tây sẽ thành lập hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ quy mô cấp huyện nhằm liên kết sản xuất đơn lẻ kinh tế hộ thành sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa nông, lâm sản gắn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hợp tác xã ra đời sẽ đứng ra tổ chức thu mua hàng nông, lâm sản cho người dân nhằm hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Phú Yên: Trồng rừng trên đất nông nghiệp

Do giá sắn thấp nên nhiều hộ nông dân ở tỉnh Phú Yên đã chuyển sang trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là họ không chỉ trồng rừng trên đất gò đồi mà còn trồng trên cả đất nông nghiệp.

Hiện giá gỗ nguyên liệu từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tấn với năng suất trung bình từ 60 - 70 tấn/héc-ta, nông dân có thể lãi được 40 - 50 triệu đồng/héc-ta sau chu kỳ từ 5 - 7 năm trồng. Còn đối với cây sắn, thương lái mua tại chân ruộng chỉ còn 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Với mức giá này, sau khi trừ toàn bộ chi phí như phân bón, cày bừa, vận chuyển, nông dân gần như không có lãi. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình đã chuyển diện tích trồng sắn sang trồng rừng. Thậm chí, một số hộ còn trồng rừng lấn cả xuống đất nông nghiệp lâu nay trồng sắn.

Phong trào trồng rừng tuy mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy, huyện đã khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, nay trồng mai chặt mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cũng cho biết, diện tích sắn niên vụ năm nay là 20.504 héc-ta, giảm hơn 2.450 héc-ta so với niên vụ trước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là nông dân trong vùng quy hoạch trồng sắn lại chuyển sang trồng rừng kinh tế nên có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, vận động người dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây nguyên liệu, phá vỡ quy hoạch. Đồng thời, các nhà máy sắn cần có giá thu mua hợp lý để khuyến khích nông dân đảm bảo diện tích.

Quảng Ngãi: Giá đỗ sạch ven sông Trà tiêu thụ mạnh

Suốt hơn 30 năm qua, hàng trăm người dân ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã tận dụng bãi bồi ven sông Trà Khúc đào hầm cát làm giá đỗ sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ðây cũng là nghề tay trái, mang lại thu nhập cao, giúp các hộ ven bãi phát triển kinh tế gia đình.
S
au khi kết thúc công việc đồng áng, người dân địa phương tận dụng thời gian nông nhàn thường ra ven sông đào hầm, hố cát gieo đậu làm giá đỗ sạch. Những lúc cao điểm, có hộ dân thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi ngày nhờ bán giá đỗ sạch ở chợ đầu mối của tỉnh. Hàng ngày, tùy theo điều kiện, mỗi hộ dân nơi đây có thể thu hoạch từ vài chục ký đến 300 kg giá đỗ sạch. Giá đỗ thu hoạch đến đâu, các nhà hàng bán sỉ, các tiểu thương bán buôn lấy ngay tới đó. Nhờ trồng ở bãi cát tự nhiên ven sông Trà, không sử dụng hóa chất nên cây giá đỗ nơi đây sạch, ngọt, hương thơm đặc biệt được người dân ở nhiều tỉnh khu vực miền Trung ưa chuộng. Đặc biệt, những năm gần đây, các món hủ tiếu, mì, phở, bún… đắt khách. Nhất là vào mùa lễ, tết, giá đỗ ở địa phương được thị trường tiêu thụ mạnh gấp nhiều lần so với ngày thường nên người dân có thu nhập cao hơn trước.

Để kịp bán sỉ cho các chợ đầu mối, từ 23 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, người dân ra bãi bồi thu hoạch giá đỗ để bán cho thương lái đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Mặc dù phải thức khuya dậy sớm nhưng bù lại 1 kg giá đỗ giá thị trường hiện nay khoảng 7.000 đồng thì mỗi gia đình có thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi ngày.

Chính quyền xã Tịnh Hà đã quy hoạch bãi cát ven sông Trà Khúc (gần thôn Thọ Lộc Tây) khuyến khích bà con tiếp tục làm giá đỗ sạch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Cách nhận biết đồ điện hàng Việt Nam chất lượng cao

Thời gian qua, một số sản phẩm đồ điện gia dụng do các công ty trong nước sản xuất đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá hợp lý. Vì vậy, trên thị trường một số tỉnh miền núi, vùng cao đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái các mặt hàng này. Bắt đầu từ số này, chuyên mục “Chống buôn lậu - Mua bán gian lận” sẽ hướng dẫn bà con cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả các mặt hàng này theo tư vấn của các công ty.

Theo tư vấn của Ban kỹ thuật & Marketing - Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, bà con có thể phân biệt giữa hàng giả và hàng chính hãng nhờ vào một số đặc điểm sau:

Phân biệt qua ký hiệu trên bao bì sản phẩm: Trên bao bì thật của Rạng Đông luôn được tích đầy đủ thông số đui đèn bằng bút tích màu đỏ. Trên bao bì giả, dấu hiệu này có thể bị bỏ qua hoặc sử dụng bút tích màu khác, hoặc tích sai thông số. Ngoài ra, trên bao bì của Rạng Đông có đầy đủ các thông số kỹ thuật của đèn.

Phân biệt qua màu sắc bao bì sản phẩm: Màu sắc trên bao bì của Rạng Đông đặc trưng là màu xanh lá cây và màu đỏ, in rõ ràng, sắc nét. Bao bì giả sử dụng màu sắc không chuẩn, hình ảnh in bị mờ nhạt, không sắc nét do sao chép lại. Cụ thể: Màu sắc trên vỏ hộp đèn Rạng Đông 40W, 50W chính hãng đặc trưng bởi màu xanh lá cây và màu đỏ, rõ ràng, sắc nét. Có in biểu tượng ngôi sao năng lượng ở bên trái, phía dưới của hộp.

Phân biệt qua tem chống giả trên sản phẩm: Với sản phẩm Rạng Đông chính hãng, mỗi sản phẩm đều có một mã số chống giả in trên tem chống giả kỹ thuật số, không có sản phẩm nào có trùng mã số chống giả. Mỗi mã số sẽ chỉ được sử dụng duy nhất một lần để gửi tin nhắn kiểm tra để tránh việc bị lợi dụng sử dụng nhiều lần, Ngoài ra, tem được dán chắc chắn, tồn tại các đường dập cắt trên tem nhằm tránh cho tem bị bóc ra dễ dàng. Trên tem chống giả kỹ thuật số có ghi đầy đủ cách thức để người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm Rạng Đông chính hãng bằng cách: Soạn tin Dac_Mã số gửi 8099. Ngược lại, bóng đèn không chính hãng không đảm bảo được các yếu tố này. Các sản phẩm bị làm giả có thể vẫn được dán tem chống giả, nhưng mã số trên tem của tất cả sản phẩm đều giống nhau hoặc ghi sai cách thức hướng dẫn soạn tin nhắn kiểm tra mã số chống giả hoặc có các ký hiệu bị ghi thừa.

Kích hoạt mã số chống giả: Trên mỗi sản phẩm của Rạng Đông đều có tem chống giả cung cấp mã số chống hàng giả. Vì vậy, người tiêu dùng có thể thực hiện các bước sau:

- Bước 1: Xác định mã số chống giả trên tem chống hàng giả dán tại bầu bóng đèn Rạng Đông (Mã số gồm 16 ký tự), mỗi sản phẩm có một mã số khác nhau.

- Bước 2: Soạn tin DAC_ Mã số gửi đến tổng đài 8099.

- Bước 3: Nhận tin nhắn tự động từ tổng đài 8099 gửi về trả lời đây là sản phẩm chính hãng do Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông sản xuất, kèm theo số điện thoại liên hệ để khách hàng có những thắc mắc hoặc phản ánh về sản phẩm, có thể liên hệ trực tiếp với công ty qua số điện thoại trên tin nhắn.

HÀNG VIỆT

Tuyên Quang: Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVÐ), những năm vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi thông qua các phiên chợ hàng Việt hoặc các điểm bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Ðiểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” phát huy hiệu quả

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, đồng thời triển khai kế hoạch năm 2016 về việc xây dựng thí điểm mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giữa tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương Tuyên Quang đã tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt cố định có tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại tổ dân phố 7 thị trấn Na Hang, huyện Na Hang. Điểm bán tại thị trấn Na Hang cách khá xa trung tâm thành phố Tuyên Quang (khoảng 120km), nằm sâu trong khu vực tập trung đông dân cư, có lượng khách thường xuyên, liên tục. Sau khi điểm bán hàng khai trương, nhiều người dân đã đến tham quan mua sắm hơn, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như: Sữa, thực phẩm chế biến sẵn (mỳ tôm, bim bim, bánh kẹo, dầu ăn, gia vị), hóa mỹ phẩm... Toàn bộ hàng hóa được bày bán tại cửa hàng là hàng trong nước sản xuất; các kệ hàng được trưng bày gọn gàng và hợp lý, bắt mắt; hàng hóa tương đối đa dạng (khoảng 40 - 45 mặt hàng), nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có dán tem, nhãn, mác theo quy định. Nhiều nhà phân phối các sản phẩm hàng Việt Nam cũng tìm đến đề nghị được đặt kệ, trưng bày sản phẩm. Ngoài điểm bán hàng ở thị trấn Na Hang, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được 2 điểm bán hàng tại Cửa hàng thương mại Sơn Dương thuộc Siêu thị của Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang (thị trấn Sơn Dương, huyện Hàm Yên) và Cửa hàng thương mại thôn Cây Chanh 2, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên.

Theo Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, sau hơn 7 năm triển khai, CVĐ đã thu được nhiều kết quả khi vừa giúp người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, vừa thúc đẩy doanh nghiệp (DN) nỗ lực sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng. Đặc biệt, không chỉ chú trọng đưa hàng Việt về khu vực thành phố hay đồng bằng, Tuyên Quang còn nỗ lực đẩy mạnh đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi thông qua các điểm bán cố định hoặc các phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Sở Công Thương đã tổ chức được gần 20 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Mở rộng kênh phân phối

Về phía các DN, để đưa hàng Việt về sâu trong các khu dân cư, những năm vừa qua, Công ty CP Thương mại tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư trên 8,4 tỷ đồng để xây dựng mạng lưới bán hàng của công ty trên toàn tỉnh. Trong đó đặc biệt ưu tiên khu vực nông thôn, đảm bảo hàng hóa tại các điểm bán lẻ của công ty có mặt trên 97% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Công ty cũng đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết để khai thác trên 50 mặt hàng của các DN sản xuất hàng Việt và các nhà phân phối lớn ở Trung ương và các tỉnh bạn nhằm đưa vào kênh phân phối.

Ông Lộc Kim Liễn – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, việc xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định, các cơ sở kinh doanh hàng Việt Nam hoặc các chuyến bán hàng về nông thôn các địa điểm vùng sâu, xa trung tâm đã giúp Tuyên Quang củng cố và mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Từ đó kết nối, nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của địa phương; tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nhận thức về hoạt động triển khai hưởng ứng CVĐ. Các hoạt động này cũng giúp người tiêu dùng trong khu vực được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý, từ đó góp phần hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ tiêu dùng hàng Việt Nam.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho thấy, tại nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh, lượng hàng nội đã chiếm tỷ lệ 80 - 90%. Tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối truyền thống chiếm 60 – 80%. Đặc biệt, hơn 60% người tiêu dùng quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng nội, nhất là với các sản phẩm dệt, may mặc. Đây là động lực giúp tỉnh Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp mạnh hơn trong thời gian tới.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)