Thông tin giá cả thị trường số 8/2017

12:00 AM 08/05/2017 |   Lượt xem: 2513 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

 Khánh Hòa: Cây mía tím mất dần ưu thế

Thời gian qua, cây mía tím đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên vùng đất Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa). Tuy nhiên, hiện nay, nông dân Khánh Sơn đang gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển chất lượng mía tím.

Diện tích giảm

Tuy là cây trồng chủ lực của huyện Khánh Sơn nhưng hiện nay, diện tích cây mía tím đang chững lại, thậm chí giảm mạnh. Tại xã Sơn Bình - một trong những xã có diện tích trồng mía tím lớn của huyện Khánh Sơn - diện tích mía tím niên vụ này giảm khoảng 10 héc-ta. Xã đang triển khai đề án chuyển đổi cây trồng với 94 héc-ta được phê duyệt, nhưng chủ yếu chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi, quýt, sầu riêng, không chuyển đổi diện tích mía tím.

Năm ngoái, toàn xã Sơn Hiệp có 65 héc-ta mía tím, nhưng nay chỉ còn 59 héc-ta. Một phần do tình trạng sạt lở đất 2 bên bờ sông, phần do người dân chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Nguyên nhân khiến mía giảm hiệu quả là đất đai không còn màu mỡ như trước, chi phí đầu tư cao hơn, giống mía đang có dấu hiệu bị thoái hóa… Mỗi héc-ta mía tím trước đây bình quân mang về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, nhưng nay chỉ còn khoảng 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ trồng mía không tái đầu tư đủ lớn để cải tạo đất, duy trì độ màu mỡ. Nếu được đầu tư phân bón, nước tưới đúng mức, mỗi sào mía cho thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, bắp và mì.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Sơn Hiệp hiện có gần 60 héc-ta mía tím. Cây mía đang là cây trồng chủ lực ở xã không chỉ bởi thu nhập ở mức cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác, mà còn là cây trồng ngắn ngày phù hợp với điều kiện tự nhiên, cho thu nhập đều đặn và ổn định, giải quyết được nhu cầu trước mắt của người dân nên rất phù hợp với đa số người dân ở Khánh Sơn. Hiện nay, diện tích cây mía tím ở Khánh Sơn hơn 300 héc-ta, phân bố chủ yếu ở các xã: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp…

Phát triển giống mía cấy mô sạch bệnh

Thực trạng giống mía tím đang thoái hóa đã được các cấp, ngành ở huyện Khánh Sơn và người dân nhìn nhận từ lâu. Tuy nhiên, việc phục tráng giống cây trồng này đang đứng trước nhiều khó khăn. Trên thực tế, gần 10 năm trước, hoạt động phục tráng giống mía tím bằng phương pháp cấy mô sạch bệnh đã thực hiện thí điểm trên một số diện tích và khẳng định được tính ưu việt so với loại giống mà người dân vẫn đang trồng.

Tuy nhiên, thời điểm triển khai dự án lại rơi vào lúc giá mía xuống thấp. Hơn nữa, giá mua giống mía cấy mô khá cao nên nhiều người dân ngại chuyển đổi, tiếp tục sử dụng giống mía cũ. Vì vậy, dự án chưa triển khai sâu rộng vào sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉđạo Trung tâm Nông nghiệp Công nghệcao phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn xây dựng phương án sản xuất mía tím và chuối mốc từ nuôi cấy mô cung ứng cho huyện. Theo kế hoạch, 360.000 hom mía tím cấy mô sạch bệnh sẽ được bàn giao trong năm 2017. Mục tiêu đặt ra là từ 360.000 mô mía tím, Khánh Sơn sẽ thực hiện nhân giống dần dần và chuyển giao vào sản xuất.

Đến nay, trung tâm đã triển khai ươm giống mía tím từ nuôi cấy mô và đã trồng thử nghiệm trên địa bàn Khánh Sơn, kết quả thu về rất tốt. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được do huyện Khánh Sơn chưa có kinh phí để tiếp nhận giống mía mới.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

An Giang: Đậu bắp đang có thị trường xuất khẩu

Hiện nay, nông dân vùng biên giới An Giang đang chuyển sang trồng đậu bắp với diện tích rất lớn do dễ tiêu thụ. Đặc biệt, mô hình này đem lại hiệu quả cao gấp 2 lần so với cây lúa.

Tại các huyện biên giới như: An Phú, Tịnh Biên, Châu Phú, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, bà con nông dân đã xuống giống trồng đậu bắp Nhật để xuất khẩu với giá từ 4.200 - 7.000 đồng/kg. Một héc-ta đậu bắp giống Nhật sau khi trừ chi phí, người trồng thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/đợt. Một năm, nông dân canh tác được 2 vụ nên lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với cây lúa. Trong khi đó, đậu bắp là cây dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu ít, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 2 tháng. Bình quân 1 công đậu bắp sau khi trừ hết chi phí lãi khoảng 5 - 6 triệu đồng tùy vào thời điểm. Đặc biệt, đậu bắp còn được các công ty thương mại thu mua để xuất khẩu.

Đối với những nông dân trồng đậu bắp được công ty bao tiêu xuất khẩu sang Nhật và Campuchia, phải áp dụng theo quy trình sản xuất sạch ít phân, ít thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, điển hình là quy trình thu mua đậu bắp của Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu. Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của bà con với giá từ 4.200 - 7.000 đồng/kg. Nhờ có hợp đồng bao tiêu nên giá đậu bắp không bấp bênh như những hoa màu khác. Hơn nữa, cây đậu bắp rất dễ canh tác lại có kỹ thuật viên của công ty hướng dẫn. Quy trình sản xuất đậu bắp cũng rất khắt khe, sản phẩm phải bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với những hộ tự trồng, tuy giá bán có thấp hơn từ 300 - 500 đồng/kg nhưng sản phẩm làm ra vẫn được tiêu thụ mạnh cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.

Huyện Tiên Yên (Qung Ninh): Tìm đầu ra cho cây dược liệu

Là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Tiên Yên có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho việc trồng, phát triển cây dược liệu. Với tiềm năng đó, bà con xã Yên Than, huyện Tiên Yên đã trồng thành công 2 loại cây dược liệu là cà gai leo và dây thìa canh, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới.

Ban đầu, việc triển khai trồng cây dược liệu tại xã Yên Than gặp không ít khó khăn, do người dân nơi đây đã quen với việc trồng lúa, ngô. Vì vậy, việc tuyên truyền vận động bà con hiểu được lợi ích từ việc trồng cây dược liệu là một vấn đề nan giải.

Sau 2 năm nỗ lực vận động, đến cuối năm 2016, đã có 25 hộ tham gia dự án với diện tích lên tới 6 héc-ta, sản lượng trung bình đạt từ 250 - 300 kg/sào/vụ. So với trồng lúa, mô hình này cho hiệu quả cao, thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt gần 300 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, để cây dược liệu có thể khẳng định được ưu thế trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Tiên Yên đang tích cực tìm giải pháp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm canh tác. Hiện mới chỉ có Công ty Dược liệu Đông Bắc phối hợp với huyện Tiên Yên thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên địa bàn. Chính vì vậy, huyện Tiên Yên vẫn đang cố gắng mở rộng thị trường tiêu thụ cây dược liệu, tránh tình trạng cây quá lứa mà chưa được thu hoạch, gây tồn đọng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Mới đây nhất, huyện đã làm việc với Công ty dược liệu tại Hà Nội để xây dựng dự án tổng thể về phát triển cây dược liệu từ nay đến năm 2020.

Qua thời gian thử nghiệm, cây dây thìa canh cũng như cây cà gai leo phát triển rất tốt. Vì vậy, huyện Tiên Yên đã triển khai trồng trên diện rộng. Toàn huyện hiện có trên 6 héc-ta cây dây thìa canh và cà gai leo, phấn đấu trong năm 2017 tiếp tục mở mộng trồng thêm 1,8 héc-ta cây dây thìa canh.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Hậu Giang: Nấm rơm được mùa, được giá

Năm nay, người dân trồng nấm rơm ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vô cùng phấn khởi, bởi giá bán không chỉ ở mức cao mà năng suất cũng tăng so với mọi năm. Nhiều người trồng nấm rơm cho biết, nấm rơm có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 15 ngày sẽ cho thu hoạch. Nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch liên tục trong khoảng thời gian 20 ngày. Trung bình, 100 chai meo với 5 công rơm, cho năng suất khoảng 220 kg (cao hơn 10% so cùng kỳ năm trước).

Với giá bán hiện ở mức 48.000 - 50.000 đồng/kg (cao hơn tháng trước khoảng 10.000 đồng/kg), sau khi trừ hết chi phí, người trồng nấm rơm đạt lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng/5 công rơm.

Bến Tre: Giá tôm thẻ chân trắng đầu vụ tăng cao

Người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang thu hoạch vụ tôm sớm với giá bán tăng mạnh, thu được lãi cao.

Tại huyện Bình Đại, hiện thương lái thu mua tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg với giá 110.000 đồng/kg; loại 60 con/kg có giá 140.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 170.000 đồng/kg… các mức giá này đều tăng từ 20.000 – 22.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Theo các hộ nuôi tôm, dù giá tăng cao nhưng sản lượng cung cấp cho thị trường lại ít do đang ở thời điểm đầu vụ thả nuôi. Hiện chỉ có những hộ thu hoạch sớm tôm thẻ chân trắng mới có hàng để bán.

Đặc biệt, do thời tiết thuận lợi nên các ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đều đạt năng suất cao, giá ổn định. Đa số người nuôi đều tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng khiến diện tích nuôi tôm sú thâm canh giảm mạnh.

Từ đầu năm đến nay, nông dân Bến Tre thu hoạch tôm thẻ chân trắng đạt gần 1.000 héc-ta/1.200 héc-ta thả nuôi với năng suất bình quân khoảng 5 tấn/héc-ta, tăng 0,31 tấn/héc-ta so với cùng kỳ năm ngoái.           

Đồng Nai: Thương lái không thu mua chuối

Những ngày gần đây, giá chuối tại các nhà vườn đã giảm xuống mức chạm đáy 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái thu mua. Nguyên nhân do Trung Quốc ngừng thu mua chuối theo đường tiểu ngạch khiến nguồn cung vượt cầu, đẩy giá xuống thấp kỷ lục. Trước tình trạng này, nhiều chủ vườn buộc phải để chuối chín rục tại vườn rồi vứt cho gia súc, gia cầm ăn.

Trên thực tế, chuối không phải là cây trồng chủ lực của Đồng Nai. Nhưng những năm gần đây, do chuối bán được giá nên bà con đã tự ý chuyển đổi một số diện tích sang trồng chuối nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do gần đây thị trường Trung Quốc ngừng thu mua chuối dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá chuối giảm mạnh. Đây cũng là bài học đắt giá, cảnh báo người dân cần thận trọng khi trồng tự phát. 

Tây Ninh: Sắn dây tiêu thụ chậm

Hiện nay, chỉ tính riêng ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã có khoảng 30 hộ dân trồng sắn dây với diện tích hơn 4 héc-ta. Nhưng đến thời điểm này, việc tiêu thụ sản phẩm rất chậm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đến nay, các hộ dân đã thu hoạch sắn dây nhưng thương lái thu mua quá chậm, khiến nhiều gốc sắn bị khô dây, thối củ. Trên thực tế, sắn dây là cây không để lâu được. Nếu đến kỳ thu hoạch mà không bán nhanh, củ sắn dây sẽ xốp, bị hà, phải bỏ đi.

Theo Hội Nông dân xã Thạnh Đông, những năm trước, ít người trồng sắn nên số lượng củ vừa đủ cung cấp cho thị trường. Thấy trồng sắn có lời nên năm nay, nhiều người trồng theo, từ đó dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Long An: Giá cá rô giảm

Người dân nuôi cá rô, cá trê trên địa bàn tỉnh Long An đang lâm vào tình trạng thua lỗ nặng. Bình quân, mỗi tấn cá người nuôi lỗ từ 3 - 4 triệu đồng. Hiện giá cá rô dao động trong khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg, cá trê 32.000 - 33.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với tháng trước.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Long An, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 60.000 m³ mặt nước nuôi cá rô với sản lượng 5.000 tấn. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi cá trong vèo (đặt trong ao) nên sản lượng tăng đột biến khiến giá giảm, người nuôi lỗ nặng.

Trước tình hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang đưa ra giải pháp hướng người nuôi tới những thị trường mới, không tập trung nuôi một chủng loại, chỉ nuôi phân tán với diện tích, sản lượng nhỏ. Đồng thời, trung tâm còn hướng dẫn kỹ thuật để người dân giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Người nuôi được khuyến cáo chọn những loại giống tốt, đạt chuẩn để đảm bảo đạt năng suất, chất lượng cao.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Quảng Ngãi: Diện tích trồng ớt vượt quá quy hoạch

Tại các xã vùng chuyên canh rau màu của huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, ớt được trồng từ đồng sâu đến ruộng cạn, những hàng ớt tít tắp và ngút ngàn. Tuy nhiên, diện tích ớt đang tăng quá nhanh, gây khó cho đầu ra sản phẩm.

Những ngày này, dù lịch thời vụ đã qua lâu, nhưng ở khắp nơi, nông dân vẫn đang hối hả xuống giống ớt với hy vọng thu lời cao như năm ngoái. Mặc dù chịu nhiều thiệt hại ban đầu do thời tiết thất thường, nhưng người trồng ớt vẫn không từ bỏ ý định trồng ớt. Chết lứa này họ lại xuống giống lứa khác, phá bỏ cả cây lúa, rau màu khác để trồng ớt. Theo tính toán sơ bộ của các hộ dân, 1 sào ớt đầu tư khoảng gần 2 triệu đồng, nhưng năm nay thời tiết bất lợi nên chi phí tăng vọt hơn 10 triệu đồng. Nếu giá cả như năm ngoái thì nông dân có thể thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng/sào. Đây là lý do chính khiến người nông dân vẫn “mê” ớt, dù cho giá cả thất thường.

Tại Quảng Ngãi nói riêng và một vài địa phương khác lân cận, ước tính diện tích ớt tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016. Việc sản xuất chạy theo giá cả thị trường, không những làm mất cân đối về diện tích, sản lượng mà còn gây khó cho đầu ra sản phẩm. Bởi trên thực tế, cây ớt không nằm trong diện quy hoạch riêng mà quy hoạch trong diện tích cây rau màu. Hiện nay, số lượng ớt tiêu thụ trong và ngoài tỉnh rất hạn chế, chủ yếu là xuất bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên tỉnh không khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Vì vậy, để tránh rủi ro trong trồng trọt, nông dân nên trồng các giống cây nằm trong diện tích quy hoạch, chỉ sản xuất khi có nguồn tiêu thụ ổn định; duy trì sản xuất các loại cây trồng khác để có thị trường ổn định và mang lại hiệu quả trong sản xuất.                                  

Sắn tồn đọng nhiều tại Nghệ An

Các xã Thạch Ngàn, Mậu Đức... là những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Các hộ trồng sắn nơi đây hầu hết là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Vụ sắn năm nay, gần 300 héc-ta sắn ở huyện Con Cuông đã quá lứa, người dân không biết bán cho ai. Đây là lượng sắn tồn của năm trước, mặc dù đã quá thời gian thu hoạch 3 - 4 tháng, nhưng bà con vẫn chờ nhà máy đến thu mua. Ngoài ra, tại các xã miền núi của các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ cũng có hàng trăm héc-ta sắn tồn lại không thu hoạch. Thời điểm này năm trước, lứa sắn vụ mới đã xanh nương nhưng năm nay, bà con không dám trồng thêm vì sợ không bán được. Nhiều nơi, bà con đem sắn về xắt lát ra phơi khô để nuôi lợn, vớt vát lại đồng vốn. Trong khi đó, sắn đã quá lứa, để càng lâu, chất tinh bột trong củ đã chuyển hoá thành đường để nuôi cây tiếp tục sinh trưởng, chờ vụ sắn tới.

Một số hộ trồng sắn ở huyện Con Cuông cho biết, vụ đông xuân 2015 - 2016 sắn bán được giá nên năm nay, nhiều hộ nông dân đã tự phát tăng diện tích trồng. Theo số liệu thống kê sơ bộ, diện tích sắn trồng tự phát tăng khoảng 500 héc-ta so với kế hoạch sản xuất của huyện đưa ra. Như vậy, tổng diện tích sắn trên địa bàn huyện đạt trên 1.700 héc-ta. Hiện đã bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá sắn giảm mạnh, chỉ từ 600 - 800 đồng/kg, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện giá tinh bột sắn thế giới giảm thấp, khiến các nhà máy phải giảm công suất. Do vậy, các nhà máy chỉ ưu tiên mua sắn thuộc vùng nguyên liệu nhà máy đầu tư, không thu mua sắn do bà con trồng tự phát, không thuộc vùng quy hoạch.

HÀNG VIỆT

Hàng Việt chật vật lên vùng cao

Có tới gần 100% sản phẩm quần áo bày bán ở các chợ vùng cao là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Trong khi hàng quần áo của Việt Nam sản xuất chật vật không lên được các thị trường này.

Tràn lan hàng Trung Quốc

Lên với chợ trung tâm của các huyện miền núi như: Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên), Mai Sơn (Sơn La), Mèo Vạc (Hà Giang), Bình Liêu (Quang Ninh)… ở đâu cũng dễ dàng nhận thấy, các sản phẩm quần áo có xuất xứ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường. Từ áo len, áo bông của người già; quần áo trẻ em, khăn, mũ của thanh thiếu niên… đến cả các loại chỉ thêu, kim tuyến để trang trí váy áo của phụ nữ dân tộc đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Do giá bán rẻ, phù hợp với điều kiện của đồng bào dân tộc nên quần áo Trung Quốc được rất nhiều bà con chọn mua. Nhiều bà con người Thái, người Mông ở các xã xuống chợ Mường Nhé đều coi chuyện mua sắm các sản phẩm quần áo xuất xứ Trung Quốc là chuyện bình thường. Không chỉ vì các sản phẩm quần áo này phù hợp với túi tiền của đồng bào, mà tại đây, muốn mua quần áo của Việt Nam sản xuất cũng khó.

Thực tế, đường về các huyện miền núi thường rất xa. Huyện ở gần cũng cách thị xã, thành phố trung tâm vài chục ki-lô-mét. Huyện ở xa cách đến vài trăm ki-lô-mét. Đây chính là lý do khiến mỗi chuyến hàng Việt, trong đó có sản phẩm quần áo lên tới các chợ huyện là cả một hành trình dài. Những doanh nghiệp lớn, hàng có thương hiệu thì không kiếm được thị trường tại đây vì giá bán cao, bà con khó chấp nhận. Những doanh nghiệp nhỏ, hàng giá rẻ lại không đủ lực để lên với thị trường quá xa mà sức tiêu thụ lại nhỏ như ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Và đúng như câu thành ngữ “Tiền nào của đấy” - quần áo Trung Quốc bán ở các chợ vùng cao đa phần đều có chất lượng thấp. Hoa văn in nhòe nhoẹt, dễ phai màu, chất liệu vải chủ yếu là nylon không thấm hút mồ hôi, đường may cẩu thả… Bà con mua về sử dụng không được bao lâu là hàng đã rách, đứt cúc, hỏng khóa…

Doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh

Khảo sát tại các chợ đầu mối: Đồng Xuân, Ninh Hiệp, chợ Nghệ (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Sắt (Hải Phòng) cho thấy, hầu hết vải hoặc quần áo tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng được lấy từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu vẫn từ các tỉnh bên kia biên giới Trung Quốc – nơi giáp với cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn)… Trong đó, 80% được bán buôn để chuyển về các chợ nhỏ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua những chuyến xe tải chuyên chở hàng lên miền núi… Việc mua bán các loại quần áo này chủ yếu được thỏa thuận bằng miệng giữa người bán và người mua, không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.

Được biết, các đội quản lý thị trường ở các huyện miền núi vẫn thường có những chuyến kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các chợ huyện. Nhưng với các sản phẩm quần áo, việc kiểm tra thường không mấy gắt gao. Người bán không bắt buộc phải trình hóa đơn ngay, nên nếu bị kiểm tra, các chủ hàng có thể hẹn rồi tìm cách xoay hóa đơn sau.

Theo tính toán, với việc không sử dụng hóa đơn, không nộp thuế, hàng nhập lậu có thể tiết kiệm tới 12 - 15% chi phí so với hàng chính thống của các doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quần áo, vải vóc được nhập lậu sẽ có giá rẻ hơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất chân chính rất nhiều. Đây cũng là lý do khiến cho quần áo có xuất xứ Trung Quốc được bán tràn lan, trong khi quần áo do các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chật vật tìm chỗ đứng, nhưng vẫn chỉ xuất hiện thưa thớt ở thị trường nông thôn, miền núi…

So với nhiều mặt hàng khác, việc quản lý, kiểm tra các mặt hàng quần áo tại các chợ huyện ít được chú trọng do chất lượng của quần áo không tác động trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm. Trong khi đó, đồng bào cũng chưa có ý thức về sản phẩm mình mua, chưa có điều kiện để sử dụng nhiều sản phẩm khác nhau để so sánh nên việc tẩy chay, từ chối hàng kém chất lượng hay tố cáo các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ hầu như chưa có. Bản thân người bán cũng thấy hàng rẻ, bán được thì mua chứ chưa ý thức về việc tuân thủ các quy định đối với các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lừa bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc Nhiều thủ đoạn tinh vi

Thời gian qua, trong số các nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, có không ít nạn nhân là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS). Đáng lo ngại là nhiều chị em bị chính người thân, bạn bè cũng là người DTTS âm mưu lừa bán sang bên kia biên giới.

Nhiều thủ đoạn bán chị em sang biên giới

Ngày 30/10/2015, lực lượng công an, biên phòng Hà Khẩu (Trung Quốc) đã giải cứu thành công 4 nạn nhân là phụ nữ dân tộc Dao quê ở huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) và trao trả cho đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ngày 28/9/2016, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang bắt giữ 3 đối tượng chuyên lừa bán chị em phụ nữ là người DTTS đưa sang Trung Quốc. Ba gã trai gồm Lưu Dỉ Tề, trú tại huyện Đồng Văn; Vàng Mí Phà và Thào Mí Sinh, trú tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang…

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc đã bị các lực lượng chức năng phát hiện trong năm 2015 - 2016. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2015 - 2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc liên lạc với Đại sứ quán để kêu cứu… Trong số đó, có tới gần 50% là phụ nữ DTTS phía Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang.

Thủ đoạn mà tội phạm buôn bán phụ nữ thường sử dụng là hứa hẹn chị em sang Trung Quốc có công việc nhàn nhã lại kiếm được nhiều tiền. Ngoài ra, do chính sách một con của Trung Quốc trong thời gian dài dẫn đến mất cân bằng giới tính nên có một bộ phận đàn ông Trung Quốc muốn tìm phụ nữ Việt để kết hôn. Lợi dụng nhu cầu này, các đối tượng buôn bán phụ nữ thuyết phục chị em tin rằng sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống tốt, có điều kiện để cải thiện kinh tế...

Bên cạnh đó, với sự phát triển của internet, nhiều đối tượng buôn người dùng thủ đoạn làm quen qua mạng, rồi dụ dỗ đưa các em gái bán sang Trung Quốc. Nhiều em khi bị lừa mới 11 – 15 tuổi. Điều đáng ngại là, các đường dây buôn bán người đều có liên kết chặt chẽ từ Việt Nam tới Trung Quốc, bao gồm cả những người trước đây đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc; nhiều đối tượng buôn bán người là đồng bào DTTS có mối quan hệ dòng tộc với người dân bên Trung Quốc…

Thực tế, đa phần phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc đều có những kết cục rất đau lòng. Người thì bị ép làm gái mại dâm. Người thì bị bán làm vợ hờ, làm vợ của những người đàn ông già cả, nghèo khó, tật nguyền, thậm chí làm vợ cho cả bố và con trong cùng một gia đình. Không ít chị em bị đưa vào những xưởng sản xuất và bị bóc lột sức lao động…

Cảnh giác với những lời dụ dỗ

Theo đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, khi lôi kéo được chị em sang Trung Quốc, các đối tượng lừa đảo thường thu hết hộ chiếu, giấy thông hành của các nạn nhân và họ trở thành những người cư trú bất hợp pháp. Nếu đi qua các đường mòn xuyên biên giới, do không biết đường lại lo trốn tránh lực lượng biên phòng nên nạn nhân đều phải nghe theo hướng dẫn của bọn dắt mối. Nhiều chị em bị lừa sang đến Trung Quốc mới biết mình đã ra khỏi Việt Nam và đã bị bán trao tay cho người Trung Quốc. Lúc này, đại đa số các chị em gặp khó khăn khi không biết tiếng, không biết chữ; lại bị lừa bán sang các vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc, muốn tìm đường trốn chạy cũng khó.

Để các cô gái trẻ không ảo tưởng rằng lấy chồng người Trung Quốc sẽ có cuộc sống sung sướng, các ban, ngành xã hội, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền rộng rãi đến tận thôn, bản để chị em phụ nữ không cả tin nghe theo các đối tượng dụ dỗ. Bởi lẽ phần lớn những người đàn ông Trung Quốc nghèo khổ, không đủ tiền cưới vợ người Trung Quốc mới phải lấy người Việt Nam. Cô dâu Việt Nam sang Trung Quốc phải tham gia lao động vất vả; thậm chí là nạn nhân tình dục cho cả gia đình.

Đồng thời, cần nhắc nhở chị em không nên nghe theo những lời tán tỉnh, hứa hẹn ngọt ngào của những người mới quen trên mạng, hay những kẻ cùng thôn, bản nhưng chơi bời lêu lổng. Bởi những đối tượng này rất có thể chính là người dụ dỗ chị em để bán sang Trung Quốc

Bên cạnh đó, nếu phụ nữ nào không may bị lừa bán sang Trung Quốc thì cố gắng tìm cách liên hệ với Đại sứ quán để yêu cầu giải cứu hoặc tìm cách chạy đến các đồn công an Trung Quốc yêu cầu thông báo cho Đại Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để được bảo hộ công dân, đây là những cách tự giải cứu nhanh nhất.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)