Thông tin thị trường giá cả số 02/2020

03:14 PM 04/02/2020 |   Lượt xem: 3784 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đảm bảo hàng hóa khu vực miền núi trong dịp tết

Để chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các địa phương đã có kế hoạch dự trữ và cung ứng cụ thể.

Thanh Hóa: Đảm bảo đủ hàng tết cho bà con miền núi

Công ty CP tập đoàn Miền núi Thanh Hóa đã lập kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ người dân trong dịp tết nhằm bình ổn giá, tránh sự đầu cơ tăng giá, khan hiếm hàng trên thị trường. Đến thời điểm này, tại 11 siêu thị và 2 cửa hàng tự chọn thuộc 11 huyện miền núi đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tết. Nguồn hàng chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, trong đó có nhiều sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh. Năm nay, ngoài việc tăng nguồn dự trữ hàng hóa khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện chủ trương ưu tiên dùng hàng địa phương của tỉnh Thanh Hóa, công ty đã ký kết và đưa vào nhiều mặt hàng bánh kẹo, mứt tết, nước mắm, các mặt hàng nông nghiệp của địa phương để phục vụ bà con. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và tiểu thương trên địa bàn cũng dự trữ, tập kết hàng hóa nên sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn các huyện miền núi.

Bình Thuận: Ưu tiên vận chuyển hàng hóa ra đảo

Tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ bà con huyện đảo Phú Quý. Theo đó, 5 mặt hàng thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trong trường hợp thời tiết xấu gồm: Gạo, đường, dầu ăn, muối, mì tôm. Tham gia dự trữ hàng hóa dịp này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tỉnh hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng và đảm bảo ưu tiên vận chuyển hàng hóa ra đảo. Tuy nhiên, các đơn vị phải cam kết dự trữ hàng hóa đúng chủng loại, đủ số lượng và mức dự trữ thường xuyên, liên tục; khi luân chuyển hàng hóa phải có mức dự trữ trong vòng một tháng. Ngoài ra, hàng hóa phải đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán hợp lý, ổn định.

Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, thời tiết xấu, các tàu vận tải tuyến Phan Thiết - Phú Quý thường bị gián đoạn khiến việc vận chuyển hàng hóa và người dân từ đất liền ra huyện đảo gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu và phương tiện vận chuyển phục vụ luôn được huyện Phú Quý chủ động và chuẩn bị tốt để đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân khi xảy ra thời tiết xấu.

Quảng Ngãi: Xây dựng các điểm bán hàng Việt

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong dịp Tết Nguyên đán 2020 với hệ thống bán lẻ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.

Các siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng dự trữ nguồn hàng tương đối đầy đủ, hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nhãn mác, thương hiệu rõ ràng. Hiện nay, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng 7 điểm bán hàng Việt tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Mộ Đức. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã có kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác bình ổn thị trường dịp tết. Nhóm mặt hàng bình ổn thị trường bao gồm: Gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, bánh kẹo; thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả. Quảng Ngãi cũng khuyến khích người dân tại các huyện miền núi liên kết sản xuất để tự cung tự cấp các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết như nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, củ… để không bị động trong việc dự trữ thực phẩm dịp tết.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đắk Nông:

Vựa xoài Đắk Gằn sẵn sàng phục vụ tết

Xã Đắk Gằn (Đắk Mil) được xem là “vựa xoài” của tỉnh Đắk Nông. Xoài là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân xã Đắk Gằn trong những năm qua.

Những ngày cuối năm, các vườn xoài ở Đắk Gằn tấp nập thương lái đến khảo sát và đặt hàng. Trong đó, những vườn đạt tiêu chuẩn VietGAP được thương lái lựa chọn nhiều. Năm nay, bà con trồng xoài đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng cũng như hình thức sản phẩm. Toàn bộ quả khi còn nhỏ đã được bọc để chống côn trùng chích hút, bảo đảm sản phẩm sạch, mẫu mã đẹp phục vụ thị trường. Đặc biệt, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, bà con trồng xoài đã chuẩn bị được một lượng xoài lớn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Toàn xã Đắk Gằn có khoảng 420 héc-ta xoài, năng suất bình quân từ 20 - 25 tấn/héc-ta/vụ. Mỗi năm, bà con sản xuất xoài theo 2 vụ chính và 1 vụ phụ. Năm nay, mỗi hộ sản xuất xoài trên địa bàn đều chuẩn bị từ 5 - 10 tấn xoài để phục vụ tết. Theo kinh nghiệm của những hộ trồng xoài lâu năm, xoài là một trong những loại trái cây được sử dụng nhiều trong dịp tết. Ngoài nhu cầu tăng cao, giá xoài trong dịp tết thường nhỉnh hơn ngày thường từ 3.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu bình thường, giá xoài Đài Loan chỉ khoảng 18.000 đồng/kg thì dịp tết sẽ dao động từ 25 - 30.000 đồng/kg. Xoài ba mùa trong năm có giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg nhưng dịp tết có thể bán được từ 13.000 - 15.000 đồng/kg.

Một vụ xoài khoảng 75 ngày, tuy nhiên, tùy thuộc vào giá cả và sự phát triển của cây mà chủ vườn có thể dùng biện pháp kỹ thuật để neo quả thêm từ 15 - 20 ngày trên cây. Nhờ vậy mà người dân chọn được thời điểm bán xoài được giá, không bán ồ ạt. Bên cạnh đó, người dân trồng xoài trên địa bàn xã đều đã sản xuất lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, am hiểu, nắm bắt và áp dụng kỹ thuật tốt nên có thể chủ động điều chỉnh thời gian cho cây xoài ra hoa, đậu quả tùy ý.

Bưởi Năm roi miền Tây khan hàng

Hiện nay, tại vùng trồng bưởi Năm Roi lớn nhất miền Tây, nhiều nhà vườn đã không còn bưởi để bán dù giá đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) được xem là “thủ phủ” bưởi Năm Roi với hơn 122 hộ gia đình trồng bưởi diện tích trên 91,1 héc-ta, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm. Hiện chỉ còn lại một số vườn chừa lại bưởi bán tết với số lượng rất ít và đã được thương lái đặt cọc. Nhà vườn cho biết, cả tuần nay, thương lái về Mỹ Hòa ráo riết tìm mua bưởi tết nhưng không có hàng. Nguyên nhân do sản lượng bưởi năm nay thấp do ảnh hưởng thời tiết, nhiều vườn bưởi ra hoa sớm và đậu trái nhanh. Tình hình này khiến các nhà vườn lo ngại nên đã tranh thủ bán sớm. Một nguyên nhân khách quan khác do gần đây số lượng bưởi đạt chuẩn VietGAP xuất khẩu tăng cao khiến nguồn cung không đủ. Vì vậy dẫn đến tình trạng khan hiếm bưởi như hiện nay.

Theo nhận định của nhiều nhà vườn, tại các vùng trồng bưởi Năm Roi ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long… sản lượng bưởi năm nay đạt thấp trong khi nhu cầu tăng mạnh. Nguồn cung khan hiếm khiến giá bưởi Năm Roi cũng tăng mạnh. Nếu như giá bưởi loại 1 năm trước chỉ khoảng 24.000 đồng/kg thì giá hiện tại đã lên đến 50.000 đồng/kg. Thương lái ráo riết săn lùng nhưng không có bưởi để mua, phải đi các vùng khác tìm mua bưởi. Dự báo, giá bưởi Tết Nguyên đán sẽ còn tăng so với năm trước và không đủ nguồn cung phục vụ thị trường.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Sóc Trăng:

Tiêu thụ mía gặp khó

Khép lại vụ mía đường 2018 – 2019, nông dân trồng mía Sóc Trăng kém vui do tiêu thụ gặp khó. Giá mía thấp, các công ty mía đường không ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Vào đầu vụ thu hoạch, giá mía bán tại ruộng 610 đồng/kg nhưng vào thời điểm thu hoạch rộ giá mía rất thấp, chỉ còn từ 200 - 400 đồng/kg, thấp hơn so cùng kỳ năm trước 200 - 400 đồng/kg. Trong khi chi phí đầu tư sản xuất cao, giá thành sản xuất mía khoảng 800 đồng/kg. Tính ra trồng mía không có lãi, lỗ từ 30 - 40 triệu đồng/héc-ta. Vì vậy, nhiều nông dân trồng mía ở Sóc Trăng đang tìm cách chuyển đổi sang cây trồng khác.

Nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng giữ ổn định vùng trồng mía tươi tốt, năng suất và chữ lượng đường cao, cung cấp mía nguyên liệu cho các nhà máy đường lớn trong vùng. Tuy nhiên, đến năm 2019 diện tích mía của tỉnh còn 7.300 héc-ta, giảm gần 1.200 héc-ta và sản lượng mía cây 680.700 tấn, giảm gần 20% so cùng kỳ năm 2018.

Đồng Tháp:

Giá quýt hồng Lai Vung lập kỷ lục mới

Hiện giá quýt hồng Lai Vung đã ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg tại vườn. Đây là mức giá kỷ lục từ trước đến nay. Quýt hồng Lai Vung là loại trái cây quan trọng trong đĩa trái cây chưng ngày tết đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nhiều tỉnh trong cả nước nói chung và là quà tết có ý nghĩa. Vì thế, giá quýt hồng Lai Vung luôn ở mức cao, dao động ở mức 30.000 đồng/kg tại vườn. Nguyên nhân khiến giá quýt hồng năm nay lập kỷ lục là do sụt giảm cả sản lượng lẫn năng suất vì nhiễm bệnh trên diện rộng gây ra chết cây, hoặc không cho trái...

Toàn huyện Lai Vung trồng hơn 830 héc-ta quýt hồng nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ còn chưa đầy 200 héc-ta cho trái với năng suất thấp. Ước sản lượng quýt hồng Lai Vung dịp tết chỉ còn khoảng 4.000 tấn, giảm 80% so cùng kỳ năm ngoái.

Long An:

Kỳ vọng bội thu vụ dưa tết

Những ngày này, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chăm sóc dưa hấu để phục vụ cho thị trường tết. Hiện hầu hết diện tích dưa hấu đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ tết bội thu.

Vụ dưa tết năm nay, toàn huyện Tân Hưng xuống giống khoảng 34,5 héc-ta dưa hấu. Nhìn chung, nông dân vẫn chọn trồng các giống dưa truyền thống như: Phù Đổng, Hắc Mỹ Nhân, Mặt Trời Đỏ… Tuy nhiên, do năm trước giá dưa thấp nên năm nay nhiều hộ giảm diện tích xuống giống. Hiện một số thương lái đã bao tiêu dưa tết với giá 6.000 đồng/kg. Nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi và dưa phát triển tốt, đạt năng suất thì với giá này các hộ sẽ có lợi nhuận từ 40 - 45 triệu đồng/héc-ta. Còn tại huyện Tân Trụ, năm nay, toàn huyện có 22,4 héc-ta dưa hấu. Giá dưa hấu đang được bán trên thị trường từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, nhiều nông dân kỳ vọng đến ngày thu hoạch, giá dưa vẫn được ổn định như hiện nay để người trồng có thêm điều kiện đón tết.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá đu đủ giảm hơn 50%

Nông dân trồng đu đủ tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng vì giá trái đu đủ giảm hơn 50% so với cách đây vài tháng và hiện đang ở mức rất thấp. Tại nhiều quận, huyện ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, giá đu đủ bán cho thương lái và các vựa thu mua chỉ còn ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg, trong khi trước đó có nhiều thời điểm giá đạt từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.

Giá đu đủ giảm mạnh do thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương tăng diện tích trồng và nguồn cung trái đu đủ cũng đang tăng do bước vào thuận mùa cho trái. Thời điểm này, đu đủ ít bị hư và đổ ngã do mưa lũ như các tháng trước. Trong khi đó, hiện trái đu đủ chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô chứ chưa chế biến được các sản phẩm có thể để lâu nên nguồn cung tăng, dư thừa, dội chợ.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thừa Thiên Huế:

Được mùa cá khoai

Những làng chài ven biển bãi ngang Thừa Thiên Huế nhiều ngày qua liên tục trúng đậm cá khoai. Niềm vui dần hiển hiện trên những khuôn mặt đầy nắng gió của ngư dân.

Đã thành mùa vụ, trước Tết Nguyên đán tầm 1 tháng, ngư dân khắp các miệt biển háo hức bước vào mùa cá khoai. Năm nay, nhu cầu của thị trường cao khiến cá khoai được giá. Bởi thế mà trước đây cả tháng, các ngư dân đã tìm mua những loại lưới phù hợp, buộc đồi, kép chì, chờ ngày xuống nước đánh bắt cá khoai.

Hiện nay, hàng trăm chiếc thuyền có công suất chừng 12 - 24CV khắp các vùng biển Thừa Thiên Huế đua nhau đánh bắt cá khoai. Đầu vụ nhiều thuyền trúng đậm thu về ít nhất là 2 tạ cá, có thuyền thu đến 3 - 4 tạ. Ngư dân thường sử dụng những chiếc thuyền nan công suất nhỏ để đánh bắt. Mỗi thuyền đánh bắt của ngư dân gồm 2 - 3 thành viên. Họ sử dụng loại lưới có mắt lưới khoảng 20 mm để đánh bắt gần bờ. Ở những vùng biển bãi ngang, cá khoai xuất hiện vào mùa đông, nhiều nhất vào tháng chạp và đầu tháng giêng.

Do nhu cầu lớn nên cá khoai được tiểu thương thu mua ngay tại bãi, thậm chí cung không đủ cầu. Hiện mỗi cân cá khoai từ 70.000 – 80.000 đồng thu mua tại bãi. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm gần đây, cá khoai giúp ngư dân có thu nhập cao vào dịp cuối năm. Khi tiết trời về đêm xuất hiện sương mù, sớm mai hửng nắng, cá khoai sẽ kéo từng đàn vào bờ kiếm ăn. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để ngư dân buông lưới. Lúc này đang là chính vụ cá khoai. Mùa cá khoai kéo dài đến năm sau, đầu ra của loại cá này trên thị trường hiện rất tốt nên ngư dân sẽ có một mùa bội thu.

Cá khoai là “cứu cánh” cho ngư dân những ngày giáp tết. Vụ cá khoai thắng lợi đồng nghĩa với việc họ sẽ có thêm một cái tết đủ đầy, làm vơi bớt nỗi lo toan sau năm dài mưu sinh.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Lạng Sơn:

Tăng cường ngăn chặn động vật nhập lậu

Trước nguy cơ lây lan bệnh tả lợn châu Phi, các lực lượng chức năng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn các loại sản phẩm động vật nhập lậu.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, thời gian gần đây, số lượng thực phẩm “bẩn” nhập lậu tăng gấp gần ba lần so cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các sản phẩm nhập lậu là sản phẩm động vật như: Nầm lợn, mỡ lợn, lòng lợn, vịt, gà thịt sẵn... Đáng chú ý, tình hình buôn lậu sản phẩm gia súc (nầm lợn, lòng lợn…) có chiều hướng gia tăng tại khu vực mốc 1074, 1099 và Thác Ném thuộc xã Tân Mỹ. Các đối tượng thường xuyên di chuyển địa điểm, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi kiểm tra, bắt giữ. Đặc biệt, do đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối tắt nên các đối tượng đã lợi dụng, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ biên giới vào nội địa tiêu thụ.  Các loại thực phẩm “bẩn” này bên Trung Quốc rất rẻ, thậm chí họ vứt bỏ. Vì vậy, khi các đối tượng vận chuyển trót lọt qua biên sẽ mang lại lợi nhuận rất cao. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cũng rất tinh vi. Đó là thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng qua đường mòn. Nếu trót lọt sẽ tập kết tại các xã giáp biên, sau đó dùng xe máy hoặc ô tô vận chuyển vào khu vực thành phố. Từ đó, xé lẻ, tìm cách găm hàng vào ô tô chở khách, ô tô du lịch, ô tô chở hàng để đưa về các địa phương tiêu thụ.

Trước tình hình này, tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu và khu vực biên giới. Đặc biệt, xử lý nghiêm đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán thực phẩm “bẩn”.

HÀNG VIỆT

Lệ Thủy - Quảng Bình:

Tạo thương hiệu cho mỗi vùng quê

Trong quá trình xây dựng nông thôn, huyện Lệ Thủy đã triển khai thực hiện tốt đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để tạo thương hiệu cho mỗi vùng quê. Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy đã có 37 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP năm 2019.

Tập trung vào sản phẩm tiềm năng

Thực hiện đề án này, huyện đã tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn theo hướng gia tăng giá trị. Được mệnh danh là huyện lúa của tỉnh Quảng Bình nên việc nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Đối với thương hiệu gạo sạch Lệ Thủy, huyện đã xây dựng lộ trình hướng đến đạt chuẩn OCOP từ năm 2012. Trong đó, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) thực hiện điểm với gần 270 héc-ta giống lúa V6. Để tạo đà cho sản phẩm gạo Lệ Thủy có chỗ đứng trên thị trường, UBND huyện đã hỗ trợ 110 triệu đồng để hợp tác xã đầu tư máy xay xát, nhà xưởng, hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Loại gạo này sạch, dẻo, thơm hơn nhiều loại gạo sản xuất thông thường và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Quảng Bình cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Bình xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là điều kiện để lúa gạo Lệ Thủy thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và hướng tới chuẩn OCOP.

Đến nay, Lệ Thủy đã có 22 xã đăng ký OCOP với 34 sản phẩm và nhóm sản phẩm. Những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cụ thể được huyện tập trung phát triển căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương và là những sản phẩm có thị trường rộng mở. Đó là các sản phẩm đã có thương hiệu như: Tinh bột nghệ Vân Di; rau Hòa Luật Nam (xã Cam Thủy); mướp đắng sạch của Tổ hợp tác Sản xuất mướp đắng sạch xã Hưng Thủy; gạo sạch Lệ Thủy của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng; nén Hoa Thủy; gà đồi Lệ Thủy; mè xửng Hiếu Kiên; ớt bột Hồng Thủy… Ngoài ra, một số sản phẩm mới đang dần khẳng định vị thế như: Các sản phẩm tinh dầu; cam mật Lệ Thủy… cũng được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, những chuỗi sản phẩm mà huyện đang xây dựng chủ yếu là thực phẩm sạch và nông sản an toàn, hoàn toàn không hóa chất, không chất bảo quản và được kết nối thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Nhằm tạo lợi thế cho các sản phẩm, thời gian qua, Lệ Thủy đã chủ động đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản. Nhiều hình thức được thực hiện như: Hỗ trợ các cơ sở, đơn vị sản xuất trưng bày tại các gian hàng hội chợ, triển lãm, hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết các chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Văn phòng Nông thôn mới và OCOP huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện lựa chọn và đang phối hợp với VNPT Quảng Bình hỗ trợ 15 sản phẩm về nhãn mác, bao bì, logo và tem truy xuất nguồn gốc. Dự kiến khi hoàn thành, các sản phẩm này sẽ đạt tiêu chuẩn 3 sao theo bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm chương trình OCOP.

Bên cạnh những hoạt động cụ thể, huyện Lệ Thủy cũng đề ra các mục tiêu đến năm 2020 để các ngành và địa phương có kế hoạch thực hiện hiệu quả hơn, đó là: Tiếp tục hình thành hệ thống tổ chức “Mỗi xã một sản phẩm” từ huyện đến xã, theo hướng gọn nhẹ, triển khai chu trình OCOP thường niên. Hoàn thiện, nâng cấp 26 sản phẩm thế mạnh, đặc sản trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các xã, thị trấn; đánh giá xếp hạng 26 sản phẩm hiện có theo hướng OCOP. Cùng với đó, huyện Lệ Thủy cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho các bộ quản lý Nhà nước thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP…