Thông tin thị trường giá cả số 09/2020

04:12 PM 25/02/2020 |   Lượt xem: 3614 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tìm đường xuất khẩu chuối

Chuối cũng là một trong những mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, một số địa phương đã tìm được hướng xuất khẩu mới, giúp giải tỏa phần nào lượng hàng ứ đọng của bà con.

Cà Mau: Chuối xuất khẩu chính ngạch bình thường

Tại Cà Mau, trong khi chuối xuất qua đường tiểu ngạch bị ngừng trệ thì chuối già Nam Mỹ xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gần như không bị ảnh hưởng. Một số hộ trồng chuối cho biết, từ đầu năm đến nay, giá bán và số lượng chuối già Nam Mỹ xuất đi không bị ảnh hưởng. Điển hình là tại huyện U Minh, một số chủ vườn đăng ký trồng chuối sạch đã xuất hàng thẳng vào các siêu thị lớn của Trung Quốc. Giá hiện tại khoảng 10.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2 - 3 lần so với giá bán ở thị trường Việt Nam. Trái lại, chuối của nhiều chủ vườn xuất tiểu ngạch hiện không xuất bán được, giá giảm kỷ lục từ 10.000 đồng/kg còn 2.000 - 3.000 đồng/kg vẫn khó bán.

Theo Sở Công Thương Cà Mau, việc tuân thủ quy chuẩn của đối tác nước ngoài trong sản xuất và xuất khẩu chuối chính ngạch là cần thiết đối với nhà vườn. Điều này giúp sản phẩm đầu ra của nông dân được bao tiêu tốt, ít bị rủi ro hay biến động giá. Thực tế cũng đã chứng minh, xuất khẩu bằng con đường chính ngạch thì nông sản xuất khẩu mới ổn định, bền vững. Ngược lại, nếu cứ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở thì vẫn tiếp tục bị ách tắc, ùn ứ.

Quảng Trị: Tìm đường xuất sang Thái Lan

Hiện một số thương lái Quảng Trị vẫn mua chuối của người dân để xuất bán sang Thái Lan và tiêu thụ ở thị trường trong nước. Giá thu mua tương đối ổn định từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Điều này đã góp phần hỗ trợ người nông dân trong thời điểm khó khăn hiện nay. Địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng thu mua chuối để chế biến sản phẩm. Theo số liệu sơ bộ của Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp ở Quảng Trị đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan 120 tấn chuối. Ngành Công Thương đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các nhà phân phối hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Địa phương đang đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đối với mặt hàng chuối tươi, Sở Công Thương đang hướng dẫn các doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.

Lâm Đồng: Thị trường Nhật tiềm năng

Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, 2 tuần đầu tháng 2/2020, mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu trực tiếp trên dưới 5 tấn chuối Laba sang Nhật. Đây là hợp đồng ký kết ổn định giữa hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng với một doanh nghiệp nông sản quy mô lớn của Nhật. Trước mắt, thỏa thuận giá mua bán giữa 2 bên trong thời gian 5 năm. Dự kiến vào cuối năm 2020 đầu năm 2021, hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng tiếp tục bao tiêu sản phẩm chuối Laba trên diện tích 150 héc-ta của nông hộ liên kết, từ đó tăng sản lượng xuất khẩu lên 15 tấn/ngày. Đồng thời, vận động các nông hộ tham gia liên kết để mở rộng vùng nguyên liệu chuối Laba tại các địa bàn Đam Rông, Lâm Hà. Hợp tác xã đã trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường Nhật, định hướng xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trong và ngoài nước để nâng cao giá trị cây chuối Laba, từ đó giúp bà con phát triển ổn định hơn.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hà Giang:

Khẩn trương thu hoạch cam sành cuối vụ

Với năng suất, giá bán ổn định, niên vụ 2019 - 2020, người trồng cam sành huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang phấn khởi hơn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Hà Giang hiện có trên 6.700 héc-ta cam sành, trồng tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Niên vụ năm 2019 - 2020, tổng sản lượng cam sành ước đạt trên 60.000 tấn.

Những ngày này, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Vị Xuyên đang khẩn trương thu hoạch cam sành cuối vụ. Huyện Vị Xuyên có 392,8 héc-ta cam các loại, sản lượng niên vụ 2019 – 2020 đạt trên 1.000 tấn; có 3 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích trên 89,81 héc-ta. Hiện cam sành Vị Xuyên đã được giới thiệu, trưng bày, bán tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh và tiêu thụ nội tỉnh.

Thực hiện khuyến cáo của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, các ngành chức năng của huyện chỉ đạo các hộ, tổ, hợp tác xã khẩn trương thu hoạch cam sành. Ngay sau khi thu hoạch xong, tiến hành cắt tỉa cành; phun thuốc phòng sâu, bệnh gây hại; bón thúc phân chuồng cho cây hồi xanh, tránh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cam niên vụ tiếp theo.

Hiện nay, sản phẩm cam sành đã xuất bán khoảng 80% với giá bán trung bình từ 8.000 – 12.000 đồng/kg. Do thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng, đặc biệt là chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP, niên vụ 2019 – 2020, năng suất cam đạt cao, chất lượng cam tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nguồn thu nhập từ trồng cam đã nâng cao chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình.

 

Cao Bằng:

Đáp ứng đủ nhu cầu phân bón vụ đông xuân

Vụ đông xuân năm nay, giá các mặt hàng phân bón tương đối ổn định. Chất lượng, chủng loại phong phú, đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con.

Trong tháng 2/2020, các đơn vị, đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón vật tư nông nghiệp đã chủ động dự trữ nguồn hàng với chủng loại phong phú, đảm bảo chất lượng phục vụ bà con sản xuất vụ đông xuân năm 2020. Một số đại lý, nhà phân phối có uy tín đã chủ động phối hợp với các nhà máy nhập về các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ bà con nông dân thử nghiệm trên đồng ruộng. Đối với các mặt hàng phân bón, các đại lý chủ yếu nhập các chủng loại phân phục vụ bón lót như lân, NPK kích thích cho cây trồng mọc đều và phát triển ổn định, đặc biệt là các cây lương thực chính như cây lúa và cây ngô. Hiện nay, một số cây trồng như cây ngô, thuốc lá, cơ bản bà con đã gieo trồng xong đúng thời vụ.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, giá các mặt hàng phân bón năm nay không biến động so với năm trước. Nhất là dòng phân bón lót NPK Lâm Thao, NPK Khánh Sinh 1 bao trọng lượng 25 kg có giá bán lẻ 110.000 đồng; đạm Thái Lan 1 bao loại 50 kg giá 450.000 đồng; phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh có giá 75.000 đồng/bao; đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình 370.000 đồng/bao loại 50 kg. Riêng đạm Phú Mỹ loại 50 kg có giá bán 390.000 đồng/bao, giảm 60.000 đồng/bao so với năm 2019.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, các cơ sở kinh doanh, đại lý phân bón phân phối hàng tận nơi, nhất là mặt hàng bón lót cho cây trồng. Đồng thời, thực hiện phương thức ứng trước phân bón trả chậm để bà con sản xuất kịp thời vụ. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong sản xuất và trồng trọt, các lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh phân bón; tập huấn, tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở thực hiện nghiêm túc quy định; giám sát về nguồn cung ứng và chất lượng các mặt hàng phân bón, điều kiện kinh doanh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng đúng chủng loại phân bón để tăng hiệu quả cho cây trồng.      

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Lý Sơn - Quảng Ngãi:

Tỏi được mùa, mất giá

Vụ tỏi đông xuân 2019 - 2020, nông dân Lý Sơn trồng hơn 330 héc-ta. Tỏi được mùa nhưng giá bán lại giảm khiến bà con khó khăn. Hiện giá tỏi ở Lý Sơn đang giảm mạnh. Đầu mùa, tỏi tươi Lý Sơn có giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng đến nay giảm còn từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho mỗi sào tỏi cao hơn năm ngoái từ 3 - 5 triệu đồng. Nguyên nhân khiến giá tỏi hạ thấp vì nông dân đang thu hoạch rộ nhưng sức mua giảm. Nhiều hộ thấy giá rẻ nên phơi khô chờ giá lên mới bán.

Trên thực tế, đầu ra của tỏi năm nào cũng vậy, được mùa, mất giá. Trước tình hình này, huyện Lý Sơn đã và đang hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Bình Định:

Đót rừng được giá

Mùa đót rừng ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định kéo dài khoảng 2 tháng, từ đầu tháng Chạp năm trước đến hết tháng Giêng năm sau. Vào mùa đót, nhiều người dân địa phương lại vào rừng bẻ đót vì loại lâm sản này giúp bà con có được khoản thu nhập kha khá. Đi từ sáng sớm đến chiều tối về, mỗi người được một gùi chừng khoảng 30 kg, bán cho thương lái với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Ở mỗi xã vùng cao của huyện An Lão hiện có 2 - 3 điểm thu mua đót hàng ngày. Vụ này, đót được mùa, được giá nên bà con có thêm thu nhập. Tuy nhiên, trước đây cây đót mọc khắp rừng, việc bứt đót rất dễ dàng nên người nào chịu khó, một ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng. Hiện nay, do nhiều cây đót bị phá bỏ để lấy đất trồng cây keo lai nên muốn hái được nhiều đót phải vào sâu trong rừng, trèo lên những vách đá cheo leo...

Vĩnh Long:

Khoai lang tiêu thụ ổn định

Hiện nay, trong khi giá khoai lang tím Nhật có dấu hiệu tăng trở lại ở mức trên 400.000 đồng/tạ thì một số loại khoai lang có thị trường tiêu thụ nội địa vẫn ổn định ở mức trung bình. Cụ thể, khoai lang sữa có giá trên 200.000 đồng/tạ, khoai đỏ hay còn gọi là khoai bí đường xanh có giá 330.000 đồng/tạ và khoai trắng giấy 300.000 đồng/tạ. Các loại khoai này khi thu hoạch năng suất thường đạt rất cao, từ 70 - 100 tạ/công (1.000m2). Đặc biệt, chi phí đầu tư sản xuất cũng thấp hơn từ 4- 5 triệu đồng/công so với khoai lang tím Nhật. Với mức giá bán như hiện nay, trồng các loại khoai sữa, khoai đỏ và trắng giấy thu được lợi nhuận cao hơn so với khoai lang tím Nhật. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích khoai lang được xuống giống thì các loại khoai này chỉ chiếm trên 10% cơ cấu giống.

Đồng Nai:

Giá tiêu giảm

Thời điểm này, nhiều địa phương tại Đồng Nai vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Giá tiêu hiện đang dao động ở mức 36.000 – 37.000 đồng/kg, tiếp tục giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước.

Bước vào vụ thu hoạch mới, nông dân trồng tiêu vẫn chịu cảnh thua lỗ vì giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Dự báo, giá mặt hàng này sẽ theo đà giảm khi rộ mùa thu hoạch. Giá hồ tiêu trên thị trường thế giới cũng đang giảm mạnh vì nhiều nước vào vụ thu hoạch làm mất cân đối cung - cầu. Tại các vùng trồng tiêu lớn ở Đồng Nai như huyện Xuân Lộc, Trảng Bom… sau thu hoạch người trồng có xu hướng phơi khô, tích trữ chờ giá tăng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Khánh Hòa:

Xoài Úc tiêu thụ khó

Hàng trăm héc-ta xoài Úc tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang độ chín đỏ nhưng không có thị trường tiêu thụ bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hiện thương lái thu mua giá rất thấp, xoài loại 1 giá chỉ 20.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với thời điểm giáp tết. Thông thường, mọi năm, khoảng mùng 8 tết, các vựa xoài đồng loạt mở cửa nhưng năm nay qua rằm các vựa xoài vẫn thu mua cầm chừng. Chủ vựa xoài ở thị trấn Cam Đức cho biết, vựa vẫn tổ chức thu mua để bán ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình… nhưng số lượng không nhiều. Đặc biệt, xoài Úc hiện có giá rất thấp, loại 1: 20.000 đồng/kg; loại 2: 14.000 - 15.000 đồng/kg; loại 3: 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, sản xuất xoài trái vụ rất khó, tốn kém chi phí nhiều hơn xoài chính vụ, năng suất cũng kém hơn. Tùy thuộc vào thời tiết, có năm được mùa nhưng cũng có năm mất mùa. Nếu xoài chính vụ năng suất bình quân 5 tấn/héc-ta thì xoài trái vụ tốt nhất cũng chỉ bằng 1/2. Do vậy, nếu giá xoài trái vụ không cao, người trồng xoài chắc chắn thua lỗ. Thêm vào đó, chi phí vật tư, thuốc bảo vệ thực vật những năm gần đây liên tục tăng, bình quân 10 - 20%/năm.

Thông tin từ Hội Người trồng xoài Cam Lâm cho biết, toàn huyện hiện có 3.900 héc-ta xoài Úc, sản lượng khoảng 500 - 700 tấn. Hiện nay, kênh tiêu thụ chủ lực vẫn là nội địa nên nông dân bị ép giá. Hội muốn đưa hàng vào siêu thị nhưng khó vì số lượng thu mua hạn chế, giá cũng không cao. Thời gian qua, hội có vận động 3 doanh nghiệp là Vạn Hương (TP. Nha Trang), Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) và Đông Phương (TP. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng tiêu thụ xoài, lấy mã code của hội thu mua xoài Cam Lâm. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phát hiện cơ sở sản xuất nước rửa tay giả

Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phát hiện, triệt phá một cơ sở lợi dụng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 gây ra để sản xuất hàng giả là nước rửa tay mang nhãn hiệu Rencide.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất có địa điểm tại số 437, đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình và phát hiện xe ô tô mang BKS 29D - 123.09 chở 14 thùng carton, mỗi thùng chứa 30 chai dung dịch màu trắng ghi nhãn hiệu Rencide III - nước xịt tay sạch khuẩn được sản xuất bởi Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Y Việt, SCB: 15/2020/TYV-TB. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra khu vực sản xuất của Công ty Thiên Y Việt, có gần 30 công nhân đang sản xuất, đóng gói hàng hóa là nước rửa tay in các nhãn hiệu: Rencide, Hand sanitizer dạng nước và dạng gel với trên 200 chai chứa dung dịch (trong đó có 160 chai chưa dán tem nhãn, 40 chai đã dán tem nhãn nước rửa tay khô); 23 thùng nhựa loại 20 lít, 80 lít, 120 lít; 44 thùng phi loại 200 lít chứa cồn công nghiệp; 90 thùng carton, 30 bao tải chứa các vỏ chai loại 100 ml, 150 ml, 500 ml; nhiều loại tem nhãn in tên Công ty Thiên Y Việt và ca nhựa, máy khoan gắn thanh kim loại để pha chế.

Cơ quan Công an đã phối hợp với Sở Y tế lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm nước rửa tay. Ngày 8/2, Sở Y tế có Công văn trả lời, các sản phẩm nước rửa tay của Công ty Thiên Y Việt là không đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang khẩn trương điều tra, làm rõ vi phạm của Công ty Thiên Y Việt và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

OCOP Bình Phước - những mục tiêu cụ thể

Bình Phước đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Giai đoạn 2020 - 2025

Xác định và đăng ký phát triển 18 sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, nhóm thực phẩm có 11 sản phẩm; nhóm thảo dược có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất có 1 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng có 5 sản phẩm. Về công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP có 8 - 10 sản phẩm đạt hạng 4, hạng 5 sao, trong đó 4 - 5 sản phẩm chất lượng cao đạt hạng 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về phát triển các chủ thể tham gia Chương trình OCOP: Có ít nhất 18 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; trong đó, lựa chọn, củng cố 5 chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghỉệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương.

Về phát triển nguồn nhân lực: Tất cả các cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn chỉ đạo, điều hành Chương trình. 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh. Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

Duy trì chu trình OCOP thường niên: Chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện. Hàng năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 - 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chương trình OCOP.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP:  Hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến cấp huyện, theo hướng gọn nhẹ để triển khai chu trình OCOP thường niên của tỉnh. Ban hành chính sách riêng cho Chương trình OCOP; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên; hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản; thương hiệu sản phẩm OCOP Bình Phước được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

Giai đoạn 2026 - 2030

Phát triển sản phẩm: Đảm bảo tất cả các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều tham gia Chương trình OCOP, đồng thời phát triển 50 sản phẩm trong giai đoạn này. Công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP: Có 10 - 15 sản phẩm đạt hạng 4, 5 sao; trong đó 5 - 8 sản phẩm chất lượng cao đạt hạng 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về phát triển các chủ thể tham gia Chương trình OCOP: Đảm bảo tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP, đồng thời phát triển mới khoảng 33 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, tạo ra khoảng 33 sản phẩm mới tham gia OCOP vào năm 2030. Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Áp dụng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

Trước đó, tỉnh Bình Phước đã chấp thuận chủ trương cho Bưu điện tỉnh kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia lên sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ https://postmart.vn của Bưu điện Việt Nam để giới thiệu và cung cấp sản phẩm hoặc mua bán, trao đổi trực tiếp các sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương qua website. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm được cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Bình Phước.