Thông tin thị trường giá cả số 28/2021

11:03 AM 08/07/2021 |   Lượt xem: 6550 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Phân bón hữu cơ:

Hướng đi để nông nghiệp bền vững, an toàn

Là nước nông nghiệp nên Việt Nam có nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản khá dồi dào. Đây được xem là nguồn nguyên liệu giá trị để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần phát triển nông nghiệp an toàn và giảm bớt phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Giá phân bón tiếp tục tăng cao

So với cách đây ba tháng, giá phân u rê, phân DAP Úc đang tăng khoảng 100.000 - 130.000 đồng/bao 50 kg. Các loại phân NPK, kali cũng đồng loạt tăng trên dưới 100.000 đồng/bao 50kg.

Giá phân bón tăng được xác định do những nguyên nhân như: Giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng (amoniac, lưu huỳnh tăng tới 50 - 120% so với cùng kỳ), nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa do dịch COVID-19 khiến nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, giá vận chuyển bằng container đã tăng gấp 5 lần. Trong khi, phân bón nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu vận chuyển bằng container.

Phân bón nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới người sản xuất nông nghiệp, khi mà đại đa số đất canh tác hiện nay đều sử dụng phân bón hóa học như: DAP, Urê, Kali... Tính toán của một nông dân trồng lúa ở Long An cho thấy, do phân bón đội giá, nên vụ lúa hè thu năm nay, mỗi héc-ta lúa, nông dân tốn thêm khoảng 1 triệu đồng tiền phân bón.

Nếu so sánh giá phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước với giá phân bón nhập khẩu thì giá phân bón sản xuất trong nước đang rẻ hơn nhiều. Đơn cử như, phân DAP do doanh nghiệp trong nước sản xuất giá chỉ 9,5  - 10,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá phân bón nhập khẩu là 14,5 triệu đồng/tấn. Chính vì vậy, để không ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu các nhà máy trong nước sản xuất tối đa công suất, công khai niêm yết giá phân bón, tạm ngưng xuất khẩu phân bón, chung tay, đồng hành cùng người dân phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đơn vị này đã có văn bản hướng dẫn người dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ mà sử dụng phân bón tiết kiệm, sử dụng theo nguyên tắc “5 đúng”.

Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ

Bên cạnh những tác dụng triệt trừ sâu bệnh, trừ cỏ, kích thích cây tăng trưởng… việc lạm dụng phân bón vô cơ, phân bón hóa học đang là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường canh tác cũng như môi trường sống khá nghiêm trọng; ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp và sức khỏe người nông dân. Chính vì vậy, hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục khuyến khích nông dân thay đổi thói quen, chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ để thực hiện sản xuất an toàn, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu.

Thực tế, mỗi năm Việt Nam có gần 100 triệu tấn phế phụ phẩm trong nông nghiệp, thủy sản và nguồn phân bùn khá dồi dào – đây là nguồn nguyên liệu giá trị có thể tái sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, việc tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để sản xuất phân bón hữu cơ mang lại nhiều lợi ích trông thấy về môi trường và kinh tế.

Được biết, hiện toàn quốc đã có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với công suất 3,47 triệu tấn/năm, tăng 1,7 lần về số lượng và 1,4 lần về công suất so với năm 2017. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật đã lựa chọn ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ giai đoạn 2019 - 2025 với 14 doanh nghiệp, tổng kinh phí xây dựng mô hình mẫu, tập huấn nông dân, sản xuất tại chỗ quy mô nông hộ hơn 526 tỷ đồng, trên tổng diện tích 45.000 héc-ta ở hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước và các loại cây trồng chủ lực.

Hy vọng, việc đẩy mạnh phát triển phân bón hữu cơ trong nước sẽ không những giúp hình thành nên chuỗi sản xuất bền vững các sản phẩm nông sản Việt chất lượng, giá trị, mà hơn thế còn giúp người nông dân không lao đao, hoang mang khi giá phân bón nhập khẩu tăng cao.

Bảo Lâm - Lâm Đồng:

Phát triển vùng chè chất lượng cao

Vài năm trở lại đây, nhiều diện tích chè hạt, chè già trồng xen canh cho sản lượng, hiệu quả kinh tế thấp đã được người dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng phá bỏ để thay thế bằng các giống chè chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Toàn huyện Bảo Lâm hiện có hơn 7.748  héc-ta chè; trong đó, diện tích trồng chè chất lượng cao đạt hơn 5.800 héc-ta với 14 doanh nghiệp hoạt động chế biến chè đóng chân trên địa bàn. Cách đây vài năm, diện tích trồng chè trên địa bàn huyện có sự biến động lớn. Nguyên nhân là do nhiều diện tích chè hạt, chè già trồng xen canh cho sản lượng, hiệu quả kinh tế thấp đã được người dân đồng loạt phá bỏ để thay thế bằng các giống chè Ôlong có chất lượng cao như: Thanh Tâm, Tứ Quý, Kim Tuyên... Chè Ôlong với những giá trị dinh dưỡng nên người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường trong nước ngày càng được mở rộng.

Nếu so sánh trồng chè Ôlong và cà phê thì trồng chè hiệu quả hơn gấp 2 - 3 lần. Ngoài ra, các hộ trồng chè còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, với các hộ chuyên canh chè tại huyện Bảo Lâm, công thu hái chè búp tươi chiếm từ 20 - 25% doanh thu. Chính vì vậy, ngoài một số giống chè thu hoạch thủ công, việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch cũng được các doanh nghiệp và người trồng chè thực hiện. Để cơ giới hóa khâu thu hái chè búp tươi, nhiều nhà vườn trồng chè đã tuân thủ rất tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh theo đúng quy trình mà các cơ quan nông nghiệp khuyến cáo như: Phải trồng theo đường đồng mức, có trồng cây chắn gió, phải đốn sửa và tạo tán, tăng lượng phân bón hữu cơ, thực hiện hái nhảo trước khi hái bằng máy và hái lại những búp còn sót sau khi hái máy. Đây là những yêu cầu bắt buộc và người trồng chè ở Bảo Lâm hoàn toàn có khả năng thực hiện tốt. Bằng việc thực hiện quy trình này, vườn chè đã phát triển tốt, cho năng suất cao; búp tươi thu hoạch bằng máy tương đối đồng đều và có chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu của các công ty phục vụ xuất khẩu.

Ninh Thuận:

Hành tím rớt giá, nông dân lỗ nặng

Cả tháng nay, hành tím ở Ninh Thuận đã thu hoạch xong được chất thành đống, giá rẻ nhưng thương lái không thu mua. Trước tình hình này, hàng trăm hộ nông dân phải “kêu cứu” chính quyền địa phương.

Hiện bà con trồng hành tím đứng ngồi không yên vì giá hành tươi giảm chỉ còn 7.000 - 9.000 đồng/kg, hành giống 17.000 - 18.000/kg.  Do giá hành tím giảm mạnh nên bà con nông dân không bán, đem về trữ trong kho để làm hành giống. Nhưng càng trữ lâu, giá hành càng xuống thấp. Thời điểm này, 1kg hành tím đã qua sơ chế, đóng gói chỉ bán được với giá 20.000 đồng, còn nếu bán mão nguyên chùm (5kg) thì giá chỉ 10.000 đồng/kg. Riêng hành giống trước đây phải trên 50.000 đồng/kg nhưng nay cũng giảm phân nửa. Dù chấp nhận bán hành giá thấp nhưng cũng chẳng ai đến mua. Trong khi đó, nếu trữ lâu hơn nữa củ hành sẽ bị thối, bạc màu.

Toàn huyện Ninh Hải hiện còn tồn khoảng 2.000 tấn hành củ thương phẩm và hành giống, tập trung nhiều ở các xã Nhơn Hải, Thanh Hải… Trong đó, sản phẩm hành tím của xã Thanh Hải đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh, chất lượng sản phẩm ổn định và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn nông dân địa phương.

Hiện toàn xã Thanh Hải đang tồn trên 550 tấn hành tím, địa phương đã có kiến nghị để phối hợp kêu gọi việc tiêu thụ hành tím cho nông dân, nhằm vớt lại phần nào thiệt hại trước mắt. Sở Công Thương Ninh Thuận cũng đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương, hội doanh nhân và các doanh nghiệp trên địa bàn tìm cách triển khai chương trình kết nối để tiêu thụ hành tím cho bà con nông dân.  

U Minh Thượng - Kiên Giang:

Giá thu mua chuối xiêm giảm

Gần đây, giá thu mua chuối xiêm ở các xã An Minh Bắc, Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang của thương lái giảm khá mạnh. Hiện giá thu mua chỉ còn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/nải, giảm khoảng 5.000 đồng/nải so với cùng kỳ năm ngoái. U Minh Thượng là huyện có diện tích trồng chuối xiêm lớn nhất tỉnh Kiên Giang nên giá chuối giảm mạnh khiến đời sống người dân gặp khó khăn. Các tỉnh An Giang, Hậu Giang… cũng có diện tích trồng chuối khá lớn. Thời điểm chuối được giá, nông dân đạt mức lợi nhuận 110 - 150 triệu đồng/héc-ta. Cái khó lâu nay là giá chuối thường lên xuống không ổn định, trong khi nhiều hộ trồng chuối chưa có hợp đồng tiêu thụ lâu dài với doanh nghiệp, đa phần bán cho thương lái chở đi tiêu thụ nội địa là chính, một số ít phục vụ xuất khẩu.

Đắk Nông:  

Giá bơ giảm

Đắk Nông đang vào vụ thu hoạch bơ nhưng giá đang giảm gần 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá bơ năm ngoái thương lái thu mua tại vườn với giá thấp nhất là 25.000 đồng/kg còn hiện nay, các thương lái thu mua với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân do dịch nên tiêu thụ chậm, nhiều cửa hàng không lấy hàng nữa hoặc lấy với số lượng ít. Kênh ở chợ đầu mối thì hầu như ứ đọng nhiều nên thương lái cũng thu mua cầm chừng. Để tránh tình trạng giá bơ giảm như hiện nay, bà con nên thành lập các hợp tác xã liên minh bơ và báo cáo cho các ban ngành địa phương để kết nối với các doanh nghiệp, đối tác khảo sát, sản xuất bơ theo từng vùng chuyên canh, phát triển cây bơ theo hướng bền vững. Mặt khác, người nông dân cần đồng lòng, đoàn kết cùng với các doanh nghiệp để tìm các đối tác, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu bơ thì chắc chắn sẽ không bị động trong việc tìm đầu ra như hiện nay.

Phụng Hiệp - Hậu Giang:

Chanh sạch tiêu thụ tốt

Trong quá trình chuyển đổi cây trồng ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hơn 250 héc-ta đất kém hiệu quả được Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP ở huyện Châu Thành liên kết bao tiêu và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá chanh không hạt ngoài thị trường giảm còn 4.000 đồng/kg, nhưng Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP vẫn bao tiêu ổn định giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, đảm bảo người dân có lời từ trên 50%. Trong quá trình xây dựng vùng nguyên liệu 250 héc-ta chanh không hạt ở huyện Phụng Hiệp, Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật để nông dân trồng đạt chuẩn VietGAP và GlobaGAP. Đây được xem là động lực để người dân nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển hướng sản xuất sạch, liên kết mang tính bền vững.

Phú Hòa - Phú Yên:

Gà khó tiêu thụ, giá giảm

Nhiều tháng qua, người nuôi gà chuồng (gà nuôi đàn với quy mô lớn theo kiểu bán công nghiệp) ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Nhiều hộ phải giảm đàn, chuyển đổi mô hình để thích nghi. Hiện gà chuồng đang được thu mua với giá 58.000 đồng/kg nhưng chi phí thức ăn cao, thời gian tiêu thụ kéo dài thì tính ra mỗi con gà xuất chuồng chỉ lãi từ 5.000 - 10.000 đồng. Chính vì tiêu thụ khó khăn nên nhiều hộ phải giảm đàn. Một số hộ đã chuyển từ nuôi gà chuồng số lượng lớn sang nuôi gà ta thả vườn để dễ bán. Bởi người nuôi gà không chỉ gặp khó khăn về đầu ra, mà còn đối mặt với việc giá thức ăn gia cầm tăng cao. Vì vậy, nếu nuôi gà đàn số lượng lớn đến kỳ xuất chuồng mà tiêu thụ chậm thì lỗ nặng vì giai đoạn này gà ăn rất mạnh mà tăng trọng lại chậm. Hiện ngành nông nghiệp vận động người chăn nuôi chuyển đổi khẩu phần ăn, chia nhỏ và đa dạng hóa đàn nuôi để có thể mở rộng kênh tiêu thụ, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đắk Lắk:

Nuôi dê nhốt chuồng

Chăn nuôi dê đang trở thành phong trào phát triển mạnh ở xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Mô hình này mở ra hướng mới giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.

Xã Ea Kpam có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi, trong đó có nuôi dê nhốt chuồng. Tận dụng lợi thế có sẵn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ trương phát triển mạnh chăn nuôi dê. Hướng đi này đang cho thấy những tín hiệu tích cực.

Gần đây, phong trào nuôi dê phát triển rộ lên trong xã, nhà ít thì vài chục con, nhiều thì có cả đàn hàng trăm con. Nhiều hộ khá giả nhờ đầu tư chuồng trại chăn nuôi dê. Theo các hộ chăn nuôi, cái lợi của việc nuôi dê là con cái sinh sản nhanh, ít dịch bệnh, đặc biệt có thể bán được giá hơn những vật nuôi khác nên có lãi cao.

Qua thực tế chăn nuôi ở địa phương cho thấy, mô hình nuôi dê nhốt chuồng rất dễ thực hiện, tận dụng được công nhàn rỗi, lại thu hồi vốn nhanh, giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân. 4 năm qua, mô hình nuôi dê phát triển mạnh trên địa bàn, chủ yếu chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Dê bán ra được giá cao, lại giúp bà con nông dân tận dụng được nguồn phân để bón cho vườn cây nên nhiều hộ đã mua thêm con giống về nuôi, mở rộng đàn. Hiện toàn xã có hơn 40 hộ đầu tư vào nghề nuôi dê. Trên đà đó, chính quyền xã Ea Kpam đang từng bước vận động các hộ nuôi dê tham gia vào Hợp tác xã chăn nuôi để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các thành viên nhằm tăng lợi nhuận trong chăn nuôi, phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Từ mô hình này kỳ vọng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân khu vực nông thôn.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lào Cai:

Ngăn chặn nạn buôn bán thuốc bảo vệ thực vật lậu ở vùng biên

Tại các huyện vùng biên thuộc tỉnh Lào Cai như: Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát… việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tự phát vẫn diễn ra khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, Lào Cai đã có chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm góp phần bảo vệ người tiêu dùng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bởi trên thực tế, thuốc bảo vệ thực vật là loại vật tư cần thiết phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cho sự an toàn của cây trồng trước các đối tượng dịch hại. Bên cạnh các mặt tích cực đó, các loại hóa chất thuốc bảo vệ thực vật nếu sử dụng không đúng kỹ thuật sẽ tăng chi phí đầu vào, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản. Qua đó, tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Thời gian qua, công tác quản lý về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại một số địa bàn vùng cao, biên giới tại Lào Cai chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trái pháp luật (thuốc nhập lậu, thuốc ngoài danh mục) tại các chợ phiên vẫn còn diễn ra. Để quản lý chặt chẽ, không để thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông sản, Lào Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp để tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, xem xét thành lập các tổ dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật tự quản vào việc đánh giá thực hiện tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới. Phát động và đẩy mạnh phong trào sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thuốc thảo mộc trong danh mục được phép sử dụng. Qua đó, nâng cao ý thức trong cộng đồng nhằm thu gom triệt để vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để chuyển giao, xử lý tiêu hủy theo quy định.

HÀNG VIỆT

Đồng bằng sông Cửu Long:

Tập trung xây dựng thương hiệu OCOP

Thời gian qua, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khai thác và phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa khu vực nông thôn. Hiện OCOP vùng này đứng thứ 3 cả nước với 375 sản phẩm, chiếm 17,3%, trong đó, số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 63% và 33% sản phẩm 4 sao.

Phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa

Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các địa phương trong vùng ĐBSCL đã giúp biến nhiều tài nguyên bản địa chưa được khai thác, trở thành những sản phẩm chất lượng cao, được biết đến rộng rãi trên thị trường. Các địa phương khu vực này đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh như lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch sinh thái để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của các địa phương. Qua đó, từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều tỉnh ở ÐBSCL đã có bước tiến nhanh xét chọn công nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng được kiểm chứng trên thị trường. Bến Tre và Ðồng Tháp nằm trong số 12 tỉnh thành được Trung ương chọn làm mô hình chỉ đạo điểm thực hiện chương trình OCOP của cả nước.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP cũng được các tỉnh ĐBSCL chú trọng, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực. Đặc biệt là tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch, kết nối cung cầu ở Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Các sự kiện đều được các địa phương lựa chọn chủ đề phù hợp, mang đặc trưng gắn với lợi thế của từng địa phương như: Lễ hội dừa Bến Tre; lễ hội hoa Sa Đéc; phát triển du lịch cộng đồng, kết nối tour - tuyến du lịch Sóc Trăng... Qua đó, hình thành những sự kiện đặc sắc trong phát triển sản phẩm OCOP của vùng.

Đa dạng các hình thức triển khai hiệu quả

Đơn cử như tỉnh Đồng Tháp đã có 161 sản phẩm OCOP, trong đó có 54 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 104 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đồng Tháp đã ký kết với nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập Trung tâm Giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... Sản phẩm OCOP của Đồng Tháp hiện đang được tiêu thụ tốt, nâng cao đáng kể thu nhập của người nông dân.

Tại Sóc Trăng, trong chiến lược phát triển sản phẩm OCOP, địa phương đặc biệt chú trọng việc xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua việc tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP. Kết quả là chỉ trong hai năm qua, các doanh nghiệp đã ký kết 25 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, 75 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp với các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối lớn, như Co.opMart, Lotte, Tứ Sơn...

Riêng Vĩnh Long, ngoài việc phát triển nhiều sản phẩm tiêu biểu tại địa phương, chương trình OCOP còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp cải thiện cuộc sống người nông dân. Trong định hướng xây dựng sản phẩm OCOP, Vĩnh Long tập trung vào 4 nhóm là thực phẩm đồ uống, sản phẩm lưu niệm, nội thất trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Đến nay, địa phương đã công nhận 34 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao của 24 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Trong đó, có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 26 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Với thế mạnh là thủy sản, trái cây và lúa gạo, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang khai thác, phát huy, đánh thức thế mạnh tài nguyên bản địa khu vực nông thôn vào từng sản phẩm OCOP, đồng thời, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người nông dân. Đến nay, toàn khu vực đã có hơn 500 sản phẩm OCOP được công nhận, nhiều sản phẩm đã chinh phục được thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương và cả khu vực.