Thông tin thị trường giá cả số 29/2020

03:54 PM 23/07/2020 |   Lượt xem: 5085 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Đồng bằng sông Cửu Long: Không nên đổ xô trồng mít Thái

Sau đợt hạn mặn khốc liệt, nhà vườn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại đổ xô trồng mít Thái. Tuy nhiên, diện tích càng tăng cao, nguy cơ dẫn đến cung vượt cầu càng nhiều.

Gần đây, diện tích trồng mít Thái ở vùng ĐBSCL tăng đến vài chục nghìn héc-ta, nhiều nhất là các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bến Tre… Riêng khu vực miền Đông Nam bộ, nhất là Bình Phước, Bình Dương diện tích trồng mít cũng tăng đáng kể.  Mặc dù, mít là loại cây có nhiều ưu điểm như: Dễ trồng, năng suất cao, chi phí thấp, thời gian thu hoạch nhanh nhưng đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu chưa mở rộng. Vì vậy, nếu bà con mở rộng diện tích trồng sẽ tiềm ẩn rủi ro cao.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang có hơn 10.000 héc-ta mít Thái, nhiều nhất vùng ĐBSCL, tập trung nhiều ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Dù thuộc vùng ngập lũ nhưng nhiều xã tại huyện Cái Bè có 100% đất ruộng được chuyển sang trồng cây ăn quả; trong đó phần lớn là cây mít Thái. Thời gian qua, có thời điểm khan hàng, giá mít lên đến trên 40.000 đồng/kg, nhưng lúc dội hàng, mít giảm giá chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Vậy nên, thu nhập của bà con không ổn định, đời sống còn bấp bênh.

Tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, sau hạn mặn vừa qua, nhà vườn đổ xô trồng hàng trăm héc-ta mít thay cho cây sầu riêng, chôm chôm, bưởi... đã bị chết hay giảm năng suất. Chính quyền địa phương đang lo ngại diện tích cây mít tăng đột biến; trong khi đó, thị trường bấp bênh, đầu ra không ổn định. Địa phương cũng khuyến cáo bà con không đổ xô trồng mít mà nên chọn trồng các loại cây nào đảm bảo yếu tố thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Khảo sát một số nhà vườn ở ĐBSCL cho thấy, mít Thái thường được trồng chuyên canh hay xen canh với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá mít giảm sâu dẫn đến giảm lợi nhuận. Một trong những nguyên nhân khiến mít giảm giá là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, lượng tiêu thụ mít trên thị trường giảm. Ngoài ra, do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tự phát, chưa có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nên tình trạng giá giảm vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy, một số địa phương không quy hoạch vùng trồng, chủ yếu nhà vườn trồng theo hình thức tự phát theo từng giai đoạn.

Trước tình trạng này, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khuyến cáo, mít Thái hiện đang phát triển mạnh tại ĐBSCL vì đây là loại trái cây thuận lợi xuất khẩu. Tuy nhiên, các địa phương cần cân nhắc kỹ trước khi mở rộng diện tích vì cây mít sống ở vùng có độ cao từ 400 mét đến 1.200 mét trong khi ĐBSCL không có lợi thế về điều này. Vì thế, bà con cần thiết kế lại vườn cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây ít nhất là trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, mít là loại cây trồng mẫn cảm nước mặn nên đối với một số địa phương ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhà vườn cần cân nhắc kỹ khi trồng mít để đảm bảo nguồn thu nhập.

Thực tế cho thấy, việc nhà vườn ĐBSCL ồ ạt trồng cây mít Thái để giảm rủi ro do hạn mặn sẽ dẫn đến nguy cơ khó khăn về đầu ra khi thị trường xuất khẩu chưa mở rộng. Do đó, ngoài việc liên kết sản xuất, đẩy mạnh hoạt động chế biến trái mít theo hướng xuất khẩu, chính quyền và ngành chức năng các địa phương cần chú trọng khâu quy hoạch vùng trồng. Trong đó, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn chọn trồng các loại cây ăn trái có năng suất, chất lượng và đảm bảo yếu tố cung cầu của thị trường; có giá trị xuất khẩu cao. 

Sơn La: Xúc tiến xuất khẩu nhãn 2020

Năm nay, tỉnh Sơn La có hơn 17.000 héc-ta nhãn cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La... Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, tham gia hợp tác xã, đẩy mạnh liên doanh, liên kết mà cuộc sống của đồng bào nơi đây đã thay đổi, nhiều hộ gia đình đã giảm nghèo thành công.

Hiện toàn tỉnh Sơn La đã được cấp 92 mã số vùng trồng nhãn với diện tích trên 2.400 héc-ta, trong đó có 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc; 58 mã số được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sản lượng nhãn năm nay dự kiến đạt hơn 70.400 tấn, trong đó có khoảng gần 22.500 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc và một số thị trường khác như: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Một bước ngoặt đối với người trồng nhãn Sơn La là việc triển khai nhân rộng mô hình nhãn ghép và phát triển trồng mới cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, chất lượng được nâng cao, diện tích nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng tăng. Đặc biệt, một số hộ đồng bào đã tham gia vào các hợp tác xã để được hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật, được bao tiêu đầu ra…

Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu nhãn năm nay, Sơn La đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn. Dự kiến hội nghị sẽ tổ chức vào đầu tháng 8/2020 với 2 điểm cầu tại Trung Quốc và huyện Sông Mã. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nhãn; chủ động cập nhật tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu và thông tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; cung cấp thông tin về các đơn vị đầu mối xuất khẩu nông sản; các giải pháp quản lý vùng nguyên liệu, hướng dẫn nông dân sản xuất, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP...

Lào Cai: Bắc Hà được mùa lê

Huyện Bắc Hà hiện có gần 300 héc-ta trồng lê, tập trung tại các xã khu vực có tính chất khí hậu bán ôn đới, gồm các xã: Lùng Cải, Bản Già, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố, Tả Chải, Na Hối, Bản Phố… Năm nay, thời tiết, khí hậu thuận lợi, cây lê sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ kết quả cao, mẫu mã đẹp. Tuy mới đầu vụ nhưng thương lái đã tấp nập đến thu mua. Lê Bắc Hà đã có thương hiệu, uy tín nên nhiều tư thương đến tận vườn đặt mua nên năm nay lê bán chạy hơn, giá bán cao, ổn định so với vụ trước. Bình quân giá lê xô dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, lê chọn từ 20.000 – 25.000 đồng kg, giá lê ngố dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Đặc biệt, một số diện tích lê 7 - 10 năm tuổi của một số hộ đồng bào ở Tả Chải, Na Hối trồng theo dự án nên quả lê to, đẹp, được giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Đây là những hộ đã có kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống sâu bệnh, bảo quản, bọc quả nên lê đạt chất lượng. Còn một số hộ dân ở các xã mới trồng như Tả Văn Chư, Thải Giàng Phố, Bản Già, Lầu Thí Ngài vẫn chưa có kinh nghiệm chăm sóc, trồng tự nhiên nên dù được mùa, sai quả nhưng ít quả to, chủ yếu lê xô giá dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.

Vụ thu hoạch lê năm 2020 trên địa bàn huyện Bắc Hà bắt đầu từ cuối tháng 6 dương lịch, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7 dương lịch. Vụ lê được mùa, được giá đã giúp bà con cải thiện cuộc sống.

Hà Tĩnh: Dưa lê được giá

Trên những cánh đồng rộng lớn tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nông dân phấn khởi “đội nắng” thu hoạch dưa lê. Vụ này, dưa được mùa được giá, bà con thu hoạch khá. Đặc biệt, gần đây, bà con đã áp dụng kỹ thuật phủ bạt cho gốc dưa để tránh cỏ và giữ ẩm cho cây; cùng với việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên dưa phát triển tốt, cho năng suất cao. Với giá nhập tại ruộng là 15.000 đồng/kg, vụ dưa lê này, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá. Vụ dưa năm nay, trời nắng nhiều, mưa ít nên dưa được mùa. So với những năm trước, sản lượng dưa tăng từ 2 - 5 tạ/sào. Không chỉ đạt năng suất cao, dưa thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, bà con rất phấn khởi. Mặc dù đã bước qua thời điểm chính vụ khoảng 2 tuần nhưng dưa ở xã Xuân Hồng vẫn đang được thu hoạch đều hàng ngày với lượng sản phẩm lớn. Dưa nặng trĩu trên những đôi quang gánh của người nông dân. Dưa chất đầy trên bờ ruộng đợi thương lái đến thu mua.

Đồng Nai: Giá chuối xuất khẩu giảm sâu

Tại một số vùng trồng chuối lớn của tỉnh Đồng Nai, giá chuối già xuất khẩu bán tại vườn hiện giảm mạnh. Giá chuối chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với mức giá 15.000 – 16.000 đồng/kg vào thời điểm mặt hàng này xuất khẩu tốt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do diện tích chuối già xuất khẩu tăng mạnh trong vài năm trở lại đây khiến cung lớn hơn cầu. Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích chuối của Đồng Nai đạt gần 10,5 ngàn héc-ta, tăng hàng ngàn héc-ta so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích chuối tăng mạnh do nông dân đua nhau đầu tư trồng giống chuối già xuất khẩu. Hiện diện tích chuối già chiếm khoảng 70% trên tổng diện tích chuối của Đồng Nai. Thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ khoảng 95% tổng sản lượng giống chuối này.

Lâm Đồng: Đặc sản dâu Hạ Châu vào mùa thu hoạch

Thời điểm này, dâu Hạ Châu, loại trái cây đặc sản ở huyện Phong Ðiền, TP. Cần Thơ đã chín rộ. Nhà vườn đang khẩn trương thu hoạch và chở đến các điểm bán trái cây trên địa bàn huyện. Giá dâu Hạ Châu được nhà vườn bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 7.000 - 9.000 đồng/kg, còn bán lẻ trên thị trường ở mức 18.000 - 20.000 đồng. Mức giá này thấp hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá dâu giảm chủ yếu do năm nay đầu ra xuất khẩu gặp khó vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trái dâu khi chín có màu sắc sáng đẹp, ruột màu trắng sữa, vị ngọt thanh, pha chút chua dịu. Những vườn dâu Hạ Châu trĩu quả, chín rộ với màu sắc bắt mắt tại huyện Phong Ðiền là cảnh đẹp hấp dẫn, du khách có thể tham quan, chụp hình và thưởng thức trái cây tươi ngon ngay tại vườn.

Lâm Đồng: Giá gà tăng cao nhất từ đầu năm tới nay

Giá gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang ở mức cao nhất tính từ đầu năm 2020 tới nay. Hiện giá gà công nghiệp bán ra tại chuồng ở mức 35.000 - 36.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 12.000 đồng/kg so với hơn một tháng trước. Giá gà tăng cao do thời gian gần đây người chăn nuôi tại Lâm Đồng và nhiều địa phương trong cả nước đã hạn chế tái đàn vì giá thấp kéo dài. Đồng thời, thời gian qua, do thịt lợn giá cao khiến nhiều người dân lựa chọn chuyển dần qua ăn thịt gà. Với giá gà hiện tại, người chăn nuôi lãi từ 10.000 - 12.000 đồng/kg gà xuất chuồng.       

Hậu Giang: Lúa hè thu được mùa, được giá

Hiện nay, tại nhiều cánh đồng xuống giống sớm vụ lúa hè thu ở tỉnh Hậu Giang, bà con nông dân đang thu hoạch lúa. Lúa được mùa, được giá, bà con rất phấn khởi.

Giá lúa hiện tại đã vượt so với giá lúa vụ lúa đông xuân vừa qua từ 100 - 300 đồng/kg tùy theo giống lúa. Thương lái cân lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.300 - 6.500 đồng/kg tùy theo giống lúa, tăng từ 300 - 600 đồng/kg so với vụ hè thu trước. Bên cạnh niềm vui được giá, lúa năm nay trúng mùa. Ở những cánh đồng vừa thu hoạch, năng suất lúa vượt hơn 6 tấn/héc-ta, cao hơn vụ hè thu trước từ 500 – 700 kg/héc-ta. Nếu như những năm trước, khi bước vào thu hoạch, bà con luôn phập phồng lo lắng do giá lúa thường sụt giảm, thương lái bỏ cọc không mua thì năm nay, lúa thu hoạch đến đâu thương lái chực chờ tại điểm tập kết để cân đong đưa đi tiêu thụ hết.

Vụ lúa hè thu này, Hậu Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch, lên khung lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho từng vùng. Đối với các vùng mặn uy hiếp, lịch thời vụ đẩy sớm để mùa mưa đến đảm bảo cho nhu cầu tưới cho cây lúa thì mới xuống giống. Nhờ bà con nông dân tuân thủ xuống giống theo thời gian khuyến cáo nên cây lúa không bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên phối hợp cùng nông dân chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch hại trên lúa hè thu ở các giai đoạn sinh trưởng, nhờ vậy, lúa phát triển tốt. Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 20.000 héc-ta lúa hè thu trên tổng diện tích đã gieo sạ hơn 74.000 héc-ta. Trúng mùa, được giá, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, bà con thu được lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/héc-ta. Đây được xem là mức lợi nhuận cao nhất ở vụ lúa hè thu trong gần 10 năm trở lại đây.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bắt giữ, tiêu hủy thực phẩm bẩn

Thời gian qua, lợi dụng thời điểm hậu đại dịch COVID-19, các đối tượng đã vận chuyển các loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, cuối tháng 6/2020, gần 16 tấn thực phẩm bẩn đã bị lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Ninh bắt giữ tại cửa sông biên giới Bắc Luân (Móng Cái), chặn đứng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Đồn Biên phòng Trà Cổ cho biết, đơn vị đã phối hợp với Đội Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm bộ đội biên phòng Quảng Ninh tuần tra kiểm soát, phát hiện 1 đò sắt đang neo đậu có 390 bao tải thực phẩm đã bốc mùi hôi thối với tổng trọng lượng 15,6 tấn. Tại hiện trường, người điều khiển đò khai nhận đã vận chuyển thuê số hàng trên cho ông Đỗ Hữu Mua thường trú tại khu 3, phường Ka Long, TP. Móng Cái. Khoảng tháng 2/2020, Mua nhận vận chuyển thuê số hàng trên cho 1 đối tượng người Trung Quốc từ Bến Lục Lầm (Móng Cái) về cảng Trúc Sơn (Trung Quốc). Sau nhiều ngày không trả được hàng sang phía bên kia biên giới, đối tượng chở thuê đang neo đậu đò tại cửa sông Bắc Luân thì bị bắt giữ.

Trước đó, Đội QLTT Số 11 - Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông - Công an huyện Diễn Châu tiến hành kiểm tra, phát hiện vụ vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc với số lượng lớn 550 kg. Hàng bị bắt giữ được đựng trong những thùng xốp bao gồm nội tạng gà, ức vịt nướng, xương bò… đã bốc mùi hôi thối. Ngay sau khi bắt giữ, Đội QLTT Số 11 - Cục QLTT Nghệ An đã thành lập Hội đồng tiêu hủy toàn bộ 550 kg sản phẩm động vật. Tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 90 triệu đồng. Đây là vụ việc bắt giữ vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc lớn nhất từ đầu năm đến nay của Cục QLTT Nghệ An.

để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thời gian tới, Cục QLTT các địa phương sẽ tiến hành các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

HÀNG VIỆT

Kon Tum: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Ðắk Hà

Những ngày cuối tháng 6/2020, cà phê Đắk Hà đã nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là kết quả của cả quá trình triển khai xây dựng thương hiệu, uy tín cho vùng đất này.

Sản xuất cà phê theo hướng bền vững

Đắk Hà là địa phương có diện tích sản xuất cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum. Cà phê cũng là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển, sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý Đắk Hà cho sản phẩm cà phê huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 - 2020. Qua 3 năm tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, hoàn thiện các thủ tục, đến nay đã hoàn thành các nội dung về xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý Đắk Hà và xây dựng các công cụ phục vụ công tác quản lý chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Đắk Hà được bảo hộ gồm cà phê nhân và các sản phẩm chế biến như cà phê hạt rang, cà phê bột và cà phê phin.

Vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà nằm ở độ cao 523 - 875 mét so với mặt nước biển, gồm 11 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 9.000 héc-ta. Việc sản phẩm cà phê Đắk Hà được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vinh dự, đồng thời gắn liền với trách nhiệm gìn giữ, quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm. Do vậy, thời gian tới, Đắk Hà cần tập trung củng cố và nâng cao hoạt động quản lý ngành cà phê, phát huy chuỗi các giá trị liên kết sản xuất, tích cực hỗ trợ nguồn lực để ngành cà phê vượt qua khó khăn, giữ vững thương hiệu cà phê Đắk Hà gắn liền với chỉ dẫn địa lý.

Tiến tới xây dựng thương hiệu

Từ những bước khởi đầu, hơn 10 năm qua, huyện Đắk Hà đã từng bước xây dựng và khẳng định vị thế của thương hiệu cà phê Đắk Hà. Ngay từ năm 2007, huyện Đắk Hà đã tập trung xây dựng thương hiệu cà phê. Trong đó, chất lượng cà phê luôn được huyện quan tâm hàng đầu với nhiều cách làm cụ thể và linh động. Huyện đã vận động và yêu cầu các doanh nghiệp, người trồng chú trọng sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vào sản xuất để hạn chế các loại thuốc hóa học độc hại; khi thu hái cà phê phải bảo đảm tỷ lệ quả chín đạt từ 95% trở lên; sản phẩm sau thu hoạch phải được phơi trên nền xi măng hoặc bạt, phơi cà phê không được để dày, phải phơi mỏng để cà phê khô đều, không bị mốc; xuất cà phê ra khỏi địa bàn phải là cà phê nhân; tổ chức tập huấn kỹ thuật thu hái cà phê cho người lao động... Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân chuyên canh cây cà phê trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ gia đình chuyên canh cây cà phê còn được hỗ trợ mua máy xay xát, chế biến cà phê nhân và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng sân phơi, các cơ sở chế biến cà phê…

Đầu năm 2014, sản phẩm cà phê bột Đắk Hà với thương hiệu “Vị đắng Bắc Tây Nguyên” đã chính thức được công nhận đạt chuẩn UTZ Certified. Đây là lần đầu tiên UTZ Certified trao chứng nhận cho một sản phẩm cà phê bột của Việt Nam. Danh tiếng cà phê Đắk Hà còn được giới sành cà phê nhận định với tính chất đặc trưng là hàm lượng cafeine mạnh, vị đậm, ít chua. Sự nguyên chất, thuần khiết đã làm nên tên tuổi, dấu ấn của cà phê Đắk Hà trên thị trường. Những năm gần đây, một số sản phẩm cà phê của huyện Đắk Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thuỵ Sĩ…

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, việc xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Hà tiếp tục có những bước chuyển biến mạnh, hướng đến sản phẩm chất lượng cao. Theo đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu “Cà phê Đắk Hà” từ khâu chăm sóc, sản xuất, chế biến cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, UTZ... Những tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững, tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng đã dần hình thành ở các địa phương như Đắk Mar, thị trấn Đắk Hà...

Có thể nói, 10 năm xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Hà là một quá trình bền bỉ, không ngừng nỗ lực để đưa vị thế của cà phê Đắk Hà ngày càng lên cao. Từ đó, người dân có thu nhập ổn định, cuộc sống được nâng cao và góp phần làm giàu cho quê hương.