Thông tin thị trường giá cả số 31/2020

10:58 AM 29/07/2020 |   Lượt xem: 3323 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Thiếu heo giống để tái đàn

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tái đàn lợn (heo) sau dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, việc tái đàn tại một số địa phương miền núi đang gặp khó do thiếu nguồn heo giống.

Xã Cư K’nia là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn đều bế tắc trong việc tìm nguồn lợn giống. Giá lợn giống tăng cao đến 70% so với thời điểm trước nhưng rất khan hiếm. Một con lợn giống 10kg hiện giá 2,2 triệu đồng, cao hơn thời gian trước dịch 1,5 triệu đồng, lợn sinh sản có giá từ 3,5 - 4 triệu đồng/con. Trên địa bàn xã Cư K’nia chỉ có một công ty chăn nuôi lợn quy mô lớn, tuy nhiên, nguồn con giống họ chỉ cung cấp cho các công ty hạt nhân trong hệ thống. Đối với các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi quy mô trang trại có đàn lợn nái nhưng cũng chỉ đảm bảo nguồn giống cho chính trang trại của mình. Nhiều xã khác trong huyện Cư Jút do không có nguồn lợn giống nên bà con phải bỏ chuồng từ nhiều tháng nay.

Tại Sóc Trăng, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ muốn tái đàn nhưng giá heo giống tăng cao nên đành treo chuồng. Heo đực giống sau dứt sữa, trọng lượng 7 - 8 kg/con giá 2 triệu đồng/con. Heo giống cỡ 17 - 18 kg/con giá 3 triệu đồng/con. Riêng heo hậu bị trên 60 - 80 kg/con không có hộ chăn nuôi nào chịu bán, dành để nuôi thương phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn sản xuất heo giống chủ yếu tái đàn nội bộ, cung cấp cho các trang trại theo mạng lưới gia công. Vì vậy, heo giống càng có giá cao. Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Sóc Trăng đã tổ chức thẩm định điều kiện tái đàn cho các cơ sở đăng ký tập trung chủ yếu ở các trang trại của doanh nghiệp chăn nuôi lớn có khả năng chủ động về con giống, có điều kiện về trang thiết bị, vật tư và kỹ thuật, đáp ứng điều kiện an toàn sinh học. Do đó, trong thời gian tới, số lượng đàn heo tái đàn sẽ tiếp tục tăng.

Ở Kiên Giang, việc tái đàn heo diễn ra chậm do giá con giống cao và khan hiếm. Thời gian qua, giá heo hơi không ổn định và thiếu hụt con giống dẫn đến giá thành rất cao, từ 2 - 3 triệu đồng/con nên người chăn nuôi còn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Do đó, việc tái đàn phục hồi còn chậm, chủ yếu là trong hệ thống trang trại của các công ty.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi nên việc tái đàn lợn ở Gia Lai được triển khai thận trọng, tuân thủ theo hướng an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, ở các huyện miền núi, tái đàn lợn gặp khó chủ yếu do chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung nên rất khó kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, giá lợn giống cao cũng là một thách thức lớn đối với người chăn nuôi. Hiện một con lợn giống 10 kg có giá dao động từ 3,1 - 3,5 triệu đồng, nuôi 4 - 5 tháng được 1 tạ hết khoảng 2,5 triệu đồng tiền thức ăn (chưa kể chuồng trại, thuốc thú y, công chăm sóc…). Trước những thách thức trên, Gia Lai đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức tái đàn lợn. Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra chuồng trại trong hộ dân và trong các trang trại tập trung, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh đối với đàn lợn ra vào tỉnh thì việc tuyên truyền vận động bà con hết sức quan trọng. Ngoài ra, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao. Theo đó, suất đầu tư sẽ giảm, lãi suất cao và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con chuyển dịch cơ cấu vật nuôi từ 70% là lợn trong tổng đàn gia súc, gia cầm chuyển dần sang nuôi các loại gia cầm, gia súc ăn cỏ. Điều này sẽ giảm bớt rủi ro khi có dịch bệnh, đồng thời cân đối cơ cấu cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Gia Lai: Nông dân bán tháo trụ hồ tiêu

Tại các vùng chuyên canh cây hồ tiêu của tỉnh Gia Lai, bà con nông dân ồ ạt nhổ bỏ trụ hồ tiêu để bán làm củi, làm trụ hàng rào. Thậm chí có hộ còn cho không thương lái để dọn vườn chuyển đổi cây trồng khác.

Thời gian gần đây, do giá hồ tiêu giảm mạnh, nhiều diện tích bị ngập úng, dịch bệnh gây hại nên nhiều hộ dân đã nhổ bỏ trụ hồ tiêu để chuyển đổi cây trồng. Tại các vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của tỉnh Gia Lai như: Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông bà con ồ ạt nhổ trụ hồ tiêu để chuyển đổi sang trồng cà phê và hoa màu. Hiện thương lái chỉ trả 30.000 đồng/trụ nếu gia đình tự nhổ, còn thương lái nhổ thì giảm còn 20.000 đồng/trụ. Giá rẻ nên nhiều hộ không bán mà giữ lại để làm hàng rào.

Tại huyện Chư Prông, trước đây, các hộ đầu tư trồng trụ tiêu với giá 130.000 đồng/trụ và 2.000 dây hồ tiêu giống. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết, các vườn hồ tiêu chết gần hết. Mỗi vườn chỉ còn lại chưa đầy 100 trụ nhưng lại nằm rải rác khắp vườn gây khó khăn cho việc chuyển đổi cây trồng.

Tại huyện Chư Sê, nông dân cũng đua nhau nhổ bỏ trụ hồ tiêu. Đi dọc các tuyến đường từ trung tâm thị trấn Chư Sê đến các xã Dun, Kông Htok, Al Bá, Bờ Ngoong, trụ cây hồ tiêu được người dân xếp thành đống dọc ven đường. Vườn nào có trụ gỗ tốt, không hư hỏng thì bán được giá 60.000 đồng/trụ, còn trụ xi măng là 20.000 – 30.000 đồng/trụ. Hiện nay đang vào vụ gieo trồng nên số hộ dân nhổ trụ hồ tiêu để chuyển đổi sang cây trồng ngày càng tăng. Giá trụ hồ tiêu cũng theo quy luật cung - cầu, lúc giá hồ tiêu cao kéo theo giá trụ, dây hồ tiêu cùng các chi phí đều tăng và ngược lại.

Trước tình hình này, các ngành chức năng khuyến cáo bà con đừng nên vội nhổ bỏ trụ hồ tiêu mà nên giữ lại và tính toán thật kỹ trên diện tích đất phù hợp để trồng những cây trồng khác như: Chanh dây, dược liệu và cây chuối… vì trụ hồ tiêu sẽ giúp bà con dùng để làm giàn cho cây chanh dây, che bóng cho cây dược liệu và làm trụ đỡ cho cây chuối.

Đắk Nông: Thời tiết bất lợi cho cây Sầu riêng

Bà con trồng sầu riêng năm nay thất vọng vì giá bán sầu riêng tại các nhà vườn đang ở mức thấp, năng suất chỉ đạt 60 - 70% so với các năm trước.

Năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài suốt giai đoạn cây sầu riêng ra hoa, nuôi quả nên tỷ lệ đậu quả của các vườn cây đạt thấp. Giá sầu riêng cũng thấp hơn so với năm ngoái từ 15.000 – 20.000 đồng/kg (tùy loại). Cụ thể, sầu riêng hạt thương lái mua tại vườn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg (so với năm ngoái thấp hơn 15.000 đồng); sầu riêng Ri6 30.000 – 35.000 đồng/kg (thấp hơn 20.000 đồng), sầu riêng Mong Thong Thái Lan có giá 40.000 đồng/kg (thấp hơn 20.000 đồng)...

Nguyên nhân cây sầu riêng đạt năng suất thấp một phần do ảnh hưởng của thời tiết, phần khác do bà con chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh chưa phù hợp. Trên thực tế, cây sầu riêng rất phù hợp với khí hậu, thời tiết của tỉnh Đắk Nông nhưng nhiều chủ vườn chỉ trồng theo phong trào, trồng xen canh, không chuyên nghiệp. Do đó, vườn sầu riêng của bà con thường có tuổi đời ngắn, năng suất thấp dần qua từng năm, chất lượng trái chưa đạt theo yêu cầu. Đặc biệt, sầu riêng thường mất mùa vào những năm gặp thời tiết bất lợi như năm nay. Muốn sầu riêng ra trái khỏe, trước hết, bà con phải chú ý đến sinh thái của vườn cây như: Bón phân phù hợp, ưu tiên phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học, xử lý cỏ bằng máy phát, không dùng thuốc diệt cỏ… Từ giai đoạn sầu riêng trổ hoa đến khi cây cho thu hoạch, bà con cần tuân thủ bón phân đúng quy trình, hợp lý theo khuyến cáo để vườn sầu riêng đạt năng suất, chất lượng theo mong muốn. Bà con lưu ý, ngoài việc tạo hệ thống thoát nước trong mùa mưa, tưới đầy đủ lượng nước trong mùa khô, cần sử dụng phân bón hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Long An: Giá tôm thẻ giảm

Tháng qua, giá tôm thẻ tương đối thấp, nông dân không có lợi nhuận cao. Hiện tôm thẻ cỡ 60 - 70 con/kg, giá từ 105.000 - 110.000 đồng/kg; cỡ 100 - 110 con/kg, giá từ 75.000 - 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá tôm giảm mạnh là do thời gian gần đây, tôm thẻ phát triển nhanh, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi việc nuôi tôm sú ở nhiều nơi gặp rủi ro thì tôm thẻ chân trắng có ưu thế năng suất cao, dễ bán, chi phí thấp. Ngoài ra, tôm thẻ có lợi thế là thời gian thu hoạch nhanh, vì vậy nông dân có thể quay vòng đến 3 vụ nuôi/năm. Cũng từ đó, tôm thẻ chân trắng được bà con nuôi ngày càng nhiều nên ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu.

Bến Tre: Dừa giảm năng suất

Sau đợt hạn mặn lịch sử, hiện các vườn dừa ở tỉnh Bến Tre giảm năng suất. Dù giá dừa trái đang ở mức cao nhưng các nhà vườn vẫn thất thu. Hiện nay, năng suất và chất lượng dừa Bến Tre đang giảm. Hầu hết các vườn dừa đều cho trái nhỏ, kém chất lượng nên bán giá thấp. Đối với dừa tươi, chất lượng thấp, ít nước, giá chỉ ở mức dưới 20.000 đồng/chục, giảm khoảng 100.000 đồng/chục so với trái dừa đạt chất lượng. Riêng dừa khô chất lượng thấp giá chỉ khoảng 30.000 đồng/chục, giảm 50.000 đồng/chục so với trái dừa bình thường. Bến Tre hiện có 73.000 héc-ta dừa, cho sản lượng hơn 63 triệu trái/năm. Dừa giảm năng suất, chất lượng là do ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài, trong đó có nhiều diện tích cây dừa bị bệnh, rụng trái...

Hậu Giang: Khóm tăng giá

Những ngày gần đây, nhiều hộ trồng khóm (dứa) ở xã Tân Tiến và Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang phấn khởi khi giá khóm trái đang tăng lên. Nếu như tháng trước giá khóm loại 1 có trọng lượng trái từ 1kg trở lên được thương lái mua tại rẫy có giá 5.000 - 6.000 đồng/trái; khóm loại 2 dưới 1kg/trái giá 3.000 - 4.000 đồng/2 trái thì nay thương lái vào tận rẫy thu mua khóm loại 1 với giá từ 10.500 - 11.000 đồng/trái, khóm loại 2 thì 10.000 đồng/2 trái, khóm mùa ra trái tự nhiên. Riêng những rẫy khóm đổ trái to hơn, giá cũng cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/trái, trong khi đó giá khóm bán lẻ tại chợ Vị Thanh, khóm loại 1 giá từ 14.000 - 15.000 đồng/trái, khóm loại 2 giá 8.000 - 9.000 đồng/trái.

Nhiều người cho biết không chỉ khóm trái giá tăng lên, mà cây khóm giống cũng tăng. Hiện giá cây giống khóm giăm giá lên đến 730 - 800 đồng/cây, khóm con đeo trái là 850 - 900 đồng/cây, khóm con nách 900 - 950 đồng/cây, tăng hơn tháng trước từ 50 - 100 đồng/cây.

Vĩnh Long: Giá lúa hè thu tăng

Tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, giá lúa hè thu tăng 30.000 đồng/giạ so với vụ hè thu trước và tăng 5.000 đồng/giạ so với vụ đông xuân 2019 - 2020. Hiện lúa hạt bầu Ma Lâm 202 (ML 202) được các thương lái thu mua với giá 5.500 đồng/kg, tương đương 110.000 đồng/giạ, tăng 30.000 - 32.000 đồng/giạ so với cùng kỳ năm 2019. Trước đó, nhận định giá lúa hè thu năm nay sẽ tăng cao nên khi lúa vừa ngậm sữa các thương lái đã đặt cọc với giá 104.000 - 106.000 đồng/giạ. Đến khi thu hoạch, giá lúa tăng nên thương lái đã tăng lên mức 110.000 đồng/giạ. Cũng tại khu vực huyện Mang Thít các giống lúa hạt dài như OM 5451... lại chỉ được thu mua với giá 5.300 đồng/kg (106.000 đồng/giạ). Năm nay giá lúa tăng, các thương lái thu mua cũng nhanh. Như năm rồi, thời điểm này giá có 80.000 đồng/giạ, cắt xong 3 - 4 ngày lái mới cân, bà con pải thức đêm hôm canh lúa mệt mỏi.      

Long An: Liên kết bao tiêu thanh long

Tập đoàn Lavifood và Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã có buổi ký kết để liên kết bao tiêu đầu ra cho 100 héc-ta thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP.

Đây là hoạt động nhằm tạo mối quan hệ bước đầu để tiến tới những mục tiêu xa hơn trong thời gian tới, cụ thể là bao tiêu toàn bộ thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành và Tân Trụ. Theo thỏa thuận, Lavifood sẽ mua thanh long ruột đỏ được trồng tại huyện Châu Thành theo quy trình canh tác sạch, có đầy đủ nhật ký canh tác, đạt số lượng thanh long chất lượng (loại 1 và loại 2) từ 3.000 - 3.500 tấn theo tiêu chuẩn mà phía đơn vị bao tiêu đặt ra. Giá mua sẽ được thỏa thuận theo từng thời điểm thu hoạch trong năm.

Sự hợp tác giữa Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An với Tập đoàn Lavifood tạo kết nối lợi ích của người dân với công ty. Đồng thời, giúp người trồng thanh long tránh điệp khúc “được mùa, rớt giá”, an tâm đầu tư phát triển sản xuất. Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng diện tích thanh long được bao tiêu trên địa bàn huyện Châu Thành lên gần 1.000 héc-ta. Những năm gần đây, bà con đã áp dụng công nghệ mới vào việc chăm sóc cây thanh long. Bà con cũng sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, công nghệ tưới nước tự động đã giúp bà con tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng và nước tưới.

Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 160 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tiêu thụ thanh long. Các hợp tác xã, tổ hợp tác này là đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn

Mặc dù đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn liên tiếp xảy ra. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 6 vụ vận chuyển tỏi từ nơi khác ra đảo Lý Sơn tiêu thụ.

Để qua mặt đơn vị vận chuyển, cơ quan chức năng, các đối tượng thường đựng tỏi trong các thùng carton, thùng xốp đựng hải sản, trái cây, bên dưới là tỏi. Vì vậy, khi đưa lên tàu về đảo Lý Sơn, các chủ tàu rất khó phát hiện để báo cơ quan chức năng. Nếu có kiểm tra, họ nói là mang về nhà ăn hoặc làm giống... Trong khi đó, các cơ quan chức năng không thể cấm vận chuyển tỏi ra đảo Lý Sơn vì tỏi là hàng hóa thông thường, không phải là hàng cấm, nên được phép lưu thông như hàng hóa thông thường.

Trên thực tế, công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý đã khó nhưng bảo vệ chỉ dẫn địa lý lại càng khó khăn hơn. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của người dân, quản lý thị trường, chính quyền huyện Lý Sơn trong việc xử lý vi phạm nhái thương hiệu, xuất xứ hàng hóa. Trước mắt, huyện Lý Sơn cần triển khai ngay các biện pháp như: Xây dựng cơ chế quản lý, xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn, nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm cũng phải dán tem nhãn mác, đảm bảo chất lượng đúng như chỉ dẫn địa lý đã quy định để người dân an tâm sản xuất, người tiêu dùng lựa chọn đúng tỏi Lý Sơn. Đồng thời, tăng cường tập huấn để tuyên truyền cho người dân về chỉ dẫn địa lý và khuyến khích người dân ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn.    

Lào Cai: Xây dựng thương hiệu quýt Mường Khương

Là huyện vùng cao của Lào Cai, Mường Khương có lợi thế về phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, trong đó có cây quýt ngọt. Những năm gần đây, cùng với phát triển sản xuất, huyện đã tập trung xây dựng thương hiệu quýt ngọt Mường Khương.

Hình thành vùng sản xuất quýt VietGAP

Nhằm nâng cao giá trị thu nhập từ cây quýt ngọt, Huyện ủy Mường Khương đã ban hành và triển khai Đề án số 2 về Phát triển sản xuất, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm quýt Mường Khương. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích trồng quýt, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, Mường Khương đã xây dựng mô hình, dự án phát triển sản xuất quýt hàng hóa. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sau 5 năm, Mường Khương đã hình thành vùng trồng quýt hàng hóa tại thị trấn Mường Khương, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ với diện tích 803 héc-ta. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho bà con nông dân, các cùng sản xuất quýt hàng hóa đã áp dụng quy trình VietGAP. Trước đây, bà con trồng tự phát nên chưa biết cách chăm sóc, nâng cao năng suất và chất lượng quả. Trồng và thu hoạch quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con áp dụng canh tác theo phương pháp hữu cơ, tăng cường sử dụng phân chuồng và phòng trừ sâu bệnh bằng việc làm sạch cỏ, sử dụng thiên địch và phòng ngừa sâu bệnh hại từ sớm.  Đặc biệt, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng…

Sau 4 năm thực hiện Đề án số 2 về Phát triển sản xuất, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm quýt Mường Khương, địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Mường Khương đề ra mục tiêu đưa diện tích quýt của toàn huyện đến hết năm 2020 ước đạt 869 héc-ta, trong đó diện tích cho thu hoạch là 296 héc-ta, năng suất bình quân ước đạt 95,2 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt 2.818 tấn, giá bán bình quân ước đạt 15.000 đồng/kg, giá trị thu nhập bình quân 142,8 triệu đồng/héc-ta.

Tạo nguồn thu ổn định cho bà con dân tộc

Điều quan trọng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa có chất lượng cao và nguồn thu ổn định. Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Pa Dí, Phù Lá, Nùng… ở các thôn Chúng Chải A, Chúng Chải B, Sả Hồ của thị trấn Mường Khương và các xã Tung Chung Phố, Thanh Bình, Nậm Chảy, Tả Ngải Chồ… đã chuyển đổi đất ruộng bậc thang thiếu nước hoặc đất đồi trồng ngô sang trồng quýt ngọt. Nhằm hỗ trợ bà con chuyển đổi, huyện đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực, thực hiện hỗ trợ cây giống trong năm đầu và phân bón trong ba năm tiếp theo. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản cho bà con vùng cao. Trước đây, cây quýt giống phụ thuộc vào thương lái bên ngoài, đến nay Mường Khương đã chủ động sản xuất giống tại chỗ, bảo đảm chất lượng và đủ cung ứng cho người dân địa phương.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, hằng năm huyện Mường Khương mở “Lễ hội quýt” kết hợp thu hút khách du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ quýt cho bà con. Vào mỗi mùa quýt chín, các hộ dân đều chủ động mở thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm, thu hút các du khách vào vườn tham quan, trải nghiệm thu hái quýt. Việc thực hiện loại hình du lịch trải nghiệm sẽ giúp các nhà vườn quảng bá rộng rãi sản phẩm quýt đến người tiêu dùng. Lượng khách đến với nhà vườn mỗi năm một đông, cũng từ hoạt động tham quan, nhiều hộ dân trong thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương đã kết nối được thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh trong cả nước. Đây cũng là căn cứ vững chắc để bà con yên tâm mở rộng diện tích cây trồng chủ lực này, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.

Sản phẩm quýt Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là tấm giấy thông hành để sản phẩm nông sản của bà con nông dân vùng cao Mường Khương đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn, nhất là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn.