Thông tin thị trường giá cả số 32/2020

02:24 PM 06/08/2020 |   Lượt xem: 3786 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Mường Khương (Lào Cai): Hình thành vùng chuyên canh chuối

Là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai, thời gian qua, Mường Khương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn với các mặt hàng nông sản chủ lực như: Chuối, chè và dứa. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc dần được đổi thay.

Cây chuối khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, canh tác của người dân địa phương, trong khi chi phí sản xuất thấp, giá trị kinh tế khá cao. Thời gian gần đây, chuối cấy mô được người dân Mường Khương mở rộng sản xuất trên diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả. Mặc dù được đánh giá là loại cây trồng không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ không ổn định nên giá chuối tại Mường Khương có nhiều biến động, chưa chủ động được thị trường tiêu thụ ổn định.

Trước đây, sản phẩm chuối quả tươi được tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, giá liên tục biến động nên có những thời điểm, người trồng chuối gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2019, cây chuối được cấp nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng mã số vùng trồng, tạo tiền đề cho việc xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu qua đường tiểu ngạch như những năm trước. Năm nay, sản phẩm chuối của Mường Khương vẫn được tạo điều kiện xuất khẩu, làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc thuận lợi với sự liên kết giữa người dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp trong huyện. Giá chuối quả chính vụ khá ổn định, dao động ở mức 4.000 - 7.000 đồng/kg, thời điểm giá cao đạt 12.000 đồng/kg, đảm bảo sản xuất có lãi. Tuy nhiên, khi bước vào cuối vụ thu hoạch, giá chuối quả được thu mua ở mức thấp do biến động giá tại thị trường Trung Quốc. Theo quy trình, sau khi thu hoạch và phân loại chuối, người dân sẽ liên kết với hợp tác xã, vận chuyển, làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá chuối trên sàn giao dịch Trung Quốc thời gian qua luôn duy trì ở mức thấp, khoảng 1,2 nhân dân tệ/kg, nên sau khi trừ chi phí, giá chuối được thanh toán cho người dân còn khoảng 0,3 - 0,4 Nhân dân tệ/kg (tương đương 1.000 - 1.300 đồng/kg). Với mức giá này, người trồng chuối sẽ lỗ nên một số hộ không thu hoạch, để chuối chín dần trên nương. Dù giá giảm nhưng bà con vẫn hy vọng, giá chuối sẽ tăng trong một vài tuần tới. Bởi thời gian qua, dù tiêu thụ qua đường tiểu ngạch gián đoạn nhưng chuối không bị ùn ứ hoặc phải chặt bỏ do không có người thu mua như nhiều vụ chuối trước đây.

Bản Lầu là xã đặc biệt khó khăn giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Trước đây, Bản Lầu xa xôi do đất đai hoang hóa, đường xá đi lại khó khăn, đồng bào DTTS loay hoay mãi không biết trồng cây gì nuôi con gì? Ngày nay, Bản Lầu đã trở thành “thủ phủ” chuối của Mường Khương với diện tích hơn 700 héc-ta. Đồng bào dân tộc nơi đây đã thoát nghèo nhờ trồng chuối xuất khẩu. Đặc biệt, nhờ liên doanh, liên kết trong tiêu thụ nên bà con yên tâm trồng trọt, sản xuất.

Hiện nay, tổng diện tích chuối của huyện Mường Khương đạt khoảng 1.300 héc-ta, được trồng tập trung tại các xã hạ huyện như: Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy, Thanh Bình. Một số hộ dân cho biết, giá chuối quả biến động thường xuyên, có thời điểm giá rất thấp nhưng lại tăng mạnh chỉ sau vài ngày. Nhiều diện tích chuối cũng bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và giá bán có thời điểm giảm thấp nên diện tích chuối tại xã gần đây không tăng và nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Thông thường, giá chuối quả thường giảm thấp khi các loại cây ăn quả khác thu hoạch rộ. Do đó, bà con có thể điều chỉnh thời vụ để phù hợp hơn. Hiện nay, hầu hết diện tích chuối trên địa bàn huyện Mường Khương đã cho thu hoạch và được xuất khẩu thông qua liên kết giữa người dân và hợp tác xã. Giá bán chuối quả trong năm cũng tương đối ổn định, diện tích chuối cho thu hoạch vào thời điểm giá thấp không nhiều. Tuy nhiên, với diễn biến như hiện nay, bà con nên thận trọng, không ồ ạt mở rộng diện tích chuối để tránh tình trạng khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm.

Ia Pa (Gia Lai): Trồng bắp sinh khối thu lãi cao

Nhằm giúp đồng bào dân tộc tăng thu nhập, ngành nông nghiệp huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã triển khai mô hình thâm canh cây bắp ngọt (ngô) và bắp sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bắp là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ia Pa với diện tích trồng hàng năm trên 2.500 héc-ta. Tuy vậy, hầu hết diện tích bắp chưa được đầu tư thâm canh nên năng suất đạt thấp. Bên cạnh đó, giá bắp lên xuống thất thường đã ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã xây dựng mô hình thâm canh cây bắp ngọt gắn với quản lý tổng hợp phòng trừ sâu keo mùa thu và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại xã Ia Broăi. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và thuốc bảo vệ thực vật, 50% phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật. Sản phẩm thu hoạch được DOVECO Gia Lai bao tiêu.

Ngoài mô hình trồng bắp ngọt ở xã Ia Broăi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa còn phối hợp với UBND xã Chư Mố, Hợp tác xã Nông nghiệp Chư Mố và UBND xã Ia Kdăm liên kết với Liên minh hợp tác xã Tinh dầu Tây - Bắc Gia Lai (liên kết Công ty cổ phần KOTINOCHI) triển khai mô hình trồng bắp sinh khối có diện tích gần 25 héc-ta. Đây là những diện tích được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. Các hộ tham gia được công ty hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật. Công ty sẽ thu hồi kinh phí đầu tư khi thu hoạch sản phẩm. Khi cây bắp đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ đến thu hoạch, vận chuyển với giá bao tiêu 650 đồng/kg. Dự kiến, các hộ tham gia mô hình có thể lãi 15 - 20 triệu đồng/héc-ta/vụ. 

 Với mô hình trồng bắp ngọt và bắp sinh khối, chỉ sau 70 - 80 ngày sẽ cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 15 - 20 triệu đồng/héc-ta/vụ. Nếu hộ dân đảm bảo được nguồn nước tưới cho cây bắp ngọt thì có thể trồng 3 - 4 vụ/năm. Ngoài ra, mong muốn của địa phương là tạo dựng nhiều mô hình liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà nông trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thành công từ những mô hình này sẽ giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích, tiến tới để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.

Sơn La: Xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Nhật Bản

20 tấn thanh long ruột đỏ của bà con nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là hướng đi mới, giúp bà con huyện miền núi này tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo thông tin từ Sở Công thương Sơn La, huyện Mai Sơn có hơn 80 héc-ta trồng cây thanh long ruột đỏ. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại xã Chiềng Sung, Nà Bó, Cò Nòi, Hát Lót và một số vùng lân cận. Thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng thanh long theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, chất lượng trái thanh long ruột đỏ đã được nâng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình triển khai phát triển cây thanh long, huyện cũng tập trung chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các hợp tác xã để quán triệt việc thực hiện. Riêng đối với diện tích trồng thanh long năm thứ 3, người dân thu hoạch bình quân 10 tấn/héc ta. Với giá thị trường hiện nay đối với thanh long loại 1 là 20.000 đồng/kg, bà con thu lãi khá. Tính trung bình, giá thanh long được thu mua tại vườn hiện dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, gấp đôi so với mức giá tháng trước do khan hiếm nguồn hàng.

Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ, tạo uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Trước đó, 5 tấn thanh long ruột đỏ của Việt Nam đã được người tiêu dùng Australia đón nhận. Việc trái thanh long lên kệ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc... đã mở ra cơ hội và tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tới các thị trường khác trên thế giới.

Đức Hòa (Long An): Nông dân trồng chanh phấn khởi

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá chanh tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ổn định hơn so với mọi năm, giúp người trồng có lợi nhuận tương đối khá. Hiện nay, giá chanh dao động từ 16.000 – 17.000 đồng/kg, được thương lái thu mua tại ruộng. Thậm chí, có những tuần nắng nóng cao điểm, giá chanh lên tới 24.000 – 25.000 đồng/kg nên người trồng rất phấn khởi. So với các năm trước, diện tích cây chanh ở huyện Đức Hòa năm nay tăng vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dù phấn khởi bởi giá chanh ổn định hơn so với mọi năm nhưng người trồng vẫn mong muốn có nơi tiêu thụ ổn định, bảo đảm lợi nhuận cho bà con để không còn nỗi lo “được mùa, rớt giá” như nhiều năm qua.

Sơn La: Vựa nhãn Sông Mã đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Mấy năm gần đây, Sông Mã được biết đến là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La. Hiện nay, người trồng nhãn đang phấn khởi chuẩn bị thu hoạch mùa nhãn chính vụ. Địa phương cũng tích cực hỗ trợ các hợp tác xã về quy trình quản lý vùng trồng để sản phẩm nhãn đảm bảo được tiêu chuẩn xuất khẩu. Các cán bộ khuyến nông còn đến tận vườn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và sử dụng phân bón hữu cơ. Với sản lượng nhãn năm nay ước đạt khoảng 50.000 tấn, hiện nay huyện đang mời các doanh nghiệp và một số thương nhân trong và ngoài tỉnh khảo sát vùng nguyên liệu và có các hợp đồng nguyên tắc với các hợp tác xã và các hộ sản xuất nhãn trên địa bàn. Huyện cũng tiếp tục thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã, một là về quy trình quản lý vùng trồng để sản phẩm nhãn đảm bảo được tiêu chuẩn đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Tiền Giang: Giá nghêu thương phẩm tăng mạnh

Giá nghêu thương phẩm tại vùng chuyên canh huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đang tăng mạnh. Hiện giá nghêu đạt từ 25.000 - 27.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ thu hoạch, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg. Giá nghêu thương phẩm tăng mạnh khả năng do nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung hạn chế. Là huyện nằm ven biển tỉnh Tiền Giang, Gò Công Đông có vùng nuôi nghêu rộng 2.200 héc-ta. Nghề nuôi nghêu tại đây đã có từ lâu đời, góp phần giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho lao động miền biển. Tuy nhiên, trong mùa khô 2020, thiên tai hạn mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của huyện. Tình hình dịch bệnh khiến một số diện tích nghêu nuôi bị thiệt hại lớn. Do vậy, sản lượng thu hoạch không cao. Từ đầu năm đến nay, toàn vùng nuôi chỉ thu hoạch được khoảng 8.000 tấn nghêu thương phẩm, giảm hơn 3.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện phấn đấu trong năm 2020 đạt sản lượng nghêu nuôi khoảng 20.000 tấn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Đồng Tháp:  Cam xoàn, cam sành tăng giá trở lại

Sau thời gian dài rớt giá, giá bán các mặt hàng cam xoàn, cam sành trên địa bàn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp những ngày qua có phần khởi sắc trở lại. Hiện cam xoàn có giá 20.000 – 22.000 đồng/kg; cam sành 14.000 – 16.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Sở dĩ giá cam tăng do hiện tại đang vào cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng sản phẩm giải khát cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi nên năng suất cam bị giảm mạnh khiến lượng hàng cung ứng giảm.

Bình Phước: Diện tích ca cao giảm

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, sau nhiều năm ồ ạt tăng, diện tích cây ca cao trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh

Nếu như năm 2012, diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh đạt 2.696 héc-ta, thì đến năm 2018 giảm chỉ còn khoảng 1.000 héc-ta và đến nay chỉ còn hơn 500 héc-ta, được trồng tập trung chủ yếu ở Đồng Xoài, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập. Diện tích cây ca cao giảm mạnh do thị trường có nhiều biến động, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, bà con nông dân thiếu vốn, do chưa đầu tư tốt về chất lượng giống, kỹ thuật tưới, canh tác… nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, người dân bỏ ca cao chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Một số huyện đã tìm hướng trồng ca cao xen tiêu, điều… Đây là mô hình đã và đang giúp nhiều nông dân Bình Phước vượt qua khủng hoảng do nhiều vùng cây tiêu, điều giảm năng suất, giá bán giảm. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cái hay của mô hình này là cây ca cao có thể phát triển tốt dưới tán cây điều. Do đó, trong quá trình chăm sóc như bỏ phân, tưới nước cho cây ca cao, cây điều được hưởng lợi, từ đó, cây điều sinh trưởng tốt và năng suất cũng tăng lên. Ngược lại cây ca cao được điều phủ mát nên giảm công chăm sóc và chi phí tưới.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước khuyến cáo, khi đầu tư trồng ca cao, người dân nên sử dụng các giống được đánh giá thích hợp với điều kiện tự nhiên như: TĐ1 TĐ3, TĐ5, TĐ8. Theo quy hoạch trước đó của tỉnh, đến năm 2020 diện tích được trồng xen cây ca cao khoảng 5.000 héc-ta, năng suất 1,5 tấn/héc-ta.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hiện nay, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp.

Tại tuyến biên giới phía bắc với địa bàn trọng điểm thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các đơn vị địa phương tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép tại tuyến biên giới này chủ yếu là quần áo, đồ chơi, máy móc linh kiện điện tử... Đáng chú ý, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy, pháo nổ vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Tại tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đà Nẵng… Hàng hóa chủ yếu mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em; sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm (vẩy tê tê, các sản phẩm từ ngà voi...) và xuất lậu mặt hàng khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Lào. Dọc theo tuyến sông Sêpôn hiện vẫn là điểm trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ Lào về Việt Nam. Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, thời điểm vào lúc đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển số lượng lớn hàng cấm, hàng nhập lậu.

Tại tuyến biên giới Tây Nam, địa bàn trọng điểm diễn ra các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép gồm các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An Giang… Để phòng ngừa dịch Covid-19 tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương đã phối hợp cắm chốt, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn số ít các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, thuốc lá ngoại...         

HÀNG VIỆT

Xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản, đặc sản địa phương. Trong đó, xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là một trong những nội dung chính được Bộ Công Thương tập trung triển khai trong thời gian tới.

Ngày 22/7/2020, của hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh Phú Thọ đã được khai trương. Đây là cửa hàng đầu tiên của tỉnh Phú Thọ được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng. Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền được đặt tại số 28B, đường Kim Đồng, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Địa điểm có vị trí thuận lợi về giao thông và thu hút nhiều khách tại khu dân cư tham quan, mua sắm. Đây là cơ hội để tỉnh nhân rộng, kết nối với điểm giới thiệu bán sản phẩm của các địa phương khác. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân trong tỉnh được trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền. Trong đó, nhiều nhãn hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, gạo J02, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, mì gạo Hùng Lô, rau an toàn Tứ Xã, tương làng Bợ,… Các sản phẩm này đều là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các đặc sản, nông sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Phú Thọ được vận hành, hoạt động có hiệu quả sẽ là mô hình tốt để nhân rộng, kết nối với các điểm giới thiệu, bán sản phẩm của các tỉnh khác. Qua đó, tạo tiền đề và cơ sở để trao đổi, kết nối giao thương và góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Ðồng thời, thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân và xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tại thị trường nội địa.

Trước đó, ngày 11/7, tại Hà Tĩnh, Cửa hàng trưng bày bán sản phẩm OCOP, nông sản an toàn cũng được khai trương tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn. Cửa hàng hiện trưng bày hơn 50 mặt hàng đạt tiêu chuẩn OCOP. Riêng huyện Hương Sơn có 18 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh những sản phẩm OCOP, huyện Hương Sơn cũng đã trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm của địa phương như: Chuối hột rừng bà Hồng; trà đậu đen xanh lòng; kẹo cu đơ bà Hường và một số sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao khác… Cũng giống như điểm bán ở Phú Thọ, bà con địa phương đến cửa hàng thăm quan, mua sắm rất đông. Cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, nông sản an toàn đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm OCOP đạt chất lượng, giá cả phải chăng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ khâu sản xuất chế biến đến khâu thành phẩm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc khai trương Cửa hàng nhằm mục đích giới thiệu đến bà con các sản phẩm OCOP cũng như các đặc sản vùng miền. Đây cũng là cầu nối giúp cho các đối tác trong và ngoài tỉnh tìm kiếm thông tin về sản phẩm để liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời là địa chỉ tin cậy mang đến những nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng.

Năm 2019, nhằm hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền. Bộ Công Thương đã hỗ trợ 12 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai một số hoạt động cụ thể như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Tổ chức các Hội nghị kết nối các sản phẩm nêu trên vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước.