Thông tin thị trường giá cả số 39/2020

10:44 AM 25/09/2020 |   Lượt xem: 4030 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Ký hợp tác tiêu thụ ngô sinh khối

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020 diễn ra cuối tháng 8/2020, các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi đã ký hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngô sinh khối với nhiều địa phương phía Bắc. Đây là hướng đi mới, là mô hình giúp nhiều nông dân làm giàu.

Nhu cầu ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc tăng

Theo thống kê, diện tích trồng ngô sinh khối ở nước ta hiện khoảng 50.000 héc-ta, doanh thu đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Hiện nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó, các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70%, còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn). Trong kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương có thế mạnh chăn nuôi đại gia súc liên kết với doanh nghiệp phát triển diện tích ngô sinh khối bởi đây là thị trường nhiều tiềm năng.

Tại tỉnh Nghệ An, nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho bò của các doanh nghiệp chăn nuôi ngày càng lớn. Nghệ An đang tìm kiếm các doanh nghiệp để liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm. Năm ngoái, diện tích ngô sinh khối của tỉnh Hà Tĩnh đạt 1.013 héc-ta, năng suất bình quân 33 tấn/héc-ta. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, vụ đông năm 2020, tỉnh sẽ liên kết với trang trại bò sữa của Vinamilk, Công ty KC Hà Tĩnh,... phát triển ngô sinh khối.

Tại xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, mô hình trồng ngô sinh khối được áp dụng từ năm 2016. Đến nay, diện tích cây trồng này trên địa bàn xã đạt khoảng 100 héc-ta. Bình quân mỗi năm, các hộ có thể triển khai 2 - 3 vụ, sản lượng trung bình đạt 38 - 45 tấn/héc-ta/vụ, doanh thu có thể đạt 75 - 80 triệu đồng/héc-ta/năm.

Liên kết trồng và tiêu thụ 

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay, nhu cầu thức ăn thô xanh đang chiếm tới trên 90% nhu cầu thức ăn của gia súc ăn cỏ. Nhu cầu về thức ăn thô xanh phục vụ cho việc nâng tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên chiếm 10% tổng cơ cấu thịt xẻ vào năm 2025, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000 héc-ta ngô sinh khối (trồng liên tục cả 3 vụ/năm) mới đủ phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh. Do đó, việc liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi trồng ngô sinh khối là nét mới trong vụ đông năm 2020. Mô hình này không chỉ giúp tạo thu nhập ổn định cho nông dân mà còn hình thành mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, đưa sản phẩm của ngành trồng trọt trở thành đầu vào của ngành chăn nuôi.

Nhằm thúc đẩy kết nối giữ sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối trong vụ đông năm 2020, tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020 đã diễn ra lễ ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, bò sữa lớn tại phía Bắc như: Công ty chuỗi thực phẩm TH True Milk, Công ty sữa Vinamilk, Công ty CP Giống và Thức ăn Chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình… với các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An.

Vụ đông năm 2020, các địa phương phía Bắc đăng ký sản xuất khoảng 114 nghìn héc-ta ngô (trong đó có ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi). Trên thực tế, ngô sinh khối không chỉ có tiềm năng mở rộng diện tích lớn trong vụ đông, mà còn phục vụ cho đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng quỹ đất nhàn rỗi còn rất lớn trong vụ đông tại các tỉnh phía Bắc. Mặc dù vậy, nút thắt trong việc mở rộng sản xuất ngô sinh khối là việc tập trung ruộng đất để có quy mô đủ lớn nhằm đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hạ giá thành, nâng cao giá trị. Trong khi đó, việc tích tụ, tập trung ruộng đất trong vụ đông vẫn rất khó khăn. 

Lý Sơn (Quảng Ngãi):

Tỏi khô tiêu thụ chậm

Mỗi năm, đảo Lý Sơn cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô. Hiện toàn đảo còn khoảng 700 tấn tỏi khô trong dân chưa tiêu thụ được, chiếm hơn 38% tổng sản lượng vụ đông xuân 2019 - 2020.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu thụ chậm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài cộng với tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn phải tạm ngừng hoạt động một thời gian để phòng, chống dịch khiến cho thị trường tỏi đóng băng. Nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng (chủ yếu là khách du lịch) giảm đáng kể kéo theo lượng tỏi bán ra không lớn. Mặt khác, giá tỏi năm nay khá rẻ, chỉ giữ ở mức 50.000 - 55.000 đồng/kg khô nên người trồng tỏi có xu hướng tích trữ tỏi. Thông thường, người dân Lý Sơn bán tỏi khô vào thời điểm cận tết bởi khi đó, nhu cầu của thị trường tăng cao, giá tỏi cũng có xu hướng tăng theo.

Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, trong vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn huyện xuống giống 326 héc-ta tỏi với tổng sản lượng tỏi khô sau thu hoạch đạt 1.800 tấn. Tỏi Lý Sơn được người dân ưu ái ví như “vàng trắng” cho họ nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống ấm no. Năm 2017, tỏi Lý Sơn lọt “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam”. Tháng 7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho UBND huyện đảo Lý Sơn. Việc công nhận chỉ dẫn địa lý là điều kiện để cơ quan chức năng có căn cứ để bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, mạo danh tỏi Lý Sơn đang diễn ra trên thị trường. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho người trồng tỏi ở huyện đảo này.

Hàm Yên (Tuyên Quang):

Trồng chanh tứ mùa giúp nâng cao thu nhập

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, tổng diện tích chanh tứ mùa toàn huyện hiện nay là 537,9 héc-ta, sản lượng ước đạt trên 6.000 tấn. Ưu điểm của loại cây trồng này không kén đất, tốn ít chi phí chăm sóc, thu nhập quanh năm. Đặc biệt, thương lái đến tận vườn thu mua, giá chanh thường duy trì ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm giá tăng cao, lên tới 25.000 - 27.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích đất trồng chanh hiện nay do người dân tự phát, huyện chưa có quy hoạch cho cây trồng này trong khi thị trường đầu ra chưa ổn định, giá cả bấp bênh. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ nên giá chanh thời điểm này giảm mạnh chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con tập trung thâm canh chăm sóc diện tích chanh hiện có, hạn chế trồng mới; khuyến khích các thương lái địa phương liên kết với các tỉnh, thành phố lớn, khu công nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ; chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành đánh giá tiềm năng phát triển của cây chanh tứ mùa để phối hợp với các địa phương tiến hành liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định.

Vĩnh Long:

Chôm chôm cuối vụ tăng giá gấp đôi

Hiện thương lái đến thu mua chôm chôm tại nhà vườn với giá tăng gấp đôi so với trước đó khoảng 2 tháng. Chôm chôm đường và chôm chôm Thái được nhà vườn bán với giá dao động từ 30.000 -  33.000 đồng/kg, chôm chôm Java từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.  Đây là mức giá cao nhất từ đầu vụ chôm chôm đến nay. Với giá bán này nhà vườn thu lợi nhuận khá, khoảng 10 - 15 triệu đồng/công. Theo một số thương lái chuyên thu mua trái cây, giá chôm chôm hiện nay tăng cao là do sức tiêu thụ tại các chợ đầu mối tăng mạnh, mặc dù thời gian qua việc xuất khẩu chôm chôm gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Năm nay sản lượng chôm chôm cuối vụ ở các tỉnh vùng ĐBSCL giảm mạnh do hạn xâm nhập mặn tấn công vào đầu năm 2020 dẫn đến thất mùa, thậm chí một số nhà vườn không thu hoạch trái để tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc cây sau thời gian hạn mặn.

Đồng Tháp:

Trồng hoa màu thu lãi cao mùa nước nổi

Thời điểm này, nước lũ ngập ở nhiều nơi, diện tích sản xuất bị thu hẹp thì ở những vùng chuyên canh rau màu, nhất là vùng rau an toàn tại Đồng Tháp lại tất bật thu hoạch với niềm vui trúng mùa được giá. Hoa màu chủ yếu được nông dân canh tác ở khu vực cù lao, đất bãi bồi. Diện tích mỗi vụ khoảng 15 ngàn héc-ta. Vụ thu đông này, nước lũ về, nông dân chỉ tập trung ở những khu vực gò cao, đê bao kiên cố. Với diện tích bị thu hẹp, sức tiêu thụ ổn định nên giá các loại hoa màu đều tăng ở mức cao. Một số mặt hàng tiêu thụ mạnh như: Hành lá giá 25.000 đồng/kg, ớt 31.000 đồng/kg, củ cải 5.000 đồng/kg... với mức giá này, người trồng có lãi vài chục triệu đồng/héc-ta, riêng hành lá thu lãi trên 100 triệu đồng/héc-ta.

Bến Tre:

Nguồn cung dừa tươi tăng

Dừa tươi đang được bán xô ngay tại vườn cho thương lái với giá 50.000 - 60.000 đồng/chục; dừa tươi loại lớn bán lẻ tại nhiều chợ và cửa hàng kinh doanh dừa từ 80.000 - 110.000 đồng/chục; loại nhỏ giá 50.000 - 70.000 đồng/chục. Giá dừa khô đang được bà con bán cho thương lái ở mức 80.000 đồng/chục dừa loại lớn, loại nhỏ hơn có giá 60.000 - 70.000 đồng/chục. Gần đây, sức tiêu thụ dừa tươi khá chậm vì nguồn cung dừa tươi lại tăng nên giá giảm. Còn dừa khô tăng giá bởi nguồn cung đang hạn chế do những tháng vừa qua đa số người dân đã bán dừa tươi, trong khi nhu cầu dừa khô đang tăng. Hiện nay, người trồng dừa cũng có xu hướng thích bán dừa tươi bởi mau cho thu hoạch hơn dừa khô và có thương lái đến tận vườn để thu mua, họ tự bẻ dừa. Một số nhà vườn có xu hướng chuyển sang trồng dừa hữu cơ bởi đây mới là hướng đi bền vững cho cây dừa Bến Tre.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá xoài tăng mạnh

Sau một thời gian ở mức thấp, giá trái xoài Ðài Loan và xoài cát Hòa Lộc tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ mạnh so với thời điểm 1 tháng trước và đang ở mức khá cao. Tại Hậu Giang, An Giang... xoài Ðài Loan xanh loại 1 giá 23.000 - 25.000 đồng/kg, loại 2 có giá khoảng 16.000 - 17.000 đồng/kg; xoài Ðài Loan vàng loại 1 có giá 35.000 đồng/kg, loại 2 ở mức khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg. Giá xoài cát Hòa Lộc đang được nông dân bán cho tiểu thương và các vựa thu mua trái cây ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg. Ðây là mức giá cao nhất trong nhiều tháng qua. Giá xoài tăng mạnh do bước vào nghịch mùa thu hoạch và hiện xoài được đẩy mạnh xuất khẩu trở lại, nhất là xoài Ðài Loan. Thời điểm này, xoài chủ yếu được nông dân xử lý ra trái rải vụ, nghịch mùa. Theo doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh trái cây, giá xoài có khả năng còn tăng trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng tăng ở nhiều thị trường xuất khẩu và tại nội địa bởi đã hết mùa thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây ở Nam Bộ.

Hà Giang:

Ớt gió là nông sản mũi nhọn

Trước nhu cầu tiêu thụ mạnh, giá bán khá cao, những năm gần đây, nhiều gia đình ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã chủ động tăng diện tích trồng cây ớt gió nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 7km, thôn Bản Mồ là nơi trọng điểm trồng ớt gió của thị trấn Đồng Văn. Nhờ cây ớt gió, nhiều gia đình nơi đây đã thoát được nghèo và mức sống đang từng bước được nâng lên. Mỗi tuần đi chợ phiên, các gia đình trong thôn Bản Mồ chỉ cần một túi nhỏ ớt gió là có thể thu được vài trăm nghìn đồng.

Hiện nay, ớt gió đang là mặt hàng được nhiều người sành ăn đặt mua bởi hương vị cay dịu, lại có mùi thảo mộc khác biệt so với nhiều loại ớt thông thường. Do đã vào cuối vụ thu hoạch nên việc gom mua khá khó khăn. Bà con thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, ngay từ đầu vụ, một số cơ sở ở Đồng Văn đã đăng ký thu mua toàn bộ sản phẩm khi quả còn xanh để chế biến. Các sản phẩm được chế biến khá đa dạng như: Ớt gió ngâm dấm, ớt gió xóc muối, ớt gió gia vị…

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản địa phương, cây ớt được địa phương xác định là cây kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, lượng ớt mà bà con sản xuất ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, trong những năm tới, Ðồng Văn sẽ tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ và khuyến khích bà con tự ươm cây giống để mở rộng diện tích.

Với những ưu điểm và lợi thế, cây ớt gió đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân Đồng Văn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác.    

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Phân biệt sách giáo khoa thật và sách in lậu

Trong quý 2/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp in giả sách giáo dục ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác. Để tránh tình trạng mua phải sách giáo khoa in lậu, sách kém chất lượng, các phụ huynh và học sinh cần trang bị những kiến thức cơ bản để phân biệt sách giáo khoa thật và sách giáo khoa in lậu.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục, sách in lậu, sách giả được làm khá tinh vi, thoáng nhìn bên ngoài khá giống sách thật, được dán hoặc in tem, nhái tem chống giả của các nhà xuất bản tại bìa 4, khó phát hiện bằng mắt thường và có đầy đủ thông tin xuất bản. Tuy nhiên, để ý kỹ sẽ thấy một số điểm khác biệt sau:

Về hình thức

- Sách giáo khoa giả dù có mua mới nhưng thường không có chữ dập nổi, bookmarks đầy đủ.

- Gáy sách giáo khoa thật thường được khâu tay, đổ keo dày dặn nên rất chắc, khó có thể bung ra như sách lậu. Thường sách lậu đóng cẩu thả nên xén méo, lệch, nhăn gáy…

- Sách giáo khoa thật cầm nhẹ tay, giấy khá tốt, ngả vàng với các nét mực in đều đặn. Sách in lậu thường sử dụng giấy kém chất lượng, mực in bị nhoè, màu sắc không đồng đều, chữ bị đứt nét.

- Sách giáo khoa thật có các đường căn chỉnh lề trên dưới, phải trái rất kỹ, không bị tràn chữ hay méo mó các hàng.

Về nội dung

- Do sách in lậu bị sao chép bằng cách quét (scan) nội dung theo bản gốc, một số chỗ gõ lại và dàn trang lại nên có lỗi chính tả, thiếu hụt hoặc sai lệch nội dung, in mờ, mất chữ. Nguy hiểm nhất vẫn là nội dung trong sách giả không được đảm bảo, có thể có những lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh các cấp phổ thông.

- Hình ảnh bên trong sách in lậu màu sắc thường mờ nhạt, nhiều chỗ bị nhoè, không sắc nét.

Nhà xuất bản Giáo dục khuyên phụ huynh nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của các nhà xuất bản, các công ty sách – thiết bị trường học địa phương để tránh mua phải sách in lậu, sách giả.

HÀNG VIỆT

Xây dựng nhãn hiệu tập thể bơ núi lửa Krông Nô

Xác định bơ là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực mở rộng diện tích bơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục nhằm xây dựng nhãn hiệu tập thể bơ núi lửa Krông Nô.

Cây bơ được đánh giá là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Krông Nô. Hầu hết diện tích bơ đều được trồng trên trầm tích núi lửa nên giàu khoáng chất, thơm dẻo, có màu vàng đặc trưng. Để phát huy những lợi thế này, huyện đã đầu tư sản xuất 15,5 héc-ta bơ theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng đề án cải tạo vườn bơ; hình thành và phát triển vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, để góp phần cải tạo và nâng cao chất lượng cây bơ trên địa bàn hướng đến xuất khẩu, huyện đã triển khai “Đề án cải tạo bơ kém chất lượng” nhằm đưa các giống bơ chất lượng cao vào sản xuất. Ngoài thực hiện Đề án cải tạo giống bơ, huyện Krông Nô còn thành lập Hội những người trồng bơ để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản bơ cho các nhà vườn.   

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng bơ núi lửa Krông Nô vẫn chưa được nhiều người biết đến, giá trị cạnh tranh chưa cao. Do đó, để giúp sản phẩm phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân, huyện Krông Nô đã triển khai Dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể bơ núi lửa Krông Nô. Việc triển khai dự án, vùng trồng bơ sẽ được quy hoạch bài bản, sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng cao. Đến nay, ngành nông nghiệp huyện đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm bơ trên địa bàn huyện; thiết kế logo, bao bì nhãn hiệu bơ núi lửa Krông Nô; lập hồ sơ mã vạch truy xuất nguồn gốc; xây dựng quy chế quản lý và đăng ký nhãn hiệu tập thể bơ núi lửa Krông Nô… Huyện đã cơ bản hoàn thành các bước quan trọng trong việc xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể bơ núi lửa Krông Nô như: Lấy ý kiến của cán bộ địa phương, các chuyên gia, các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm bơ trên địa bàn.

Việc thực hiện dự án sẽ có những tác động tích cực đối với người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm bơ của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường và mở rộng quy mô sản xuất bơ. Đồng thời, thu hút sự tham gia đầu tư của các hộ dân, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương.

Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng):

Được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Đặc sản hành tím Vĩnh Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Có 6 tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là: Cơ sở thu mua hành tím Vĩnh Châu, Cơ sở thu mua hành tím Văn Thành, Hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu, hợp tác xã Rau màu Hòa Thành, Công ty TNHH Long Châu Dương và Công ty TNHH Vạn Thành.

Hành tím là sản phẩm đặc sản chủ lực của thị xã Vĩnh Châu với diện tích trồng là 6.500 héc-ta. Nông sản này được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm mang đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.