Thông tin thị trường giá cả số 41/2020

11:31 AM 08/10/2020 |   Lượt xem: 4351 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Ba Chẽ - Quảng Ninh: 

Khai thác thế mạnh từ cây trà hoa vàng

Mô hình trồng trà hoa vàng đang được huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển tại nhiều xã vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Huyện cũng đã xây dựng trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP và cứ 2 năm một lần tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng.

Tính đến tháng 8/2020, huyện Ba Chẽ có khoảng 200 héc-ta trồng trà hoa vàng với trên 400 hộ dân tham gia trồng. Nhận thấy tiềm năng phát triển, huyện đã quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, trong đó tập trung nhân rộng cây trà hoa vàng. Trồng trà hoa vàng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Thậm chí, một số xã đã triển khai hỗ trợ bà con cây giống, phân bón… khi tham gia mô hình. Điển hình là xã Đồn Đạc, Nam Sơn, Thanh Sơn… Trước đây, thu nhập của các hộ gia đình dân tộc Dao ở xã Đồn Đạc chủ yếu nhờ trồng keo và quế. Khi chính quyền địa phương vận động xây dựng mô hình trồng trà hoa vàng, các hộ tham gia được hỗ trợ cây giống. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án “Trồng trà hoa vàng tại các doanh nghiệp được thuê đất và các hộ dân trên địa bàn” của huyện Ba Chẽ gặp nhiều khó khăn. Một phần do cây trà hoa vàng phải trồng vài năm mới cho thu hoạch. Thêm vào đó, giá bán trà hoa vàng trên thị trường khá cao, việc tiêu thụ sản phẩm ở địa phương cũng gặp khó, dẫn đến hàng tồn kho.

Để định hướng phát triển cây trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ đã tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, đặc biệt là công tác thâm canh cây trồng theo đúng kỹ thuật. Trong năm 2020 sẽ tham mưu tổ chức lễ hội trà hoa vàng lần thứ 3. Mục tiêu là để quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm trà hoa vàng bởi đây là loài cây dược liệu quý, được đánh giá cao về chất lượng, công dụng. Trà hoa vàng đã được các nhà khoa học chứng minh có khả năng kiềm chế được sự sinh trưởng của khối u, giảm cholesterol trong máu, chữa xơ cứng động mạch do lượng mỡ trong máu cao, giúp hạ đường trong huyết áp. Đồng thời, tiếp tục mở rộng quy mô vùng trồng trà hoa vàng, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp để mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến.

Nhằm khai thác thế mạnh từ loài cây trồng bản địa, ngay từ năm 2015, huyện Ba Chẽ đã bắt đầu quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, trong đó tập trung nhân rộng cây trà hoa vàng. Quy hoạch xác định đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng được 500 héc-ta diện tích trà hoa vàng. Đặc biệt, huyện đã định hướng xây dựng thương hiệu trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững trên thị trường. Thời gian tới, tiềm năng của cây trà hoa vàng đối với thị trường trong nước cũng như nước ngoài sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, địa phương nên mở rộng quy mô vườn cây giống để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư, nghiên cứu khảo sát nguồn gen và bảo toàn cây giống, cây đầu dòng có nguồn gen tốt mang lại sản lượng cũng như là hàm lượng dược liệu tốt đối với sức khỏe con người.

Việc phát triển mô hình trồng trà hoa vàng tại các xã vùng cao của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang mang lại nhiều tín hiệu tốt. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho bà con, việc phát triển quy mô ươm trồng và sản xuất diện rộng cũng giúp huyện Ba Chẽ phát triển kinh tế. Hiện mẫu mã bao bì sản phẩm trà hoa vàng được huyện Ba Chẽ chú trọng hỗ trợ đầu tư; chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, địa phương còn thường xuyên xúc tiến quảng bá thương hiệu thông qua các hội chợ OCOP, Hội trà hoa vàng… Qua sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu trà hoa vàng gắn với phát triển du lịch địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp địa phương thu hút đầu tư và khuyến khích bà con tiếp tục mở rộng diện tích, đưa trà hoa vàng trở thành cây trồng chủ lực.

Thừa Thiên Huế:

Hỗ trợ nông dân trồng cao su thiệt hại do bão

Vùng Khe Mạ, Khe Trăng (xã Phong Mỹ) được xem là “thủ phủ” cây cao su của huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) với diện tích lên đến cả nghìn héc-ta. Nhiều năm nay, cây cao su trở thành “cứu cánh” cho các hộ dân trên địa bàn xã với giá bán tương đối ổn định từ 14.000 - 15.000 đồng/kg mủ thô.

Những gì còn lại của rừng cây cao su ở Phong Điền sau khi bão số 5 đi qua là vô vàn cây gãy đổ, ngã rạt và nước mắt xót xa của người nông dân. Tại cánh rừng cao su Khe Mạ, bà con vẫn ra vườn với cây cưa máy, cây rựa nhưng để đốn bỏ thân cây bán cho thương lái với giá 50.000 đồng/cây mong vớt vát được chút vốn... Dọc con đường liên xã lên vùng Khe Mạ, Khe Trăng, những chuyến xe xuôi ngược chở gỗ cao su về.

Theo thống kê sơ bộ của xã Phong Mỹ, trên địa bàn có khoảng 700 héc-ta cao su bị thiệt hại nặng. Vì vậy, việc tái sản xuất đối với những hộ trồng cao su rất khó khăn. Trước mắt, địa phương sẽ thống kê tỷ lệ thiệt hại để có những giải pháp cũng như đề xuất cấp trên hỗ trợ người nông dân. Cụ thể, đối với những cây bị nghiêng, gãy cành thiệt hại dưới 50% sẽ vận động, khuyến khích người dân phục hồi dù năng suất cho mủ sẽ không còn như trước. Đối với diện tích bị ngã đổ thiệt hại hoàn toàn, trước mắt địa phương sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua gỗ cao su thanh lý cho người dân. Về lâu dài sẽ đề xuất hỗ trợ một phần giống, phân bón cho người trồng tái tạo vườn cao su. Đồng thời, tiến hành rà soát danh sách, thống kê các hộ dân xem số dư nợ liên quan đến trồng cây cao su để đề xuất ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi cho người dân. Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu chính quyền địa phương các cấp tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, kết nối, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt. Đồng thời, thống kê chi tiết các diện tích bị gãy đổ, thiệt hại để có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân trong giai đoạn khó khăn này.

Tà Xùa phát triển nghề sao chè

Cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa (Sơn La) hàng trăm năm nay. Diện tích cây chè ngày càng được mở rộng, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho bà con. Nhờ vậy, nghề sao chè cũng phát triển.

Xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hiện có khoảng 140 héc-ta chè, trong đó trên 70 héc-ta chè cổ thụ, tập trung chủ yếu ở bản Bẹ và bản Tà Xùa. Nhiều xưởng sao chè đã được thành lập nhằm chế biến và phát triển đặc sản của địa phương.

Để có sản phẩm đặc sản chè Tà Xùa thì búp chè phải được hái từ các cây chè cổ thụ vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10. Sau khi hái, đưa chè vào sao càng sớm càng tốt. Để sao được chè thành phẩm mang đậm hương vị đặc trưng thơm, ngon, chè búp tươi được hái theo nguyên tắc một tôm hai lá hoặc một tôm ba lá. Khi sao loại chè một tôm hai lá thì 12 kg chè tươi sẽ được 3 - 4 kg chè thành phẩm; còn chè một tôm ba lá thì 15 kg chè tươi được 5 - 7 kg chè khô. Loại thượng hạng là chè cổ thụ búp to 10 kg tươi thì được 2 kg khô. Sau khi thu hái, chè được sao trên một chiếc chảo gang lớn. Người sao chè phải có kinh nghiệm, nhất là việc đánh giá được độ nóng của chảo và độ khô của chè để điều chỉnh mức nhiệt phù hợp, tránh việc chè bị cháy, sẽ có mùi khét, ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm. Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Tà Xùa đã chuyển sang sao chè bằng ống gang; số hộ duy trì cách sao chè truyền thống không còn nhiều.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm chè búp tươi của xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua để sản xuất thành sản phẩm trà viên, trà trúc, trà mây và bộ sản phẩm trà túi lọc Shanam ướp nhài và ướp hồng trà... đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Xã đang vận động bà con mở rộng diện tích vùng trồng chè thêm 50 héc-ta trong 2 năm tới. Đặc biệt là quyết tâm duy trì nghề làm chè truyền thống hàng trăm năm. Bởi chè Tà Xùa đã trở thành hồn cốt của người Mông vùng cao nơi này.    

Đồng Nai:

Giá tiêu tăng trở lại

Giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên giao dịch ở quanh mức 48.000 - 51.000 đồng/kg, tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Ngưỡng cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã chạm mức 51.000 đồng/kg và đây là địa phương có giá cao nhất toàn miền. Đồng Nai chốt mức thấp nhất là 48.000 đồng/kg. Gia Lai giá 48.200 đồng/kg, Đắk Nông giá 49.500 đồng/kg, Bình Phước giá trung bình 50.000 đồng/kg… Theo các chuyên gia nông nghiệp, giá tiêu tăng trở lại do dịch bệnh COVID-19 được khống chế ở các quốc gia nhập khẩu hồ tiêu, cà phê của Việt Nam. Hoạt động dịch vụ, du lịch nhà hàng mở trở lại.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá lúa có xu hướng giảm nhẹ

Tuần cuối tháng 9/2020, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thu hoạch lúa Thu Đông. Hiện giá lúa ở một số địa phương có xu hướng giảm nhẹ. Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch gần 10.000 héc-ta, năng suất bình quân 5,66 tấn/héc-ta. Hiện lúa Thu Đông thu hoạch sớm giá giảm từ 400 - 600 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, lúa tươi giống IR 50404 bán tại ruộng có giá 5.200 - 5.600 đồng/kg; OM 5451, Đài thơm 8, OM 18 có giá 5.300 - 5.500 đồng/kg… Lúa Thu Đông phát triển tốt nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý. Mặc dù giá lúa giảm nhưng do có nhiều diện tích cho năng suất cao, vụ lúa Thu Đông thu hoạch sớm nên sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi hơn 20 triệu đồng/héc-ta.

Đồng Tháp:

khoai từ cho thu nhập cao

Những ngày này, nông dân vùng màu ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch vụ khoai từ. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi để canh tác nên năng suất đạt khá, giá bán cũng tăng. Trung bình 1 công (1.000 m2) đạt từ 3 - 4 tấn khoai, cá biệt có hộ đạt 5 tấn/công. Với giá bán 11.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với vụ trước, trung bình mỗi công khoai từ sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Khoai từ là loại cây trồng dễ canh tác, nhẹ khâu chăm sóc và hầu như không tốn chi phí vật tư nông nghiệp, từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 8 - 9 tháng. Vùng màu ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa có tổng diện tích trên 70 héc-ta, được đê bao khép kín, chuyên canh tác các loại rau màu như: Đậu bắp, hoa huệ, dưa lê, khoai từ, bầu, bí... Trong đó, cây khoai từ chiếm 2/3 diện tích.

Long An:

Giá ớt chỉ thiên giảm

Ớt chỉ thiên được trồng nhiều tại xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. So với nhiều cây trồng khác, cây ớt chăm sóc khá vất vả. Thời gian ươm giống đến thu hoạch hơn 3 tháng, trong đó, thời gian ươm cây con 1 tháng. Vụ ớt chỉ thiên này, giá ớt thu mua tại ruộng dao động từ 29.000 - 50.000 đồng/kg. So với vụ thu hoạch trước, giá ớt giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, thời gian qua, do thời tiết biến đổi, cây ớt bị bệnh xoắn lá, rút đọt nên vụ ớt này năng suất thấp. Nếu giá bán trung bình khoảng 30.000 đồng/kg thì 0,1 héc-ta trồng ớt, bà con có thể lãi 3 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, do mất nhiều công sức và thời gian chăm sóc nên một số hộ đã chuyển sang trồng các loại rau màu cho thu lãi cao hơn, chăm sóc dễ hơn. Vì vậy, diện tích trồng ớt đã giảm hẳn so với những năm trước.

Phú Yên:

Năng suất sắn giảm do sâu bệnh

Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, niên vụ sắn 2020 - 2021, do bệnh khảm lá, nhện đỏ, rệp sáp bột hồng gây hại khiến năng suất giảm.

Trước đây, phần lớn diện tích gò đồi nông dân trồng mía, nay đã chuyển sang trồng sắn vì giá mía giảm. Thời gian qua, do nắng hạn, dịch bệnh đã làm giảm năng suất một số cây trồng chính như lúa, mía, sắn. Tại huyện Sơn Hòa, năng suất sắn niên vụ 2019 - 2020 nông dân thu hoạch chỉ đạt 16 tấn/héc-ta, giảm 4 tấn/héc-ta so với kế hoạch đề ra. Cũng do dịch bệnh đeo bám nên niên vụ sắn 2019 - 2020, nông dân toàn tỉnh thu hoạch 28.181 héc-ta, năng suất bình quân chỉ đạt 16,8 tấn/héc-ta, trong khi đó theo kế hoạch ngành nông nghiệp đề ra năng suất sắn đạt 22 tấn/héc-ta. Riêng niên vụ 2020 - 2021, nông dân trồng hơn 27.550 héc-ta, sắn đang giai đoạn phát triển thân lá. Tuy nhiên, do bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ tiếp tục đeo bám nên đến cuối vụ nguy cơ giảm năng suất.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Phòng NN-PTNT và các địa phương tăng cường điều tra rà soát diện tích bị bệnh khảm lá virus hại sắn và rệp sáp bột hồng tại các vùng trồng sắn. Cung cấp thông tin và hướng dẫn nông dân cách phát hiện, phòng trừ bệnh khảm lá sắn, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bọ phấn trắng qua các phương tiện truyền thông. Đồng thời, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển giống sắn từ vùng có bệnh sang vùng không bệnh.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cẩn thận khi mua thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, nhái không chỉ ảnh hưởng tới năng suất cây trồng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con và người tiêu dùng nông sản.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ lượng lớn thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể vào cuối tháng 9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 - Cục QLTT Lào Cai đã kiểm tra và tạm giữ 109 kg thuốc bảo vệ thực vật dạng bột và 20,84 lít dạng lỏng do nước ngoài sản xuất tại chợ văn hóa Bắc Hà, huyện Bắc Hà. Đây là lô thuốc BVTV do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Qua kiểm tra sơ bộ, lô thuốc trên chủ yếu là thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản ngô, kích thích tăng trưởng và kích thích ra hoa. Nếu trót lọt, toàn bộ số hàng hóa trên sẽ được phân phối cho bà con dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên nếu sử dụng sẽ gây hại cho cây cối và sức khỏe người sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ lô hàng trên không có chủ sở hữu.

Trước đó, tại thôn Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, Đội QLTT số 4 cũng phối hợp với Công an huyện Si Ma Cai phát hiện một chủ hàng đang tập kết một số bao tải hàng hóa có biểu hiện nghi vấn. Lực lượng chức năng kiểm tra có tổng cộng 10 bao tải, mỗi bao chứa 3 thùng carton, trong mỗi thùng có 20 gói màu vàng nhãn chữ Trung Quốc chứa chất bột được xác định là thuốc BVTV (tổng 600 gói). Ước giá trị lô hàng vào khoảng 40 triệu đồng, toàn bộ đều không kèm giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Xác định, đây là loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuộc diện hàng hóa cấm kinh doanh, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng và bàn giao cho Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai để xử lý, tiêu hủy theo quy định. Trước tình hình này, các lực lượng chức năng khuyến cáo bà con nêu cao tinh thần cảnh giác khi mua thuốc BVTV. Tốt nhất, bà con nên mua hàng tại các đại lý, cơ sở có uy tín. Không nên mua hàng tại các gian hàng di động trong chợ phiên, chợ tạm bởi hàng giả, hàng nhái thường được trà trộn bán ở đây.

HÀNG VIỆT

Trà Vinh:

Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Trà Vinh vừa công nhận 30 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) của 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đạt hạng 3 sao và 4 sao. Đây là tiền đề để sản phẩm đặc sản của Trà Vinh chinh phục người tiêu dùng cả nước.

Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ

Khi triển khai OCOP, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương trong tỉnh Trà Vinh được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. Trong đó, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, thị và thành phố. Mục tiêu của năm nay sẽ tập trung tiêu chuẩn hóa một số sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp hiện có; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. 

Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đang xây dựng kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng, quản lý logo nhận diện; hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng quy trình đóng gói; đăng ký nhãn hiệu, áp dụng và công bố các tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ xúc tiến thương mại… Tỉnh Trà Vinh cũng chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng đến thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền, chiến lược phát triển kinh doanh cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có tiềm năng phát triển theo hướng thương mại hóa. Tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm các ngành, hàng: Nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất và trang trí… Trên cơ sở đó, tập trung lựa chọn các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm đỉnh cao. Khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, đặc sản, truyền thống tham gia vào Chương trình OCOP.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm

Xác định, phát triển sản phẩm OCOP nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh, nhất là lao động nông thôn, Trà Vinh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững với những cách làm phù hợp. Đến nay, trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố đều có sản phẩm đặc trưng riêng và được công nhận sản phẩm OCOP. Muốn vậy, cần đẩy mạnh hoạt động kết nối liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Phát huy tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Ðể xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, nhiều địa phương đã có những bước đi cụ thể, linh hoạt. Vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm đã được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đề ra với mục tiêu phấn đấu đưa sản phẩm vào siêu thị để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Bên cạnh đó là củng cố và phát triển các loại hình kinh tế tập thể, trong đó, chủ yếu là hợp tác xã và tổ hợp tác, phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Trà Vinh cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu cuối năm 2020, mỗi huyện, thị xã và thành phố tối thiểu có 3 sản phẩm được phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức liên kết vùng, có ít nhất 1 sản phẩm gắn với tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển 1 sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết giữa các địa phương; xây dựng chuỗi giá trị khoảng 2 sản phẩm có tiềm năng phát triển theo hướng thương mại hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể kinh tế... tham gia Chương trình OCOP.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)