Thông tin thị trường giá cả số 43/2021

04:09 PM 20/10/2021 |   Lượt xem: 19331 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tuyên Quang:

Nhân rộng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo

Từ bỏ thói quen thả rông gia súc, những năm gần đây người dân tại các huyện vùng cao Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Mô hình này phù hợp với điều kiện của các hộ dân, giúp bà con thu hồi vốn nhanh và thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Tại huyện Chiêm Hóa, 16 xã đều thực hiện mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi trâu, bò vỗ béo nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập cho bà con. Năm nay, huyện đã phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành cung ứng đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trâu thương phẩm, trâu bò nuôi vỗ béo và trâu bò cái sinh sản. các hộ đồng bào tham gia mô hình đều được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh và được bao tiêu đầu ra. Liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) với Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ được triển khai theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Do vậy, những năm gần đây, xã Hùng Mỹ đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò vỗ béo, coi đây là hướng phát triển kinh tế, giảm nghèo của xã. Hiện Hùng Mỹ là xã đi đầu của huyện Chiêm Hóa trong phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Năm 2020 xã đã mang sản phẩm thịt trâu tươi, khô tham gia Chương trình OCOP và đã đạt 3 sao. Đây là điều kiện để xã tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo để tạo dựng sản phẩm đặc trưng của xã, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân.

Xã Bình An, huyện Lâm Bình có 800 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông... Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo mới phát triển mạnh 3 năm gần đây nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngay khi mới triển khai dự án, cán bộ khuyến nông huyện về tận thôn, vào tận nhà “cầm tay chỉ việc”, từ cách làm chuồng chống nóng, chống rét cho trâu, bò; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về tận xã cho vay vốn ưu đãi đầu tư với mức bình quân vay từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn vay được xoay vòng liên tục, đến nay đã tăng hạn mức vay lên hơn 50 triệu đồng đã giúp nhiều hộ đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo vươn lên thoát nghèo.

Các cán bộ kỹ thuật Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lâm Bình cho biết, kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo khá đơn giản, có thể nuôi bán chăn thả hoặc nhốt chuồng hoàn toàn. Thức ăn để vỗ béo chủ yếu là rau, cỏ voi và phụ phẩm nông nghiệp như cây ngô, rơm; thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn... Trâu nuôi vỗ béo phải là trâu đã đủ 2 tuổi có khung to. Bà con cần lưu ý vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn. Thực tế cho thấy, trâu, bò nhốt chuồng sẽ tăng trọng lượng nhanh nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng, bán được giá cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến trâu, bò nuôi vỗ béo khó tiêu thụ, một số hộ khó khăn về vốn không có điều kiện đầu tư phát triển. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có điều kiện thành lập trang trại hoặc chăn nuôi quy mô lớn nên chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tạo điều kiện giúp người dân được vay vốn phát triển chăn nuôi đàn gia súc. Đồng thời, thực hiện việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, chuyển đổi diện tích đất không chủ động nguồn nước sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Tân Phước - Tiền Giang:

Nông dân phấn khởi vì giá khóm tăng trở lại

Hiện nay, giá khóm (dứa) tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đang tăng trở lại. Đây là tín hiệu tốt giúp bà con vùng chuyên canh ổn định cuộc sống.

Những ngày qua, thương lái thu mua khóm giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, tùy theo phẩm chất và địa bàn, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Với năng suất bình quân 20 tấn/héc-ta và giá tiêu thụ kể trên, nông dân trồng khóm thu hoạch đạt giá trị sản lượng từ 80 - 100 triệu đồng/héc-ta/năm, trừ chi phí còn lãi từ 40 - 50 triệu đồng/héc-ta. Giá khóm tăng trở lại nhờ trong những ngày qua, nhiều địa bàn đang kiểm soát tốt dịch bệnh; một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động trở lại có nhu cầu về tiêu thụ nông sản, trong đó có khóm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên trong thời gian qua, sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, giá các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn huyện giảm mạnh, có lúc không có thương lái vào thu mua bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. Nhất là thời điểm tháng 8 và tháng 9 vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, giá khóm giảm chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/kg và việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn, nhất là những địa bàn sâu, xa như xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông… Hiện nay, nhờ giá khóm hồi phục, mang lại nguồn thu khá, tạo động lực cho bà con vùng Đồng Tháp Mười tích cực đầu tư thâm canh, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Khóm là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước. Trong các năm qua, bà con vào khai hoang lập nghiệp đã mở rộng vùng khóm chuyên canh lên trên 15.000 héc-ta với sản lượng mỗi năm từ 220.000 - 300.000 tấn trái, chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu cũng như cung ứng thị trường trong nước.   

Sốp Cộp - Sơn La:

Cà phê được mùa, được giá

Đầu tháng 10, bà con các bản của huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La bắt đầu mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cà phê được mùa được giá đã góp phần nâng cao đời sống người dân.

Toàn huyện Sốp Cộp hiện có hơn 431 héc-ta cà phê, tập trung chủ yếu ở các xã: Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Và, Nậm Lạnh. Trong đó, 349 héc-ta đã cho thu hoạch, năm nay năng suất bình quân đạt 16,7 tấn/héc-ta, sản lượng ước đạt trên 5.800 tấn. Năm nay, cà phê rất sai quả, sản lượng thu hoạch đạt cao nên bà con rất phấn khởi.

Dồm Cang là xã có diện tích cà phê nhiều nhất huyện Sốp Cộp, chiếm 60% diện tích cây cà phê trong toàn huyện. Nhiều hộ dân nơi đây đã tham gia vào đề án trồng thí điểm 50 héc-ta cà phê trên địa bàn huyện từ hơn 20 năm trước đây. Dự án do huyện Sốp Cộp phối hợp với Công ty chè cà phê Sơn La thực hiện nhằm chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê. Đến nay, có thể khẳng định, cây cà phê hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện và luôn mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Từ khi chuyển đổi sang trồng cà phê, bà con nhân dân ai cũng phấn khởi. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế, cây cà phê còn phủ xanh đất trống đồi trọc, không còn thấy cảnh từng quả đồi trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô, sắn.

Thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê của tỉnh, hiện nay, huyện đang tiếp tục định hướng quy hoạch phát triển cây cà phê trên địa bàn, gắn với công nghiệp chế biến. Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao hiệu quả kinh tế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cơ sở chế biến với người dân trồng cà phê, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Lâm Hà - Lâm Đồng:

Giá kén tằm tăng cao

Sau một thời gian dài giảm giá mạnh, giá kén tằm trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã tăng trở lại từ 130.000 – 160.000 đồng/kg. Từ đó đã tạo tâm lý phấn khởi cho người nông dân, hoạt động nuôi tằm trong tỉnh bắt đầu tăng trưởng trở lại. Hiện số lượng kén tằm được các vựa thu mua tăng khiến người trồng dâu tằm tơ ở địa phương vô cùng phấn khởi. Với mức giá hiện tại, nguồn thu về từ kén tằm đã tiệm cận thời điểm đầu năm 2020, giúp nhiều hộ gia đình an tâm đầu tư, tiếp tục sản xuất. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, một số cơ sở ươm trên địa bàn huyện thực hiện “3 tại chỗ”, lượng công nhân ít đi, công suất chế biến giảm kéo theo giá kén cũng giảm xuống còn 120.000 đồng/kg kén. Tuy nhiên, tình hình này chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần. Đến hiện tại, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các cơ sở ươm hoạt động ổn định lại bình thường, giá kén cũng tăng trở lại.

Giá tiêu tăng cao

Do nguồn cung khan hiếm, thị trường tăng mua nên đã tạo đà thuận lợi cho giá tiêu tăng tại các vùng trồng trọng điểm: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước… Hiện giá tiêu xô đang dao động từ 84.500 - 88.000 đồng/kg, cao kỷ lục trong vòng 4 năm qua. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu xô trong nước đã tăng gần gấp đôi nên bà con có tiêu bán rất phấn khởi. Lý giải về việc giá tiêu tại các đại lý liên tục tăng cao, một số chuyên gia cho biết, chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm và một số doanh nghiệp, thương nhân đẩy mạnh thu mua để phục vụ đơn hàng cuối năm.

Bình Định:

Thương lái vào tận vườn thu mua hoa ngâu

Những ngày này, nhiều vườn ngâu của người dân ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vàng rực màu hoa ngâu chín; chủ các vườn ngâu khẩn trương thu hoạch để tránh mưa. Mặc dù nhiều loại nông sản rớt giá, khó tìm nơi tiêu thụ, nhưng với hoa ngâu thương lái vẫn đến tận vườn tìm mua. Giá ngâu khô vẫn ở mức 90.000 đồng/kg như năm ngoái. Mỗi năm ngâu nở 2 lượt, lượt đầu vào tháng 4, lượt thứ 2 vào tháng 8 - 9 âm lịch. Thường thì giá hoa ngâu thu hoạch lượt đầu sẽ cao hơn, như vừa rồi là khoảng 110.000 – 120.000 đồng/kg hoa khô. Xã Mỹ Trinh hiện có khoảng 40 hộ có vườn ngâu cỡ lớn. Hiệu quả kinh tế từ cây hoa ngâu khá cao và ổn định trong nhiều năm qua. Theo các thương lái, hoa ngâu được dùng làm nguyên liệu để sản xuất nhang, ướp trà và làm hương liệu.

Giá phân urê tăng cao

Hiện giá phân urê bán lẻ tại thị trường một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chạm mốc 16.000 đồng/kg trong khi giá urê mà nhà máy bán cho đại lý cấp 1 hiện chưa tới 13.000 đồng/kg. Theo thông tin từ một số thương nhân ngành phân bón việc tăng nóng về giá phân urê bán lẻ có thể có nguyên nhân từ sự khan hiếm giả tạo. Bởi trong thời gian gần đây, các công ty sản xuất urê trong nước đã hạn chế, thậm chí tạm ngưng xuất khẩu phân bón, cộng với nguồn phân urê liên tục sản xuất ra thì nguồn cung không thiếu so với nhu cầu. Phân urê tăng giá trong bối cảnh các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống vụ đông xuân, các tỉnh miền Bắc cũng chuẩn bị vào vụ đã khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.

Krông Nô - Đắk Nông:

Xây dựng vùng trồng ngô công nghệ cao

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Krông Nô đã có những chuyển biến tích cực. Với mục tiêu hình thành, xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, huyện đang xây dựng vùng sản xuất ngô F1 công nghệ cao ở Đức Xuyên.

Huyện Krông Nô là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh Đắk Nông. Việc ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp là mục tiêu hàng đầu của huyện trong thời gian tới. Trong đó, nhiều hộ dân ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô đã liên kết với Công ty CP Hạt giống Việt Nam sản xuất ngô F1 và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với giống thông thường.

Vụ hè thu năm nay, 130 hộ dân ở xã Đức Xuyên gieo trồng tổng cộng 102 héc-ta ngô F1. Theo bà con, năng suất ngô vụ mùa này đạt hơn 7,2 tấn/héc-ta, nhiều diện tích chăm sóc tốt đạt đến 9 tấn/héc-ta. Ngô của bà con được một công ty bao tiêu đầu ra với mức giá 9.500 đồng/kg. So với ngô thương phẩm, mức giá này cao gấp gần 2 lần nên bà con rất phấn khởi. Trong quá trình sản xuất ngô, các hộ dân được nhân viên của công ty tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật rất kỹ càng. Nhờ đó, ruộng ngô phát triển tốt, không xảy ra sâu bệnh, đạt năng suất cao. Theo Công ty CP Hạt giống Việt Nam, sản xuất ngô F1 vất vả hơn so với ngô thương phẩm. Người dân phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, quản lý chất lượng của công ty nhưng bù lại, người trồng ngô F1 được tiếp cận với phương pháp sản xuất khoa học, ứng dụng công nghệ cao. Quan trọng hơn, trồng ngô F1 có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với ngô thông thường.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lộc Bình - Lạng Sơn:

Ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu

Trước những diễn biến phức tạp của hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhập lậu qua địa bàn, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) huyện Lộc Bình đã chỉ đạo các lực lượng quyết liệt triển khai các

biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Chỉ tính từ cuối tháng 8/2021 đến nay, lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình đã thu giữ gần 2.000 lọ thuốc BVTV nhập lậu, trong đó, một số loại có thành phần độc tố cao. Thuốc BVTV nhập lậu được các đối tượng thuê cư dân biên giới mang vác xuyên qua các đường mòn lối tắt (lối tắt khu vực biên giới tại các mốc: 1218, 1219 thuộc địa bàn xã Yên Khoái). Sau đó dùng xe máy vận chuyển nhanh chóng chở đến phương tiện ô tô loại xe tải nhỏ, xe 7 chỗ ngồi, xe bán tải chờ sẵn tại nhiều địa điểm không cố định, sau đó vận chuyển theo quốc 4B hướng Lộc Bình – thành phố Lạng Sơn để đưa về các tỉnh phía sau tiêu thụ.

Theo phân tích của lực lượng chức năng, giá thuốc BVTV nhập lậu thường rẻ hơn giá thuốc BVTV trong nước từ 30 đến 40%. Từ thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để vận chuyển thuốc BVTV nhập lậu vào nội địa để tiêu thụ kiếm lời.

Trước sự kiểm soát chặt chẽ của các tổ, chốt biên phòng trên tuyến biên giới, các đối tượng buôn lậu thường xé lẻ hàng, thuê bà con cư dân các thôn biên giới vận chuyển trái phép thuốc BVTV qua các lối mòn. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, Đồn Biên phòng Chi Ma cũng đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các xã biên giới tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc không tiếp tay, vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Đặc biệt, đồn phát động phong trào bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng hệ thống thông tin từ thôn, bản để kịp thời nắm bắt tình hình vận chuyển, tập kết hàng lậu nói chung, thuốc BVTV nhập lậu nói riêng dọc tuyến biên giới nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa thuốc BVTV nhập lậu thẩm lậu vào nội địa.

Trong khu vực nội địa, lực lượng công an huyện và QLTT cũng đang phối hợp chính quyền cơ sở kiểm soát chặt khu vực các thôn biên giới của các xã: Mẫu Sơn, Yên Khoái, Tú Mịch.

HÀNG VIỆT

Măng nứa Trà Ka:

Sản phẩm OCOP của người Ca Dong

Bắc Trà My là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Sản phẩm măng nứa khô Trà Ka của người Ca Dong bản địa là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện miền núi này.

Măng nứa được người Ca Dong trồng tự nhiên trong rừng và thu hái, chế biến theo phương thức truyền thống. Đây là thức ăn gắn bó hàng ngày với bà con Ca Dong. Nhà nào trong làng cũng trữ rất nhiều măng để ăn vào mùa đông. Bà con Ca Dong thường làm món măng chua trong ống lồ ô để dành ăn trong ngày mưa. Những ngày thường, măng khô có thể kho, nấu cùng thịt vịt. Để không lẫn với các sản phẩm măng khô khác, người Ca Dong tại xã Trà Ka vào rừng hái măng trồng tại các nương rẫy của mình. Loại măng nứa có chất lượng cao nhất phải có 10 - 12 ngày tuổi, không quá non hay quá già.

Với mong muốn đưa sản phẩm của người Ca Dong ra thị trường, Cơ sở măng nứa khô Trà Ka Hoàng Thông - thôn 2, xã Trà Ka đã chọn măng nứa để xây dựng thương hiệu OCOP. Năm ngoái, sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Mỗi mùa thu hoạch nứa, cơ sở thu mua hơn 2 tấn măng nguyên liệu. Măng nứa sau khi thu mua được luộc chín trong vòng 2 tiếng đồng hồ; sau đó sấy khô 6 - 8 tiếng ở nhiệt độ 6000C. Sản phẩm sẽ được đóng gói, hút chân không và có thể sử dụng lâu dài trong vòng 8 tháng. Hiện nay, sản phẩm măng nứa khô Trà Ka Hoàng Thông được bán ra thị trường với giá bán lẻ 230.000 đồng/kg. Đặc biệt, sản phẩm không sử dụng các chất bảo quản nhằm đảm bảo nguyên vẹn hương vị của núi rừng và an toàn cho người sử dụng.

Trong năm 2021, huyện Bắc Trà My tiếp tục đăng ký tham gia OCOP với 6 sản phẩm. Trong đó có 2 sản phẩm nâng cấp là rượu lúa rẫy Bắc Trà My và tinh dầu quế Trà My Minh Phúc; 4 sản phẩm đăng ký mới là: Mật ong Trà My, rượu cam sành, kim chi măng nứa, đèn trang trí kết hợp xông tinh dầu quế. Đối với măng nứa khô Trà Ka, xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Lâm Đồng:

Mùa hồng vuông đồng

Ở thị trấn Dran - nơi được mệnh danh là “Hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên, hầu như hộ gia đình nào cũng trồng hồng vuông đồng. Cây hồng không còn nằm ở giá trị kinh tế thông thường mà đã trở thành đặc trưng của vùng đất này.

Từ trung tâm Đà Lạt theo Quốc lộ 27, chúng tôi xuôi về hướng Trại Mát để đến với thị trấn Dran, huyện Đơn Dương. Đập vào mắt du khách là những vườn hồng trên triền đồi tràn ngập sắc cam, đỏ chín mọng,
sai trĩu.

Đây là thời điểm người dân Dran vào vụ thu hoạch hồng vuông đồng. Năm nay, dù ít nhiều chịu tác động của dịch bệnh nhưng trái hồng vuông đồng vẫn giữ nguyên được vị thế và giá trị của mình bởi chất lượng luôn được duy trì và được thị trường rất ưa chuộng. Nông dân đa phần bán tươi cho các vựa hoặc các cơ sở trên địa bàn để ủ hồng giòn hay thành các loại hồng sấy, hồng treo gió… Cây hồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương. Việc trồng và chăm sóc cây hồng vuông đồng không tốn nhiều công sức. Nhiều gia đình không có công chăm sóc nhưng đến mùa vẫn cho thu hoạch khá.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá hồng giảm 1/3, thậm chí là chỉ còn một nửa. Để tăng thu nhập cũng như giá trị cho trái hồng, nhiều hộ gia đình đã chọn cách ủ hồng giòn hoặc chế biến thành hồng sấy gió.  Toàn huyện Đơn Dương có khoảng 1.000 héc-ta cây hồng, chủ yếu tập trung tại thị trấn Dran theo hình thức cả trồng xen và chuyên canh. Trung bình, mỗi héc-ta trồng hồng cho sản lượng trái từ 15 - 20 tấn, thu nhập trên 200 triệu đồng. Đây là loại cây trồng rất thích hợp để trồng xen, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Trong thời gian tới, địa phương vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm hồng gắn với việc xây dựng thương hiệu và cố gắng duy trì diện tích ổn định 1.000 héc-ta.