Bình Định: Khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS miền núi lần thứ XVI - năm 2022

06:34 PM 18/06/2022 |   Lượt xem: 47 |   In bài viết | 

Tiết mục khai mạc Ngày hội Văn VH-TT các DTTS miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVI - năm 2022

Dự lễ và đánh trống khai mạc có ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các vị nguyên lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành; cùng hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 6 đoàn VH-TT các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh và Tây Sơn.

Phát biểu khai mạc, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho biết: Bình Định tự hào là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, là vùng đất sinh sống của các dân tộc anh em: Kinh, Ba Na Kriêm, Chăm H'roi, Hrê… với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định.

Cách đây hơn 200 năm, các dân tộc anh em: Kinh, Ba Na, Chăm, Hrê đã cùng sát cánh dưới lá cờ đào của ba anh em Nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ làm nên nghiệp lớn đánh tan giặc ngoại xâm, thu non sông về một cõi mà mãi mãi các thế hệ con cháu mai sau vô cùng ngưỡng mộ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, truyền thống văn hóa của các dân tộc anh em trên quê hương Bình Định càng được phát huy trong tình đoàn kết, gắn bó cùng với Nhân dân cả nước giành những thắng lợi vẻ vang, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định và các đại biểu uống rượu cần chung vui cùng đồng bào các DTTS

Bên cạnh đó, thông qua Ngày hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn, phát huy và nâng cao ở nhiều lĩnh vực như: Các lễ hội dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, cùng những hoạt động VH-TT khác..., góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Sau nghi thức đánh trống khai mạc các nghệ nhân, diễn viên của 6 đoàn VH-TT các huyện bước vào phần thi biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Mở màn Ngày hội là chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng của 6 đoàn đến từ các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân. Cả người diễn và người xem cùng đắm mình trong những dòng văn hóa; những sắc màu - giai điệu - tiết tấu đã tái hiện đời sống lao động, văn hóa, nghệ thuật, tình đoàn kết các dân tộc. Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân, diễn viên trình diễn, giao lưu các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là dịp để cộng đồng các DTTS có thêm cơ hội kết nối và thấu hiểu nhau.

Tiết mục khai hội - tốp ca nam, nữ Đảng trong lòng dân do các nghệ nhân, diễn viên đến từ đoàn Vân Canh biểu diễn cuốn hút cho người xem với những câu dân ca Chăm H’roi rộn ràng mời gọi: “Làng Chăm ta đây, làng Chăm hôm nay, bao lớp lớp người đi theo Đảng, Đảng trong trái tim ta, Đảng cho ta cuộc sống ấm no, dạy con Chăm học hành, Đảng sáng soi như ánh mặt trời, tia nắng ấm…”. Màn song tấu trống đôi kơ-toang của đôi diễn viên Văn Mỗn - Văn Định như níu chân người ở lại với phong cách biểu diễn đầy chất tự sự, ngẫu hứng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, trò chuyện, thăm hỏi già làng Lê Văn Ru, huyện Vân Canh

Còn đoàn An Lão gây ấn tượng ở tiết mục hội làng Mừng ngày hội quê ta, với sự hòa âm của 3 loại nhạc cụ truyền thống của người Hrê. Đó là âm thanh chắc khỏe của bộ ba chinh tuk; giai điệu mượt mà, dịu dàng của bộ chinh tiaq và cả âm thanh khỏe khoắn, trầm vang của bộ goang… Hình ảnh già làng Hrê bên ché rượu cần, cây nêu mỗi dịp làng vào hội, cùng hình ảnh các chàng trai, cô gái Hrê với trang phục truyền thống bay bổng trong điệu múa xoang duyên dáng, trẻ trung, sinh động đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, gửi thông điệp tình thân ái của đồng dân tộc Hrê đến với đồng bào các dân tộc anh em khi về tham gia Ngày hội lần này.

Chương trình của các đoàn Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát cũng đã giới thiệu, tôn vinh những làn điệu dân ca, nhạc cụ đặc sắc của đồng bào các DTTS ở địa phương.

Ngày hội cũng là dịp để những người “bạn già” gặp nhau trò chuyện gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc

Không chỉ thưởng thức các tiết mục văn nghệ, đến với Ngày hội, người xem được tìm hiểu, tham quan các trại trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống các dân tộc. Nhờ vậy, khách dự hội sẽ dễ dàng cảm nhận được cuộc sống bình dị, chan hòa tình người của bà con nơi đây.

Chẳng hạn, đến trại của cộng đồng dân tộc Ba Na ở huyện Tây Sơn, mọi người như hiểu hơn về nét kiến trúc độc đáo của nhà rông, như: Nhà rông có kết cấu 8 cột chính; vách, mái nhà dùng vật liệu tranh, tre, mò o, gỗ kiền kiền liên kết với nhau bằng dây mây và kỹ thuật ghép mộng. Cửa chính được làm rộng hơn, thể hiện sức mạnh đoàn kết. Hai bên vách nhà có hai cửa quay về hướng Đông, Tây để đón ánh mặt trời. Trong nhà và trước trại có cây nêu để thực hiện các nghi thức lễ tế, tín ngưỡng truyền thống...

Các đại biểu chung vui cùng với đồng bào

Trong khi đó, đồng bào Chăm H’roi làm nhà rông đơn giản hơn, nhà có 8 cột chính, vách nhà bằng vỏ cây, chỉ có một cửa chính và ba cửa sổ nhỏ xung quanh để đón gió, ánh sáng.

Ông Lê Hùng Cường, ở khu phố Đắk Đưm, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), bày tỏ: “Khách đến tham quan còn được thấy nhiều đạo cụ, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm H’roi, như: Chiêng, trống kơ-toang, đàn goong, và các dụng cụ sinh hoạt, sản xuất được trưng bày bên trong nhà rông”.

(baodantoc.vn)