Hơn bốn nghìn trẻ em dân tộc thiểu số được làm quen với đọc viết và toán

10:48 PM 19/06/2018 |   Lượt xem: 1954 |   In bài viết | 

Sáng ngày, 15-6, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức Hội thảo quốc gia Tổng kết Dự án về Bộ công cụ Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm thí điểm Bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán ( ELM). Đồng thời, ra mắt trang tương tác xã hội hỗ trợ cho các cán bộ quản lý, giáo viên trong quá trình triển khai áp dụng ELM tại địa phương.

Thí điểm ELM là một trong những hoạt động trọng tâm của Dự án Hỗ trợ làm quen với đọc viết và toán cho trẻ mầm non do UBND các huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tiếp nhận và thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em trong giai đoạn 2015 - 2018.

Mục tiêu của dự án góp phần nâng cao sự sẵn sàng đi học và sự phát triển toàn diện của trẻ em dân tộc thiểu số tại địa bàn dự án nên đối tượng hưởng lợi chính của dự án là trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số H'Mông, Dao,Thái và Cơ Tu ở các huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Để hỗ trợ nhóm mục tiêu này, dự án tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non và cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh, người chăm sóc trẻ tại địa phương về thực hành ELM tại trường và tại nhà. Bên cạnh đó, Tổ chức SCI phối hợp với Cục Nhà giáo và CBQL GD triển khai tập huấn báo cáo viên quốc gia về ELM cho các cán bộ quản lý giáo dục mầm non của 25 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.

Đến nay, ước tính đã có hơn bốn nghìn trẻ em dân tộc thiểu số từ ba đến sáu tuổi ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được hưởng lợi trực tiếp từ Bộ công cụ ELM.

Kết quả đánh giá sau ba năm thí điểm được thực hiện bằng Bộ công cụ đánh giá quốc tế về kết quả học sớm của trẻ (IDELA) đã cho thấy mức độ phát triển của trẻ tham gia thí điểm bộ công cụ đều tăng rõ rệt ở các lĩnh vực. Cụ thể, kỹ năng vận động tăng từ 44 - 56%, kỹ năng đọc viết sớm tăng từ 21 - 37%, kỹ năng làm quen sớm với toán tăng từ 38 - 50% và lĩnh vực tình cảm xã hội tăng từ 27 – 32%. Điểm trung bình IDELA cuối kỳ tăng 11% so với trước khi thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, đã có hơn 200 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành Bộ công cụ ELM và gần 2.000 cha mẹ, người chăm sóc trẻ được hướng dẫn phương pháp cùng con học tại nhà.

Một trang website cung cấp đầy đủ thông tin về Bộ công cụ ELM và các tiết học có lồng ghép thẻ hoạt động ELM đã được phát triển và đưa lên mạng để góp phần phổ biến bộ công cụ. Ngoài ra, một trang mạng xã hội đã được xây dựng và vận hành để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm áp dụng Bộ công cụ ELM trong cộng đồng giáo viên mầm non.

Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, bày tỏ sự vui mừng trước trước những kết quả rất khả quan từ việc thí điểm Bộ công cụ ELM, đồng thời khẳng định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và ủy quyền cho Cục Nhà giáo và CBQLGD trong việc điều phối các chuyên gia đầu ngành về GDMN thực hiện việc thẩm định bộ công cụ này để có thể đưa ra áp dụng rộng rãi trên toàn quốc, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa nơi trẻ em dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn cả về điều kiện sống và chất lượng học tập. Chúng tôi kỳ vọng bộ công cụ ELM sẽ hỗ trợ giáo viên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ trong việc cung cấp giáo dục có chất lượng cho trẻ em phù hợp với chương trình giáo dục mầm non quốc gia của Việt Nam”.

Tại hội thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng chính thức giới thiệu trang tương tác mạng xã hội này đến các bên liên quan.

(nhandan.com.vn)