Tuyên Quang: Địa phương duy nhất quy tụ chín ngành Dao

12:23 PM 29/09/2017 |   Lượt xem: 6927 |   In bài viết | 

Lễ cấp sắc của đồng bào Dao

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghi lễ cấp sắc

Xã Sơn Phú, huyện Na Hang có 8 thôn với 617 hộ dân, trong đó có 71% người dân là đồng bào dân tộc Dao. Hiện nay, toàn xã có trên 30 thầy cúng trực tiếp thực hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, đặc biệt là lễ cấp sắc. Nghệ nhân Bàn Kim Sơn, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú cho biết: Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao.

Theo quan niệm của đồng bào, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Trong lễ cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên Trong lễ cấp sắc, tiếng trống, tiếng khèn pí lè, tiếng chuông, tiếng chũm chọe, thanh la, tù và... luôn nổi lên dồn dập, náo nức.

Không gian hành lễ của mỗi ngành Dao mang đặc trưng riêng, có thể dễ dàng nhận biết dựa trên đàn cúng, tranh thờ, nhạc cụ, lễ vật và trang phục của người tham gia cấp sắc. Về hình thức, trong chín ngành Dao có thể chia làm ba dạng tổ chức lễ cấp sắc, đó là: Nghi lễ cấp sắc trong nhà, ngoài trời kết hợp với múa, các trò dân gian được thực hiện ở đồng bào Dao Thanh Y, Dao Quần Trắng, Dao Áo Dài; Lễ cấp sắc trong nhà được thực hiện ở đồng bào Dao Tiền, Dao Coóc Ngáng; Cấp sắc trong nhà, sau đó ra ngoài trời gọi Ngọc Hoàng chứng giám thực hiện ở người Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Coóc Mùn, Dao Ô Gang…

Với những giá trị đặc sắc, tháng 11.2013, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc sắc nghệ thuật hát Páo Dung

Hát Páo Dung được coi là như một trong những báu vật văn hóa của dân tộc Dao. Hát Páo Dung thể hiện những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Ở mỗi ngành Dao, Páo Dung lại được biểu diễn khác nhau, có vùng thì với âm điệu trầm kéo dài, có vùng âm điệu lại cao, bay bổng.

Theo nghệ nhân Chu Tuần Ngân ở thôn Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, hát Páo Dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất của cộng đồng dân tộc Dao. Tuy có sự khác nhau về cách thể hiện giữa các ngành của đồng bào Dao nhưng những làn điệu Páo Dung của đồng bào Dao ở Tuyên Quang có nét chung là đều đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo. Nghệ thuật hát Páo Dung được chia thành nhiều loại hình: Páo Dung sinh hoạt (gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên), Páo Dung trong các nghi lễ tín ngưỡng, hát Páo Dung và múa Lệ Miên (có các nhạc cụ, đạo cụ thích hợp trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang), Páo Dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên. Với những nét độc đáo, nghệ thuật hát Páo Dung đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ông Trần Đức Thắng, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong những năm qua, Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa người Dao được thành lập và duy trì hoạt động hơn ba năm nay với đủ đại diện của chín ngành đồng bào dân tộc Dao. Thời gian tới tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xây dựng nhiều đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Dao. Ngành VHTTDL tỉnh Tuyên Quang cũng lên kế hoạch kiểm kê toàn diện về văn hóa dân tộc Dao tại hai huyện Na Hang, Lâm Bình; chú trọng việc sưu tầm bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, khôi phục các làng nghề và trang phục của đồng bào Dao.

(Theo baovanhoa.vn)