Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Một quyết tâm vì cộng đồng không ma túy

12 giờ trước |   Lượt xem: 248 |   In bài viết | 

Từng bước loại bỏ cây thuốc phiện ra khỏi cuộc sống của đồng bào dân tộc

Chủ đề “Chung một quyết tâm - Vì cộng đồng không ma túy” cho “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2025 đã thể hiện rõ sự đồng lòng của các cấp, các ngành trong cuộc chiến cam go này.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã triển khai những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2025 thông qua việc tăng cường chỉ đạo, phối hợp và đa dạng hóa tuyên truyền.

Thống nhất từ Trung ương đến cơ sở vì mục tiêu không ma túy

Sự thành công của một chiến dịch luôn bắt nguồn từ công tác chỉ đạo điều hành sát sao. Ngay sau khi có Công văn số 4685/VPCP-KGVX ngày 27/5/2025 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã nhanh chóng thể hiện vai trò tiên phong của mình.

Bộ đã ban hành Công văn số 885/BDTTG-TTCTDTTG vào ngày 13/6/2025, kịp thời gửi đến các Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Nội vụ có ban dân tộc và tôn giáo hoặc phòng tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Công văn này đã chỉ đạo cụ thể việc tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025” trong vùng DTTS&MN.

Ở cấp địa phương, các cơ quan công tác dân tộc của các tỉnh, thành phố đã phát huy vai trò chủ động, tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai các hoạt động hưởng ứng một cách đồng bộ.

Điều này cho thấy một cơ chế phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thông suốt từ trung ương đến cơ sở, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Giao lưu truyền thông nhằm phổ biến pháp luật, lồng ghép tuyên truyền luật phòng chống ma túy tại Tân Lập, tỉnh Hòa Bình (cũ)

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tăng cường nhận thức cộng đồng

Tuyên truyền là yếu tố cốt lõi để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác phòng, chống ma túy.

Trong “Tháng hành động”, các hoạt động tuyên truyền đã được triển khai một cách đa dạng và sâu rộng.

Tại Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các Vụ, đơn vị đã quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy tại cơ quan, đơn vị mình.

Nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy được lồng ghép hiệu quả vào các lớp tập huấn, hội thảo về công tác dân tộc. Thông điệp “Chung một quyết tâm - Vì cộng đồng không ma túy” đã được hiển thị trên bảng điện tử tại trụ sở Bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa và nhắc nhở thường xuyên về mục tiêu chung.

Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã tích cực hưởng ứng, tham gia Tháng hành động phòng, chống ma túy. Học viện Dân tộc và các Trường thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tận dụng các nền tảng trực tuyến như Website, Fanpage của nhà trường để tuyên truyền.

Nhiều hoạt động tuyên truyền trực tiếp đã được tổ chức cho cán bộ, giáo viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên, trọng tâm là nhấn mạnh hậu quả, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy núp bóng các loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử.

Chương trình “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống ma túy học đường trong vùng đồng bào DTTS&MN” tại Trường THCS và THPT Nà Phặc, tỉnh Bắc Kạn (cũ)

Kênh thông tin đại chúng cũng được khai thác hiệu quả. Các đơn vị thông tin, báo chí của Bộ đã tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về phòng, chống ma túy, nhất là các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; xây dựng và đăng tải nhiều tư liệu, tài liệu truyền tải thông điệp ý nghĩa, cũng như giới thiệu các gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống ma túy tại vùng DTTS&MN.

Tại các tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN, công tác tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa bàn. Công tác nắm tình hình triển khai phòng, chống ma túy ở địa phương cũng được tăng cường.

Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền.

Nhiều hình thức đa dạng đã được áp dụng như tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy trên loa phát thanh của xã, huyện tại khu dân cư có đông đồng bào DTTS sinh sống , phát tờ rơi, treo băng rôn, panô trên các tuyến đường.

Nội dung tuyên truyền không dừng lại ở việc cảnh báo tác hại của ma túy mà còn vận động đồng bào DTTS không trồng cây có chứa chất ma túy, nâng cao nhận thức về hậu quả, tác hại của ma túy kết hợp với triển khai các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Đặc biệt, việc vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia tố giác tội phạm ma túy, phát hiện kịp thời thông báo cho cơ quan Công an và không để kẻ xấu lợi dụng, kích động Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng DTTS&MN đã được đẩy mạnh.

Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống ma tuý vùng đồng bào DTTS&MN tại Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

Các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cũng được lồng ghép tổ chức đến người có uy tín và đồng bào DTTS.

Điển hình như tỉnh Phú Thọ đã tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy tại huyện Yên Lập, Thanh Sơn với 420 người tham gia. Tỉnh cũng in và cấp phát 2.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy tại địa bàn các xã vùng DTTS&MN.

Tỉnh Hòa Bình (cũ) tổ chức 11 lớp với 694 học viên là Bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm; trưởng và phó các đoàn thể của xóm và đại diện các hộ dân tại nhiều xã thuộc các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn, Đà Bắc.

Tại tỉnh Thanh Hóa, 03 hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã được tổ chức trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới cho 575 đại biểu là cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản, người có uy tín và người dân.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp của các sở, ban, ngành trong thực hiện công tác phòng, chống ma túy vùng DTTS&MN được tăng cường, bao gồm các hoạt động như cai nghiện; chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện.

Trang tin điện tử của các Sở Dân tộc và Tôn giáo cũng tăng cường đưa tin, bài, ảnh, phóng sự về phòng, chống tệ nạn ma túy, nhằm cung cấp thông tin bổ ích và nâng cao nhận thức.

Công an địa phương thông tin về tác hại của ma túy và vận động đồng bào dân tộc Mông không tái trồng cây thuốc phiện tại bản Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu

Phát huy vai trò cộng đồng, xây dựng vùng DTTS&MN không ma túy

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới.

Đó là, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo các văn bản, các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tội phạm ma túy, đặc biệt là Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Bộ cũng tiếp tục hướng dẫn cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy phù hợp với tình hình hiện nay.

Công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy sẽ tiếp tục được đổi mới, chú trọng hơn nữa đến các đối tượng dễ bị mắc các tệ nạn về ma túy, mại dâm, cũng như quan tâm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là phát động toàn dân tham gia vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện, quản lý giúp đỡ người nghiện sau cai nghiện, nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, sẽ phân công các tình nguyện viên tăng cường tiếp cận tuyên truyền cho gia đình người nghiện và người trong diện có nguy cơ nghiện ma túy.

Phát huy vai trò nòng cốt của già làng, người có uy tín trong công tác phòng, chống ma túy vùng đồng bào DTTS&MN

Cuối cùng, việc tiếp tục phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tội phạm ma túy và mua bán người ở từng thôn, bản, phum, sóc, cộng đồng dân cư là yếu tố then chốt để công tác này đạt được hiệu quả bền vững.

Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm cao của Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong việc xây dựng một cộng đồng không ma túy, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi công tác phòng, chống ma túy còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Thuần Linh