Cải cách thủ tục hành chính đi vào thực chất với Đề án 30

03:32 AM 11/11/2010 |   Lượt xem: 3083 |   In bài viết | 

 Ngày 9/11, Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

Việc giám sát cải cách các thủ tục hành chính thuộc năm lĩnh vực là đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan cho thấy, những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực  trong việc hoàn thiện các quy định  về TTHC theo định hướng xóa bỏ cơ bản các TTHC mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân, hoàn thiện  các TTHC mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho người dân.

Chính phủ đã công bố được Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet với 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC; chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10.000 bộ TTHC cấp xã xuống còn 63,  từ 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ… Các bộ TTHC mới cơ bản đã rút ngắn được thời gian và giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng tình với chuyển biến căn bản của việc cải cách TTHC, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho biết, đánh giá mới nhất về môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho biết Việt Nam được xếp trong top 10 nền kinh tế cải cách tốt nhất, đứng thứ 78/183 quốc gia, tăng 10 bậc về môi trường kinh doanh, đạt thứ hạng cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Đây là đánh giá cụ thể nhất, khách quan nhất về thành tựu của Đề án 30, Đại biểu Hải nhấn mạnh.

Cần đột phá ở khâu con người

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng  trong một số lĩnh vực vẫn còn nhiều TTHC rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch còn khá phổ biến. Đây là một nguyên nhân cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng nguyên nhân của những hạn chế trong cải cách TTHC là do chưa có sự phân định rạch ròi giữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp.

Theo bà Thanh, hiện nhiều TTHC vẫn đẩy những việc mà chính quyền chưa làm được cho người dân.

Bà Thanh lấy ví dụ, trách nhiệm quản lý hộ khẩu, hộ tịch, quản lý các doanh nghiệp… là trách nhiệm của nhà nước. Do đó, khi thực hiện các TTHC, cán bộ, công chức phải quản lý, sử dụng, khai thác các thông tin đó, không nên yêu cầu người dân và doanh nghiệp phải cung cấp.

Một nguyên nhân khác theo đại biểu Đinh Thị Hải (Đồng Nai) nhấn mạnh là chất lượng làm luật chưa cao, tính khả thi của luật còn hạn chế, những quy định trong luật chưa sát hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, dù quy trình thực hiện TTHC đã được niêm yết đầy đủ, nhưng người dân  và thậm chí ngay cả cán bộ viên chức vẫn khó có thể làm theo. Đó cũng là lý do khiến  người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền cho một cá nhân, tổ chức trung gian giúp họ mọi thủ tục để khỏi mất thời gian, khỏi bị phiền hà.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Kạn) cho rằng cần đột phá vào khâu con người và cơ chế tiền lương, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Chế độ tiền lương của cán bộ, công chức còn nhiều bất cập là nguyên nhân dẫn đến các tiêu cực trong việc thực hiện TTHC.

Quỳnh Hoa (Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ)