Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh dự phiên họp thường kỳ Quý III năm 2022 của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội
03:13 PM 21/09/2022 | Lượt xem: 3446 In bài viết |Sáng ngày 21/9/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã tổ chức phiên họp thường kỳ Quý III năm 2022 của Hội đồng Quản trị (HĐQT). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng chủ trì phiên họp. Tham dự có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT); các đồng chí Ủy viên HĐQT, Tổ tư vấn.
Theo báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2022, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH ước đến 30/9/2022 đạt 289.585 tỷ đồng, tăng 33.181 tỷ đồng (+13%) so với năm 2021. Kế hoạch tăng trưởng dự nợ được ưu tiên tập trung vào một số chương trình tín dụng cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Đến 30/9/2022, tổng doanh số cho vay toàn hệ thống ước đạt 76.215 tỷ đồng, tăng 14.982 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, với trên 1.780 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tổng dự nợ tín dụng chính sách ước đạt 274.580 tỷ đồng, tăng 26.611 tỷ đồng (+10,7%) so với năm 2021, với trên 6.432 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dự nợ tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm (cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm...) đạt 203.034 tỷ đồng, chiếm 74% tổng dư nợ.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ, tạo việc làm cho trên 660 nghìn lao động, giúp trên 4,9 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 17 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho hơn 82 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho trên 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xây dựng khoảng 1.140 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng hơn 01 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 07 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng phát biểu ý kiến kết luận phiên họp
Đến 30/9/2022, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dự nợ ủy thác ước đạt 268.785 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dư nợ, trong đó: Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,4%; Hội Nông dân chiếm 30,2%; Hội Cựu chiến binh chiếm 17%; Đoàn Thanh niên chiếm 14,4%. Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 10.430 điểm giao dịch xã, với 168.966 tổ tiết kiện và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, cùng với các hoạt động khác, NHCSXH đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719); phối hợp với UBDT ban hành Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG 1719; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG 1719...
Đồng tình với dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm của NHCSXH, với nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt như: huy động vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, hoàn thiện cơ chế chính sách... các đại biểu tham dự phiên họp đánh giá nguồn vốn của NHCSXH đã đến được với các đối tượng triển khai chính sách, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ hơn các nguyên nhân tồn tại, hạn chế và tác động đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng nguồn vốn để giải quyết việc làm; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở các địa phương, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, tập huấn...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu ý kiến tại phiên họp
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh bày tỏ sự đồng tình với các nội dung dự thảo báo cáo và các nhóm kiến nghị của NHCSXH, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến UBDT và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. UBDT sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành để hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo tiến độ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị NHCSXH tập trung đẩy nhanh tiến độ báo cáo Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 để tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm căn cứ, cơ sở triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong dài hạn của NHCSXH. Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn NHCSXH tiếp tục đồng hành, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với UBDT để triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 và các chính sách khác cho đồng bào DTTS trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng đánh giá thời gian qua, bối cảnh khó khăn chung đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Các hoạt động để NHCSXH ngày càng phát huy hiệu quả hơn sẽ góp phần ổn định KT-XH. Đồng tình và đánh giá cao sự cố gắng của NHCSXH, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Ban Điều hành NHCSXH tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo; phân tích, làm rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan để có những giải pháp cụ thể; tiếp tục phối hợp để mở rộng nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro; nghiêm túc triển khai các công việc sau kiểm toán; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hoàn thiện các văn bản theo tiến độ được giao...