Góp ý dự thảo “Báo cáo rà soát quốc gia 25 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh từ khía cạnh bình đẳng giới trong dân tộc thiểu số”
06:53 PM 11/07/2019 | Lượt xem: 5404 In bài viết |Ngày 11/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Cơ quan phụ nữ của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) và Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Báo cáo rà soát quốc gia 25 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh từ khía cạnh bình đẳng giới trong dân tộc thiểu số (DTTS). Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, có đại diện của UN WOMEN; Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam; các bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT; một số tổ chức dân sự xã hội; đại diện Ban Dân tộc và Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh Cà Mau, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình.
Phụ nữ có sự đóng góp rất lớn trong sự tồn tại và phát triển của thế giới. Nhưng trên thực tế, phụ nữ vẫn chưa được đối xử bình đẳng và ghi nhận công sức đóng góp cho xã hội một cách xứng đáng. Tháng 9 năm 1995, tại Bắc Kinh – Trung Quốc, đã diễn ra Hội nghị toàn cầu lần thứ tư về phụ nữ với sự tham dự của đại diện Chính phủ của hơn 180 quốc gia. Hội nghị đã ký kết và thông qua Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Việt Nam là một trong số các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã cam kết thực hiện Cương lĩnh hành động này.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh cho biết, trong 25 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp, chương trình hành động để thực hiện những cam kết với thế giới về phụ nữ, về giới và bình đẳng giới với mong muốn thúc đẩy sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và thách thức trong thực hiện bình đẳng giới nhất là trong DTTS. Khu vực DTTS là nơi có trình độ dân trí và mặt bằng giáo dục thấp, các phong tục tập quán lạc hậu ăn sâu vào tư tưởng định kiến giới, trọng nam khinh nữ, đặc biệt, nghèo đói là vấn đề mà quá nhiều phụ nữ và trẻ em giái phải chị đựng; mù chữ, tái mù trong phụ nữ DTTS cao, còn 21% phụ nữ DTTS chưa biết đọc, chưa biết viết, cần phải đặt ra giải pháp làm sao xóa mù chữ bền vững cho phụ nữ DTTS. Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng là một trong những tác động ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của phụ nữ DTTS...
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, UBDT là cơ quan quản lý nhà nước, nhận thấy việc tham gia vào thực hiện “Rà soát toàn diện cấp quốc gia” và “Báo cáo quốc gia về thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh” từ khía cạnh bình đẳng giới trong DTTS là việc làm thiết thực để góp phần thực hiện, hưởng ứng Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và nâng cao nhận thức bình đẳng giới vùng DTTS, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa UBDT và UN WOMEN. Trên cơ sở nhìn nhận thẳng thắn vấn đề bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm kỳ vọng Hội thảo sẽ tổng hợp được nhiều ý kiến quý báu để đóng góp vào Báo cáo quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các nội dung về: “Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh” và “Hướng dẫn rà soát toàn diện cấp quốc gia việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh”; “Bảng câu hỏi về nội dung rà soát toàn diện cấp quốc gia về thực hiện Tuyên bố và Cương linh hành động Bắc Kinh” từ khía cạnh bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS; Đề cương báo cáo quốc gia 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh.
Trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm, các đại biểu đã chia nhóm, tập trung thảo luận theo từng nhóm vấn đề, đi sâu vào từng lĩnh vực. Các ý kiến thảo luận đã đề cập và cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong vùng DTTS trong những năm qua; những vấn đề và khó khăn, thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái đang gặp phải; đề xuất các ưu tiên hàng đầu để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì phụ nữ và trẻ em gái... Các ý kiến cũng đi vào cụ thể, tập trung vào các vấn đề giảm nghèo, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bạo lực gia đình và bảo vệ môi trường.
Tổng kết các ý kiến thảo luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tư – Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số UBDT ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo. Các ý kiến thể hiện trách nhiệm, giúp làm rõ các vấn đề xoay quanh các lĩnh vực về giảm nghèo, giáo dục, y tế, bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường gắn với bình đẳng giới vùng DTTS. Đây sẽ là những nội dung hữu ích bổ sung cho Báo cáo quốc gia 25 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Xuân Thường